Pipilu và sự đổi lốt kinh hoàng

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Pipilu và sự đổi lốt kinh hoàng

Pipilu có lời muốn nói: Chuyện này xảy đến với chính tớ. Khi cô Chu dạy thêm cho tớ ở nhà, tớ và cô ấy đã hoán đổi vị trí với nhau. Bạn chớ có vội tưởng tượng vớ vẩn, chẳng qua là tớ biến thành cô Chu còn cô ấy thì biến thành tớ thôi. Chuyện về sau li kì hấp dẫn thế nào chắc là bạn tưởng tượng ra được. Lần sau nếu thầy cô có dạy thêm cho bạn thì nhớ phải cẩn thận hơn nhé!

CHƯƠNG 1
Bố Pipilu đau đầu lắm về kết quả học tập của cậu. Bố hi vọng khi họp phụ huynh sẽ không còn cái cảnh mình không ngẩng đầu lên được nữa, bố còn ao ước được như bố của Sa Sa, mỗi lần đi họp phụ huynh niềm vui đều lộ rõ trên nét mặt. Mỗi buổi tối trước khi lên giường đi ngủ, bố mẹ lại phải “đàm phán” về vấn đề kết quả học hành thi cử của cậu con trai.
- Thế nào thì lần sau anh cũng không đi họp phụ huynh nữa đâu, xấu mặt lắm rồi. Em cũng phải đi đi chứ! - Bố nói.
- Thôi anh đi đi! Dẫu sao da anh cũng dày hơn em mà! - Mẹ nói.
- Mãi thế này không ổn đâu! Mình phải nghĩ cách gì đó chứ! - Bố thở dài thườn thượt.
- Anh đừng có cứ gặp chuyện gì là lại cuống hết lên, người ta sinh ra là để giải quyết các vấn đề mà, chỉ có khi chết đi rồi mới không còn vấn đề nữa thôi. - Mẹ “lên mặt” giảng giải.
- Ừ, em nói cũng phải. - Bố gật đầu.
- Em có một cô bạn đồng nghiệp, kết quả thi cử của con cô ấy cũng không tốt cho lắm, thế là cô ấy liền mời cô giáo chủ nhiệm của nó đến kèm riêng. Đâu bảo kết quả tốt lắm ấy!- Mẹ nói.
- Cô giáo cả ngày dạy học mệt thế rồi còn đến kèm riêng cho Pipilu nhà mình được nữa không? - Bố thấy mẹ như đang kể chuyện cổ tích.
- Dạy thêm có trả công chứ lại! Phải trả thù lao cho cô giáo. - Mẹ nói.
- Phải trả tiền á?
- Người ta vẫn nói thầy cô luôn phiền muộn vì những học sinh học kém nhưng giờ thì không thế nữa rồi. Học sinh kém giờ là cơ hội cho thầy cô kiếm thêm, càng nhiều học sinh yếu kém thì thầy cô càng có nhiều cơ hội kiếm tiền.
- Vậy thì bỏ tiền mời cô giáo dạy thêm cho Pipilu nhà mình đi! - Bố nói.
- Chưa biết điểm thi của Pipilu sau khi học thêm có khá khẩm gì hơn không, nhưng cô giáo nhận tiền thù lao rồi thì chắc sẽ không làm cho chúng ta phải khó xử khi đi họp phụ huynh nữa.
- Phải đấy! - Mẹ tắt đèn.
Ngày hôm sau, bố Pipilu gọi điện cho cô Chu, giáo viên chủ nhiệm.
- A lô, cô Chu phải không ạ. Tôi là bố của em Pipilu.
- Dạ vâng, chào anh!
- Tôi muốn trao đổi với cô giáo một chuyện.
- Vâng, anh cứ nói đi.
- Điểm thi của Pipilu nhà tôi trước giờ chẳng tốt gì cả, tôi lo lắm. Tôi muốn mời cô giáo dạy kèm thêm cho nó ngoài giờ, chúng tôi sẽ gửi thù lao cho cô giáo.
- Để tôi nghĩ đã...
- Cô Chu làm ơn đồng ý đi. Mỗi tháng cô đến dạy cho Pipilu nhà tôi 6 buổi, chúng tôi kính gửi cô 600 đồng. Nếu cô cho là hơi ít thì chúng tôi sẽ gửi thêm. Chúng tôi chỉ mong là sau khi học thêm thì kết quả thi của Pipilu nhất định phải khá lên.
- Thôi được, tôi đồng ý! Lúc nào thì bắt đầu?
- Ngày kia bắt đầu luôn được không cô giáo?
- Được.
Tối hôm đó, bố Pipilu cho nó biết về quyết định học thêm ở nhà.
- Bảo cô Chu đến nhà kèm riêng cho con á? – Pipilu đang nhai cơm cũng dừng lại, ngạc nhiên vô cùng.
- Con không thích à? - Bố Pipilu nhận ra sự buồn bã hiện lên trên nét mặt của con trai.
Pipilu sợ nhà mình cũng biến thành trường học nốt, nếu mà thế thật thì chắc nó không còn đường sống mất.
- Cô Chu sẽ đến nhà dạy thêm cho con thật ạ? – Pipilu không tin.
- Dạy có trả công đấy ông tướng ạ. - Mẹ giải thích.
- Cô giáo chủ nhiệm lớp con cùng lúc kèm riêng cho 8 bạn học sinh yếu. Từ sau khi các bạn ấy học thêm, thái độ của cô giáo với các bạn ấy tốt hẳn lên nhé. - Luxixi chen vào.
- Vì cô giáo lấy tiền của nhà chúng nó chứ còn gì – Pipilu nói mỉa mai.
- Giáo viên khôn ra chính là ở chỗ ấy đấy, con tưởng ai cũng như con à? - Mẹ lên tiếng giáo dục con trai.
- Một tháng học bao nhiêu buổi ạ? – Pipilu hỏi
- 6 buổi. - Bố đáp
- 6 buổi liền! Sao nhiều thế? – Pipilu hét lên. – Thế là vi phạm “Luật Lao động”!
- Con thì can hệ gì tới “Luật Lao động”?! - Bố hỏi Pipilu.
- Cô Chu thì có đấy ạ. Ban ngày cô ấy đã dạy cả 8 tiếng ở trường rồi, tối lại còn dạy thêm cho con ở nhà nữa, thế chẳng phải vi phạm “Luật Lao động” là gì? – Pipilu rất hùng hồn.
- Cô tự nguyện mà con! – Mẹ giải thích.
- Bố mẹ trả cho cô ấy bao nhiêu ạ? – Pipilu hỏi.
- Mỗi tháng 600 đồng. - Bố đáp.
- Nếu con là cô ấy, tối nào cũng dạy thêm cho học sinh thì chẳng đến vài năm sẽ thành triệu phú. – Pipilu nói.
Bố trừng mắt nghiêm khắc nhìn Pipilu. Pipilu thấy thế đành ngoan ngoãn cúi xuống ăn tiếp.
- Từ tối ngày kia bắt đầu học, mỗi buổi 2 tiếng. - Bố tuyên bố.
Pipilu chẳng biết nói gì hơn.
Chớp mắt đã đến tối ngày kia rồi. Ăn tối xong, Pipilu ngay ngắn chỉnh tề ngồi trong phòng mình chờ cô Chu đến dạy thêm. Đúng 7 giờ tối, cô Chu đến. Bố mẹ Pipilu và cô Chu nói chuyện vài câu, rồi bắt đầu giờ học.
Ngồi cùng cô giáo chủ nhiệm trong phòng của mình, Pipilu thấy thật khó chịu, chẳng thoải mái gì cả. Thái độ của cô Chu với Pipilu khác hẳn thường ngày. Cô giảng bài cho nó bằng giọng nói êm ái hiền từ. Pipilu chẳng thể nào quen được điều đó. Khi ở trường cô Chu chẳng bao giờ nói với nó bằng cái giọng dễ nghe như thế.
Pipilu rất muốn xem chương trình ti vi tối nay. Cô Chu cũng chịu áp lực lớn lắm, cô đã nhận tiền công của người ta thì cũng phải làm sao cho kết quả con họ tốt lên. Cô không chỉ dạy riêng cho Pipilu, lịch dạy thêm các buổi tối của cô đều đã kín đặc. Cô mệt lắm nhưng cô cần tiền, và cũng cần điểm số của học sinh để thi đua với các giáo viên khác. Hai tiếng đã trôi qua, Pipilu cũng chẳng biết cô giáo đã giảng cái gì nữa vì đôi tai nó cứ vểnh lên cố nghe cho được tin tức phát ra từ ti vi nhà hàng xóm...

CHƯƠNG 2
Cô Chu dạy kèm cho Pipilu đến hôm nay đã được 9 buổi. Cô không phải là một người khờ khạo, từ lâu cô đã nhận ra trong khi học bài, Pipilu luôn trong trạng thái “tâm hồn treo ngược cành cây”. Lúc nào cô cũng phải nhắc nó tập trung chú ý nghe giảng. Pipilu khó tập trung vào bài học không phải do nó không thích học hành mà vì sách vở khô khan quá, chẳng phù hợp với trẻ con gì cả. Những đứa thích được kiểu sách thế này mới là không bình thường.
Hôm nay cô Chu khá mệt, cả ngày ở trường dạy liền 6 tiết rồi còn gì. Lúc dạy kèm Pipilu, cô cũng cảm thấy lực bất tòng tâm, không biết làm thế nào. Thậm chí cô còn ước được như Pipilu, thoải mái tự do thích nghe thì nghe không thích thì thôi, còn cô thì không thích vẫn phải ra rả nói thích.
Hôm nay, Pipilu cũng có áp lực. Trước khi học bố đã nói, học kì này điểm thi của nó phải từ 85 điểm trở lên[1]. Nó ngồi ngây ra nhìn mồm cô giáo mấp máy, cứ thấy làm cô giáo thật là sướng hơn học sinh biết bao nhiêu. Pipilu lại còn buồn ngủ nữa chứ, hôm qua nó làm bài tập đến tận 12 giờ đêm mới đi ngủ, sáng hôm nay 6 giờ đã phải dậy rồi. Cô Chu và Pipilu đều cố gắng vực dậy tinh thần, cả hai đều phải tốn một khoảng thời gian quý báu của trong cuộc đời mình để bắt tay cùng nhau vật lộn với cuộc thi mà xét bề ngoài thì rất có liên quan tới họ nhưng về bản chất thì chẳng có can hệ gì hết.
Cơn buồn ngủ bủa vây Pipilu. Sự mệt mỏi không tha cho cô Chu. Bài học vẫn tiếp diễn. Pipilu dụi dụi đôi mắt đã cay sè vì buồn ngủ, nó mơ hồ thấy trước mặt mình như có một chiếc gương, và thấy mình trong đó. Không thấy cô Chu đâu nữa cả.
- Cô ơi! – Pipilu gọi.
- Chuyện gì thế? – Pipilu trong gương lên tiếng đáp lại.
- Cô Chu? – Pipilu chợt nhận ra trước mặt mình không phải là một cái gương nào cả mà chính là một Pipilu thật sự.
Cô Chu cũng đột nhiên phát hiện ra Pipilu lúc này đã biến thành mình.
- Pipilu, em...?! – Cô Chu cúi xuống nhìn lại mình, cô khiếp đảm, cô đã biến thành Pipilu.
Pipilu cũng cúi đầu nhìn lại mình, nó thấy ngực mình nhô lên, còn cả bộ tóc dài nữa chứ!
- Cô Chu, chuyện gì thế này? – Pipilu nhận ra giọng nói của mình cũng biến thành giọng nữ của cô Chu.
- Cô không biết! - Giọng cô Chu cũng biến thành y hệt Pipilu.
Pipilu và cô Chu đều rất hoảng hốt và sợ hãi, không biết chuyện quái quỉ gì xảy ra với mình. Pipilu và cô Chu đã hoán đổi thân thể cho nhau. Nhưng còn bộ não và tư duy của ai thì vẫn là của người ấy. Thấy chính mình lại xuất hiện bên ngoài cơ thể của mình, Pipilu và cô Chu đều vô cùng kinh hoảng.
Bố Pipilu đẩy cửa bước vào.
- Hết giờ rồi, cô Chu nên về nhà nghỉ ngơi cho sớm! - Bố nói với Pipilu.
- Bố, con là Pipilu đây! – Pipilu nói với bố.
Bố Pipilu sững người lại khi nghe cô Chu gọi mình là “bố”.
- Cô Chu... cô...?! - Bố cuống cả lên không biết làm sao.
- Con không phải cô Chu, con là Pipilu mà bố! – Pipilu cũng cuống lên.
Bố quay sang nhìn Pipilu.
- Tôi là cô Chu, hôm nay học đến đây thôi. Tôi xin phép về đây! – Cô Chu nói với bố Pipilu.
Bố thấy con trai lại nói mình là cô Chu thì lại đần người ra lần nữa. Đúng lúc đó mẹ bước vào. Bố vội cầm tay mẹ lôi sang một bên thì thào.
- Sao thế được? - Mẹ hoàn toàn không tin.
- Con đúng là Pipilu mà! – Cô Chu nói.
- Còn tôi đúng là cô Chu mà! – Pipilu nói.
Mẹ Pipilu là bác sĩ mà cũng phải phát hoảng.
- Có khi nào học hành và dạy thêm nhiều tạo nên áp lực quá lớn làm tinh thần cả hai rối loạn chăng? - Mẹ nói nhỏ với bố.
- Phải làm thế nào bây giờ? - Bố Pipilu hối hận vô cùng, lẽ ra không nên để cô Chu dạy kèm con trai.
- Anh đi gọi điện cho chồng cô Chu, bảo chú ấy đến đón cô giáo về! - Mẹ nói với bố.
Bố bèn sang phòng bên gọi điện đến nhà cô giáo Chu.
- Tôi về đây! - Cô Chu nói với mẹ Pipilu.
- Con là Pipilu mà, con đi đâu mà đi? - Mẹ ngăn con trai lại.
- Tôi đúng là cô giáo Chu mà. Chẳng biết làm sao mà tôi và Pipilu lại hoán đổi hình dáng bên ngoài với nhau. - Cô Chu nói với mẹ Pipilu.
- Sao có chuyện thế được. Bây giờ cô và Pipilu đang mắc chút rối loạn tinh thần, tí nữa sẽ trở lại bình thường thôi. - Mẹ trấn an.
Chồng cô Chu đã đến.
- Tôi họ Triệu, là chồng của cô giáo Chu. Đã xảy ra chuyện gì vậy ạ? - Vừa vào đến cửa chú Triệu liền hỏi ngay.
- Chuyện là thế này... - Bố kéo chú Triệu sang một phòng khác. - Có lẽ cô Chu và Pipilu nhà tôi phải chịu áp lực quá lớn, lại thêm mệt mỏi quá sức nên tinh thần có chút bất ổn.
- Biểu hiện thế nào? - Chú Triệu hỏi.
- Cả hai cứ nhất định nói mình là người kia. - Bố nói.
- Ý anh là gì ạ? - Chú Triệu không hiểu.
- Cô Chu thì một mực nói mình là Pipilu. Còn Pipilu thì kiên quyết nhận mình là cô giáo.
- Sao thế được? - Chú Triệu không tin.
- Anh sang xem đi thì biết. - Bố nói rồi đưa chú Triệu sang phòng Pipilu.
- Anh đến rồi à, chẳng hiểu sao em lại biến thành Pipilu thế này! - Cô Chu lao về phía chồng.
Chú Triệu thấy một một cậu bé trai chạy về phía mình liền vội vàng né tránh.
- Anh...?! - Cô Chu muốn khóc mà không ra nước mắt.
- Chúng ta về nhà thôi. - Chú Triệu nói với Pipilu.
- Cháu đi với chú về nhà chú á? - Pipilu không theo.
- Cái gì mà “nhà chú”? Là nhà chúng ta mà?! - Chú Triệu đã nhận thấy được mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
- Đó là bố mẹ cháu, cháu là Pipilu! - Pipilu chỉ về phía bố mẹ dứt khoát khẳng định.
Thấy vợ mình gọi phụ huynh học sinh là bố mẹ, chú Triệu cũng tròn mắt líu lưỡi ngạc nhiên. Mẹ Pipilu bật khóc, cô thấy căm ghét chính mình vì đã đưa ra cái ý kiến để cô Chu dạy kèm riêng cho Pipilu. Chú Triệu cũng rớt nước mắt, chú ân hận không nên đ vợ dạy thêm quá sức. Cô Chu nói:
- Mọi người ra ngoài trước một lát được không? Tôi và Pipilu cần trao đổi với nhau một chút.
Bố mẹ đồng ý với yêu cầu của con trai. Chú Triệu cũng bước ra ngoài.
- Pipilu, giờ chỉ có cô và em là biết rõ chúng ta bị hoán đổi hình dạng cho nhau, nhưng sẽ chẳng ai tin cô trò mình cả. - Cô Chu nói với Pipilu.
- Cô Chu, cô và em phải làm thế nào bây giờ? - Pipilu hỏi.
- Nếu chúng ta cứ kiên quyết ở lại nhà mình thì họ sẽ phát điên lên mất. Cô nghĩ chỉ còn cách trước tiên em cứ về nhà cô, cô ở lại nhà em để cho người thân của chúng ta khỏi lo. Sau đó chúng ta sẽ nghĩ tiếp làm thế nào để họ tin là chúng ta thực sự đã bị hoán đổi hình dạng. Nếu để họ lo đến phát bệnh thì không có ai giải quyết việc của chúng ta đâu! - Cô Chu nói.
- Thì cũng chỉ còn cách đó thôi ạ - Pipilu không nghĩ được cách nào hay hơn. Nếu đổi lại nó mà là bố mẹ, con trai cứ đòi về nhà người ta làm vợ thì nhất định nó cũng không bao giờ đồng ý.
- Pipilu, giờ cô trò mình đang gặp phải một vấn đề rất khó khăn, kiến thức hiện nay của cô không thể giải thích được chuyện này, chúng ta không được lo lắng sốt ruột quá. Có thể chỉ vài ngày sau chúng ta sẽ đổi lại vị trí cũ thôi. - Cô Chu nói.
- Mong là vậy ạ! - Mắt Pipilu đã đỏ hoe, nó không muốn rời xa mọi người trong gia đình.
- Cô trò mình nhất định sẽ vượt qua cơn khó khăn này. - Cô Chu động viên.
Pipilu gật đầu liên tiếp. Cô Chu mở cửa.
- Mọi người vào đi. Con và cô giáo đã tỉnh táo lại rồi. Con là Pipilu.
- Còn tôi là cô Chu. - Pipilu nức nở.
- Thế này là tốt rồi! - Chú Triệu ôm lấy vợ nói. – Mình về nhà thôi em!
Pipilu bước đi theo chú Triệu mà đầu vẫn ngoái lại nhìn mọi người trong nhà. Cô Chu tiễn chồng mang theo học sinh của mình về.



[1]Trung Quốc tính theo thang điểm 100.

CHƯƠNG 3
Sau khi chú Triệu và Pipilu đi khỏi, bố nói với cô Chu:
- Pipilu, có lẽ con mệt quá rồi. Bố mẹ có trách nhiệm trong chuyện này, từ giờ bố mẹ sẽ không để cho cô Chu dạy kèm con nữa.
Mẹ nói với cô Chu:
- Từ mai không học thêm học nếm gì nữa, buổi tối con có thể xem ti vi hay đọc bất cứ sách ngoài chương trình nào mà con muốn.
Cô Chu ngoan ngoãn gật đầu. Luxixi nói với cô Chu:
- Anh Pipilu, chắc là cô Chu chủ nhiệm lớp anh hàng tối đều dạy thêm cho học sinh để kiếm tiền nên kiệt sức rồi. Anh nhỉ?
- Anh nghĩ không phải đâu! - Cô Chu phải cố bảo vệ lòng tự tôn của mình.
Luxixi tròn mắt ngạc nhiên nhìn cô Chu, vì từ trước tới giờ nó có thấy Pipilu nói giúp các thầy cô giáo bao giờ đâu.
- Thôi đi ngủ đi các con. - Bố Pipilu và Luxixi nói với con trai và con gái.
- Cho anh dùng toilet trước đấy! – Luxixi nói với cô giáo.
Cô Chu bước vào nhà vệ sinh, đóng cửa lại.
- Cái thằng này từ trước đến giờ có thấy nó đóng cửa bao giờ đâu nhỉ. - Bố mẹ thì thào.
- Hình như chỗ này của nó vẫn còn có vấn đề. - Mẹ vừa nói vừa chỉ tay lên đầu.
Cô Chu cần đi tiểu, cô hạ bệ ngồi của bồn cầu xuống.
Mẹ nghe thấy tiếng đậy bệ bồn cầu liền hét lên:
- Pipilu, đi “nhẹ” thì phải kéo cái bệ lên, nói bao nhiêu lần rồi mà cũng không chịu nghe là sao?!
Cô Chu luýnh quýnh kéo lên.
Lúc này cô mới nhận thức được mình phải đi tiểu đứng. Cô Chu run rẩy mở khoá quần, vừa cúi đầu nhìn xuống thì mặt cô đỏ lựng, cô vội vàng kéo khoá quần lên.
Nhưng nếu không đi, cứ phải nhịn thì khổ sở lắm. Mỗi lần cô Chu dạy kèm Pipilu đều ngại không muốn dùng nhà vệ sinh của người khác, có muốn “giải quyết” cũng phải cố nhịn. Bây giờ bụng cô đã cứng lên vì nhiều nước quá rồi. Cô cắn răng, nhắm mắt, miễn cưỡng “giải quyết”.
Đến lượt Luxixi đi vệ sinh.
- Pipilu, sao anh lại dùng bàn chải đánh răng của em? – Luxixi gào ầm lên trong nhà vệ sinh. – Dưới sàn có cái gì thế này? Nước à? Ối... nước tiểu à?!
Cô Chu vội vàng phi lên giường nằm im, tắt điện. Cô trằn trọc mãi không ngủ được. Cô không tin lại có thể xảy ra chuyện thế này. Cô thường phản đối chuyện học sinh đọc truyện cổ tích vì cô thấy truyện cổ tích chỉ toàn bịa đặt. Ấy thế mà giờ đây cô đã tin là trong cuộc sống thực sự có truyện cổ tích. Cô tưởng tượng ra cảnh Pipilu đến ở nhà mình. Đột nhiên cô toát mồ hôi lạnh, cô quá rõ những thói quen sinh hoạt của chồng mình. Hôm nay... cô không dám nghĩ tiếp nữa... Cô chập chờn thiếp đi. Khi trời sắp sáng, cô bỗng phát hiện mình đã tè dầm ra giường, cô không nén nổi la toáng lên. Bố nghe thấy tiếng la vội vàng chạy đến.
- Pipilu, sao thế? - Bố hỏi con trai.
- Con... con... tè dầm ra giường rồi... - Cô Chu thốt ra những lời ấy thật khó khăn.

CHƯƠNG 4
Pipilu rời nhà mình đến nhà cô Chu với chú Triệu. Một môi trường hoàn toàn xa lạ.
- Em sao thế, cứ như là lần đầu bước vào cái cửa nhà này không bằng ấy. - Chú Triệu vừa cởi bỏ áo ngoài vừa nói với Pipilu.
- Thì đây là lần đầu cháu[1] đến mà. – Pipilu nói.
- Em yêu à, em mệt quá rồi! Từ giờ không dạy thêm gì nữa. Kiếm nhiều tiền cũng có để làm gì. Người mệt đứt hơi. Với lại, nhà Pipilu đó trả cũng hơi ít, chúng ta không dạy nữa! - Chú Triệu nói.
- Nhà Pipilu trả có rẻ đâu, 600 đồng cơ mà! - Pipilu phản đối.
- Hôm nay em làm sao thế? Thôi em tắm nhanh đi rồi chúng ta đi ngủ. - Chú Triệu nói.
Pipilu đỏ mặt tía tai đi tắm. Nó không dám sờ mó lên bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể mình, nó cảm thấy đó không phải là những thứ thuộc về mình.
- Anh cũng giội một lúc. - Chú Triệu nói vậy khi Pipilu tắm xong.
Pipilu mệt rã rời rồi, vừa đặt mình xuống giường là ngủ say tít.
Đang trong giấc nồng, Pipilu chợt thấy có ai đó đụng vào người mình.
- Chú làm gì thế? - Pipilu hét lên.
- Em sao thế? - Chú Triệu ngạc nhiên trước thái độ bất thường của vợ.
- Chú làm sao thế?! - Pipilu hỏi lại chú Triệu.
- Cái gì mà làm sao với chả làm trăng?
- Cái gì mà làm sao với chả làm trăng?
- Em...!?! - Chú Triệu tức nghẹn lời.
- Chẳng ra cái trò gì! - Pipilu lẩm bẩm.
- Cô có người khác rồi phải không? - Chú Triệu chất vấn vợ
- Có chú có người khác thì có! - Pipilu ngáp ngắn ngáp dài, chốc lát đã quay ra ngủ khò khò.
Chú Triệu cảm thấy bức xúc vô cùng, cứ như kiến bò trên chảo nóng vậy.
Sáng sớm ngày hôm sau, khi tỉnh giấc, Pipilu thấy chú Triệu ngủ trên chiếc ghế sô pha ở phòng khách.
Pipilu vào phòng vệ sinh, “đi nhẹ” đứng, nước nhểu hết cả ra quần.
- Chuẩn bị bữa sáng cho anh với. Sáng nay công ty anh họp, không đến muộn được. - Chú Triệu nói với Pipilu.
- Cái gì cơ? Cháu nấu đồ ăn sáng cho chú á? - Pipilu giật mình kinh ngạc.
- Trước nay chẳng phải chúng ta vẫn phân công thế sao? Em nấu bữa sáng, anh nấu bữa tối, bữa trưa thì ai ăn ở chỗ làm người ấy còn gì. - Chú Triệu nhận ra một loạt những biểu hiện bất thường của vợ.
Pipilu chỉ còn cách miễn cưỡng bước vào nhà bếp. Từ trước tới giờ có bao giờ mẹ cho nó bước vào bếp đâu. Chỉ trong nháy mắt, nó đã khiến cho cả nhà bếp bốc cháy. Chú Triệu ngửi thấy có mùi khói liền lao đến dập lửa.
- Tóm lại cô muốn làm gì? - Chú Triệu hỏi vợ.
- Cháu là Pipilu! Cháu có biết nấu nướng gì đâu! - Pipilu nói.
- Điên thật rồi! – Chú Triệu quyết định không ăn sáng nữa. Chú chuẩn bị ngày mai đưa vợ đi bệnh viện, hôm nay không rảnh.
Pipilu chạm mặt cô Chu ở cổng trường. Cô lôi Pipilu sang một bên hỏi.
- Tối qua em thế nào?
- Cũng không có chuyện gì ghê gớm, chú nhà cô cũng có chừng mực lắm!
Cô Chu mặt đỏ bừng:
- Thế thì tốt! Thế thì tốt! À phải rồi, Pipilu, em đi vào lớp trước đi, cô đi tìm thầy hiệu trưởng nói hết nguồn cơn, mong là thầy ấy có thể giúp đỡ.
- Vâng ạ. Cô mau nghĩ cách đổi lại vị trí của cô và em nhé! - Pipilu nói.
Cô Chu đến phòng hiệu trưởng.
- Pipilu, em tìm thầy có việc gì à? - Thầy hiệu trưởng nhận ra Pipilu.
- Thưa thầy, tôi không phải Pipilu, tôi là cô giáo Chu! - Cô Chu đem hết chuyện xảy ra tối qua kể cho hiệu trưởng nghe.
Mặt hiệu trưởng dần biến sắc.
- Pipilu, em đã nói xong chưa? - Hiệu trưởng hỏi cô Chu.
Cô Chu nước mắt giàn giụa gật gật đầu:
- Xin thầy giúp tôi và em Pipilu!
- Pipilu, em đúng là quá lắm rồi đấy! Lại còn dám diễn trò với cả hiệu trưởng nữa. Lúc trước cô giáo chủ nhiệm Chu nói với tôi về tình hình cuả em, đôi khi tôi còn nói hộ em vài câu, bây giờ thì tôi đã biết em là học sinh thế nào rồi! Quay về lớp ngay! Chờ xử lí! - Thầy hiệu trưởng nổi giận đùng đùng.
- Thưa thầy, tôi đúng là cô Chu mà! - Cô Chu nước mắt ngắn nước mắt dài.
- Pipilu, tôi sẽ giới thiệu em đến Khoa biểu diễn ở Học viện Kịch Trung ương! Ra ngay! - Thầy hiệu trưởng đập bàn quát.
Cô Chu không còn cách nào khác, đành ngậm ngùi bước ra khỏi phòng hiệu trưởng.



[1] Đại từ nhân xưng trong tiếng Trung đơn giản như tiếng Anh, ngôi thứ nhất: “em”, “cháu”... đều là “wo”, ngôi thứ hai: “anh”, “chú”... là “ni” (BT).

CHƯƠNG 5
Chia tay với cô Chu ở cổng trường rồi Pipilu đi đến lớp học. Trên đường học sinh chào cậu không ngớt. Bình thường ở trường Pipilu bị mang cái mác là “học sinh kém”, mọi người luôn nhìn cậu bằng nửa con mắt, nhất là những học sinh thi đạt kết quả cao. Ấy vậy mà giờ đột nhiên cả lũ lại tranh nhau nghiêng đầu kính cẩn chào mình, Pipilu lấy làm đắc ý lắm.
Ở trong lớp, lớp trưởng Sa Sa đang lên mặt dạy đời, mắng té tát một bạn khác, vừa thấy Pipilu thì lập tức “moi móc” hết những nụ cười giấu đằng sau da mặt ra dính vào phần mặt hướng về phía Pipilu.
- Em chào cô ạ! - Sa Sa chào Pipilu.
Pipilu hướng về phía nó và gật gật đầu.
- Cô à, hôm nay sắc mặt cô tươi tỉnh ghê cơ! - Sa Sa xun xoe nịnh bợ.
Pipilu suýt nữa thì ói.
- Sa Sa, tôi có một yêu cầu đối với em! - Pipilu nói.
- Dạ vâng, tốt quá cô ạ, mong cô giúp đỡ em. - Sa Sa nói với vẻ mặt ngoan ngoãn thành kính.
- Thường khi gặp các bạn em có một bộ mặt khác, khi gặp tôi em lại đeo một bộ mặt khác, em có thể ghép hai bộ mặt này làm một được không? - Pipilu nói.
- Chuyện này... – Sa Sa có nằm mơ cũng không tưởng tượng được cô Chu lại có thể làm nó bẽ mặt đến thế trước mặt bao nhiêu bạn cùng lớp.
- Nếu em không ghép được hai bộ mặt ấy thì đổi chỗ chúng cho nhau cũng được đấy, thôi thì cứ cho cô xem cái bộ mặt lạnh của em đi. - Pipilu châm chọc Sa Sa.
Tất cả học sinh đứng xung quanh đều vỗ tay nhiệt liệt.
- Cô Chu muôn năm! - Có học sinh còn hét lên những lời tự đáy lòng.
Sa Sa khóc òa lên chạy ra khỏi lớp học. Cả đám học sinh nhìn Pipilu với ánh mắt khác hẳn ngày thường. Cùng lúc, cô Chu xuất hiện trước cửa, Pipilu nhìn thấy cô Chu vẫy vẫy tay ra hiệu với mình liền bước ra khỏi lớp.
Đám bạn cùng lớp thấy Pipilu có thể chỉ đạo được cả cô Chu, hết thảy đều ngơ ngác.
- Pipilu ơi gay go rồi. Thầy hiệu trưởng không tin, chuyện này xem ra rắc rối to mất! - Cô Chu nói nhỏ với Pipilu.
- Thế làm thế nào bây giờ ạ? - Pipilu thoáng nghe thấy cô giáo nói vậy liền cuống cuồng lên.
- Đành cứ để mọi việc nhầm lẫn thế này vậy đã, chúng ta tìm cách sau vậy! - Cô Chu cũng hết cách giải quyết.
- Nhưng em có biết dạy học đâu! - Pipilu nhắc cô Chu.
Cô Chu cũng mới sực nhớ ra điều này. Chuông vào học đã điểm.
- Em cứ tùy cơ ứng biến đi! - Cô Chu vừa bước vào trong lớp vừa dặn Pipilu.
Pipilu đứng ngoài cửa lớp vò đầu bứt tai nghĩ cách. Học sinh đã ngồi ngay ngắn trong lớp đợi cô giáo. Cuối cùng, nó đành đánh liều bước vào.
- Các bạn, đứng nghiêm! Chúng em chào cô ạ! – Sa Sa hô khẩu lệnh, mắt vẫn đỏ ngầu.
- Chào cả lớp! Các em ngồi đi! - Một cảm giác thiêng liêng bỗng trào dâng trong lòng Pipilu.
Học sinh ngồi yên chờ cô giáo giảng bài, không khí yên lặng đến kì lạ bao trùm lên cả lớp.
Ngồi ở chỗ của Pipilu, cô Chu cũng cảm thấy ngạc nhiên vô cùng, thường ngày lớp đâu có yên lặng nghiêm túc thế này, lúc nào cũng có học sinh cá biệt nói chuyện. Cô không biết rằng tại vì trước giờ vào lớp Pipilu đã phê bình Sa Sa trước mặt các bạn, nên giờ cô đã có uy tín rất lớn trong lòng đám học sinh. Pipilu lúng túng không biết phải nói gì cả. Lúc này nó mới hiểu làm giáo viên chẳng dễ dàng gì. Cứ nói liên tục trong vòng bốn nhăm phút đâu phải dễ, phải nói rằng phải là người có bản lĩnh lắm lắm mới có thể làm được thế. Các học sinh nhìn Pipilu.
- Các em... - Cuối cùng thì Pipilu cũng mở miệng. - Lớp ta trước đến giờ mỗi lần học đều chỉ có một phương pháp, lần nào cũng như lần nào. Hôm nay chúng ta thử thay đổi một cách khác nhé, các em thấy thế nào?
Không khí trong lớp lại náo nhiệt hẳn lên.
- Không cần thiết cứ lúc nào cũng là cô đứng đây giảng bài. Thật ra có những mặt mà các em còn giỏi hơn cô nhiều đấy. - Pipilu nói.
Cả lớp liền vỗ tay ầm ầm.
- Hôm nay cô sẽ để các em lên giảng bài, cả lớp thấy thế nào? - Pipilu nói tiếp.
Các học sinh hoan hô váng cả lớp.
- Em nào muốn giảng bài trước nào? - Pipilu hỏi.
Cả lớp cứ đùn đẩy lẫn nhau mãi, không ai chịu lên.
- Mời em Pipilu giảng trước nhé. - Pipilu chỉ cô Chu và nói:
- Tuy kết quả thi cử của Pipilu không tốt nhưng kết quả thi thì nói lên được cái gì đây?
Cả lớp im lặng như tờ.
- Chỉ có thể nói lên được trí nhớ của một người có tốt hay không thôi! Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì trí nhớ là một trong những năng lực không quan trọng nhất của con người! Chúng ta cứ tập trung mọi tinh thần và sức lực vào bồi dưỡng cái năng lực không quan trọng ấy thì thử hỏi có ngốc nghếch lắm không? - Pipilu lại hỏi cả lớp.
- Ngốc ạ...! - Trừ cô Chu và Sa Sa ra, cả lớp đều đồng thanh hét to.
Cô Chu giận đến nỗi sắp nổ bung cả mũi.
- Pipilu, hôm nay em lên giảng bài cho các bạn, để các bạn thấy được trình độ thực sự của em, để thực tế chứng minh rằng kết quả kiểm tra chẳng nói lên điều gì hết! - Pipilu hướng về phía cô Chu nói.
Cả lớp liền vỗ tay hoan hô ầm ĩ. Cô Chu buộc phải lên bục giảng, cô đưa mắt lườm Pipilu một cái, nhưng nó không sợ mà chỉ cười thầm trong bụng.
- Hôm nay chúng ta học bài bảy, cả lớp mở sách giáo khoa ra nào. - Cô Chu bắt đầu giảng bài theo cách quá đỗi quen thuộc.
Cả lớp há hốc miệng ngạc nhiên, chúng không thể tưởng tượng được một học sinh kém như Pipilu mà lại giảng bài chuyên nghiệp và thành thạo đến thế. Lũ học trò ngẩn người ra nghe “Pipilu” giảng bài.
Được nửa tiết học thì thì hiệu trưởng bước vào lớp. Thầy hiệu trưởng đến là để tuyên bố phạt Pipilu. Thầy vừa nhìn thấy Pipilu đang đứng trên bục giảng thao thao bất tuyệt liền nổi giận đùng đùng.
- Cô Chu, chuyện gì thế này? - Hiệu trưởng hỏi Pipilu.
- Tôi muốn biến giờ học sinh động một chút... - Pipilu nói với hiệu trưởng.
- Sao cô lại để Pipilu lên giảng bài chứ? - Hiệu trưởng chất vấn Pipilu.
- Tại sao không thể để cho Pipilu giảng bài? - Cậu liền hỏi lại.
- Lúc nãy Pipilu vừa chạy đến phòng tôi kiếm chuyện, học sinh mà dám đến tận phòng hiệu trưởng để kiếm chuyện thì thử hỏi có chuyện gì không dám làm nữa? - Hiệu trưởng nổi đóa lên.
- Pipilu, có chuyện đó không? - Pipilu hỏi cô Chu.
- Em... - Cô Chu không biết phải nói gì.
- Quân tử đã làm là dám nhận, Pipilu, sao em không dám thừa nhận? - Hiệu trưởng trừng mắt hỏi cô Chu.
- Đúng là em đã đến phòng làm việc của thầy, nhưng mà không phải là em đến kiếm chuyện... - Cô Chu ấm ức.
- Trò chạy đến phòng làm việc của tôi nói trò là cô giáo Chu, thế không phải là kiếm chuyện vớ vẩn thì là cái gì hả? - Hiệu trưởng nói.
Cả lớp liền cười rộ lên.
- Thật chẳng ra làm sao cả! – Pipilu cố nín cười mắng cô Chu.
- Tôi tuyên bố, trừ một bậc hạnh kiểm của Pipilu! - Thầy hiệu trưởng cao giọng nói.
- Pipilu! - Pipilu nhìn cô Chu và nói: – Em phải tiếp thu phê bình của thầy giáo và sửa sai ngay, rõ chưa!
Chuông hết tiết học vang lên. Pipilu bước vào phòng làm việc của cô Chu. Nó ngượng ngùng ngồi xuống bàn làm việc của cô. Cô giáo Khổng dạy lớp D hớt ha hớt hải chạy đến bên cạnh Pipilu, thì thầm nói:
- Chu à, cậu có băng vệ sinh không? Loại có cánh ấy! Tớ tính phải mai mới đến ngày thế mà hôm nay đã có rồi. May mà hôm nay lại mặc quần đen không thì lúc nãy lên lớp đã lộ ra hết!
Pipilu hoang mang nhìn cô giáo Khổng. Nó không hiểu cô đang nói chuyện gì. Cô Khổng là giáo viên nữ xinh đẹp nhất trường, được đám học sinh nam để ý và hâm mộ.
- Rốt cuộc cậu có không? Người ta đang vội đây này! - Cô giáo Khổng giục Pipilu.
- Thế cậu cần gì? - Pipilu hỏi, nó rất vui lòng được giúp đỡ cô giáo Khổng.
- Cậu còn giả vờ nai tơ với tớ nữa? - Cô giáo Khổng mở một ngăn kéo bàn của cô Chu, lấy ra một túi băng vệ sinh.
Lúc này thì Pipilu đã hiểu ra mọi chuyện.
- Cảm ơn nhé! Tớ vào nhà vệ sinh đây. Cậu có đi thì cùng đi? – Cô Khổng hỏi Pipilu.
Pipilu vội lắc đầu. Cô Khổng liền tất tả chạy ra khỏi phòng giáo viên.
Cô Khổng đã làm Pipilu chợt cảm thấy muốn thải nước thừa trong bụng ra. Nó nhận ra mình đang phải đối mặt với một bi kịch lớn: không có toilet mà đi.
Toilet nữ thì nó không thể vào rồi. Còn toilet nam thì mọi người lại không cho phép nó vào. Càng thế thì thì Pipilu càng muốn “giải quyết vấn đề”, nó chỉ biết kẹp chặt hai chân lại cố nhịn cho hết cơn buồn.
- Cô Chu, sao hôm nay không trang điểm gì thế? - Một cô giáo cùng phòng hỏi Pipilu.
Pipilu cười xoà. Nó không thể trả lời vì mình không biết trang điểm được.

CHƯƠNG 6
Tiết học thứ hai bắt đầu. Pipilu vẫn để cô Chu lên bục giảng bài. Sa Sa giơ tay.
- Có chuyện gì vậy? - Pipilu hỏi Sa Sa.
Sa Sa đứng lên thưa:
- Thưa cô, bạn Pipilu vừa bị kỉ luật, em nghĩ để bạn ấy giảng bài là không hợp lí.
- Pipilu, em nói xem! - Pipilu hỏi cô giáo, nó muốn để sự thực “giáo dục” cô để cô từ nay đừng có lúc nào cũng tin tưởng vào những học sinh như Sa Sa nữa.
- Em thấy em giảng được! Kỉ luật chỉ nói lên những sai lầm đã qua của em, không nói lên tương lai sau này. - Cô Chu bắt đầu cảm thấy ghét cái thái độ của đứa học sinh mà mình đã từng cưng chiều nhất lớp.
- Mời bạn Pipilu tiếp tục giảng bài cho cả lớp. - Pipilu thở phào nhẹ nhõm.
Cô Chu lại bước lên bục giảng, say sưa tiếp tục giảng bài. Pipilu nhân cơ hội ấy đi ra ngoài tìm toilet. Cậu đoán đang giờ học thì toilet chắc là không có người. Toilet nam lặng lẽ như tờ. Sau khi chắc mẩm bên trong không có ai, Pipilu mới dám bước vào. Pipilu theo thói quen đứng bên bồn định mở khoá quần thì sau lưng cậu, bỗng có tiếng mở cánh cửa buồng “đi nặng” phía sau.
Pipilu quay đầu lại nhìn, là... thầy hiệu trưởng!
Thầy hiệu trưởng đang trong tư thế chuẩn bị kéo khoá quần, nhìn thấy cô Chu đứng trên bồn tiểu nam, thì vô cùng kinh ngạc, hai lỗ mũi ngoác ra, cuối cùng dính lại thành một lỗ duy nhất.
- Cô Chu, cô...! - Hiệu trưởng ngớ người hỏi.
Pipilu chưa kịp đi tè thì đã phải kéo khoá quần lên, vội vàng giải thích:
- Thưa thầy, là thế này. Lớp tôi có một cậu học sinh nam nói bị đau bụng đi ngoài, mãi mà không thấy quay trở lại lớp. Tôi sợ em ấy nói dối để trốn học nên mới đến đây để tìm thử xem.
- Thế cô đứng chỗ bồn tiểu làm gì. - Hiệu trưởng hoài nghi hỏi.
- Tôi... - Trong lúc đúng lúc nguy cấp thì lại thông minh bất ngờ. - Tôi trước giờ chưa hề vào toilet nam, không biết cái này là để làm gì, đang ”nghiên cứu” thì thầy xuất hiện đấy!
Thầy hiệu trưởng bán tín bán nghi.
Pipilu đành phải bỏ ý định đi tiểu, rời khỏi toilet trước mũi thầy hiệu trưởng. Khi Pipilu quay về đến lớp học, cô Chu đang giảng bài cho cả lớp, các học sinh đều say sưa nghe giảng, ngay cả Sa Sa cũng phải nhìn lại Pipilu bằng con mắt khác.
Ở trong lớp học Pipilu đứng ngồi không yên, nó buồn đến nỗi muốn nhịn cũng không thể nào nhịn nổi. Cả lớp đều thấy rõ cô Chu đang có chuyện.
- Cô Chu, có phải cô không được khoẻ không ạ? – Một học sinh hỏi Pipilu.
- Cô không sao đâu. - Pipilu nói.
- Cô nghỉ ngơi đi, để bạn Pipilu giảng bài cho chúng em được rồi. – Các học sinh nói.
Pipilu gật đầu.
Chuông báo hết tiết học đã reo lên, Pipilu chỉ biết nhìn cô Chu với ánh mắt tuyệt vọng. Cô Chu nghêng ngang nhảy chân sáo ùa theo lũ học sinh nam đi vệ sinh. Pipilu đành quay về phòng làm việc của giáo viên. Cô Chu đi vệ sinh xong thì về lớp, ngồi xuống chỗ của Pipilu, cả đám bạn học liền chạy đến vây quanh.
- Pipilu, không thể ngờ được cậu lại cừ thế đấy! - Một đứa tâng bốc Pipilu.
- Tớ thấy cậu giảng còn hay hơn cả cô Chu đấy - Lại một đứa nữa nói.
- Tuyệt đối không thể hay hơn cô Chu được. - Cô Chu đứng phắt dậy bảo vệ lấy danh dự của mình.
- Đã giỏi lại còn khiêm tốn nữa. Bố tớ nói những người thế này sẽ có tiền đồ tươi sáng lắm đấy! - Một đứa khác lên tiếng.
- Cô Chu hôm tuyệt thật, cứ như là đổi lốt vậy. Mọi khi á, lúc nào cô cũng mặt mày bí xị, cứ như là bọn mình nợ cô ấy tiền không bằng ấy.
- Cậu dùng từ lỗi thời rồi! Bây giờ á, những người được nợ tiền oách lắm, là ông này, ông kia cơ. Nên nói lại thế này: Trước đây cô Chu gặp chúng ta toàn mặt mày sa sầm, cứ như là cô ấy nợ tiền của bọn mình!
Cả đám lại được thể cười vang.
- Hôm nay cô Chu lúc nào cũng mỉm cười rất thân thiện với bọn mình. Như thế đi học còn thấy hay hay chút.
- Cô Chu phê bình Sa Sa đối xử lạnh lùng không tốt với bạn học thật đúng là làm bọn mình hả lòng hả dạ!
- Cô Chu nên làm giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp toàn quốc mới đúng!
- Làm chủ nhiệm giỏi cấp toàn cầu ấy chứ.
Cả lớp nhao nhao mỗi người một câu. Lòng cô Chu nóng hầm hập, cô hối hận là trước đây không nên suốt ngày đối diện với học sinh bằng bộ mặt như nợ tiền của chúng. Cô Chu nói với đám học sinh vây quanh mình:
- Trước kia cô Chu đối xử với chúng mình như thế chắc chắn là sai trái, bây giờ cô đã thay đổi rồi, chúng ta cũng nên bỏ qua cho cô ấy. Cũng phải, học sinh chúng mình đến lớp cần một môi trường ấm áp để học hành. Thầy cô giáo mà cứ cả ngày mặt lạnh như băng thì đi học còn thú vị gì nữa? Thầy cô lạnh lùng thì máy sưởi trong lớp có ấm mấy thì cũng chẳng khác gì học ngoài trời ở Bắc cực cả!
- Chà chà... Pipilu nói năng tiến bộ ghê cơ nhỉ! - Các bạn khen ngợi.
- Tóm lại nhé, cô Chu là một giáo viên hiếm có, chúng ta là những học sinh hiếm có, bao gồm cả Sa Sa. Nhiều người hiếm có khó tìm như thế tụ tập vào với nhau là duyên phận, chúng ta phải trân trọng nó. - Cô Chu cảm thấy làm học sinh nói năng thật thoải mái, không phải giả bộ lên giọng gì cả.
- Hôm nay mỗi lời nói của Pipilu đều là danh ngôn! - Các bạn học khen ngợi Pipilu bằng những lời tự đáy lòng.
Làm giáo viên 8 năm rồi, nhưng đây là lần đầu tiên cô Chu cảm thấy tâm trạng mình thoải mái thanh thản đến thế.

CHƯƠNG 7
Pipilu nhịn tiểu mà không có chỗ nào để giải quyết, tính mạng nguy cấp đến nơi, cuối cùng nó đành đánh liều vào nhà vệ sinh nữ vậy.
Buổi trưa, hiệu trưởng triệu tập giáo viên toàn trường họp khẩn cấp. Pipilu cũng tham gia cuộc họp này.
- Chuyện là thế này, - Hiệu trưởng nói - Vừa nãy Sở giáo dục có gọi điện đến, báo là trường ta từ xếp thứ 5 trong toàn khu giờ đã rớt xuống thứ 9. Ngay cả trường X cũng qua mặt chúng ta rồi! Thế này thì gay quá! Chúng ta phải vượt lên bọn họ! Lần này bình chọn danh hiệu giáo viên sẽ dựa vào kết quả điểm số của từng lớp. Tiền thưởng mỗi tháng cũng dựa trên điểm số! Từ hôm nay, các thầy cô giáo phải cho học sinh thêm nhiều bài tập về nhà. Phải dựa vào cái gì để nâng cao thành tích? Chính là nhờ cho nhiều bài tập về nhà. Đây là kinh nghiệm tôi đúc kết được sau 30 năm giảng dạy đấy!
Pipilu chỉ biết ngây người ra. Lúc này nó mới biết làm giáo viên cũng có sự khó khăn của giáo viên, đâu phải thích làm gì thì làm. Sở Giáo dục hạch sách trường, trường đổ lên đầu giáo viên, giáo viên không dồn ép học sinh thì còn dồn ép ai nữa.
Trước khi tan học, Pipilu không cho học sinh bài tập về nhà. Cả lớp đều mừng rỡ reo hò.
- Pipilu, em ở lại một lúc, các bạn khác có thể về. - Pipilu nói.
Các học sinh rào rào kéo ra khỏi lớp. Trong lớp học chỉ còn lại Pipilu và cô Chu.
- Cô à, phải nghĩ cách gì đó thôi, cứ thế này thì không ổn đâu ạ! Đến cả cái quyền đi vệ sinh của em cũng không còn nữa rồi. - Pipilu bày tỏ với cô Chu.
- Tối nay em lại đến dạy kèm cho cô, chúng ta sẽ lợi dụng cơ hội ấy để bàn bạc xem nên giải quyết thế nào. – Cô Chu đã thích ứng được với thân phận mới.
- Em... để em về thẳng nhà em “dạy thêm” cho cô luôn. Tốt nhất là ít đến nhà cô, em sợ chồng cô lại có ý đồ đen tối nữa, em không muốn bị mang bầu sinh em bé đâu. – Pipilu nói.
Cô Chu thở dài. Pipilu nhìn thấy mặt hiệu trưởng thấp thoáng trên ô cửa kính cửa phòng học.
- Thầy hiệu trưởng đến kìa cô! - Pipilu nhắc nhỏ cô giáo Chu.
- Thật đáng ghét! - Cô Chu lẩm bẩm.
- Cô Chu, cô ra đây một chút. - Hiệu trưởng gọi Pipilu.
Pipilu bước ra đứng cạnh hiệu trưởng.
- Cô đang nói chuyện với Pipilu đấy à? - Hiệu trưởng hỏi Pipilu.
- Tôi đang phê bình trò ấy, phê bình nghiêm khắc và gay gắt. - Pipilu nói.
- Ờ! - Hiệu trưởng gật đầu. - Tôi nghe nói hôm nay cô không cho bài tập về nhà à?
Pipilu thầm nghĩ người ta phải điều động hiệu trưởng đến Cục tình báo Trung ương làm việc mới đúng. Pipilu khẽ gật đầu.
- Lí do? - Hiệu trưởng nhìn Pipilu bằng cặp mắt như muốn dồn người ta đến góc tường.
- Điều này là... tôi cảm thấy... thực ra thì... - Pipilu không biết phải nói thế nào.
- Lần này bình bầu danh hiệu giáo viên sẽ không có tên cô! - Hiệu trưởng tuyên bố.
Cô Chu nghe thấy liền chạy từ trong lớp học ra.
- Tại sao thế ạ? - Cô hỏi hiệu trưởng.
- Cái gì mà tại sao tại trăng? – Thầy hiệu trưởng không hiểu sao Pipilu tự dưng lại chạy ra chen vào cuộc nói chuyện giữa mình và cô Chu.
- Tại sao lại hủy bỏ tư cách tham gia bình bầu giáo viên dạy giỏi của tôi? - Trong lúc kích động, cô Chu quên béng mất mình đang là Pipilu.
- Em? Pipilu mà cũng đòi tham gia bình bầu giáo viên dạy giỏi hả? - Thầy hiệu trưởng phá lên cười.
Lúc này cô Chu mới nhận ra rằng mình đã sơ suất.
- Đấy cô Chu, cô xem đi! Đầu óc cậu học sinh của cô đúng là có vấn đề rồi. Gan trò này cũng to thật, dám đem cả cô giáo và hiệu trưởng ra làm trò cười! - Thầy hiệu trưởng nói.
- Pipilu, em vào lớp đi! Ở đây không có việc của em. Có phải em bình bầu giáo viên giỏi đâu mà, em cuống lên làm gì? - Pipilu ra lệnh cho cô Chu vào lớp học.
Cô Chu ngân ngấn nước mắt. Hiệu trưởng nhìn cô Chu, không hiểu vì sao cô lại khóc nữa.
- Em ấy khóc vì cô không được tham gia bình bầu giáo viên giỏi sao? - Hiệu trưởng hỏi Pipilu.
- Làm gì có chuyện ấy. Chắc chắn là do hôm nay trò ấy bị thầy phạt nên buồn đấy thôi! – Pipilu lấp liếm.
- Nếu thế thì học sinh này vẫn còn còn biết nghĩ đấy. - Hiệu trưởng nói.
- Thầy còn có chuyện gì không ạ? - Pipilu hỏi hiệu trưởng.
- Cô phải làm sao cho điểm của lớp cô cao lên, ít nhất cũng phải tăng đến 80 điểm! - Hiệu trưởng ra chỉ thị cho Pipilu. - Giáo viên toàn trường ai cũng phải định mức từ 80 trở lên.
- Tôi đào đâu ra 80 điểm này chứ? - Pipilu không đồng ý.
- Đào trên người học sinh, đào trên người phụ huynh học sinh chứ đào đâu! - Hiệu trưởng nổi đóa lên.
- Thầy hiệu trưởng, học sinh bây giờ đã khổ lắm rồi, ngày nào cũng phải thức đêm thức hôm làm những bài tập chẳng giúp ích gì cho tương lai của chúng. Lúc nào cũng thấp tha thấp thỏm đối phó với các cuộc thi. Khó khăn lắm mới được đầu thai làm người, lại chỉ để đi làm cái việc này sao? Chúng ta đừng đi tranh nhau tiếng tăm hay thứ tự cao thấp gì với người ta nữa. Trường nào thích đem những ngày tháng thanh xuân của học sinh đổi lấy thứ tự danh tiếng thì cứ để họ làm, họ không sợ kiếp sau phải xuống địa ngục thì cứ để cho họ làm, chúng ta đừng có tiếp tục... - Pipilu khẳng khái nói.
- Cô cho là tôi không biết đến nỗi khổ của học sinh sao? Tôi cũng có con đang đi học cơ mà! Thế mà là giáo dục à? Mặc kệ đức hạnh, mặc kệ tố chất, mặc kệ thể chất, mặc kệ năng lực, chỉ quan tâm đến điểm số, đây mà gọi là giáo dục à? Gọi là trường lớp hay sao? - Hiệu trưởng thấy cô Chu nghiêm túc thật sự thì cũng không chịu lép vế. - Tất nhiên tôi biết làm thế này là không đúng! Tất nhiên tôi biết làm thế này là làm khổ học sinh! Tôi lại còn không biết làm thế này là khổ cả giáo viên à? Chẳng nhẽ tôi còn không biết các thầy cô mỗi ngày phải chấm và chữa bao nhiêu bài tập chắc? Lẽ nào tôi lại không biết hàng ngày lượng ca lo các thầy cô nạp vào chẳng đủ để chống đỡ với khối lượng công việc khổng lồ ấy hay sao? Nhưng tôi không làm thế liệu có được không? Tôi mà không tranh thứ tự danh tiếng thì liệu phòng máy tính trường ta có máy mà dùng không? Tôi không tranh thứ tự danh tiếng thì phòng học tầng 6 bị dột kia lấy tiền đâu mà sửa? Tôi không tranh thứ tự danh tiếng thì Ngày nhà giáo lấy đâu ra nhiều đơn vị thế đưa quà mừng cho nhà trường?
Pipilu bị đợt công kích dồn dập như bắn pháo diễn tập quân sự của thầy hiệu trưởng làm cho lú lẫn.
- Từ ngày mai cô phải cho học sinh thật nhiều bài tập về nhà vào đấy! - Thầy hiệu trưởng nói rồi quay lưng bước đi.
Pipilu đứng ngây ra mất hai mươi phút trên hành lang.
CHƯƠNG 8
Cả nhà Pipilu ngồi vào bàn ăn tối. Cô Chu không quen ngồi chờ người khác phục vụ ăn uống nên chủ động vào bếp giúp mẹ. Mẹ Pipilu vô cùng ngạc nhiên khi thấy nó vào bếp.
- Đi ra mau! Rửa tay đi! - Mẹ Pipilu bảo con trai. Cô không muốn con mình trở thành một cậu bé thích vào bếp hơn học hành.
Bữa tối bắt đầu. Mẹ Pipilu nhận ra nó không hề đụng đũa tới món ăn khoái khẩu thường ngày.
- Pipilu, sao không ăn món mà con thích? - Mẹ hỏi.
Cô Chu đâu có biết Pipilu thích ăn món nào đâu.
- Ăn đi con! - Mẹ Pipilu lại giục. Người nấu ăn thích nhất là người khác và lấy và để các món ăn mình nấu một cách nhiệt tình, ghét nhất là nhìn thấy cảnh người ta ngồi bẽn lẽn, không hề đụng đũa thưởng thức tài nghệ nấu nướng của mình.
Cô Chu gắp bừa một món, nhưng cô đã gắp không đúng món mà Pipilu yêu thích.
- Pipilu, trước giờ có thấy anh ăn rau cần đâu! - Luxixi mắt tròn mắt dẹt khi thấy Pipilu ăn rau cần.
- Cái gì cũng ăn là tốt nhất! - Bố khen ngợi con trai không còn chỉ ăn những món mình thích.
Cô Chu vội ăn một món khác. Lần này thì cô đã gắp đúng món.
- Món này mẹ làm riêng cho Pipilu đấy, con ăn nhiều vào! - Mẹ Pipulu nói, cô vẫn còn lo lắng sau sự rối loạn tinh thần của con trai tối qua. Đây là món ăn mà cô Chu ghét ăn nhất. Cô nhét đầy mồm món ăn Pipilu thích nhất, vẻ mặt nhăn nhó trông đáng tội. Chợt có người gọi cửa. Bố Pipilu buông bát cơm xuống đi ra mở.
- Cô Chu...?! Cô... - Bố hoảng lên khi nhìn thấy cô Chu không mời mà đến đứng bên ngoài.
- Tôi đến dạy kèm cho Pipilu. - Pipilu rất muốn ôm hôn bố nó.
- Dạy kèm? Tối qua chúng ta không phải đã nói là không dạy kèm gì nữa sao? - Bố Pipilu định đóng cửa, chú sợ cô Chu sẽ lại làm cho tinh thần của thằng con trai lại rối loạn lần nữa. Khó khăn lắm nó mới trở lại bình thường, giờ lại bị nữa thì nguy to.
Pipilu nhận ra ý đồ của bố, nó cố hết sức đẩy cửa chen vào nhà mình, đến giờ nó vẫn chưa ăn tối, tay chân đã run lên vì đói rồi.
- Cô... - Bố Pipilu không làm sao ngăn cô Chu lại được.
- Chào cả nhà! Tôi đến dạy thêm cho em Pipilu. - Pipilu bước tới bên bàn ăn.
Mẹ và Luxixi ngồi ngây người ra.
- Là do con và cô Chu đã hẹn trước rồi. - Cô Chu lên tiếng nói giúp cho Pipilu.
Pipilu nhìn những món ăn trên bàn mà nuốt nước miếng. Cô Chu nhận thấy ngay điều đó.
- Cô Chu, cô có lẽ vẫn chưa ăn tối. Cô ngồi đi, cùng ăn tối với nhà em - Cô Chu mời Pipilu dùng bữa.
