Ta với ta" là cụm từ kết thúc của hai bài thơ Qua đèo Ngang và Bạn đến chơi nhà, tuy nhiên lại diễn tả những ý nghĩa khác nhau. Chính vì vậy, Sen Biển sẽ giới thiệu đến bạn đọc Bài văn mẫu lớp 7: So sánh cụm từ "Ta với ta" trong bài Bạn đến chơi nhà và Qua đèo ngang. Bài viết gồm 4 bài văn mẫu hay nhất dành cho học sinh lớp 7 khi tìm hiểu về hai tác phẩm này, sẽ được Sen Biển đăng tải chi tiết dưới đây. Hy vọng với tài liệu này sẽ cung cấp những kiến thức hữu ích đến các em học sinh.

e61b2423.jpg


So sánh cụm từ “ta với ta” - Mẫu 1​

Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Khuyến là hai nhà thơ lớn của dân tộc, đều làm quan dưới triều Nguyễn. Nhưng trong hai thời kì, hai thế hệ cách xa nhau khoảng nửa thế kỷ. Bà Huyện Thanh Quan là một nữ sĩ hiếm có trong xã hội phong kiến. Nguyễn Khuyến là một bậc tài danh lừng lẫy “Tam nguyên Yên Đổ”.

Bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan và “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Hai bài thơ đều kết thúc với cụm từ “ta với ta”:

“Dừng chân đứng lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta”

(Qua đèo Ngang)​

“Đầu trò tiếp khách trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta”

(Bạn đến chơi nhà)​

“Qua Đèo Ngang” tả cảnh con đèo lúc chiều tà và nói lên nỗi buồn của khách ly hương. Còn “Bạn đến chơi nhà” thể hiện một tình bạn tri kỉ, chân thành, quý mến. Do đó, về mặt ngôn ngữ tuy giống nhau, nhưng ý nghĩa và sắc thái biểu cảm hoàn toàn khác nhau.

Trời tối dần, người lữ khách đứng trên đỉnh đèo Ngang vô cùng xúc động “dừng chân đứng lại” và bồn chồn trông xa, trông gần chỉ thấy “trời, non, nước” - đó là vũ trụ bao la mênh mông. Nỗi buồn thương nhớ gia đình quê hương tường như tan nát cả tấm lòng - “một mảnh tình riêng” - càng cảm thấy lẻ loi cô đơn. Ba chữ “ta với ta” là tiếng thở dài, tiếng than cực tả nỗi buồn cô đơn của khách ly hương khi một mình đứng trên đỉnh đèo Ngang trong khoảnh khắc hoàng hôn.

Đến ba chữ “ta với ta” trong bài thơ Nguyễn Khuyến lại có một ý vị riêng. Đã lâu, người bạn già tâm giao mới đến chơi nhà. Vợ con đều đi vắng cả, chợ lại xa. Không có gì để tiếp đãi bạn: cải, cà, bầu, bí… Ngay đến miếng trầu là đầu câu chuyện cũng không có. Mà chỉ có “ta với ta” - vang lên như một tiếng cười vui vẻ. “Ta” là là tôi, ta là “bác” cũng có thể “ta” là cả bác với tôi, chan hòa trong một tình bạn tri âm tri kỉ, chân tình, kính mến và quý trọng. Ba chữ “ta với ta” biểu hiện một tình bạn đẹp của các nhà nho ngày xưa.

Qua đó, ta càng thấy rõ phải đặt ngôn ngữ thi ca vào văn cảnh, ngữ cảnh để cảm thụ. Và ta càng thấy rõ cá tính sáng tạo nghệ thuật của các thi sĩ chân tài.

So sánh cụm từ “ta với ta” - Mẫu 2​

Cả hai bài thơ “Qua đèo Ngang” và “Bạn đến chơi nhà” đều kết thúc bằng cụm từ “ta với ta”. Nhưng mỗi bài thơ lại mang một ý nghĩa riêng.

Trong bài “Qua Đèo Ngang” cụm từ “ta với ta” biểu hiện nỗi cô đơn sâu sắc của nhà thơ, mang một nỗi niềm riêng. “Một mảnh tình riêng” giữa cảnh trời cao đất rộng, trước thiên nhiên hoang sơ, vắng vẻ. “Ta” ở đây chỉ cùng một người, chỉ chủ thể trữ tình hay chính là tác giả. Còn “ta với ta” trong câu thơ của Nguyễn Khuyến là sự đồng cảm, đồng điệu của hai người bạn. “Ta” là tác giả, là người bạn hoặc cũng có thể là mình cũng là bạn.

“Ta với ta” của bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến là nhằm muốn diễn tả tình bạn đẹp đẽ, không màng đến vật chất:

“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta”

Khi mà nhà gặp phải cảnh nghèo khó mà bạn đến chơi. Không có gì để tiếp đãi bạn, đến miếng trầu là thứ giản dị nhất cũng không có. Cuối cùng chỉ có những câu trò chuyện giữa hai người bạn với nhau. Qua đó có thể thấy được tình bạn khăng khít của nhà thơ - một tình bạn tri âm, tri kỷ.

Ngược lại, trong bài thơ “Qua đèo Ngang” cụm từ ấy lại chỉ có một mình tác giả mà thôi.

“Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta”

Chỉ với bốn câu thơ cuối đã thể hiện nỗi lòng của nhà thơ khi nhìn ở hiện tại chỉ còn một mình trong khoảng không gian lớn bao la. Bốn chữ "dừng chân nghỉ lại" cũng đã khiến người đọc cảm thấy da diết, bồn chồn đến não nề. Cảnh trời nước mênh mông, vô tận nhưng con người thì bé nhỏ khiến cho tác giả thấy mình lạc lõng và không một nơi bấu víu. Đất trời rộng lớn, tác giả chỉ cảm thấy còn "một mảnh tình riêng". Và cái mảnh tình con con ấy cũng chỉ có "ta với ta". Nỗi buồn dường như trở nên cực độ, buồn thấu tận tâm can, buồn nghiêng ngả trời đất. Một mình đối diện với chính mình khiến nhà thơ thấm thía sự cô đơn trước khung cảnh thiên nhiên trời đất mênh mông hoang vắng nơi xứ lạ. Nhưng nó cũng đã thể hiện sự nhỏ bé, thưa thớt của con người trước thiên nhiên rộng lớn, hoang sơ, heo hút chốn đèo Ngang.

Chỉ với một cụm từ “ta với ta” nhưng đã khiến cho người đọc thấu hiểu được tâm trạng của hai nhà thơ.



Mời các em đọc các bài văn mẫu tiếp theo dưới phần bình luận
 

So sánh cụm từ “ta với ta” - Mẫu 3​

Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Khuyến là các tác giả nổi tiếng trong nền văn học trung đại Việt Nam. Khi nhắc đến các sáng tác của hai nhà thơ không thể không kể đến “Qua đèo Ngang” và “Bạn đến chơi nhà”. Tuy nội dung của mỗi bài thơ khác nhau, nhưng lại có điểm giống nhau ở kết thúc với cụm từ “ta với ta”.

Trong bài thơ “Qua đèo Ngang”, Bà Huyện Thanh Quan đã kết thúc bằng những câu thơ:

“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta”

Người đọc có thể hình dung được hình ảnh nhà thơ đang đứng một mình ở nơi đèo Ngang rộng lớn, xung quanh chỉ có “trời, non, nước” - chỉ có thiên nhiên hoang vu, lạnh lẽo. Đó là sự cô đơn đến của người lữ khách trên hành trình đơn độc. Tâm trạng của nhà thơ cũng chẳng thể chia sẻ cùng với ai. “Một mảnh tình riêng” - tình cảm riêng tư của nhà thơ không có ai để chia sẻ. Cụm từ “ta với ta” ở đây đều chỉ nhà thơ, lúc này bà chỉ có một mình đối diện với chính mình, cô đơn và lẻ loi. Sự cô đơn ấy dường như chẳng thể có ai cùng chia sẻ.

Trái ngược với “ta với ta” của Bà Huyện Thanh Quan, trong thơ Nguyễn Khuyến cụm từ này lại được tác giả sử dụng với ý nghĩa khác:

“Đầu trò tiếp khách trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta”

Từ “ta” đầu tiên chỉ chính nhà thơ - chủ nhà, còn từ “ta” thứ hai chỉ người bạn - khách đến chơi. Từ “với” thể hiện mối quan hệ song hành, gắn bó dường như không còn khoảng cách. Qua đó thể hiện tình bạn gắn bó tri âm tri kỷ của nhà thơ. Dù trong hoàn cảnh thiếu thốn chẳng có lấy một thứ gì quý giá để tiếp đãi bạn bè nhưng nhà thơ và người bạn tâm giao vẫn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Tình bạn của Nguyễn Khuyến trong bài thơ đó là sự sẻ chia, đồng cảm và không màng đến những giá trị vật chất.

Như vậy, có thể thấy, chỉ một cụm từ thôi nhưng ở mỗi bài thơ lại diễn tả được những tâm trạng riêng của hai nhà thơ.

So sánh cụm từ “ta với ta” - Mẫu 4​

Bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan và “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến đều kết thúc bằng ba tiếng “ta với ta”. Tuy vậy, ở mỗi bài lại mang những ý nghĩa khác nhau.

Đối với “Qua đèo Ngang”, “ta với ta” ở đây cực tả nỗi cô đơn trước một không gian bao la. Cả hai từ “ta” ở đây đều là đại từ ngôi thứ nhất, chỉ bản thân nhà thơ trong tình cảnh lẻ loi giữa đèo Ngang rộng lớn:

“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta"

Thời gian vào buổi xế tà, gợi buồn và nỗi cô đơn, sợ hãi trước dòng thời gian trôi chảy. Không gian tuy rộng lớn nhưng chỉ toàn những vật vô tri, vô giác. Có xuất hiện hình ảnh đời sống con người nhưng hết sức thầm lặng, nhỏ bé. Âm thanh sự sống đơn điệu, gợi nỗi buồn sâu thẳm. Con người lẻ loi trước vũ trụ mênh mông. Nhớ về quê hương, thương xót cho hoàn cảnh của đất nước, trước thiên nhiên rộng lớn chỉ có mình cô độc. Bà Huyện Thanh Quan phải thốt lên rằng “một mảnh tình riêng ta với ta”. Chẳng ai thấu hiểu, chẳng ai chia sẻ. Nỗi trống trải đã lên đến tận cùng. Không người giao cảm, khách đành trở về với lòng mình. Đành ôm một mối sầu hoài cổ một mình mình biết, một mình mình hay.

Còn với “Bạn đến chơi nhà”, “ta với ta” chỉ hai người: tác giả và người bạn tâm giao. “Ta với ta” đồng nghĩa với tôi với bác, chúng ta với nhau. “Ta với ta” là cách nói biểu hiện một tình bạn chân thành, tri kỉ, thắm thiết. Họ lấy sự hiểu nhau, cảm thông với nhau làm điều quý giá nhất, hơn tất cả mọi phẩm vật trên đời. Tuy cuộc sống đạm bạc, thiếu thốn về vật chất đến ngay cả miếng trầu tiếp khách cũng không có. Nhưng việc người bạn vẫn trân trọng tình cảm, vậy là đã rất đáng quý rồi. Nhà thơ ở đây không hề buồn thương, cô độc mà rất vui vẻ, ấm áp bởi tình bạn tri kỷ.

Như vậy, mỗi bài thơ đều đã diễn tả được những nỗi niềm tâm trạng riêng của các nhà thơ.



Chúc các em học tốt.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top