Quan niệm của người Ai Cập về thế giới

Áo Dài

Cô gái Việt Nam
Thành viên BQT
Người Ai Cập cho rằng con người có nhiều hồn. Con người có một xác và 4 hồn, Akk là hồn ma, là sức mạnh thiêng tượng trưng bằng con cò quăm. Người Ai Cập cho rằng Diêm vương là Osiris, vua phương Tây tức cõi chết. Đó là những quan niệm của người Ai Cập về con người và thế giới bao quanh. Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây để có thêm kiến thức về quan niệm của người Ai Cập về thế giới.

THẾ GIỚI QUAN CỦA NGƯỜI AI CẬP

JEAN YOYTTE(*)

tải xuống (8).jpeg

Ai Cập đã để lại những đền đài mênh mông và những lăng miếu rộng lớn. Những công trình ấy và số lượng lớn lao các văn tự tượng hình ở đấy làm cho người ta phải ngạc nhiên, vì lợi ích và ý nghĩa của các công trình ấy không dễ dàng hiểu được đối với con người ngày nay. Người Hy Lạp cổ đại, gần gũi chúng hơn rất nhiều về thời gian cũng đã coi những kim tự tháp ở Giza như một biểu hiện phi lý về lòng tự đắc của vua chúa và mang tính áp đảo. Tuy nhiên, những công trình ấy vẫn giữ được vẻ oai nghiêm và mất cái vẻ đồ sộ đáng ngại của chúng nếu ta nhận ra ở đấy kết quả của các quan niệm về vũ trụ của người Ai Cập và những lời giải đáp mà các quan niệm đó đem đến cho những vấn đề đặt ra trong xã hội họ, theo những cách suy nghĩ và hành động mà chúng ta ngày nay coi là vừa xa lạ, vừa gần gũi.

Cái siêu phàm không thể rút nhỏ lại bằng sự phân tích tuyến tính. Cùng một quá trình hoặc một hiện tượng có thể nhận thức thông qua nhiều hình ảnh, nhiều truyện kể thần linh khác nhau. Bầu trời khôn dò là một đại dương, một mái nhà, một con bò cái, một cơ thể đàn bà. Một hình ảnh đã ăn sâu vào truyền thuyết đều là thích đáng, dù đối với ta hình như là trái ngược, và cho phép xử lý, quản lý cái thần linh. Sự “đa dạng trong các cách tiếp cận” đó thường biểu hiện qua một cách suy nghĩ nhị nguyên, cái toàn bộ được quy lại còn là sự đối lập và hợp nhất của hai dạng thức: nhà nước và sa mạc, thượng và hạ Ai Cập. Ngoài ra, ngôn ngữ, chữ viết và hình vẽ là cái gì khác nữa chứ không chỉ là những biểu tượng ước lệ. Giữa cái mà người ta gọi bằng tên và vẽ thành hình với sự vật, có sự giao cảm. Vì vậy, các từ tạo ra các sự vật – bởi thế trong các truyện kể về tạo lập thế giới có nhiều cách nói đồng âm dị nghĩa – và chính lời nói đã câu thúc sự vật. Đó chính là hai nguyên lý của cái tư duy được gọi là “phương thuật”. Chuyển tải “những lời nói của thần linh” hệ thống văn tự tượng hình bao gồm những hình ảnh mượn trong thiên nhiên và ra đời đồng thời với các nghệ thuật đồ họa, đã chỉ ra hiện thực. Việc vẽ ra một sinh linh, kèm theo đầy đủ tên gọi của nó, là nhị hóa nhân cách của nó. Say mê gần như cuồng si việc thể hiện một cách lâu bền bằng lời nói và bằng hình vẽ cái hiện thực để rồi làm cho nó vững mạnh thêm bằng một phương thuật cao cường, đó là đặc trưng của văn hóa thời các pharaông và giải thích tại sao lại có những thành tích thần kỳ về kiến trúc và bi ký như thế.

Chân trời của người Ai Cập trải từ miền “đất đen” chật hẹp (Kemet, sinh ra Kemi là tên của Ai Cập bằng tiếng côpt) tức là thung lũng đất bồi bằng phẳng của sông Nil đến miền “đất đỏ” (desheret) là hoang mạc Sahara vô biên bao quanh, khô hạn và nhấp nhô. Miền Đen là không gian được trồng trọt, nhân hóa, quen thuộc. Miền Đỏ thì khủng khiếp, quái dị. Những đám cư dân thưa thớt, lạc hậu và hiếu chiến qua lại đấy và những cuộc xâm lược xuất phát từ xa hay gần đều từ các đường mòn của miền ấy mà tràn đến. (Gebel trong chữ tượng hình hàm ý “xa lạ”). Nhưng hoang mạc lại trải dài đến tận đường chân trời, nơi mặt trời sinh ra và chết đi; những đá núi trơ trơ bất di bất dịch của nó, những miền cát tinh khiết của nó niềm nở đón nhận những người chết và che giấu những cuộc tái sinh. Một khối chất lỏng vô biên bao quanh vũ trụ rắn đặc, hiện ra trên bề mặt trái đất dưới hình thức biển cả. Nước đó là vòm trời, nơi mọc lên các tinh tú. Nó chảy vào con sông ngầm dưới đất, nơi đêm đêm mặt trời, trôi từ tây sang đông, và từ nơi ấy mỗi năm tràn lên một dòng nước mới: cơn lũ của sông Nil.

Chứa đầy những sinh linh bí ẩn, nửa tỉnh nửa mê, đại dương ấy và các bóng đêm lan tràn khắp cả không gian cho đến ngày mà mặt trời, thần Rê-Atum, mọc lên, đẩy các bóng đêm dày đặc ra ngoại vi. Một quả gò nhô ở nơi thượng đế đã tổ chức ra thế giới hiện tại, thổi vào đó không khí, ánh sáng, sự sống, đồng thời phải chiến đấu với những thế lực của hư vô. Rồi thượng đế tạo ra chư thần và loài người, động vật và cây cỏ. Đó mới chỉ là “Lần Đầu Tiên”. Mỗi tối mặt trời già đi, mỗi sáng trẻ lại và được rửa sạch trong nước, mặt trời thượng đế lại tái lập vũ trụ và giao chiến; mỗi ngày con quái vật Apopi lại đe dọa cuộc lữ hành của mặt trời Rê về trời, nhưng Rê vẫn trông nom giữ gìn phép tắc công minh, tức là Maat mà thần đã thiết lập và đã thành sự sống của thần. Các sinh vật thì phải già đi và trẻ lại ở dương thế này, theo nhịp điệu của một chu kỳ vĩnh cửu (neheh) theo gương mặt trời, cho đến ngày phải chết để đi vào cảnh tĩnh tại vĩnh hằng (djet), như Orisis vậy. Bao giờ Atum trở lại trạng thái thụ động ban đầu thì sẽ không còn có không gian, thời gian.

Phản ánh sự đa dạng trong các cách đề cập và tự nhận khác nhau của các địa phương, nhiều huyền thoại, nhiều giáo lý thuật lại theo cách của mình sự nghiệp của vị thần sáng thế hơn cả, ra đời ở Heliopolis, thì chính Rê-Atum đã sắp đặt ra mọi vật; nhưng theo các giáo sĩ ở Memphis thì lại là Ptah, thần đất, đã xuất hiện trước tiên rồi nâng bầu trời lên cao và sinh ra mặt trời. Các nhà bác học thì nói rằng Thượng đế đã thai nghén vũ trụ trong tâm mình (nghĩa là trong trí mình) và cho vũ trụ ra đời qua mồm mình (nghĩa là bằng lời nói sáng thế).

Tư tưởng thời các pharaông coi tính nhị nguyên trong tình dục là bộ phận không thể tách rời trong quá trình tạo ra sự sống rất lâu trước khi những tụng ca thời Tân Đế chế tụng dương Thượng đế là “cha và mẹ”. Hai thần tích Kamutef và “Con mắt của Rê” xác định vị trí của đàn bà. Mọi nam thần thành niên đều được kèm theo một nữ thần vừa là con gái, vừa là vợ, lại vừa là mẹ của mình. Thần do nữ thần ấy sinh ra rồi lại làm cho nữ thần ấy hoài thai vì mình chính là con trai của nữ thần và là “Bò đực của Mẹ mình” (Kamutef). Ngoài ra, nữ thần đồng hành ấy lại còn là con mắt của thần nữa, nguồn của lửa và ánh sáng, con mắt ấy đã nổi giận bỏ thần và thần đã phải làm lành. Là hình ảnh của tính hai mặt của cái thiêng liêng, nữ thần vừa là Hathor trung hậu, là khát khao và hoan lạc, vừa là Sekhmet hiểm độc, là con sư tử gây ra các tai ách và con rắn hổ mang, có thể tiến công quân thù và những kẻ tội lỗi.

Hai cặp thần linh từ thần tạo thiên lập địa mà ra, tượng trưng cho việc sắp đặt vũ trụ vật chất: không khí, ánh sáng, lửa, đất và trời. Thế hệ tiếp theo, gần với thân phận loài người nên phải đối phó với những bi kịch của con người: vấn đề quyền lực và cái chết. Osiris bị Seth giết, nhờ Isis và Nephthys chạy chữa mà sống được một cuộc đời mới, và được quyền bá chủ đối với cái chết và những người chết. Con trai của thần ra đời sau khi cha chết là Horus chinh phục lại vương quyền trên mặt đất mà chú là Seth đã chiếm đoạt. Nhân vật Seth này, kẻ gây nhiễu loạn, phải đến tôn giáo các thời gần đây mới thành ra một thứ Satan tuyệt đối. Đó là một nhân vật khó hiểu. Tính hung hãn thần thánh của Seth là điều không thể tránh né và làm cho sự sống đi vào cõi vĩnh hằng, và đã giúp Rê cùng với pharaông chống lại người ngoài và con quái vật của hư vô. Vì vậy mà đã sinh ra những thần thoại trái ngược nhau: quyền lực chia đôi giữa Horus bá chủ xứ Đen và Seth bá chủ xứ Đỏ; hay là Seth vua miền Nam và Horus vua miền Bắc, liên minh với nhau khăng khít; hay là Horus đuổi Seth đi và trị vì một mình trên thế giới đã được tổ chức, và thần thoại này là phổ biến nhất.

Những hình tượng và ý niệm chồng chéo lên nhau đó được dùng làm hậu thuẫn cho một nền thần học chính trị, đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và văn hóa Ai Cập đến nỗi các nhà sử học phải gọi rất chính đáng là lịch sử và văn hóa thời các “pharaông”, chữ pharaông do Kinh thánh đạo Cơ đốc truyền lại cho chúng ta, là danh hiệu đặc biệt của vua Ai Cập. Nhà vua ấy thay mặt thần linh và theo giáo lý là kẻ có vai trò duy nhất trong quá trình kinh tế, xã hội và chính trị. Là hiện thân của Horus từ những thời thái cổ, rồi là con trai của Rê từ thời Kim tự tháp vĩ đại, cho nên vua là “thần linh hoàn thiện” giữ vai trò các thần linh mà chính mình là hình tượng, là người thừa kế và là kẻ phụng sự. Vua hợp nhất ở mình cả Horus và Seth. Vua lên ngôi là Horus lên ngôi và đồng thời là một lần xuất hiện mới của mặt trời, là bắt đầu một kỷ nguyên mới. Vua giữ gìn Maat giữa loài người và bảo đảm an ninh bằng cách đẩy lùi các quân man dân và áp đặt trật tự Ai Cập ra ngoài thung lũng sông Nil. Chỉ vua mới được ký thác trí năng chính trị và sức mạnh siêu phàm bảo đảm chiến thắng và chỉ mình vua ban hành pháp lệnh và bổ nhiệm tất cả các chức vụ. Được thụ truyền giáo lý và học nhiều biết rộng, vua duy trì đời sống của thần linh bằng nghệ thuật và lễ nghi.

Cơ sở giáo lý của nền chính thống của vua không phải là tục cha truyền con nối, mà là một sự tiền định trực tiếp, một sự chọn lựa của Thượng đế; đó là điều đã được minh họa bởi thuyết cho rằng vua là do chính thần linh sinh ra (huyền thoại về hôn phối với thần linh). Từ lúc đội các vương miện lên đầu và đính con rắn hổ mang trên trán là Horus mới đã đi vào thế giới thần linh. Thành một nhân vật siêu phàm, vua đi vào vĩnh cửu. Lăng mộ của vua, những lễ nghi khi an táng mua, đều cho thấy rõ sự khác nhau ấy với người thường: các Kim tự tháp của Cựu Đế chế và Tân Đế chế với những đền miếu mênh mông, các lăng tẩm ở Thung lũng các Vua và các “Lâu đài Triệu Năm” của Tân Đế chế. Một trong những thắng lợi về mặt xã hội hiếm hoi trong suốt lịch sử Ai Cập là sự “dân chủ hóa các đặc quyền tang lễ” đặt ra cho những người thường, trong những Thời kỳ trung gian, khi chính quyền trung ương suy yếu. Nhưng mỗi một Đế chế khi khôi phục được nền thống nhất quân chủ lại đặt ra những sự phân biệt mới.

Tất nhiên, Ai Cập cổ đại không hề quan niệm, cũng không hề thực hành chế độ dân chủ. Ai Cập đã nâng lên đến mức cao nhất, đã sáp nhập vào vũ trụ quan của mình, thuyết ủy thác quyền lực siêu nhiên cho một thủ lĩnh. Không thích trừu tượng hóa, người Ai Cập “trước khi có triết học” không có chữ để chỉ “Nhà nước” cũng như “Dân tộc” nhưng lại trao cho bản thân vua mặt trời tất cả những thuộc tính của Nhà nước. Những từ khác nhau để chỉ nhà vua không dùng cho vua chúa nước ngoài được, và khi nói đến Pharaông là người cổ đại bao hàm cả tình cảm dân tộc của mình vào đấy, cho dù những người kể chuyện biết thừa ông thần ấy cũng cùng chung những sự yếu hèn về vật chất và tinh thần với loài người. Các thư lại và tăng nhân nuôi dưỡng lòng trung thành với nền quân chủ và sau cùng mở rộng lòng trung thành đó ra quy mô thế giới để có thể dễ dàng chấp nhận những kẻ thống trị nước ngoài, làm một Đế quốc toàn cầu: các vua Ba Tư Cambysé và Darius, Alaexandre Đại đế, Augustus người La Mã.

Cái xã hội nhất thể ấy mà các bản thánh thi ca tụng sự nhất thống của việc khia thiên lập địa và bí quyết của đấng sáng thế đã vừa triệt để thờ đa thần lại vừa ngoan cố sùng bái ngẫu tượng. Dân tộc Ai Cập đã tính đến tất cả các thần linh mà họ mới được biết qua các truyền thuyết xa xưa của mọi xứ sở. Tên tuổi, sự tích, thuộc tính chủ yếu, biểu tượng thần thánh của mỗi thần linh đều làm cho thần thánh đó độc đáo “có một không hai”. Mỗi “thành hoàng” đều được dân xã mà thần là “chúa tể” sùng mộ, và thần bảo đảm hạnh phúc cho dân. Nhưng “tất cả các nam thần, nữ thần” đều đồng thời được thừa nhận là cha hay mẹ của pharaông và nhà vua phải lo phụng dưỡng tất cả các thần và mong được tất cả các bảo hộ.

Với thời gian, người ta tổ chức lại cho hợp lý số thần quá đông ấy bằng những cuộc đồng nhất hóa và quy định đẳng cấp. Như vậy, mọi thần chính là một tỉnh là một biểu hiện của chính mặt trời: người ta gọi là Amon-Rê, Montu-Rê, Sobek-Rê. Sau cùng, Tất cả các thần trên lý thuyết, đều trở thành những hình dạng hay là con đẻ của một Thượng đế duy nhất xa xôi, trong khi bản thân các thần đều đưa ra một con đồng cho Nhà nước lễ bái và địa phương sùng bái để được đến gần Đấng thần linh ở nơi thần ngự trị và để coi như là thần hiển hiện ra. Vụ đảo chính sáng suốt của vau Akhenaton nổi tiếng bắt dân chỉ thờ các mặt trời ta nhìn thấy (Aton) đã không thành công lâu dài, hơn nữa tôn giáo đa thần đã nhào nặn sâu sắc không những tính duy linh khoan dung của người Ai Cập mà cả những cơ cấu kinh tế và xã hội của nước này.

Chỗ đứng của đàn ông và đàn bà là ở đâu trong vũ trụ mà tất cả cái tập thể dường như đã được quan niệm và quản lý bằng những lời liên lạc giữa một sinh linh độc nhất bằng xương bằng thịt là nhà vua với thần linh thiên hình vạn trạng? Không gian của cá thể ở đây rộng lớn đến kinh ngạc! So với các dân tộc khác ở Cận Đông cổ đại thì Ai Cập thật “hiện đại” đến lạ lùng. Những kẻ phù sinh đều bình đẳng trước đấng sáng tạo và trên nguyên tắc chỉ được thăng tiến nhờ sự tuyển chọn đúng đắn của pharaông. Không có tầng lớp quý tộc trên phương diện quy chế, không có cấp bậc trung gian nào giữa Nhà nước và cá nhân. Con người được xác định bằng tên họ của bố mẹ sinh ra mình và bằng tên họ của bố mẹ sinh ra mình và bằng chức tước của mình trong bộ máy hành chính. Năng lực pháp luật của đàn bà ngang với đàn ông, hơn nữa, gia thất là của đàn ông nhưng hoạt động của người vợ đều hướng về vai trò được đề cao của đàn bà là vai trò “nữ chủ nhân của gia đình”. Niềm mong ước có được hạnh phúc trong gia thất đã biểu lộ rất đẹp trong các hình ảnh trong lăng mộ và trong văn chương. Người ta rất mong có con và trẻ con được chăm sóc tốt, không phải để lưu truyền nòi giống, mà còn vì niềm hạnh phúc mà con cái mang lại và để cho cha mẹ chúng được sống lại qua những nghi thức cúng lễ. Ở làng nào của có ý thức cộng đồng rất mạnh.

Maat quy định phải giúp đỡ những người nghèo khó, và ngay từ thiên niên kỷ thứ III, những sách đạo lý đã nói đến sự từ thiện và làm phúc bằng những lời báo trước các tôn giáo của Abraham. Những sách đạo lý ấy, tuy mang tính gia trường và hình thức, song vẫn khuyên bảo người ta nên có cách cư xử đúng mực, khiêm tốn, đừng hoa chân múa tay, tất cả một kỷ luật được thể hiện điển hình trong các bức tranh và pho tượng thời các pharaông.

Sự trung gian của nhà vua vốn có mặt ở mọi nơi, không hề xóa bỏ những quan hệ trực tiếp giữa cá nhân với chư thần. Tất nhiên người thường dân không làm chức vụ giáo sĩ thì không được vào các đền lớn (những ngôi đền chính như thể những nhà máy để duy trì năng lượng của vũ trụ), nhưng ở ngoài cổng các nơi linh thiêng, trong những tiểu thánh đường của các làng và trong thâm tâm, họ vẫn cầu nguyện các thần linh mà họ chọn và xin những lời sấm truyền để giải quyết những vấn đề sức khỏe và sự nghiệp của họ. Vả lại, những lý thuyết về tên họ, về chữ viết, về hình ảnh, vẫn cho người ta một phương tiện thần thông để cầu được ân huệ của thần linh ngay trong khi còn sống: một pho tượng, một tấm bia, đặt vào một nơi thiêng liêng sẽ biến người ta thành kẻ đồng tịch, đồng sàng với thần và làm cho người ta được thừa hưởng gián tiếp “lễ vật mà Vua cúng cho thần”, lễ vật ấy cho phép thần ban cho người ta sự phát đạt, tuổi thọ và hứa cho người ta mồ yên mả đẹp.

Vì có một địa bàn mà ở đó quan niệm thời các pharaông dành cho con người khả năng khẳng định bản ngã của mình bằng cách sử dụng tất cả các phương thuật của nghệ thuật, của văn tự, và của lễ nghi để bảo đảm được vĩnh viễn thi hài đã ướp của mình, tên tuổi của mình, linh hồn cơ động của mình (bai) và năng lượng cá nhân của mình (ka). Một cuộc đời vĩnh hằng sẽ đến với người ta, cuộc đời thực sự là vương giả vì mỗi người đều sẽ hóa thành Osiris, cuộc đời thực sự là thánh thần vì mỗi người sẽ trở thành bạn đồng hành của mặt trời. Bắt đầu từ Trung Đế chế, đạo đức của con người trở thành điều kiện quyết định cuộc sống con người ấy. Nếu trong các đền chỉ có các pharaông đại diện và nói hộ cho loài người, thì mọi người Ai Cập đều tùy theo tài sức của mình và công trạng của mình mà tự biểu lộ qua lăng mộ của mình.

Những người con của Mặt trời đạt tới đỉnh cao đầu tiên của mình trong Thiên niên kỷ thứ III trước CN. Những minh chứng của thế giới quan thời các pharaông được thể hiện trong những “Thành phố Kim tự tháo” rải rác trong vùng Memphis, nơi tiếp giáp giữa hai xứ. Mỗi triều vua, những người nông dân lại tạo lập trong thung lũng một khu trồng trọt mới, trong khi một thành phố của nhà vua được xây dựng ở ven sa mạc. Thành phố đó phụng sự một ngôi đến, nơi mà Horus đang trị vì và thờ phụng các thần linh. Chỗ linh thiêng của những nơi linh thiêng nhất trong đền chính là Kim tự tháp, hình ảnh của chiếc gò nguyên sơ và đường đi của mặt trời, trong đó sẽ tái sinh Osiris mới. Chung quanh là mộ của các vương công và đại thần, đầy những hình ảnh về công việc làm ăn hàng ngày, rồi đến mộ của các giáo sĩ và những người có đất nơi dựng tháp, tất cả hợp thành một đô thị những người chết bên trên đô thị [những người] còn sống. Là kỷ vật của một công cuộc chinh phục đất đai, chuỗi kim tự tháp phản ảnh cách sắp xếp vũ trụ của người Ai Cập trước khi trở thành bộ sưu tập lăng mộ nổi tiếng và đáng kinh ngạc mà ta ngày nay khâm phục biết bao.




(*)JEAN YOYOTTE, người Pháp, là chuyên gia về lịch sử Ai Cập thời Pharaông hậu kỳ. Ông đã nghiên cứu địa lý lịch sử và địa lý tôn giáo của Ai Cập cổ đại từ những nguồn tài liệu thành văn và những dữ kiện khảo cổ học. Ông đã chỉ đạo đoàn khai quật của Pháp ở Tanis cho đến năm 1985. Ông đã xuất bản nhiều sách, trong đó có cuốn Le trésor des pharaons (1988, Kho báu của các pharaông) và cuốn Dictionnaire des pharaons (1968, Tự điển các pharaông) với sự cộng tác của P. Vernus.

Nguồn: triethoc

Hi vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về con người đất nước Ai Cập. Có thêm kiến thức này giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu triết học phương Đông. Mong bạn học tốt và biết thêm những điều thú vị !
 
Sửa lần cuối:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top