Chia Sẻ Quá trình hoạt động và đấu tranh của Quốc tế thứ nhất

Trang Dimple

New member
Xu
38
QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ ĐẤU TRANH CỦA QUỐC TẾ THỨ NHẤT
1. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Pruđông

Năm 1865, các chi bộ Quốc tế đã được thành lập nhưng chưa mạnh, nên chưa đủ điều kiện để triệu tập Đại hội theo đúng quy định. Tháng 9, Mác tổ chức một hội nghị ở Luân Đôn có các ủy viên trung ương và cán bộ lãnh đạo các chi bộ tham dự. Hội nghị đã nghe báo cáo của Ban chấp hành trung ương, chuẩn y quyết toán tài chính và thông qua chương trình nghị sự cho Đại hội sắp tới. Vấn đề gay gắt nhất xoay quanh đề nghị của Mác ghi vào chương trình yêu sách đòi độc lập của Ba Lan.

Phái Pruđông cho rằng đó là vấn đề thuần túy chính trị, không nên ghi vào chương trình đại hội của công nhân. Khước từ yêu sách đó, về thực tế, phái Pruđông đã ủng hộ chính sách của chính phủ phản động Anh và Pháp đối với Ba Lan và coi thường các phong trào giải phóng dân tộc. Cuộc đấu tranh chống phái Pruđông trong Quốc tế I bắt đầu từ đó và kéo dài suốt ba cuộc đại hội từ 1866 đến 1868.

Thực chất của phái Pruđông là bảo vệ và ủng hộ chủ nghĩa tư bản, chỉ muốn quét khỏi chế độ đó những cái "không tốt", xây dựng cái "tốt” nhằm duy trì vĩnh viễn chế độ tiểu tư hữu. Vì vậy, phái Pruđông chủ trương giải quyết những vấn đề xã hội theo con đường hòa bình dựa vào những biện pháp kinh tế thuần túy trong phạm vi sản xuất, hợp tác xã và trao đổi nhỏ, phủ nhận đấu tranh chính trị và mọi hình thái nhà nước, kể cả chuyên chính vô sản.

Học thuyết Pruđông có ảnh hưởng nhiều ở Pháp, Bỉ, Ý... là nơi nền tiểu sản xuất còn chiếm ưu thế. Đấu tranh loại trừ ảnh hưởng của chủ nghĩa Pruđông là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao ý thức giác ngộ và khả năng tổ chức của giai cấp công nhân.

Đại hội lần I họp ở Giơnevơ từ ngày 3 đến ngày 8-9-1866, có 60 người đại diện cho 25 chi bộ. Về vấn đề kinh tế - xã hội, phái Pruđông phản đối yêu sách của công nhân đòi ngày làm 8 giờ và hạn chế ngày lao động trẻ em vì họ cho rằng đó là quan hệ riêng tư đã được thỏa thuận trong những hợp đồng giữa chủ và thợ.

Họ phản đối yêu sách đòi bảo vệ lao động của phụ nữ vì cho rằng chức năng phụ nữ chỉ là trông nom bếp núc, nhà cửa mà thôi. Những người mácxít đã thông qua nghị quyết đòi bắt buộc phải hạn chế ngày lao động đối với công nhân, nhất là đối với trẻ em, về chế độ làm đêm của phụ nữ, đòi phải giáo dục phổ thông và nghề nghiệp cho công nhân, bảo vệ lao động của phụ nữ; xóa bỏ các thứ thuế gián tiếp, đòi vũ trang toàn dân.

Về vấn đề công đoàn, Đại hội kiên quyết chống lại những luận điệu của phái Pruđông chủ trương bãi bỏ mọi hình thức tổ chức của công nhân và thông qua nghị quyết nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của công đoàn. Nghị quyết nhấn mạnh rằng công đoàn trở thành cần thiết cho cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động, và có vai trò hết sức quan trọng với tư cách là một đoàn thể có tổ chức để đẩy mạnh việc thủ tiêu chế độ lao động làm thuê.

Việc thông qua nghị quyết về công đoàn là một thắng lợi lớn của những người mácxít không những đối với phái Pruđông mà cả với phái Látxan ở Đức và bọn lãnh tụ công đoàn ở Anh. Trong nghị quyết về vấn đề hợp tác xã, Mác đã nêu rõ rằng tổ chức lao động có tính chất xã hội chủ nghĩa là có thể thực hiện được. Nhằm chống lại quan niệm mơ hồ coi hợp tác xã là con đường duy nhất giải phóng lao động, nghị quyết viết, nếu giai cấp vô sản không nắm được quyền lực chính trị thì hình thức hợp tác xã không thể cải biến được chế độ tư bản chủ nghĩa.

