Qúa trình truyền bá Phật giáo vào Nhật Bản

phamgieng

New member
Xu
0
Bài thuyết trình Nhóm 2 - K33sử ĐHSPHN2
QUÁ TRÌNH TRUYỀN BÁ
PHẬT GIÁO VÀO NHẬT BẢN
******&******


1. Vài nét về đất nước và con người Nhật
Các đặc điểm, tính cách của mỗi dân tộc, mỗi nền văn hoá bị chi phối bởi những điều kiện lịch sử, địa lý, dân cư. Do vậy tìm hiểu về các điều kiện này trước khi tìm hiểu về Phật giáo Nhật Bản là một việc làm cần thiết.
clip_image002.jpg

Bản đồ Nhật Bản và quan hệ với lục địa
Về điều kiện tự nhiên: Nhật Bản là một quần đảo nằm ở phía đông và tương đối tách biệt với lục địa Châu Á, có tổng diện tích gần 377815 km2 (chiếm 0,3% tổng diện tích thế giới), trải dài từ vĩ độ 20025’B đến 45035’B.
Đất nước Nhật Bản được tạo thành bởi hơn 4000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 4 đảo chính là: Hokaido, Honshu, Shikoku và Kyushu. (Riêng đảo Honshu chiếm tới khoảng 60% tổng diện tích của cả quần đảo).
Địa hình Nhật Bản chạy dài theo hình cánh cung (hướng Đông Bắc, Tây Nam) dài hơn 380km, có nhiều núi, núi đồi chiếm 71% tổng diện tích đất nước. Bình nguyên ở đây rất ít và nằm rải rác ở các khu vực ven biển. Có 3 đồng bằng lớn là Kanto (phía Bắc vịnh Tokyo), đồng bằng Kansai (gần vịnh Oshaka) và đồng bằng gần vịnh Ise. Dân cư phần lớn tập trung ở khu vực đồng bằng.
Về điều kiện dân cư, cho tới nay,phần đông các học giả đồng ý với giả thiết rằng tổ tiên người Nhật đến từ nhiều nơi nhưng chủ yếu là nhóm đến từ miền Bắc của đại lục Châu Á, Đông Nam Á và miền Nam Trung Hoa, thuộc giống Mongoloid.
Những điều kiện trên đã dẫn đến một đặc điểm khái quát là: Nhật Bản đủ xa Châu Á để thoát khỏi những ảnh hưởng của lục địa, nhưng lại đủ gần để có thể tiếp thu những thành quả của các nền văn minh đó. Hơn nữa, với một cộng đồng dân tộc tương đối thuần nhất, Nhật Bản có khả năng tiếp nhận ảnh hưởng của văn hoá nước ngoài để phát triển cho mình một nền văn hoá riêng.
2.Con đường truyền bá Phật Giáo vào Nhật Bản
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn do Sidhartha Gautama (Thích Ca Mô Ni) sáng lập ở Ấn Độ vào Thế kỷ thứ VI TCN . Do được truyền bá trong một thời gian dài ra nhiều nơi, nhiều chủng tộc nên lịch sử phát triển của đạo Phật khá đa dạng về các bộ phái cũng như các nghi thức hay phương pháp tu học. Ngay từ buổi đầu, Thích Ca, người sáng lập đạo Phật, đã tổ chức được một giáo hội với các giới luật chặt chẽ. Nhờ vào sự uyển chuyển của giáo pháp, đạo Phật có thể thích nghi với nhiều hoàn cảnh xã hội, nhiều dân tộc, quốc gia với ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau. Nhật Bản là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo Phật.
Thế kỷ I TCN, Trung Quốc bắt đầu du nhập Đạo Phật . Lúc này, Phật giáo phải đối chọi với luồng tư tưởng Nho Giáo vốn đã cắm sâu vào gốc rễ xã hội Trung Quốc hơn 500 năm. Tuy nhiên với sự linh hoạt về giáo lý, Đạo Phật đã nhanh chóng được người dân bản địa tiếp thu và phát triển. .
Thế kỷ II sau công nguyên, con đường tơ lụa bắt đầu hình thành, đi qua các nền văn minh lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp và đến tận Châu Âu. Song song với quá trình giao lưu thương mại, các trường phái tư tưởng bắt đầu được truyền bá từ Ấn Độ và lan rộng đến nhiều quốc gia, làm nảy sinh nhiều trường phái đạo Phật khác nhau, các trường phái này đều có đặc điểm riêng, không chịu nhiều ảnh hưởng từ Phật Giáo nguyên thuỷ của Ấn Độ.
clip_image004.jpg

Con đường tơ lụa trên đất liền và trên biển

Từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ VI, Phật giáo đã phát triển nhanh chóng, các kinh Phật được dịch ra ngôn ngữ Hán, xuất hiện nhiều nhà sư đi Ấn Độ để thỉnh kinh như Huyền Trang Tam Tạng, Trí Khải ,Huệ Năng. Trường phái Thiền Tông phất lên mạnh mẽ dưới thời nhà Đường (618 – 907).
