Bùi Khánh Thu
Member
- Xu
- 25,443
Bài thơ “Muốn làm thằng Cuội” của Tản Đà là tâm sự của một con người bất hòa sâu sắc với thực tại tầm thường, xấu xa, muốn thoát li bằng mộng tưởng lên cung trăng để bầu bạn với chị Hằng. Cùng mình soạn bài ''Muốn làm thằng Cuội'' để hiểu rõ hơn về bài nhé
Soạn bài muốn làm thằng cuội của Tản Đà
Câu 1: Trang 156 sgk ngữ văn lớp 8 tập 1
Hai câu đầu là tiếng than và lời tâm sự của Tản Đà với chị Hằng. Theo em, vì sao Tản Đà có tâm trạng “chán trần thế”?
Bài làm:- Hai câu thơ đầu này là tiếng than và lời tâm sự của Tản Đà với chị Hằng trong một đêm thu. Tác giả đem nỗi buồn ấy tâm sự với một người bạn rất đặc biệt chị Hằng – khoảng cách xa vời nhưng có lẽ đó là người bạn cùng chung nỗi niềm cô đơn với tác giả.
- Nguyên nhân của nỗi buồn:
- Nỗi buồn của Tản Đà là do sự cộng hưởng của nỗi buồn đôm thu với nỗi chán đời, chán trần thế. Nỗi buồn đêm thu là cái buồn thường tình của thi sĩ.
- Nỗi chán đời, chán trần thế là căn nguyên sâu xa của nỗi buồn Tản Đà. Sự chán chường trần thế vì cuộc sống bế tắc, tù túng của xã hội thực dân phong kiến bóp nghẹt sự sống của con người. Thân phận ngườidân nô lệ làm sao mà vui được mà không chán - chán còn bởi vì Tản Đà mang một niềm đau riêng tài cao nhưng phận thấp.
- Vì không đủ sức để thay đổi hiện thực bi kịch ấy nên ông muốn thoát ra khỏi nó, muốn làm thằng Cuội lên chơi trăng.
Câu 2: Trang 156 sgk ngữ văn lớp 8 tập 1
Nhiều người đã nhận xét một cách xác đáng rằng, Tản Đà là một hồn thơ “ngông”. Em hiểu "ngông” nghĩa là gì ? (bộc lộ một thái độ như thế nào đối với cuộc sống)? Hãy phân tích cái “ngông” của Tản Đà trong ước muốn được làm thằng Cuội (chú ý các câu 3 - 4, 5 - 6).
Bài làm:- Tản Đà với cá tính sống mà dường như nằm giữa cõi mộng và cõi thực, giữa cái tỉnh và cái điên, không giống như một ai như thế. Từ lâu, ông đã được mệnh danh là một hồn thơ "ngông", vua ngông. “Ngông” là thái độ bất cần đời, là dám làm điều trái lẽ thường, không sợ dư luận khen chê. Trong xã hội phong kiến “ngông” là thái độ phóng túng coi thường khuôn phép trói buộc cá tính.
- Cái “ngông” của Tản Đà được thể hiện:
- Là ước muốn được làm thằng Cuội ở trên cung trăng, vượt ra khỏi trái đất, lên tận trời cao để làm bạn tri âm với chị Hằng, để giãi bày những nỗi niềm sâu kín của mình. Ước nguyện của nhà thơ được diễn tả qua tứ thơ lãng mạn, hình ảnh thơ mơ mộng và tình tứ.
- Đầu tiên là một câu ướm hỏi, thăm dò “Cung quế đã ai ngồi đó chửa ?”. Sau đó là một lời cầu xin “Cành đa xin chị nhắc lên chơi”, thể hiện sự tự tin của tác giả. Nếu Cung quế chưa có ai thì chị cũng buồn, cũng cô đơn lắm nên hãy để em lên chơi cùng, em đỡ buồn mà chị cũng bớt cô đơn
- Cái “ngông” của Tản Đà còn được thể hiện cả ở cách xưng hô với chị Hằng, đó là cách xưng hô với “người cõi tiên” bằng lời lẽ thân mật, suồng sã : chị - em.
- Trong cõi trần, tác giả luôn cảm thấy buồn vì sự cô đơn, trống vắng. Ông khắc khoải đi tìm những tâm hồn tri âm, tri kỉ.