Đại hội đã thông qua bản Tuyên ngôn thành lập và Điều lệ, đập tan âm mưu của phái Pruđông định loại Mác ra khỏi Ban lãnh đạo của Quốc tế, Ban chấp hành Trung ương được bầu lại với thành phần như cũ.

Sau đại hội, phong trào bãi công lan tràn khắp các nước do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1866. Mùa xuân năm đó, công nhân cảng ở Luân Đôn và Êđinbua bãi công. Tiếp theo, công nhân Đức, Bỉ, Thụy Sĩ và đến tháng 2-1867 công nhân Pháp cũng tiến hành bãi công.

Theo đề nghị của Mác, Quốc tế đã ủng hộ các cuộc đấu tranh trên bằng cách quyên tiền, thông báo tin tức, hưởng ứng lẫn nhaụ... Đồng thời trong cuộc đấu tranh chính trị, công nhân đã giành được một số thắng lợi. Năm 1867, công nhân miền Bắc Đức tham gia bầu cử và đưa vào quốc hội những đại diện của mình là Vinhem Liepnếch và Aoguxtơ Bêben. Cùng năm đó, chính phủ Anh ban hành luật cải cách tuyển cử cho một bộ phận công nhân lớp trên tham gia. Những hoạt động đó đã tăng cường sự đoàn kết quốc tế của công nhân và nâng cao uy tín của Quốc tế I.

Đại hội lần II họp ở Lôdan (Thụy Sĩ) từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 9 năm 1867, có 63 đại biểu. Phái Pruđông có người Pháp và Thụy Sỹ chiếm đa số trong Đại hội buộc Đại hội trở lại các vấn đề lao động của phụ nữ và trẻ em, vấn đề hợp tác xã, đã thảo luận lần trước. Họ làm cho Đại hội thông qua một vài nghị quyết mơ hồ, song không thể nào giành được thắng lợi trong việc chiếm quyền lãnh đạo Quốc tế, Ban chấp hành vẫn được bầu với thành phần như cũ và trụ sở vẫn đặt ở Luân Đôn. Đại hội đã thông qua một nghị quyết về việc quốc hữu hóa các phương tiện giao thông vận tải, xác định quyền sở hữu tập thể đối với tư liệu sản xuất.

Nhưng về vấn đề quốc hữu hóa ruộng đất, Đại hội gặp phải sự chống đối kịch liệt của phái Pruđông và phải gác lại kỳ họp sau. Một nghị quyết quan trọng khác của Đại hội là xác định việc giải phóng công nhân về mặt xã hội sẽ không thực hiện được nếu không giải phóng về chính trị, cho nên việc thiết lập quyền tự do về chính trị được coi như một bước khởi đầu là tuyệt đối cần thiết.

Đại hội lần III họp ở Bruyxen từ ngày 6 đến 13-9-1868 có gần một trăm đại biểu tham gia. Chương trình nghị sự của phiên họp và báo cáo hàng năm của Quốc tế được Mác chuẩn bị rất chu đáo. Cuộc đấu tranh gay gắt và phong trào bãi công lan rộng ở Pháp và Bỉ làm cho tinh thần quần chúng công nhân lên cao, loại trừ dần ảnh hưởng của phái Pruđông. Tình hình đó cũng được phản ánh vào Đại hội.

Đại hội thông qua nghị quyết xác nhận lại những vấn đề đã bàn trong Đại hội lần thứ nhất ở Giơnevơ; tán thành đấu tranh bãi công, thành lập các công đoàn và đòi ngày làm 8 giờ. Cuộc thảo luận gay go nhất xoay quanh vấn đề quyền sở hữu ruộng đất. Đại hội đã thông qua với đa số tuyệt đối (130 phiếu thuận, 4 phiếu chống, 15 phiếu trắng) một quyết nghị quan trọng đòi chuyển ruộng đất, rừng, kênh đào, hầm mỏ và đường xe lửa, điện tín sang chế độ sở hữu tập thể. Nghị quyết đó đánh dấu sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội vô sản đối với luồng tư tưởng tiểu tư sản trong nội bộ Quốc tế. Tuy nhiên phái Pruđông vẫn ra sức chống đối khiến Đại hội quyết định lần sau sẽ thảo luận lại. Đại hội Bruyxen họp giữa lúc tình hình châu Âu căng thẳng đang có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh mới.

Vì vậy, vấn đề thái độ đối với chiến tranh được đặt ra và cuối cùng đã thông qua một nghị quyết có tính chất ảo tưởng coi tổng bãi công như là phương pháp toàn năng có thể ngăn chặn nguy cơ chiến tranh. Từ Luân Đôn, Mác phê bình nghị quyết đó là những lời tuyên bố dài dòng và những câu nói khuếch đại vô giá trị. Trong hoàn cảnh giai cấp công nhân chưa đủ điều kiện để có ảnh hưởng quyết định đối với quá trình của các sự biến, Đại hội cần phải lên tiếng tố giác và phản đối bọn gây chiến.

Đại hội thông qua một nghị quyết kêu gọi công nhân các nước hãy chú ý đến tác phẩm “Tư bản” của Mác vừa mới xuất bản vào tháng 8-1867 và yêu cầu giúp đỡ để dịch tác phẩm đó ra các thứ tiếng. Đại hội Bruyxen đã giành được thắng lợi căn bản với chủ nghĩa Pruđông, đập tan mọi hoạt động có tính chất cải lương tiểu tư sản trong Quốc tế. Hàng ngũ phái Pruđông bị phân hóa sâu sắc, cánh tả ngày càng đông đảo, đứng đầu là người theo chủ nghĩa tập thể như Vaclanh (Pháp) và Đơ Páp (Bỉ).

2. Cuộc đấu tranh chống phái cơ hội công đoàn Anh và phái Látxan ở Đức

Trong thời gian của ba đại hội đầu, bên cạnh cuộc đấu tranh chủ yếu chống chủ nghĩa Pruđông, những người mátxít còn phải tiến hành đấu tranh không khoan nhượng với bọn thủ lĩnh cơ hội của công đoàn Anh và phái Látxan ở Đức.

Trong thời kỳ này, công nhân Anh ở vào trạng thái hoàn toàn khác với hồi phong trào Hiến chương của những năm 40 thế kỷ XIX. Đó là thời kỳ phồn thịnh của chủ nghĩa tư bản Anh, nên một số công nhân lành nghề được trả lương cao biến thành tầng lớp trên của giai cấp công nhân, được gọi là “công nhân quý tộc”.

Vận mệnh của họ gắn bó với giai cấp tư sản nên họ đã mất đi phần lớn tinh thần cách mạng trước kia. Các lãnh tụ công nhân không muốn tiếp tục đưa phong trào quần chúng đi theo con đường cách mạng nữa. Năm 1866, các công đoàn Anh bước vào thời kỳ mà Ăngghen gọi là “giấc ngủ mùa đông dài 40 năm” của giai cấp vô sản. Khi đó các công đoàn chủ yếu là mang tính chất của tổ chức liên hợp giữa các nghề nghiệp trong phạm vi hẹp, ít đoàn kết với nhau, các hoạt động chỉ nhằm những mục tiêu kinh tế.

Họ ít quan tâm đến đấu tranh chính trị, và nếu có chăng nữa như đấu tranh giành quyền bầu cử, chống lại một vài đạo luật đàn áp nào đó thì cũng chịu ảnh hưởng của các chính đảng tư sản và chỉ đem lại quyền lợi cho công nhân quý tộc. Về cơ bản, họ không vượt quá phạm vi giới hạn của chủ nghĩa tư bản. Những lãnh tụ công đoàn Anh chiếm vị trí quan trọng trong Quốc tế - J.Otgiơ là Chủ tịch và U.Crimerơ là Tổng bí thư - đã là chỗ dựa cho phái Pruđông hoành hành. Mác không ngừng đấu tranh gạt bỏ những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa của lãnh tụ
công đoàn Anh. Đến năm 1867, theo đề nghị của Mác, Ban chấp hành trung ương quyết định bỏchức vụ Chủ tịch, J.Otgiơ phải rời bỏ địa vị đó sau ba năm nắm quyền.

Vấn đề đấu tranh quan trọng nhất là thái độ đối với phong trào giải phóng dân tộc Ailen. Trong khi nhìn thấy một số sai lầm của phong trào dân tộc tư sản Phênăng ở Ailen là phong trào đòi tách khỏi sự thống trị của Anh, Mác và Ăngghen kêu gọi công nhân Anh hãy cương quyết ủng hộ họ. Việc giải phóng Ailen khỏi nước Anh không những là điều quan trọng đối với nhân dân Ailen mà còn có tác dụng cách mạng hóa và là điều kiện đầu tiên giải phóng ngay bản thân giai cấp công nhân Anh.

