QUAN ĐIỂM CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN VỀ TÔN GIÁO VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TÔN GIÁO TRONG CNXH
Tất cả các nhà triết học trước chủ nghĩa Mác, kể cả những nhà duy vật, đều là những người theo chủ nghĩa duy tâm trong quan niệm về đời sống xã hội, vì họ mới dừng lại ở chỗ xác nhận một sự thật là: khác với tự nhiên - nơi mà những lực lượng vô tri vô giác đang hoạt động, thì trong xã hội, con người lại là một trong những thực thể có ý thức, có khả năng tự kiểm soát các hoạt động của riêng mình. Từ đó mà họ đều cho rằng: xã hội vận hành theo một cách riêng của nó, hoặc theo ý chí của một thế lực siêu tự nhiên có nhân tính ( như Đức Chúa ) hay không có nhân tính ( như Ý niệm tuyệt đối ), hoặc theo ý chí chủ quan của chính loài người.
Xuất phát từ cái nhìn duy tâm đó, tôn giáo - một hình thái ý thức xã hội, đã ra đời và vẫn có cơ sở để phát triển trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, từ cuối thời kỳ công xã nguyên thuỷ cho đến tận bây giờ. Vậy đâu là nguyên nhân cho sức sống dai dẳng của tôn giáo trong xã hội ? Và trong xã hội xã hội chủ nghĩa, liệu có còn tồn tại tôn giáo ? Chủ nghĩa Mác - Lênin có quan điểm như thế nào về việc giải quyết vấn đề này ?
Tìm lời giải đáp cho những câu hỏi này là một vấn đề hết sức phức tạp.
Trong tác phẩm Những nguyên lý của Đảng Cộng sản ( năm 1847 ), trước câu hỏi: " Nó ( tức tổ chức cộng sản trong chủ nghĩa xã hội ) sẽ có thái độ như thế nào đối với các tôn giáo hiện đương tồn tại ?", Ăngghen viết: " Vẫn giữ lại " (1), tức là vẫn giữ nguyên những quan điểm trước đây của Người về vấn đề này trong bản sơ thảo Cương lĩnh của Liên đoàn những người Cộng sản - nhưng tác phẩm này đến nay đã không còn nữa. Chính sự thiếu xót này là một khó khăn trong việc nghiên cứu các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội.
Nhưng cũng chính từ đó mà vấn đề này trở thành một mảng rất được các học giả xã hội chủ nghĩa quan tâm nghiên cứu. Bởi vậy, trong bài viết này tôi xin trình bày đề tài: " Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về giải quyết vấn đề tôn giáo trong Chủ nghĩa xã hội ".
1. Tôn giáo dưới cái nhìn của chủ nghĩa Mác - Lênin:
Tôn giáo là gì ? Và tôn giáo xuất hiện từ đâu ?
Tác phẩm Chống Duyhrinh chính là nơi Ăngghen đã đưa ra những nhận định quan trọng vào loại bậc nhất của những người cộng sản về vấn đề tôn giáo. Trong tác phẩm này, Người đã đưa ra định nghĩa về tôn giáo, là " sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế " (2).
Còn Mác trong tác phẩm Góp phần phê phán Triết học pháp quyền của Hêghen cũng đã khẳng định rằng " con người sáng tạo ra tôn giáo " (3).
Quay lại với lý luận nhận thức của Lênin : " từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng để nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan "(4), ta có thể nhận thấy rằng, tôn giáo là kết quả từ một sự phản ánh của thế giới tự nhiên vào bộ não con người một cách sai lầm hoặc là một sự phản ánh không toàn diện thế giới khách quan, khiến con người hiểu sai hoặc không hiểu hết các hiện tượng trong tự nhiên. Cùng với những hạn chế mang tính chất thời đại bắt nguồn từ một nền khoa học còn rất thô sơ, mang nặng tính cảm tính, những phản ánh không đúng đắn này của nhận thức đã tạo nên những rào cản giữa con người và sự thật khách quan của thế giới tự nhiên, dẫn đến việc con người không thể trả lời được các câu hỏi về tự nhiên bí ẩn, và kết quả cuối cùng là khiến con người phải tìm đến tôn giáo.
Trong suốt giai đoạn đầu của thời kỳ công xã nguyên thuỷ, tôn giáo vẫn chưa tồn tại, mà chỉ đến cuối thời kỳ này, và sang thời kỳ cổ đại thì những tôn giáo đầu tiên mới bắt đầu hình thành. Đó là do chỉ đến thời kỳ này con người mới có đủ những tri thức để xây dựng, hoàn thiện hệ thống kinh sách và tín điều, mà quan trọng nhất là việc xuât hiện chữ viết để ghi chép kinh sách.
Khi xem xét những tôn giáo xuất hiện trong thời kỳ này, ta nhận thấy chúng mang nhiều đặc điểm xuất phát từ những tín ngưỡng rất sơ khai. Tôn giáo của người Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp - La Mã hay Giéc-manh..., đều là những tôn giáo đa thần ( polytheism ) mang màu sắc tín ngưỡng " vạn vật hữu linh " ; các thần thánh đều đại diện cho những lực lượng thiên nhiên, và " những lực lượng thiên nhiên ấy đã được nhân cách hoá một cách hết sức nhiều vẻ và hết sức hỗn tạp" (5). Là đại diện cho những lực lượng tự nhiên chi phối đời sống con người, thần thánh của các tôn giáo chi phối đời sống con người. Và bắt nguồn từ đó, những lực lượng chỉ mang tính tự nhiên đã dần mang tính xã hội. Và bắt nguồn từ đó, tôn giáo mang tính giai cấp.
Tính xã hội của tôn giáo:
Trong Góp phần phê phán Triết học pháp quyền của Hêghen , Mác viết: " Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân " (6). Nhận định này đã toát lên đầy đủ tính xã hội của tôn giáo. Nó là sự đền bù lại cho sự nghèo nàn của hiện thực xã hội - với những nghèo nàn của tri thức để lý giải thế giới, tôn giáo lấp đầy vào đó bằng những huyền thoại: thế giới được tạo thành ra sao ? mây, gió, sấm, chớp sự thực là thế nào ?... và với những sự nghèo nàn trong đời sống do sự thấp kém của trình độ khoa học kỹ thuật cùng sự bất công, bạo ngược của xã hội đương thời, tôn giáo như một liều thuốc an thần xoa dịu những vết đau của con người. Lời khẳng định " Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân " quả thực là hoàn toàn chính xác.
Tính giai cấp của tôn giáo:
[FONT="]
Những lực lượng thuộc tầng lớp trên của xã hội, có địa vị, có tiền của và có tri thức hơn, đã biết lợi dụng tôn giáo để bảo vệ và củng cố quyền lợi của mình, đồng thời cũng không ngừng tác động làm tôn giáo ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn. Một thực tế lịch sử là: kinh sách và những tín điều tôn giáo chỉ có thể được hoàn thiện và lưu truyền dưới dạng văn bản bởi những cá nhân thuộc tầng lớp trên trong xã hội. Do đó, cả bằng nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan mà tư tưởng của tầng lớp này dần trở thành nền tảng chủ yếu cho các tôn giáo. Một sự kiện quan trọng có thể lấy làm minh chứng cho sự tác động của tầng lớp quý tộc tới tôn giáo, đó chính là sự kiện " Công đồng Nicaea " : hoàng đế La mã là Constantine đã triệu tập hội nghị tất cả các giám mục Kitô giáo tại Nicaea ( Thổ Nhĩ Kỳ ) năm 325 để biên soạn bộ Kinh Thánh Tân Ước như chúng ta thấy ngày nay, mà mục đích chính là để thống nhất các chi nhánh của Kitô giáo, đưa tôn giáo này trở thành công cụ để mê hoặc nhân dân, củng cố quyền lực của bản thân hoàng đế (7).
Để tổng kết về quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề tôn giáo, em xin trích theo Từ điển Triết học như sau: " Tôn giáo là sự phản ánh hư ảo trong đầu óc con người những lực lượng bên ngoài thống trị họ trong cuộc sống hàng ngày, sự phản ánh trong đó các lực lượng trần thế mang hình thức các lực lượng siêu phàm. Chủ nghĩa Mác coi tôn giáo là một hiện tượng xã hội chế định và vì vậy là một hiện tượng nhất thời trong lịch sử. Trong suốt một thời kỳ lịch sử lâu dài của loài người, người ta không hề biết đến một tôn giáo nào cả. Tôn giáo xuất hiện trong một giai đoạn nhất định của chế độ công xã nguyên thuỷ với tư cách là sự phản ánh tình trạng bất lực của con người trước các lực lượng khủng khiếp và bí ẩn của tự nhiên " (8).
2. Nguyên nhân tồn tại tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội
Như đã nói ở trên, tôn giáo là một hiện tượng chỉ tồn tại trong một giai đoạn nhất định của lịch sử xã hội, từ đầu thời công xã nguyên thuỷ trở về trước là chưa có, và đến thời kỳ cộng sản chủ nghĩa cũng sẽ không tồn tại tôn giáo. Nhưng trong lòng xã hội xã hội chủ nghĩa vẫn sẽ tồn tại tôn giáo. Tại sao vậy ?
Xuất phát từ bản chất mang cả hai phương diện xã hội và giai cấp như đã trình bày ở trên, tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng như trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa xã hội vẫn sẽ tồn tại, bởi nó vẫn chưa mất hết những giá trị tích cực cũng như vẫn còn có những nền tảng để tiếp tục tồn tại.
Những nguyên nhân khách quan:
Tôn giáo trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại vì nền tảng của nó là những câu hỏi về thế giới vẫn chưa thể có được đầy đủ tất cả các câu trả lời xác đáng. Khoa học hiện nay đang tiến nhanh như vũ bão, nhưng khoa học càng phát triển thì nhân loại càng nhận ra rằng những kiến thức của mình về thế giới là quá nhỏ, và còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết và tìm hiểu. Do đó, những bí ẩn của thế giới không thể được giái quyết một cách nhanh chóng trong một thời gian ngắn; tức là những cơ sở về nhận thức và tâm lý của tôn giáo vẫn còn có thể tồn tại trong lòng xã hội xã hội chủ nghĩa.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng như giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vẫn chưa thể phủ định hoàn toàn nền kinh tế thị trường nhiều thành phần; nên trong xã hội vẫn tồn tại những giai cấp, tầng lớp khác nhau, vẫn tồn tại sự phân biệt về địa vị và quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... Do đó áp bức, bất công, sự ngẫu nghiên, may rủi... vẫn tồn tại, và vẫn kéo theo niềm tin vào một đấng siêu nhiên nào đó đang định đoạt số phận con người.
Những nguyên nhân mang tính chủ quan:
Tôn giáo đã tồn tại trong xã hội suốt hàng ngàn năm, và đã ăn sâu bám chặt vào nếp sống, nếp nghĩ của con người. Bởi vậy không dễ dàng gì có thể ngay trong một thời gian ngắn mà loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội.
Các nguyên tắc của tôn giáo có thể vẫn có những giá trị nhất định trong xã hội chủ nghĩa, như nguyên tắc yêu thương, nhân đạo, nhân ái của đạo Phật hay đạo Kitô. Và trên cơ sở đó, " nhà nước xã hội chủ nghĩa làm cho người có đạo hiểu rằng, niềm tin tôn giáo chân chính không đối lập với chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa, và chủ nghĩa xã hội đang hiện thực hoá lý tưởng của chủ nghĩa nhân đạo trong cuộc sống của mỗi người dân " (9).
Một nguyên nhân nữa là tôn giáo có khả năng tự biến đổi mình cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Như Kitô giáo ban đầu là vũ khí đấu tranh của tầng lớp nô lệ và dân nghèo chống lại quý tộc Roma, thì ngày nay Kitô giáo cũng hoàn toàn có thể trở lại vị trí là một hoạt động văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân, phục vụ lợi ích của quần chúng nhân dân, " theo xu hướng " đồng hành với dân tộc " sống " tốt đời, đẹp đạo ", " sống phúc âm giữa lòng dân tộc " ... " (10).
Bên cạnh những đặc điểm tiêu cực như kìm hãm sự tiến bộ của nhân loại, là nguồn gốc, là nền tảng của những nhận thức sai lầm... chúng ta cũng không thể phủ nhận hoàn toàn những giá trị văn hoá tinh thần tích cực của các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo. Các lễ hội dân gian đã trở thành một nét truyền thống của cộng đồng lãng xã Việt Nam, là bản sắc văn hoá của dân tộc. Các tôn giáo có ý nghĩa cao về giáo dục đạo đức, lối sống, như " Mười điều răn " của đạo Kitô hay " Bát chính đạo " của đạo Phật... Bởi vậy việc lưu giữ và bảo tồn các khía cạnh văn hoá và tích cực của tôn giáo là một yêu cầu, và là một yêu cầu chính đáng.
Nói tóm lại, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng như giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, tôn giáo vẫn sẽ tồn tại, bởi cả những nguyên nhân khách quan lẫn những nguyên nhân chủ quan. Sự tồn tại này không có gì là vô lý bởi tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng, tuy phải chịu sự chi phối và quyết định của cơ sở hạ tầng, nhưng bản thân nó vẫn có sự độc lập tương đối; do đó, dù đứng trước những biến đổi to lớn của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội... trong bước nhảy vọt từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, tôn giáo vẫn không bị triệt tiêu ngay lập tức, mà chỉ " dần mất đi ảnh hưởng của nó đối với ý thức xã hội ", và " chỉ trong xã hội cộng sản chủ nghĩa phát triển thì tôn giáo mới có thể hoàn toàn biến mất và hoàn toàn bị xoá bỏ khỏi đời sống con người " (11).
3. Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về giải quyết vấn đề tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội
Tôn giáo là một hệ tư tưởng mang tính chất duy tâm, do đó về bản chất nó có thế giới quan, nhân sinh quan trái ngược hoàn toàn so với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin - quan điểm duy vật biện chứng khoa học. Bởi vậy, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội không thể nào không xoá bỏ tôn giáo, như là xoá bỏ một thành luỹ của sự trì trệ, bảo thủ, lỗi thời, lạc hậu, của nguồn gốc cho những sai lầm trong nhận thức và tư duy của con người. Nhưng công cuộc xoá bỏ tôn giáo ấy phải diễn ra như thế nào ?
Trong Chống Đuy-rinh, Ăngghen đã cực lực phê phán thái độ bài tôn giáo cực đoan của Đuy-rinh: " Trong xã hội tự do, không thể có sự thờ cúng; bởi vì mỗi thành viên của xã hội đều khắc phục được cái quan niệm ấu trĩ nguyên thuỷ cho rằng ở đằng sau thiên nhiên hay bên trên thiên nhiên, có những đấng mà người ta có thể dùng những vật hy sinh hay những lời cầu nguyện để tác động đến". "Vì thế, hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa, được hiểu một cách đúng đắn, phải ... phế bỏ mọi trang bị của sự mê hoặc tinh thần, và do đó, phế bỏ tất cả những yếu tố cơ bản của sự thờ cúng" (12).
Người cho rằng tôn giáo chỉ thực sự mất đi khi xã hội đã được cải tạo hoàn toàn: việc nắm giữ cũng như việc sử dụng các tư liệu sản xuất đã được lên kế hoạch, giúp xã hội tự giải phóng mình và giải phóng mọi thành viên trong xã hội khỏi tình trạng nô dịch và áp bức bất công; khi không còn mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên nữa, mà cả mưu sự và thành sự đều từ con người mà ra cả... khi đó tôn giáo - sự phản ánh thế giới tự nhiên một cách sai lạc trong bộ não con người, sẽ tự mất đi, bởi nó sẽ chẳng còn gì để phản ánh nữa.
Người đã nhận định rất đúng về hậu quả của chính sách đàn áp tôn giáo theo chủ trương của Đuy-rinh: " giúp cho tôn giáo đạt tới chỗ thực hiện tinh thần tử vì đạo và kéo dài thêm sự tồn tại của nó " (13).
Bởi vậy, giải quyết vấn đề tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội, cần phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản sau:
- Một là, những mặt tiêu cực của tôn giáo phải bị khắc phục và đẩy lùi, dần đến chỗ xoá bỏ hoàn toàn chúng. Đây là một nguyên tắc nhưng cũng là yêu cầu quan trọng nhất cần phải quán triệt trong công tác giải quyết vấn đề tôn giáo của những người cộng sản. Chỉ có thế tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin - tư tưởng khoa học chân chính, chủ đạo trong chủ nghĩa xã hội mới có thể đi sâu vào quần chúng nhân dân, mới tạo được nền tảng cơ sở vững chắc cho công cuộc xây dựng xã hội mới.
- Hai là, phải tuyệt đối không được sử dụng các biện pháp bạo lực để xoá bỏ tôn giáo. Vi phạm nguyên tắc này là cố tình đẩy xã hội tới chỗ phân chia, đẩy những người theo đạo vào chỗ buộc phải chống lại chính quyền nhân dân. Vi phạm nguyên tắc này cũng là đi ngược lại nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, vi phạm nghiêm trọng tới quyền thiết yếu nhất của con người: quyền được tự do; và trong đó có quyền được tự do theo hay không theo một tôn giáo. Chính quyền nhân dân nào vi phạm nguyên tắc này thì không còn là chính quyền của nhân dân nữa, tổ chức đảng nào vi phạm nguyên tắc này thì không còn là đảng cộng sản nữa. Bên cạnh đó, cần phải không ngừng phát huy những giá trị tốt đẹp, tích cực của tín ngưỡng tôn giáo trong xã hội xã hội chủ nghĩa; cần phải nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân.
- Ba là, cần không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó có cả mối liên hệ giữa người theo đạo và những người không theo đạo. Đó là yêu cầu hàng đầu để xây dựng đất nước và xã hội, nhưng cũng là một cách thức quan trọng để những người theo đạo hoà nhập vào với cuộc sống tích cực
của xã hội, để họ dần nhận ra rằng cuộc sống hiện tại là quan trọng nhất, để giúp họ chủ động tham gia vào các hoạt động xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; chứ không phải luôn trong trạng thái thụ động, tiêu cực vì chỉ quan tâm tới việc sống sao bây giờ cho mai sau đến được với " nước Thiên Đường " hay " cõi Niết bàn ".
- Bốn là, không ngừng thực hiện công tác giáo dục tuyên truyền, giúp quần chúng nhân dân hiểu nắm được những lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó mà nhận ra được rằng những tư tưởng duy tâm là hoàn toàn không có căn cứ. Việc giáo dục chủ nghĩa vô thần khoa học cũng như thế giới quan duy vật không chỉ đẩy lui những sai lầm trong nhận thức của tư duy tôn giáo, mà chủ yếu là góp phần nâng cao trình độ kiến thức cho toàn dân.
- Năm là, phải kết hợp nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân theo đạo với nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống những thế lực phản động lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, để tuyên truyền chống phá cách mạng. Cuộc đấu tranh này vừa phải khẩn trương, kiên quyết vừa phải thận trọng và có sách lược đúng, nếu không sẽ dễ dàng bị nhìn nhận là chính sách đàn áp tôn giáo.
- Sáu là, phải giải quyết vấn đề tôn giáo trên lập trường quan điểm lịch sử, tức là phải nhìn nhận vai trò, tác động của tôn giáo tới đời sống xã hội trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau là có thể rất khác nhau. Bởi vậy mối quan hệ với tôn giáo cũng cần phải rất linh hoạt và mềm dẻo: có những thời điểm phải biết sử dụng tôn giáo như một thứ vũ khí lợi hại để chống lại những kẻ thù chung của cả dân tộc, như cuộc đấu tranh của Phật tử chống lại chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền Nguỵ quyền Sài Gòn; nhưng trong thời điểm khác phải đẩy mạnh công cuộc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa vô thần khoa học, đưa tôn giáo tới " cái chết tự nhiên của nó " (14).
Nói tóm lại, " với thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, tôn giáo dần dần mất đi ảnh hưởng của nó đối với ý thức xã hội. Góp phần vào đó là việc truyền bá thế giới quan cộng sản khoa học trong đông đảo quần chúng nhân dân. Chỉ trong xã hội cộng sản chủ nghĩa phát triển thì tôn giáo mới có thể hoàn toàn biến mất và bị xoá bỏ khỏi đời sống con người. Nhưng việc tôn giáo mất đi không phải là một quá trình tự động; nó đòi hỏi phải kiên trì hoạt động giáo dục quần chúng, tuyên truyền rộng rãi những hiểu biết khoa học tự nhiên, xã hội và thế giới quan mác-xít " (15); bên cạnh đó phải vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin một cách phù hợp với thực tiễn cách mạng ở Việt Nam. Đó là con đường đúng đắn nhất và cũng là duy nhất để giải quyết vấn đề tôn giáo trong xã hội chủ nghĩa.
KẾT LUẬN
Tôn giáo là hệ thống các tư tưởng, quan điểm giải thích về thế giới mang màu sắc huyền bí, thần thoại. Xét trên phương diện khoa học và nhận thức, nó kìm hãm sự phát triển của nhân loại, kìm hãm sự phát triển của tư duy con người trong những bức tường chật hẹp của những sách kinh, giáo điều. Nhưng cũng không thể không nhắc đến ý nghĩa của tôn giáo như là một phương thuốc giảm đau cho những con người đang bất lực trước tự nhiên kinh khủng và bí ẩn, đang rên siết trong gông cùm của nô dịch và đàn áp, bất công. Bởi vậy, khi nghiên cứu về tôn giáo phải nắm vững quan điểm toàn diện của chủ nghĩa Mác - Lênin, không thể chỉ xem xét nó một cách phiến diện trong những mặt tiêu cực và hạn chế.
Tôn giáo là một vấn đề hết sức nhạy cảm trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì sẽ không thể tạo dựng được nền tảng tư tưởng cho xã hội mới. Nhưng nếu giải quyết một cách vội vã bằng phương cách cưỡng bức, bạo lực thì chắc chắn sẽ gây ra những bất ổn cho xã hội, và càng kéo dài hơn sự tồn tại của tôn giáo trong lòng nhân dân.
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ rằng: không thể sử dụng bạo lực để đàn áp tôn giáo, mà chỉ có thể sử dụng phương cách giáo dục, tuyên truyền, thuyết phục để toàn thể nhân dân, cả những người theo đạo lẫn những người không theo đạo, có thể nắm bắt được những nguyên lý của chủ nghĩa vô thần khoa học và thế giới quan duy vật, từ đó tự nhận ra những bất cập, những vô lý của thế giới quan huyễn hoặc tôn giáo, và chủ động từ bỏ tôn giáo. Đó là con đường đúng đắn duy nhất để tiến tới xoá bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội, tiến tới xây dựng một nền tảng tư tưởng tiến bộ, khoa học cho xây dựng chủ nghĩa xã hội.
(Sưu tầm)
[/FONT]