SỰ CHUYỂN BIẾN TỪ CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC CHÂN CHÍNH SANG CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN TRONG NHẬN THỨC TƯ TƯỞNG CỦA LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC (1920-1925)
TS. Phạm Văn Lực
Khoa Sử - Địa, Trường Đại học Tây Bắc
Ngày 05/06/1911, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi sang phương Tây tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc, đến năm 1920, Người đã tìm ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc cho dân tộc Việt Nam; sự kiện này cũng đánh dấu bước chuyển biến về chất trong nhận thức tư tưởng của Người. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, trong phạm vi của bài viết này, tôi xin làm rõ thêm bước chuyển biến có tính chất quyết định này như sau:.
1. Quá trình bôn ba tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc (1911-1917)
Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 (ngoài ra còn nhiều tài liệu khác không được thống nhất). Thuở nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung (tiếng địa phương phát âm là Coông). Quê nội ở làng Kim Liên (tên Nôm là làng Sen), nhưng Ông được sinh ra ở quê ngoại là làng Hoàng Trù (tên Nôm là làng Chùa, nằm cách làng Sen khoảng 2 km) và sống ở đây cho đến năm 1895. Hai làng này vốn cùng nằm trong xã Chung Cự, thuộc tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn. Quê nội của ông, làng Kim Liênlà một làng quê nghèo khó và có nhiều người tham gia các hoạt động chống Pháp.
Cụ thân sinh ra Ông là một nhà Nho yêu nước tên là Nguyễn Sinh Sắc, từng đỗ Phó bảng. Thân mẫu là bà Hoàng Thị Loan. Ông có một người chị là Nguyễn Thị Thanh, một người anh là Nguyễn Sinh Khiêm (tự Tất Đạt, còn gọi là Cả Khiêm) và một người em trai mất sớm là Nguyễn Sinh Nhuận (1900-1901), tên khi mới lọt lòng là Xin).
Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung cùng cha mẹ và anh trai vào Huế lần đầu tiên. Sau khi mẹ mất (1901), ông về Nghệ An ở với bà ngoại một thời gian ngắn rồi theo cha về quê nội, từ đây ông bắt đầu dùng tên Nguyễn Tất Thành.
Năm 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế lần thứ hai và học ở trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba. Tháng 9 năm 1907, Ông vào học tại trường Quốc học Huế, nhưng bị đuổi học vào cuối tháng 5 năm 1908 vì tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ. Cha ông bị triều đình khiển trách vì "hành vi của hai con trai". Hai anh em Tất Đạt và Tất Thành bị giám sát chặt chẽ. Ông quyết định vào miền Nam để tránh sự kiểm soát của triều đình.
Đầu năm 1910, Nguyễn Tất Thành vào đến Phan Thiết. Ông dạy chữ Hán và Chữ Quốc Ngữ cho học sinh lớp ba và bốn tại trường Dục Thanh của Hội Liên Thành. Khoảng trước tháng 2 năm 1911, ông nghỉ dạy và vào Sài Gòn cũng với sự giúp đỡ của Hội Liên Thành. Tại đây, ông theo học trường Bách Nghệ là trường đào tạo công nhân hàng hải và công nhân chuyên nghiệp cho xưởng Ba Son (bây giờ là trường Cao Đẳng kỹ thuật Cao Thắng ). Ở đây, ông học được 3 tháng. Sau đó ông quyết định sẽ tìm một công việc trên một con tàu viễn dương để được ra nước ngoài.
Xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, trên cơ sở rút kinh nghiệm thất bại của các thế hệ cách mạng tiền bối (Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh...), Nguyễn Ái Quốc không sang Nhật Bản mà quyết định đi sang châu Âu tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc. Với mục đích “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi cần” [5, tr.287], ngày 05/06/1911, lấy tên là Văn Ba, xin làm phụ bếp trên một tàu buôn của Pháp, từ cảng nhà Rồng (Sài Gòn), Người đi sang phương Tây tìm đường cứu nước.
Đến ngày 8/6/1911, con tàu mà Văn Ba làm thuê cập cảng Singapore, ngày 14/6/1911 qua Srilanca, 30/6/1911 qua cảng Xa it của Ai Cập. Sau một tháng vượt biển đến ngày 6/7/1911 tàu Đô đốc La tút sơ Tê rê vin cập cảng Mác xây (Pháp); ở đây một thời gian ngắn, đầu 1912 Người chuyển sang làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Vận tải hợp nhất Chargeurs chở hàng đi vòng quanh châu Phi. Trong cuộc hành trình này, Người có dịp được qua nhiều nước ở châu Âu (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha) và châu Phi (An giê ri, Tuynidi, Công Gô, Xênê gan…). Cuối 1912, Người đến Mĩ sống ở Niu oóc; những năm tháng sống trên đất Mĩ, Người được tận mắt chứng kiến tội ác của chủ nghĩa đế quốc thông qua kiểu hành hình Lin sơ; năm 1913 Nguyễn Ái Quốc chuyển sang hoạt động tại nước Anh cho đến cuối 1917 lại chuyển về hoạt động tại nước Pháp…
Như vậy, từ 1911 đến 1917, Người đã bôn ba ở nhiều nước trên thế giới thuộc các châu lục (Á, Âu, Phi, Mĩ), làm nhiều nghề khác nhau (phụ bếp, làm vườn, quét tuyết, thợ ảnh, làm báo, bán báo), vừa lao động để kiếm sống, vừa học tập và hoạt động cách mạng. Có thể nói, quá trình bôn ba tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc chính là quá trình tự “vô sản hóa” của Người và chính vì có quá trình đó mà Người hiểu sâu sắc được cảnh sống khổ cực lầm than của người dân lao động và tội ác của chủ nghĩa đế quốc; từ đó đã giúp Người rút ra nhận định: “ở đâu nhân dân lao động cũng là bạn, chủ nghĩa đế quốc cũng là thù”. Đây chính là cơ sở thực tế có vai trò đặc biệt quan trọng để Nguyễn Á Quốc có thể tiếp thu được Chủ nghĩa Mác-Lê nin (hệ tư tưởng của giai cấp vô sản) một cách thuận lợi, dễ dàng về sau này.
2. Bước chuyển biến về chất trong nhận thức tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc từ Chủ nghĩa yêu nước chân chính sang Chủ nghĩa cộng sản (1920)
Năm 1917, Người từ Anh trở về Pháp. Đón nhận được ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười và chủ nghĩa Lê nin (nhưng vẫn là cảm tính); với nhiệt huyết của một người yêu nước, Người hăng hái tham gia phong trào đấu tranh chống đế quốc, bảo vệ Cách mạng tháng Mười, bảo vệ nước Nga Xô Viết non trẻ của giai cấp công nhân và nông dân lao động. Người sáng lập “Hội những người Việt Nam yêu nước” để đoàn kết Việt kiều, tuyên truyền giác ngộ đấu tranh giải phóng đất nước.
Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một Đảng tiến bộ ở Pháp lúc bấy giờ. Ngày 18/6/1919, thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi tới Hội nghị các nước đế quốc thắng trận họp tại Vecxai (Versailles) ở Pháp Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam nhằm tố cáo chính sách thực dân của Pháp và đòi Chính phủ Pháp phải thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng cho nhân Việt Nam. Bản yêu sách gồm có 8 điểm:
1. Tổng ân xá tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị. 2. Cải cách nền pháp lí Đông Dương bằng cách để người bản xứ cùng được quyền hưởng việc xét xử pháp luật như người Âu châu. Xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam. 3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận. 4. Tự do lập hội và hội họp. 5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương. 6. Tự do học tập, thành lập các trường kĩ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ. 7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. 8. Có đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ [4, tr.711].
Bản yêu sách không được giải quyết, nhưng đã trực diện tấn công vào chủ nghĩa đế quốc và có tiếng vang lớn, cổ vũ nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và nhân dân các nước thuộc địa đấu tranh chống đế quốc. Qua sự kiện này, Người đã rút ra bài học lớn: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới” [5, tr. 416].
Những hoạt động này thực sự là bước “Quá độ” để đưa đến sự chuyển biến về chất trong nhận thức tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước chân chính sang chủ nghĩa cộng sản. Giữa tháng 7/1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng xã hội Pháp, họp tại thành phố Tua (Tuor), Nguyễn Ái Quốc được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất về vấn đề thuộc địa của Lê nin; tháng 12/1920, tại một đại hội của Đảng xã hội Pháp ở thành phố Tua (lúc này Đảng xã hội Pháp có sự phân hóa sâu sắc thành hai cánh: cánh tả và cánh hữu; cánh tả đi đến thành lập Đảng cộng sản Pháp) Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III và tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp. Người đã trở thành “Người Cộng sản Việt Nam đầu tiên hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp”.