- Ừm... thế này thì ngại quá... - Pipilu biết là cần phải khách sáo một chút rồi hãy ngồi ăn thì mới hợp lí.
- Cô đừng có khách sáo. Cô đã tốn nhiều công sức giúp nhà em. Mời cô ăn một bữa có gì đâu! - Cô Chu khẩn khoản mời Pipilu ngồi vào bàn.
Ngoài miệng thì Pipilu vẫn muốn tỏ ra khách sáo thêm lần nữa nhưng cái bụng lép kẹp đang réo lên của nó thì đã không cho phép nữa rồi. Pipilu ngồi xuống ăn nhồm nhoàm món mà cô Chu ghét ăn nhất. Bố, mẹ và Luxixi chỉ biết há hốc miệng nhìn nhau. Pipilu cắm đầu cắm cổ ăn lấy ăn để, thậm chí không ngẩng lên lấy một lần.
- Con thấy cái kiểu ăn uống của cô ấy quen quá! - Luxixi thì thào với mẹ.
Mẹ gật đầu, tỏ ý là mình cũng nghĩ thế. Pipilu ăn một mạch hết sạch bách cả một bàn thức ăn.
- Đến giờ học thêm rồi, Pipilu! – Pipilu lau mép nói.
Cô Chu và Pipilu bước vào phòng Pipilu rồi đóng cửa lại. Bố, mẹ và Luxixi nhìn một bàn bát đũa ngổn ngang mà sững sờ.
- Cô giáo và thằng Pipilu nhà mình ở trong đó làm gì nhỉ? - Mẹ Pipilu cất tiếng hỏi đầu tiên. Cô rất sợ chuyện tình yêu giữa cô giáo và học trò xảy ra với thằng con chưa lớn của mình.
- Đúng là không bình thường. - Luxixi phát biểu.
- Đều là do tôi dắt cáo về nhà! - Bố tự trách mình.
- Giờ không phải là lúc đi truy cứu trách nhiệm của ai, anh gọi điện ngay cho chú Triệu chồng cô Chu đi, bảo chú ấy đến đón cô ta về. - Mẹ nói với bố.
Bố liền lập tức đi gọi điện.
- Alô, xin hỏi có phải anh Triệu không ạ? Tôi là phụ huynh của em Pipilu. - Bố cầm máy điện thoại hỏi người ở đầu dây bên kia.
- Vâng, tôi đây. Vợ tôi có ở bên nhà anh không ạ?
- Có đấy!
- Cô ấy đến nhà anh làm gì thế? Hôm qua không phải chúng ta đã thống nhất không đến dạy kèm nữa rồi sao?
- Đây chính là vấn đề tôi muốn hỏi anh đó.
- Hết giờ học cô ấy còn chẳng về nhà nữa là. Lẽ ra tối nay cô ấy phải dạy kèm cho một em học sinh khác, người ta gọi điện giục 3 lần rồi đấy.
- Tôi mong là anh có thể đến nhà tôi đưa cô giáo Chu về ngay.
- Con của anh trước đây có vấn đề gì không ổn không?
- Có mà vợ của anh có vấn đề ấy!
Bố dập điện thoại đánh bộp một cái.
CHƯƠNG 9
Pipilu và cô Chu khoá cửa ở bên trong bí mật bàn bạc với nhau.
- Giờ cô và em thử nhớ lại hoàn cảnh tối qua hai cô trò mình bị hoán đổi vị trí cho nhau. Liệu có thể tạo ra một hoàn cảnh tương tự như thế để đổi lại không? - Pipilu nói. - Cô Chu, em thực sự không quen sử dụng các bộ phận trên cơ thể cô đâu, phải mau mau đổi lại thôi!
- Cô cũng vậy, cực kì khó chịu, cô cứ thấy những thứ cần có thì lại không có, những cái không nên có thì ở đâu mọc ra nhiều thế! - Cô Chu cũng cùng chung cảm giác với Pipilu.
- Hôm qua lúc bị đổi lốt em đang trong trạng thái rất mệt mỏi. - Pipilu nhớ lại.
- Cô cũng thế. Mệt khủng khiếp! Người không còn có một chút sức lực nào, đầu óc tê dại. - Cô Chu nói.
- Chắc chắn là do mệt mỏi quá mức gây ra rồi. – Pipilu suy đoán.
- Lại còn thêm cả áp lực tinh thần nữa chứ. - Cô Chu hoàn thiện thêm suy đoán của Pipilu.
- Thế giờ cô trò mình phải làm gì đây ạ? - Pipilu hỏi cô Chu.
Cô Chu trầm tư suy nghĩ.
- Giờ thử đi vào trạng thái giống ngày hôm qua, xem có đổi lại được không? - Cô Chu nói.
- Bắt đầu luôn ạ? - Pipilu hỏi, nó biết cả hai người phải cùng làm một lúc.
- Chuẩn bị... bắt đầu! - Cô Chu phát khẩu lệnh.
Pipilu và cô Chu cùng lúc nhắm mắt, cố đưa mình vào trạng thái mệt mỏi cực độ.
Lúc này, mẹ Pipilu đẩy hé cửa nhòm vào, bà thật sự không an tâm cho sự trong trắng thơ ngây của con mình. Cảnh tượng trước mắt làm cho cô thở phào nhẹ nhõm.
Liệu có phải cô trò chúng nó đã tham gia vào một giáo phái phản động nào đó không? - Mẹ Pipilu hé cửa cho bố nó nhìn vào trong. - Như giáo phái Aum chẳng hạn...

Bố thoáng nhìn thấy cũng sợ hết hồn.
- Phải dừng lại ngay! - Mẹ nói.
Bố mở cửa ra. Pipilu và cô Chu cùng lúc mở mắt.
- Hai người đang làm cái trò gì thế này? - Bố hỏi Pipilu và cô Chu.
- Chúng tôi... đang... nghỉ ngơi... - Pipilu nói.
- Nghỉ ngơi? - Mẹ hỏi. - Không phải đang học thêm sao?
- Vừa học vừa nghỉ mà. - Pipilu nói.
- Cô Chu, cô chạy đến nhà tôi để vừa dạy vừa nghỉ sao? - Mẹ nhạt nhòa nước mắt.
- Chị hiểu lầm rồi! - Pipilu không biết phải giải thích thế nào.
- Chúng tôi không hoan nghênh cô ở đây đâu! - Mẹ Pipilu thấy không thể lịch sự với cô giáo của con trai được nữa.
Đúng lúc này có người gọi cửa.
- Cô Chu, chồng cô đến đón rồi đấy! - Bố Pipilu nói với nó.
- Ai bảo bố mẹ gọi chú ấy đến. Con không đi! Con là con trai Pipilu của bố mẹ đây mà! Bố mẹ không thể đẩy con vào chỗ nước sôi lửa bỏng được! - Pipilu kích động hết lên.
- Lại lên cơn rồi! - Mẹ nói.
Luxixi mở cửa cho chú Triệu. Khi chú Triệu xuất hiện trước mặt Pipilu, nó liền vội vã nấp sau lưng cô Chu. Cô Chu nói với chú Triệu:
- Anh đừng làm trẻ con sợ, em là vợ anh đây mà!
Chú Triệu nghe Pipilu tự xưng là vợ của mình thì dở khóc dở cười.
- Con của anh chị đúng thật có vấn đề. - Chú Triệu nói với bố Pipilu.
- Vợ anh bệnh cũng không nhẹ đâu! - Bố phản bác lại.
- Chúng ta gọi xe cấp cứu thôi! - Mẹ Pipilu đề xuất.
- Mẹ! Mẹ muốn tống con và cô giáo vào nhà thương điên à? - Pipilu hỏi với giọng đầy oán trách.
Thấy cô Chu gọi mình là mẹ, mẹ Pipilu càng chắc chắn rằng quyết định gọi xe cấp cứu của mình là hoàn toàn đúng đắn. Luxixi theo ám hiệu của mẹ nhẹ nhàng đi sang phòng bên cạnh gọi điện. Chẳng mấy chốc xe cấp cứu đã có mặt.
- Nếu họ tống ta vào bệnh viện tâm thần thật thì xong đời đấy. Đến bệnh viện thì nhớ là không được tiếp tục nói mình là Pipilu nghe chưa! - Cô Chu nhân lúc hỗn loạn dặn dò Pipilu.
- Em biết rồi ạ - Pipilu thở dài.
Xe cấp cứu đưa tất cả mọi người đến thẳng bệnh viện tâm thần. Bác sĩ phòng cấp cứu hỏi ai là bệnh nhân. Cả nhà Pipilu và chú Triệu liền chỉ nó và cô Chu.
- Họ bị làm sao? - Bác sĩ hỏi.
- Cậu này cứ nói mình là cô này. Còn cô này thì cứ nói mình là cậu kia. - Chú Triệu kể sơ qua tình hình bệnh nhân cho bác sĩ.
- Hai người có quan hệ gì? - Bác sĩ hỏi.
- Giáo viên và học sinh. - Bố Pipilu đáp.
Bác sĩ bắt đầu tiến hành kiểm tra Pipilu và cô Chu.
- Cô là ai? - Bác sĩ hướng về Pipilu hỏi.
- Tôi là cô giáo Chu. - Pipilu đáp.
- Cô Chu là ai? - Bác sĩ ngẩng đầu hỏi người nhà.
- ...Là chính... cô ấy... - Chú Triệu đáp.
- Cháu là ai? - Bác sĩ lại hỏi cô Chu.
- Cháu là Pipilu. Là một cậu bé. - Cô Chu trả lời càng cẩn thận hơn.
- Pipilu là ai? - Bác sĩ lại ngẩng đầu hỏi người nhà.
- ... Là... là chính nó... - Bố Pipilu lúng túng ngập ngừng đáp.
Bác sĩ dùng máy đo kiểm tra lần lượt cho Pipilu và cô Chu, kết quả hoàn toàn bình thường.
- Bác sĩ, họ bị làm sao? - Mẹ Pipilu hỏi bác sĩ.
- Đem tất cả công tắc điều khiển vũ khí hạt nhân trên thế giới này giao cho hai người bọn họ quản lí thì đảm bảo nhân dân cả năm châu đều có thể an cư lạc nghiệp, kê cao đầu mà ngủ. - Bác sĩ nói.
- Sao thế được? - Mẹ Pipilu cũng là bác sĩ, nên cô không tin vào những gì mình vừa nghe.
- Chị là ai? - Bác sĩ hỏi mẹ Pipilu.
- Tôi là mẹ của cháu ấy - Mẹ Pipilu trả lời.
- Tôi hỏi tên của chị cơ mà? - Bác sĩ nói.
Mẹ Pipilu đỏ mặt. Lúc này cô mới hiểu ra bác sĩ hỏi là để kiểm tra xem mình có bị bệnh thần kinh không. Bố, Pipilu và chú Triệu tranh nhau tự báo tên mình ra.
CHƯƠNG 10
Ngày hôm sau, Pipilu chỉ còn cách tiếp tục đứng trên bục giảng làm cô Chu, cậu không thể lại để cho cô Chu đội lốt Pipilu lên giảng bài thay cậu nữa. Pipilu không biết giảng dạy gì cả, cậu tìm đại một cuốn truyện cổ tích mình thích rồi đọc to cho học sinh nghe. Đám học trò nghe một cách say sưa. Buổi chiều khi tan học, thầy hiệu trưởng đích thân đến lớp Pipilu đôn đốc, ông bắt buộc cô Chu phải giao nhiều bài tập về nhà hơn cho học sinh. Pipilu không thể làm gì khác nên đành cho học sinh thêm nhiều bài tập về nhà.
- Vẫn còn ít quá! - Thầy hiệu trưởng vẫn không chịu buông tha.
Pipilu phải cho thêm mấy bài nữa.
- Vẫn chưa đủ! - Thầy hiệu trưởng quyết định xắn tay ra trận, trực tiếp giao cho học sinh thêm cả một đống bài tập.
Pipilu hiểu rõ với khối lượng bài tập như ngày hôm nay thì các bạn nó không thể làm xong trước một giờ đêm. Đến cả Sa Sa cũng lầm bầm bực bội trong bụng.
Cô Chu về đến nhà Pipilu, vội vội vàng vàng ăn cơm.
