Rít chọo aty- tết của người Khùa

Hide Nguyễn

Du mục số
Dưới những tán rừng thâm u ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, tộc người Khùa vẫn giữ được truyền thống và mỹ tục buộc chỉ cổ tay vào dịp tết để chúc phúc cho con cháu và người già sống lâu trăm tuổi, cũng như ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên.


Ven theo tuyến đường 12A trong những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến với bản làng của người Khùa, ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Trong sự huyền bí của dãy Giăng Màn và dòng nước mát ngọt nơi đầu nguồn sông Gianh, lễ buộc chỉ cổ tay của người Khùa giúp hồi tưởng về với cội nguồn của một tộc người.

Người Khùa vốn hiếu khách, lại có sự giao thoa văn hóa với các bộ tộc ở nước bạn Lào nên không ăn Tết Nguyên đán như đồng bào người Kinh và các dân tộc khác nhưng vẫn tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay (Rít chọo aty). Đây được xem như tết của dòng tộc.
cdv_9.2_Khua1.jpg
Bà Hồ Thị Pheng kể về lễ buộc chỉ cổ tay Rít chọo aty.
Theo ông Đinh Thanh Sơn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Minh Hóa, hằng năm, vào dịp tháng giêng, tháng hai, khi tiết trời sang xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, các dòng tộc của đồng bào Khùa sinh sống ở những bản làng vùng cao Dân Hóa lại tưng bừng tổ chức lễ Rít chọo aty.

Lễ buộc chỉ cổ tay thường diễn ra theo các dòng tộc mỗi năm một lần được gọi là lễ tiểu, còn ba năm một lần gọi là lễ đại. Mỹ tục này là để mời vong linh ông bà tổ tiên về với con cháu để cầu chúc yên bình, cho tình bền chặt, cho con người sức khỏe, cho mùa màng bội thu và nhiều may mắn trong cuộc sống thường ngày.

Trong dịp lên công tác tại xã Dân Hóa dịp này, chúng tôi may mắn được được tiếp xúc với vợ chồng ông Hồ Kết và bà Hồ Thị Pheng, ở bản Y Leng, một trong những cao niên trong vùng và được nghe kể về lễ buộc chỉ cổ tay của người Khùa.

Ông Hồ Kết năm nay đã trải qua 88 mùa rẫy, thời niên thiếu ông được được nghe bố và ông nội kể về gốc tích của lễ buộc chỉ cổ tay gắn với nét đẹp văn hóa của người Khùa. Ông kể, để tổ chức lễ tiểu thì trong mâm lễ sẽ có xôi nếp, và một con gà; tổ chức lễ đại thì có thêm một thủ lợn, xung quanh cắm 10 cây đăng nhỏ được làm bằng sáp ong rừng (đồng bào thường gọi là tiên).

Trên mâm xôi có bốn lá trầu kết thành hình chóp nón (gọi là Xộp pa lu), chính giữa cắm một cây đăng cái cao khoảng 40 cm và xung quanh đặt các sản vật được trồng trên nương rẫy. Phía dưới mâm lễ chính, sẽ có hai chiếc khay, một chiếc đựng các lễ vật gồm ba nén bạc, hai tấm vi pha khen (vi kẻ ca rô màu tím dùng may váy cho đàn ông), hai tấm vi pha xa loong (vi sọc đen trắng dùng may váy cho phụ nữ) và chỉ cuộn bằng sợi thô tự dệt. Chiếc khay thứ hai gọi là khăăn, dùng để đựng các lễ vật cho thầy cúng (gọi là A loong ra viaay), gồm một quả trứng gà luộc, hai chiếc bánh nếp hình chóp nhọn, một cuộn chỉ buộc, bốn cây đăng và một ché rượu cần.
cdv_9.2_Khua2.jpg
Mọi người Khùa đều được buộc chỉ cổ tay trong cái tết của dòng tộc.
Lễ cúng được tiến hành trong thời gian khong 40 phút, và trước khi làm lễ ngay từ buổi sáng khi những giọt sương còn đọng lại trên những tán lá rừng, ông chủ tộc đã chuẩn bị một mâm xôi, gà tế thổ thần đất đai và ông bà tổ tiên. Trong lễ hội Rít chọo aty sẽ có một người khách mời ngoài dòng tộc (A nha rít) để điều hành buổi lễ. Người Khùa thường cho rằng, ngoài vong linh ông bà tổ tiên, trên các bộ phận cơ thể đều có những phần hồn riêng hòa quyện với đất trời, với thế giới tâm linh thể hiện tấm lòng nhân ái, bao dung giữa những người đang sống đối với người đã khuất. Sau những lời cầu khấn của thầy cúng là đến nghi lễ buộc chỉ cổ tay cho những thành viên trong dòng tộc.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Minh Hóa cho hay, sau phần nghi lễ của thầy cúng, ông A nha rít sẽ điều hành mọi người tham gia cuộc thi uống rượu cần. Hai ché rượu cần được mang ra giữa nhà sàn, nước chế rượu được đong bằng sừng trâu trong vắt và tinh khiết, lấy từ các khe nhỏ chảy ra từ lòng núi cao.

Anh Hồ Huôn, 47 tuổi, ở bản Ta Leng, xã Dân Hóa tâm sự, từ thời thơ ấu đã được nghe bố mẹ kể về lễ buộc chỉ cổ tay, cuộc sống vất vả nhưng phong tục này vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
cdv_9.2_Khua3.jpg
Người Khùa quần tụ bên nhau.
Không chỉ buộc chỉ cổ tay cho những người trong họ tộc, khi khách đường xa đến viếng thăm, tâm đầu ý hợp với chủ nhà thường được gia chủ buộc chỉ cổ tay kết nghĩa anh em. Chỉ buộc cổ tay thường được chủ nhà se lại bằng các màu đen, trắng, đỏ và trang trọng buộc vào cổ tay khách. Điều thú vị là nếu có trẻ nhỏ đi theo cũng sẽ được buộc chỉ cổ tay để chúc phúc. Tầm lòng mến khách của người Khùa đã xóa nhòa khoảng cách về địa lý và những khác biệt về dân tộc.

Con đường 12 A lịch sử đang được nâng cấp để nối liền với tỉnh lân cận của Lào và vùng đông bắc Thái Lan, tạo điều kiện hơn cho việc hội nhập và phát triển của tỉnh tỉnh Quảng Bình. Nhưng Lễ Rít chọo aty trong dịp năm mới vẫn được duy trì trong những nếp nhà sàn thô mộc, thể hiện vẻ đẹp không dễ phôi phai của một nền văn hóa đa sắc dưới những tán rừng huyền ảo của dãy Giăng Màn.






Nguồn : Báomới.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top