“Sốt” trường mẫu giáo dành cho con nhà giàu

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Hiện tượng trẻ em được sinh ra tăng đột biến vào những năm được coi là may mắn đang tạo nên “cơn sốt” giáo dục ở bậc mầm non, mẫu giáo và là nguyên nhân khiến lệ phí nhập học trở thành nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh trẻ tuổi ở Trung Quốc. Tại đất nước đông dân nhất hành tinh này, sự cạnh tranh theo nghĩa đen bắt đầu từ những ngày đầu tiên trong cuộc đời mỗi người. Các bậc phụ huynh ở Trung Quốc không muốn con mình bị bỏ lại phía sau, do đó họ chạy đua với nhau để đưa được con họ được vào học những trường mẫu giáo tốt nhất.

Nhu cầu đối với nền giáo dục mầm non đã tạo ra “mảnh đất” béo bở cho các nhà trẻ mẫu giáo “giá cao” mọc lên. Theo Song Jinzhi, hiệu trưởng Trường mẫu giáo Oriental Cambridge ở Bắc Kinh, tại các trường mẫu giáo kiểu này học phí cao hơn 1/3 so với các nhà trẻ mẫu giáo thông thường.
Trường Quốc tế Montessori ở Bắc Kinh, nơi tiếp nhận học sinh từ một tuổi rưỡi cho đến 12 tuổi là một trong những trường đắt nhất thành phố.

Trường này thu mỗi học sinh từ 80.000 NDT đến 150.000 NDT/năm (khoảng 219 - 412 triệu đồng), phụ thuộc vào cấp học của học sinh. Jason Kong, giám đốc điều hành của trường cho biết trong vài năm gần đây, học phí đã tăng lên nhiều.

mau%20giao2322010.jpg

Giáo viên trường mẫu giáo thuộc hệ thống Montessori đang dạy học sinh cách nhận ra những người làm các nghề khác nhau. (Ảnh: China Daily)

Các trường thuộc hệ thống Montessori được thành lập khắp nơi trên thế giới, hoạt động theo phương pháp Montessori, một phương pháp dựa trên nghiên cứu của chuyên gia giáo dục người Ý thế kỉ 20 Maria Montessori. Phương pháp này nhấn mạnh sáng kiến và khuyến khích học sinh học tập theo sở thích của các em thay vì học theo những chương trình bắt buộc do các giáo viên đặt ra.

Theo Danny Ho, giám đốc điều hành của Viện giảng dạy Montessori Quốc tế, các bậc phụ huynh Trung Quốc không hề nản lòng trước chi phí đắt đỏ của những trường mẫu giáo mang thương hiệu quốc tế như các trường Montessori.

“Nhiều bậc phụ huynh đến gặp tôi và nói rằng họ muốn con họ được vào học tại đó”, ông Ho cho biết. “Vì vậy chúng tôi đang lên kế hoạch mở một cơ sở mới tại quận Chaoyang vào tháng 9 năm nay ngoài ba trường hiện tại đang hoạt động”.

Tại ba cơ sở, trường Montessori đang có gần 300 học sinh. Hầu hết phụ huynh của trường đều đang làm việc cho các công ty nước ngoài hoặc các đại sứ quán.

Tuy nhiên, Song Jinzhi, hiệu trưởng của Trường mẫu giáo Oriental Cambridge cho biết một số trường Montessori ở Bắc Kinh đang thu học phí cao quá mức.

“Một số trường tuyên bố họ sử dụng các phương pháp Montessori. Nhưng họ đang thu số tiền học phí mà họ không xứng đáng với nó”, Song Jinzhi khẳng định.

Liang Zhishen, một giáo sư chuyên về giáo dục mầm non tại Trường đại học Bắc Kinh cho biết các bậc phụ huynh không nên nghĩ rằng các trường Montessori là tốt nhất.

“Các trường mẫu giáo Montessori thường đắt đỏ hơn các trường mẫu giáo truyền thống vì họ phải mua các thiết bị đặc biệt và đào tạo giáo viên của họ thường xuyên”, giáo sư Liang nói. “Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tất cả các trường Montessori có thể làm theo đúng như thương hiệu của họ”.

Theo tờ Beijing Daily, trong số 1.266 trường mẫu giáo tại Bắc Kinh, có 340 cơ sở thuộc sở hữu tư nhân, một số khác do liên kết hoặc được nhận trợ cấp từ các tổ chức chính phủ, các công ty. Các trường mẫu giáo bình thường cũng đang tăng học phí, đặc biệt là những trường mẫu giáo công lập nổi tiếng.

Jiang Zhuoyan, một bà mẹ trẻ ở Bắc Kinh bắt đầu gửi cậu con trai của mình vào học một trong những nhà trẻ tốt nhất tại đây từ năm 2005. Con trai của Jiang học xong mẫu giáo trong năm 2008 và tiêu tốn tổng cộng 2.000 NDT (khoảng 5,4 triệu đồng). Tuy nhiên, hiện tại “chi phí đã tăng gấp 10 lần”, Jiang cho biết.

“Hiện tại, học phí mẫu giáo dễ có thể ở mức 30.000 NDT/năm” (khoảng 82 triệu đồng), Jiang nói.

“Các trường mẫu giáo còn đắt hơn cả các trường đại học”, một bậc phụ huynh có nickname Metallica than thở trên một diễn đàn trực tuyến.
Việc học phí mẫu giáo ngày càng tăng có liên quan đến sự “bùng nổ” số trẻ em được sinh ra trong giai đoạn 2006 - 2008, tờ Beijing Daily khẳng định.

Để có được một ngày sinh tốt đẹp cho con mình, nhiều bậc phụ huynh đã cố sinh con vào năm 2007 (năm Heo vàng trong 12 con giáp, được xem là năm may mắn đặc biệt) và năm 2008 (cũng được xem là năm may mắn vì năm này, Thế vận hội Olympic được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc). Kết quả là chỉ tính riêng Bắc Kinh, có 400.000 trẻ em được sinh ra trong năm 2006, 2007 và 2008. Trong khi hiện tại các trường mẫu giáo trong thành phố chỉ đáp ứng được 230.000 em.

Võ Hiền - Dân Trí
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top