Luận cương của Lê nin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, Người viết “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” [6,tr. 127]
Việc bỏ phiếu tán thành gia nhập quốc tế III, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp là sự kiện đánh dấu bước nhảy vọt trong tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường Cộng sản. Sự kiện này mở ra cho cách mạng Việt Nam một giai đoạn phát triển mới, “giai đoạn gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa Mác – Lênin”.
Có thể nói, Cách mạng tháng Mười có ảnh hưởng sâu rộng đối với tất cả các dân tộc trên thế giới, tạo ra cho những người cộng sản và những người yêu nước nhận thức mới về con đường giải phóng dân tộc trong thời đại đế quốc chủ nghĩa; tuy nhiên, không phải “ai tiếp xúc cũng được soi tỏ”. Thực tế ở Pháp lúc đó có nhiều người Việt Nam yêu nước như: Luật sư Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh…; thậm chí Luật sư Phan Văn Trường còn là người Việt Nam đầu tiên được tiếp xúc với Tuyên Ngôn của Đảng cộng sản (1908), Ông cũng được giao tiếp và làm việc với nhiều người là đảng viên Đảng cộng sản Pháp (1920-1922), đến khi về nước (1923) ông đã tự mình dịch và cho đăng toàn bộ Tuyên Ngôn của Đảng cộng sản bằng chữ Quốc ngữ trên tờ “Tiếng chuông rè” (sau đổi là Annam). Thế nhưng, chỉ có Nguyễn Ái Quốc mới phát hiện và tiếp thu được cái “chất” tinh thúy nhất của Chủ nghĩa Mác – Lê nin và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Sở dĩ Nguyễn Ái Quốc có được điều đó, là do ngay từ đầu khi bước chân ra ngước ngoài (và đi sang phương Tây) Người đã có sự định hướng đúng đắn là để tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc chứ không nhằm một mục đích nào khác. Để đạt được mục tiêu đó, Người cũng hết sức nhạy cảm về chính trị và đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về mọi mặt, trong đó cốt yếu nhất là quá trình tự “vô sản hóa”. Nhờ vây, khi bắt gặp Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Nguyễn Ái Quốc đã với tư cách là người con ưu tú của giai cấp vô sản tiếp thu hệ tư tưởng của chính giai cấp mình; nên quá trình nhận thức đó diễn ra thuận lợi, dễ dàng, trực tiếp và biến được cái “chất” tinh túy nhất của Học thuyết Mác trở thành con đường cứu nước giải phóng dân tộc duy nhất đúng đắn cho dân tộc Việt Nam; còn một số người Việt Nam (Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường…) và những người yêu nước ở các quốc gia khác (Plêkhanốp của ở Nga, Lí Đại Chiêu, Cù Văn Bạch của Trung Quốc) không thể có được nhận thức đó. Đây là cái khác, cái hơn hẳn và cũng là công lao to lớn nhất của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với dân tộc Việt Nam.
3. Hoạt động cứu nước trên lập trường của Chủ nghĩa cộng sản (1921-1925)
Từ khi đón nhận được ánh sáng của cách mạng tháng Mười và Chủ nghĩa Mác – Lênin Nguyễn Ái Quốc bước vào thời kỳ hoạt động cách mạng mới đầy sôi nổi và nhiệt huyết. Tháng 10/1921, tại Pari, Nguyễn Ái Quốc đã cùng một số chiến sĩ yêu nước của Angiêri, Marốc, Tuynidi, Mađagaxca, Máctiních...thành lập “Hội liên hiệp thuộc địa”, nhằm tập hợp, tuyên truyền, vận động nhân các thuộc địa đoàn kết với nhân dân chính quốc, giải phóng dân tộc bị áp bức. Nguyễn Ái quốc là Ủy viên Thường trực của Ban Chấp hành Trung ương Hội. Tháng 4/1922, Hội Liên hiệp thuộc địa xuất bản tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) để tuyên truyền, vận động cách mạng ở các nước thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc là trụ cột của tờ báo.
Cùng với việc lập Hội Liên hiệp thuộc địa, xuất bản báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc còn tổ chức các buổi diễn thuyết, viết bài cho báo Nhân Đạo, Người cùng khổ, Đời sống công nhân,...Bản án chế độ thực dân Pháp, được xuất bản lần đầu tiên ở Pari năm 1925.
Những sách, báo do Nguyễn Ái Quốc viết, được bí mật chuyển đến các nước thuộc địa và về Việt Nam. Là Trưởng tiểu ban Đông Dương thuộc Ban Nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ vị trí, vai trò của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, tăng cường tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, xây dựng khối đoàn kết quốc tế vô sản giữa công nhân, lao động Pháp với công nhân, lao động các nước thuộc địa và phụ thuộc. Tháng 6 /1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật tới Liên Xô tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân.
Tháng 7/1924, Người tham dự các Hội nghị Quốc tế Thanh niên, Hội nghị quốc tế Phụ nữ, Hội nghị Quốc tế Công hội đỏ.... Trong thời gian ở Liên Xô (6/1923 – 11/1924), cùng với việc dự và tham luận trong các Đại hội, Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc làm việc tại Quốc tế Cộng sản với cương vị là Ủy viên Bộ phương Đông, phụ trách Cục phương Nam. Người nghiên cứu sâu hơn về chủ nghĩa Mác – Lênin, kinh nghiệm Cách mạng tháng Mười, lí luận về xây dựng chính đảng của giai cấp vô sản Kiểu mới, đồng thời khảo sát thực tế chế độ xã hội chủ nghĩa, kinh nghiệm và thực tiễn xây dựng Đảng Cộng sản Liên Xô...Người đã viết nhiều bài báo đăng trên báo Sự thật, Tạp chí Thư tín quốc tế ở Liên Xô và tiếp tục gửi bài đăng báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, Người cùng khổ ở Pháp. Người trình bày lập trường quan điểm của mình về mối quan hệ giữa phong trào công nhân ở các nước đế quốc với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, về vai trò và sức mạnh to lớn của giai cấp nông dân ở các nước thuộc địa. Người nhân mạnh tới tính cấp thiết của vấn đề nông dân: “Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi…Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng” [5,tr. 289]
Sau hội nghi Quốc tế, Nguyễn Ái Quốc còn tiếp tục nghiên cứu, học tập lí luận và kinh nghiệm cách mạng trước khi về Quảng Châu hoạt động cách mạng. Những quan điểm cơ bản về chiến lược và sách lược cách mạng giải phóng thuộc địa trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận được dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê nin là một bước chuẩn bị quan trọng về chính trị và tư tưởng cho sự thành lập chỉnh Đảng vô sản ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp sau.
Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc đã liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam và trở về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động cách mạng. Tại đây (số nhà 13/I phố Văn Minh- Quảng Châu) Người đã mở lớp đào tạo cán bộ, học viên là những thanh niên yêu nước từ trong nước sang và một số thuộc tổ chức Tâm Tâm xã trước đây. Giảng viên là Nguyễn Ái Quốc, trợ giảng là các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn. Từ 1924-1927, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song nhờ có sự giúp đỡ chí tình của các đồng chí Liên Xô, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã đưa được 75 thanh niên yêu nước Việt Nam vào học ở Quảng Châu. Họ “học làm cách mạng, học cách hoạt động bí mật”. Trong số học viên đó có một số được gửi đi học tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), một số học ở trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc), còn phần lớn các đồng chí lên đường về nước hoạt động cách mạng, một số đồng chí sang Xiêm (Thái Lan) hoạt động theo yêu cầu của tổ chức
.
Tháng 6/1925, trên cơ sở hạt nhân là “cộng sản Đoàn”, Nguyễn Ái Quốc cùng Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu sáng lập Hôi Việt Nam Cách mạng Thanh niên; ngày 21/6/195 ra bào Thanh niên… Mục đích của Hội là “Làm cuộc cách mệnh dân tộc(đập tan bọn Pháp và giành lại độc lập cho xứ xở) rồi sau làm cách mạng thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản)” [1,tr.83] Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ này vừa nhằm mục đích truyền bá con đường cứu nước về với dân tộc Việt Nam, lại vừa là bước chuẩn bị rất quan trọng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam về sau này
Kết luận
Như vậy ta thấy, công lao to lớn nhất của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là vào năm 1920 đã tìm ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc duy nhất đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Sự kiện này đã đánh dấu bước chuyển biến về chất trong nhận thức tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ chủ ngĩa yêu nước chân chính sang chủ nghĩa cộng sản. Chính người cũng đã truyền bá con đường cứu nước đó về với dân tộc Việt Nam và chuẩn bị mọi mặt cho sự thành lập Đảng cộng sản Việt Nam về sau này.