Sự hiện diện của văn hiến Thăng Long

Bút Nghiên

ButNghien.com
Sự hiện diện của văn hiến Thăng Long
NGUYỄN VINH PHÚC​

Phương Tây không có khái niệm văn hiến. Chỉ ở Việt Nam, Trung Quốc và những nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo mới có khái niệm này.

Ở Việt Nam có lẽ chữ văn hiến được đưa vào văn chương từ bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (1428):

Duy ngã Đại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang

Nghĩa là:

Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Nền văn hiến ấy thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam không chỉ ở "núi sông bờ cõi đã chia" mà còn ở phong tục Bắc, Nam cũng khác", bản sắc ấy không chỉ ở truyền thống văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ "mạnh yếu khác nhau" mà còn ở sự tiếp nối không ngừng của các thế hệ anh hùng hào kiệt trong lịch sử Việt Nam:

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Nhưng hào kiệt đời nào cũng có.

Cũng ở thế kỷ XV trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội khoa Quang Thuận thứ 4 (1463) có ghi: "Học trò may được khắc trên bia đá này, phải theo danh nghĩa sửa đức hạnh, bắt chước tính giữ gìn văn hiến".

Thế kỷ XIX, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã viết: "Khi nhà Lê dựng nước, văn hóa lại thịnh dần, hơn 300 năm chế tác đầy đủ kỹ càng, văn hiến đứng đầu trung châu, điển chương rạng cả triều đại" (Văn tịch chí, bản dịch, quyển 4, tr. 41).

Như vậy, từ văn hiến đã khái quát những truyền thống tốt đẹp tạo nên sức mạnh tinh thần bất diệt của dân tộc. Và văn hiến Thăng Long lại chính là sự kết tinh của văn hiến dân tộc, đồng thời là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hiến ấy.

Nói vậy không phải là suy diễn mà thực ra là khớp với giới thuyết về chữ văn hiến được dùng trong các sách kinh điển cổ.

Chu Hy một đại nho đời Tống (Trung Quốc) đã giải thích: Văn, điển tịch dã; hiến, hiền dã. Có thể hiểu văn tức là văn hóa, lễ nghi, khuôn phép, trước tác, sách vở; hiến chỉ những người hiền tài, hào kiệt.

Như vậy, có thể khẳng định rằng khái niệm văn hiến không chỉ bao hàm nội dung văn hóa, văn minh mà còn chứa đựng một yếu tố quan trọng, là những hiền tài. Nền văn hiến của một dân tộc bao gồm trình độ văn minh và khối lượng những hiền tài trí thức của dân tộc đó. Văn hiến biểu hiện tầm vóc mà một dân tộc đã đạt được trong quá trình sử dụng thiên nhiên, hoàn thiện đời sống xã hội, không ngừng đào tạo ra những con người ưu tú cả về trí tuệ, phẩm chất và tài năng.

Trở lại với văn hiến Thăng Long, chắc chắn là hình thành cùng với kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, văn hiến Thăng Long không phải bắt đầu từ con số không. Hàng ngàn năm trước đó đã chuẩn bị cho sự ra đời và phát triển của nó. Văn hiến Thăng Long là sự tiếp nối và nâng cao của những phẩm chất của con người Việt Nam đã được rèn đức suốt bao nhiêu thế kỷ chiến đấu để tồn tại và phát triển. Không thể hiểu được văn hiến Thăng Long nếu như bỏ qua những giá trị vật chất và tinh thần mà tổ tiên ta đã tạo dựng từ trước Thăng Long và để lại cho Thăng Long.

* *​

Từ năm 1010 - bước ngoặt, những tài khéo của khắp nơi tập hợp về đây lập ra phố ra phường tạo nên những kỳ tích văn minh văn hóa. Nghề đúc đồng đã làm ra "Tứ đại khí" bốn báu vật của nước Nam trong đó hai cái ở Thăng Long (chuông Quy Điền và tháp Báo Thiên). Nghề gốm sứ đã tạo ra những ngói vàng ngói bạc điểm tô cho các lớp mái cong của các cung điện chùa chiền. Trong hội đèn Quảng Chiếu bên bờ sông Cái đời Lý có đèn làm hình nhà sư vặn máy biết giơ dùi đánh chuông, nghe tiếng sáo biết quay mặt lại. Cũng trên sông Cái, thuở đó có máy Kim ngao hình con rùa lớn bơi được trên mặt nước. Mắt rùa lúng liếng, miệng rùa phun nước, đầu rùa cử động, biết cả cúi chào. Văn Miếu, miếu của văn chương, văn vật đã ra đời chỉ sáu chục năm sau khi định đô và trường đại học đầu tiên của đất nước - Quốc Tử Giám - được thành lập chỉ sáu năm sau khi lập Văn Miếu. Văn học Thăng Long đã hình thành từ tác phẩm mở đầu làm Chiếu dời đô đến thơ văn của những thiền sư, danh sĩ và cả danh tướng nữa của đời Lý.