Từ đây, Phật giáo Trung Quốc với hai dòng chính là Đại thừa và Mật Tông ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều quốc gia xung quanh như Triền Tiên, Việt Nam, và đặc biệt là Nhật Bản.

3. Các giai đoạn phát triển của Phật giáo Nhật Bản
3.1 Thời kỳ Yamatô (cuối TK IV – 710)
Theo biên niên sử của Nhật Bản, Phật giáo chính thức được truyền đến Nhật từ Triều Tiên vào năm 552 Tây lịch ( có tài liệu ghi năm 538 ). Lúc bấy giờ vua nước Bách Tề ( Triều Tiên ) đã gửi một phái đoàn truyền giáo đến Nhật Bản, phái đoàn đã dâng lên cho đức vua một tượng Phật bằng vàng, một vài quyển kinh, cờ lông, chuông, mõ. Đức vua Nhật Bản đã tiếp đón một cách nồng hậu. Điều này đã khởi đầu cho một cuộc tranh chấp quyết liệt về việc có tiếp nhận tôn giáo mới hay là không. Thị tộc Soga ủng hộ Phật giáo trong khi đó, dòng họ Monônobe thì phản đối và muốn duy trì Thần đạo.
Cuối cùng , Thị tộc Soga chiến thắng, Phật giáo được xác lập ở Nhật Bản. Nhưng điều này không có nghĩa là thần đạo bị tiêu diệt. Thần đạo vẫn tồn tại bên cạnh Phật giáo, cả hai hệ tư tưởng bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Điều đó tạo ra sắc thái riêng của Nhật Bản.
Cuộc nội chiến ở Nhật kết thúc, họ Soga từ đó lộng quyền, lấn át cả Thiên Hoàng, lấy tước vị ngang hàng với Hoàng gia, xây dựng lâu đài to lớn nguy nga như cung điện của Thiên Hoàng.Trước tình hình đó, thái tử Shotoku đã thi hành nhiều biện pháp để củng cố chế độ trung ương tập quyền thông qua việc ông hết sức đề xướng Phật giáo và tiếp thu tư tưởng Nho gia của Trung Quốc. Về đối ngoại, Thái tử Shotoku nhiều lần cử sứ giả sang nhà Tuỳ của Trung Quốc để khôi phục lại quan hệ hai nước vốn đã gián đoạn từ thế kỷ thứ V. Trong quốc thư của thái tử Shotoku gửi lên Hoàng đế Trung Quốc Tuỳ Dưỡng Đế vào năm 607 có câu:
Thái tử nước mặt trời mọc trình thư lên hoàng đế nước mặt trời lặn. Được biết Phật pháp tại quý quốc đang hồi hưng thịnh, tệ quốc gửi sứ sang triều bái và đưa theo mấy chục sa môn để học thêm các giáo lý cao thâm của phật pháp
Ngay cả trong “thập thất điều hiến pháp” của Shotoku cũng thấm đẫm tinh thần Phật giáo, tác phẩm kinh điển Sankyô gihô (Tam kinh Nghĩa Sớ) của thái tử là cuốn sách đầu tiên của người Nhật.
Từ thế kỷ VI trở đi, những nhân tố ngoại lai đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với lịch sử Nhật Bản. Những Giáo hội Phật giáo có tôn ti, tính chất tập trung là một thứ khuôn mẫu cho nhà nước phong kiến. Sự thống nhất thờ phụng và ý nghĩa tuyệt đối của Phật đã góp phần khắc phục những tàn dư có tính chất phân tán của thị tộc bộ lạc, từ đó tạo ra nền tảng cho cuộc cải cách sau này.
Thái Tử Shotoku đã nghiên cứu và truyền giảng ba bộ kinh Đại Thừa cho dân chúng.Về sau những bài giảng này được viết thành một bộ luận rất giá trị. Sau khi lên ngôi Thái Tử Shotoku đã ban hành một chiếu chỉ rằng :
" Toàn dân Nhật Bản phải kính ngưỡng và thọ trì Phật pháp".
Thời đó, với Nhật Bản Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn là một thứ văn hóa mới mẻ và tiến bộ với các kỹ thuật về nông nghiệp, kiến trúc đã theo Phật giáo vào Nhật Bản và được dân chúng đón nhận.
