Sự gắn bó giữa đạo phật và dân tộc Việt Nam nhìn từ góc độ văn học

vanchuong83

New member
Xu
0

SỰ GẮN BÓ GIỮA ĐẠO PHẬT VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM NHÌN TỪ GÓC ĐỘ VĂN HỌC
Đào Nguyên

Đạo Phật được du nhập vào Việt Nam khá sớm. Ngay từ buổi đầu, với truyền thống khế lý khế cơ vốn có, Phật Giáo đã tạo nên những liên hệ mật thiết trên con đường đi tới của dân tộc ta. Và trải qua hơn hai ngàn năm truyền bá, phát triển, tuy có lúc thịnh lúc suy, nhưng nhìn chung, Phật Giáo đã tạo được những gắn bó tốt đẹp với dân tộc thể hiện qua các mặt như phong tục tập quán, văn hóa nghệ thuật, ngôn ngữ tư duy v.v…. Bài viết này xin bàn về sự gắn bó ấy nhìn ở góc độ văn học.

Trước hết xin nói rõ về khái niệm gắn bó mà chúng tôi dùng ở đây là để chỉ cho cái ảnh hưởng đậm đà của Phật Giáo đối với sinh hoạt văn học Việt Nam, tạo được những đặc điểm, những khai phá, những dấu ấn, đem lại cái phong phú, đa dạng, cùng những thành tựu không thể thay thế. Nói cách khác, nếu không có sự gắn bó kia, văn học Việt Nam sẽ trở nên nghèo nào, thiếu thốn. Có thể ghi nhận sự gắn bó ấy qua các điểm sau đây:

I.TÍNH CHẤT MỞ ĐẦU, DẦN ĐƯỜNG

“Bình minh của lịch sử dân tộc ta đã gắn với Phật Giáo”. Đây là ý kiến, không phải của một nhà Phật học hay một Phật tử trí thức, mà là của ông Trần Văn Giàu, giáo sư sử học lão thành, cũng là cây bút lý luận vào hàng số một của giới trí thức Mác Xít Việt Nam hiện đại.* Nhận định như thế là đúng, cho cả lịch sử và văn học, hơn nữa, trong một số trường hợp văn học, Phật Giáo còn tạo được những sự dẫn đường, ghi dấu.

1.Hai nhà thơ mở đầu cho lịch sử văn chương thành văn của văn học Việt Nam chính là hai nhà sư. Đó là thiền sư Pháp Thuận (915-990) và thiền sư Khuông Việt (933-1011), với bài thơ Quốc Tộ và bài từ Vương Lang Quy. Sách Thiền Uyển Tập Anh đã cho chúng ta biết qua về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Quốc Tộ như sau: Trong buổi đầu, khi mà Tiên Lê mới sáng nghiệp, sư (Pháp Thuận) có công dựng bàn hoạch định sách lược. Khi thiên hạ thái bình, sư không nhận chức tước của triều định phong thưởng. Vua Lê Đại Hành lại càng thêm kính trọng… Vua từng hỏi sư về vận nước ngắn dài, sư đáp:

Quốc Tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh.

(Thiền Uyển Tập Anh, Ngô Đức Thọ dịch, nhà xb văn học, H,1990, tr. 180-181)

Dịch:

Vận nước như dây quấn

Trời Nam ôm thái bình

Đạo đức ngự cung điện

Muôn xứ hết đao binh

(Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận T.1, nhà xb Lá Bối, S, 1974, tr. 146)

Về phương diện văn học thiền, Quốc Tộ (Vận nước) cũng là bài thơ thiền đầu tiên do một thiền sư Việt Nam sáng tác. Bài thơ chỉ có hai chục chữ nhưng dung lượng và sức khơi gợi của nó rất lớn, không chỉ thâu tóm được truyền thống mà còn đủ sức mở ra cho hiện đại những kết luận có giá trị về vấn đề giữ nước và trị nước. Đây là một số đánh giá của giáo sư Trần Thanh Đạm: “Có thể nghĩ rằng phải qua hơn một ngàn năm mất nước và kiên trì đấu tranh giành lại nước, từ đó thâu thái tinh hoa của Thiền học, Thiền tông thì trí huệ Việt Nam mới nảy sinh được một tư tưởng uyên thâm và uyển chuyển, đồng thời lại chung đúc trong một hình thức súc tích mà hùng hồn như vậy. Theo tôi, hàm nghĩa và hàm ý của khái niệm thái bình, vô vi trong bài kệ này đòi hỏi sự thăm dò, phân giải sâu sắc của các nhà triết học Việt Nam hiện đại, không chỉ đơn thuần là những khái niệm có sẵn trong Tam Giáo (Nho, Phật, Lão). Ở đây đã có sự vận dụng sáng tạo, đã có sắc thái, phong thái Việt Nam”. (Trần Thanh Đạm, Hai Thiền sư – thi sĩ mở đầu lịch sử văn chương cổ điện Việt Nam, Tập Văn Phật Đản, số 29, tháng 5-94, tr. 41-42).

Còn trường hợp ra đời của bài từ Vương Lang Quy thì cũng sách Thiền Uyển Tập Anh cho biết: “ Năm thứ hai niên hiệu Thái Bình (971), sư (Ngô Chân Lưu) được ban hiệu là Khuông Việt Đại Sư. Dưới triều vua Lê Đại Hành, sư đặc biệt được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình sư đều được tham dự. Năm Thiên Phúc thứ bảy (987) nhà Tống sai Lý Giác sang sứ nước ta. Khi Giác trở về, sư làm bài từ Ngọc Lang Quy đưa tiễn:

Tường quang, phong hảo, câm phàn trương

Thân tiên phục đê hương

Thiên trùng vạn lý thiệp thương lang

Cửu thiên quy lộ trường

Tình thắm thiết

Đôi ly trường

Phan luyến sứ tinh lang

Nguyện tương thâm ý vị nam cương

Phân minh báo ngã hoàng

(Nắng tươi, gió thuận, cánh buồm giương

Thần tiên lại đê hương

Vượt sóng xanh muôn dặm trùng dương

Về trời xa đường trường

Tình thắm thiết

Chén lên đường

Vin xe sứ vấn vương

Xin đem thâm ý vì nam cương

Tâu vua tôi tỏ tường”.

(Thiền Uyển Tập Anh, sđd, tr. 43-45)

Cũng trong bài báo kể trên, giáo sư Trần Thanh Đạm còn nhấn mạnh đến việc thiền sư Khuông Việt đã sử dụng thể loại Từ, là một thể loại văn học rất được thịnh hành ở đời Tống, để sáng tác, mà sự việc ấy hầu như là trường hợp duy nhất trong lịch sử bang giao ở nước ta. Lê Quý Đôn (1726-1784) trong “Kiến Văn Tiểu Lục” đã khen bài từ ấy: “Văn từ của Ngô Chân Lưu vang tiếng một thời”. (KVTL, Phạm Trọng Điềm dịch, nhà xb KHXH, H. 1977, tr. 387). Còn giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) thì đứng ở góc độ sử học để nhận xét: “Đó là lời tửu chúc từ thân thiện đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của nước Việt. Mà lại là của một vị sư!” (Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, ĐH Vạn Hạnh xb, S, 1967, tr. 432).

2.Lùi xa về trước, khi đất nước còn bị đô hộ, chính một số vị cao tăng Việt Nam ở thế kỷ thứ 7, 8 đã tạo được những giao hảo văn học đầu tiên hết sức tốt đẹp. Chính nhờ Lê Quí Đôn, đã tham khảo các sách Loại Hàm, Anh Hoa của Trung Quốc để ghi chép được bốn vị thiền sư Việt Nam là Phụng Đình, Duy Giám, Vô Ngại và Nhật Nam tăng (không rõ đạo hiệu) đã từng được các nhà thơ nổi danh đời Đường như Dương Cự Nguyên (cuối thế kỷ 7), Giả Đảo (788-843), Thẩm Thuyên Kỳ (đầu thế kỷ 8) và Trương Tịch (cuối thế kỷ 8, đầu thế kỷ 9) tặng thơ một cách hết sức trang trọng. Phụng Đình, Duy Giám là hai vị thiền sư thông bác kinh luận, đã được vua Đường mời sang tận kinh đô để giảng kinh, khi sắp lên đường về nước, thi sĩ Dương Cự Nguyên cũng như Giả Đảo đều có thơ đưa tiễn. Hai bài thơ của họ Dương và họ Giả đều làm theo thể ngũ ngôn bát cú. Bài thơ của Trương Tịch tặng thiền sư Nhật Nam tăng cũng được sáng tác theo thể ấy, riêng bài ngũ ngôn của Thẩm Thuyên Kỳ tặng thiền sư Vô Ngại gồm đến 16 câu với những câu mở đầu đầy tính chất ca tụng như sau:

“Đại Sĩ sinh Thiên Trúc

Phân thân hóa Nhật Nam

Nhân trung xuất phiền não

Sơn hạ tức Già Lam”.

(Kiến Văn Tiểu Lục, sđd, tr. 384)

Dịch:

“Phật xưa sinh Thiền Trúc

Nay hóa thân Nhật Nam

Vòng não phiền ra khỏi

Dưới núi dựng Già Lam”.

(Nguyễn Lang dịch, VNPGSL I, sđd, tr. 103-104)

3.Thành tựu đầu tiên của lịch sử văn học Việt Nam là văn học thời Lý Trần, ở đấy, Phật Giáo vừa là cái nền vừa có những đóng góp phong phú.

a.Ảnh hưởng đậm đà của Phật Giáo đối với văn học đời Lý là điều đã được khẳng định và tiếp tục được soi sáng, phát hiện thêm. Chỉ cần nhắc lại một số tác phẩm của các thiền sư Huệ Sinh (?-1063), Mãn Giác (1052-1096), Không Lộ (?-1119)… để thấy rằng đấy mãi mãi là những đốm sáng tuyệt vời trong văn học Việt Nam. Đánh giá về ý nghĩa cành hoa mai trong thơ của thiền sư Mãn Giác, từ Ngô Tất Tố (1894-1954) trong Văn Học Đời Lý (nhà xb Khai Trí, S, 1960, tr. 52) đến Lê Văn Siêu trong Văn Học Thời Lý (nhà xb Hướng Dương, S, 1957, tr.66), Nguyễn Lang trong VNPGSL I (sđd, tr. 201), Ngô Đức Thọ trong bản dịch Thiền Uyển Tập Anh (sđd, tr. 17)… tuy sự diển đạt có những sắc thái cá biệt nhưng nói chung là nhất trí; và cho đến ngày nay, cành hoa mai ấy vẫn được xem là cành hoa mai đẹp nhất trong văn học của chúng ta.

Còn cái hình ảnh “ánh trăng Lăng Già tịch tĩnh soi tỏ con thuyền trống không trên biển thời gian và không gian mênh mông vô tận” của thiền sư Huệ Sinh, cũng như cái âm thanh “kêu dài một tiếng lạnh hư vô” của thiền sư Không Lộ đều là những âm thanh, hình ảnh hết sức độc đáo, rất hiện thực lại rất siêu thoát mà Phật Giáo đã đem đến cho văn học Việt Nam.

b.Hai nhà thơ nữ đầu tiên của văn học Việt Nam đã xuất hiện ở đời Lý, đều là người từ cửa Thiền hay có nhiều quan hệ với cửa Thiền. Đó là Ni Sư Diệu Nhân (1041-1113) và Ỷ Lan Nguyên Phi (?-1117), mẹ vua Lý Nhân Tông (1066-1128). Bài thơ ngắn của Ỷ Lan Nguyên Phi là sự khẳng định cho quá trình học đạo và hiểu đạo của bà (xem Thiền Uyển Tập Anh, sđd, tr. 91), còn bài kệ tám câu bốn chữ của Ni Sư Diệu Nhân (xem Thiền Uyển Tập Anh, sđd, tr. 235) là một bài thơ thiền xuất sắc cho thấy tác giả của nó là một nhà sư tu hành đạt đạo, đúng như đánh giá của giáo sư Nguyễn Đăng Thục: “Tác giả là một nữ hiền triết uyên thâm về thiền học đời Lý” (Thiền Học Việt Nam, nhà xb Lá Bối, S, 1967, tr. 308).

c.Một tác giả đáng chú ý của văn học đời Lý, không phải xuất hiện từ những tư liệu sách vở mà là từ văn bia, đó là thiền sư Pháp Bảo (thế kỷ 12), tác giả các văn bia: Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh (Văn bia chùa Linh Xứng, núi Ngưỡng Sơn), Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi mình (Văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh), và theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, có lẽ ông cũng là tác giả văn bia chùa Hương Nghiêm núi Càn Ni, dựng năm 1124. (Lý Thường Kiệt, sđd, tr. 460). Một đoạn trong bài Minh của văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn, đã đánh giá tổng quát về danh tướng Lý Thường Kiệt (1019-1105) như sau:

“Việt hữu Lý công

Cổ nhân chuẩn thức

Mục quận ký ninh

Chưởng quân tất khắc

Danh dương hàm hạ

Thanh chân hà vực

Tông giáo quy sùng

Cảnh phúc thị thực”

(Lý công nước Việt

Noi dấu tiền nhân

Cầm quân tất thắng

Trị nước yên dân

Danh lừngTrung hạ

Tiếng nức xa gần

Vun trồng phúc đức

Đạo Phật sùng tin”

(Huệ Chi dịch, Thơ Văn Lý Trần I, nhà xb KHXH, H, 1977, tr. 360-365)

Đây là lời đánh giá đầu tiên, chính xác, công bằng và có giá trị văn học nhất về tài ba cùng đức độ của Lý Thường Kiệt, hơn hẳn các nhà viết sử đi sau, dù là sử diễn ca hay đề vịnh. Những người biên soạn sách Thơ Văn Lý Trần I, nơi tiểu sử Lý Thường Kiệt, đã cho những dòng viết của thiền sư Pháp Bảo vừa dẫn trên “là sự đánh giá đúng đắn của nhân dân về tài đức của Lý Thường Kiệt” (sđd, tr. 318).

4.Văn học đời Trần đã kế thừa và phát huy những thành tựu của văn học đời Lý

a.Trần Thái Tông (1218-1277) là vị vua đầu tiên của nhà Trần, không chỉ có tài trị nước mà còn là một nhà thơ nổi danh, một nhà thiền học lỗi lạc, là “bó đuốc sáng của thiền học Việt Nam” (Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam Cổ Văn Học Sử, bản in 1970, S, tr. 165). Sách Khóa Hư Lục của ông là tác phẩm triết luận về Phật Giáo đầu tiên có một giá trị lớn về văn học, không chỉ là đỉnh cao của văn học đời Trần mà còn là đỉnh cao về lĩnh vực ấy trong văn học Việt Nam. (Xem thêm: Nguyễn Lang, VNPGSL I, sđd, tr. 242-271). Nhìn ở góc độ thi ca, học giả Đào Duy Anh (1904-1988) đã cho rằng: “Tất cả những bài Kệ- trong Khóa Hư Lục - đều là thơ, thơ thất ngôn, ngũ ngôn hoặc tứ ngôn; tất cả những bài khác đều là văn biền ngẫu chặt chẽ và đầy hình tượng. Khóa Hư Lục chữ Hán, về hình thức cũng như về nội dung là một tập thơ nghĩa rộng”. (Khóa Hư Lục, Đào Duy Anh dịch, nhà xb KHXH, H, 1974, tr. 11).

b.Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung (1230-1291), một nhà thơ lớn không chỉ của văn học đời Trần mà là của cả văn học Việt Nam, một gương mặt thiền học độc sảng, là nhà thơ Việt Nam đầu tiên đã di đến tận cùng nơi các con đường của Tam Giáo Nho Phật Lão: từ nẻo nhập thế hành động trong thực tiễn của Nho, đến cái nhàn dật phóng khoáng của Lão Trang, và cái siêu thoát, tự tại, phá chấp triệt để của Phật. (Xem: Nguyễn Lang, sđd, tr. 273-298; Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Trúc Thiên dịch, ĐH Vạn Hạnh xb, S, 1969).

c.Một số tác phẩm thơ chữ Hán của vua Trần Nhân Tông (1258-1308), thiền sư Pháp Loa (1284-1330), thiền sư Huyền Quang (1254-1334), Trần Quang Triều (1287-1325)… là những thành tựu đáng kể của văn học thời thịnh Trần. Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên, trong sách “Ngô Thì Nhậm Trong Văn Học Tây Sơn” đã xem các bài thơ: Đăng Bảo Đài Sơn, Thiên Trường vãn vọng… của Trần Nhân Tông; Phiêm Chu, Yên Tử sơn am cư của thiền sư Huyền Quang là những đỉnh cao của sự kết hợp giữa văn học và thiền học mà ông gọi là “vùng khí quyển của mỹ học thiền” (Mai Quốc Liên, sđd, Sở VNTTN Nghĩa Bình xb, 1985, tr. 191).

d.Về văn học chữ Nôm, theo sự ghi chép của sử thì được phát khởi từ đời Trần Nhân Tông với người mở đầu cho phong trào làm thơ phú bằng chữ Nôm ấy là Nguyễn Thuyên, đang giữ chức vụ Hình Bộ Thượng Thư đời đó. Nhưng hiện nay, tài liệu về văn học chữ Nôm thời Trần mà chúng ta có được gồm bốn bài: Cư trần lạc đạo phú (Bài phú nói về việc ở cõi trần mà vẫn vui với đạo), Đắc thú lâm truyền thành đạo ca (Bài ca nói về thú vui đạt đạo nơi chốn lâm tuyền) của vua Trần Nhân Tông; Bài vịnh Hoa Yên Tự phú (Bài phú vịnh chùa Hoa Yên, núi Yên Tử) của thiền sư Huyền Quang; và bài Giáo Tử Phú, tương truyền là của Mạc Đỉnh Chi (?-1346), đều là những tác phẩm được viết từ cửa Thiền. Về ba bài đầu, giáo sư Nguyễn Lang viết: “Các tác phẩm Nôm của Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An hiện nay đều bị thất truyền. Nhưng Trúc Lâm điều ngự, người đã ban họ Hàn cho Nguyễn Thuyên đã để lại hai tác phẩm Nôm… Huyền Quang đã để lại một bài phú… Điều này chứng tỏ thơ phú bằng chữ Nôm đã được khởi đầu trong chốn thiền gia”. (VNPGSL I, sđd, r. 420).

Riêng về bài Giáo Tử Phú, cho dù không phải là của Mạc Đỉnh Chi như có người đã ngờ, thì lại càng chứng tỏ bài phú ấy đã được sáng tác từ trong cửa Thiền với chủ đích nhằm khuyên dạy hàng tín đồ phải dốc lòng tu tập, thông qua một người đã tận mắt chứng kiến bao nỗi khổ nơi cõi địa ngục (Xem Hợp tuyển thơ văn Việt Nam T.2, thế kỷ 10-17, nhà xb VH, H, 1976, tr.173-179).

Tóm lại, cho dù không hoàn toàn chia sẻ ý kiến của giáo sư Nguyễn Lang như đã dẫn, chúng ta cũng khẳng định được rằng: Bình minh của văn học chữ Nôm đã gắn liền với cửa Thiền. Xin trích dẫn một số câu phú Nôm tiêu biểu của thời kỳ mở đầu ấy:

“Dứt trừ nhân ngã, thời ra tướng thực Kim Cương; đình hết tham sân, mới lảu lòng màu Viên giác.

Tịnh Độ là lòng trong sạch, chớ còn hỏi đến Tây Phương; Di Đà là tính sáng soi, nỡ phải nhọc tìm Cực Lạc…

Biết Chân Như, tin Bát Nhã, chớ còn tìm Phật Tổ tây đông; chứng thực tướng, ngỏ vô vi, nào nhọc hỏi kinh thiên nam bắc…”

(Cư trần lạc đạo phú, Đinh Gia Khánh phiên âm, Hợp Tuyển Thơ Văn Việt Nam, T2, sđd, tr. 109-110).

“Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng, vượn bồng con cời cửa nghe kinh.

Nương am vẳng, Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu may nhè nhẹ;

Ghé song thưa; thầy ngồi thiền định, trăng vằng vặc núi xanh xanh”.

