Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Xã hội Hy Lạp, La Mã là xã hội chiếm hữu nô lệ. Năm 476, đế quốc Tây La Mã diệt vong. Sự kiện đó đánh dấu chế độ chiếm hữu nô lệ kết thúc, từ đó, các vương quốc mới thành lập trên đất đai của Tây La Mã không tiếp tục duy trì chế độ chiếm hữu nô lệ mà đi vào con đường phong kiến hóa.
Vậy chế độ phong kiến là gì? Đó là một hình thái kinh tế xã hội trong đó có hai giai cấp cơ bản là giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp nông dân. Giai cấp địa chủ phong kiến chiếm hầu hết ruộng đất trong xã hội, còn giai cấp nông dân thì bị mất ruộng đất nên phải cày cấy ruộng đất của địa chủ, do đó bị giai cấp địa chủ bóc lột bằng địa tô và các hình thức cưỡng bức siêu kinh tế khác.
Ở Tây Âu, quá trình phong kiến hóa ở vương quốc Phrăng diễn ra tương đối tiêu biểu.
Trong quá trình chinh phục, vua Phrăng đã đem những vùng đất rộng lớn phong cho những người thân cận của mình lập thành những lãnh địa. Đồng thời còn phong cho họ các tước hiệu quý tộc như Công, Hầu, Bá. Các lãnh địa và các tước hiệu quý tộc đều được truyền cho con cháu. Như vậy, chính sách phân phong ruộng đất của vương quốc Phrăng đã tạo nên một giai cấp mới là giai cấp lãnh chúa phong kiến, đồng thời cũng là giai cấp quý tộc.
Đây là giai cấp ít được học văn hóa nhưng lại có tinh thần thượng võ cao. Họ lấy việc chiến đấu làm nghề nghiệp, lấy săn bắn thi võ làm trò tiêu khiển, lấy việc đấu kiếm làm biện pháp để giải quyết xích mích và mâu thuẫn. Sau khi hình thành, giai cấp quý tộc phong kiến ở phương Tây là một giai cấp đóng kín. Họ yêu cầu phải mãi mãi giữ gìn sự thuần khiết của dòng máu quý tộc, do đó những cuộc hôn nhân giữa quý tộc và những người thuộc các giai cấp khác đều bị cấm.
Xuất hiện đồng thời với giai cấp lãnh chúa phong kiến là giai cấp nông nô. Trừ một bộ phận nhỏ do nô lệ biến thành, phần lớn nông nô vốn là nông dân tự do có ruộng đất riêng. Nhưng do việc chiếm đoạt ruộng đất của chúa phong kiến, họ bị mất ruộng đất và bị lệ thuộc vào các lãnh chúa và phải nộp địa tô cho lãnh chúa và phải chịu nhiều nghĩa vụ khác.
Ở Tây Âu, địa tô có ba hình thức: tô lao dịch, tô sản phẩm và tô tiền. Trong thời kỳ đầu, hình thức địa tô được áp dụng phổ biến là tô lao dịch. Với hình thức địa tô này, mỗi hộ nông nô được lãnh chúa giao cho một mảnh đất để làm ăn sinh sống. Vì nhận mảnh đất đó, họ có nghĩa vụ mỗi tuần phải đem theo súc vật và nông cụ đến làm việc trên ruộng đất của chủ từ 3 đến 4 ngày. Như vậy, cái mà lãnh chúa bóc lột nông nô chính là những ngày lao động không công trong tuần. Về sau, do sự phát triển của kinh tế hàng hóa, tô lao dịch được thay dần bằng tô sản phẩm và tô tiền.
Sau khi trở thành nông nô, nông nô vĩnh viễn không được rời khỏi mảnh đất mà lãnh chúa giao cho mình, do vậy thân phận nông nô cũng cha truyền con nối cho đến khi chế độ nông nô tan rã mới chấm dứt.
Sự hình thành quan hệ lãnh chúa nông nô diễn ra từ thế kỷ V đến thế kỷ X. Vì vậy, thời kỳ này gọi là thời kỳ hình thành chế độ phong kiến. Trong thời kỳ này, nền kinh tế ở phương Tây mang nặng tính tự cấp tự túc. Kinh tế hàng hóa không tồn tại.
Bắt đầu từ thế kỷ XI, thành thị công thương nghiệp ở Tây Âu ra đời. Từ đó, kinh tế hàng hóa phát triển nhanh chóng và trong xã hội xuất hiện một tầng lớp cư dân mới, đó là tầng lớp thị dân.
Khi mới ra đời, thành thị được xây dựng trên đất đai của chúa phong kiến, thị dân là những nông nô từ nông thôn trốn ra thành thị, vì vậy thành thị bị lệ thuộc vào lãnh chúa phong kiến. Sang thế kỷ XII, XIII, một khi kinh tế của thành thị đã giàu, thế lực của thị dân đã mạnh, các thành thị đã dùng nhiều biện pháp để đấu tranh với lãnh chúa nhằm giành quyền tự trị cho thành thị và quyền tự do cho thị dân. Kết quả là, tất cả các thị dân đều thoát khỏi sự lệ thuộc vào lãnh chúa cũ và các thành thị giành được quyền tự trị với những mức độ khác nhau. Đặc biệt do có nền công thương nghiệp phát triển và do chính quyền phong kiến suy yếu, các thành phố Vênêxia, Phirenxê, Giênôva, Milanô, Pida ở Ý được độc lập hoàn toàn và trở thành những nước cộng hòa thành thị.
Sự ra đời của thành thị vào thế kỷ XI đánh dấu chế độ phong kiến ở Tây Âu bước vào thời kỳ phát triển, nhưng trong đó đã tiềm ẩn những nhân tố làm tan rã chế độ phong kiến. Do có nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, ở một số thành thị Ý như Vênêxia, Phirenxê..., từ thế kỷ XIV, mầm mống của chủ nghĩa tư bản đã ra đời. Đến thế kỷ XVI, chủ nghĩa tư bản đã xuất hiện phổ biến ở Tây Âu. Cũng từ đó, chế độ phong kiến bước vào thời kỳ tan rã.
Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục