• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Schelling-(SÊ-LINH) NÓI VỀ HÊ-GHEN

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
Friedrich Engels (1820-1895)


Bài viết này là bài thứ nhất trong loạt tác phẩm của P. Ăng-ghen [F. Engels] nhằm chống triết học tôn giáo-thần bí của Sê-linh [Schelling], năm 1841, theo lời mời của Phri-đrích Vin-hem IV, ông này đã tới Béc-lin [Berlin] để tham chiến chống phái Hê-ghen trẻ, đại biểu của giới trí thức tư sản cấp tiến. Ăng-ghen đã đến đó để nghe Sê-linh giảng ở trường đại học Tổng hợp Béc-lin với tư cách là học viên dự thính. [Chú thích của nhà xuất bản]



Nếu bây giờ ở đây, tại Béc-lin, các vị hỏi một người nào đó có khái niệm dù chỉ nhỏ nhất về quyền lực của tinh thần đối với thế giới, nơi có vũ đài trên đó diễn ra cuộc đấu tranh để giành sự thống trị đối với dư luận xã hội của Đức trong chính trị và tôn giáo, tức là, giành sự thống trị đối với chính nước Đức, thì người ta sẽ trả lời các vị rằng vũ đài đó ở trong trường đại học tổng hợp, cụ thể là trong giảng đường số 6, nơi Sê-linh giảng những bài triếthọc mặc khải. Vì trong thời điểm hiệm nay, tất cả những lời phản bác riêng biệt từng làm cho sự thống trị của triết học Hê-ghen trở thành vấn đề tranh cãi, đều đã mờ đi, nhạt đi và lùi về phía sau trước chỉ riêng sự chống đối của Sê-linh. Tất cả mọi kẻ thù đứng ngoài triết học, như Stan, Heng-xten-bếch, Nê-an-đơ, đều nhường chỗ cho một chiến sĩ mà người ta chờ đợi người đó sẽ chiến thắng người bất khả chiến thắng trong lĩnh vực của chính ông ta. Mà cuộc đấu tranh đó quả thật khá độc đáo. Hai người bạn cũ lúc thiếu thời, bạn cùng phòng ở trường dòng Tuy-bin-ghen, lại gặp nhau mặt đối mặt sau bốn mươi năm như là những đối thủ. Một người đã chết cách đây mười năm, nhưng vẫn sống hơn bao giờ hết trong những học trò của ông; người kia, theo lời khẳng định của những học trò ấy, đã chết về mặt tinh thần trong vòng ba thập kỷ, nay hoàn toàn đột nhiên có tham vọng có được toàn bộ sức sống và đòi hỏi phải được thừa nhận. Ai là người đủ "vô tư" để coi mình là xa vời với cả hai người ấy, nghĩa là ai mà không coi mình là người thuộc phái Hê-ghen – vì sau một vài lời Sê-linh nói, tất nhiên không ai có thể tuyên bố mình là người theo ông ta, - do đó, người nào có ưu điểm "không thiên vị" đáng khen ấy, người đó sẽ thấy trong bản án tử hình đối với Hê-ghen mà lời phát biểu của Sê-linh ở Béc-lin đã nói ra, sự báo thù của các thần thánh đối với Sê-linh về bản án tử hình mà sinh thời Hê-ghen đã tuyên đọc.

Một cử tọa đáng kể, nhiều màu sắc đã tập hợp lại để làm nhân chứng cho cuộc đấu tranh đó. Đứng đầu là giới qúy tộc đại học, những bậc cự phách của khoa học, những bậc hảo hán mà mỗi người trong số họ đã tạo ra một khuynh hướng riêng; họ đã được dành cho những chỗ gần gũi nhất cạnh giảng đàn, còn đằng sau họ trong một sự lộn xộn pha tạp, gặp đâu hay đấy, là những đại biểu của tất cả mọi địa vị xã hội, mọi dân tộc và mọi tín ngưỡng. Trong số thanh niên đầy nhiệt tình bỗng nhiên ta thấy một sĩ quan tham mưu râu bạc, còn bên cạnh ông ta là một người tự nguyện nhập ngũ ngồi trong tư thế hoàn toàn tự nhiên mà trong một cử tọa khác, do sự tôn kính đối với chỉ huy cao cấp, sẽ không biết độn thổ đi đâu cho khỏi ngượng. Các tiến sĩ già và những nhân vật thuộc giới tu hành mà giáo đoàn của họ có thể chẳng bao lâu nữa sẽ ăn mừng ngày ra đời của mình, cảm thấy bên trong họ tinh thần sinh viên cũ bắt đầu lên men, và họ lại đi nghe giảng. Những người Do Thái và những người Hồi giáo muốn thấy mặc khải Cơ Đốc giáo là gì. Đã nghe tiếng ồn ào hỗn hợp của tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hung-ga-ri, tiếng Ba Lan, tiếng Nga, tiếng Hy Lạp mới và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ - nhưng bỗng vang lên tiếng chuông kêu gọi im lặng, và Sê-linh bước lên bục giảng.

Con người có vóc dáng trung bình, tóc bạc và mắt xanh nhạt vui vẻ mà trong biểu hiện của chúng có nhiều sự sinh động hơn là cái gì đó gây kính phục, cùng với một ít embonpont [1], gây ấn tượng về một người cha đôn hậu của gia đình hơn là một nhà tư tưởng thiên tài; giọng nói nghe không thật hay nhưng mạnh mẽ, thổ ngữ Sva-bơ – Ba-vi-e với âm "eppes" thường xuyên thay cho "etwas"[2]– dáng vẻ bên ngoài của Sê-linh là như thế.

Tôi bỏ qua không nói đến nội dung những bài giảng đầu tiên của ông [3]để chuyển ngay sang những lời phát biểu của ông về Hê-ghen, và tôi chỉ dành cho tôi quyền thêm những điều cần thiết nhất để giải thích chúng. Tôi truyền đạt lời của ông đúng như tôi đã ghi chép khi dự buổi giảng của ông.

"Triết học đồng nhất mà tôi đề ra, chỉ là một mặt của toàn bộ triết học, cụ thể là mặt phủ định. "Cái phủ định" đó hoặc phải được bổ sung bằng việc trình bày "cái thực chứng" hoặc, sau khi hấp thụ toàn bộ nội dung thực chứng của các hệ thống triết học trước kia, chiếm giữ vị trí "cái thực chứng" và bằng cách đó nâng mình lên triết học tuyệt đối. Số phận của con người cũng được một lý trí nào đó chi phối, bắt nó phải kiên trì trong tính phiến diện chừng nào anh ta chưa tận dụng hết tất cả mọi khả năng của nó. Với Hê-ghen, người đã đề ra triết học phủ định với tư cách là triết học tuyệt đối thì cũng vậy. – Tôi gọi tên ngài Hê-ghen lần đầu tiên. Tôi đã phát biểu thoải mái về những người thầy của tôi. Can-tơ [Kant], Phi-stơ [Fichte], tôi cũng sẽ làm như vậy cả đối với Hê-ghen, tuy chính điều đó không đem lại cho tôi bất cứ niềm thích thú nào. Nhưng tôi sẽ làm điều đó, vì tôi đã hứa với các vị là tôi sẽ hoàn toàn thẳng thắn. Mong các vị không cảm thấy rằng tôi sợ cái gì, rằng có những điểm mà tôi không thể tự do phát biểu. Tôi nhớ cái thời Hê-ghen là người đối thoại của tôi, người đồng chí của tôi, và tôi phải nói rằng lúc triết học đồng nhất được hiểu, nói chung, một cách hời hợt và tầm thường, thì chính ông đã vì tương lai mà cứu tư tưởng cơ bản của nó mà ông vẫn trung thành với nó đến cùng. Các bài giảng về lịch sử triết học của ông [4]chủ yếu đã chứng minh cho tôi điều đó. Tìm được rất nhiều tài liệu đã được đi sâu nghiên cứu, ông đã tập trung chú ý của mình chủ yếu vào phương pháp, trong khi chúng tôi, những người khác, thì chủ yếu nghiên cứu nội dung của triết học. Những kết quả tiêu cực đạt được đã không thỏa mãn bản thân tôi, và tôi sẽ vui lòng chấp nhận mọi giải pháp thỏa đáng ngay cả từ tay những người khác.

Vả lại, vấn đề ở đây là Hê-ghen có giữ vị trí của mình trong lịch sử triết học – cái vị trí cần phải dành cho ông trong hàng ngũ những nhà tư tưởng vĩ đại – trên cơ sở tìm cách nâng triết học đồng nhất tới triết học tuyệt đối, triết học cuối cùng – tất nhiên điều đó chỉ có thể xảy ra khi nội dung của nó thay đổi đáng kể – hay không; và điều đó, tôi có ý định chứng minh trên cơ sở những tác phẩm của chính ông mà toàn thế giới đều có thể đọc. Nếu có ai đó nói rằng lời chỉ trích Hê-ghen tiềm ẩn ở đó, thì tôi sẽ trả lời rằng Hê-ghen đã làm cái mà ở ông nó đứng ở hàng đầu. Triết học đồng nhất đã phải tự mình đấu tranh với mình, vượt ra ngoài phạm vi của bản thân minh chừng nào chưa có môn khoa học về cái "thực chứng" cũng được mở rộng ra cả đến sự tồn tại. Điều đó cắt nghĩa xu hướng của Hê-ghen muốn đưa triết học đồng nhất ra khỏi phạm vi của nó, ra khỏi phạm vi tiềm năng của tồn tại, khả năng thuần túy của tồn tại và bắt sự tồn tại phục tùng triết học đó.

"Hê-ghen, người đã cùng với Sê-linh vươn lên tới chỗ thừa nhận cái tuyệt đối, đã rời bỏ cái tuyệt đối, vì ông cho rằng cái tuyệt đối không được giả định trong trực quan trí tuệ, mà được ông tìm ra bằng con đường khoa học". Những lời đó là văn bản mà bây giờ tôi sẽ nói với các vị. – Cơ sở của đoạn đã được trích dẫn ở trên là ý kiến cho rằng triết học đồng nhất có kết quả là cái tuyệt đối, không chỉ về thực chất, mà cả về sự tồn tại; vì điểm xuất phát của triết học đồng nhất là sự không phân biệt chủ thể và khách thể, nên từ đó rút ra kết luận rằng tuồng như cả sự tồn tại của chúng cũng đã được chứng minh bằng trực quan trí tuệ. Vì thế Hê-ghen hoàn toàn chân thành nghĩ rằng tuồng như tôi muốn thông qua trực quan trí tuệ chứng minh sự tồn tại, tồn tại của sự phân biệt đó, và chỉ trích tôi về việc sự chứng minh của tôi chưa đầy đủ. Tôi không muốn thế, điều đó được chứng minh qua những lời tuyên bố nhiều lần của tôi rằng triết học đồng nhất không phải là hệ thống tồn tại, còn về trực quan trí tuệ thì định nghĩa đó hoàn toàn không gặp trong sự trình bày triết học đồng nhất mà tôi thừa nhận là khoa học duy nhất trong số tất cả mọi sựtrình bày liên quan đến thời kỳ đầu ấy. Sự trình bày đó nằm ở chỗ không ai nảy ra ý nghĩ tìm kiếm nó, cụ thể là trong "Zeitschrift für spekulative Physik", trongquyển thứ hai, tập thứ nhất. Dĩ nhiên, định nghĩa đó cũng có cả ở những chỗ khác, vốn là một bộ phận trong di sản của Phi-stơ. Phi-stơ, người mà tôi không muốn đơn giản cắt đứt quan hệ, đã nhờ trực quan trí tuệ mà đạt tới ý thức trực tiếp, đạt tới cái "tôi" của mình: tôi theo cái đó để bằng cách như vậy đi tới sự không phân biệt. Vì cái "tôi" ấy trong trực quan trí tuệ không còn được xét một cách chủ quan nữa, nên nó đi vào lĩnh vực tư tưởng và, như vậy, không còn là cái đang tồn tại xác thực trực tiếp nữa. Như vậy, bản thân trực quan trí tuệ sẽ không thể chứng minh ngay cả sự tồn tại của cái "tôi", và nếu Phi-stơ sử dụng nó cho mục đích ấy thì tôi vẫn không thểviện dẫn sự trực quan đó để xuất phát từ nó rút ra sự tồn tại của cái tuyệt đối. Vậy, Hê-ghen có thể chỉ trích tôi không phải về việc bằng cứ chứng minh không đầy đủ mà tôi chưa bao giờ định đưa ra, mà chỉ về việc tôi muốn nhấn mạnh không thật dứt khoát việc tôi nói chung không đề cập vấn đề sự tồn tại. Vì, nếu Hê-ghen đòi hỏi phải chứng minh tồn tại của tiềm năng vô tận, thì ông vượt ra ngoài giới hạn lý trí; nếu có tiềm năng vô tận thì triết học sẽ bị tồn tại ràng buộc, và ở đây cần phải đặt vấn đề: có thể quan niệm prius [5]của tồn tại hay không? Hê-ghen trả lời là không, vì ông bắt đầu lô-gích của mình từ tồn tại và lập tức chuyển sang hệ thống tồn tại. Còn chúng tôi thì trả lời vấn đề đó một cách khẳng định, lấy tiềm năng thuần túy của tồn tại, với tư cách là tiềm năng chỉ tồn tại trong tư duy, làm điểm xuất phát. Hê-ghen, người nói nhiều như vậy về tính nội tại, lại tự mình chỉ mang tính nội tại trong phạm vi cái không phải là nội tại đối với tư duy, vì tồn tại là cái không nội tại ấy. Lùi về lĩnh vực tư duy thuần túy - trước hết có nghĩa là rời bỏ mọi tồn tại ở bên ngoài lĩnh vực tư tưởng. Lời khẳng định của Hê-ghen rằng sự tồn tại của cái tuyệt đối đã được chứng minh trong lô-gích còn có một thiếu sót là như vậy, chúng ta có cái vô tận hai lần: ở cuối lô-gích học và một lần nữa ở cuối toàn bộ quá trình. Nói chung không thể hiểu được vì sao trong hệ thống Bách khoa thư [6]lô-gích học được đưa ra trước tất cả mọi cái còn lại, thay vì xuyên suốt toàn bộ chu kỳ một cách sinh động".

Sê-linh nói như vậy. Tôi đã dẫn ra phần lớn, và trong chừng mực có thể đối với tôi, những lời của chính ông ta và tôi có thể mạnh dạn khẳng định rằng ông ta sẽ không thể không ký tên vào những đoạn trích ấy. Thêm vào những điều đã nói, tôi có thể bổ sung lấy từ những bài giảng trước đó của ông ta rằng ông ta xét sự vật từ hai khía cạnh, tách quid khỏi quod [7], tách bản chất và khái niệm khỏi sự tồn tại. Các vấn đề thuộc loại thứ nhất được ông ta liệt vào khoa học về lý trí thuần túy hoặc vào triết học phủđịnh, còn các vấn đề thuộc loại thứ hai thì ông ta liệt vào khoa học với những yếu tố kinh nghiệm còn phải được xây dựng, vào triết học thực chứng [8]. Về triết học thực chứng thì cho đến nay người ta chưa biết gì cả, còn triết học phủ định thì đã xuất hiện cách đây bốn mươi năm trong cách diễn đạt không hoàn hảo mà bản thân Sê-linh đã từ bỏ, và bây giờ ông ta phát triển nó trong biểu hiện chân chính, hợp lý của nó. Cơ sở của nó là lý trí, tiềm năng thuần túy của nhận thức có nội dung trực tiếp là tiềm năng thuần túy của tồn tại, khả năng vô tận của tồn tại. Nguyên tắc thứ ba cần thiết đối với cái đó là tiềm năng vươn lên trên tồn tại mà không thể tự tha hóa nữa; tiềm năng đó chính là cái tuyệt đối, tinh thần là cái được giải phóng khỏi tất yếu phải chuyển hóa thành tồn tại và vĩnh viễn tự do đối với tồn tại. Cái tuyệt đối còn có thể được gọi là sự thống nhất "kiểu Oóc-phây" [9]của hai tiềm năng ấy, như là cái mà ở bên ngoài nó không tồn tại cái gì cả. Nếu các tiềm năng mâu thuẫn với nhau, thì tính chất đặc biệt ấy của chúng là tính tận cùng.

Tôi nghĩ rằng một số ít những luận điểm ấy đủ để hiểu những điều đã nói ở trên và để làm rõ những nét cơ bản của học thuyết Sê-linh mới, về những nét này có thể được nhận xét ngay bây giờ ở đây. Tôi còn phải rút ra từ đó những kết luận mà, có thể, Sê-linh định phớt lờ, và còn phải bảo vệ người quá cố vĩ đại.

Nếu làm cho bản án tử hình mà Sê-linh đã tuyên bố đối với hệ thống của Hê-ghen khỏi có hình thức biểu hiện theo lối văn phòng, thì có được điều sau đây: nói đúng ra, Hê-ghen tuyệt nhiên chưa có hệ thống của mình, mà ông duy trì sự tồn tại thảm hại của mình bằng những mẩu thức ăn lấy từ cái bàn tư tưởng củatôi. Trong khi tôi dùi mài cái partie brillante [10], dùi mài triết học thực chứng, thì ông ta say mê hiến thân cho cái partie honteuse [11], triết học phủ định, và đảm nhận về phần mình – vì tôi không có thời gian làm điều đó - việc hoàn thiện và đi sâu nghiên cứu nó, sung sướng vô tận thấy rằng tôi còn tin tưởng giao cho ông ta việc này. Các bạn muốn chỉ trích ông ta về điều này chăng? "Ông ấy đã làm cái mà ở ông ấy nổi lên hàng đầu". "Vị trí trong số các nhà tư tưởng vĩ đại" vẫn thuộc về ông ta, vì ông ta là "người duy nhất thừa nhận tư tưởng cơ bản của triết học đồng nhất, trong khi những người khác hiểu nó một cách tầm thường và hời hợt". Và ở ông ta vẫn chẳng được cái gì tốt cả, vì ông ta muốn biến một nửa của triết học thành triết học chỉnh thể.

Người ta truyền đạt lời nói nổi tiếng thường được gán cho Hê-ghen, nhưng như đã thấy qua những lời phát biểu dẫn ra ở trên của Sê-linh, chắc chắn là của ông này: "Chỉ có một trong số những học trò của tôi là hiểu tôi, vả lại, tiếc rằng người đó hiểu tôi không đúng".

Song chúng ta sẽ nói một cách nghiêm túc. Chúng ta, những người mang ơn Hê-ghen nhiều hơn ông mang ơn Sê-linh, liệu chúng ta có thể để người ta viết trên bia mộ của người quá cố những lời xúc phạm như vậy hay không và có cần bảo vệ danh dự của ông bằng cách gửi lời thách thức cho kẻ phỉ báng ông, dù cho kẻ phỉ báng ấy có đáng sợ như thế nào đi nữa, hay không? Chính vì dù Sê-linh nói gì đi nữa, nhưng lời nhận xét của ông ta về Hê-ghen là một sự xúc phạm, mặc dù nó có vẻ mang hình thức khoa học mà ông ta dùng để thể hiện sự xúc phạm đó. Ôi, tự tôi sẽ cóthể – nếu cần làm như vậy – mô tả ông Sê-linh và bất cứ ai cũng được "một cách thuần túy khoa học" dưới một cái vẻ xấu xa đến mức ông ta sẽ thấy rõ ưu thế của "phương pháp khoa học". Nhưng tôi làm thế để làm gì? Và chẳng cần làm thế thì cũng đã là một sự táo bạo, nếu tôi, một chàng thanh niên, định dạy cho một ông già, nhất là Sê-linh, vì dù Sê-linh có phản bội tự do một cách quyết liệt như thế nào đi nữa, thi ông ta vẫn là người phát hiện ra cái tuyệt đối, và tên của Sê-linh, vì ông ta là người tiền bối của Hê-ghen, được tất cả chúng ta nêu lên chỉ với sự chúc phúc sâu sắc nhất. Nhưng Sê-linh, người thừa kế Hê-ghen, chỉ có thể đòi được kính trọng phần nào và hoàn toàn ít có thể đòi hỏi tôi yên lặng và bình tĩnh vì tôi đã bảo vệ người quá cố, còn chính người chiến sĩ thì có một sự ham mê nào đó; ai bình tĩnh tuốt kiếm của mình ra, người đó ít khi được khích lệ sâu sắc bởi sự nghiệp mà ông ta chiến đấu.

Tôi phải nói rằng lời phát biểu ở đây của Sê-linh và đặc biệt là những lời công kích ấy chống Hê-ghen đã không cho phép nghi ngờ điều mà cho đến nay không muốn tin, cụ thể là nghi ngờ sự giống nhau giữa bức chân dung phác họa trong lời tựa viết cho cuốn sách nổi tiếng của Ri-đen xuất bản cách đây không lâu [12], với nguyên bản. Cái giọng điệu của Sê-linh đáng giá bao nhiêu khi nói về toàn bộ sự phát triển của triết học trong thế kỷ này, về Hê-ghen, Han-xơ, Phoi-ơ-bắc, Stơ-rau-xơ, Ru-gơ và "Deutsche Jahrbücher": lúc đầu ông ta đặt họ phụ thuộc vào mình, sau đó không đơn thuần bác bỏ, không, – bằng một lối nói khoa trương chỉ đặt chính ông ta dưới dáng vẻ thuận lợi nhất, mô tả toàn bộ khuynh hướng tư tưởng đó như là sự đùa bỡn của tinh thần, như là một sự hiểu lầm ngộ nghĩnh, như là một loạt sự nhầm lẫn vô ích. Tôi nói, nếu giọng điệu đó không trội hơn tất cả những cái mà trong quyển sách được nhắc đến ở trên chê trách Sê-linh, thì tôi hoàn toàn không thể hình dung được cái mà trong đời sống bình thường của con người được gọi làsự đứng đắn. Quả thật, cần phải thừa nhận rằng Sê-linh khó tìm được con đường ở giữa, không làm mất thanh danh cả ông ta lẫn Hê-ghen, và có thể tha thứ cho sự ích kỷ đã thúc đẩy ông ta hy sinh bạn bè để cứu địa vị của mình. Nhưng Sê-linh vẫn đi quá xa, khi ông đòi thế kỷ chúng ta đừng tính đến thời gian đã bị mất đi một cách vô ích, là sự nhầm lẫn hoàn toàn của bốn mươi năm lao động và hoat động sáng tạo, bốn mươi năm suy nghĩ mà vì nó đã hy sinh những lợi ích quý báu nhất, những truyền thống thiêng liêng nhất, và tất cả những điều đó chỉ để cho Sê-linh không phải là người thừa trong vòng bốn mươi năm ấy. Và khi Sê-linh dành cho Hê-ghen một chỗ đứng trong hàng ngũ những nhà tư tưởng vĩ đại dưới một hình thức khiến cho, về thực chất, gạch xóa tên ông khỏi số họ, coi thường ông như là tạo vật của mình, như là đày tớ của mình, thì điều đó lại càng lộ rõ hơn là một sự chế giễu; và cuối cùng, đó có phải là một loại thói keo kiệt đối với tư tưởng, một sự nhỏ nhen – niềm đam mê thấp hèn mà mọi người đều biết ấy được gọi là gì nhỉ? – khi Sê-linh tuyên bố tất cả những gì ông ta coi là đúng đắn ở Hê-ghen đều là sở hữu của mình, hơn nữa là máu thịt của mình. Vì rằng sẽ là lạ lùng nếu chân lý cũ ấy của Sê-linh có thể duy trì dưới hình thức tồi của Hê-ghen, và trong trường hợp này lời chê rằng sự diễn đạt không rõ ràng mà Sê-linh đã ném vào Hê-ghen vào ngày thứ ba, nhất định sẽ bật trở lại chính ông ta. Thật ra, lời chỉ trích ấy, theo ý kiến chung, cả bây giờ cũng liên quan đến Sê-linh, mặc dù ông ta hứa trình bày một cách rõ ràng. Người nào lu mờ đi trong những thời kỳ thường gặp phải ở Sê-linh, người nào dùng những cách nói như quidditativ [13]và quodditativ [14], sự thống nhất kiểu Oóc-phây v.v. và không hài lòng về việc ấy, ngoài ra còn từng phút dùng đến các từ các cách nói la-tinh và Hy Lạp, người đó tất nhiên làm cho mình mất quyền chửi bới phong cách của Hê-ghen.

Vả lại, Sê-linh là người đáng thương hơn cả do sự hiểu lầm đáng buồn về vấn đề sự tồn tại. Hê-ghen ngây thơ tốt bụng, với niềm tin của ông vào sự tồn tại của các kết quả triết học, vào quyền của lý trí đi vào sự tồn tại, được thống trị tồn tại! Nhưng vẫn sẽ lạ lùng nếu Hê-ghen, người từng nghiên cứu Sê-linh kỹ đến thế và một thời gian dài có quan hệ cá nhân với ông ta, cũng như tất cả những người khác từng cố gắng hiểu thấu ý nghĩa của triết học đồng nhất, – nếu tất cả họ đều hoàn toàn không nhận thấy cái chủ yếu nhất, cụ thể là tất cả đó là điều vô lý và điều nhảm nhí chỉ tồn tại trong đầu Sê-linh và không mảy may đòi có ảnh hưởng nào đó đến thế giới bên ngoài. Ở đâu đó chính điều này đã phải được ghi lại, và chắc chắn có ai đó sẽ tìm thấy điều đó. Và quả thật, ta sẽ rơi vào sự cám dỗ muốn ngờ vực, dù đó có phải là ý kiến ban đầu của Sê-linh và đó có phải là sự bổ sung sau này hay không.

Còn nhận thức mới về triết học đồng nhất thì sao? Can-tơ đã làm cho tư duy lý tính thoát khỏi không gian và thời gian; Sê-linh ngoài cái đó ra còn tước mất của chúng ta cả sự tồn tại nữa. Sau cái đó chúng ta còn lại cái gì? Đây không phải chỗ chứng minh, để phản bác Sê-linh, rằng sự tồn tại chắc chắn thuộc lĩnh vực tư duy, rằng tồn tại là cái tự tại của tinh thần và rằng luận điểm cơ bản của toàn bộ triết học hiện đại, cogito, ergo sum [15], không thể bị lật nhào bằng một sự công kích đơn giản. Nhưng chúng tôi xin mạn phép hỏi: tiềm năng mà tự nó không có tồn tại thì liệu nó có thể đẻ ra tồn tại được không? Tiềm năng không đủ sức tự tha hóa nữa thì còn có thể được coi là tiềm năng hay không? Và sự phân ba các tiềm năng có phù hợp một cách lạ lùng nhất với kết quả mà "Bách khoa thư" của Hê-ghen đi tới – với sự thống nhất làm một của ba nhân tố tư tưởng, giới tự nhiên và tinh thần hay không?

Và kết quả của tất cả những cái đó đối với triết học mặc khải như thế nào? Tất nhiên, nó thuộc về "triết học thực chứng", thuộc về kinh nghiệm. Lối thoát duy nhất đối với Sê-linh là thừa nhận mặc khải là một sự thực và luận chứng nó một cách nào đó, có điều không phải bằng lý trí, vì chính ông ta đã tự cắt tất cả mọi con đường luận chứng như vậy. Ở Hê-ghen vẫn không phải đơn giản như vậy – hoặc, có thể ở trong túi Sê-linh còn có những phương thức giải quyết khác chăng? Như vậy, có thể có toàn quyền gọi triết học đó là triết học kinh nghiệm, gọi thần học của nó là thần học thực chứng, còn luật học của nó, đúng hơn cả, sẽ là luật học lịch sử. Kết quả như vậy tất nhiên sẽ giống sự thất bại, vì tất cả những điều đó chúng ta đã biết ngay trước khi Sê-linh đến Béc-lin.

Nhiệm vụ của chúng ta sẽ là theo dõi diễn biến tư tưởng của ông ta và bảo vệ nấm mồ của người thầy vĩ đại khỏi bị chửi rủa. Chúng ta không sợ đấu tranh. Chúng ta không muốn gì ngoài việc trong một thời gian nào đó ở vào tình thế ecclesia pressa [16]. Ở đây diễn ra sự phân định ranh giới các trí tuệ. Tất cả những gì là chân lý đều chịu sự thử thách bằng lửa, còn đối với các yếu tố kém phẩm chất thì chúng ta vui lòng từ giã. Đối thủ phải thừa nhận rằng hơn lúc nào hết, thanh niên đông đảođang quy tụ lại dưới cờ của chúng ta, rằng giờ đây hơn lúc nào hết, phạm vi những tư tưởng chiếm lĩnh chúng ta đã phát triểnphong phú, rằng ở phía chúngta chưa bao giờ có ngần ấy người dũng cảm, kiên cường và tài năng như bây giờ. Vậy, chúng ta hãy mạnh dạn đi vào trận chống kẻ thù mới; cuối cùng, trong số chúng ta sẽ có ai đó chứng minh rằng lưỡi kiếm của sự cổ vũ cũng tốt như lưỡi kiếm của thiên tài.

Còn Sê-linh thì cứ để ông ta thử thêm, xem ông ta có tập hợp được một trường phái xung quanh mình hay không. Nhiều người giờ đây theo ông ta chỉ vì họ, cũng như ông ta, chống Hê-ghen và với lòng biết ơn tiếp nhận bất cứ ai đả kích Hê-ghen, dù đó thậm chí là Lê-ô hay Su-bác-tơ. Song, tôi nghĩ rằng Sê-linh quá tốt đối với những ngài ấy. Tương lai sẽ cho thấy ông ta còn có những môn đồ khác nữa hay không. Tôi chưa tin điều đó, tuy trong số những người nghe ông ta giảng có một số người thành công và đã chuyển sang thái độ thờ ơ.



Do Ph.Ăng-ghen viết vào nửa cuối tháng Mười một 1841
Đã đăng trong tạp chí "Telegraph für Deutschland", số 207 và 208, tháng Chạp 1841.
Ký tên: Phri-đrích Ôxvan-đơ
In theo bản đăng trogn tạp chí
Nguyên văn là tiếng Đức.



Nguồn: C. Mác và Ph. Ăng-ghen. Toàn tập, tập 41. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia, 1999. Bản điện tử: https://www.cpv.org.vn

[1]
– trạng thái đẫy, mập, vẻ khỏe mạnh.

[2]– "cái gì đó".

[3]Xem "Schelling's Erste Vorlesung in Berlin, 15. November 1841". Stuttgart und Tübingen, 1841 ("Bài giảng đầu tiên của Sê-linh ở Béc-lin ngày 15 tháng Mười một 1841". Stút-gát và Tuy-bin-ghen, 1841)

[4]G.W.F.Hegel. "Vorlesungen über die Geschichte der Philosophie". 3 Bde. Hrsg. Von K. L. Michelet. In: Hegels Werke. Bd. XIII-XV. Berlin, 1833-1836 (G.V. Ph.Hê-ghen. "Các bài giảng về lịch sử triết học". 3 tập. Do C.L.Mi-sơ-lê xuất bản. Trong ấn phẩm: Toàn tập của Hê-ghen. Tập XIII-XV. Béc-lin, 1833-1836).

[5]– tính có trước.

[6]Đây muốn nói quyển sách: G.W.F.Hegel. "Encyclopädie der philosophischen Wissenschaften im Grundrise" (G.V. Ph. Hê-ghen. "Bách khoa thư các khoa học triết học. Lược khảo"). Xuất bản lần thứ nhất năm 1817.

[7]– quid và quod là hai đại từ trong tiếng la-tinh ứng với đại từ чmo trong tiếng Nga. Trong triết học kinh viện, quid thuộc về khái niệm bản chất, còn quod thì thuộc về khái niệm tồn tại.

[8]Đây muốn nói "triết học thực chứng" – một khuynh hướng tôn giáo thần bí trong triết học, phê phán triết học Hê-ghen từ phía hữu (C.H. Vây-xơ, I.G. Phi-stơ con, A. Guyn-tơ, Ph. Ba-a-đơ, Sê-linh về sau). "Các nhà triết học thực chứng" cố bắt triết học phục tùng tôn giáo, chống nhận thức lý tính và coi thần khải là nguồn duy nhất của tri thức "thực chứng". Họ gọi mọi triết học tuyên bố nguồn gốc của mình là nhận thức lý tính là triết học "phủ định".

[9]– phù hợp với sự sùng bái Oóc-phây, một cách thần bí.

[10]– phần cao quý.

[11]– phần không cao quý.

[12]Đây muốn nói cuốn sách xuất bản khuyết danh của C. Ri-đen "V.Schellings religionsgeschichtliche Ansich; nach Briefen aus München". Berlin, 1841 ("Các quan điểm lịch sử tôn giáo của Sê-linh; theo những bức thư gửi từ Muyn-khen". Béc-lin, 1841).

[13]– thuộc khái niệm bản chất.

[14]– thuộc khái niệm tồn tại.

[15]– tôi tư duy, do đó tôi tồn tại. Đê-các-tơ. "Nguyên lý triết học".

[16]– giáo hội bị xua đuổi.



 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top