Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Pyotr I của Nga
Pyotr I (10 tháng 6, 1672 tại Moskva – 8 tháng 2, 1725 tại Sankt-Peterburg) là Sa hoàng của nước Nga cũ và sau đó là Hoàng đế của Đế quốc Nga, được tôn là Pyotr Đại đế (hay Pi-e Đại đế, Pie Đại đế, tiếng Nga: Пётр Великий, Pyotr Velikiy).
Tiểu sử
Ông là con trai thứ 3 của Sa hoàng Aleksei I. Mẹ ông là Natalia Kirillovna Naryshkina, vợ thứ hai của Aleksei I; tên đầy đủ của ông, do đó, là Pyotr Alekseyevich Romanov .
Pyotr I có 2 anh là hoàng tử Fyodor, hoàng tử Ivan và 1 chị là công chúa Sofia. Cả 3 người đều là con của hoàng hậu Maria Ilyinichna Miloslavskaya đã qua đời, tức là anh chị cùng cha khác mẹ của Pyotr I.
Vua nhỏ mất quyền
Khi Pyotr I lên ba tuổi rưỡi, vua cha Aleksei I qua đời ở tuổi 47. Người kế vị ngai vàng là Thái tử Fyodor, khi đó 15 tuổi, là con trai trưởng của Hoàng hậu quá cố Maria Ilyinichna Miloslavskaya, tức là anh cùng cha khác mẹ của Pyotr. Tuy nhiên Fyodor bị khuyết tật, sức khỏe kém.
Cuộc đời thơ ấu của Pyotr trải qua bình lặng trong sáu năm (1676-1682) dưới triều đại của Fyodor III. Khi Fyodor qua đời lúc mới 20 tuổi, chỉ còn có hai ứng viên lên ngôi: người em ruột của Fyodor tên Ivan, 17 tuổi, và người em cùng cha khác mẹ chính là Pyotr, lúc đó 10 tuổi. Pyotr được chọn làm Sa hoàng kế vị.
Ban đầu, tình hình có lợi cho Pyotr I. Ông được Tổng giám mục và đa số lãnh chúa địa phương ủng hộ. Mẹ ông, bà Natalia trở thành thái hậu nhiếp chính. Song Natalia lại là người hiền lành, lương thiện, thiếu tinh thần phấn đấu và trí tuệ cũng bình thường[1] và vì thế bà không hợp với vị trí nhiếp chính.
Được vài tháng, người chị cùng cha khác mẹ của Pyotr, tức chị ruột của Ivan, Công chúa Sofia Alekseyevna, xách động Cấm vệ bạo loạn. Kết quả là Ivan và Pyotr trị vì bên nhau với danh nghĩa đồng-Sa hoàng – Ivan là Sa hoàng có vị thế cao hơn - là Sa Hoàng đệ nhất, còn Pyotr chỉ là Sa Hoàng đệ nhị. Công chúa Sofia Alekseyevna được cử làm Phụ chính. Quyền lực trong triều đình thực sự nằm trong tay Sofia.
Trưởng thành ở thôn dã
Trong thời gian Sofia điều hành việc nước, Pyotr rời xa Moskva, lớn lên nơi thôn dã. Khi Pyotr lên 14, ông và mẹ Natalia đến cư ngụ ở Cung điện Preobrazhenskoe, trong ngôi làng cùng tên dọc bờ sông Yauza, cách Moskva khoảng 5 km. Những trò chơi tập đánh trận mà Pyotr ưa thích biến nơi này thành một doanh trại quân đội hoàn chỉnh. Tổng cộng có 300 thiếu nhi và trai trẻ, sống trong những khu doanh trại, tập luyện như quân đội, sử dụng ngôn ngữ của quân đội và lĩnh lương theo chế độ quân đội. Một trong những thiếu niên lày là Aleksandr Danilovich Menshikov, sau này trở thành đại thần thân thiết nhất của Pyotr. Pyotr xem tất cả thiếu niên đồng trang lứa như là bạn của mình, từ nhóm nhỏ này Pyotr gây dựng nên Lữ đoàn Preobrazhenskoe. Đây cũng là lữ đoàn đầu tiên của lực lượng Cảnh vệ Hoàng gia mà lữ đoàn trưởng luôn luôn là Sa hoàng nước Nga, cho đến khi chế độ quân chủ Nga chấm dứt vào năm 1917.
Không bao lâu, mọi doanh trại trong ngôi làng nhỏ bé Preobrazhenskoe đều chật lính, các doanh trại mới được xây dựng thêm ở ngôi làng Semyonovsky gần đó; với thời gian, đội quân này phát triển thành Lữ đoàn Semyonovsky, và là lữ đoàn thứ hai của lực lượng Cảnh vệ Hoàng gia. Mỗi lữ đoàn lúc sơ khai có 300 quân, được tổ chức thành bộ binh, kỵ binh và pháo binh giống như bên quân đội thực thụ. Lữ đoàn Cảnh vệ Hoàng gia cũng có hệ thống quân hàm, với sĩ quan trận địa, đội hậu cần, ban hành chính, ban quân lương, lính thổi kèn, lính đánh trống... như bên quân đội.
Trong thời gian này, một thương nhân già người Hà Lan tên Franz Timmerman đã dạy cho Pyotr số học, hình học, cách tính toán đạn đạo...Đối với Pyotr, ông vừa là chuyên gia tư vấn vừa là người bạn, và Pyotr luôn giữ ông thầy bên mình để trả lời các câu hỏi liên tục tuôn ra từ vị sa hoàng nhỏ tuổi.
Chính Timmerman và Pyotr tìm thấy một chiếc thuyền mục nát kiểu Anh, được một người Hà Lan khác sửa chữa, và ông này chỉ dẫn Pyotr lái chiếc thuyền. Pyotr gọi chiếc thuyền này là "Thủy tổ của Hải quân Nga", hiện được trưng bày ở Bảo tàng Hải quân Nga ở thành phố Sankt-Peterburg.
Sau đó, Pyotr học đóng thuyền trên bờ hồ Pleschev, cách Moskva gần 140 kílômét về phía đông-bắc. Việc tình cờ tìm thấy chiếc thuyền và những bài học lái thuyền đầu tiên cùng với việc đóng những chiếc tàu khu trục nhỏ và thuyền buồm đầu tiên khởi đầu cho lòng đam mê biển và ước muốn học hỏi từ Tây Âu của Pyotr.
Vào ngày 27 tháng 1 năm 1689, Pyotr lên 17 tuổi và nghe theo lời mẹ, cưới Evdokiya Fyodorovna Lopukhina - một cô gái xuất thân trong tầng lớp quý tộc, lúc đó lên 20. Họ có hai con trai: Aleksei (sống đến tuổi trưởng thành) và Aleksandr (chết 7 tháng sau khi ra đời).
Giành lại quyền lực
Sau 7 năm làm phụ chính bên cạnh vua em Ivan cũng yếu ớt như Fyodor, Sofia toan tính chuyện trừ diệt Pyotr và phế bỏ Ivan để chính thức làm nữ hoàng.
Nhờ sự ủng hộ của đông đảo quý tộc lúc đó, Pyotr I biết được ý định của Sofia. Ông còn được sự hỗ trợ đắc lực của 2 quân đoàn cấm vệ và các sĩ quan trong vệ đội hoàng gia, vì thế Pyotr không khó khăn bẻ gãy được ý định binh biến của Sofia.
cuộc khủng hoảng bùng nổ vào ngày 17 tháng 8 năm 1689 giữa hai phe của Sofia và Pyotr. Kết quả là Sofia bị lật đổ, bị tước bỏ hoàn toàn quyền hành và bị đưa vào nữ tu viện Novodevichy. Từ đó, dù trên danh nghĩa, Ivan và Pyotr tiếp tục trị vì bên nhau nhưng trên thực tế quyền hành hoàn toàn do Pyotr nắm.
Trong 5 năm tiếp theo, Pyotr quay trở về Preobrazhenskoe và hồ Pleschev, vẫn sống theo lối sống thiếu niên thiếu quy củ, thiếu trách nhiệm, hoàn toàn dửng dưng với chính sự. Trước thời gian này, chính phủ được điều hành bởi một một nhóm nhỏ đã từng ủng hộ và dìu dắt ông trong cuộc đối đầu với Sofia.
Trong hai năm 1693 và 1694, Pyotr đi đến Arkhangelsk để quan sát những hoạt động của một bến cảng, cách tập lái tàu biển, đặt mua chiếc tàu đầu tiên và đóng thêm tàu cho Hải quân Nga... Nhận thấy tầm quan trọng của nền hàng hải, Pyotr càng quyết tâm học hỏi điều hay từ Tây Âu và chú tâm đến việc xây dựng cảng biển.
Ngày 8 tháng 3 năm 1696, Sa hoàng Ivan V thình lình băng hà ở tuổi 29. Từ đó, Pyotr là Sa hoàng duy nhất, là người trị vì tối cao độc nhất của đất nước Nga.
Chiến tranh mở rộng lãnh thổ
Mở cửa biển Azov
Khi Pyotr lên ngôi, nước Nga tuy có lãnh thổ rộng lớn nhưng không có đường thông ra biển Baltic hoặc biển Đen để thông thương với các nước Tây Âu có trình độ văn minh khá cao khi đó. Vì vậy, ông quyết định dùng chiến tranh để mở rộng lãnh thổ, lấy đường thông ra biển.
Để tiến ra biển Đen, trước tiên người Nga phải lấy được pháo đài Azov, thông ra biển Azov. Khi đó biển Azov nằm trong tầm kiểm soát của Hãn quốc Crimea, do sắc tộc Tatar cai trị dưới sự bảo trợ của Đế quốc Ottoman. Tháng 1 năm 1695, ông mang 3 vạn quân tấn công Azov.
Để đề phòng sự tấn công của Nga, Hãn quốc Crimea đã cho xây nhiều đồn lũy tại sông Đông là con đường từ biển Azov chảy ra. Tình hình chiến sự ban đầu bất lợi cho Pyotr vì khi đó Nga chưa có hải quân nên không thể cô lập được pháo đài Azov, ngược lại quân địch lại được hải quân tiếp viện nên chống quân Nga rất hiệu quả. Chính vì vậy, cuộc tấn công của Pyotr bị thất bại.
Hiểu được nguyên nhân thất bại, Pyotr ra sức xây dựng hải quân. Từ mùa thu năm 1695, xưởng đóng tàu khởi động. Đích thân ông tới công xưởng, cầm búa và bào làm việc với công nhân[3]. Do sự thúc đẩy nhanh chóng, tháng 5 năm 1696, xưởng đã đóng xong 18 chiếc thuyền có buồm, 7 chiếc thuyền trang bị súng đại bác và 1300 chiếc thuyền vận tải chuyên chở binh lính và quân nhu.
Ngay tháng 5 năm 1696, Pyotr phát động tấn công Azov lần thứ 2. Cuối tháng, lục quân Nga kéo tới chân thành và công phá. Trên mặt biển, quân Nga và viện binh Crimea cũng đụng nhau dữ dội. Kết quả thủy quân Nga đánh bại quân Crimea. Viện binh Crimea phải rút, pháo đài Azov bị cô lập. Quân Nga phong tỏa cửa sông Đông. Bị quân Nga tấn công cả trên bộ và từ biển, đến ngày 18 tháng 7, quân trong thành phải ra hàng.
Lấy được Azov là Pyotr có bàn đạp tiến ra làm chủ biển Đen, nhưng tình hình sau đó lại thay đổi. Không lâu sau, kẻ thù truyền kiếp của Đế quốc Ottoman là Áo lại ký hòa ước với Đế quốc Ottoman. Vì thế Nga bị mất đi một đồng minh và sẽ phải một mình đương đầu với Đế quốc Ottoman. Pyotr nhận thấy mình chưa đủ thực lực để một mình đánh bại quốc gia này. Ông quyết định tạm thời buông mục tiêu tiến ra biển Đen và quay sang mục tiêu biển Baltic .
Chiến tranh với Thụy Điển
Chuẩn bị chiến tranh
Năm 1696, Pyotr gửi một đoàn sứ thần hơn 250 người, mà sử gia gọi là Đại Phái bộ Sứ thần đến một số nước Tây Âu. Mục đích của chuyến đi là nhằm củng cố liên minh chống Ottoman, và còn để tìm nguồn nhân lực, mua vũ khí và trang thiết bị cho Hải quân Nga. Pyotr không đi với tư cách Sa hoàng mà giấu tung tích, giả dạng là một nhân viên của các đại sứ.
Tác động của chuyến đi vô cùng rộng lớn. Pyotr trở về Nga với quyết tâm cải tổ đất nước theo đường hướng của Tây Âu. Theo ý nghĩa nào đó, ảnh hưởng đi theo vòng tròn: Tây Âu ảnh hưởng đến cá nhân Pyotr, Pyotr ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước Nga, và nước Nga, một khi đã hiện đại hóa và vươn lên, có tầm ảnh hưởng mới và mạnh hơn đến Tây Âu. Vì thế, đối với cả ba – Pyotr, nước Nga và Tây Âu – việc lập và gởi Đại Phái bộ Sứ thần là một thời điểm bước ngoặt.
Năm 1697, trong khi Pyotr còn đang ở Tây Âu, lực lượng Cẩm vệ Streltsy lại nổi loạn và bị đàn áp một cách mạnh bạo.
Ngày 9 tháng 8 năm 1700, Pyotr tuyên bố chiến tranh với Thụy Điển, giải thích mục tiêu là để chiếm lại hai tỉnh Ingria và Karelia. Hai tỉnh này, ở phía bắc và nam của sông Neva, cộng với hồ Ladoga và các pháo đài Nöteborg, Narva và Riga, lúc trước thuộc về Nga. Hòa ước Nga–Thụy Điển năm 1664 tái xác nhận các vùng đất này thuộc Thụy Điển. Tuy thế, trong ý nghĩ của Pyotr, đấy là những lãnh thổ của Nga mà ông muốn đoạt lại để mở đường thông thương ra biển. Chiến tranh kéo dài hơn 20 năm, với nhiều nước Bắc Âu can dự vào, nên sử gia gọi là Đại chiến Bắc Âu.
Đây là sự đối đầu của hai vị vua trẻ tuổi, Pyotr I và vua Karl XII của Thụy Điển. Thụy Điển là cường quốc Bắc Âu khi đó, có hải quân mạnh, đồng thời đã chiếm được Karelia và một vùng đất rộng lớn nằm dọc theo bờ biển Baltic, phong tỏa đường biển của Nga.
Để chuẩn bị chiến tranh với Thụy Điển, Pyotr I ký Hiệp ước Liên minh phương Bắc với Ba Lan và Đan Mạch vào năm 1696. Đồng thời, để yên ổn phương nam, dốc toàn lực vào cuộc chiến phương Bắc, ông ký hòa ước với đế quốc Ottoman có hiệu lực trong 30 năm.
Từ thất bại đầu tiên
Sau khi tuyên chiến Pyotr I mở cuộc tấn công vào vùng đất chiến lược Navar. Quân Thụy Điển được trang bị và huấn luyện tốt, chỉ với 1 vạn người đã đánh bại quân Nga đông hơn gấp vài lần và bắt được hàng ngàn tù binh .
Cũng như trong cuộc chiến với Ottoman, thất bại đầu tiên không khiến Pyotr I nản lòng. Ông quyết tâm tìm cách phục thù. Ông ra lệnh trưng binh trên toàn quốc, nhanh chóng xây dựng được 10 quân đoàn mới; cho thống kê chuông nhà thờ trên toàn quốc và trưng dụng 1/4 số chuông vào việc đúc đại bác. Ông tuyển lựa 250 thanh niên vào trường huấn luyện pháo binh và công binh, mua 15.000 khẩu súng trường từ nước ngoài để trang bị cho quân đội. Bản thân ông tự mình đi khắp đất nước để thị sát việc chuẩn bị và đôn đốc tái phát động cuộc chiến chống Thụy Điển .
Mở cửa sông Neva
Năm 1701, lợi dụng lúc quân chủ lực Thụy Điển đi đánh Ba Lan, Pyotr I tấn công vào các đồn lũy của Thụy Điển ở dọc bờ biển Baltic. Sau nhiều ngày tấn công, sang năm 1702, quân Nga chiếm được Noteburg nằm trên cửa sông Neva. Pyotr đổi tên nơi này thành Schlysselburg nghĩa là "thành phố chìa khóa", với ngụ ý lấy thành phố này làm chìa khóa mở cửa con sông Neva ra biển lớn.
Tiếp đó, quân Nga lại mở các cuộc tấn công vào vùng tam giác sông Neva. Nhằm bảo vệ cho cửa ra của sông Neva, Pyotr huy động hàng vạn nông nô đến xây dựng đồn lũy trên hòn đảo gần đó. Sau này, ông cho xây dựng thành phố nằm sát ven biển là Petersburg làm cửa ngõ đi ra các nước Tây Âu.
Tháng 8 năm 1704, quân Nga lại tấn công Narva và lần này chiếm được.
Trong năm 1708 và 1709, Pyotr đích thân chỉ huy chiến dịch Nesnaya và chiến dịch Poltava, đánh tan những cuộc tấn công lên bộ của quân Thụy Điển. Giai đoạn đầu của cuộc đại chiến Bắc Âu kết thúc bằng thắng lợi của quân Nga.
Chiến tranh với Ottoman (1710 - 1711)
Sau trận Poltava, Karl XII chạy sang Đế quốc Ottoman, và lôi kéo hoàng đế Ahmed III vào cuộc chiến. Ngày 20 tháng 11 năm 1710 Ahmed tuyên chiến với Nga.
Năm 1711, Pyotr khởi xướng chiến dịch Pruth. Trong chiến dịch này, Pyotr cùng với tướng Boris Sheremetev xâm chiếm lãnh thổ Ottoman ở Moldavia, sự với ủng hộ của Hoàng thân Moldavia. Và, quân Nga đã bị quân Ottoman, do quan Tể tướng Baltaci Mehmet Pasha chỉ huy, đánh tan tác trong trận đánh quyết định tại Stănileşti.
Ngày 21 tháng 7 năm 1711, hai bên ký kết Hiệp định Pruth: Nga phải nhượng lại pháo đài Azov cho Ottoman.
Thất bại của quân Nga trong cuộc chiến này có nhiều nguyên nhân. Pyotr đã từ bỏ chiến lược thận trọng thường thấy lúc trước đã được áp dụng thành công đối với Karl. Thay vào đó ông đã thủ vai trò của Karl mà hng hăng dẫn quân vào Đế quốc Ottoman, dựa vào sự hỗ trợ và tiếp viện của một đồng minh không đáng tin cậy là Moldavia. Ông đã nghe thông tin sai lạc về sức mạnh quân Ottoman, và đã tính toán sai lầm về tốc độ hành quân của họ.
Tiến ra biển Baltic
Tháng 7 năm 1714, giai đoạn 2 của cuộc đại chiến Bắc Âu tái diễn. Quân Nga và quân Thụy Điển gặp nhau ở eo biển Hanko. Hải quân Nga áp dụng cập mạn đánh sáp lá cà và giành thắng lợi lớn, thu được một bộ phận của hạm đội hải quân Thụy Điển.
Sau trận Hanko, Thụy Điển lâm vào thế yếu và buộc phải đàm phán với Nga tại quần đảo Aland năm 1718. Nhưng cuộc đàm phán diễn biến chậm chạp. Thụy Điển hy vọng Anh sẽ tham chiến giúp mình nhưng Anh lại muốn duy trì cục diện cân bằng ở châu Âu nên chỉ đưa ra mặt trận một hạm đội nhỏ để kiềm chế sức tấn công của quân Nga.
Trong khi đàm phán đang tiếp tục, vào đêm 30 tháng 11 năm 1718, Karl XII tử trận khi đang dẫn quân công hãm pháo đài Frederiksten ở Na Uy.
Không sợ hãi áp lực của hải quân Anh, Pyotr mở cuộc tấn công lớn và giành thắng lợi vang dội trước hải quân Thụy Điển năm 1720. Thụy Điển bị thiệt hại nặng, phải mở lại hội đàm với Nga tại Nystad (Phần Lan). Cuối cùng Hòa ước Nystad giữa Nga và Thụy Điển được chính thức ký kết ngày 14 thánh 9 năm 1721. Theo Hòa ước Thụy Điển cắt nhường cho Nga vĩnh viễn các vùng Livonia, Ingria và Estonia, cùng với Karelia kéo dài đến Vyborg.
Sau này, Pyotr hồi tưởng lại cuộc chiến kéo dài 21 năm với Thụy Điển, ông nói:
Đó là giai đoạn phải bỏ ra thời gian gấp ba lần để học xong một mái trường hy sinh bằng máu, đầy rẫy những nguy hiểm. Tất cả những nhà trường thông thường khác chỉ cần học bảy năm là tốt nghiệp, nhưng chúng ta phải học ở nhà trường này với thời gian tốn gấp 3 lần. Cảm tạ trời đất, thành tích tốt nghiệp của chúng ta tốt không còn cách nào hơn.
Ngày 31 tháng 10 năm 1721, Thượng viện Nga chính thức biểu quyết ban tặng cho Pyotr tước vị "Pyotr Đại đế, Hoàng đế và Cha của đất nước Nga.
Tiến về phía nam và phía đông
Ngay trong thời kỳ chiến tranh với Thụy Điển, Pyotr đã phái một đoàn khảo sát vùng Trung Á, thuyết phục Hãn quốc Khiva thần phục Nga và tìm hiểu con đường đến Ấn Độ.
Về phía Siberia, ông phái quân chiếm một vùng đất rộng lớn tại thượng du sông Irtish và xâm chiếm dần dần vùng lãnh thổ Yarkanr sát biên giới Trung Quốc dưới thời nhà Thanh. Ông còn phái quân đánh sang Trung Quốc, tiến sâu tới Vạn Lý Trường Thành. Sau này quân Mãn Thanh chống trả quyết liệt, quân Nga mới rút lui .
Nhân lý do các thương nhân Nga bị đánh và cướp ở vùng Samarkand, tháng 7 năm 1722, ông điều quân tấn công Đế quốc Ba Tư. Quân Nga lần lượt đánh chiếm Baku, Sari, Resht.
Năm 1723, Ba Tư phải ký hòa ước với Nga. Ba Tư cắt Nienschanzt cho Nga và đổi lại Nga phải bảo vệ Ba Tư trước đế quốc Ottoman. Ông muốn nhân cơ hội đó để tiến sang Tây Á và Ấn Độ, nhưng gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ của Đế quốc Ottoman nên tham vọng của ông không thực hiện được.