Quy trình sản xuất nấm?

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.
Mỗi loại nấm có một cách thức và quy trình sản xuất khác nhau. Bạn muốn hỏi quy trình sản xuất nấm nào?
 
Tiếc quá, mình gõ một hồi thì bị mất nét..buồn quá !

Thôi, lấy tạm bài này để chia sẻ với bạn nhé . Có chi bạn cứ trao đổi thắng thắn nhé :)

------------

Ngày cập nhật: 31/08/2009
an.jpg


Nhà nuôi trông nấm rơm

Nấm rơm là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng đạm chỉ sau thịt, cá. Nấm rất giàu chất khoáng, vitamin và các axit amin…


Ở Thừa Thiên Huế, nấm rơm có thể trồng quanh năm, nhưng thời vụ trồng từ 15/4 đến 15/10 dương lịch là thích hợp nhất. Sau đây chúng tôi xin trình bày quy trình kỹ thuật nuôi trồng nấm rơm.

I. Đặc tính sinh học của nấm rơm

Nấm rơm có nhiều loại khác nhau, có loại màu xám trắng hoặc xám đen. Kích thước của nấm tùy thuộc từng loại.
Nấm rơm thích nghi phát triển từ 30-350C, độ ẩm nguyên liệu 65-70% (vắt chặt có nước ướt vân tay), độ ẩm không khí 80%; nấm rơm ưa thoáng khí, sử dụng nguồn dinh dưỡng Xenlulo có nhiều rơm, rạ, để sống.

Đặc điểm hình thái

- Bao gốc: lúc nhỏ bao gốc dài và cao, bao lấy tai nấm. Khi tai nấm trưởng thành, nó chỉ còn lại phần trùm lấy gốc chân cuống nấm. Bao nấm là hệ sợi tơ nấm có màu đen ở bao gốc. Độ đậm nhạt tùy thuộc vào ánh sáng. Ánh sáng càng nhiều thì bao gốc càng đen. Bao gốc có chức năng:

+ Chống tia tử ngoại của ánh sáng mặt trời.

+ Ngăn chặn sự phá hoại của các loại côn trùng.
+ Giữ nước và ngăn sự thoát hơi nước của các cơ quan bên trong.
- Cuống nấm:là bó sợi xốp. Khi còn non thì mềm và giòn, nhưng khi già thì xơ cứng lại và khó bẻ gãy. Vai trò của cuống nấm là:
+ Đưa mũ nấm lên cao.
+ Vận chuyển chất dinh dưỡng để cung cấp cho mũ nấm.

- Mũ nấm: mũ nấm hình nón, có màu đen nhưng nhạt dần từ trung tâm ra rìa mép. Bên dưới mũ nấm có nhiều phiến. Mũ nấm rất giàu dinh dưỡng, giữ vai trò sinh sản.



II. Kỹ thuật nuôi trồng

1. Nhà trồng và giá trồng

- Diện tích nhà 24-28m2, kích thước 4x6m hoặc 4x7m.

- Nhà được phủ kín bằng nilông trắng, bên ngoài lợp bằng tranh hoặc lá dừa…


- Bố trí một cửa ra và thông gió, kích thước 1x2m.


- Có một cửa ló 30-40cm, ở đỉnh nóc nhà để điều chỉnh nhiệt độ vào những ngày có nhiệt độ cao.


- Ở trong nhà bố trí các dãy giá làm bằng tre hoặc gỗ được đóng nhiều tầng, mỗi tầng cách nhau 80cm.


2. Nguyên liệu, xử lý nguyên liệu

- Nguyên liệu: dùng rơm rạ khô, không nên dùng rơm rạ mới gặt còn quá tươi hoặc rơm rạ thối mục.

- Phương pháp xử lý nguyên liệu: nguyên liệu được ngâm trong nước vôi với nồng độ 5% (5kg vôi với 100 lít nước), thời gian ngâm là 3-5 phút, khi nguyên liệu ngả màu vàng thì vớt ra để ráo nước. Cứ 3 lần ngâm thì bổ sung thêm vôi và nước sạch.

Làm một chiếc kệ kê hình giát giường bằng gỗ hoặc tre. Phần đáy kệ kê cách mặt đất 15-20cm, giữa kệ kê đặt một ống thông khí. Nguyên liệu được rắc đều xung quanh tạo hình tròn như đống rơm, xung quanh đóng ủ nén chặt, ở giữa để lỏng (như bà con nông dân vẫn làm cây rơm).

Đống ủ phải đạt 300kg trở lên. Dùng nilông phủ kín đống ủ chỉ để hở phần dưới kệ kê và không khí. Ủ đến 3 ngày thì tháo nilông ra và đảo đều đống ủ, tiếp tục ủ thêm 3-4 ngày nữa. Rơm rạ đã ủ 6-7 ngày đảm bảo yêu cầu sau:

- Độ ẩm đạt 65%. Khi thấy phần nguyên liệu độ ẩm quá cao (khi dùng tay vắt nước thấy nước chảy thành dòng) ta tiến hành rũ tơi đống ủ sao cho lượng nước trong đống ủ giảm đi, hong tới đâu ta đóng mô tới đó, thời gian hong nguyên liệu từ 5-10 phút. Khi thấy nguyên liệu quá khô, không đảm bảo độ ẩm ta tiến hành rũ tơi đống ủ và dùng nước sạch pha với tỷ lệ 5% vôi ướt (100 lít nước cho 5kg vôi ướt) rồi hòa loãng như nước vo gạo và tiến hành bổ sung từ từ vào phần nguyên liệu, tiếp tục ủ lại thêm 3 ngày nữa, phương pháp ủ như lần đầu.

- Rơm rạ có mùi thơm dễ chịu, màu vàng sáng, mềm.

- Đóng bánh: kích thước khuôn dài 25cm, rộng 20cm, dày 15cm; dùng nguyên liệu đã ủ, đưa vào khuôn nén chặt tạo thành từng bánh, gói bánh lại bằng nilông.

3. Meo giống và phương pháp cấy

- Meo giống tốt có những sợi tơ màu trắng, mọc chằng chịt phủ kín, hoặc có hạt màu trắng hoặc màu nâu, có mùi tương tự như nấm rơm.

- Trong điều kiện bình thường không để meo giống lâu quá 10 ngày, loại bỏ những bịch meo có những đốm màu xanh, đen và vàng do bị nhiễm bệnh.


- Phương pháp cấy meo: cấy thành từng cụm sâu 4-5cm hoặc phủ lớp meo ở 2 đầu, sau đó gói chặt bánh rơm bằng nilông. Chú ý: các đầu rơm phải bằng phẳng.


- Lượng giống: Một bịch meo giống 200gr, cấy 5-6 bánh rơm.

4. Ủ tơ

Bánh rơm đã cấy meo được đưa vào cất đống, đảm bảo nhiệt độ 32- 360C, không có ánh sáng chiếu vào, 2-3 ngày đảo một lần. Thời gian ủ tơ khoảng 5-7 ngày, khi này sợi nấm đã mọc phủ kín bánh rơm và đạt tiêu chuẩn đem ra nhà trồng.

5. Chăm sóc ở nhà trồng

Những bánh rơm đạt tiêu chuẩn như trên, ta tiến hành đưa lên giá trồng, mở nilông ở bánh rơm, chất bánh rơm thành 2-3 lớp tùy theo thời tiết.
Nhiệt độ nhà trồng thích hợp 30-320C, độ ẩm không khí 80-90%, độ ẩm bánh rơm khoảng 65-70%.

Từ ngày cấy đến ngày thứ 4, tuyệt đối không được tưới nước, mà chỉ tạo ẩm khu vực xung quanh. Nếu gặp thời tiết hanh khô, ta tưới tạo ẩm xuống nền nhà và xung quanh tường.

Tới ngày thứ 4, nhìn trên mặt mô nấm có những điểm tơ sợi mọc chằng chịt trên mặt mô nấm. Lúc này bào tử nấm trong thời kỳ phát triển thể sợi ta dùng bình phun Tiến hành phun nước thành sương mù, ngửa vòi phun sao cho phần nước sương rơi nhẹ vào bánh nấm.

Chú ý:

- Nếu gặp thời tiết hanh khô, số lần tưới tăng lên từ 4-6 lần trong ngày.

- Nếu thời tiết ẩm ướt số lần tưới giảm đi, tưới từ 1-2 lần trong ngày.


- Đối với nuôi trồng nấm rơm ta phải thường xuyên thay đổi không khí (hàng ngày mở cửa thông gió từ 2 đến 4 lần sao cho không khí trong nhà nuôi trồng trong nhà không bị ngột ngạt). Nấm rơm thích nghi ở môi trường phát triển thông thoáng, quả thể sẽ to đều không bị nhỏ.