(Vịnh Hoa Yên tự phú, Đinh Gia Khánh phiên âm, sđd, tr. 164).

e. Đến đầu thế kỷ 15, câu thơ Nôm đang tiến dần đến sự trưởng thành, đánh dấu cho giai đoạn này chính là bài thơ Nôm “Cầu siêu cho Nguyễn Biểu” của nhà sư chùa Yên Quốc. Vị sư này chưa được rõ về tên họ, đạo hiệu, chỉ biết ngôi chùa Yên Quốc tọa lạc gần chỗ Nguyễn Biểu hy sinh vào năm 1413) (Nguyễn Biểu là sứ của vua Trần Trùng Quang sai đi thương thuyết với tướng nhà Minh là Trương Phụ) do cảm kích trước nghĩa khí của một sĩ phu yêu nước, nhà sư đã viết nên bài thơ Nôm bất hủ:

“Chói lọi một vầng tuệ nhật

Ùn ùn mấy đóa từ vân

Tam giới soi hòa trên dưới

Thập phương trải khắp xa gần

Giải thoát lan lan nghiệp chướng

Quang khai chon chon mê tán

Trần quốc xảy vừa mạt tạo

Sứ hoa bông có trung thần

Vàng đúc lòng son một tấm

Sắt rèn tiếc cứng mười phân

Trần kiếp vì đâu oan khổ

Phương hồn đến nỗi trầm luân

Tế độ dặn nhờ từ phiệt

Chân linh ngõ đuợc phúc thần”.

(Dẫn theo Thơ Văn Lý Trần T3, nhà xb KHXH, H, 1978, tr. 515-516)

Chúng ta nhận thấy nhà sư này đã thực hiện một cách trọn vẹn hai chức năng nơi con người thơ của mình: chức năng một nhà sư của đạo từ bi và chức năng một công dân yêu nước ngợi ca truyền thống bất khuất của dân tộc mình. Ở khía cạnh lịch sử, bài thơ Nôm trên chính là một đoản ca bi tráng, chứng nhân cho một giai đoạn đau buồn của đất nước ta.

5. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17 là thời suy kém của Phật Giáo Việt Nam, hơn nữa, còn bị giới Nho sĩ chịu ảnh hưởng của Tống Nho, kỳ thị, đả kích. Tuy vậy, chính trong thời kỳ này, thiền học và văn học Việt Nam đã có được một sự gặp gỡ tuyệt diệu: người tạo nên sự gắn bó ấy chính là Nguyễn Trãi (1380-1442), một trong số các gương mặt lớn nhất của văn học cổ điển Việt Nam. Sau thời đại Lý Trần, Nguyễn Trãi là nhà Nho đầu tiên đã có những tiếp cận thấu đạt nhất với thiền học. Cảm hứng về thiền trong thơ của Nguyễn Trãi đã được thể hiện qua nhiều sắc thái; và với bài thơ Nôm “Cây Mộc Cận”, chúng ta có thể nói đến một sự ngộ đạo nơi Ức Trai:

“Ánh nước hoa in một đóa hồng

Vết nhơ chẳng bén, Bụt làm lòng

Chiều mai nở, chiều hôm rụng

Sự lạ cho hay tuyệt sắc không”

(Bài Cây Mộc Cận, Nguyễn Trãi Toàn Tập, nhà xb KHXH, H, 1976, tr. 471)

Hoa mộc cận tức hoa Bông Bụt, một loại hoa dân gian quá đỗi quen thuộc đến độ ít người diễn tả, thế mà Nguyễn Trãi đã lãnh hội nó với một rung cảm thiền học hết sức phong phú. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, tác giả đã chuyên chở được hai luận điểm then chốt, cốt lõi của thiền học: Phật tức tâm (Vết nhơ chẳng bén Bụt làm lòng) và Bất nhị (Sự lạ cho hay tuyệt sắc không). “Sự lạ cho hay tuyệt sắc không” chính là sự yên lặng trên nẻo đường tiếp cận với thế giới vô ngôn nhiệm mầu khiến ta nhớ tới cái im lặng của ngài Duy Ma Cật đã được Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi tán thán: “Tốt lắm, tốt lắm, đến nỗi không cả văn tự ngôn ngữ mới thật là nhập vào pháp môn Bất Nhị”. (Kinh Duy Ma, HT Trí Quang dịch, bản in 1994, tr. 156).

6. Tác phẩm “Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn” tương truyền của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) tuy có chỗ cần bàn thêm (như thái độ đùa cợt đối với giới cô hồn thiền tăng) nhưng đây là tác phẩm chữ Nôm đầu tiên chịu ảnh hưởng của Phật Giáo về khía cạnh nghi lễ, cúng tế. Điều này chứng tỏ tục cúng và chẩn tế cô hồn, thường được tổ chức trong các ngày lễ lớn của Phật Giáo, nhất là vào ngày lễ Vu Lan rằm tháng bảy, đã có một âm vang đáng kể trong xã hội. Đó là những tiền đề thuận lợi để cho cửa thiền và văn học Việt Nam sau này có được “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của thi hào Nguyễn Du (1765-1820).

7. Bốn gương mặt lớn nhất của văn học cổ điển Việt Nam cũng lại là các nhà thơ có những tiếp cận sâu sắc nhất về Phật học. Đấy là Nguyễn Trãi (1380-1442), Lê Quý Đôn (1726-1784), Ngô Thì Nhậm (1746-1803) và Nguyễn Du (1765-1820).

a.Chúng ta đã nói đến một Nguyễn Trãi đạt đạo với bài thơ Nôm Hoa Mộc Cận. Về phương diện chiêm bái, Nguyễn Trãi đã từng sang tận chùa Nam Hoa – còn gọi là chùa Bảo Lâm - gần dòng suối Tào Khê, từng là đạo tràng lớn của Tổ Huệ Năng (638-71), vị tổ thứ sáu của thiền tông Trung Hoa. Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Trãi ở đây là ngôn ngữ của một Phật tử thuần thành:

“Thần tích phi lai kỷ bách xuân

Bảo Lâm hương hỏa khê tiên nhân

Hàng long, phục hổ, cơ hà diệu

Vô thụ, phi đài, ngữ nhược tân

Điện trắc khởi lâu tàng bát Phật

Khảm trung di tích thuê chân thân

Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy

Tây tận nhân gian kiếp kiếp trần”.

(Gậy thần bay đến mấy trăm niên

Hương hỏa Bảo Lâm giữ trọn nguyên

Phục cọp, hàng rồng sao phép diệu

Chẳng đài, không thụ vẫn lòng truyền

Nơi tàng bát Phật lâu bền đấy

Dẫu lột xác phàm tháp giữ nguyên

Trước cửa Tào Khê dòng nước chảy

Lâng lâng gột sạch mọi trần duyên).

(Bài Thăm Chùa Nam Hoa, Đào Duy Anh dịch, Nguyễn Trãi Toàn Tập, sđd, tr. 383-384)

Câu “Hàng long phục hổ cơ hà diệu” nhắc đến những truyền thuyết về các trường hợp hàng phục các loài thú dữ của các vị thiền sư, cũng như bản thân Lục Tổ đã từng hàng phục con rồng dữ nơi đầm rộng trước chùa (Xem: Sơ lược sự tích Lục Tổ, in trong Kinh Pháp Bảo Đàn, cư sĩ Diên Sinh dịch, Sen Vàng xb, S, 1961, tr. 12). Câu: “Vô thụ phi đài ngữ nhược tân” là nhắc lại hai câu đầu trong bài kệ của Lục Tổ: “Bồ Đề bản vô thụ, Minh kính diệc phi đài”. Hai câu kết, không chỉ là sự tôn vinh thiên cảnh Tào Khê mà còn gián tiếp đề cao tính chất nhiệm mầu của Phật pháp trong sứ mạng diệt mê khai ngộ cho chúng sinh. Nơi thơ Nôm, Nguyễn Trãi cũng còn nhắc tới Tào Khê:

“Núi láng giềng, chim bậu bạn

Mây khách khứa, nguyệt anh tam

Tào Khê rửa ngàn tắm suối

Sạch chẳng còn một chút phàm.”

b.Lê Quí Đôn (1726-1784) là nhà bác học trong văn học cổ điển Việt Nam. Về mặt nghiên cứu, lý luận, ông đã dành một thiên Thiền Dật trong sách Kiến Văn Tiểu Lục để bàn về Phật Giáo, ở đây, ông đã lên tiếng phê phán và bác bỏ những thành kiến hẹp hòi thường có nơi một số nhà Nho đối với đạo Phật, biện dẫn về chất “tề gia trị quốc” của Phật Giáo, nêu lên một số điểm tương đồng giữa Nho-Phật, ca ngợi kinh Lăng Nghiêm v.v…. và nhất là bày tỏ một cách tóm tắt kiến giải sâu sắc của mình về Phật Giáo (Xem Kiến Văn Tiểu Lục, Phạm Trọng Điềm dịch, nhà xb KHXH, H, 1977, tr. 363-430).

Đây là kiến giải của Quế Đường tiên sinh về đạo Phật: “Tôi thiết tưởng đây là đại khái của tông chỉ đạo Phật: vạn vật thế gian là hư ảo, con người phải tu tập để đạt được giác ngộ chân chính mà thoát ra khỏi lục trần. Một khi đã thành được diệu đạo tột bực thì trở lại thương xót chúng sinh, thi hành nhiều phương tiện để cứu giúp, ai muốn học đạo chính giác thì giúp cho họ được thành người. Đâu phải là chối bỏ tình anh em họ hàng và dứt tuyệt luân lý cương thường”. (KVTL, Nguyễn Lang dịch, dẫn theo VNPGSL T2, nhà xb VH, H, 1992, tr. 263).