- Ước mơ thoát khỏi cuộc sống tù túng, buồn chán hiện tại nơi trần thế để đến với một không gian mộng tưởng. Nơi có một tâm hồn hồn cô đơn, đồng điệu với mình trên bầu trời. Sự gặp gỡ hội ngộ biến từ tủi phận thương thân thành niềm vui phơi phới cùng nhau bay lượn với gió, với mây một hồn thơ thật lãng mạn bay bổng.
Câu 3: Trang 157 sgk ngữ văn lớp 8 tập 1
Phân tích hình ảnh cuối bài thơ: Tựa nhau trông xuống thế gian cười. Em hiểu cái cười ở đây có ý nghĩa gì?
Bài làm:- Cái cười ở đây vừa thể hiện niềm vui vì đã thoát li được cõi trần nhiều bụi bặm, xấu xa; vừa là sự mỉa mai, khinh bỉ của nhà thơ khi đứng trên một tầm vóc cao hơn nhìn xuống trần gian lúc này thật bé nhỏ.
- Cái cười ở đây còn có ý nghĩa chế giễu cuộc đời trần tục đầy những cái xấu xa, chật hẹp, nhỏ nhoi làm cho con người phát chán.
- Cái cười ngông của một thi sĩ đa tình khi định ở bên một người đẹp nhất cõi trời mà ai ai cũng ao ước.
Câu 4: Trang 162 sgk ngữ văn lớp 8 tập 1
Theo em, những yếu tố nghệ thuật nào đã tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ?
Bài làm:- Bài thơ được viết như một lời tâm sự, trả lòng của tác giả và những yếu tố nghệ thuật về ngôn ngữ, sức tưởng tượng… đã tạo nên sức hấp dẫn cho bài thơ:
- Làm nên sức hấp dẫn của bài thơ là ở hồn thơ lãng mạn bay bổng ở cái “ngông”, trí tưởng tượng lại phong phú, kì diệu. Chất mộng ảo, chất ngông thấm đẫm bài thơ.
- Lời thơ giản dị, trong sáng, giàu sức biểu cảm, đa dạng trong lối biểu hiện (khi than, khi nhắn hỏi, khi cầu xin). Thơ còn đậm đà tính dân tộc, hầu hết là những từ thuần Việt gần gũi với đời sống.
- Sức tưởng tượng phong phú, táo bạo đã tạo được giấc mộng kì thú với những chi tiết gợi cảm và bất ngờ.
- Luật thơ Đường vẫn được tuân thủ một cách nghiêm ngặt nhưng hoàn toàn không còn gò bó, chứa đựng sự phóng túng thoải mái.
Câu 1: Trang 157 sgk ngữ văn lớp 8 tập 1
Nhận xét về phép đối trong hai câu câu 3 - 4 và 5 - 6 của bài thơ.
Bài làm:Theo luật thơ Đường, các cặp câu trên nhất thiết phải đối nhau. Hai cặp câu trên đối nhau như sau:
- Câu 3 – 4 : đối về hình ảnh, hoạt động, ý tứ. (cung quế >< cành đa)
- Câu 5 – 6: đối về ý là chính. (đã ai ngồi đó chửa >< xin chị nhắc lên chơi)
- Nhịp thơ (2/2/3) và từ loại phù hợp nhau.
Câu 2: Trang 157 sgk ngữ văn lớp 8 tập 1
So sánh ngôn ngữ và giọng điệu ở bài thơ này với bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan (đã học ở lớp 7).
Bài làm:Bài thơ Qua đèo Ngang
“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”.
So sánh:
Giống nhau:
- Cả hai bài thơ đều thể hiện nỗi buồn của thi nhân.
- Đều được sáng tác theo thể thơ thất ngôn bát cú, đều tuân thủ khá chặt chẽ nguyên tắc của thơ Đường luật.
- Ở bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan: thể hiện nỗi buồn kín đáo “ta với ta”,. thuật dùng từ và diễn tả tài tình, đọc lên lòng ta có một cảm giác bâng khuâng, một nỗi buồn man mác. Nhà thơ đã sử dụng thành thạo các từ láy, từ tượng hình, tượng thanh và cách chơi chữ đồng âm trong thơ. Ngôn ngữ trong bài thơ thể hiện sự trang trọng mực thước mang màu sắc cổ kính.
- Bài thơ Muốn làm thằng Cuội thể lộ nỗi niềm rõ ràng hơn:“Buồn lắm chị Hằng ơi”, “Chán nữa rồi”. Lời thơ giản dị, trong sáng, gần gũi với những lời nói thường ngày , không khuôn sáo và có nét phóng túng, ngông nghênh của một hồn thơ lãng mạn. Tạo nên sức hấp dẫn cho bài thơ.