Điều đó sẽ nâng cao tinh thần quốc tế vô sản của công nhân, tẩy rửa ảnh hưởng chủ nghĩa sô-vanh và tiêu diệt nguồn bóc lột mà giai cấp tư sản dùng một phần để mua chuộc một bộ phận công nhân. Chừng nào mà Ailen chưa được giải phóng thì giai cấp công nhân Anh cũng chưa được giải phóng. Bọn thủ lĩnh cơ hội chủ nghĩa Anh đi theo chính sách phản động, biện hộ cho việc nô dịch. Mác đấu tranh không mệt mỏi chống lại, đề nghị Ban chấp hành lãnh đạo cuộc đấu tranh phản đối việc xử tử 4 người Phênăng (11-1867), đòi thông qua nghị quyết lên án chính sách xâm lược của chính phủ Anh và phát động một chiến dịch rộng rãi đòi ân xá các nhà cách mạng Ailen.

Quá trình đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội cũng diễn ra ở nước Đức.
Chủ nghĩa Látxan có ảnh hưởng rộng rãi trong công nhân, đặc biệt là trong “Liên minh công nhân toàn Đức”.

Phái Látxan nêu lên cái gọi là “luật sắt về tiền lương” để phủ nhận đấu tranh bãi công và đấu tranh kinh tế, phủ nhận tổ chức công đoàn. Mọi hoạt động của họ đều thu hẹp trong phạm vi giành quyền phổ thông đầu phiếu, lập hội sản xuất với sự giúp đỡ của nhà nước phản động Phổ.

Họ phủ nhận khả năng liên minh công nông, coi các giai cấp khác ngoài công nhân đều là phản động nhưng lại chủ trương liên minh với tư sản và về thực tế đã câu kết với Bixmác, phản bội cuộc đấu tranh của quần chúng.

Trong những năm 60, phong trào công nhân Đức dần dần được phục hồi, cuộc đấu tranh chống ảnh hưởng tư sản lớn mạnh không ngừng. Được sự giúp đỡ của Mác, các nhà cách mạng Đức là Aoguxt. Bêben và Vinhem Liepnếch đã lãnh đạo quần chúng công nhân tẩy trừ ảnh hưởng của chủ nghĩa Látxan.

Trong khi đại hội Bruyxen họp thì chủ nghĩa Mác giành được thắng lợi lớn trong phong trào công nhân Đức. Ngày 6-8-1868, đại hội Nuyarembe của các hội công nhân gồm có đại biểu của 14.000 công nhân tuyên bố đi theo cương lĩnh của Quốc tế. Năm sau, ngày 6-8-1869, Đảng Công nhân xã hội dân chủ Đức được thành lập ở Aidơnăc mở ra một giai đoạn đấu tranh mới của công nhân Đức.

3. Cuộc đấu tranh chống phái Bacunin

Mikhain Bacunin (1814-1876) xuất thân từ gia đình quý tộc và đã từng là sĩ quan hoàng gia, là một nhà cách mạng người Nga lưu vong ra nước ngoài, đã tham gia nhiều phong trào ở Tây Âu trong những năm 40. Tháng 5-1849 Bacunin bị bắt ở Dretxđen (Đức) và bị trao cho hiến binh Nga. Trong nhà tù, Bacunin viết “lời thú tội” gửi lên Nga hoàng để xin ân xá.

Ông ta bị đày đi Xibêri rồi trốn sang Nhật, sang Mỹ, đến mùa thu năm 1864 xuất hiện ở Luân Đôn và cuối cùng về Ý.

Bacunin lại hoạt động trong phong trào công nhân, trở thành một trong những kẻ đề xướng ra chủ nghĩa vô chính phủ. Chủ nghĩa Bacunin phản ánh ý thức hệ phiến loạn của người tiểu tư sản bị phá sản không còn hy vọng nào có thể cứu vãn được nữa. Nó biểu lộ tâm trạng bất mãn tuyệt vọng của tầng lớp thợ thủ công, tiểu tư sản thành thị và của nông dân đã bị phá sản, rơi vào hàng

ngũ vô sản.

Nó lên án tất cả mọi chính phủ, coi chính phủ và tôn giáo là nguồn gốc mọi sự đau khổ của loài người, vì vậy, nó gần gũi với chủ nghĩa Pruđông ở chỗ cùng đi theo con đường vô chính phủ, nhưng nếu Pruđông dùng những lời lẽ cải lương, thì Bacunin lại làm ra vẻ hùng hổ cách mạng để che đậy bản chất. Bacunin đòi xóa bỏ mọi hình thức chính quyền, kể cả chuyên chính vô sản bằng những cuộc bạo động có tính chất âm mưu, khước từ mọi hoạt động chính trị của giai cấp công nhân.

Ý chủ trương thực hiện nguyên tắc cá nhân ngự trị hoàn toàn với khẩu hiệu “Tất cả vì cá nhân”, cho rằng giải phóng cá nhân là điều kiện chủ yếu để giải phóng quần chúng. Bacunin coi việc xóa bỏ quyền thừa kế là biện pháp thủ tiêu chủ nghĩa tư bản.

Chủ nghĩa Bacunin được truyền bá rộng rãi ở Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và miền Nam nước Pháp là những nơi nền công nghiệp đang phát triển, chế độ tiểu tư hữu chiếm ưu thế, quan hệ nửa phong kiến còn tồn tại, tầng lớp tiểu tư sản còn đông đảo. Chú nghĩa Bacunin hoàn toàn xa lạ và đối lập với chủ nghĩa Mác.

Trong khi những người mác-xít đấu tranh để xây dựng nền chuyên chính vô sản thì Bacunin phất lên ngọn cờ vô chính phủ. Trong khi giai cấp vô sản đấu tranh để thủ tiêu các giai cấp bóc lột thì Bacunin đưa ra khẩu hiệu “bình đẳng giữa các giai cấp”. Chủ nghĩa Mác nhìn nhận giai cấp vô sản là lực lượng lãnh đạo cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự tất yếu phải thiết lập chính đảng, thì chủ nghĩa Bacunin lại đi tìm lực lượng trong những phần tử lưu manh, côn đồ...

Mùa thu năm 1864, Bacunin gặp Mác ở Luân Đôn và hứa hẹn sẽ thành lập chi bộ Quốc tế ở Ý. Nhưng Bacunin không chịu chấp hành những nguyên tắc của Quốc tế mà lại dùng nhiều thủ đoạn về mặt tổ chức để chống phá Quốc tế.

Đại hội lần IV của Quốc tế I họp ở Balơ từ ngày 6 đến 11-9-1869 có 78 đại biểu của Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha. Lấn đầu tiên có một đại biểu công nhân Mỹ. Theo yêu cầu của một nhóm nhỏ phái Pruđông, Đại hội thảo luận lại vấn đề sở hữu ruộng đất. Đại hội đã phê chuẩn nghị quyết của đại hội Bruyxen về sự cần thiết hủy bỏ chế độ tư hữu ruộng đất.

Đại hội cũng thông qua nghị quyết kêu gọi công nhân khắp nơi tổ chức các công đoàn, tập hợp trên phạm vi toàn quốc và hướng quần chúng vào cuộc đấu tranh chống chế độ làm thuê. Ban chấp hành trung ương của Quốc tế có nhiệm vụ liên hệ giữa các công đoàn các nước với nhau. Đại hội đã tiến hành tranh luận gay gắt giữa người macxít với phái Bacunin xoay quanh vấn đề quyền kế thừa tài sản.

Bacunin coi việc xóa bỏ quyền thừa kế bằng pháp luật trong phạm vi xã hội tư bản là biện pháp để dần dần chuyển ruộng đất sang chế độ sở hữu tập thể. Mác kịch liệt phê phán luận điểm không tưởng và cải lương đó, vạch ra rằng điều đó không thể thực hiện được khi mà bọn tư bản và địa chủ còn nắm chính quyền. Bị những thủ đoạn của Bacunin đánh lạc hướng, Đại hội đi đến một quyết nghị với đa số phiếu nghiêng về phái vô chính phủ.

Đến khi thông qua nghị quyết về tổ chức, phái Bacunin đã hoàn toàn thất bại trong âm mưu định chui vào ban lãnh đạo để lũng đoạn Quốc tế.

Đến năm 1870, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến, cuộc chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ khiến cho đại hội Quốc tế lần thứ năm định họp vào tháng 9 năm 1870 không thể tiến hành được.

Với tư cách của Ban chấp hành trung ương Quốc tế I, Mác ra hai bản hiệu triệu chỉ rõ tính chất của cuộc chiến tranh và kêu gọi sự đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân Pháp-Phổ.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top