Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Ngay từ khi mới ra đời, Nhà nước Xô viết non trẻ đã tuyên bố với thế giới một chính sách đối ngoại hoà bình trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ giữa các quốc gia.Ngay trong đêm 26 - 10 - 1917, vào lúc 23 giờ, tại phiên họp thứ hai Đại hội II các Xô viết toàn Nga, Sắc lệnh hoà bình đã được thông qua. Với Sắc lệnh này, Nhà nước Xô viết tuyên bố “Chiến tranh đế quốc là tội ác lớn nhất chống lại loài người” và “đề nghị nhân dân tất cả các nước tham chiến và các chính phủ của họ tiến hành ngay những cuộc đàm phán về một hoà ước dân chủ và công bằng mà tuyệt đại đa số quần chúng công nhân, các giai cấp cần lao bị chiến tranh làm cho kiệt quệ, khốn đốn và vô cùng đau khổ trong các nước tham chiến, đang khao khát”.Đồng thời, trong công hàm gửi tới Đại sứ của các nước Đồng minh ở Nga ngày 8 - 11 - 1917, Chính phủ Xô viết “một lần nữa khẳng định về đề nghị ngừng bắn và ký kết một hoà ước dân chủ, không có thôn tính và bồi thường trên cơ sở quyền tự quyết của các dân tộc”. Tuy nhiên, các Chính phủ Anh, Pháp, Mĩ đã bác bỏ đề nghị hoà bình và quyết định không quan hệ với chính quyền Xô viết. Mong muốn tiến hành các cuộc thương lượng chung và kí một hoà ước chung không được thực hiện, ngày 20 - 11 - 1917 phái đoàn hoà bình của Chính phủ Xô viết đã kí kết Hiệp định đình chiến với đoàn đại biểu khối Áo - Đức với thoả thuận ngừng bắn trong 10 ngày. Ngay sau đó Bộ dân uỷ ngoại giao Xô viết đã gửi lời kêu gọi tới các nước Đồng minh và Mĩ nêu rõ, “cuộc ngừng bắn tạo cơ hội cuối cùng cho các nước đồng minh tham gia các cuộc đàm phán tiếp tục và do đó tránh được mọi hậu quả của một hoà ước riêng rẽ giữa nước Nga với các nước đối địch”(1). Nhưng lời kêu gọi đó không được đáp ứng.Trong bối cảnh đó, Lênin chủ trương phải kí ngay hoà ước, nhưng Trôtxki - trưởng phái đoàn đàm phán của Nga tại Brét-Liốp Brest - Litovsk) đã không tán thành chủ trương của Lênin. Cuộc đàm phán tan vỡ và quân Đức lại bắt đầu các cuộc tấn công quân sự, đặt nước Nga Xô viết vào một tình thế cực kì khó khăn.
Bản đồ nước Nga sau hòa ước Brest-Litovsk (phần màu hồng là phần mất đi sau hòa ước)
Sau những diễn biến căng thẳng và phức tạp của tình hình chiến sự, ngày 3 - 3 - 1918 Hoà ước Brét - Litốp đã được kí kết với những điều kiện hết sức nặng nề đối với nước Nga. Theo đó, nước Nga phải cắt đi một bộ phận lãnh thổ rộng lớn (diện tích 750.000 km2 với hơn 50 triệu dân, bao gồm Ba Lan, Látvia, Lítva, Extônia, Bêlarut, Ucraina, Phần Lan) và phải trả khoản tiền bồi thường 6 tỉ mác cho Đức. Lênin gọi đây là “một hoà ước bất hạnh”, nhưng nhờ đó mà nước Nga đã rút ra khỏi cuộc chiến tranh đế quốc để đương đầu với những thử thách ác liệt nhằm bảo vệ chính quyền Xô viết non trẻ. Sau này do kết quả của cuộc Cách mạng tháng 11 - 1918 và sự sụp đổ của chính quyền quân chủ ở Đức, nước Nga Xô viết đã tuyên bố xoá bỏ Hoà ước Bret - Litốp, đúng như những dự đoán của Lênin.
2 trang đầu tiên của hòa ước Brest-Litovsk
Cũng trong thời gian này, các nước đế quốc đã tập hợp lực lượng, phối hợp hành động với mưu đồ bóp chết nước Nga Xô viết. Cuối tháng 11 - 1917 đại diện của các nước đế quốc, trong đó bốn nước Mĩ, Anh, Pháp, Nhật giữ vai trò chủ yếu, đã họp tại Pari để bàn bạc về biện pháp thực hiện mưu đồ đó.
Một tháng sau, ngày 22 - 12 - 1917 cũng lại diễn ra một hội nghị kiểu như vậy tại Pari. Đại diện các nước tư bản đã thông qua nghị quyết không công nhận nước Nga Xô viết, thoả thuận về việc ủng hộ cho các lực lượng phản cách mạng ở Nga và phân chia nước Nga thành các khu vực ảnh hưởng của mình. Theo đó, Anh sẽ nắm quyền kiểm soát vùng Cápcadơ, Acmênia, Grudia và vùng sông Đông; Pháp chiếm Betxarabia, Crưm và Ucraina; Mĩ và Nhật nắm khu vực Xibia và Viễn Đông...
Tháng 12 - 1917, quân đội Rumani (được Pháp hỗ trợ) đã chiếm Betxarabia. Đầu năm 1918, quân đội Anh, Pháp, Mĩ đổ bộ lên hải cảng Muốcmăngxcơ ; quân đội Nhật, sau đó là Mĩ chiếm Vơlađivôxtốc ; quân Anh kéo đến Tuốcmênixtan và Ngoại Cápcadơ... Bộ chỉ huy tối cao các nước Hiệp ước còn sử dụng 60 ngàn binh lính của Quân đoàn Tiệp Khắc để chống phá nước Nga Xô viết. Tháng 5 - 1918, Quân đoàn Tiệp Khắc cùng với các thế lực phản cách mạng nổi loạn, chiếm được toàn bộ vùng Xibia rộng lớn và nhiều thành phố dọc sông Vônga như Xamara, Xim biếc, Cadan... Tình hình lại càng khó khăn hơn do việc quân Đức chiếm đóng vùng lãnh thổ rộng lớn chiếm tới hơn 90% sản lượng than, 70% sản lượng sắt và 1/3 chiều dài đường sắt của cả nước (theo các điều khoản của Hoà ước Brét - Litốp). Với việc cung cấp vũ khí cho các đội quân Bạch vệ, quân Đức đã cùng các nước đế quốc tham gia chống phá nước Nga. Từ năm 1919, sau khi chiến tranh thế giới kết thúc, các nước đế quốc tăng cường can thiệp và giúp đỡ các lực lượng phản cách mạng ở Nga. Tính đến tháng 2 - 1919 quân đội can thiệp có mặt ở Nga đã lên đến con số 300.000 (trong đó ở miền Nam: 130.000, Viễn Đông: 150.000, miền Bắc: 20.000). Trải qua ba năm chiến đấu cực kì gian khổ và khốc liệt, quân đội và nhân dân Xô viết đã lần lượt đánh bại các lực lượng thù trong, giặc ngoài, giữ vững nền độc lập, tự chủ của đất nước.
Cũng trong thời gian này, trung thành với những nguyên tắc của Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc ở Nga (công bố ngày 2 - 11 - 1917), Nhà nước Xô viết đã công nhận quyền tách ra của Ucraina, công nhận độc lập của Phần Lan, Ba Lan ; xoá bỏ mọi hiệp ước bất bình đẳng của Chính phủ Nga hoàng trước đây đối với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kì, Ba Tư (Iran) và nhiều nước khác. Trong quan hệ quốc tế, Chính phủ Xô viết đã phản đối gay gắt tính chất nô dịch của các hoà ước, nhất là Hoà ước Vécxai. Lênin cho rằng: “Đấy không phải là hoà ước, đấy là những điều kiện mà bọn ăn cướp tay cầm dao, buộc nạn nhân không có gì tự vệ phải chấp nhận”. Trong lúc các cường quốc phương Tây thi hành chính sách thù địch, bác bỏ sự tham dự của nước Nga Xô viết tại hai Hội nghị Vécxai và Oasinhtơn, ngày 28 - 11 - 1921, Chính phủ Xô viết đã gửi công hàm tới các chính phủ Anh, Pháp, Mĩ, ý, Nhật nêu rõ những nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình của nước Nga với phần còn lại của thế giới.
Năm 1922 lần đầu tiên được mời chính thức tham dự Hội nghị quốc tế Giênôvơ, đoàn đại biểu Xô viết đã đưa ra đề nghị về việc thiết lập các quan hệ ngoại giao và kinh tế, thực hiện chung sống hoà bình và tiến hành giải trừ quân bị. Nước Nga sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, hợp tác cùng có lợi và cùng tồn tại hoà bình. Hội nghị Giênôvơ thất bại, tuy vậy việc Nga và Đức ký kết Hiệp ước Rapalô đã giáng một đòn chí mạng vào âm mưu bao vây, cô lập nước Nga của các cường quốc phương Tây, đồng thời đánh dấu một thắng lợi ngoại giao cực kỳ quan trọng của Nhà nước Xô viết. Đức trở thành nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Nga. Những năm tiếp theo, nước Nga Xô viết (từ tháng 12 - 1922 là Liên Xô) đã từng bước phá vỡ chính sách cô lập của các nước phương Tây và khẳng định vị trí quốc tế của mình. Sau Đức, Anh là nước tư bản thứ hai ở châu Âu thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Liên Xô ngày 2 - 2 - 1924. Sau Anh 5 ngày, Italia tuyên bố công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Liên Xô (7 - 2 - 1924). Tháng 10 - 1924, sau khi vượt qua không ít những bất đồng trong nội bộ, chính phủ Pháp cuối cùng cũng chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Cũng trong năm 1924, nhiều nước khác cũng công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô: NaUy (13 - 2), áo (25 - 2), Hi Lạp (8 - 3), Đan Mạch (18 - 6), Anbani (6 - 7), Hunggari (5-9)... ở châu Á , ngày 31-5-1924, đại diện chính phủ Liên Xô và chính phủ Bắc Kinh đã chính thức kí kết Hiệp ước Xô - Trung, theo đó Trung Quốc công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Đồng thời Liên Xô cũng tuyên bố từ bỏ tất cả những đặc quyền mà chính phủ Nga hoàng trước đây đã buộc Trung Quốc phải kí kết. Sau Trung Quốc, ngày 25 - 1 - 1925, Nhật Bản - một cường quốc ở châu Á - đã chính thức bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Như vậy, trải qua hơn 7 năm tồn tại và khẳng định vị thế của mình, Liên Xô đã được hơn 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có các cường quốc Anh, Pháp, Italia, Nhật chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao. Mặc dù mối quan hệ này còn phải trải qua nhiều bước thăng trầm đầy khó khăn, căng thẳng nhưng thực tế đã khẳng định vai trò, uy tín ngày càng cao của Liên Xô và những thắng lợi to lớn của nền ngoại giao Xô viết non trẻ.
Sửa lần cuối: