• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Sự chuyển biến của xã hội ấn độ vào nửa sau thế kỷ xix

Trang Dimple

New member
Xu
38
SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA XÃ HỘI ẤN ĐỘ VÀO NỬA SAU THẾ KỶ XIX

Văn Ngọc Thành


Tìm hiểu những chuyển biến kinh tế, chính trị và xã hội diễn ra ở Ấn Độ vào nửa sau thế kỷ XIX là một công việc khó khăn bởi sự hạn hẹp của nguồn tư liệu ở nước ta. Tuy nhiên, đây là điều có ý nghĩa lớn trong công tác nghiên cứu lịch sử phong trào dân tộc Ấn Độ. Bởi vì, thông qua đó chúng ta có thể hiểu rõ hơn những cơ sở của phong trào dân tộc, hiểu rõ hơn vai trò của giai cấp tư sản Ấn Độ và chính đảng của nó – Đảng Quốc Đại. Trên cơ sở những tài liệu thu thập được, chúng tôi chỉ đề cập đến những vấn đề cơ bản sau đây:

1. Sau cuộc khởi nghĩa 1857 chính quyền Anh thấy cần phải củng cố địa vị của mình ở Ấn Độ. Những cải cách của chính phủ Anh tiếp sau đó đã thể hiện rõ chính sách này.

Về chính trị: Từ 1857, những cải cách do chính quyền Anh đề ra thông qua Đạo luật cải tiến quản lý Ấn Độ đã biến Ấn Độ trở thành một thuộc địa nằm dưới quyền cai trị trực tiếp của chính phủ Anh. Công ty Đông ấn bị giải tán, một Phó vương (Viceroy) được cử ra để thay mặt vua Anh cai trị Ấn Độ. Theo đó, ngày 1- 1-1874, Nữ hoàng Anh Victoria tuyên bố đồng thời là Nữ hoàng Ấn Độ. Mọi quyền hành nằm trong tay Phó vương, các cơ quan khác chỉ có quyền tư vấn. Để bảo vệ bộ máy thống trị này, chính phủ Anh quyết định tăng cường lực lượng quân đội Anh ở Ấn Độ từ tỷ lệ 1/6 lên 1/2 hoặc 1/3 [11, 90].

Về kinh tế: Bên cạnh việc bóc lột nhân dân Ấn Độ bằng chế độ thuế khóa và vơ vét nguyên liệu như trước kia, tư bản Anh đã tăng cường đầu tư vào Ấn Độ. Lĩnh vực đầu tiên mà tư bản Anh đầu tư là ngành đường sắt. Năm 1853 tư bản Anh đặt 32 km đường sắt đầu tiên, năm 1859 đã có 690 km và đến 1689 có khoảng 8000 km đường sắt [5, 25]. Đến năm 1900 ở Ấn Độ đã có 39,8 nghìn km đường sắt với tổng số vốn 3295 triệu Rupee [7, 187 - 188]. Ngoài ra, tư bản Anh cũng đầu tư vào việc xây dựng các công trình thủy lợi. Vào 25 năm cuối của thế kỷ XIX việc tưới tiêu được mở rộng chủ yếu là ở Punjab và Sind là những nơi nhanh chóng trở thành các khu vực quan trọng nhất sản xuất bông cho xuất khẩu. Đến năm 1902, việc xây dựng các công trình tưới nước đã được đầu tư 24 triệu bảng Anh [3, 550].Sở dĩ tư bản Anh quan tâm đến lĩnh vực xây dựng hệ thống thuỷ nông vì nó đưa lại nhiều lợi nhuận. Thông qua bộ máy thuế khoá, năm 1900 – 1901 thực dân Anh đã thu được từ các công trình xây dựng thuỷ nông quốc gia 20,7 triệu Rupee lợi nhuận tư nhân.

Đến năm 1900 – 1901, chính quyền thực dân góp7 957 triệu Rupee tiền vốn vào đường sắt quốc gia và các công trình xây dựng khác [9, 49].

Từ giữa thế kỷ XIX, khu vực đầu tư quan trọng nhất của tư bản Anh vào nền nông nghiệp Ấn Độ là kinh tế đồn điền. Việc trồng trọt các loại cây chè ở các vùng thưa thớt dân cư và đất đai khó sử dụng ở Nam và Đông Bắc Ấn Độ yêu cầu sử dụng vốn đầu tư tư bản lớn và không dựa vào vũ lực tàn phá kinh tế nông dân, do vậy ngành sản xuất nông nghiệp này bắt đầu được phát triển trên cơ sở kinh tế đồn điền.

Những đồn điền cà phê và chè đầu tiên đã được bắt đầu hình thành từ những năm 30 của thế kỷ XIX, tuy nhiên sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế đồn điền ở Ấn Độ được bắt đầu vào cuối những năm 50 và đầu những năm 60: cà phê chủ yếu ở Maisir và một số khu vực thuộc Tây Nam Ấn Độ. Cuối những năm 60, đầu 70 diện tích trồng cà phê đạt khoảng 200.000 acre*; chè phát triển chủ yếu ở Assam, Bengal và một vài nơi thuộc miền Nam Ấn Độ. Từ 1853 đến 1871 diện tích trồng chè trong nước tăng từ 2000 lên 31.000 acre, số lượng các đồn điền trồng chè tăng từ 10 lên 295 đồn điền với sản lượng chè từ 360.000 pound Anh lên 6.000.000 pound Anh**. Nhà nước thực dân Anh ở Ấn Độ bằng mọi cách ủng hộ cho sự phát triển kinh tế đồn điền, cho nhà tư bản sở hữu hoàn toàn hoặc phát canh cho họ với các điều kiện ưu đãi.

Cũng từ giữa thế kỷ XIX tư bản Anh đã hùn vốn vào việc xây dựng các xí nghiệp, công xưởng và công nghiệp khai mỏ. Năm 1853, nhà máy bông sợi đầu tiên được khánh thành ở Bombay, đến cuối những năm 50 tư bản Anh bắt đầu xây dựng gần Calcutta những xưởng đay đầu tiên, và vào những năm 60 các xưởng vải sợi được xây dựng ở Kanpura.

Việc tư bản Anh đầu tư vào Ấn Độ, nhất là trong ngành xây dựng đường sắt và các xí nghiệp chế biến nguyên liệu, đã gúp cho hàng hóa Ấn Độ có điều kiện xuất khẩu mạnh mẽ. Nhờ vậy, vào nửa sau những năm 80 hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên 3,5 lần so với lượng hàng hóa xuất khẩu tương ứng 5 năm của những năm 50.

Như vậy, từ những năm 60 – 70 của thế kỷ XIX, tư bản công nghiệp Anh đã bổ sung vào sự bóc lột Ấn Độ các phương pháp đặc trưng của chủ nghĩa đế quốc, đó là: đầu tư tư bản và xuất khẩu nguyên liệu. Thực tế này đã đưa đến hai hệ quả quan trọng: một mặt là quá trình bòn rút của cải của chủ nghĩa thực dân, làm cho đời sống của nhân dân Ấn Độ ngày càng bần cùng hóa, do vai trò “phá hoại” của nó gây ra; mặt khác, là sự chuẩn bị đất gieo mầm cho cách mạng Ấn Độ do vai trò “phục hưng” của chủ nghĩa tư bản Anh (chữ dùng của C. Mác) [10, 162].

2. Sự chuyển biến của xã hội Ấn Độ vào nửa sau thế kỷ XIX là kết quả tất yếu của quá trình du nhập của chủ nghĩa tư bản Anh. Sự chuyển biến này là sâu sắc và toàn diện. Sâu sắc bởi vì nó xâm nhập vào cả những khu vực khó biến đổi nhất – nông thôn Ấn Độ, toàn diện bởi vì nó biến đổi tất cả các mặt kinh tế, xã hội lẫn chính trị.

Nông thôn Ấn Độ vốn được xem là khu vực trì trệ tiêu biểu của xã hội phương Đông với sự tồn tại dai dẳng của công xã nông thôn. Nhưng với sự du nhập của chủ nghĩa tư bản vào Ấn Độ, những chuyển biến trong nông thôn đã diễn ra mạnh mẽ. Biểu hiện rõ ràng nhất của sự chuyển biến này là sự phát triển của quan hệ hàng hoá – tiền tệ ở nông thôn. Các vùng chuyên môn về các sản phẩm nông nghiệp khác nhau và các vùng chuyên canh được hình thành ở nông thôn Ấn Độ: chè ở Assam và Bengal, cà phê ở Maisir, bông ở Penjab, Gujarat, Trung ấn, thuốc phiện ở Malva, đay ở Bengal, lúa ở các vùng đồng bằng các con sông của Orissa và các vùng thuộc Madras, lúa mạch ở Chattisgarha, Penjab và Sind… Rõ ràng là sự phát triển theo hướng chuyên canh này đã tạo điều kiện cho quan hệ hàng hoá tiền tệ phát triển ở nông thôn.

Biểu hiện rõ ràng nhất của sự phát triển quan hệ hàng hoá tiền tệ ở nông thôn Ấn Độ thời kỳ này là ở chỗ đất đai cũng trở thành hàng hóa hay vật thế chấp. Chẳng hạn như ở Penjab từ năm 1866 đến 1874, bình quân một năm có 35.000 acre đất đai mua bán thì từ năm 1880 đến 1885 có 64.000 acre, từ năm 1885 đến 1990 có 124.000 acre, từ năm 1890 đến 1895 có 135.000 acre [1, 311]. Và tất nhiên, đất đai được chuyển vào tay những người cho vay lãi hoặc những người buôn bán. Theo số liệu điều tra 24 làng quanh Poona (Bombay) năm 1875, số diện tích ruộng đất sỡ hữu của người cho vay lãi tăng từ 4001 acre năm 1884 lên 5292 acre năm 1854 và 10.075 acre năm 1874 [1, 332].

Trong lĩnh vực công nghiệp, cùng với quá trình đầu tư tư bản của Anh, quá trình tích lũy tư bản ở Ấn Độ đã hình thành “không chỉ bằng việc buôn bán thuốc phiện, bông, vải vóc mà còn trong quá trình cộng tác toàn diện với bọn thực dân” [1, 363].

Điều kiện thuận lợi hơn cả để hình thành nền đại công nghiệp dân tộc là ở Bombay, nơi chính quyền thực dân đã buộc phải cho phép tầng lớp có của địa phương quyền tự chủ. Chính nơi đây đã hình thành nhóm đại tư sản dân tộc đầu tiên ở Ấn Độ, và tất nhiên cũng là nơi xuất hiện đầu tiên của những người vô sản Ấn Độ.

Nguồn gốc xuất thân của tư sản Bombay là những người buôn bán và cho vay nặng lãi. Ngay từ thế kỷ XIX, những người buôn bán Bombay đã hoạt động ở các thị trường hải ngoại (mà chủ yếu là Trung Quốc và Cận Đông) với chức năng làm trung gian thông qua sự tiêu thụ hàng hóa Anh. Đến thế kỷ XIX, sự tiêu thụ sợi của Anh ở Trung Quốc đã có ý nghĩa lớn. Việc buôn bán sợi đã gợi ra cho các nhà tư sản mại bản Bombay ý tưởng về việc xây dựng xưởng sợi ở Ấn Độ. Đến đầu thế kỷ XX phần lớn các sản phẩm công nghiệp sợi Bombay đã hướng vào xuất khẩu cho Trung Quốc.

Nhà máy sợi đầu tiên của Bombay đi vào xây dựng tháng 2 – 1854, đến cuối năm 1860 thành phố đã có 9 xưởng vải sợi hoạt động. Các chủ xưởng Bombay đầu tiên đã trở thành những nhà mại bản giàu có nhất như: Petita, Jijibhan, Vadia, Sassuna, thời kỳ cuối thế kỷ XIX là J. Tata, E. Kerimbhai…

Nhân vật quan trọng nhất trong các nhà tư bản Bombay, cũng như trong toàn Ấn Độ, là J.Tata. Các hoạt động của ông biểu thị rõ ràng nhất nguyện vọng của tư sản dân tộc Ấn Độ. Ông là nhà mại bản, là người cung cấp hậu cần cho chính quyền thực dân, tham gia việc buôn bán thuộc phiện ở Trung Quốc, là nhà đầu cơ bông v.v… J. Tata không bao giờ dừng lại trước lợi nhuận. Ông cũng là người sáng lập ra ngành công nghiệp luyện kim và ngành điện lực của Ấn Độ. Sau khi xây dựng xong xưởng vải sợi ở Bombay, J. Tata đã bán nó và bắt tay vào việc xây dựng xí nghiệp ở Nagpur – trung tâm của khu vực sản xuất bông. Bằng tài năng của mình, sau 43 năm làm việc, Tata đã thu lại 75 triệu rupee và vượt hơn 50 lần số vốn đầu tiên [1, 365].

Năm 1861, xưởng vải sợi đầu tiên được khánh thành ở Ahmadabad, nơi mà đến cuối thế kỷ XIX đã trở thành một trung tâm lớn thứ hai của nền công nghiệp vải sợi Ấn Độ, sau Bombay. Khác với Bombay, các xưởng vải sợi ở Ahamdabad hướng vào các thị trường sợi hải ngoại. Ngoài ra còn có các trung tâm khác của công nghiệp vải sợi, dù chúng còn kém xa so với Bombay và Ahmadabad. Các xưởng của Kapur thuộc về các tư bản Anh và tập trung vào việc cung cấp cho hậu cần của quân đội thực dân. Một ít các xí nghiệp trong các vùng của Maharastra được thành lập bởi những người của Bombay do họ muốn thu lợi từ lực lượng công nhân rẻ cũng như bông và thị trường tiêu thụ thuận lợi. Cuối cùng, các xưởng của Madras thì cung cấp sợi cho các tỉnh dệt vải thủ công nghiệp.

Ngành thứ hai có ý nghĩa quan trọng của nền đại công nghiệp Ấn Độ là ngành đay. Các xí nghiệp của ngành này đã được bắt đầu xây dựng từ năm 1855 ở các vùng lân cận Calcutta. Công nghiệp đay được kiểm soát hoàn toàn bởi tư bản Anh. Anh giữ độc quyền sự cung cấp của thị trường thế giới về các sản phẩm từ đay. Tuy nhiên, trong số các cổ phần của các công ty đay đã có nhiều người Ấn Độ, chủ yếu là các địa chủ và các thương gia Bengal.

Một ngành quan trọng nữa là ngành chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Hàng trăm xí nghiệp vừa, gia công chế biến bông, đay, đường, cây có dầu xuất hiện khắp Ấn Độ. Như thường lệ, những chủ nhân của chúng là các thương gia Ấn Độ, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là các công ty xuất khẩu lại nằm trong người Anh.

Đối với ngành công nghiệp khai mỏ, chỉ có ngành khai thác than đá, nguồn năng lượng duy nhất cho đường sắt và các xưởng đay, là đã trở thành ngành quan trọng. Cũng do vị trí quan trọng đó nên tư bản Anh đã gạt người ấn để giữ vị trí thống trị trong ngành này.

Năm 1875, với sự đóng góp cổ phần của người ấn, tư bản Anh đã xây dựng ở Bengal một nhà máy luyện kim vừa phải. Tuy nhiên, xí nghiệp này đã hoạt động không có hiệu quả lớn. Ngành luyện kim hiện đại của Ấn Độ được tư sản dân tộc ấn xây dựng sau này.

Theo ước lượng của Anh, năm 1898 ở Ấn Độ có 177 xưởng vải sợi với gồm 156.000 công nhân, tức là bình quân hơn 800 công nhân mỗi xưởng. Ngành công nghiệp này được đầu tư 14.900 nghìn bảng Anh, trong đó 1/3 là thuộc về tư bản Anh, với 33 xưởng đay, 95.000 công nhân.

Rõ ràng là nền công nghiệp Ấn Độ đã có bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên nhìn vào đó ta thấy nó thiếu vắng các ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, các ngành công nghiệp nặng. Nói cách khác, “sự công nghiệp hoá” thuộc địa Ấn Độ có đặc tính tỷ trọng không lớn của nền sản xuất lớn và sự thiếu vắng ngành chế tạo – phương tiện hiện đại của nền sản xuất.

3. Cùng với những biến chuyển về kinh tế, xã hội Ấn Độ cũng có những biến đổi lớn về cơ cấu giai cấp. Trước hết, đó là sự hình thành hai giai cấp cơ bản của xã hội hiện đại, giai cấp tư sản và vô sản. Như trên đã nói, tư sản Ấn Độ có nguồn gốc từ các Damindar, người cho vay lãi, thương gia và các vương công. Mặc dù bị sự chèn ép nhiều mặt của tư bản Anh nhưng về cơ bản tư sản Ấn Độ đã trưởng thành khá nhanh chóng và vững chắc vào nửa sau thế kỷ XIX với việc xây dựng được một nền công nghiệp dân tộc và có một vị thế không thể chối cãi đối với sự phát triển của Ấn Độ (Trong số 35,5 triệu bảng Anh vốn cổ phần vào năm 1898, ít nhất có 10 triệu bảng là thuộc về người ấn) [1, 366].

Quá trình đầu tư tư bản vào Ấn Độ và sự hình thành nền công nghiệp dân tộc ở Ấn Độ đã sản sinh ra đội ngũ những người vô sản nhà máy. Những nhóm đầu tiên của vô sản nhà máy Ấn Độ đã được hình thành trong những năm 60 ở Bombay và Calcutta.

Đến đầu những năm 90 của thế kỷ XIX, tổng số lượng công nhân trong các nhà máy gồm 400.000 người, tập trung ở hai trung tâm chính: Bombay 118.000 người, Bengal 120.0000 người (ở Madras chỉ có khoảng 24.000 người). Bên cạnh đó, số lượng công nhân đường sắt, thợ mỏ khoảng 700 – 800 nghìn người. Các tài liệu thống kê thực dân không đưa ra những cứ liệu để có thể phân tích đầy đủ về tình trạng của giai cấp công nhân Ấn Độ trong 30 năm cuối thế kỷ XIX, tuy nhiên những thông tin rải rác cũng cho phép chúng ta có một vài khái niệm về vấn đề này. Trước hết, với một lực lượng lao động dồi dào ở Ấn Độ, các nhà tư bản đã lựa chọn những người còn ở độ tuổi lao động sung sức nhất (dưới 40-50 tuổi), ví dụ như ở Bombay, đầu những năm 90, người ta rất ít khi gặp công nhân trên 40 tuổi và thực tế không có công nhân trên 50 tuổi [1, 368]. ở một số công việc, nhà tư bản có thể thuê lao động phụ nữ và trẻ em để trả lương ít hơn, ví dụ ở Calcutta lượng lao động trẻ em và phụ nữ chiếm 25%, ở Madrass là 5%… ở Bombay, nơi mức sống của công nhân cao nhất trong nước, tiền lương của người thợ dệt được trả cao nhất vào những năm 90 là từ 7 đến 20 rupee/tháng, phụ nữ từ 7 – 8 rupee/tháng, trẻ em từ 6 – 7 rupee/tháng. Bình quân tiền lương của một gia đình công nhân Bombay khoảng 25 – 26 rupee. Tiền lương công nhân các xưởng đay ở Calcutta cũng vào khoảng đó, còn ở các tỉnh khác thì thấp hơn từ 10 – 30% [1, 269].

Bên cạnh sự xuất hiện và phát triển của hai giai cấp cơ bản trong xã hội hiện đại, tầng lớp trí thức tiểu tư sản cũng nhanh chóng phát triển. Điều đặc biệt là tầng lớp này được hưởng nền giáo dục phương Tây nên họ đã nhanh chóng tiếp thu các giá trị tinh thần của phương Tây. Năm 1880, tổng số người Ấn Độ hưởng nền giáo dục Anh khoảng 50.000 người, số người đạt tiêu chuẩn cử nhân (B.A) được phỏng đoán chừng 5000 người. Số lượng người học tiếng Anh tăng nhanh từ 298.000 người lên 505.000 người năm 1907. Các tờ báo lưu hành bằng tiếng Anh đạt 90.000 bản năm 1885 lên 276.000 bản năm 1905 [8, 65-66]. Nếu tính cả báo chí phương ngữ thì con số đó còn lớn hơn nhiều. Những con số này cũng đã nói lên sự hiện diện đông đảo của đội ngũ phóng viên.

4. Sự phát triển của báo chí Ấn Độ, một mặt phản ánh sự tiến bộ về tư tưởng, chính trị của xã hội Ấn Độ, mặt khác, nó đẩy mạnh hơn nữa quá trình tiến bộ đó. Quá trình này được khởi xướng bởi một lực lượng mới trong xã hội – tầng lớp trung lưu có giáo dục. Nền giáo dục mới mà bộ phận trung lưu có giáo dục hấp thụ ở các nhà trường phổ thông, cao đẳng, đại học do người Anh thiết lập đã trang bị cho họ những kiến thức về tư tưởng dân chủ của châu Âu hiện đại và cả các cuộc đấu tranh dân tộc vì tự do đã diễn ra ở các nước khác, “những người ấn có giáo dục đã đọc về cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân Mĩ, cuộc đấu tranh của nhân dân Italia vì sự tự do dân tộc từ sự thống trị của áo, các cuộc đấu tranh vì tự do của Airơlen. Họ cũng đã nghiên cứu các tác phẩm của Thomas Paine, Spencer, Burke, Mill, Voltaire, Mazzini, và các nhà văn khác đã thuyết giáo các học thuyết về tự do dân tộc và các cá nhân. Những người ấn có giáo dục này đã trở thành các lãnh tụ chính trị và tư tưởng của phong trào dân tộc ở Ấn Độ” [2, 317].

Sự thức tỉnh ý thức dân tộc dân chủ của nhân dân Ấn Độ được biểu hiện đầu tiên dưới hình thức tôn giáo. Một mặt là những mâu thuẫn giữa những tôn giáo cũ về quan điểm, thực tế và tổ chức, mặt khác là thực tế xã hội và kinh tế mới đã dẫn đến sự phát triển của các phong trào cải cách tôn giáo khác nhau. Các phong trào này biểu thị những cố gắng phục hưng tôn giáo cũ theo tinh thần những nguyên lý mới của chủ nghĩa dân tộc, dân chủ mà nó là những điều kiện cho sự phát triển của xã hội mới. Đây không phải là hiện tượng cá biệt ở Ấn Độ, ở châu Âu cũng đã nẩy sinh trường hợp tương tự từ thế kỷ XVI. Để thiết lập nhà nước dân tộc, phong trào dân tộc ở châu Âu đã đưa chủ nghĩa dân tộc phôi thai vào các hình thức tôn giáo như Đạo Tin lành (Protestantism) và Cải cách (Reformation). ở châu Âu trung cổ, nhà thờ Roma đã ủng hộ nền kinh tế phong kiến và hệ thống nhà nước phong kiến – nhân tố cản trở sự thống nhất kinh tế dân tộc của nhân dân trong nước trên cơ sở mở rộng những thay đổi mới quan hệ quốc gia dân tộc của kinh tế tư bản chủ nghĩa đang phát triển – cho nên đã cản trở sự thiết lập nhà nước dân tộc, nhân tố cần thiết cho tự do và sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế mới tư bản chủ nghĩa. Do vậy, sự thức tỉnh của nhân dân châu Âu đầu tiên được thể hiện trong những cuộc đấu tranh chống lại tôn giáo phong kiến. ở Pháp, Voltaire, Rousseau, Helvetins, Holbach và những người khác đã lãnh đạo cuộc nổi dậy ban đầu này để chống lại nhà thờ Roma – sự ủng hộ tinh thần của nền kinh tế và hệ thống nhà nước phong kiến. Như vậy là cuộc nổi dậy chống tôn giáo đã đi trước sự nổi dậy chính trị thế tục của dân tộc chống lại chế độ phong kiến. ở Ấn Độ, sự thức tỉnh dân tộc tự nó thể hiện lần đầu tiên dưới hình thức một loạt các phong trào cải cách tôn giáo. Một vài phong trào này nhằm vào việc phục hưng tôn giáo dân tộc theo tinh thần những nguyên lý của chủ nghĩa tự do, một số khác nhằm vào việc duy trì nó trong hình thức trong sạch mà nó đã tồn tại trong các thời kỳ cổ đại. Chính phong trào cải cách tôn giáo đã phát động một cuộc vận động lớn chống tôn giáo trung cổ với việc thần thánh hóa chế độ đẳng cấp đã cản trở mạnh mẽ sự thống nhất dân tộc của nhân dân Ấn Độ và sự phát triển của nền kinh tế mới ở Ấn Độ. Họ tấn công vào đa thần giáo nhằm thống nhất tôn giáo để đặt cơ sở cho sự thống nhất Ấn Độ. Rõ ràng các phong trào cải cách này là dân tộc về nội dung nhưng tôn giáo về hình thức. Điều đáng chú ý ở đây là phong trào này phát triển cả trong hai cộng đồng tôn giáo lớn của Ấn Độ: Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Trong cộng đồng Ấn Độ giáo có các phong trào tiêu biểu như:

- Brahmo Samaj, thành lập năm 1828, do Raja Ram Mohan Roy lãnh đạo. Ông được xem là “Người cha của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ”.

- Prarthana Samaj, thành lập năm 1867 ở Bombay, do M.G.Ranade lãnh đạo. Ông cũng là một trong số lãnh tụ của Đảng Quốc Đại sau này.

- Arya Samaj, thành lập năm 1875 ở Bombay, do Dayanand Saraswati lãnh

đạo.

Trong cộng đồng Hồi giáo có các phong trào tiêu biểu sau:

- Phong trào Ahmadiya do Mirra Ghulam Amad sáng lập năm 1889.

- Phong trào Aligarh do Sir Sayad Ahmed Khan khởi xướng.

Như vậy, sự chuyển biến tư tưởng của xã hội Ấn Độ đã phát triển khá sâu rộng, không chỉ những người Ấn Độ giáo ở các trung tâm kinh tế mà nó đã phát triển cả trong cộng đồng người Hồi giáo vốn có trình độ phát triển thấp hơn, sống ở vùng Tây Bắc xa xôi. Chính sự trưởng thành ý thức chính trị đó, cùng với sự bóc lột, đàn áp nặng nề của thực dân Anh, đã làm cho tình trạng bất mãn của nhân dân Ấn Độ ngày càng tăng lên. Vở kịch “Tấm gương chàm” của Neel Darpan ở Bengal đã thể hiện rõ tình trạng bất mãn này thông qua việc diễn tả đời sống và cuộc đấu tranh của những người lao động trong các đồn điền trồng chàm của người Anh.

Tình trạng bất mãn của người nông dân Ấn Độ được thể hiện rõ ràng nhất qua các cuộc đấu tranh của họ ở cuối thế kỷ XIX. Trong những năm 1870 – 1880 đã có gần 30 cuộc đấu tranh vũ trang của quần chúng. Mở đầu là các cuộc khởi nghĩa ở Penjab năm 1872, chống lại “bộ ba bẩn thỉu” (gồm địa chủ, người cho vay lãi và thực dân Anh), do hội NamdariV lãnh đạo. Tổ chức này xuất hiện trong nông dân người Sikh, do Maharaja Ranjit Singh – người được mệnh danh là “Sư tử của Penjab” – đứng đầu. Đồng thời với cuộc khởi nghĩa của nông dân Penjab là cuộc khởi nghĩa của nông dân Bengal trong hai năm 1872 – 1873, do Khania Bhahatgi Kenhelia cầm đầu. Cũng từ những năm 70 này phong trào nông dân đã phát triển mạnh ở nhiều vùng thuộc Trung ấn. Đặc biệt, trong nạn đói ở những năm 1876 – 1878, khởi nghĩa đã phát triển lên một mức độ lớn ở Trung ấn mà lịch sử ngày nay ghi nhận như là những cuộc nổi dậy Deccan (Deccan Riots). Những người cầm đầu các cuộc khởi nghĩa ở khu vực này như Chendria, Dkhara, Retdi, Pkhatca đã hoạt động trên một vùng lớn với 13.000km2. Năm 1879, phong trào đã bao trùm lên toàn cao nguyên Deccan. Nhìn chung, các cuộc khởi nghĩa diễn ra mạnh mẽ, liên tục nhưng do thiếu tổ chức, rời rạc và mang nặng màu sắc tôn giáo, nên tất cả đều đi đến chỗ bị thực dân Anh đàn áp.

Tình trạng bất mãn trong tầng lớp trên và tầng lớp trung lưu trí thức, tiểu tư sản Ấn Độ cũng không ngừng tăng lên vào 30 năm cuối thế kỷ XIX. Ngoài sự chèn ép của tư bản Anh, nguyên nhân của tình trạng bất mãn này do chính các đạo luật của Anh gây ra. Chẳng hạn như Đạo luật diễn kịch (Dramatic Performance Act) năm 1876, Đạo luật sửa đổi việc tuyển người ấn vào Cục dân sự (The Indian Civil Service) (hạ tuổi từ 21 xuống 19) năm 1877, Luật báo chí phương ngữ năm 1878 (Vernacular Press Act), Luật vũ khí năm 1878 (Airms Act). Sự bất mãn của tầng lớp trên trong xã hội trước các đạo luật này rõ ràng là mang tính chính trị.

5. Những thay đổi trên đây đã được chính quyền Anh nhận thấy. Năm 1880, Rippon (“Tự do”) thay Lytton (“Bảo thủ”) làm Phó vương Ấn Độ. Đây là việc thay thế của “sự phiêu lưu của những người bảo thủ” bằng “cuộc thử nghiệm của những người tự do”, bởi vì như William Wedderburn đã nhận xét: “Tình trạng của sự việc vào lúc kết thúc của chế độ Lord Lytton là tiếp giáp với một cuộc cách mạng”. Chính vì vậy, chính quyền thực dân Anh đã tìm cách vượt trước phong trào dân tộc Ấn Độ bằng cách tham gia và thúc đẩy vào quá trình thành lập Đảng Quốc Đại Ấn Độ vào tháng 12 năm 1885 nhằm tạo ra một “chiếc van an toàn” để chống lại phong trào dân tộc Ấn Độ [4, 122; 6,90]. Tuy nhiên, chính quyền thực dân đã không thể khống chế được tổ chức chính trị này, bởi lẽ những biến đổi mạnh mẽ trong xã hội Ấn Độ đã chuẩn bị điều kiện đủ cho sự thành lập một tổ chức chính trị của phong trào dân tộc và sự ra đời của Đảng Quốc Đại Ấn Độ chính là sự đáp ứng cho yêu cầu của những biến đổi đó. Nói cách khác, những biến chuyển mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, xã hội ở Ấn Độ cuối thế kỷ XIX đã chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của một tổ chức chính trị. Đồng thời chính những chuyển biến mạnh mẽ đó cũng đặt ra yêu cầu phải có một tổ chức chính trị. Thực tế này góp phần chứng minh rằng sự ra đời của Đảng Quốc Đại vào tháng 12 năm 1885 trước hết là kết quả của những chuyển biến trong xã hội Ấn Độ trong nửa sau thế kỷ XIX, còn A. O. Hume chỉ là một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy sự ra đời của tổ chức này mà thôi [12].

Những chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt trong xã hội Ấn Độ vào nửa sau thế kỷ XIX cho thấy: so với các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu á, tư sản Ấn Độ ra đời sớm hơn và nó đã sớm khẳng định được vị thế của mình trong nền kinh tế dân tộc cũng như trước tư sản chính quốc. Thực tế này góp phần tạo điều kiện để tư sản Ấn Độ bắt rễ chắc chắn vào dân tộc và có ảnh hưởng đối với quần chúng nhân dân. Dĩ nhiên, tư sản mại bản Ấn Độ cũng có những mối liên hệ kinh tế với tư sản chính quốc nhưng những mối liên hệ chặt chẽ với dân tộc cũng như vị thế của nó đã giúp cho nó nắm giữ được ngọn cờ dân tộc trong cuộc đấu tranh chống thực dân Anh.
Chú thích

  1. Anatova K.A., Gonberg N. M., oxipov A. I. (redactorư), Novaia istoria Indii, Voxtosnoi Licheraturư, Moscova, 1961 (tiếng Nga).
  2. Desai A.R, Social Background of Nationalism (ed 5th), Bombay, 1976.
  3. Dutt R.C, Economic History of India in the Victorian Age, Delhi, 1960.
  4. Đớt R.P. , Ấn Độ hôm nay và ngày mai, Nxb. Sự thật, Hà Nội 1960.
  5. Gadgil D.C, The Economic Development of India, Bombay, 1954.
  6. Nguyễn Thừa Hỷ, Ấn Độ qua các thời đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1986.
  7. Indian Railways, One Hundred Yeas, New Delhi, 1953.
  8. Kumar S., Modern India 1885 – 1947, Macmillian, Madras – Bombay – Delhi – Patna, 1985.
  9. Levkovxki A. I., Nhekatorưie xobennoxchi pazvichia kapitalizma v Indii do 1947 g.Voxtosnoi Licheraturư, Moscova, 1956 (tiếng Nga).
  10. C. Mác, Ph. Ăngghen, Tuyển tập, tập II, Nxb. Sự thật, Hà nội, 1981
  11. Vũ Dương Ninh (CB), Lịch Sử Ấn Độ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1995.
  12. Văn Ngọc Thành, Sự ra đời của Đảng Quốc Đại Ấn Độ (25 – 12 – 1885), Nghiên cứu lịch sử, số 5 (330), 2003, Viện Sử học Việt Nam
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top