So với phần trứ thuật, biên khảo hết sức dồi dào thì sự nghiệp sáng tác của Lê Quí Đôn không nhiều, nên tất nhiên là những tác phẩm viết về cửa Thiền của ông cũng ít. Tuy vậy, với bài Minh được khắc trên chiếc khánh đồng chùa Thanh Quang, chúng ta có thể nói đến một Lê Quí Đôn đạt đạo, hay nói như giáo sư Nguyễn Lang là: “ngôn từ - của bài minh ấy – có thể nói là có chất Phật rồi vậy”:

“Duy nhân chi tâm

Xuất nhập vô thì

Định cố tuệ bản

Văn diệc ngộ ky

Quyết chất tắc kim

Quyết danh tắc khánh

Tham thấu kỳ lý

Nhất động nhất tĩnh

Liễu ngộ tuần tỉnh

Nãi thức kỳ hạnh

Hình khí tuy thô

Ý thú tự thâm

Nhân quả không hoa

Vật đàm thiển cận

Ngã cáo chư nhân

Đản lực vi thiện”.

(Chỉ có lòng người

Vào ra không chừng

Nhờ Định có Tuệ

Nhờ Nghe, viên thông

Chất liệu là đồng

Tên gọi là khánh

Thấu đạt nghĩa ấy

Động tĩnh nhất tâm

Giác ngộ tự kỷ

Mới thấu hành tung

Hình chất tuy thô

Ý thú cao thâm

Hoa đốm nhân quả

Đừng bàn thiển cận

Ta khuyên mọi người

Làm thiện hết lòng”.

(Nguyễn Lang dịch, VNPGSL 2, sđđ, tr. 265-266).

c.Ngô Thì Nhậm (1746-1803) là gương mặt thơ tiêu biểu của văn học thời Tây Sơn và cũng là nhà thơ đạt đạo nhất trong cái xu hướng “tìm đến cửa Thiền” của phần đông các nhà thơ Việt Nam ở thế kỷ 18, từ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) đến chúa Trịnh Sâm (1739-1782), Trần Bá Lãm (thế kỷ 18), Lý Trần Quán (1735-1786), Nguyễn Gia Thiều (1741-1796), Ninh Tốn (1743-?), Vũ Huy Tấn (1749-1800), Phan Huy Ích (1751-1822), Đoàn Nguyên Tuấn (thế kỷ 18), Phạm Thái (1777-1814)…

Ngô Thì Nhậm đã từng đến chùa tham thiền trong thời gian lánh nạn từ 1782-1786 dưới thời chúa Trịnh Khải nắm quyền:

“Khuất chỉ phiêu bồng ký ngũ niên

Kim thu thôn tự nhất tham thiên

Cúc hoa sơ quải hoàng kim giáp

Bối diệp trùng niên bạch ngọc thuyên

Vãng sự kỷ hồi hòe quốc mộng

Cố ngô y cựu trúc lâu duyên

Linh am tự tại, linh quang tĩnh

Sảng nhập ngân câu tú thủy tiên”.

(Bấm đốt năm năm dạt khắp miền

Chùa quê thu lại bước tìm lên

Cánh vàng vừa tách xoè hoa cúc

Lá bối lần xem bén vị thiền

Chuyện cũ giấc hoè bao ảo mộng

Thân xưa lau trúc vẫn tiền duyên

Am thiêng còn đó, tòa sen lặng

Khí mát hồ trong mặt nước lên).

(Bài Cuối thu vào chùa tham thiền, Khương Hữu Dung dịch, Tuyển tập thơ Văn Ngô Thì Nhậm,

T1, nhà xb KHXH, H, 1978, tr. 127-128).

Nhìn chung, cảm hứng về thiền học trong thơ Ngô Thì Nhậm khá đậm nét, đáng chú ý nhất là trong chuyến Bắc sứ vào năm 1793, ông đã ghé thăm chùa Hưng Long (Hà Bắc, Trung Quốc) bày tỏ những mến mộ của mình về cảnh và người ở đây. Bài thơ ấy có lời dẫn, và được viết theo thể tam ngôn - mỗi câu ba chữ, gồm 24 câu – là một bài thơ có giá trị và hết sức độc đáo trong văn học Việt Nam: (Lời dẫn của bài thơ chỉ xin giới thiệu bạn đọc) “Thơ xưa có câu: Ngẫu nhiên viện trúc cùng sư chuyện, Lại được phù sinh nữa buổi nhàn; dịch: Vì được nhàn vốn đã khó, mà được gặp nhà sư nơi trúc viện lại càng khó, có phải thế chăng?”

Lão pháp sư trụ trì chốn danh thắng này là nơi nhà vua thường ngự giá đến. Thiền viện nguy nga sáng sủa, những lão sư bền giữ đạo chân như, một chút bụi trần không nhiễm, chẳng khác gì tu khổ hạnh trong tĩnh viện chốn núi sâu, cái nét huyền của nhà sư lại càng đáng chuộng lắm thay! Tôi đang trong lúc bận rộn, được gặp lão sư trò chuyện, tưởng như lên núi báu mà trông tuyết nguyệt, nơi lòng trần bỗng thấy sạch lâng lâng, rất muốn cùng pháp sư bàn về lẽ huyền vi của đạo Phật suốt ngày, nhưng công việc rộn ràng quá thể, thế mới biết cái vui nơi trúc viện, đức Như Lai Thế Tôn không dễ cho người. Nhưng đến đây không thể không có lời tán tụng, nên tôi đành quên mình là người thiển lậu mà đề mấy câu thơ sau đây:

“Liên hoa vân

Ngũ hương huân

Đại pháp luân

Hiện kim thân

Cảnh trường xuân

Oánh vô trần

Hữu lão nhân

Tuyệt tham sân

Lưỡng hải ngân

Hội đạo chân

Mai tinh thần

Hảo ẩn luân

Xa lân lân

Mã phân phân

Danh lợi khuân

Địch thập phân

Phiên thời phân

Úy sở văn

Tương giảng luân

Hiện ân can

Từ bi tan

Quảng vô ngân

Ngã nguyện vân

Lão nhu quân”.

Dịch:

Mây hoa sen

Xông năm hương

Xe pháp lớn

Hiện thân vàng

Cõi trường xuân

Sạch bụi trần

Có ông già

Dứt tham sân

Dõi tròng mắt

Thấu đạo chân

Thần như mai

Khéo ẩn thân

Xe rầm rầm

Ngựa hí ran

Vòng danh lợi

Sạch mười phân

Thoáng gần gũi

Giải băn khoăn

Củng bàn luận

Rất ân cần

Bến từ bi

Rộng mênh mông

Tôi nguyện rằng

Được như ông”

(Ngô Linh Ngọc, Mai Quốc Liên dịch,

Tuyển tập thơ Văn Ngô Thì Nhậm, sđd, tr. 520-522)

Chúng ta cần nhớ rằng, chính Ngô Thì Nhậm là người đã góp nhiều công sức và trí tuệ giúp vua Quang Trung đánh tan đạo quân xâm lược đông đảo của nhà Mãn Thanh năm 1789. Nhưng đối với vị thiền sư chân tu người Trung Hoa nơi chùa Hưng Long này, ông đã hết mực ca ngợi, xem mình như một đệ tử. Rõ ràng là sức cảm hóa của đạo từ bi đã nâng ông lên tầm cao của một nhà văn hóa chân chính.

Trường hợp Ngô Thì Nhậm, từ năm 1796, lui về lập thiền viện ở phường Bích Câu-Thăng Long, cùng với các thiện hữu như Ngô Thì Hoàng (1786-1814), hiệu là Hải Huyên, em cùng cha khác mẹ với Ngô Thì Nhậm, Vũ Trinh (1759-1828), hiệu là Hải Âu, em rể thi hào Nguyễn Du, Ngô Đăng Sở (1753-?), hiệu là Hải Hòa và Nguyễn Hành hay Nguyễn Đàm (1771-1824), hiệu là Hải Điền, cháu gọi Nguyễn Du bằng chú ruột, tham thiền học đạo, bàn luận, viết sách… là một hiện tượng học Phật hết sức đặc biệt, có một không hai trong sinh hoạt văn học Việt Nam. Tác phẩm “Trúc Lâm Tổng Chỉ Nguyên Thanh” đã ra đời trong hoàn cảnh ấy, là đỉnh cao trong nỗ lực dung hợp Nho-Phật của quá trình gần hai nghìn năm du nhập và phát triển ở đất nước ta của hai học thuyết đó. Đã có một số bài viết nhằm tìm hiểu cùng đánh giá tác phẩm kể trên, như: Mai Quốc Liên (Ngô Thì Nhậm trong văn học Tây Sơn, Sở VHTT Nghĩa Bình xb, 1985), Trần Đình Hượu (Bài tham luận, in trong: Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Việt Triết học xb, H, 1986), Hà Thúc Minh (Lịch sử phật giáo Việt Nam, nhà xb KHXH, H, 1988)… nhưng khảo sát một cách quán xuyến thâu tóm, đánh giá công bằng, tham bác, có giá trị hơn cả vẫn là những trang viết của giáo sư Nguyễn Lang trong sách VNPGSL T2 (sđd, tr. 267-293).

d.Nguyễn Du (1765-1820) là gương mặt thơ lớn nhất của văn học cổ điển Việt Nam, mà cũng là nhà thơ có những tiếp cận thấu đạt nhất về Phật học. Toàn bộ tác phẩm của ông đều chịu ảnh hưởng của Phật Giáo. Có thể nói đến một Nguyễn Du dung hợp một cách thành công ba yếu tố Nho-Phật-Lão, đã phổ thông hóa cụm triết lý nhân quả - nghiệp báo của Phật học. Chúng ta cũng có thể nói đến một Nguyễn Du Phật tử trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh với cái đạo tâm và tín tâm đã được thể hiện rất rõ, rất đậm nét. Rồi trong khối lượng thơ chữ Hán gồm gần 250 bài, hơn bất cứ một nhà thơ nào trong văn học Việt Nam, Nguyễn Du đã bày tỏ những xót xa, những thao thức, trăn trở đối với bao cảnh vô thường biến đổi của vạn vật, cũng như tính chất hư ảo, bèo bọt của kiếp người, của vinh hoa phú quý… để tiến dần đến thiền học. Và với bài thơ “Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài” (Đài đá phân kinh của Thái Tử Chiêu Minh đời Lương), nhà thi hào của chúng ta đã chính thức đặt chân lên vùng trời vô ngôn thênh thang của thiền học. Xin giới thiệu đoạn cuối:

“Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn

Thuyết pháp độ nhân như Hằng Hà sa số

Nhân liêu thử tâm nhân tự độ

Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu

Minh kính diệc phi đài

Bồ Đề bản vô thụ

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh

Kỳ trung áo chỉ đa bất minh

Cập đáo phân kinh thạch đài hạ

Tài trí vô tự thị chân kinh”.

(Ta nghe Linh Sơn đức Phật tổ

Thuyết pháp độ người nhiều như cát sông Hằng nọ

Người tu được tâm độ lay rồi

Linh Sơn chỉ ở lòng người thôi!

Chẳng có đài gương sáng

Chẳng có cây Bồ Đề

Ta đọc Kim Cương trên nghìn lượt

Lắm điều sâu kín hiểu không rành

Đài đá phân kinh nay được đến

Mới hay “không chữ ấy chân kinh”).

(Ngô Linh Ngọc, Mai Quốc Liên dịch, Nguyễn Du Toàn tập I, nhà xb VH, H, 1996)

e. Trong văn học hiện đại, bài thơ Lửa Từ Bi của nhà thơ Vũ Hoàng Chương có một vị trí đặc biệt. Nếu ngọn lửa tự thiêu của HT Quảng Đức đã thắp sáng lên tinh thần vô úy, tỏa lên sức mạnh của từ bi và trí huệ, góp phần đẩy bánh xe lịch sử dân tộc tiến lên phía trước, thì bài thơ Lửa Từ Bi là một chứng tích, một dấu ấn văn học đậm đà của một thời kỳ lịch sử, một khẳng định bằng ngôn ngữ thi ca cho sự gắn bó giữa Phật Giáo và dân tộc Việt Nam. Ngôn ngữ thơ ở đây đã là ngôn ngữ nhuần nhuyễn của một người hiểu Phật và tin Phật:

“ Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc

Lụa hay tre nào khiến bút ai ghi

Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác

Trong vô hình sáng chói nét từ bi

Rồi đây… rồi mai sau còn chi?

Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát

Với thời gian lê vết máu qua đi

Còn mãi chứ, còn trái tim Bồ Tát

Đội hào quang xuống tận chốn A Tỳ ’’

(Lửa Từ Bi, dẫn theo Nguyễn Lang, VNPGSL T3,

nhà xb Lá Bối, Paris, 1985, tr. 361)

II.TÍNH CHẤT DIỄN TẢ, TÔ ĐIỂM

Phật Giáo, cũng như bất cứ một hình thái xã hội nào đã trụ thế với đất nước Việt Nam thông qua những hình thức quen thuộc của mình: ngôi chùa, các nhà sư, tiếng chuông mõ, kinh kệ, những sinh hoạt về lễ bái cúng kính v.v…. tất cả đã là những hiện thực gần gũi trong cộng đồng dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa. Từ những hiện thực phong phú trong cuộc sống, chúng ta đã được chuyển hóa thành những hiện thực sinh động trong văn học là chuyện hầu như tất nhiên.

1.Trước hết là hình ảnh ngôi chùa, tiếng chuông chùa đã gắn bó với cả chiều dài chiều rộng của văn học Việt Nam, cả văn học dân gian, cổ điển và hiện đại.

a.Ở tục ngữ, ca dao, chúng ta sẽ luôn gặp ngôi chùa trong suốt cả cuộc đời của một con người:*

Ngôi chùa làng quen thuộc: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”

Ngôi chùa, tiếng chuông chùa của sự hẹn hò, thề ước.

“Bao giờ cạn lạch Đồng Nai

Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền”

“Tiếng chuông Thiên Mụ dặn dò

Em đi cảnh vắng, hẹn hò cùng ai”.

Ngôi chùa với ước nguyện của đôi lứa:

“Lên chùa lạy Phật quy y

Cầu cho bến nớ, bên ni kết nguyền”.

Ngôi chùa với tình yêu gắn bó của đôi vợ chồng trẻ :

“Đôi ta như tượng mới tô

Như chuông mới đúc, như chùa mới xây”.

Ngôi chùa thân thuộc trong sinh hoạt của người dân:

“Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về”.

Ngôi chùa với quá trình lao động của dân chúng:

“Rủ nhau xuống biển câu cua

Lên non hái nhãn vô chùa nghe kinh”.

Ngôi chùa trên đường Nam tiến của dân tộc:

“Ra đi gặp vịt cũng lùa

Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu”.

Ngôi chùa gắn liền với các lễ hội truyền thống:

“Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”

“Nhớ ngày mồng bảy tháng ba

Trở vào Hội Láng, trở ra Hội Thầy”.

“Mồng bảy Hội Kám, mồng tám Hội Dâu

Mồng chín đâu đâu trở về Hội Dóng”.

Ngôi chùa trong sự hiếu thảo của người con:

“Lên chùa thấy Phật muốn tu

Về nhà thấy mẹ, công phu chưa đành”.

“Ngó lên trên trời thấy cặp cu đương đá

Ngó ra ngoài biển thấy cặp cá đương đua

Anh về lập miếu thờ vua

Lập am thờ mẹ, lập chùa thờ cha”.

Ngôi chùa trong bóng xế của đời người:

“Thiếp về lựa chuối thiếp mua

Lựa hương thiếp thắp, lựa chùa thiếp tu”.

Ngôi chùa của tuổi già:

“Trẻ vui nhà, già vui chùa”.

b.Một điểm đáng chú ý là trong tục ngữ ca dao Việt Nam, ngôi chùa còn được sử dụng qua ngả ẩn dụ, càng chứng tỏ sự gắn bó của hình ảnh ngôi chùa trong tư duy của người Việt Nam:

“Chùa rách Phật vàng”.

“Ăn xôi chùa ngọng miệng”.

“Bụt chùa nhà không thiêng”.

“Có vả thì phụ lòng sung

Có chùa bên bắc, bỏ miếu đông tồi tàn”.

“Tuy rằng ăn ở chùa này

Tiền lưng gạo bị cúng thầy chùa kia”.

“Công tôi đánh đá xây tường

Để ai đóng oản, dâng hương chùa này”.

“Thương thay thân phận con rùa

Ra đình đội hạc, lên chùa đội bia”…

c.Trong văn học chữ Hán, hình ảnh ngôi chùa, tiếng chuông chùa đã là những nguồn cảm hứng lớn. Chỉ nói riêng về phần thi ca, chúng ta có thể kể ra hằng mấy trăm bài thơ viết rất đạt về ngôi chùa, tiếng chuông chùa, mỗi bài là một ghi nhận, một phát hiện, một soi sáng hay một khám phá. Đây là ý kiến của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791): “Sớm tối đánh vài hồi chuông cho lòng trần lắng sạch…” (Thượng Kinh Kỷ Sự, Bùi Hạnh Cẩn dịch, nhà xb Hà Nội, 1977, tr. 152). Kể cả một số tác giả từng có ác cảm với cửa thiền như Trương Hán Siêu (?-1354), Sái Thuận (thế kỷ 15), Ngô Thì Sĩ (1726-1780), Phạm Quý Thích (1760-1825)… cũng đã có những ghi nhận đặc sắc về các cảnh chùa:

Đó là những khám phá mang tính chất ân hận của Trương Hán Siêu:

“Trung lưu quang tháp ảnh

Thượng giới khải nham phi

Phù thế như kim biệt

Nhàn thân ngộ tạc phi”…

(Tháp in trên dòng sáng

Cửa động mở đầu non

Cuộc đời ta mây nổi

Biết ngay xưa lạc lầm)

(Bài Khắc Đá Núi Dục Thúy, Nguyễn Lang dịch,

VNPGSL2, sđd, tr. 260)

Sái Thuận đã ghi nhận về chùa Phả Lại:

“Phù dạ chung quy hải

Hàm thu nguyệt trụy giang

Long ngâm môn ngoại thủy

Lộ quá vụ biên song

Ngư châu địch kỷ xoang”.

(Chuông tối vang ra biển

Trăng thu rớt giữa dòng

Rồng kêu sông trước cửa

Cò lướt khói bên song

Thỉnh thoảng còi ngư thổi

Khua tỉnh mộng sư ông”)

(Bài Chùa Phả Lại, Hoàng Việt Thi Văn Tuyển, bd của nhóm Lê Quí Đôn,

dẫn theo bản Ronéo của ĐHSP Sài Gòn, T3, tr.42-43).

Ngô Thì Sĩ đã có những phát hiện khi ghé thăm chùa Trinh Sơn:

“Yên hà tam sổ tính

Kim tích kỷ thiên thu

Danh lợi nhân không nhiệt

Lâm tuyền cảnh tự u

Bồi hồi ngâm bất tựu

Tôn thạch khán giang lưu”.

(Mấy đỉnh khói mây phủ

Muôn thu ngày tháng trôi

Lợi danh người náo nức

Rừng suối riêng thảnh thơi

Trên đá nhìn sông chảy

Thơ không thành, bồi hồi)

(Bài Lên Thăm Chùa Trinh Sơn, Băng Thanh dịch, Ngô Thì Sĩ,

Trần Thị Băng Thanh biên soạn, nhà xb Hà Nội, 1987, tr. 113-114).

Phạm Quý Thích đã thực sự khám phá và cảm nhận chất thiền khi mô tả một số cảnh đẹp chung quanh chùa Trần Quốc:

“ Thanh thả liên y

Tây Hồ chi thủy

Bách ức liên phi

Nhứt thiết hoan hỉ

Bất cảm hà tịch?

Bất linh hà hư?

Quản bỉ thủy nguyệt

Tư kiến chân như”

(Sóng gợn trong vắt

Mặt nước Tây Hồ

Ngàn đóa hoa sen

Đua nhau vui nở.

Tịch nào không cảm?

Hư nào không thiêng?

Trăng lồng đáy nước

Soi tỏ chân như)

(Bài Minh của văn bia chùa Trần Quốc, Tuyển Tập văn bia Hà nội, T1,

nhà xb KHXH, H, 1978, tr. 37-38 dịch, tr. 138 Hán).

d.Hầu hết các tác phẩm chữ Nôm nổi tiếng trong văn học Việt Nam, từ Lâm Tuyền Kỳ Ngộ (khuyết danh), Tư Dung Văn (Đào Duy Từ, 1572-1634), Phan Trần (khd), Nhị Độ Mai (khd), Bich Câu Kỳ Ngộ (khd), Quan Âm Thị Kính (khd), Quan Âm Nam Hải (shd)… đến Sơ Kính Tân Trang của Phạm Thái (1777-1814), Hoa Tiên truyện của Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)… đều có đề cập đến hình ảnh ngôi chùa hoặc đậm nhạt với những vị trí và vai trò không giống nhau, nhưng thấy cùng có một điểm chung là đều gián tiếp xác nhận rằng đó là những hình ảnh không thể thiếu. Xin giới thiệu đoạn tả cảnh chùa Kim Sơn là đoạn thơ đẹp nhất trong Sơ Kính Tân Trang của Phạm Thái:

“Đầu non vượn hót khỉ treo

Cây kê cửa động, hoa leo mái già

Chim rừng dóng dả tiếng ca

Nước tuôn khe biếc, khói pha lá vàng

Kinh Thủy Sám, kệ Kim Cương

Rẩy cành cam lộ, thét gươm Đại Hùng

Úm ma ni bát minh hồng

Kinh vang tiếng giác, cả giong giọng từ

Nguyện Di Đà, niệm Tỳ Lư

Bồ Đề là đạo, chân như ấy lòng”

(Dẫn theo Nguyễn Văn Xung, Phạm Thái và Sơ Kính Tân Trang,

nhà xb Lửa Thiêng, S, 1972, tr. 123).

e.Chỉ nói riêng về Phần Thơ Mới trong văn học hiện đại, mặc dù thời bấy giờ nhiều nhà thơ đã quá hăm hở trong việc đi hứng lấy luồng gió lãng mạn từ phương Tây thổi sang, hình ảnh ngôi chùa và tiếng chuông chùa vẫn có mặt một cách sinh động trong thơ của Nam Trân, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Nhược Pháp, J. LeiBa, Hồ Dzếnh, Anh Thơ, Bích Khê, Quách Tấn, Lưu Trọng Lư, Ngân Giang, Xuân Tâm, Nguyễn Bính… Nếu ở thơ Nôm, Chu Mạnh Trinh (1862-1905) được xem là nhà thơ của chùa Hương với Hương Sơn Phong Cảnh, Hương Sơn Nhật Trình Ca, thì ở thơ Mới, cái tên gọi thân thuộc ấy có thể dành cho Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) với bài thơ dài viết về chùa Hương được nhiều người biết đến. Cũng trong ý hướng tìm về các lễ hội truyền thống, ngôi chùa đã gắn liền với tục lễ bái-hái lộc đầu xuân của người dân trong thơ Nguyễn Bính (1919-1966):

“Trên đường cát mịn một đôi cô

Yếm đỏ, khăn thâm trẩy hội chùa

Gậy trúc, dắt bà già tóc bạc

Lần lần tràng hạt niệm Nam mô”

(Bài Xuân Về, dẫn theo Trần Tuấn Kiệt, Thi Ca Việt Nam Hiện Đại,

nhà xb Khai Trí, S, 1968, tr. 352).

Và thử xem, “Bức Tranh Quê” của nữ sĩ Anh Thơ sẽ thiếu sót biết bao nếu như không có ngày Rằm tháng bảy, ngày Lễ Vu Lan và cũng là ngày Tết Trung Nguyên của dân tộc. Hơn thế nữa, đối với Nguyễn Bính, ngôi chùa quê đã trở thành một phần của quê hương thương nhớ của mình:

“Quê tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm

Chuông hôm gió sớm trăng rằm

Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi!

Mai này tôi bỏ quê tôi

Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa!”

(Dẫn theo Mãn Giác, Phật Giáo và Nền Văn Hóa VN,

ĐH Vạn Hạnh xb, S, 1967, tr. 58)

2.Hoa, hương, ánh trăng gió nước, chim chóc, cây cỏ… là những hiện thực, những sự kiện đem lại nhiều ý nghĩa cho cuộc sống con người. Vì sinh hoạt trong Phật Giáo thường gắn liền với chúng, nên nhiều nhà thơ, từ cửa thiền hay đứng gần cửa thiền, đã diễn tả trong sự kết hợp với chất liệu thiền, đem lại cho thi ca Việt Nam những nét phong phú ít có.

a.Sách Việt Nam Văn Học Sử Yếu của giáo sư Dương Quảng Hàm (1898-1946), phần bàn về kết cấu của ca dao, đã cho rằng bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen…” được kết cấu gồm hai thể Phú và Tỷ:”… vừa tả hoa sen (phú), vừa ví quân tử với hoa sen (tỷ)” (sđd, bản in 1968, tr. 14). Ví người quân tử với hoa sen thì cũng chỉ là một lối suy diễn theo ảnh hưởng của Nho Giáo mà thôi. Theo chúng tôi, bài ca dao ấy có thể được giảng giải theo quan điểm Phật Giáo, vì đạo Phật đã từng thuyết minh rất nhiều về hoa sen, một trong số các bộ Kinh nổi tiếng của Phật Giáo Bắc Tông là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Hoa Sen chánh pháp, chữ của HT Trí Quang), và hình ảnh các vị chân tu hết lòng vì đạo, vì nước, hình ảnh các vị Bồ Tát xả thân vì đời, lợi lộc không màng… mới đích thực là những con người “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bún”. Có thể xem lại những lời ca ngợi của Ngô Thì Nhậm đối với Liên Lão thiền sư chùa Hưng Long như đã dẫn trên, hoặc hai bài viết của cụ Phan Bội Châu (1867-1940) về thiền sư Thiện Quảng (1862-1911) (Xem truyện Nhà Sư Ăn Rau, trong Phan Bội Châu Toàn Tập, T3, nhà xb Thuận Hóa, 1990 ; Văn Thơ Phan Bội Châu, nhà xb Văn Học, H, 1961, truyện Đường Tăng Nước Nam, thiền sư Thiện Quảng).

b.Trong văn học Việt Nam, có lẽ vua Lý Thái Tông (1000-1054) là nhà thơ đầu tiên đã nói đến sắc hoa, ánh trăng, trong sự kết hợp với chất liệu Thiền để diễn tả:

“Ung khai chư Phật tín

Viên hợp nhất tâm nguyên

Hạo hạo Lăng Già nguyệt

Phân phân Bát Nhã liên”

(Mở niềm tin đức Phật

Xa hợp một tâm nguồn

Trăng Lăng Già vằng vặc

Sen Bát Nhã thơm truyền)

(Bài Truy Tán Thiền Sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, TUTA,

sđd, tr. 167-168).

Cùng thời với vua Lý Thái Tông, thiều sư Viên Chiếu (999-1091) trong một số “Thoại đầu thiền”* cũng đã kết hợp với những hình ảnh trăng gió hoa của thi ca:

“Trong tuyết mẫu đơn nở

Trời thu oanh hót vang”

(Thu thiên đoàn thử lệ

Tuyết cảnh mau đơn khai)

(TUTA, sđd, tr. 61)

“Gió thổi sừng kêu xuyên rặng trúc

Vầng trăng vượt núi đến bên tường”.

(Giốc hưởng tùy phong xuyên trúc đáo

Sơn nham đái nguyệt quá tường lai)

(TUTA, sđd, tr. 73).

c.Chúng ta đã nói đến một cành Hoa Mai tuyệt vời của thiền sư Mãn Giác đời Lý. Chúng ta cũng có thể nói tới một Hoa Cúc tuyệt diệu của thiền sư Huyền Quang (1254-1334) đời Trần.

Bàn về hoa cúc, những người quan tâm đến văn học cổ thường nghĩ tới Đào Tiềm (365-427) nhà thơ xuất sắc thời Đông Tấn, Trung Quốc. Ở Việt Nam, từ đời Trần đã có nhiều tác giả viết về hoa cúc, như Trương Hán Siêu (?-1354), vua Trần Minh Tông (1300-1357), Trần Nguyên Đán (1325-1390) v.v… Một số nhà thơ nổi danh như Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, đều có nhắc tới loại hoa quen thuộc ấy trong thơ của mình và nhất là Nguyễn Khuyến (1835-1909) với hai bài thất ngôn bát cú Vịnh Cúc (xem: Thơ văn Nguyễn Khuyến, nhà xb VH, H, 1979), tr. 281-283), được xem là người chịu ảnh hưởng đậm của Đào Tiềm “Ở nước ta, thi nhân gần gũi với ông - chỉ Đào Tiềm - nhất là Nguyễn Khuyến” (Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Văn học sử Trung Quốc, T1, nhà xb NHL, S, 1964, tr. 09).

Nhưng chỉ với thiền sư Huyền Quang, với sáu bài thất ngôn tứ tuyệt viết về Hoa Cúc, với sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và chất liệu Thiền, thì mới tạo được sự gắn bó đậm đà giữa loài hoa đó với cả chiều rộng - chiều cao của kiếp người. Xin giới thiệu bài 2 và bài 5:

“Thiên giang vô mộng cán khô trường

Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang

Lão khử sâu ngậm hon vị ổn

Thi biêu thực vị cúc hoa mang

Hoa tại trung đình, nhân tại lâu

Phân hương độc tọa tự vong âu

Chủ nhân dữ vật hôn vô cạnh

Hoa hướng quân phương xuất nhất đâu”.

(Ngàn sông không đủ thấm lòng già

Bách vịnh mai hoa vẫn kém xa

Đầu bạc ngâm hoài vần chưa ổn

Thấy hoa cúc nở rộn lòng ta

Người ở trên lầu hoa dưới sân

Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông

Hồn nhiên người với hoa vô biệt

Một đóa hoa vàng chợt nở tung)

(Nguyễn Lang dịch, VNPGSL T1,

sđd, tr. 371-372)

“Một đóa hoa vàng chợt nở tung” chính là sự bừng tỉnh của một tâm linh đạt đạo trong cái giây phút nhiệm mầu.

d.Chúng ta đã có một đóa Hoa Bông Bụt trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi. Ở đây, chúng ta cũng có thể nhìn thấy một đóa hoa sen luôn tươi nở trong cuộc sống của thiền sư Minh Lương (thế kỷ 17).

“Mỹ ngọc tàng ngoan thạch

Liên hoa xuất ư nê

Tu tri sinh tử xứ

Ngộ thị tức Bồ Đề”.

(Ngọc xinh ẩn trong đá

Hoa sen nảy tự bùn

Nên biết tìm giác ngộ

Nơi sinh tử trầm luân)

(Nguyễn Lang dịch, VNPGSL T2, sđd, tr. 121)

Hoặc một cánh chim Nhạn tự tại của Thiền sư Hương Hải (1628-1715):

“Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm”

(Nhạn bay ngang trời

Bóng chìm đầm lạnh

Nhạn không ý lưu lại dấu

Nước không tâm giữ lại hình)

(Nguyễn Lang dịch, sđd, tr. 175)

Hay một ánh mặt trời mãi tỏa sáng của thiền sư Chân Nguyên (1646-1726):

“Hữu thuyết giai thành báng

Vô ngôn diệc bất dung

Vị quân thông nhất tuyến

Nhật xuất lĩnh đông hồng”

(Nói ra là bị kẹt

Không nói cũng chẳng xong

Vì anh đưa một nét

Đầu núi ánh dương hồng)

(Nguyễn Lang dịch, sđd, tr. 14-15)

e.Với cụ Phan Bội Châu (1867-1940), chúng ta cũng có thể nói đến nhiều đóa hoa Sen và nhiều nụ Ngọc Lan:

Hoa Sen :

“Tròn lửng bóng in trăng đáy nước

Hồng tươi sắc khiếp ráng chiều hôm

Trên tây Phật Thích càng thêm thánh

Dưới gót Phan Thi chẳng kể phàm”

(Thơ văn Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế, Trần Anh Vinh, Chương Thâu bs,

nhà xb Thuận Hóa, 1987, tr. 119)

Sen tàn:

“Sắc ấy không chăng, không ấy sắc

Cây còn gốc đó, gốc còn cây

Chẳng bao lâu nữa đông sang hạ

Lá lục hoa hồng lớp lớp bay”

(Sđd, tr. 120)

Vịnh Hoa Ngọc Lan:

“Tiền thân chúng xuất tự Bồng Lai

Di hướng Bồ Đề viện lý tài

Tố nhụy quan tranh đông dạ tuyết

Kỳ phương phẩm đoạt lãnh đầu mai

Hương chân vương giả thiên thùy thưởng

Trang tỷ Hằng Nga nguyệt ám xai

Duy Phật trùng lai năng thức Phật

Ân cần huệ ngã thử hoa khôi”.

(Kiếp xưa sinh ở chốn Bồng Lai

Dời xuống trồng bên cạnh Phật đài

Nhụy trắng đêm đông tranh sáng tuyết

Phẩm thơm đầu núi át mùi mai

Hương như vương giả trời thương đến

Đẹp ví Hằng Nga nguyệt ghét hoài

Chỉ Phật mới hay thông rõ Phật

Ân cần tặng tớ một nhành mai)

(Trần Văn Tường dịch, sđd, tr. 212-213)

Cần ghi chú thêm là bài thơ Vịnh Hoa Ngọc Lan, cụ Phan đã viết đề tặng HT Tịnh Khiết (1890-1973) chùa Tường Vân, Huế.

III.TÍNH CHẤT CHUYÊN CHỞ, PHẢN ÁNH

Phần được bàn sau cùng là sự gắn bó giữa Phật Giáo với văn học Việt Nam trong quá trình cung cấp cùng nâng cao những cái nhìn về nhân sinh, vũ trụ. Thực ra thì khi giới thiệu một số chi tiết ở phần hai, chúng ta đã ít nhiều nhận ra những cái nhìn như thế cho nên phần này được xem như là bổ sung cho phần trước.

1.Đây là ý kiến của giáo sư Trần Quốc Vượng trong sách “Lịch Sử Việt Nam” tập I : “Thuyết nhân quả - nghiệp báo của Phật Giáo phù hợp với tín ngưỡng dân gian Việt Nam về việc ông trời trừng phạt kẻ ác, cứu giúp ban thưởng người lành. Thuyết luân hồi cũng phù hợp với quan niệm linh hồn tồn tại sau khi xác thân tiêu hoại và cũng phù hợp với nhận xét về sự tuần hoàn của cây cỏ của cư dân nông nghiệp…” (Sđd, nhà xb ĐH và TH chuyên nghiệp, H, 1983, tr. 396). Ý kiến này giúp chúng ta lý giải sự có mặt một cách phong phú cụm triết lý nhân quả - nghiệp báo – luân hồi của Phật Giáo trong văn học dân gian Việt Nam, thông qua nhiều ngả:

a.Ngả trực tiếp, hiện tiền:

Gậy ông đập lưng ông.

Tham thì thâm, Bụt đã bảo tham rằng chớ có tham.

Ở tinh gặp ma, ở quỷ gặp quái, gian tà gặp nhau.

Ngả báo ứng, thưởng phạt:

Gieo gió, gặt bão.

Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.

Ai mà phụ nghĩa quên công

Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.

Ngả nghiệp báo-luân hồi:

Làm kiếp trâu ăn cỏ

Làm kiếp chó ăn dơ.

Ai ơi hãy ở cho lành,

Kiếp này chưa gặp, hãy dành kiếp sau.

Trứng rồng lại nở ra rồng,

Liu điu lại nở ra giòng liu điu.

Ngả tu nhân, tích đức:

Hương Bụt thắp thờ Bụt.

Người trồng cây hạnh người chơi,

Ta trồng cây đức để đời về sau.

Lênh đênh qua cửa Thần Phù

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm…

b.Truyện Tấm Cám là truyện điển hình nhất cho ảnh hưởng của triết lý nhân quả-nghiệp báo nơi Phật Giáo đối với mảng truyện cổ dân gian Việt Nam. Trong truyện, Bụt đã hiện ra đến bốn lần để giúp Tấm vượt qua những khó khăn ban đầu. Tính chất báo ứng được trộn lẫn với sự việc đầu thai hóa kiếp… để thể hiện một cách thích hợp và sinh động theo hướng dân gian quen thuộc làm nên đặc điểm của nội dung truyện.

c.Một số mảng giáo lý nhà Phật như lẽ vô thường, biến chuyển, tinh thần nhẫn nhục, từ bi, tính chất tu tâm, tuỳ duyên v.v…. cũng được tục ngữ, ca dao VN ghi nhận, phản ánh:

Mỗi năm một tuổi, như đuổi xuân đi

Người đời khác nữa là hoa

Sớm còn tối mất, nở ra lại tàn

Dẫu xây chín bậc phù đồ

Sao bằng làm phúc cứu cho một người

Chữ nhân là chữ tương vàng

Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu

Đi với Bụt mặc cà sa

Đi với ma mặc áo giấy

Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài

Ăn cơm với cái thì ngáy o o

Ăn cơm với thịt bò thì lo ngay ngáy…

2.Ở thi ca chữ Nôm, nhất là thi ca chữ Hán, trong khi viết về ngôi chùa, bên cạnh việc mô tả, ghi nhận về những giá trị thẩm mỹ của nó, chúng ta còn gặp khá nhiều những phát hiện, khám phá về nhân sinh, vũ trụ… mà chúng ta có thể gọi là giá trị triết lý của ngôi chùa.

a.Đây là một phát hiện của Chu Văn An (?-1370):

“Nhàn thân nam bắc phiến vân khinh

Bản chấm thanh phong thể ngoại tình

Phật giới thanh u, trần giới viễn

Đình tiền phút huyết nhất oanh minh”

(Thân nhàn tựa áng mây trôi

Gió trăng nửa gói, việc đời nhẹ thênh

Cõi trần xa, cõi Phật thanh

Sân hoa đỏ rực, chim oanh líu lường)

(Bài Tạm nghỉ ở núi Thôn Nam, Đào Thái Tôn dịch, Thơ Văn Lý Trần 3,

nhà xb KHXH, H, 1978, tr, 57)

b.Nguyễn Phi Khanh (1355-1428) còn đi xa hơn khi nghe tiếng chuông chùa mà cảm nhận được tính chất bao la của đất trời:

“Viễn viễn tòng tăng tự

Sơ sơ lạc khách bồng

Triều sinh, thiên địa hiêu

Nguyệt bạch, hựu giang không”

(Vẳng tự chùa xa tới

Tiếng thưa lọt mui bồng

Triều dâng, trời đất rạng

Trăng bạc, sông mênh mông)

(Bài Tiếng chuông sớm ở Hóa Thành, Tiên Sơn,

Huệ Chi dịch, sđd, tr.473)

c.Từ tiếng chim quen thuộc, Nguyễn Trãi đã khám phá ra sự biến chuyển của vạn vật và tính chất mộng ảo của cuộc đời:

“Quân thân nhất niệm cửu anh hoài

Giản quý, lâm tàm túc nguyện quai

Tam thập dư niên trần cảnh mộng

Số thanh đều điểu hoán sơ hồi”.

(Một dạ quân thân vướng vít hoài

Thẹn rừng, tủi suối ước xưa sai

Ba mưoi năm lẻ trong trần mộng

Và tiếng chim kêu tỉnh lại thôi)

(Bài Chùa Đông Sơn, Đào Duy Anh dịch,

Nguyễn Trãi TT, sđd, tr. 331)

d.Nguyễn Trực (1417-1474) đã nhìn thủng từ làn hương cúng Phật mà nhận ra nẻo luân lưu của kiếp người trong thế giới bao la:

“Diệu khê tam sinh mộng

Do tồn nhất lũ yên

Lâu đài phi thế hữu

Hoa mộc đắc xuân thiên

Du mục phù vân ngoại

Mang mang thị đại thiên”

(Phải giấc mộng ba sinh

Khói hương còn phảng phất?

Lâu đài cảnh Nhược, Bồng

Cỏ hoa cùng khoe sắc

Cuộc đời mây nổi kia

Đại thiên trong tầm mắt)

(Bài Lên chùa núi Hương Lô, Hợp Tuyển Thơ Văn VN T2,

sđd, tr. 346, ĐN dịch)

e.Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã đi từ trường hợp cái Đỉnh nổi tiếng ở Chùa Phổ Minh - một trong An Nam tứ khí đời Lý – mà nêu lên sự tương quan giữa vô hình và hữu hình:

“Pháp giới ưng đồng thiên quảng đại

Hương nhân do thuyết địa anh linh

Liêu liêu cô đỉnh kim hà tại?

Thức đắc vô hình thắng hữu hình”

(Pháp giới phải ngang trời rộng lớn

Người làng van nói đất anh linh

Vẳng không cô đỉnh rày đâu tá?

Mới biết vô hình thắng hữu hình)

(Bài thăm chùa Phổ Minh, Hữu Thê dịch, Thơ Văn Nguyễn Bỉnh Khiêm,

nhà xb VH, H, 1983, tr. 233-234).

f.Cũng có thể nói tới một phát hiện của Cao Huy Diệu (hậu bán thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, nội tộc của Cao Bá Quát) trong lần đầu lên thăm chùa Tiên Sơn:

“Thiên hoa thắng cảnh cung bình nguyệt

Bát điệp tiền nhân tống phẩm đề

Cước hạ giang sơn kỳ bán cục

Thao thao lãnh tiêu trọc đô mê”

(Duyên xưa tám lá truy nguôn lá

Cảnh đẹp ngàn hoa lựa tứ hoa

Thế giới dưới chân cờ nửa cuộc

Cười ai bể trọc chửa nhìn ra)

(Bài thăm chùa Tiên Sơn lần trước, Ngô Linh Ngọc dịch,

Văn học Tây Sơn, Nguyên Lộc bs,

sở VHTT Nghĩa Bình xb, 1986, tr. 382-383)

g.Hoặc một khám phá đầy tính tự hào của Cao Bá Quát (1809-1855), xem như là một khẳng định cho sự gắn bó muôn đời giữa ngôi chùa với sông núi quê hương:

“Thiên địa hữu tư sơn

Vạn cổ hữu tư tự

Phong cảnh dĩ kỳ tuyệt

Nhi ngã diệc lai thử”

(Trời đất có núi ấy

Muôn thuở có chùa này

Phong cảnh đã kỳ tuyệt

Lại thêm ta đến đây…)

(Bài Qua núi Dục Thúy, Ngô Lập Chi dịch, Thơ Chữ Hán Cao Bá Quát,

nhà xb VH, H, 1976, tr. 56-57).

h.Cũng từ những phong cảnh kỳ tuyệt, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã hiểu thêm về cuộc sống:

“Tinh không thạch bích sinh hàn vũ

Dạ bán chung thinh lạc nộn triều

Lâm thử giang sơn kỳ thắng tuyệt

Tọa giao khôi lôi nhất thời tiêu”

(Trời quang vách đá dầm hơi nước

Đêm vắng hồi chuông rớt ngọn triều

Ngắm cảnh non sông kỳ tuyệt ấy

Nợ đời bỗng chốc chẳng còn đeo)

(Bài lên núi Ngũ Hành Sơn lưu đề, Nguyễn Văn Khoa dịch,

Thơ Văn Nguyễn Khuyến, sđd, tr. 225-226)

i.Đào Tấn (1845-1907) sau hơn mười năm thăng trầm trên bước đường công danh, đã tìm ra chỗ dựa cho đời mình:

“Thập niên hồ hải quy lai mộng

Nhất kỉnh yên hà tự tại thiên”

(Khói hoa một mớ trời dành sẵn

Ao biển mười năm mộng trở về)

(Câu Đối làm ở chùa Linh Phong, Vũ Ngọc Liên dịch, Thư Mục Tư liệu về Đào Tấn,

Sở VHTT Nghĩa Bình xb, 1985, tr. 83)

j.Cũng không quên nhắc tới cái khám phá của Chu Mạnh Trinh (1862-1905) nhà thơ Nôm của danh lam thắng cảnh Hương Tích:

“Giữa dòng đáy nước lồng gương

Mượn chèo ngư phủ đưa đường đào nguyên

Lạ cho vừa bén mùi thiền

Mà trăm não với nghìn phiền sạch không”

(Hương Sơn Nhật Trình Ca, dẫn theo VHS Giản Lược 3

của Phạm Thế Ngữ, S, 1965, tr. 44)

IV.MỘT SỐ SUY NGHĨ, ĐỀ XUẤT THAY CHO KẾT LUẬN

Xin được nhắc đến cái chân lý mà cũng là niềm tin của chúng tôi: con người, cá nhân hay cả một dân tộc, sẽ không thể có một tương lai tốt đẹp nếu không biết trân trọng và phát huy quá khứ. Như thế, vấn đề được đặt ra là: Phật Giáo đã có được những đóng góp lớn lao cho văn học Việt Nam trong quá khứ. Vậy, Phật Giáo Việt Nam sẽ đóng góp được những gì cho sinh hoạt văn học Việt Nam, hiện tại cũng như tương lai? Vấn đề này xin được xét ở cả hai phía:

1. Về phía Phật Giáo: Phải thừa nhận rằng, ảnh hưởng của Phật Giáo trong văn học hiện đại Việt Nam - nhất là ở mảng sáng tác – không đậm đà bằng trong văn học cổ điển. Điều này có những nguyên nhân xa gần và có thể thâu tóm vào một số nét chính sau đây:

- Đối tượng sáng tác, đề tài sáng tác trong văn học hiện đại được mở rộng hơn so với văn học cổ điển.

- Phật Giáo Việt Nam, trong cái biến chuyển chung của đất nước và dân tộc, đã chưa có được những thời gian và hoàn cảnh thuận lợi để phát huy bản sắc của mình. Nên nhớ rằng, thời gian từ 1965-1975 ở miền Nam trước ngày đất nước thống nhất, văn học Phật Giáo đã có một số thành tựu đáng chú ý. Các tập thơ của Huyền Không, Trụ Vũ, Trúc Diệp, Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư, kịch của Lê Văn Siêu (Quốc sư Vạn Hạnh, nhà xb Lá Bối, 1967)…, những tập truyện của Tâm Quán, Nhất Hạnh, Võ Đình Cường, v.v….. là những minh chứng. Tuy nhiên, mười năm chưa phải là thời gian đủ để cho nhân tốt trở nên quả tốt trong văn học.

- Từ sau ngày đất nước được thống nhất, Phật Giáo Việt Nam cũng chưa tìm được những hoàn cảnh thuận lợi cho sự phát triển của mình. Khoảng hơn năm, sáu năm trở lại đây, đất nước có những biến chuyển trong sự “đổi mới”, hoàn cảnh thuận lợi tương đối đối với Phật Giáo đã mở ra và Phật Giáo Việt Nam đã tạo được những bước phát triển, thành tựu ở các mặt. Tuy nhiên, nhìn chung, so với yêu cầu của thời đại, Phật Giáo VN còn khá nhiều điểm hạn chế cần khắc phục để vượt qua cũng như còn gặp phải nhiều khó khăn, cả mặt chủ quan và khách quan.

- Đội ngũ những người làm công việc sáng tác ở đây là những văn nghệ sĩ Phật tử và các văn nghệ sĩ có cảm tình với đạo Phật - vẫn chưa có được thời gian và hoàn cảnh tốt để phát huy sở trường của mình. Đấy là chưa kể, đã có một thời gian, một bộ phận của giới trí thức Việt nam đã hiểu lầm hoặc hiểu sai về Phật Giáo, hay thiếu những điều kiện để tạo được những đối thoại, tìm tòi.

Như vậy, đặt vấn đề Phật Giáo VN sẽ đóng góp được những gì cho đời sống văn học Việt Nam, hiện tại cũng như tương lai, tức cũng là đặt vấn đề “sức sống đích thực của Phật Giáo VN trong hiện tại và mai sau”, đề cập đến nhiều vấn đề như Giáo dục, Hoằng pháp, Nghi lễ, sinh hoạt của gia đình phật tử, nghiên cứu Phật học, in ấn xuất bản, hoàn thành Đại Tạng Kinh Việt Nam trên cơ sở của Tạng Pali và Tạng Hán… Chúng tôi mong có được những ý kiến đóng góp của các vị có những hiểu biết chuyên môn cùng đạo tâm đối với các vấn đề trên, nhằm soi sáng để có được một cái nhìn tổng thể thì mới đưa tới một số kết luận có sức thuyết phục lớn.

2. Về phía giới sáng tác: Như trên đã nói, giới này gồm các văn nghệ sĩ Phật tử và các nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch ít nhiều có cảm tình với đạo Phật. Họ đã có, đang có và sẽ có ngày một đông hơn cùng với sự phát triển khẳng định sức sống đích thực của Phật Giáo Việt Nam hiện đại, Tất nhiên là những người làm công việc sáng tác luôn có tinh thần cầu tiến, ham tìm tòi, phát hiện, khám phá v.v…. Cho nên, Phật Giáo, với những vùng đề tài hầu như còn bỏ ngõ, sẽ là những mời gọi đầy lôi cuốn, hấp dẫn. Chúng ta đã có một Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940) với Cô Con Gái Phật Hái Dâu viết về cuộc đời của Ỷ Lan Nguyên Phi đời Lý; một Đoàn Trung Còn trong cố gắng dùng thơ lục bát để diễn thơ tác phẩm The Light of Asia của S.E. Arnold thành Ánh Sáng Á Châu; một Lê Văn Siêu với vở kịch Quốc Sư Vạn Hạnh; một Võ Đình Cường với Ánh Đạo Vàng, Thử Hòa Điệu Sống, Suối Từ - Mùa Gặt; có một Phạm Thiên Thư với Đoạn Trường Vô Thanh, với nỗ lực muốn thi hóa một số kinh Phật tiêu biểu v.v…. Đó là những tham khảo cần thiết cho những người sáng tác đi sau.

Nhìn chung, cái mà cả hai phía đều cần, phía Phật Giáo Việt Nam và phía những người làm công việc sáng tác, chính là thời gian và hoàn cảnh thuận lợi. Nhưng xét cho cùng thì yếu tố quyết định vẫn ở nơi con người, những con người có trình độ và đức độ biết làm chủ thời gian và hoàn cảnh.

Chúng tôi, với những hiểu biết và tin tưởng từ quá khứ, chúng tôi xin thành tâm cầu nguyện cho Phật Giáo Việt Nam đã và sẽ sản sinh ra nhiều những con người như thế.

Đào Nguyên
(Sưu tầm)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top