Sơ lược về cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
SƠ LƯỢC VỀ CUỘC CHIẾN TRANH TIỀU TIÊN 1950-1953





Chiến tranh Lạnh vừa nhen nhóm thì nổ ra cuộc chiến tranh cục bộ đầu tiên vào tháng 6/1950 trên bán đảo Triều Tiên và đến nay khu vực này vẫn chỉ được đảm bảo hoà bình bằng một lệnh ngừng bắn tạm thời.


Tình hình Triều Tiên trước và sau Đại chiến Thế giới II

Năm 1910, Triều tiên chính thức trở thành thuộc địa của Nhật Bản. Dưới sự cai trị hà khắc của Nhật, Triều Tiên đã trở thành "sân sau", cung cấp nguồn nhân lực cũng như vật chất cho tham vọng đế quốc của Nhật Bản. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của người Triều Tiên diến ra bằng cả phương pháp hòa bình, cũng như bạo động nhưng đều đi đến thất bại nhanh chóng.

Cơ hội chỉ đến với người Triều Tiên khi cuộc Thế chiến thứ hai gần đi đến hồi kết. Nhưng nội bộ của người Triều Tiên lại có sự phân hóa thành các lực lượng khác nhau: Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên do Lã Vận Hanh (Yõ Un- hyõng).Còn ở hải ngoại, chính phủ lâm thời Triều Tiên ở Trùng Khánh do Kim Khuê Trực (Kim Kuy Sick) đứng đầu, những người theo chủ nghĩa công sản do Kim Nhật Thành (Kim IL Sung) đứng đầu và những người thân Hoa Kỳ do Lý Thừa Vãn (Rhee Sungman) đứng đầu. Điều này cho thấy con đường giành độc lập của người Triều Tiên gặp nhiều khó khăn do nội bộ của họ không có sự thống nhất. Điều này còn nguy hiểm hơn khi mà bán đảo Triều Tiên đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ bên ngoài, đó là sự can thiệp của Hoa Kì và Liên Xô vào bán đảo Triều Tiên

Chỉ 7 ngày trước khi phát xít Nhật đầu hàng, quân Liên Xô đã tiến vào Triều Tiên. Sau đó Liên Xô và Mỹ đồng ý phân chia bán đảo từ vĩ tuyến 38, trong đó Liên Xô quản lý phần phía bắc và phía nam thuộc Mỹ.

Tại miền Bắc, được sự hậu thuẫn của Liên Xô, tháng 2/1946,Ủy ban Nhân dân Lâm thời Bắc Triều Tiên được thành lập ở Bình Nhưỡng do Kim Nhật Thành làm chủ tịch. Đến tháng 2/1947, đại hội Ủy ban Nhân dân lâm thời Bắc Triều Tiên họp và thành lập Hội nghị Nhân dân bắc Triều Tiên gồm 237 thành viên. Sau đó được thay thế bằng Ủy ban Nhân dân Bắc Triều Tiên do Kim Nhật Thành làm chủ tịch.

Ngày 9/9/1948, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được tuyên bố thành lập. Liên Xô và các nước đồng minh đã công nhận tính hợp pháp của chính phủ này.

Tại miền Nam do Hoa kỳ quản lý, Chính phủ quân quản được thành lập vào tháng 1/1946 đến 14/2/1946 Hội đồng đại diện cho nền dân chủ Triều Tiên được thành lập do Lý Thừa Vãn đứng đầu.

Ngày 10/10/1947, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc đã họp bàn về vấn đề Triều Tiên. Các nước đã quyết định thành lập Ủy ban lâm thời Liên Hiệp Quốc về Triều Tiên (UNTCOK). Nhưng do không được sự đồng thuận của Liên Xô nên ủy ban này chỉ có thể hoạt động được ở miền Nam.

Đến 5/1948 bầu cử Quốc hội tạo miền Nam Triều Triều Tiên. Ngày 17/7/1948, hiến pháp được thông qua và lấy tên nước là Đại Hàn Dân Quốc. Ngày 15/8/1948, nước Hàn Dân Quốc chính thức được thành lập. Chính phủ do Lý Thừa Vãn làm Tổng thống.

5dd3b22c-8c38-44c3-aaa7-419304a788c4_3.jpg


Bức ảnh nổi tiếng về Chiến tranh Triều Tiên năm 1951. Ảnh: History
Chiến tranh bùng nổ

Sau đó lực lượng Liên Xô và Mỹ cùng rút khỏi bán đảo Triều Tiên vào năm 1949, để lại tham vọng thống nhất đất nước theo những cách thức khác nhau của cả hai miền. Quân đội Hàn Quốc nhiều lần gây hấn tại vùng vĩ tuyến 38. Ngày 11/06/1949 Tổng thống Nam hàn, lý Thừa Vãn công khai tuyến bố Nam Triều Tiên đang chuẩn bị một cuộc tấn công mang tính hủy diệt đối với chính phủ Cộng hòa dân chủ Nhân dân triều Tiên. Đáp lại , tháng 9/1949, Kim Nhật Thành đưa ra đánh giá lạc quan rằng: “…Bắc Triều Tiên có thể chiếm Nam Triều Tiên trong vòng hai tuần đến hai tháng”

Như vậy cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều đã sắn sàng cho một cuộc chiến tranh. Sáng chủ nhật 25/6/1950, quân đội miền Bắc bất ngờ phát động cuộc nam tiến được tổ chức kỹ lưỡng. Bộ binh ồ ạt tràn qua qua vĩ tuyến 38 phân định hai miền với sự yểm trợ của pháo binh. Chỉ 3 ngày sau, quân miền bắc đã chiếm được thủ đô Seoul, nhưng mong muốn chính quyền miền nam đầu hàng của họ đã bất thành vì sự can thiệp từ bên ngoài.

Khi thấy đồng minh bị tấn công, Mỹ vội vã điều quân từ các căn cứ tại Nhật Bản sang Hàn Quốc tiếp viện. Nhưng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, trước sức tấn công mạnh mẽ của miền bắc, quân Mỹ và Hàn Quốc tổn thất nặng nề. Mỹ buộc phải kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hỗ trợ. Ngay lập tức Hội đồng Bảo an ra nghị quyết yêu cầu tất cả các thành viên chi viện để đầy lùi cuộc tấn công của Triều Tiên. Nghị quyết này chỉ được thông qua nhờ việc đoàn Liên Xô có quyền phủ quyết đang vắng mặt để tẩy chay Hội đồng Bảo an cho đến khi kết nạp Trung Quốc.

Có 14 nước thành viên Liên Hợp Quốc gồm Australia, Bỉ, Canada, Colombia, Ethiopia, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, New Zealand, Philippines, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh đã đồng ý chi viện cho Mỹ và Hàn Quốc, xây dựng một lực lượng quốc tế gồm khoảng 300.000 quân. Nhưng chiếm tới 260.000 quân trong số lực lượng quốc tế tham chiến tại Triều Tiên này là do Mỹ cung cấp, còn lại chủ yếu đến từ Anh, Canada và Australia.

Nhưng tới tháng 9/1950, quân miền bắc gần như đã kiểm soát toàn bộ miền nam, dồn quân đồng minh của Mỹ-Hàn tới khu vực thành phố cảng Busan và họ chỉ còn kiểm soát được 10% lãnh thổ miền nam. Trước nguy cơ miền Bắc sắp thống nhất bán đảo Triều Tiên, Mỹ ồ ạt đổ quân can thiệp, đặc biệt là không quân với sự hỗ trợ của lực lượng Liên Hợp Quốc dưới sự chỉ huy của tướng Douglas MacArthur, để đánh phá miền bắc.

Mỹ và đồng minh sau đó lần lượt bẻ gẫy các đường tiếp tế của quân đội Triều Tiên, đẩy họ vào thế khó khăn. Quân Mỹ cũng phá thế bao vây ở Busan, bắt đầu tiến lên phía Bắc và tái chiếm được Seoul vào ngày 25/9. Ngay sau đó quân đồng minh giải phóng hoàn toàn Hàn Quốc từ dưới vĩ tuyến 38 và có thể ngừng cuộc chiến. Nhưng Tổng thống Mỹ Harry Truman muốn nhân đà này để thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới một chính phủ thân phương tây.

Do đó tướng MacArthur được lệnh cho quân truy đuổi quân Triều Tiên ngược lên vĩ tuyến 38 qua đường biên giới hai miền. Trong khi đó, Trung Quốc muốn Triều Tiên như một vùng đệm nên đã cảnh cáo họ sẽ tham chiến nếu quân đồng minh do Mỹ cầm đầu vượt qua biên giới tiến vào Triều Tiên. Nhưng cảnh báo này đã bị phớt lờ, mở đường cho việc gần 180.000 chí nguyện quân Trung Quốc "kháng Mỹ viện Triều" tiến vào Triều Tiên cuối tháng 11/1950, đẩy Mỹ đối mặt với cuộc chiến hoàn toàn mới.

Tướng MacArthur bị sốc trước sự can thiệp mạnh mẽ của Trung Quốc và ra lệnh rút quân khẩn cấp từ miền Bắc Triều Tiên và lui về vĩ tuyến 38 vào cuối tháng 12/1950. Tới lúc này, Tổng thống Mỹ Truman tuyên bố quân Liên Hợp Quốc sẵn sàng ký thoả thuận ngừng bắn và cách chức tướng MacArthur vốn rất hiếu chiến. Cuộc thương thuyết ngừng bắn giữa hai bên bắt đầu từ tháng 7/1951 và cuộc chiến Triều Tiên lâm vào bế tắc tới tận năm 1953 mới tìm được lối thoát.

Con số ước tính về thương vong trong cuộc chiến Triều Tiên không thống nhất. Nhưng theo BBC có ít nhất 1,5 triệu người miền Bắc và 400.000 người miền Nam thiệt mạng trong cuộc chiến. Số quân nước ngoài thiệt mạng cũng tương đối lớn với 30.000 quân Mỹ và 1.000 lính Anh.
Kết thúc bằng lệnh ngừng bắn

Cuộc chiến Triều Tiên kết thúc năm 1953 bằng một thoả thuận ngừng bắn và không bên nào có thể tuyên bố chiến thắng. Hơn 50 năm sau vẫn chưa có hoà ước nào được ký kết, nhưng lệnh ngưng bắn này vẫn có giá trị ngăn Triều Tiên và Mỹ cùng đồng minh Hàn Quốc nối lại chiến tranh. Tuy vậy việc không có hoà ước chính thức khiến hai miền Triều Tiên cho đến ngày nay vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt lý thuyết.

Điều này đẩy bán đảo Triều Tiên vào tình trạng chung sống với căng thẳng và khủng hoảng quân sự trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Hai bên thường cáo buộc lẫn nhau vi phạm thoả thuận ngưng bắn và cáo buộc này ngày càng được sử dụng thường xuyên hơn kể từ khi nổ ra căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên những năm gần đây.

9f76aace-c8b3-4b51-be03-5384d8fc296a_4.jpg


Đường biên giới phân định trên bộ và trên biển giữa hai miền Triều Tiên. Ảnh: BBC
Khi thoả thuận ngưng bắn được ký ngày 27/7/1953, cuộc đàm phán đã kéo dài dai dẳng tới hai năm do bất đồng về các vấn đề gai góc như trao đổi tù binh chiến tranh và vị trí phân định biên giới hai miền. Những bên ký vào thoả thuận đình chiến này gồm một bên là các chỉ huy quân đội của Trung Quốc và Triều Tiên với một bên là Bộ chỉ huy quân Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu. Riêng Hàn Quốc không tham gia đặt bút ký vào thoả thuận này.

Hiệp định đình chiến đã được kí kết với các nội dung:

- Trong lúc chờ đợi một giải pháp hòa bình và toàn bộ, các bên chấm dứt tất cả các hoạt động quân sự và thù địch.

- Hai miền nam và Bắc sẽ được ngăn cách bằng một vùng phi quân sự có bề rộng 4 km chạy dọc theo giới tuyến quân sự đã được thỏa thuận tháng 11/1951.

- Tù binh được phép chọn lựa: hoặc hồi hương; hoặc được hưởng “quy chế tỵ nạn chính trị”.

- Một ủy ban giám sát việc thực thi hiệp định sẽ được thành lập gồm đại diện các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Thụy Điển và Thụy Sỹ.

- Một hội nghị chính trị sẽ được triệu tập sau ba tháng nữa để giải quyết thông qua đàm phán các vấn đề rút toàn bộ quân đội nước ngoài khỏi Triều Tiên, giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên…

Ban đầu thoả thuận đình chiến được xác định chỉ mang tính tạm thời. Nội dung trong tài liệu này cũng nêu rõ nó được soạn thảo để ngừng bắn "cho đến khi đạt được thoả thuận hoà bình cuối cùng". Nhưng Hội nghị Geneva năm 1954 được triệu tập nhằm đạt được hoà ước đã thất bại và kể từ đó đến nay lệnh ngừng bắn tạm thời vẫn còn hiệu lực và là văn bản duy nhất đảm bảo hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.

Khi thoả thuận ngừng bắn được ký ngày 27/7/1953, không ai khi đó có thể dự đoán hơn 50 năm sau hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh với nhau về mặt lý thuyết vì thoả thuận này vẫn còn hiệu lực. Kể từ đó căng thẳng vẫn luôn dai dẳng giữa hai miền Triều Tiên và khu vực biên giới của họ là nơi tập trung quân đội cao độ nhất thế giới hiện nay.

Theo: edu.goonline.vn
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top