- Sao mà ăn như sắp chết đói đến nơi thế con? - Mẹ Pipilu hỏi con trai.
- Bài tập nhiều khủng khiếp mẹ ạ! - Cô Chu nói.
Mẹ nó không hỏi thêm gì nữa. Cô Chu ăn vội ăn vàng cho xong bữa, rồi về phòng cắm đầu cắm cổ viết bài. Đi học cả một ngày trời, cô cảm thấy toàn thân đau nhức đến rã rời.
- Hóa ra ngồi cả ngày cũng mệt. - Cô Chu giờ mới nhận ra điều đó. Trước nay cô vẫn nghĩ đứng cả ngày mới mệt. Xem ra chẳng cần biết là trong tư thế nào đi nữa, cứ giữ mãi tư thế ấy một ngày liền thì đều không thể nào thoải mái được.
Cô Chu làm bài tập đến mức hoa mắt chóng mặt, cô dụi dụi mắt liên tục. Hai tiếng trôi qua rồi mà bài tập mới chỉ làm xong có một phần tư. Cô Chu thấy làm bài tập mệt chỉ là chuyện nhỏ, cái chính là rất nhạt nhẽo và khô khan, tất cả bài tập đều lặp đi lặp lại. Lời nói dối mà lặp đi lặp lại cả ngàn lần là thành chân lí, bài tập mà lặp đi lặp lại cả ngàn lần thì sẽ ăn sâu bám rễ trong não.
Làm đến mười hai giờ đêm thì cô Chu đã thấu hiểu thế nào là đời học sinh.
- Sau khi hoán đổi lại được với Pipilu, mình mà còn cho học sinh bài tập về nhà thì mình đi ra đường sẽ bị xe cán! - Cô Chu lẩm bẩm tự thề với mình.
Đến ba giờ sáng thì cô đã nằm gục xuống bàn. Cô mơ thấy mình bị cô Chu và thầy hiệu trưởng đuổi đánh, lại còn có một đám phụ huynh mặt mày dữ tợn nữa chứ. Trong lúc cô Chu gặp ác mộng thì Pipilu ngủ trên giường cô cũng gặp ác mộng. Nó mơ thấy mình và một con gấu ngựa tổ chức đám cưới. Con gấu to tướng đó còn đeo cả dây chuyền nữa. Khi Pipilu ngoảnh về phía mẹ mình để tỏ ý không chịu kết duyên lành với con gấu kia thì mẹ nó liền bảo, con gấu ấy thi lần nào cũng được một trăm điểm, là một tài nữ hiếm có trên đời.
Pipilu giật bắn mình tỉnh lại, ngồi trong bóng tối nhớ đến người thân, tuy rời nhà chỉ có hai ngày, nhưng nó cảm thấy như là hai năm đã trôi qua rồi vậy. Lúc ở nhà, Pipilu chẳng hề cảm thấy gia đình đáng quý trọng, đến khi rời xa họ, nó mới biết đó chính là nguồn sống của mình. Nếu không thể nào đổi lại được hình dạng với cô Chu, nó cũng không biết liệu mình có còn đủ dũng khí để tiếp tục sống không.
Đây là ngày thứ ba kể từ sau khi Pipilu và cô Chu đổi vị trí cho nhau. Đến trường học, Pipilu và cô Chu tìm cơ hội để tiếp tục bàn bạc cách giải quyết vấn đề.
- Trước hết chúng ta có thể không cần để ý đến thân phận của mình ở trường, đầu tiên cần phải làm cho người nhà tin là chúng ta đã bị đổi lốt cho nhau đã. Như thế ít nhất buổi tối chúng ta còn có thể đoàn tụ bên người thân cô ạ! - Pipilu nói với cô Chu, nó không thể nào chịu nổi những đêm sống xa người thân nữa.
Cô Chu gật đầu đồng ý.
- Cô đi nói với chú Triệu tất cả những chuyện khi hai cô chú yêu nhau, ví dụ như thời gian, địa điểm, nụ hôn đầu tiên diễn ra như thế nào chẳng hạn. - Pipilu gợi ý cho cô Chu.
Mắt cô Chu liền sáng lên một tia hi vọng.
- Em cũng đi nói với người nhà em về những điều mà chỉ có em mới có thể nói ra được. Tối nay cô và em ai về nhà người ấy! - Pipilu nói.
- Vậy cứ làm thế đi! - Cô Chu đồng ý.
CHƯƠNG 11
Sẩm tối, mẹ bận rộn trong bếp, bố và Luxixi dọn dẹp bàn ăn, cả nhà đang chờ Pipilu tan học về để cùng ăn bữa cơm tối cuối tuần. Tiếng chuông cửa vang lên.
- Luxixi, con ra mở cửa cho anh Pipilu đi! - Bố nói.
Luxixi mở cửa, nó nhìn thấy cô giáo Chu đang đứng bên ngoài liền vội vàng đóng cửa, nhưng Pipilu đã kịp chặn một chân vào.
- Cô làm gì thế? - Luxixi cáu bẳn.
- Để anh vào, anh muốn nói chuyện với cả nhà. - Pipilu nói với cô em gái chẳng hề nhận ra anh trai mình.
- Cô Chu, anh Pipilu không có nhà. - Luxixi nói.
- Anh không tìm Pipilu. - Pipilu cố lách vào trong cửa.
- Thế cô tìm ai? - Luxixi cố sức ngăn Pipilu lại.
- Anh tìm em và bố mẹ. - Pipilu dùng hết sức mình đẩy Luxixi sang một bên và đi thẳng vào nhà.
Bố Pipilu nghe thấy có tiếng ồn ào liền đi tới, vừa thoáng nhìn thấy cô Chu, mặt chú đã biến sắc.
- Cô Chu, cô quá lắm rồi đấy! Nếu cô nhất định còn không chịu đi ra thì tôi sẽ gọi cảnh sát đến đấy. - Bố Pipilu thấy không thể tiếp tục nhẫn nhịn chuyện cô Chu cứ đến quấy rầy gia đình mình mãi như thế nữa.
- Bố, con là Pipilu đây! - Pipilu vừa khóc vừa nói.
- Tôi sẽ gọi điện thoại báo cảnh sát! - Bố phẫn nộ.
Mẹ Pipilu bước từ nhà bếp ra, trên tay bưng một đĩa thức ăn, nhìn thấy cô Chu, đĩa thức ăn trên tay liền rơi bốp xuống, vung vãi khắp sàn nhà.
- Mẹ, con thật sự là con trai Pipilu của mẹ đây mà! – Pipilu nhào về hướng mẹ.
Bố Pipilu đang định đi gọi điện thoại báo cảnh sát, thấy thế liền quay ra ngăn nó lại.
Mẹ Pipilu vô cùng hoảng hốt.
- Mọi người nghe con nói đã! - Pipilu không thể nào tiếp tục chịu đựng cảnh người nhà nhìn nhau mà lại không nhận ra nhau này nữa. - Mẹ, khi con sinh nhật ba tuổi mẹ đã tặng con một hộp trò chơi xếp hình có hình con sói xám đúng không ạ?
Mẹ Pipilu lặng người.
- Ngày đầu tiên đi học, mẹ đã đạp xe đưa con đến trường, sau khi mẹ đeo cặp lên vai cho con còn nói Pipilu, chúc mừng con đã trở thành học sinh tiểu học. Đúng không mẹ? - Pipilu nước mắt dàn dụa kể tiếp.
- Là do Pipilu kể với cô sao? - Mẹ Pipilu vẫn không tin cô giáo Chu đứng trước mặt lại là con trai mình.
- Bây giờ mẹ có thể đặt câu hỏi cho con! - Pipilu nói với mẹ.
Mẹ Pipilu đưa mắt nhìn chồng và con gái Luxixi.
Bố Pipilu gật đầu. Chú nghĩ Pipilu không thể đem tất cả chuyện của mình kể cho cô Chu nghe được.
- Nếu con trả lời đúng hết thì bố mẹ phải công nhận con là Pipilu! - Pipilu nói.
- Nếu cô không trả lời được thì xin cô mau rời khỏi nơi này cho và từ sau đừng bao giờ được đến nhà tôi nữa. - Bố đáp trả.
- Con đồng ý! - Pipilu nhận lời.
- Mẹ của tôi mất năm nào? - Mẹ hỏi Pipilu.
- Bà của con mất ngày 12 tháng 8 năm kia - Pipilu trả lời.
- Mộ bà ở đâu?
- Bên dưới một gốc thông ở quê bà. - Pipilu trả lời một cách trôi chảy.
- Những ai đi an táng bà?
- Mẹ và bố con cùng đi, bố về trước mẹ ba ngày. - Pipilu thích cái kiểu kiểm tra thế này.
- Tôi tốt nghiệp trường trung học nào? - Bố đột nhiên cất tiếng hỏi.
- Trường trung học Hồ Biên. Thầy dạy toán của bố họ Tiền. - Pipilu trả lời.
Hai mắt bố Pipilu tròn xoe.
- Tuần trước em có kể cho anh Pipilu nghe một chuyện, đó là chuyện gì? - Luxixi cũng không bỏ qua cơ hội làm giám khảo.
- Giáo viên chủ nhiệm lớp em có bầu rồi mới kết hôn. Em còn nói là do cậu đeo kính người loắt choắt cùng lớp phát hiện ra đầu tiên nữa. - Pipilu trả lời.
- Cô đúng là Pipilu! - Luxixi tuyên bố.
Bố mẹ cũng không thể không đưa ra phán đoán giống vậy.
- Bố ơi! Mẹ ơi! Luxixi ơi! Con nhớ mọi người lắm! Con sẽ không bao giờ rời xa mọi người nữa đâu! - Pipilu bật khóc hu hu.
Mọi người trong nhà cuối cùng cũng tin cô Chu đứng trước mặt chính là Pipilu nhưng nhìn Pipilu trong hình dáng của cô giáo Chu, mọi người không tài nào thể hiện được tình yêu thương thân thiết với nó.
Pipilu thì không còn nghĩ nhiều được thế, nó nhảy tới ôm chặt lấy bố hôn lấy hôn để.
Bố Pipilu vừa quay sang nhìn vợ vừa né tránh, chú còn giơ hai tay lên cao để thể hiện rằng mình không dính líu gì đến chuyện này đâu.
- Làm sao như thế được? - Bộ não của mẹ Pipilu vẫn không tài nào có thể giải thích được hiện tượng cô trò đổi lốt cho nhau này.
Pipilu liền kể lại hết quá trình đổi lốt tối hôm đó cho cả nhà.
- Tại áp lực của việc học và dạy quá lớn đây mà. - Luxixi nhận xét như bà cụ non.
Bố và mẹ đều gật đầu đồng ý.
Cuối cùng thì Pipilu cũng có được bữa cơm đoàn viên cùng gia đình. Giờ mọi người trong nhà hoàn toàn tin cô Chu chính là Pipilu, kiểu cách cô ăn cơm và những cử chỉ khác đều giống hệt Pipilu.
- Chúng ta phải nghĩ cách đổi lại hình dáng cho Pipilu và cô Chu mới được! - Bố Pipilu cảm thấy rất gượng gạo khi thấy con trai như vậy.
- Tốt nhất là tranh thủ hai ngày cuối tuần này để khôi phục lại cho con. Con không muốn thứ hai tuần sau lại làm cô giáo nữa đâu! - Pipilu nói. - Làm giáo viên chẳng dễ dàng chút nào, đòi hỏi học sinh điểm số cao đâu phải chủ ý của họ, họ cũng bị ép buộc thôi.
- Không biết cô Chu đã thuyết phục được chồng tin về chuyện đổi lốt này chưa nhỉ? - Luxixi nói.
- Sáng sớm ngày mai chúng ta thử liên lạc với vợ chồng cô ấy xem sao. - Mẹ nói.
Trước khi đi ngủ, Pipilu nhất định đòi đi tắm cùng bố.
- Cảm ơn ý tốt của con, thôi miễn đi! - Bố nó kiên quyết từ chối.
CHƯƠNG 12
Tối hôm đó khi cô Chu về nhà mình cũng gặp phải sự phản đối quyết liệt của chú Triệu.
- Đi ra, cháu đến đây làm gì? - Chú Triệu đẩy cô Chu ra ngoài.
- Em là Chu Hồng đây! - Cô nói với chồng.
- Nói năng lung tung! - Chú Triệu chưa bao giờ gặp một học sinh thế này.
- Lần đầu tiên chúng ta hôn nhau là vào buổi tối ngày thứ hai sau ngày chúng ta quen nhau, trong bóng tối sau nhà văn hoá của tổ dân phố. Chúng ta đều không biết hôn. Sau này anh còn nói biết thì là hôn, mà không biết thì lại cứ cho là lưỡi đánh nhau! - Cô Chu nói.
Chú Triệu không đẩy Pipilu nữa.
- Sau mông trái của anh còn có một cái bớt bằng nửa cái đĩa VCD, lúc đầu anh còn giấu em... - Cô Chu nói một cách quen thuộc và rành rọt.
- Đủ rồi, đủ rồi. Cháu với Chu Hồng rốt cuộc có quan hệ như thế nào? Sao cô ấy kể hết cho cháu nghe mấy chuyện này hả? – Chú Triệu vẫn khăng khăng không tỉnh ngộ.
- Em chính là Chu Hồng! - Cô Chu thấy chồng mình vẫn không tin thì tức lộn ruột.
- Tôi hỏi, cậu trả lời, nếu cậu trả lời đúng hết thì tôi sẽ công nhận cậu là Chu Hồng! - Chu Triệu nói.
- Anh nói phải giữ lời! - Cô Chu thở phào một cái.
- ... ? - Chú Triệu hỏi. ( Vì những câu hỏi và câu trả lời này có liên quan đến đời sống gia đình riêng tư của cô Chu nên ban biên tập đã lược bỏ).
- ...! - Cô Chu đáp.
- ...? - Chu Triệu lại hỏi.
- ...! ...! ...!!! - Cô Chu trả lời.
- ..., ...? - Chú Triệu tiếp tục hỏi.
- ... - Cô Chu nói - ..., ...
- Cậu đúng là Chu Hồng ư? - Chú Triệu ngồi phịch xuống đất.
Cô Chu bước đến đỡ chồng dậy:
- Anh Vĩ, em là Chu Hồng đây mà!
Chú Triệu tên đầy đủ là Triệu Vĩ.
- Sao... sao... lại thế này được? - Chú Triệu nhìn Pipilu đứng trước mặt mình, đờ người ra.
Cô Chu liền kể hết diễn biến việc đổi lốt tối hôm ấy cho chú Triệu nghe.
- Đây không phải cổ tích sao? - Chú Triệu vẫn không sao tin nổi.
- Nhưng chuyện này lại xảy ra với vợ của anh, anh không thể không tin được! - Cô Chu nức nở.
- Sao lại có thể xảy ra như vậy? - Chú Triệu vẫn không sao giải thích nổi.
- Em nghĩ có lẽ do cả em và Pipilu đều mệt mỏi quá sức. Anh không biết đâu, mấy ngày em làm học sinh thật là thảm. Đây không phải là đi học mà là chịu cực hình. Nếu có thể đổi lại hình dạng của mình em sẽ không bắt ép học sinh làm cái gì nữa đâu. - Cô Chu chua xót nói.
- Tại sao người khác không bị đổi lốt như vậy? - Chồng cô hỏi.
- Nhà nào xảy ra chuyện này mà lại dám đi rêu rao chứ? Hơn nữa, nói ra thì ai tin? Có lẽ những người bị nhốt trong bệnh viện tâm thần đều là do đổi lốt đó, họ cứ nói ra là lại bị người ta cho vào bệnh viện tâm thần. Mọi người chẳng đã cho em và Pipilu đến bệnh viện tâm thần rồi sao? - Cô Chu giải thích với chồng.
Chú Triệu chỉ còn biết gật đầu lia lịa.
- Lẽ nào mình phải chấp nhận sự thật này sao? - Chú lẩm bẩm.
- Vâng! - Cô Chu nói.
- Thế kế hoạch của chúng ta vẫn có thể hoàn thành đúng như thời gian dự kiến chứ? - Chú Triệu hỏi.
- Kế hoạch gì cơ?
- Năm tới sinh con chứ gì nữa? - Chú Triệu nói.
- ... - Cô Chu lúng túng, cô không biết người đứng tiểu tiện thì sinh em bé kiểu gì đây.
- Hỏng bét rồi... - Chú Triệu vò đầu bứt tai.
- Em phải đổi lại hình dáng với Pipilu đã! Chúng mình nghĩ cách đi anh! - Cô Chu nói.
- Liệu có được không? - Chú Triệu ngờ vực hỏi.
- Được hay không là do con người mà! – Cô Chu tự tin nói. - Ngày mai chúng ta đến nhà Pipilu, ngã ở đâu thì phải đứng lên ở đó.
Tuy không quen nằm chung giường với một cậu bé đã lớn nhưng chú Triệu cũng không nỡ lạnh nhạt thờ ơ với người vợ sau hai ngày xa cách mới trở về nhà.
CHƯƠNG 13
Sáng hôm sau, chẳng phải đợi tới khi nhà Pipilu gọi điện, thì vợ chồng cô Chu đã đến trước cửa rồi. Mẹ Pipilu thấy cô Chu trong thân thể của con trai thì đau lòng khôn xiết. Chú Triệu nhìn thấy Pipilu trong hình dáng vợ mình đang nép người vào bố Pipilu thì trong lòng cũng cảm thấy xót xa. Pipilu và cô Chu lại quay vào phòng Pipilu như ngày hai người bị đổi lốt, họ giữ vị trí, tư thế y như cũ hòng mong có thể đổi lại được.
Một tiếng đồng hồ đã qua. Vẫn không có gì thay đổi
Hai tiếng trôi qua. Không có gì nhúc nhích.
Nửa ngày trôi qua. Tình hình không xoay chuyển.
Chú Triệu nản chí đầu tiên.
- Tôi thấy chẳng có hi vọng gì cả! - Chú Triệu thở dài.
Bố mở cửa sổ hít thở chút không khí trong lành.
- Đừng nản, chiều lại thử tiếp. Tôi đi làm cơm trưa trước. - Mẹ nói.
Thử cả buổi chiều, kết quả vẫn chỉ là thất bại.
Buổi tối, khi chú Triệu đưa vợ về, mẹ Pipilu nước mắt lưng tròng nhìn cô Chu. Dù gì đi nữa thì cô vẫn cảm thấy đó là cậu con trai Pipilu của mình. Chú Triệu cũng dùng dằng nửa đi nửa ngoái đầu nhìn lại Pipilu.
Mọi người đành từ bỏ nỗ lực đổi Pipilu và cô Chu lại như cũ.
Pipilu và cô Chu ai đã về nhà nấy ở thật rồi nhưng người trong gia đình của cả hai lại chỉ đau đáu nhớ về hình dáng bên ngoài của người thân. Cả hai cuối cùng cũng hiểu ra, yêu cầu của con người với người thân trước tiên là hình dáng bên ngoài. Nếu hình dáng và nội tâm có sự xung đột, thì người ta thà chọn cái bề nổi bên ngoài còn hơn. Pipilu và cô Chu đều cảm nhận được nỗi khổ tâm của người thân do việc họ đổi lốt gây ra.
Chiều ngày thứ Hai, sau khi tan học, khi Pipilu và cô Chu bước ra đến cổng trường thì thấy Luxixi, bố, mẹ nó và cả chú Triệu nữa đang đứng đợi ở đó.
- Mọi người đến làm gì? - Pipilu hỏi bố mẹ và Luxixi.
- Bố mẹ muốn... - Mẹ Pipilu ấp úng.
- Muốn làm gì ạ? - Pipilu hỏi.
- Bố mẹ muốn... muốn... nhìn cô Chu một chút... - Bố ngập ngừng nói.
- Nhìn cô Chu ạ? - Pipilu chợt hiểu ra, mọi người muốn nhìn gương mặt Pipilu mà cô Chu đang mang.
- Anh đến đây làm gì? - Cô Chu hỏi chồng.
- Anh muốn... nhìn... Pipilu một lát. - Chú Triệu mắt dán vào Pipilu.
Cô Chu thở dài.
Luxixi và bố mẹ cứ nhìn chằm chằm vào cô Chu. Còn chú Triệu thì nhìn Pipilu không chớp mắt.
- Về nhà thôi chứ ạ? - Pipilu nói với bố mẹ.
- Xin cháu đấy, Pipilu, cho chú nhìn thêm một lát nữa! - Chú Triệu cầu xin Pipilu.
- Mong cô có thể nán lại thêm một lát. - Bố nói với cô Chu.
Không ít học sinh và giáo viên tan lớp đều kinh ngạc nhìn họ.
- Chúng ta đang gây sự chú ý của mọi người đấy! Mau đi thôi! - Cô Chu nói.
Luxixi và bố mẹ vương vấn chia tay với cô Chu. Chú Triệu đau xót chia tay với Pipilu. Cô Chu và Pipilu đều thấy rất bứt rứt, họ không nhẫn tâm nhìn thấy người thân của mình đau khổ. Ở nhà, Pipilu phát hiện ra rằng tuy bố mẹ và Luxixi đã công nhận mình là Pipilu nhưng khi ở bên nó mọi người vẫn luôn cảm thấy gượng ép khó chịu. Họ chỉ muốn gặp cô Chu. Cô Chu cũng vậy, cô thấy chồng mình lúc nào cũng bần thần một mình, lại còn lật đi lật lại ngắm những tấm hình ngày xưa của cô nữa. Pipilu và cô Chu được ở bên người thân, trong lòng thấy nhẹ nhõm đi phần nào, nhưng nhìn thấy người thân của mình chẳng vui vẻ gì nên tự trong sâu thẳm tâm hồn hai người cũng dần dâng lên một nỗi buồn khôn tả.
Buổi trưa hôm ấy, nhân lúc nghỉ trưa, cô Chu và Pipilu lại cùng nhau bàn bạc một lần nữa.
- Cô Chu, em không muốn nhìn bố mẹ và em gái buồn nữa. - Pipilu nói.
- Cô cũng vậy. Nói thật với em cô thấy thương chú Triệu lắm. Bây giờ không hiểu anh ấy phải sống những tháng ngày gì thế này? - Cô Chu nức nở.
- Em có một cách không biết có được không. - Pipilu nói.
- Em nói đi! - Cô Chu biết Pipilu là đứa lắm mưu nhiều kế.
- Cô và em sẽ phải hi sinh để đem lại hạnh phúc cho người thân. - Pipilu nói.
- Em nói mau đi. Cô chấp nhận đau khổ để đổi lấy niềm vui cho họ. - Cô Chu nói.
- Cô và em cùng nói với người nhà là chúng ta đã đổi lại được rồi. Thực chất là giả vờ thôi. - Pipilu nói rành rọt từng chữ một.
Cô Chu cảm thấy Pipilu thật là vĩ đại. Cô biết nếu như cô và Pipilu mà làm như vậy thì cũng có nghĩa là đã hoàn toàn rũ bỏ hạnh phúc của bản thân mình, suốt đời xa cách người thân, nhưng người thân lại vì thế mà được vui vẻ.
- Cô đồng ý! - Cô Chu nói.
- Cảm ơn cô. - Pipilu xúc động nói.
- Cô cũng muốn cảm ơn em đấy, Pipilu à! - Cô Chu thấy tự hào vì có một học sinh phẩm chất tốt đẹp như Pipilu.
- Cô phải chịu khổ rồi, lại đi học thêm một lần nữa. - Pipilu nói.
- Em cũng không nhẹ nhàng gì đâu, phải làm thầy người ta trước tuổi. - Cô Chu nói.
- Đều chẳng dễ dàng gì nhỉ! - Cả hai cùng lên tiếng một lúc.
Hai người thương lượng với nhau tối nay cô Chu sẽ về nhà Pipilu còn Pipilu về nhà cô Chu, hai người sẽ tuyên bố cho người thân biết trưa nay ở trường tự nhiên mình đổi lại được hình dáng như trước rồi. Sau đó người này sẽ lấy thân phận của người kia để sống cả đời cùng người thân của đối phương.
Tối hôm đó, không khí nhà Pipilu và nhà cô Chu vui vẻ tưng bừng như ăn tết...


Nguồn: NXBKĐ


 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top