6. Phương pháp phòng và chống nhiễm bệnh


Sau mỗi lứa nuôi phải vệ sinh nhà nấm và môi trường nhà nấm xung quanh phải sạch sẽ, bã nấm rơm được ủ làm phân bón cho cây trồng, phải cách nhà nấm trên 100m. Xử lý nhà nấm sau khi thu hoạch và dụng cụ sản xuất nấm (nilông bao gói, khuôn…) bằng thuốc Formon, với liều lượng 100ml/bình 8 lít cho một nhà nấm diện tích 24-28m2. Sau khi xử lý thuốc 48 giờ thì tiến hành nuôi trồng lứa mới.


Trong quá trình nuôi trồng nấm rơm, do tưới nước quá nhiều, nên xuất hiện các loại nấm có chân dài màu trắng, mũ nấm màu đen, đó là các loại nấm dại, nấm mực không gây độc hại nhưng chúng cạnh tranh dinh dưỡng của nấm rơm. Thấy những loại nấm này ta phải nhổ ngay.


Về sâu bệnh, nấm rơm cũng có các loại bệnh như mốc xanh, mốc đen, mốc vàng. Đó là nguyên liệu bị nhiễm bệnh từ trước, nhà xưởng nuôi trồng vệ sinh quá kém, nuôi trồng nấm quá nhiều lần. Gặp những trường hợp trên ta tiến hành thu gom những mô nấm đó mang đi xa, chôn hoặc dùng rơm rạ khô phủ lên và đốt chúng đi. Đối với chuột, chúng thường đào bới để ăn các loại giống nấm, ta phải làm bẫy và làm các biện pháp phòng trừ.


7. Thu hoạch


Nấm rơm phát triển rất nhanh, khi phát triển ta theo dõi nấm hình quả trứng phát triển trong ngày, ra tới đâu thu hái ngay tới đó. Gặp thời tiết thuận lợi ta nên thu hái từ 2 đến 3 lần trong ngày.


Khi phát hiện nấm mọc thành cụm, ta chú ý những quả nào to thì hái trước. Dùng tay giữ mô nấm không ảnh hưởng tổn thương cho những quả nấm còn nhỏ bên cạnh. Một tay nắm vào quả nấm và xoáy sao cho phần chân nấm được nhổ lên cùng với quả nấm, nếu còn sót phần chân nấm phải dùng tay lấy hết phần chân nấm còn dính lại trong mô nấm. Khi thu hái ta phải nhẹ tay, không được để nấm rơi xuống đất. Thu hái đến đâu ta phải dùng dao sắc cắt ngay toàn bộ phần chân nấm còn dính tạp chất.


Nấm rơm phát triển rất nhanh, khi thu hái xong ta phải mang ngay tới nơi thu mua hoặc nếu để bảo quản lâu ta phải bảo quản nấm ở nhiệt độ từ 100-15oC.


Thời gian thu hoạch cho một đợt nuôi trồng từ 20 đến 30 ngày (Tính từ lúc nấm phát triển ở ngày thứ 12, thời gian thu hoạch là liên tục 15-17 ngày ).

Trong thời điểm thu hái nấm, ta phải chia ra làm hai giai đoạn:

- Tính từ ngày thứ 12 đến ngày thứ 15 nấm rất rộ, sau thu hái đợt một ta dùng bình phun, phun thật đẫm vào mô nấm.


- Chờ từ 5 đến 7 ngày sau, nấm lại mọc ra lần 2, ta tiếp tục thu hái (Năng suất đợt 1 của lứa nấm đạt từ 70% đến 80% năng suất, đợt 2 thu hoạch từ 20% đến 30% của đợt nuôi trồng). Tổng sản lượng thu hoạch được từ 100-150kg nấm tươi/1 tấn nguyên liệu.


Khi phát hiện nấm đã tới thời kỳ thu hoạch (phần đầu của nấm hơi nhọn), nếu về chiều việc giao bán nấm không được thực hiện được, ta tiến hành nhổ những quả nấm đã có biểu hiện nhọn đầu và để chúng lên trên một mô nấm thì giảm được sự phát triển của nấm, để sáng hôm sau nấm không bị rách màng và nở ô.


8. Chế biến và bảo quản


- Phương pháp sấy nấm: Ta rửa sạch nấm, để róc nước, dùng dao cắt từng lát (như thái sắn) tùy theo quả thể to hay nhỏ nhưng độ dày

phải đạt từ 0,5cm trở lên. Nếu gặp trời nắng nóng ta mang chúng ra phơi từ 3-4 nắng là được. Nếu gặp thời tiết ẩm ướt mưa nhiều ta tiến hành cho vào sấy. Sấy ở nhiệt độ từ từ sao cho nhiệt độ ổn định đạt từ 40-450C đến khi nấm khô ròn, độ ẩm chỉ còn lại từ 12-13% là được. Cứ 10kg nấm tươi khi sấy khô ta thu lại được 1 đến 1,2kg nấm khô.

Phương pháp muối nấm


Trước khi muối nấm ta phải làm vệ sinh sạch sẽ, nhặt toàn bộ tạp chất còn dính vào quả nấm, nhặt những quả đã rách bao, nở ô để riêng, chỉ còn những quả tròn đều. Rửa sạch, để ráo nước, đun nước sôi thả nấm vào chần từ 5-7 phút, vớt ra ngâm nước lạnh, sau đó đổ nấm ra rổ và để ráo nước. Dùng chum vại, can nhựa... cứ một lớp nấm ta cho một lớp muối (tỷ lệ 1kg nấm ta cho 0,3kg muối khô hạt nhỏ + 0,2 lít nước muối bão hòa). Khi hết số nấm ta dùng một lớp muối khô rắc phủ kín trên mặt, để nấm được chìm trong muối.


Vì điều kiện hàng cũng như khâu tiêu thụ, nếu muối nấm để lâu từ 1-2 tháng ta phải cho thêm axid Acetic hay còn gọi là dấm ăn (Cứ 1 tấn nấm ta cho từ 3-4 lít dấm ăn). Nấm đảm bảo chất lượng không bị vàng mốc, có mùi thơm dễ chịu.



III. Hiệu quả kinh tế
(tính cho 500 kg rơm)

- Rơm: 500kg x 200đ/kg = 100.000 đ

- Giống: 5kg x 10.000đ/kg = 50.000 đ

- Khấu hao nhà cửa, dụng cụ: = 20.000 đ

- Công lao động: 10c x 20.000đ/c = 200.000đ

Tổng chi phí: = 370.000đ

Tổng thu: 50kg nấm tươi x 15.000đ/kg = 750.000 đ

Lãi ròng: = 380.000 đ


Nguồn: skhcn.hue.gov.vn/portal
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Có nhiều nơi do điều kiện khí hậu mà trồng trong nhà. Còn ở Miền Đông, cụ thể là ở Đồng Nai và miền Tây thì nuôi tròng ngoài trời. Nấm rơm có đặc điểm về đất là hai lứa liền nhau không trồng được trên cùng một vị trí - mảnh đất. Mà phải để nguyên liệu là mùn cưa, hoặc rơm đó phân hủy khá lâu rồi mới quay lại trong trên mảnh đất đó. Do vậy người trồng nấm rơm hay đi mượn đất để trồng :D

Thêm nữa, nấm rơm chịu ảnh hưởng của thời tiết rất rõ rệt. Ví dụ lạnh quá thì nấm lên đen, nóng quá thì bung dù nhanh,...
 
Nấm rơm có thể trồng được quanh năm. Mùa Đông Xuân, giáp Tết Nguyên đán, có gió lạnh thì phải chắn gió, giữ ấm và làm mô nấm lớn hơn. Mùa mưa cần làm mái che hoặc tủ rơm dầy hơn để giảm độ ẩm, làm nền mô cao để tránh ngập úng. Ở những nơi có nhiều gió, gió mạnh cần làm rào chắn gió, bố trí các mô nấm thẳng góc với hướng gió.

Chuẩn bị rơm

Cách ủ rơm thành đống. Cách này áp dụng được cho cả rơm tươi và khô. Các bước tiến hành:

Rơm được chất thành đống, chiều rộng 1,5-2m, chiều dài 4-8m. Khi chất đống, cứ mỗi lớp rơm cao 20-30cm tưới nước để cho rơm thấm đều và dùng chân dậm cho dẽ, tiếp tục chất các lớp tiếp theo cho đến khi đống rơm có chiều cao 1,3-1,5m. Sau đó lấy nylon, rơm khô hoặc lá chuối tủ chung quanh để giữ ẩm và giữ nhiệt. Vài ngày sau khi ủ, nhiệt độ trong đống ủ lên cao khoảng 60- 70oC. Nhiệt độ sẽ làm chết các mầm nấm dại và phân hủy một phần chất hữu cơ trong rơm rạ, giúp cho nấm rơm dễ hấp thu chất dinh dưỡng, phát triển thuận lợi sau này.

Sau khi ủ rơm từ 10-12 ngày, khi đó đống rơm ủ xẹp xuống, chiều cao khoảng 0,8-1,0m. Lúc này có thể đem rơm chất ra luống.
Cách xử lý nước vôi trước khi ủ. Cách này được áp dụng cho rơm, rạ đã khô. Rơm, rạ được nhúng vào nước vôi, pha với tỉ lệ 3 kg vôi cho 100 lít nước. Ngâm rơm vừa đủ ngập. Mục đích diệt nấm tạp, tẩy rửa chất phèn, chất mặn trong rơm rạ.

Thời gian ngâm trong nước vôi từ 20-30 phút, sau đó vớt ra, để ráo nước, chất thành đống với chiều rộng 1,5-2m, chiều dài 4-8m. Cần dậm nhẹ cho dẽ, lấy nylon, rơm hoặc lá chuối tủ quanh để giữ ẩm và giữ nhiệt.

Thời gian ủ 5-6 ngày: Trong thời gian đầu, sau khi chất đống 2-3 ngày, trở rơm một lần. Nếu rơm quá ướt, cần giảm bớt dụng cụ đậy bên ngoài. Nếu rơm bị khô, cần bổ sung thêm nước vôi với tỉ lệ 3 kg vôi cho 100 lít nước, tưới vừa đủ.

Đến ngày thứ 5-6 kiểm tra lại đống rơm. Rơm đủ ướt, khi vắt vài cọng thấy có nước nhỏ vài giọt là tốt nhất.

Rơm đã đủ điều kiện để chất nấm phải đạt yêu cầu:
- Rơm rạ mềm hẳn.
- Có màu vàng tươi.
- Có mùi thơm đặc trưng của rơm rạ khi lên men.

Chọn meo giống

Là khâu quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất trồng nấm. Chọn meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt.

Tiêu chuẩn bịch meo tốt: Sợi tơ nấm màu trắng trong, mở nắp bịch có mùi tương tự như nấm rơm. Tơ nấm phát triển đều khắp mặt trong bịch meo. (Riêng một số meo giống, khi tơ trưởng thành, bắt đầu kết tụ lại thành những hạt màu đỏ nâu vẫn cho năng suất tốt). Một bịch meo giống nặng trung bình 120g, có thể gieo trên mô nấm rộng 0,5m, cao 0,4- 0,5m, chiều dài liếp 4-5m.

Chú ý khi chọn meo giống: Không chọn sử dụng bịch meo có đốm màu nâu, đen, vàng cam vì đã bị nhiễm nấm dại. Không chọn bịch meo phía dưới đáy bịch bị ướt, bị nhão và có mùi hôi chua.

Xếp mô & rắc meo giống

Lấy rơm trong đống đã ủ: Dỡ bỏ lớp rơm ngoài mặt đống ủ.Lấy rơm đã ủ bên trong mang đi xếp mô trồng nấm, cố gắng xếp hết trong ngày phần rơm đã dỡ lớp đậy khi ủ.

Chất mô nấm

Cách 1: Rãi một lớp rơm đã ủ lên mặt liếp, tiếp đó tưới nước. Dùng tay đè dẽ dặt sao cho có chiều rộng theo mặt liếp khoảng 50cm, chiều cao 20cm. Rãi meo giống dọc hai bên luống, cách mép luống 5-7cm. Tiếp tục lặp lại thao tác trên cho lớp rơm thứ 2, thứ 3... Nếu ủ ba lớp thì phía trên không rãi men giống, chỉ rãi rơm khô dầy 4-5 cm. Tưới nước đè dẽ dặt, vuốt mặt ngoài cho mô láng, gọn. Vuốt mô không gọn, mặt ngoài mô không láng khi thu hoạch nấm sẽ làm hư các nụ nấm nhỏ, làm giảm năng suất.
Cách 2: Rơm sau khi ủ chín được cuốn thành từng bó, đường kính 15-20cm, chiều dài từ 45-50cm, xếp dẽ dặt từng lớp. Sau mỗi lớp rơm, rãi meo dọc hai bên luống, cách mép luống 5-7cm, tiếp tục xếp như trên cho lớp rơm thứ 2, thứ 3... Nếu chỉ ủ ba lớp thì phía trên chỉ rãi rơm khô dầy 4-5cm, tưới nước đè dẽ dặt, vuốt mặt ngoài cho mô láng, gọn.

Lưu ý: Tùy theo mùa, thay đổi độ dầy khi đậy mô cho thích hợp. Mùa nắng: Tủ rơm mỏng để thoát nhiệt. Mùa mưa, mùa lạnh: Tủ rơm dầy để giữ nhiệt và chống thấm nước.

Chăm sóc và thu hoạch:

Chăm sóc mô nấm

Đối với nấm rơm, không cần dùng phân bón gì thêm. Vì rơm rạ khi phân hủy đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây nấm phát triển.
Theo dõi nhiệt độ và ẩm độ là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất. Ẩm độ là yếu tố hàng đầu, vì ẩm độ giúp quá trình phân hủy rơm rạ thuận lợi từ đó sẽ tạo nhiệt độ trong mô nấm. Nếu ẩm độ dư, thừa nước: Nhiệt độ sẽ giảm, mô nấm bị lạnh. Nếu độ ẩm thiếu, mô bị khô nhiệt độ tăng.

Giữ ẩm độ thích hợp: Khi kiểm tra mô nấm, rút một nắm (khoảng 15-20 cọng) rơm ở giữa luống, bóp chặt trong lòng bàn tay, nước hơi rịn qua kẽ tay là vừa.

Nếu nước không rịn qua kẽ tay là khô, phải tưới nước. Nếu thấy nước chảy qua kẽ tay thành giọt là dư nước, phải ngưng tưới nước và ngày đó phải dỡ áo mô cho nước bốc hơi. Trong mùa mưa phải làm mái che sau khi dỡ áo mô.

Điều chỉnh nhiệt độ bằng cách tưới nước và đậy mô: Khi kiểm tra mô nấm, thấy nhiệt độ tăng, rơm ủ thiếu nước cần dùng thùng vòi sen tưới cho mô nấm. Tránh dùng vòi nước mạnh sẽ làm hư những sợi tơ và nấm nhỏ. Nếu chỉ tăng nhiệt độ mà không thiếu nước, phải giảm rơm áo bị ướt thay bằng rơm khô để giảm sức nóng và thoát bớt nhiệt.

Khi kiểm tra mô nấm thấy nhiệt độ giảm, mô bị lạnh: Ngưng tưới nước, dỡ bớt áo mô, mái che nắng... để giúp mô hấp thu được nhiều nắng. Nếu là mùa mưa, cần dùng nylon, màng phủ nông nghiệp (đậy phía đen lên trên) để mô nấm giữ nhiệt, tăng nhiệt độ bên trong.

Đảo rơm áo mô: Sau khi chất mô 5-8 ngày, dỡ rơm áo ra, xốc cho tơi và đậy trở lại cho mô nấm. Cần phải đảo áo mô để tránh tơ nấm ăn lan ra ngoài, không tạo được nấm.

Thu hái nấm rơm

Sau khi ủ rơm 10-14 ngày có thể thu hoạch: thời gian thu hái nấm, tùy loại meo và cách ủ. Nấm ra rộ vào ngày thứ 12-15; sau đó 7-8 ngày ra tiếp đợt 2 và thu hái trong 3-4 ngày thì kết thúc vụ trồng nấm ( 25-30 ngày).

Thời điểm hái nấm: Thu hái mỗi ngày 2 lần. Lần thứ 1 vào sáng sớm trước 6 giờ. Thu hái lần thứ 2 vào khoảng 14-15 giờ chiều.
Chọn nấm đủ tiêu chuẩn để hái: Nấm rơm phát triển liên tục và nhiều cây dính vào nhau. Cần phải chọn lựa để hái những cây còn búp, hơi nhọn đầu. Cách hái, xoay nhẹ cây nấm, tách ra khỏi mô. Không nên để sót chân nấm trên mô, vì phần chân nấm khi thối rữa, sẽ làm hư các nụ nấm kế bên. Sau khi hái xong, đậy kỹ áo mô lại.

Thời gian thu hoạch nấm thường 7-10 ngày. Năng suất trung bình 1,5kg nấm tươi trên 1m liếp nấm.

Nấm sau khi thu hái cần tiêu thụ ngay trong 2-3 giờ. Nếu muốn để ngày hôm sau cần bảo quản ở nhiệt độ từ 10-150C.

Theo Vietnamgateway*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top