Ông đã cho xây dựng chùa chiền trên khắp đất nước, một trong những ngôi chùa nổi tiếng thời ấy vẫn còn tới ngày nay là chùa Pháp Long. Chùa này do chính Thái Tử Shotoku đứng ra xây dựng vào năm 607 và được xem là ngôi chùa gỗ có tuổi thọ lâu nhất thế giới. Ngoài ra còn có chùa Shiteno-ji , chùa Horyu, chùa Yachu, chùa Koryu, chùa ctachibana, chùa Ikejiri, chùa Katsurayi.

3.2 Thời kỳ Nara (710 – 794)
Sau thời thái tử Shotoku, nhiều biến cố chính trị dẫn đến cuộc cải cách taica no kaishin (Đại hoá cải tân) dựa theo thiết chế chính trị nhà Đường. Dòng họ Soga bị lật đổ, quyền lực giờ đây nằm trong tay một dòng họ mới là Fujiwara. Từ sau cải cách Taica, Nhật xây dựng quốc gia theo mô hình Trung Quốc. đầu thế kỷ thứ VII, hệ thống chính quyền theo mô thức nhà Đường đã hoàn thành với chế độ định đô. Thời kì Nara bắt đầu.
Triều đình Nhật Bản thời bấy giờ xem Phật giáo có quyền lực vô cùng thiêng liêng. Một ngôi chùa vĩ đại đã được xây dựng mang tên Tôđaiji (Đông Đại tự) với tượng đức Phật uy nghi. Phật giáo chính thức được coi là quốc giáo.
Thời kỳ Nara, nhà nước cũng bắt đầu chú ý đến giáo dục, nhiều trường học đã được lập nên để dạy dỗ con em các quý tộc. Nội dung học tập chủ yếu là văn học và pháp lý Trung Quốc. bên cạnh đó, nhà nước còn cử nhiều người sang trung Quốc để học tập. Cùng với đó, nhiều nhà sư Nhật Bản cũng sang học sách vở và quy chế nhà chùa. Điều đó chứng tỏ thời Nara, văn hoá Trung Quốc đã xâm nhập và có ảnh hưởng khá lớn tới Nhật Bản. Trong thời gian 710-794, có sáu tông phái tại Nhật Bản, phần lớn do Trung Quốc du nhập: Câu-xá tông (kusha), Pháp tướng tông (hossu), Tam luận tông (sanron), Thành thật tông (jojitsu), Luật tông (ritsu), Hoa nghiêm tông (kegon).
Thời kỳ Nara đại diện cho khoảng thời gian hoạt động nhất của văn hoá ngoại lai vào Nhật Bản.
Thế kỷ thứ VII được hình dung như là thời kì hình thành bộ mặt mới của văn hoá Nhật Bản. Sự phát triển của Phật Giáo thời kỳ này có ảnh hưởng nhiều đến chính trị, tính cách và phong tục của người Nhật, thúc đẩy sự phát triển của văn học và nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc.
Đến cuối thời Nara, Phật giáo suy vi kéo theo hàng loạt sự biến động của xã hội và dẫn đến phong trào Tân Hưng trong chính Phật giáo.

3.3 Thời kỳ Heian (784 – 1192)
Nếu như trong thời kỳ Nara, Phật Giáo được hưởng ứng mạnh mẽ bởi nhà nước thì đến thời kỳ Heian Phật giáo không còn như trước. Họ Phudioara đã tìm mọi cách để tước đoạt quyền lực thực tế của thiên Hoàng, tìm cách thanh toán những quan niệm về “ nguồn gốc thần thánh” của Hoàng Gia và củng cố địa vị thống trị của mình. Tình trạng cát cứ phong kiến diễn ra, Phật giáo mất dần uy thế và không phát huy được vai trò của mình với nhà nước như thời gian trước.
Tuy nhiên, chính vì lẽ đó Phật giáo không còn bị giới hạn trong khuôn khổ của giai cấp thống trị nữa mà ngày càng phát triển lên theo hướng bình dân. Dân chúng được tiếp xúc với Phật giáo. Giáo lý đạo phật được truyền bá ở các lớp học, cho tất cả mọi người, kể cả phụ nữ.
Bước vào thời đại Heian ,đạo Phật dần dần thay đổi: từ một tổ chức kinh viện được tầng lớp trên ủng hộ vì mục đích riêng, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo thực sự hấp dẫn công chúng với tính đa dạng của nó, đặc biệt là sự chung sống của nó với đạo Shinto.
Trong thời kì này, mặc dù còn chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, các công trình kiến trúc Phật giáo Nhật Bản vẫn thể hiện được phong cách riêng của mình. Đó là sự hoà nhập giữa tôn giáo, nghệ thuật với cảnh sắc thiên nhiên (toà Byodoin).

3.4 Thời kỳ Mạc phủ (1192 – 1867)
3.4.1 Phật giáo thời Kamakura (1185 – 1333)
Đây là thời kỳ khủng hoảng, cả nước bị đe doạ nghiêm trọng bởi sự tàn phá khốc liệt do phân hoá nội bộ và bạo lực dưới những tổ chức quân sự được thành lập của dòng họ Minamôtô. Điều đó làm cho việc nghien cứu Phật Pháp thời kỳ này bị khựng lại.
Tuy nhiên, những năm tiếp theo Phật giáo lại bắt đầu được khôi phục và phát triển . Nếu như trong thời đại Hayan (794 – 1185) , hai tông phái khác được đưa vào Nhật Bản là Thiên thai Tông và Chân Ngôn Tông, hai tông phái này có một hệ thống giáo lý sâu nhiệm và độc đáo lập tức chinh phục và được sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng, nhất là tầng lớp quý tộc thì dưới triều đại Kiếm thương (Kamakura), hai phái khác là Nhật Liên Tông và Tịnh Độ Tông cũng lần lượt xuất hiện và truyền bá rộng rãi trên toàn nước Nhật.
Trong giai đoạn Kamakura (1192 – 1333), tư tưởng Phật giáo được lưu truyền rộng rãi. Việc lấy kinh A Di Đà làm kinh chủ yếu với sự tín ngưỡng đơn giản nhất, giới luật khoan dung (cho phép tăng nhân được lấy vợ, ăn thịt…) đã làm cho đạo Phật thật sự ăn sâu, bén rễ và thu hút mạnh mẽ các tầng lớp quần chúng lớp dưới trong xã hội Nhật Bản.
Năm 1191, Thiền tông du nhập Nhật Bản, một tông phái Phật giáo đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt đến ngày nay. Thiền Nhật Bản cũng có hai hệ phái chính là Tào Động tông và Lâm Tế tông.
3.4.2 Phật giáo thời Mạc Phủ Muromachi (1336 – 1590)
Sau khi Mạc Phủ Kamakura sụp đổ, Asicaga Tacaudi cùng hàng ngũ quý tộc đã tôn Gô Đaigô lên làm thiên hoàng.
Năm 1334, Gô Đaigô tiến hành cuộc trung hưng hoàng gia, bãi bỏ chế độ thượng hoàng trước đó, chuyển vào trong tay hoang gia những chức vụ quan trọng nhất. Điều đó làm nhiều tầng lớp xã hội bất mãn, nhất là tầng lớp võ sĩ và nông dân.
Nhân cơ hội ấy, Tacaudi đã mang quân đánh bại Thiên Hoàng Đaigô, lập Mixuaki làm Thiên Hoàng và lập Mạc Phủ mới vào năm 1338. Chế độ Mạc Phủ này lấy tên là Murômachi.
Suốt hai thế kỷ dưới thời Mạc Phủ Murômachi, Nhật Bản lâm vào một cuộc tranh chấp tương tàn. Cuộc nội chiến ác liệt diễn ra bắt đầu từ năm 1467 và kéo dài đến năm 1573. Trong thời gian đó chiến tranh nổ ra khắp nơi, liên miên và khốc liệt tới mức cả tầng lớp tăng lữ (tăng binh) cũng tập hợp thành những đội quân để tham gia chiến tranh. Nhiều chùa chiền trở thành các pháo đài quân sự, lực lương tăng binh nhiều lúc còn áp đảo cả lực lượng Thiên Hoàng và Tướng quân ở kinh đô, các giáo phái đối đầu với nhau kịch liệt, nhiều chùa chiền bị thiêu cháy hoặc phá huỷ.
Đầy là thời kỳ chứng kiến sự suy sụp của Phật giáo tại Nhật Bản. Những xu hướng văn hoá - tư tưởng thời kỳ này được hình thành dưới ảnh hưởng của các yếu tố xung đột và mâu thuẫn lẫn nhau.
3.4.3 Thời kỳ Mạc phủ Tokugawa (1603 – 1867)
Thời kỳ Mạc phủ Tokugawa đánh dấu bằng sự kiện Tôyôtômi Hiđêyôsi lên năm chính quyền. Nhật Bản được thống nhất. Điều đó tạo điều kiện cho các yếu tố văn hoá phát triển mạnh mẽ, trong đó có Phật giáo.
Sự phát triển của văn hoá thời Tokugawa không tách rời sự phát triển của giáo dục. Tuy vẫn lấy Nho học làm nội dung giảng dạy chính nhưng điểm mới của thời kỳ này là ở chỗ giáo dục không còn là đặc quyền của giai cấp phong kiễn nữa mà đã lan xuống cả tầng lớp thứ dân.Các lớp tư học được mở ra khắp nơi, phần lớn các thầy đồ đều là nhà sư. Điều đó thể hiện sự hoà hợp mạnh mẽ của Phật giáo với Nho giáo, thần đạo của người Nhật . Từ hệ thống giáo dục đó, Phật giáo có điều kiện đi sâu vào đời sống xã hội của tất cả người dân chứ không còn hạn hẹp như trước.
Bước sang thời kì Mạc Phủ (1608 – 1867) , khi chế độ phong kiến Nhật Bản đã đạt được đỉnh cao thì ảnh hưởng của đạo Phật bắt đầu bị thu hẹp.
Phái Thiền tông rất phát triển và thành công dưới sự bảo trợ chính thức của chính quyền và mở rộng ảnh hưởng của nó trong tất cả các hình thức nghệ thuật, văn hoá… thì các giáo phái khác lại lâm vào sự hiềm khích lẫn nhau và bị các thế lực cầm quyền phong toả hoạt động.
Trong khi đó, việc tiếp xúc với văn hoá phương tây bị cấm bởi chính sách đóng cửa của nhà Tokugawa, Thiên Chúa giáo không có nhiều điều kiện phát triển ở Nhật thời kỳ này. Tuy nhiên những mầm mống của việc tiếp thu văn hoá phương tây đã bắt đầu xuất hiên.
3.4.4 Phật giáo từ sau cải cách Minh trị đến nay
Tháng 2/1867 Thiên Hoàng Hiếu Minh qua đời, oàng tử Mutsuhito 16 tuổi lên thay, một thời kỳ mới bắt đầu - thời kỳ Minh Trị. Nhật hoàng khôi phục uy quyền năm 1868, chấm dứt 265 năm phong kiến dưới triều Mạc phủ Tokugawa.
Sau cuộc duy tân Minh Trị 1868, vai trò của đạo Phật bị suy giảm nghiêm trọng. Ngay sau khi lên ngôi (năm 1868) hoàng đế Minh Trị đã ban bố : “Lệnh tách Thần Phật”. Các chùa viện và tăng lữ tôn giáo bị truy bức, phá hoại với một quy mô rất lớn. Có thể nói, thời kì đầu Minh Trị là khoảng thời gian đen tối nhất của đạo Phật kể từ năm 1580.
Minh Trị cố gắng đưa Nhật hoàng trở lại vị trí nổi trội, đưa Thần Đạo trở thành quốc giáo như 1.000 năm trước. Vì Thần đạo và Phật Giáo đã hòa trộn thành một niềm tin tổng hợp trong những giai đoạn trước đó, một Quốc gia Thần đạo mới được xây dựng để phục vụ mục đích này. Cơ quan thờ phụng Thần đạo được thành lập, quan trọng hơn cả Hội đồng Quốc gia. Tư tưởng quốc thể của trường Mito được nắm lấy, và nguồn gốc thần thánh của Hoàng gia Nhật Bản được nhấn mạnh. Chính quyền ủng hộ các giáo viên Shinto, một bước chuyển nhỏ nhưng quan trọng. Mặc dù Cơ quan thờ phụng Thần đạo bị hạ cấp năm 1872, đến năm 1877 Nội vụ tỉnh kiểm soát tất cả các đến thờ Thần đạo, các giáo phái Thần đạo nhận được sự công nhận của chính quyền Minh trị. Thần đạo được giải thoát khỏi sự bó buộc của Phật giáo và những giá trị của nó được phục hồi.
Sau Thế chiến thứ hai, Phật giáo phục hưng, hình thành các phái như Sáng giá học hội, Lập chính giải chính, Nhật Bản Sơn Diệu Pháp tự Các tông phái này đều lấy kinh Diệu pháp liên hoa làm căn bản.
Phật giáo Nhật Bản trong thời đại ngày nay : Theo thống kê gần đây cho thấy khoảng 70% dân số Nhật là tín đồ Phật giáo, Phật giáo Nhật bản được chia thành 13 tông phái chính, có hơn 20 trường Đại học, trung học và viện nghiên cứu Phật giáo.
4.Vai trò của Phật giáo đối với văn hoá – xã hội người Nhật
Sau khi du nhập và được truyền bá rộng rãi ở Nhật Bản, đạo Phật đã được giới cầm quyền sử dụng như là một động cơ, một công cụ thúc đẩy nền văn hoá và củng cố quyền lực của mình. Có thể nói, Phật giáo không chỉ đóng vai trò như một phương tiện quan trọng trong việc “vận chuyển” văn hoá Trung Hoa sang Nhật Bản ở trong các thời kì đầu mà còn là một trong những nhân tố thiết yếu góp phần định hình nền văn hoá dân tộc Nhật Bản. Phật giáo đã có những ảnh hưởng rất quan trọng đối với văn hoá, xã hội Nhật, cụ thể là trên nhiều lĩnh vực: văn học, nghệ thuật, giáo dục, sự nghiệp xã hội …
4.1 Văn học
Sự phát triển mạnh mẽ của đạo Phật trong thời đại Nara và Heian đã có tác động không nhỏ đến nền văn học Nhật Bản. Nhiều tác phẩm về chủ đề Phật giáo ra đời. Trong đó, “Nhật Bản linh dị ký” (Nihonryoiki)-một tác phẩm viết bằng chữ Hán, theo tương truyền là do nhà sư Keikai, chùa Yakushi (Tỉnh Nara) sáng tác, ra đời khoảng đầu thế kỷ IX là một thí dụ điển hình.