Tất cả đã là những biểu thị của một nền văn hiến Kinh kỳ.

Ở các triều đại sau, văn hiến Thăng Long ngày một phát triển. Ở Khâm Thiên giám, đời Trần, Đặng Lộ làm ra máy lung linh nghi quan sát bầu trời, vạch ra đường đi của các vì sao mà soạn ra lịch riêng cho nước Việt. Đời Lê, Lương Thế Vinh và Vũ Hữu soạn ra sách toán học, so với nay là sơ học, nhưng ở thế kỷ XV thì không phải là ai cũng soạn được. Quy hoạch Thăng Long thời ấy gồm 36 phường, phường trồng hoa, phường trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, phường nhuộm điều, phường làm quạt, phường là bến cảng... thuyền khách thương mạn ngược, mạn xuôi, thuyền Trung Hoa, Nhật Bản, Anh, Hà Lanh tới lui nhộn nhịp tạo ra cảnh "phồn hoa thứ nhất Long Thành". Văn hóa vật chất phát triển thúc đẩy sự tiến bộ của văn minh, Vũ Như Tô thế kỷ XVI xây dựng bên Hồ Tây đài Cửu Trùng trăm nóc, bệ ngọc, thềm vàng. Thăng Long với những hồ nước mênh mang lơ thơ tơ liễu, những dặm đường hoa hòe hoe hoe vàng khi thu muộn, những rặng bàng vào lúc đầu thu lá đỏ như đuốc lửa đốt trời.

Về văn học, Thăng Long, trên bến Bồ Đề Nguyễn Trãi viết cáo Bình Ngô và làm thơ quốc âm. Nguyễn Giản Thanh soạn phú Phụng Thành xuân sắc ca ngợi kinh kỳ là một nơi "văn vật thanh danh". Rồi Đặng Trần Côn viết Chinh phụ ngâm ở làng quê Kẻ Mọc, Nguyễn Gia Thiều viết Cung oán ngâm khúc bên bờ hồ Tây. Hồ Xuân Hương ở chân núi Khán Sơn làm thơ lỡm đời. Nguyễn Du viết thơ về hồ Tây, hồ Giám, về phường Hà Khẩu - Hàng Buồm. Trong làng hoa Nghi Tàm, bà Huyện Thanh Quan làm những bài thơ lời đẹp, tình sâu. Cùng thời với bà, Hà Nội có Thần Siêu, Thánh Quát, có ông nghè Đông Tác Nguyễn Văn Lý, ông nghè Tự Tháp Vũ Tông Phan mà tư cách và học vấn đã làm sáng danh cho kẻ sĩ Bắc Hà.

Cũng từ những thời gian xa x¬a ấy, lối sống tinh tế phóng khoáng đầy chất văn hóa đã đi vào đời sống kinh thành. Tranh dân gian Hàng Trống, Hàng Nón in đậm nét tươi vào thời gian. Nhạc và hát múa dân gian còn rung vang âm hưởng trong không gian qua các làn điệu chèo tuồng, ca trù ở Hòe Nhai, Giáo Phường, Kim Nỗ, Lỗ Khê và các hội lễ nổi tiếng khắp đồng bằng sông Hồng: Hội Gióng, hội Láng, hội Đăm...

Nền văn hiến đó tiếp tục phát triển ngay cả trong thời Pháp thuộc. Ở những năm đầu của thế kỷ XX, Đông Kinh nghĩa thục là phong trào văn hóa, giáo dục tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của trí thức Hà Nội. Tuy ra đời chậm hơn Sài Gòn, nhưng báo chí Hà Nội cũng nhanh chóng chiếm vị trí đáng nể với các tờ báo và tạp chí vang danh khắp nước: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Phong Hóa, Ngày Nay, Tiếu thuyết thứ bảy... Phong trào Thơ Mới nếu coi như bắt đầu bằng bài Con ve sầu và con kiến của Nguyễn Văn Vĩnh hoặc bằng bài Đờn là đờn, thơ là thơ của Tản Đà thì cũng là nhóm lên từ Hà Nội. Với nhóm Tự lực văn đoàn, văn xuôi Việt Nam bước vào phạm trù hiện đại. Tân nhạc được Nguyễn Văn Tuyên soạn và trình diễn đầu tiên ở Hà Nội. Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội đào tạo những họa sĩ hiện đại tài danh mở đầu cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Phim truyện đầu tiên của Việt Nam là bộ phim Kim Vân Kiều làm năm 1921 do các diễn viên rạp Quảng Lạc thủ vai, quay ngoại cảnh ở làng Bưởi. Từ 1869 Hà Nội đã có hiệu ảnh ở gần Ô Quan Chưởng. Nam giới đầu tiên ở miền Bắc cắt tóc ngắn, mặc Âu phục là con trai Hà Nội. Nữ giới vấn tóc trần, mặc quần áo tân thời đầu tiên cũng là con gái ở Hà Nội.

Đến khi tư tưởng cách mạng vô sản được truyền bá vào Việt Nam thì ở Hà Nội một mạch dòng văn hóa mới hình thành, lấy chủ đề là nhân dân, là người lao động. Mạch dòng đó đã mang một diện mạo mới với một quan niệm "sống vì mọi người" và những hành động đầy giá trị nhân bản (như bỏ cuộc sống sung túc, bỏ chức vị, đi vô sản hóa để hiểu cuộc sống những người cùng khổ...), với những vần thơ bi tráng viết trong ngục Hỏa Lò, với cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa duy vật, cho nghệ thuật "vị nhân sinh", với những báo chí bí mật rồi công khai và đặc biệt với Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), được ông Trường Chinh khởi thảo ở An toàn khu bên tả ngạn sông Hồng, một cương lĩnh văn hóa tới tận bây giờ vẫn là sáng giá. Mạch dòng văn hóa đó chảy theo dòng lịch sử, với tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại, với Cách mạng tháng Tám 1945, với hai cuộc kháng chiến thần kỳ và với sự nghiệp đổi mới hiện nay, đã tự khẳng định những giá trị nhân bản, đã đi vào ổn định và chịu được sự thử thách của thời gian, tạo nên nền văn hóa mới có gian lưu, có tiếp biến, có sự cấu trúc lại để phát huy truyền thống kết hợp với hiện đại, cách tân nhưng không xa rời bản sắc dân tộc, và xứng đáng là văn hóa của một vùng kinh kỳ nghìn năm văn hiến.

* *​

Thực ra, khi nói về Thăng Long - Hà Nội thì ai ai cũng cho rằng đây là dải đất của tinh hoa Việt Nam, dải đất của văn minh, thanh lịch. Đành rằng, hầu hết Thủ đô nước nào cũng vậy, là nơi hội tụ những gì tiêu biểu của mọi vùng đất nước. Nhưng riêng Hà Nội, chỉ tính từ thời định đô cũng đã gần một ngàn năm, cả ngàn năm thu hút nhân tài bách nghệ bốn phương. Tài tử giai nhân từ bốn phương trong nước trải hàng chục thế kỷ lần lượt kéo về đây sinh cơ lập nghiệp, tao ra các phố phường, các thế hệ đã đem đến những lề thói của địa phương mình, chắt lọc, hun đúc lại, tạo nên cái tinh hoa kinh kỳ. Thêm vào đó, trải ngàn năm, việc giao lưu quốc tế cũng diễn ra thường trực, càng về sau càng thường xuyên hơn, lắm vẻ hơn thời trước. Cho nên Thăng Long - Hà Nội đúng là đã tiếp thu mọi tài hoa của các vùng, nhào nặn lại, nâng cao lên theo yêu cầu của đời sống toàn dân tộc. Điều này có nghĩa là cái văn mình của Hà Nội chính là cái bản lĩnh chung của dân tộc cộng với sắc thái riêng của đất Thủ đô. Đó là sản phẩm đồng thời là động lực để người Thăng Long - Hà Nội sáng tạo ra những thành tựu rực rỡ về các mặt, tiêu biểu nhất là những nhân cách Hà Nội đã được lịch sử khẳng định.

Ngoài ra kinh kỳ cũng là trung tâm chính trị, kinh tế lớn, nghĩa là thịnh vượng hơn các vùng, tạo ra nền tảng vật chất cũng cao hơn cho sự phát triển văn minh, văn hóa, lối sống.

Cũng phải kể đến một thực tế là ở chốn Kẻ Chợ sầm uất vốn là nơi cạnh tranh đọ sức đua tài dữ dội, phải nghề tinh, tài cao mới trụ nổi, mới phát triển được. "Phồn hoa thứ nhất Long Thành" là nơi thu hút, hội tụ tài và nghệ tứ chiếng trong sự chọn lọc có vẻ bình yên nhưng khá ngặt nghèo. Cái gì còn lại, phát triển được chính là cái tiêu biểu, cái tinh hoa. Những cái gì xoàng xĩnh, vô bổ, sớm muộn đều bị đào thải. Cứ xem các danh nhân văn hóa, những người gốc gác Thăng Long Hà Nội không nhiều, phần đông là từ tứ xứ tụ về nhưng cái chính là họ đã hấp thụ được tinh hoa của văn hóa kinh kỳ và được nền văn hóa này chấp nhận. Lê Quý Đôn (Thái Bình), Nguyễn Gia Thiều (Bắc Ninh), Nguyễn Du (Hà Tĩnh), Hồ Xuân Hương (Nghệ An) là như vậy. Nhóm Đông Kinh nghĩa thục với cụ cử Lương Văn Can (Hà Đông), cụ Nguyễn Quyền (Bắc Ninh), rồi sau này là nhóm Tự lực văn đoàn (Nhất Linh sinh ở Hải Dương, quê ở Quảng Nam, Khái Hưng quê ở Hải Dương) cùng nhiều nhà văn cận hiện đại cũng là như vậy.

Hoặc như về bách nghệ thì bách nghệ Kinh đô đa số có gốc gác từ tứ trấn Đông, Nam, Đoài, Bắc, nhưng tinh xảo lên trong thị trường lớn nhất, khó tính nhất là Kẻ Chợ: Nghề vàng bạc từ Đồng Xâm (Thái Bình), nghề thêu từ Hướng Dương, Quất Đông (Hà Tây), nghề giày dép từ Phong Lâm, Trúc Lâm (Hải Dương)... Khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế, văn hóa Hà Nội vẫn phát triển, thị trường Hà Nội vẫn có sức hút lớn nhiều tài năng bách nghệ, vẫn giữ vững tinh hoa kinh kỳ.

Có một vấn đề được đặt ra là vậy thì bên cạnh lòng yêu nước là hằng số đạo lý của toàn dân tộc thì còn những phẩm chất sẽ nói tới cũng là của toàn dân tộc, song vì Kinh đô là hội tụ tinh hoa cả nước nên các phẩm chất cũng tập trung hóa, biểu hiện rỡ hơn. Trước hết đó là nghị lực, một nghị lực lớn, kết tinh của ý chí mạnh mẽ, khả năng hành động và đức tính bền bỉ. Nghị lực lớn trong chống ngoại xâm, nghị lực lớn trong tạo dựng văn minh, tạo lập đời sống. Người đời Lý đã từng dời cả một làng Bình Sa - vốn ở bờ nam hồ Tây - ra phía bãi sông Hồng lập ra làng mới (Cơ Xá) để lấy đất lấy chỗ xây dựng Kinh đô. Thế kỉ XIII người đời Trần tự mình phá huỷ cả một kinh thành đô hội của mình rồi lên đường đi kháng chiến, để cản bước tiến của quân Nguyên - Mông. Và một công trình đáng kể khác của nghị lực Thăng Long là nơi khởi đầu con đê ngăn lũ sông Hồng được đắp suốt chiều dài nghìn năm đã cùng với đê vùng ngược vùng xuôi trở thành "vệ sĩ" khổng lồ bảo vệ cả đồng bằng Bắc Bộ. Và nghị lực Hà Nội lại tiếp nối nghị lực Thăng Long, làm nên những kỳ tích tầm vóc lớn: giữa thế kỷ XX, trong hai cuộc chiến đã đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh.

Do yêu nước, yêu dân, đầy nghị lực nên người Thăng Long - Hà Nội đã đấu tranh ngoan cường suốt từ thuở định đô. Tuy nhiên, đấu tranh chính là để tồn tại, là lòng xót thương nòi giống đồng bào. Cho nên một phẩm chất nữa của người ở đây là lòng nhân hậu. Ngay cả khi Kẻ Chợ là thương trường lớn, nhưng người ta vẫn giữ được lòng nhân hậu. Dân tứ chiếng đến quần cư mà hòa đồng, mà nương tựa vào nhau. Có chia thành phường thành phố nhưng không xung khắc, không xa lìa mà cùng nhau hòa hợp làm ăn. Ở thôn quê có người hàng xóm, hàng xã, thì ở kinh đô có người hàng phố, hàng phường với nhau.

Cuối cùng là chất thông minh trí tuệ và tài hoa. Thông minh trí tuệ thì nhạy cảm, nhận thức nhanh, lắm sáng kiến, năng động trong hành động, tiếp thu và hội nhập nhanh, luôn luôn tạo ra cái mới, sản phẩm mới, thơ văn mới, nghệ thuật mới. Óc sáng lại thêm khéo tay, tài hoa nên nghề giỏi, sản phẩm - vô thể và hữu thể - đều tinh xảo. Lại thêm vào đó là lối sống có văn hóa, lịch lãm và tinh tế. Từ ăn uống, nói năng, đi đứng, phục sức, giao tiếp, ứng xử, làm lụng, hưởng thụ nghệ thuật... đều được chăm chút, chọn lọc, cân nhắc, tề chỉnh chứ không buông tuồng, trễ tràng.

Tất cả làm ra cái mà nhiều thế hệ đã gọi là thanh lịch Tràng An mà bản chất của nó là sự tôn trọng, sự chọn lọc các giá trị tinh thần, đạo lý, văn hóa trong đời sống của cả dân tộc.

Nguồn: Tạp chí Nhà văn VN
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top