• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
93
Tây Tiến là bài thơ hiện đại nhưng mang những giá trị cổ điển. Tây Tiến là tâm trạng của Quang Dũng nhưng cũng là điệu tâm hồn của cả thế hệ vào những năm tháng hào hùng nhất của lịch sử.
Sự kết hợp nhiều yếu tố ấy đã khiến Tây Tiến trở thành bài thơ tuyệt duyệt như nhà thơ Anh Ngọc đã từng ngạc nhiên và say mê.Hay đến nỗi ta không khỏi ngạc nhiên mà nghĩ rằng: Tại sao trong những ngày đầu non nớt của nền thơ kháng chiến và cách mạng mà chúng ta lại có được một tác phẩm thơ tuyệt duyệt đến thế,
kinh điển đến thế và hiện đại đến thế?

Tây tiến quang dũng.jpg


Nhà thơ Anh Ngọc có viết về bài thơ Tây Tiến như sau: …Hay đến nỗi ta không khỏi ngạc nhiên mà nghĩ rằng: Tại sao trong những ngày đầu non nớt của nền thơ kháng chiến và cách mạng mà chúng ta lại có được một tác phẩm thơ tuyệt duyệt đến thế, kinh điển đến thế và hiện đại đến thế?

Qua phân tích bài thơ Tây Tiến, hãy cắt nghĩa sự ngạc nhiên trên


DÀN Ý CHI TIẾT

1. Vị trí của Tây Tiến trong nền thơ kháng chiến và thơ Việt Nam hiện đại

1.1 Bối cảnh ra đời của “Tây Tiến”

- Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến nhiều khó khăn, gian khổ, nhiều cái mới và lạ lẫm.

- Các nhà thơ mới đi theo kháng chiến đang hoặc vừa trải qua giai đoạn “nhận đường”. Họ có sáng tác nhưng còn ít, cảm xúc chưa bắt kịp với tư tưởng (Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…)

- Các nhà thơ trẻ, trưởng thành trong kháng chiến số lượng chưa nhiều, trào dâng cảm xúc mới, nhưng còn non yếu về mặt nghệ thuật. Do đó, thơ hay những năm đầu của cuộc kháng chiến không nhiều, phần lớn mang đậm tính chất tuyên truyền.

1.2 Trường hợp Quang Dũng

- Mặc dù đã làm thơ từ trước năm 1945, nhưng chưa phải là nhà thơ mới

- Con người Quang Dũng: một thanh niên trí thức Hà Nội, hào hoa, lãng mạn

- Quang Dũng là người có sự hòa nhập rất nhanh, rất mãnh liệt vào đời sống cách mạng và kháng chiến: tham gia cách mạng ngay từ tháng Tám năm 1945, gia nhập quân ngũ, tình nguyện vào binh đoàn Tây Tiến…

Quang Dũng không phải là trường hợp cá biệt, nhưng chưa phải đã nhiều, nhất là về tài năng, ở những năm tháng ấy.

1.3 Bài thơ “Tây Tiến”.

Trước hết là tiếng hát trữ tình của một cá nhân – cá thể, nhưng cá nhân ấy đang hòa với dòng người trên những nẻo đường kháng chiến. Vì thế, bài thơ mang tính độc đáo của một tâm trạng riêng, vừa là nỗi niềm, tâm trạng của những con người trong một hoàn cảnh mới.

Tất cả những hoàn cảnh chung và riêng đó đã tạo cho Tây Tiến một vị trí riêng biệt, không thể thay thế, không thể lặp lại trong nền thơ Việt Nam.

Tính chất không lặp lại, không thể thay thế của Tây Tiến biểu hiện tập trung ở hai giá trị (kinh điển, hiện đại) mà nhà thơ Anh Ngọc đã nêu.

2. Tây Tiến, bài thơ “kinh điển”

2.1 Hiểu từ “kinh điển” như thế nào?

- Kinh điển là từ thường dùng để chỉ những sách vở do các bậc thánh hiền viết, hoặc sách vở ghi chép sự việc, luật lệ thời xưa.

Cũng thường dùng để nói đến sách vở tôn giáo, hoặc là sách, tài liệu làm khuôn mẫu cho một học thuyết, một chủ trương.

- Ở đây hiểu là tác phẩm mẫu mực, có những giá trị vượt thời gian và đã tiếp thu được yếu tố nghệ thuật của thơ ca dân tộc.

2.2 Tính kinh điển của Tây Tiến thể hiện ở những khía cạnh sau:

- Mẫu mực trong việc khắc họa chân dung người lính Tây Tiến. Cùng với hình ảnh người chinh phụ, tráng sĩ trong thơ văn cổ (từ

Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Đặng Trần Côn… đến Thâm Tâm, Trần Huyền Trân…), người lính Tây Tiến hiện lên lồng lộng, sang trọng, chất ngất hào khí một thời.

- Mẫu mực trong thể hiện nội tâm: thương nhớ khôn nguôi, đau đớn đến tận cùng và ngợi ca hết lòng.

- Mẫu mực trong bút pháp nghệ thuật mang tính cổ điển: tả cảnh, tả tình, tả người đều gợi nhiều hơn tả, kiểu trong thơ có nhạc, có họa.

- Mẫu mực trong việc sử dụng các hình thức nghệ thuật cổ điển của thơ ca trung đại: ước lệ, tượng trưng, khoa trương; thể thơ, vần điệu.

3. Tây Tiến – bài thơ hiện đại

3.1 Hiểu từ “hiện đại” như thế nào?

Từ hiện đại trong cách dùng của Anh Ngọc là những giá trị mới của ngày hôm nay.

3.2 Tây Tiến – tiếng hát trữ tình của con người trong thời đại mới:

- Con người: Quang Dũng nói đến những con người tiêu biểu nhất trong hoàn cảnh lúc bấy giờ: người lính (Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc).

- Thời đại: chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc (Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh).

- Tâm trạng: Tâm trạng người lính với nhiều cung bậc, nhiều nỗi niềm, nhưng quan trọng nhất là sẵn sàng hi sinh vì Tổ Quốc.

3.3 Sự mới mẻ của những thước đo nghệ thuật cũ

- Tây Tiến là bài thơ giàu chất sử thi, nhưng không phải là sử thi.

- Tây Tiến là bài thơ sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật cổ điển, nhưng không phải là thơ cổ.

Nói cách khác, đó là hiện đại hóa những giá trị mang tính cổ điển.

4. Kết luận

- Tây Tiến là bài thơ hiện đại nhưng mang những giá trị cổ điển.

- Tây Tiến tâm trạng của Quang Dũng nhưng cũng là điệu tâm hồn của cả thế hệ vào những năm tháng hào hùng nhất của lịch sử.

Sự kết hợp nhiều yếu tố ấy đã khiến Tây Tiến trở thành bài thơ tuyệt duyệt như nhà thơ Anh Ngọc đã từng ngạc nhiên và say mê.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Hanamizuki

New member
Xu
0
Tây Tiến là một bài thơ đầy ắp nỗi nhớ. Mở đầu, tác giả đưa người đọc vào một chân trời nhớ nhung mênh mông:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi.
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.


“ Chơi vơi” là trạng thái trơ trọi giữa khoảng rộng, không bấu víu vào đâu cả. “ Nhớ chơi vơi” có thể hiểu là một mình giữa thế giới hoài niệm mênh mông, bề bộn, không đầu, không cuối, không thứ tự thời gian, không gian. Hoài niệm đầu tiên về Tây Tiến là hoài niệm về sương núi, hơi đá. Thời gian như trôi trong màn sương:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.


Đúng như một nhà thơ đã nhận xét tinh tế. “ Sài Khao sương lấp đoàn quân” là một hình ảnh hùng tráng, mĩ lệ, nhưng nhà thơ lại thêm chữ “ mỏi” – “ đoàn quân mỏi”, thì hình ảnh bài thơ trở nên bình dị. Đoàn quân chẳng thần thánh chút nào, họ cũng mỏi mệt như ai. Nhà thơ như cảm nhận cái hùng vĩ của sương núi cùng một lúc với cái mỏi mệt của chính mình. “ Mường Lát hoa về” là một hình ảnh thơ mộng, nhưng “trong đêm hơi”, tức hơi đá lại rất man dại, heo hút.

Cùng với mù sương là kí ức về độ cao, một độ cao thăm thẳm, vượt lên trên cả các tầng mây ( cồn mây), nơi heo hút không có sự sống:
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
.

Nhiều người nhận xét cái dốc khúc khuỷu, thăm thẳm có ý vị thục đạo nan của Lí Bạch, nhưng không có ý vị trang nghiêm của một đường lên trời, bởi “ súng ngửi trời” là một hình ảnh ngộ nghĩnh, hóm hỉnh. Mặt khác, độ cao đổi thay chóng mặt: “ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, xuống dưới những cồn mây, và đột ngột, nhận ra nơi xa xăm bóng dáng của sự sống con người:
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

“ Khơi” là vùng biển xa bờ. “ Xa khơi” còn xa bờ hơn nữa, ở đây chỉ khoảng cách rộng. Đã thế lại còn “ mưa xa khơi”, làm cho nhà ai như nhòe đi trong đợi mong. Cả câu thơ dùng toàn thanh bằng như một tiếng reo vui, hồi hộp, ngân xa.

Bóng dáng người lính xuất hiện đầu tiên trong bài thơ này là một trường hợp hi sinh rất bình dị, đời thường:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ, bỏ quên đời
.

Anh không chết trong cuộc đấu gươm, đọ súng,mà chết vì kiệt sức trên đường hành quân. Anh hành quân đến hơi sức cuối cùng. Không bước nữa, nghĩa là gục xuống chết, lặng lẽ như “ bỏ quên đời”

Rừng núi oai linh hiện ra với tất cả vẻ đe dọa dữ dằn của nó:
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
.

Nhưng rừng núi đã mất đi vẻ rùng rợn , vì ba chữ “ cọp trêu người”. Hình ảnh nhớ nhung nhất của đoạn này là ngọn khói no ấm ở Mai Châu mùa nếp với các cô thiếu nữ:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.


Cả ở câu này chất thơ của “ cơm lên khói”, “ Mai Châu mùa em thơm” cũng hòa hợp tương phản với chất văn xuôi của “ nếp xôi”.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top