Bước sang thời Trung đại, nền văn chương Nhật Bản đã luôn bị chi phối bởi tôn giáo và chiến tranh. Đó là thời của chiến sĩ và tu sĩ. Nội chiến diễn ra trên khắp quần đảo Nhật Bản suốt mấy thế kỷ dài, một phong cách mới đã bừng lên trong các tác phẩm nghệ thuật và văn chương với sự xuất hiện và ảnh hưởng của Thiền tông.
Dogen – một Thiền sư nổi tiếng, đã để lại cho nhiều tác phẩm văn học quý báu. Nổi tiếng nhất phải kể đến là tác phẩm “Chánh pháp nhãn tàng”.
Mặt khác chúng ta còn phải kể đến các tác phẩm:
• “Ngu quản sao” (Gukan Sho) của hoà thượng Jien (1155-1225).
• “Sa thạch tập” (Shasekishu) của Thiền sư Vô Trú (Muju: 1226-1312)
Bên cạnh đó chúng ta cũng không thể không kể đến nền văn học Ngũ Sơn-một nền văn học mang phong cách Thiền tăng của Ngũ Sơn Thập Sát và là giai đoạn văn học ưu tú nhất trong văn học chữ Hán của Nhật Bản.
4.2 Nghệ thuật
4.2.1 Kiến trúc
clip_image006.jpg

Chùa Đaibutsu
Phật giáo là một trong những nguồn cảm hứng chủ yếu của kiến trúc. Với sự phát triển mạnh mẽ của phật giáo trong các giai đoạn đầu của lịch sử Nhật Bản, nhiều công trình kiến trúc Phật giáo đã ra đời (chùa Hoko, chùa Horyu, chùa Yakushi, chùa Todai, chùa Daibutsu…). Tuỳ theo từng thời kì xuất hiện và tuỳ thuộc vào những lí do tôn giáo khác nhau mà các công trình kiến trúc ấy mang những đặc trưng khác nhau. Sự thay đổi về kiến trúc mà chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy đó là sự thay đổi trong kiến trúc của các tự viện. Ví dụ: ở thời Nara, các tự viện là những quần thể nhà xây dựng trên những khu đất bằng phẳng, còn các tự viện thời Heian lại có xu hướng xây dựng trên đỉnh hoặc sườn núi với những cấu trúc và cách trang trí cầu kì hơn…
Dưới làn sóng lan toả mạnh mẽ của mình, kiến trúc Phật giáo đã có ảnh hưởng đáng kể đến những kiến trúc khác của Nhật Bản: kiến trúc nhà cửa, đền đài, cung điện…, đặc biệt là trong kiến trúc nhà cửa.
4.2.2 Điêu khắc
Cùng với việc xây dựng đền chùa là nghệ thuật điêu khắc tượng Phật. Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo xưa nhất được tính từ đầu thế kỷ VII với bộ tam tượng nổi tiếng (mang đậm dấu ấn của Trung Quốc) gồm có Phật Thích Ca Mâu Ni và hai vị Bồ Tát ở chùa Horyu (năm 623).
Bước vào thời đại Heian, điêu khắc lại có sự thay đổi và ngày càng mang tính bản xứ hơn. Giờ đây gỗ đã thay thế cho các nguyên liệu đồng, đất sét hoặc sơn mài khô được dùng trước đây. Chủ nghĩa tự nhiên nổi bật của thời đại Nara. Nửa sau thời Heian, nghệ thuật điêu khắc tượng Phật lại mang một dáng vẻ khác. Các tượng Phật lúc này lại đều mang vẻ đẹp hiền hoà, nhân hậu.
Bước sang thời Kamakura, những tác phẩm điêu khắc đẹp nhất của thời này đều nổi bật về sự sống động, khoẻ khoắn được thể hiện trên chất liệu gỗ mộc, không mang màu sắc hay trang trí cầu kì mà lại theo “chủ nghĩa tự nhiên”…
Đến thời Muromachi, đặc biệt là vào cuối triều đại này, tuy Phật giáo vẫn được xem là có một nền tảng vững chắc nhưng nó lại ở vị trí thứ yếu trong đời sống xã hội. Sự giảm sút về vai trò lịch sử của Phật giáo đã dẫn đến nghệ thuật điêu khắc Phật giáo cũng dần đi vào sự lụi tàn.
4.2.3 Hội hoạ
Ở Nhật, những tác phẩm hội hoạ về đề tài Phật giáo rất phong phú, đa dạng, có giá trị nghệ thuật cao và mang đặc trưng của từng thời đại văn hoá khác nhau. Ở văn hoá Hakuho và văn hoá Tempo (thời Nara), tranh vẽ mặt Phật với những nét tạo hình rất trần thế là một chủ đề chính. Bức tranh “Phật Di Lặc đang thuyết pháp” được vẽ trên tường của chùa Horyu vào đầu thế kỷ VII là một ví dụ điển hình.
Vào khoảng cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỉ IX, với sự ra đời của trường phái Thiên Thai và Chân Ngôn, hội hoạ Phật giáo Nhật Bản đã có thêm một hướng đi mới. Những quang cảnh lạ thường về cõi Tây Phương cực lạc của phái Thiên Thai được miêu tả với màu sắc sống động và chi tiết.
Bước sang thời Kamakura, hội hoạ Phật giáo Nhật Bản đã hướng đến sự hồi sinh lại những truyền thống cổ điển kể cả việc quan tâm trở lại những câu chuyện về cuộc đời của Phật Thích Ca như một đề tài chủ yếu. Kể từ thế kỷ XII, tranh cuộn cầm tay đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều.
4.2.4 Sân khấu
• Kịch “No” : Kịch No có nguồn gốc từ những vũ điệu trong các dịp lễ hội tôn giáo dân gian như “Sarugaku” và “Dengaku” được phát triển dần lên. Kịch No là một hoạt động nghệ thuật Phật giáo, phù hợp với tính chất thời đại. Nó là sự kết hợp giữa các yếu tố truyền thống, cả đạo lẫn đời, được nâng lên thành hình thức sân khấu mang tính giá trị văn hoá dân tộc, mỹ học Nhật Bản và cũng là nơi thể hiện tinh thần sâu thẳm của Thiền tông.
Kịch Kabuki : Kịch Kabuki bắt nguồn từ các vũ điệu múa mang tính chất tôn giáo của đạo Phật phổ biến rộng rãi từ thế kỉ XI đến thế kỉ XV phát triển thành trào lưu múa gọi là “Furyu Odori” hay còn gọi là “Bon Odori”. Các điệu múa này được chia làm hai loại: một loại có tính chất quần chúng mà ai cũng có thể tham gia và một loại do các nghệ sĩ có kĩ thuật biểu diễn trên sân khấu cho mọi người xem.
4.2.5 Các loại hình nghệ thuật khác
• Nghệ thuật vườn cảnh
Nghệ thuật làm vườn được sử dụng lâu đời ở vùng Viễn Đông và khi Phật giáo Thiền tông được du nhập vào Nhật Bản, nhất là ở thời Muromachi (1349 – 1576), các vườn cảnh đã được tạo lập ở khắp nước Nhật, đặc biệt là các khu vườn Thiền ở miền Tây Nhật Bản. Các vườn cảnh này đã đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật tinh xảo và sự biểu lộ triết lí Thiền như : vườn cảnh của đền Jolei-ji gần Yamaguchi, vườn cảnh của Sesshu, khu vườn đá Ryoanji ở Kyoto cũng là một trong những khu vườn cảnh nổi tiếng nhất.
Nghệ thuật trà đạo (Sado) và nghệ thuật cắm hoa Ikebana (Kado)
Trà đạo hình thành và phát triển do ảnh hưởng của Phật giáo (phái Thiền). Nó có nguồn gốc từ những nghi lễ dâng trà cho đức Phật nhằm thể hiện sự thành kính và sự thư thái của tâm hồn. Lúc đầu trà được coi như là một vị thuốc. Và việc uống trà chỉ là những sở thích của tầng lớp quý tộc hoặc là một phần nghi lễ của Phật giáo. Đến cuối thế kỷ XII, khi Eisai và một số nhà sư Nhật Bản từ Trung Quốc trở về, đem theo giáo lí của Phật giáo Thiền tông và kiểu cách uống trà như kiểu Tống với bột trà xanh tán mịn gọi là Matcha thì việc uống trà mới trở thành một nghi thức có tính văn hoá cao, được nâng lên thành Trà đạo.
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana (Kado) : (Ảnh dưới)
clip_image008.jpg
clip_image010.jpg

Nghệ thuật cắm hoa Ikebana có nguồn gốc từ các nghi lễ dâng hoa trong các chùa chiền. Trong nghệ thuật cắm hoa Ikebana, đường nét trôi chảy là yếu tố quan trọng hơn cả màu sắc hay hình dáng của những bông hoa. Một cành cây gãy nhặt bên đường nếu có hình thù hay kiểu dáng đẹp, kì lạ thì có thể trở thành yếu tố chủ đạo của một lọ hoa Ikebana. Một đặc điểm thú vị khác nữa là, trong Ikebana, vật liệu được dùng để thể hiện sự trôi chảy của thời gian. Quá khứ thường được thể hiện bằng những bông hoa đã rụng hết, cuống lá hoặc lá khô; hiện tại được thể hiện bằng hoa hàm tiếu hay lá xanh; tương lai được thể hiện bằng chồi, nụ hoa. Tất cả đều phải theo một cấu trúc tổng thể bao gồm ba yếu tố Thiên, Địa, Nhân. Ikenaba thể hiện vẻ đẹp sống động của thiên nhiên với một triết lý nhân văn sâu sắc “biết thưởng thức sự biến đổi, ra hoa và tàn úa của cây lá”.
4.3 Giáo dục
Từ thời thái tử Sotoku (Thánh Đức thái tử), chùa Pháp Long đã được coi là chùa học vấn (Chùa Pháp Long học vấn), nghiên cứu Phật pháp, có cơ cấu giáo dục trong chùa. Và đây chính là một trong những khởi nguồn của sự nghiệp giáo dục nhà trường ở Nhật Bản. Từ trước thời Nara, tăng lữ đã nắm giữ việc giáo dục con em mình và trẻ em trong làng xóm. Về sau, đặc biệt là sau thời Kamakura, do sự suy yếu của giáo dục nhà nước, chùa viện đã trở thành trung tâm học vấn, tăng lữ gánh vác trách nhiệm giáo dục dân chúng, việc này được gọi là học vấn nhà chùa.
Bước sang thời Minh Trị, cùng với việc xác lập chế độ giáo dục mới của chính phủ, các tông phái Phật giáo cũng xây dựng cơ cấu giáo dục phổ thông và chuyên môn và đã không ngừng phát triển cho đến ngày nay.


5.Kết luận
Phật giáo đã du nhập và phát triển mạnh mẽ ở Nhật tương đối muộn, từ thế kỉ VI qua con đường không chính thống là Trung Quốc và Triều Tiên. Do đó Phật giáo Nhật Bản chịu nhiều ảnh hưởng của hai quốc gia này.
Phật giáo được Nhật Bản tiếp thu và phát triển thông qua con đường buôn bán với sự ra đời của Con đường tơ lụa trên đất liền và con đường tơ lụa trên biển, việc cử người đi sang các Trung Quốc và đưa Phật pháp vào trong giáo dục.
Trong gần 15 thế kỉ, sự tồn tại và phát triển của phật giáo Nhật Bản có nhièu bước thăng trầm, bản thân Phật giáo khi du nhập đã dần hoà trộn dần dần vào hệ tư tưởng thần đạo truyền thống của Nhật Bản, Phật giáo và Thần đạo không những bổ sung cho nhau, mà còn hoà hợp lại với nhau. Người Nhật tiếp thu tư tưởng Phật giáo từ Trung Quốc, nhưng cũng không ngừng cải tiến hệ thống giáo lý cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước mình. Người Nhật sẵn sàng du nhập những tông phái Phật Giáo mới được truyền bá vào, song song với việc giữ gìn những nét truyền thống mang tính bản sắc của dân tộc mình. Đây là đặc điểm nổi bật của Phật giáo Nhật Bản.
Ngày nay, đạo Phật Nhật Bản đã có trên 160 giáo phái;14908 đền chùa; 98,033 triệu tín đồ và đã cùng với các giáo phái khác đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của người Nhật…
Bản thân Phật giáo ở Nhật Bản vẫn gắn chặt với truyền thống của quốc gia này và có tác động sâu rộng đến nhiều yếu tố văn hoá của người Nhật, Không có một khái niệm riêng biệt nào về xu hướng tín ngưỡng chính của người Nhật. Bên cạnh những nghi lễ chính của Thần đạo, vẫn đan xen những nghi lễ của Phật giáo. Nhìn chung, Phật giáo Nhật Bản vẫn đang chuyển mình để hoà nhập vào trào lưu mới , nhằm đem lại bình yên cho tất cả mọi người.
________Hết________
Nhóm 2
Phạm Văn Giềng
Nguyễn Thị Thanh Hoa
Nguyễn Thị Bích Huệ
Đinh Thị Khuyến
Nguyễn Hoàng Lan
Phan Thị Loan
Nguyễn Tiến Thành
Kiều Tân Huyền
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top