Quê tôi đi ra biển
– Tản văn-Nguyễn Minh Khiêm
Một buổi tối, tôi đang ngồi làm việc, con tôi gọi giật giọng báo tin quê được lên ti vi. Cả nhà mừng rơn. Một vùng quê nghèo như quê tôi, thị tứ chưa thành, chợ chưa có, sân vận động chung của cả xã chưa có, được lên ti vi thật là một niềm sung sướng. Bỏ mọi thứ trên bàn, tôi chạy ào đến trước màn hình. Người ta đang giới thiệu về một số hộ trồng gấc quê tôi. Sau khi đưa hình ảnh một số bụi gấc leo tự do vắt ngang vắt dọc ở bờ tre, họ bình đây là một mô hình tận dụng đất đai cằn cỗi, ít màu mỡ để trồng cây gấc xoá đói giảm nghèo. Vốn ít. Lợi nhuận cao. Kỹ thuật đơn giản. Đất đai không cần kén chọn. Đúng là tôi đã khóc. Tôi khóc cho cái nghèo của quê tôi. Tôi khóc cho cái ngõ cụt đổi mới của quê tôi. Nếu xoá đói giảm nghèo được bằng cây gấc thì cả quê tôi giàu xụ lâu rồi. Quê tôi tre pheo nhiều. Vườn cây lưu niên cổ thụ nhiều. Cây nọ chờm tán cây kia. Mây mái móc nhau dài năm sáu chục thước. Bụi lót ( có nơi gọi là nhót ) móc từ gốc ổi trườn qua gốc mít, nhằng sang cây cạy cây hồng. Gấc cũng thế. Thả sức mà leo. Dây nào cũng chằng chịt quả. Bảy tám chục, một trăm quả gấc một bụi là chuyện bình thường. Trước kia, nhà ai cũng có một vài bụi gấc quả chi chít chín lủng lẳng trong vườn. Cả năm đồ sôi gấc một vài lần. Cho không ai lấy. Gác gác bếp lâu thì nó móp toắt teo lại rồi bỏ đi. Gánh ra chợ không bõ công gánh về. Thế là người ta phá hết. Chỗ bờ tre gai góc rắn bò, cò đậu chẳng có dấu chân người bước tới, mấy cây gấc hoang dại tự lên, tự chín. Không hiểu sao lại lọt vào ống kính của phóng viên truyền hình nào đó và được thổi lên thành cây xoá đói giảm nghèo! Hệt như dạo trước, có mấy nhà trồng dưa chuột xen canh xen vụ trước cửa Uỷ ban nhân dân, mấy tay ghi hình ngẫu hứng thế nào cũng đưa lên ti vi thành cây xoá đói giảm nghèo. Thế là bao nhiêu nhà trồng dưa chuột. Bao nhiêu nhà trồng gấc. Chẳng ai hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Chẳng ai chịu trách nhiệm. Dưa chuột đổ bờ. Gấc đổ bờ. Tất cả chỉ biết thở dài. Tiếng thở dài đã nẫu nuột từ thời trồng ớt kéo qua thời trồng cây thanh hao, kéo qua thời trồng cây bạc hà. Tiếng thở dài ngao ngán từ ngày hưởng ứng khẩu hiệu phá bỏ vườn tạp trồng cây có giá trị kinh tế cao. Mít, bưởi, hồng, nhãn, mây, chè phá trắng tinh. Khẩu hiệu vải thiều được giương lên. Khẩu hiệu nhãn lồng Hưng Yên được giương lên. Nhà nhà vải thiều. Nhà nhà nhãn lồng. Rồi vải thiều chua hơn vải tu hú. Nhãn lồng Hưng Yên không có cùi để bóc. Một cuộc hành quyết vải thiều diễn ra. Một cuộc hành quyết nhãn lồng Hưng Yên diễn ra. Cuộc chặt phá chứa chất đầy nỗi chán trường, thất vọng và uất ức. Vải thiều, nhãn lồng vào lò vôi. Vải thiều, nhãn lồng vào xưởng mộc. Tiếng thở dài chuyển đất. Rồi hoa quả miền Nam tràn ngập. Mẫu mã đẹp. Rẻ. Ngon. Ngành trồng cây ăn quả của quê tôi gần như bị xoá xổ. Nhưng cái nghèo thì còn nguyên đó. Phải chuyển đổi thói quen, phải chuyển đổi nếp nghĩ mới giàu có được.
Quê tôi bắt đầu nhảy sang lĩnh vực nuôi thả.
Đầu tiên, cả làng đổ xô vào việc nuôi ba ba. Cách đây mấy chục năm mà giá ba ba lúc ấy bốn năm trăm nghìn đồng một cân. Một con ba ba vài cân đã có tiền triệu như chơi. Thế là nhà nhà đào ao xây bể nuôi ba ba. Mỗi công trìng nuôi ba ba ít nhất hàng chục triệu đồng. Nhà có vốn thì tự bỏ ra. Nhà không có vốn thì vay ngân hàng. Cái không khí làm giàu từ ba ba cứ hừng hực bừng bừng, chẳng khác gì thời cả làng nung vôi, cả làng nấu gạch, cả làng xây lò sấy thuốc lá. Rồi ba ba giống mất. Ba ba con con mất. Hầu như không ai xuất được lứa nào. Ngọn lửa nuôi ba ba nguội dần. Khuôn mặt làng nguội dần, sần sùi như sỉ than. Chỉ còn lại vườn tược ngổn ngang gạch đá. Chỉ còn lại nếp nhăn. Trước thuê thợ đào ao mất bao nhiêu tiền thì bây giờ thuê thợ lấp ao tốn thêm chừng ấy.
Công việc san lấp trả lại mặt bằng như cũ chưa xong thì lại ào lên một trào lưu nuôi rắn. Rắn như một vị cứu tinh cho những vùng quê muốn vươn lên xoá đói giảm nghèo. Hình ảnh những trang trại rắn của các tỉnh Hải dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên cứ liên tiếp được đưa trên các bản tin thời sự. Quê tôi lại bị rắn cuốn vào. Tường xây, lồng sắt lại được dựng lên. Rào thép gai dựng lên. Rắn ráo, rắn hổ mang, hổ chu, hổ đất, cạp nia, cạp nong cứ tận đâu đâu được thợ bắt rắn đem về. Đầu tiên là những cuộc khoe rắn. Rắn chúa to, rắn chúa nhỏ. Rồi đến khoe các bình rượu rắn. Nào là Độc xà nhất chúa; nào là tam xà, ngũ xà; nào là thất xà, cửu xà. Nhưng cái chờ đợi nhất là những món lợi khổng lồ từ rắn thì không thấy đến. Không thấy khách nào đến mua hàng. Bọn người đến mồi chài bán rắn nuôi hẹn mua rắn xuất khẩu biệt tăm biệt tích. Trung Quốc không mua răn nữa. Việc buôn bán động vật hoang dã bị cấm. Giá bán rắn giảm nhanh như nước lũ rút. Mấy người đánh bạo đem rắn ra Hải Phòng, Lạng Sơn nhập thì bị phạt, bị ăn chặn, bị ép giá, bị lừa, bị tịch thu. Mặt làng vêu ra. Các bình rượu tam xà, ngũ xà không bổ như người ta tưởng. Làng xanh xao khốn đốn suy sụp vì nó.
Bỗng lại dấy lên phong trào nuôi ếch. Cái lợi về nuôi ếch còn được tuyên truyền dễ ăn hơn nuôi rắn nhiều. Ở Bắc Ninh, ở Nghệ An có nhà nuôi ếch lãi hàng tỷ đồng một năm. Những tỷ phú ếch trong chớp mắt trở thành người đương thời ngồi trên ti vi. Những người được đi thăm quan Thái Lan, thăm quan miền Nam về thì không giấu được niềm phấn khích. Sức hấp dẫn ấy làm cho nhiều người quê tôi không cưỡng nổi. Để giải cứu những món nợ lần trước, để lấy được sổ đỏ từ Ngân Hàng về, làng lại nuôi ếch. Bắt đầu từ năm nhà, lên mười nhà, lên hai mươi nhà, lên năm mươi nhà. Một phản ứng dây chuyền xảy ra. Nhà không có ý định nuôi cũng hăm hở nuôi. Bắt đầu hội thảo. Bắt đầu trình diễn mô hình. Bắt đầu quay phim cấp huyện, cấp tỉnh. Một thời gian sau, số hộ nuôi ếch lại bắt đầu giảm theo chiều ngược lại. Từ năm sáu chục hộ còn ba chục hộ, còn hai chục hộ, còn mươi hộ, còn dăm hộ và không còn hộ nào nữa. Chuyện nuôi ếch lạnh dần như bếp tro ngập lụt.
Người ta bảo, mỗi lần vấp là một lần bớt dại. Trên con đường xoá đói giảm nghèo, chỉ trong vòng mươi năm mà quê tôi bao nhiêu lần vấp đau vấp đớn như thế chắc là sẽ khôn lên nhanh chóng. Nhưng cái khôn cứ tránh mặt. Thấy người ta phổ biến mô hình nuôi đà điểu là siêu lợi nhuận. Ấy thế là quê tôi tức tốc cho học tập mô hình chăn nuôi đà điểu. Thấy người ta phổ biến mô hình nuôi nhím. Ấy thế là quê tôi tức tốc triển khai mô hình nuôi nhím. Thấy người ta phổ biến mô hình nuôi chuột dũi . Ấy thế là quê tôi triển khai nuôi chuột dũi. Một số gia đình đang mày mò nuôi dế. Tôi còn nghe nhiều lần mô hình nuôi cá sấu. Quê tôi có hơn một trăm hec-ta hồ rộng mênh mông. Không biết sắp tới quê tôi có nuôi cá sấu không? Nếu nuôi, có lẽ, quê tôi phải xuất khẩu một năm mấy vạn con chứ không ít. Nếu như thế mà thoát được nghèo thì tôi mừng lắm.
Quê tôi đã hàng ngàn năm tuổi, nhưng trong làm ăn kinh tế vẫn còn như một đứa trẻ vừa chập chững tập đi. Thật thà ngây ngô, non nớt, cả tin. Thiếu nhất là tính sáng tạo, tìm ra một mô hình độc đáo cho riêng mình. Người ta bảo đâu là xâu đấy. Không giữ được bản sắc gì. Người ta bảo cây dưa chuột xoá đói giảm nghèo cũng tin. Người ta bảo cây gấc dại leo bờ rào xoá đói giảm nghèo được cũng tin. Cái giàu có nhất của quê tôi là đức tin. Quê tôi đang đi ra biển, vượt qua biển với đức tin của mình. Đó là biển đói nghèo, lạc hậu. Đó là biển ước mơ hạnh phúc. Trên đường ra biển lớn ấy, không ít lần quê tôi bị đắm. Đắm vào cây ớt. Đắm và cây thanh hao. Đắm vào cây gấc. Đắm vào ba ba. Đắm vào rắn. Đắm vào ếch. Tôi mong sao, quê tôi không bị đắm bởi chuột dũi, nhím, đà điểu, hay cá sấu như đã từng đắm vào ếch nhái. Tôi cũng muốn được thấy hình ảnh quê tôi trên ti vi nhưng thấy với hình ảnh một làng quê đủ 19 tiêu chuẩn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới chứ không phải thấy một mô hình lèo tèo vài cây gấc…
25.9.2011