Hai câu thơ trên được trích trong bài thơ
"Than đạo" của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Trong hai câu thơ này, tác giả đã sử dụng lối nói ẩn dụ để khẳng định sức mạnh sáng tác văn chương đối với cuộc sống con người: thuyền và bút là hình ảnh ẩn dụ cho tác phẩm văn chương. Ở đây, Nguyễn Đình Chiểu (NĐC) đã phát huy quan niệm
"văn dĩ tải đạo" của người xưa.
"Đạo" là đạo lí trong cư xử hàng ngày, đạo làm con trong nhà, đạo làm dân trong nước... Con thuyền văn chương phải chuyên chở những bài học đạo đức ấy đến với muôn người, thiên chức của nhà văn là phải trang trải tình yêu thương đến với muôn nơi. Song song với việc truyền tải đạo lí, văn chương còn là một vũ khí chiến đấu sắc bén có sức công phá mãnh liệt nhằm thẳng vào bộ mặt bọn gian tà, lũ bán nước, lũ cướp nước, kẻ bất nhân bất nghĩa. Theo NĐC,con thuyền văn chương chở bao nhiêu đạo lí vẫn không đong đầy, ngòi bút chiến đấu của nhà văn không bao giờ mòn đi mà càng chiến đấu càng sắc bén. Đây là một quan niệm sáng tác tích cực, thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả. Quan niệm ấy được chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một cách rõ nét qua tính chiến đấu của ngòi bút, qua tính tiên phong của nhà văn:
"Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong"
_Nhật kí trong tù_
Quan niệm sáng tác văn chương cao đẹp ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ trong lòng muôn người, góp phần tiếp lửa truyền thống cho nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mĩ. Quan niệm ấy là vô cùng hùng hồn và đầy sức thuyết phục bởi trước hết được tỏa sáng bằng cuộc đời, bằng tâm hồn sáng vằng vặc như
"sao Bắc Đẩu" của nhà thơ yêu nước NĐC.
Có thể nói cuộc đời của NĐC là một bài ca đau thương nhưng rất hoành tráng - hoành tráng bởi nghị lực phi thường khi vượt qua biết bao là bất hạnh. Thế nhưng NĐC không chịu buông tay đầu hàng số phận, ông vẫn vươn lên bằng nghị lực phi thường ấy để làm
"trọn đạo" với nhân dân - đạo của một người thầy được nhân dân Nam Bộ gọi với tên tục Đồ Chiểu), đạo của một thầy thuốc với tấm lòng lương y như từ mẫu:
"Ăn mày cũng đứa trời sinh
Bệnh còn chưa được thuốc còn cho không"
Đạo của một nhà văn tâm huyết với nghề. Cảm phục trước nhân cách cao thượng của NĐC, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng phải thốt lên:
"Trên bầu trời có muôn vàn vì sao, có ánh sáng khác thường, mắt chúng ta phải chăm chú nhìn mới thấy và càng nhìn càng thấy sáng... NĐC là một ngôi sao sáng trên bầu trời Nam Bộ".
Biết rõ tài năng và ảnh hưởng lớn lao của NĐC đối với nhân dân Nam Bộ, thực dân Pháp tìm cách để mua chuộc, dụ dỗ ông. Thế nhưng người con yêu nước NĐC đã chửi thẳng vào mặt của những tên đê tiện bằng lời thơ cay độc:
"Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ
Dầu đui mà khỏi danh nhơ
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình
Dầu đui mà đặng trọn mình
Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu"
Bên cạnh phỉ nhổ vào bộ mặt của kẻ bán nước và cướp nước, NĐC còn đem tấm thân tàn của mình để bày mưu tính kế giúp các nghĩa quân, thủ lĩnh chống lại với quân xâm lược. Có nhiều trận đánh nhờ mưu lược của ông mà dành thắng lợi vẻ vang.
Vũ khí sắc bén nhất đối với NĐC là văn chương. Bên cạnh nhưng tác phẩm mang nặng đạo lí làm người như truyện "Lục Vân Tiên"; "Dương Hà, Từ Mậu" ; NĐC còn có những trang văn cổ vũ chiến đấu, khích lệ tinh thần yêu nước, tố cáo chiến tranh như "Chạy giặc" ; "Văn tế Trương Định" ; "Văn tế nghĩa sĩ Trần Giuộc".... tất cả đều là những bản trường ca công lí với chính nghĩa, đấu tranh đến cùng và không bao giờ khoan nhượng với cái ác.