Chia Sẻ Phong tục đi lễ chùa và xin lộc đầu năm của người Việt

Hanamizuki

New member
Xu
0
Cứ mỗi độ xuân về, trong phút giao thời giữa năm cũ và mới, nhiều người Việt thường có tục lễ chùa và xin lộc. Họ đến chùa không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn để tìm về với cội nguồn dân tộc. Tất cả những điều đó như một gam màu lấp lánh, tạo nên nét đa sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam.
tải xuống (6).jpg

Chạm cửa thiền cầu may mắn

Đối với người Việt Nam, lễ hội vốn là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc và trường tồn. Thế nhưng, cứ mỗi độ xuân về, dù có hòa mình vào không khí lễ Tết thì nhiều người Việt vẫn không quên lên chùa thắp nhang, cầu cho mình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Cũng chính vì thế, tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mọi giai tầng của xã hội. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.
tải xuống (3).jpg


Cũng là lễ chùa đầu năm, nhưng cách thức và nghi lễ ở hai miền Nam - Bắc có những nét khác nhau. Đối với người miền Bắc, khi đi chùa đầu năm thường phải có đồ lễ, hoặc hương hoa. Theo lệ thường, mâm lễ bao giờ cũng đủ cả hương, hoa, tiền vàng và một tờ sớ viết bằng chữ nho, ghi những điều cầu mong của gia chủ cho một năm vạn sự như ý. Đặc biệt, trong lời văn khấn của người miền Bắc thường có vần, có điệu, âm vực thì trầm bổng. Khi thể hiện, lời khấn nghe như thơ, như nhạc ngân nga trong không gian u huyền của đình chùa, tạo nên sự linh thiêng, hư ảo. Lễ xong, người đi lễ thường xin nhà chùa một thứ gì đó về làm lộc đầu năm. Còn đối với người miền Nam, việc hành lễ đơn giản hơn, đầu năm đi lễ chùa thường không phải đem theo đồ lễ, nếu có cũng chỉ là hoa quả chứ không bao giờ có đồ mặn (xôi thịt) như người miền Bắc. Lời khấn cũng đơn giản, không câu nệ văn vẻ. Người lên chùa ước gì thì cầu đó, không nhất thiết phải dùng sớ bằng chữ nho. Cách khấn như thế người ta hay gọi là khấn nôm.

Tuy phong tục tập quán giữa các miền có khác nhau, nhưng lễ chùa đầu xuân đã trở thành thói quen, thành nét văn hóa tâm linh của tất cả người Việt. Tại đây, mọi ranh giới về tuổi tác, địa vị đều bị xóa nhòa, tất cả gặp nhau ở miền tâm thức linh thiêng.

Hái lộc xuân ước phồn thịnh

Ngoài tục lễ chùa, người Việt còn có tục hái lộc vào đêm giao thừa. Theo quan niệm của người xưa, không có loài nào sinh sôi nảy nở và có sức sống mãnh liệt như loài cây. Mỗi độ xuân về, những chồi non nhú lên thể hiện sức sống tràn đầy sinh lực. Do đó, người ta đi xin lộc đêm giao thừa là để cầu mong có được sức sống dẻo dai, mạnh khỏe và có ích như loài cây. Vào dịp đầu năm, người dân thường ghé lại các đình, chùa để xin một nhánh non đem về treo trước cửa nhà hoặc chưng trên bàn thờ gia tiên với hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình. Cành lộc được chọn thường là loại cây có phong cách, dáng dấp của người quân tử, thể hiện được sự bao dung và nhân ái. Cũng theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, lộc xuân hái từ những cây như đa, sung, xanh, si sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp nhất. Còn hái lộc từ cây tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người trong gia đình.
images (5).jpg

Nếu ngày xưa, việc hái lộc phải từ những cây ở chùa thì hiện nay, tục hái lộc đã đổi khác và có những phá cách mang tính tích cực. Những năm gần đây, người đi hái lộc đầu xuân thường hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt đọt cây. Lộc xuân có thể là mua một vài quả khế, cây mía hoặc một chậu cây nho nhỏ… đem về nhà trong ngày đầu năm. Tất cả những điều đó làm tôn lên vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, mãi là một nét chấm phá lung linh trong mùa xuân của toàn dân tộc Việt Nam!

Theo Lam Điền
 
15 ngôi chùa linh thiêng và đẹp nên đi lễ dịp đầu năm ở Hà Nội, Sài Gòn

Những ngôi chùa linh thiêng và đẹp ở Hà Nội

1. Chùa Quán Sứ

Chùa Quán Sứ tọa lạc tại phố Quán Sứ nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng, thanh tịnh. Bởi vậy trong ngày năm mới, rất đông người dân, Phật tử về đây để đi lễ cầu mong mình và gia đình gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong. Chùa Quán Sứ cũng là một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam mà tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ.

quansu-1485483574907.jpg


2. Chùa Trấn Quốc


Nổi tiếng linh thiêng lại là danh thắng kinh kỳ, chùa Trấn Quốc xưa thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Ngày đầu năm, ngôi chùa này luôn tấp nập những du khách, phật tử đến lễ chùa và cầu mong những điều may mắn sẽ đến với gia đình mình.
photo-1-1485484682733.jpg

3. Chùa Bà Đá

Nằm ngay trung khu phố cổ, cứ những ngày mùng 1, rằm hay đầu năm, chùa Bà Đá lại tấp nập người đi lễ chùa. Chùa Bà Đá tuy nhỏ nhưng có cảnh quan khá đẹp với nhiều bức tượng gỗ. Ngôi chùa được xây năm 1056 này còn có các tên: Linh Quang tự, Sùng Khánh tự.

bada-1485483721891.jpg


4. Chùa Bằng

Chùa Bằng – Linh Tiên tự thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai là ngôi cổ tự có niên đại trên 400 năm. Trải qua sự phong hóa của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi cổ tự này vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị. Vườn chùa hiện còn 6 ngôi tháp thờ chư vị tổ sư và giác linh, trong đó có những ngôi tháp cổ. Đặc biệt trong chùa có tháp Báo Ân với 104 tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng ngồi trên bệ đá.

chuabang-1485485935028.jpg


5. Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là biểu tượng cho văn hóa, lịch sử Việt Nam với kiến trúc cổ tuyệt đẹp. Dịp đầu năm nơi này thu hút rất đông người dân, đặc biệt là các sĩ tử đến lễ đầu năm, xin may mắn trong học hành, thi cử, sau là để tham quan du xuân. Chưa kể vào dịp Tết đây còn là phố ông đồ, nơi bạn có thể xin chữ và ghi lại những bức ảnh xuân tuyệt đẹp.

vanmieu-1485484305757.jpg


6. Chùa Hà

Chùa Hà là ngôi chùa cầu nổi tiếng về tình duyên nên trong ngày đầu năm Chùa Hà bên cạnh cụ cao niên, người trung niên, ngôi chùa này rất các bạn trẻ, nam thanh nữ tú đi lễ. Tòa phật điện của chùa Hà được bố trí theo nhiều lớp. Lớp cao nhất là ba pho Tam thế thường trụ diệu pháp thân, đại diện cho Đức Phật ở thì hiện tại, quá khứ và tương lai.

chuha-1485484498914.jpg

7. Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ thờ công chúa Liễu Hạnh hay còn gọi là Mẫu Liễu Hạnh là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất để cầu tài lộc. Bên cạnh đó Phủ Tây Hồ còn sở hữu vị trí rất đẹp, ngay sát Hồ Tây vì thế đây trong những ngày đầu năm, nơi đây đông nghẹt người ở khắp nơi đã đổ về đây để đi lễ, xin lộc đầu năm.

photo-1-1485489446143.jpg



8. Tổ đình Phúc Khánh

Vào đầu năm, chùa Phúc Khánh (còn có tên Chùa Sở, tọa lạc trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội) chẳng lúc nào vắng người đi lễ chùa. Phần bởi chùa có kiến trúc cổ kính, thanh tịnh của chùa, phần vì chùa nổi tiếng về dâng sao giải hạn đầu năm.

phuckhanh-1485489978383.jpg



Những ngôi chùa Linh thiêng ở Thành phố Hồ Chí Minh
1. Chùa Giác Lâm

Chùa Giác Lâm có mặt tại Gia Định (Sài Gòn) từ năm 1744 - là một trong những ngôi chùa có mặt sớm nhất còn tồn tại đến nay, do cư sĩ Lý Thụy Long xây dựng. Kiến trúc của chùa Giác Lâm được coi là tiêu biểu nhất cho lối kiến trúc của các ngôi chùa tại khu vực Nam Bộ, với mặt bằng tổng thể theo kiểu chữ "Tam", gồm có 98 cột chống đỡ, bên trong chùa bài trí 113 pho tượng cổ được làm từ nhiều chất liệu khác nhau.

giaclam-1485482836345.jpg



2. Chùa Vĩnh Nghiêm

Tháp đá tại chùa Vĩnh Nghiêm được ghi nhận là tháp đá cao nhất, công phu nhất tại Việt Nam. Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những ngôi chùa lớn và nổi tiếng nhất của Sài Gòn. Ngoài ra ngôi chùa này còn được ghi nhận là ngôi chùa có tháp đá cao nhất và công phu nhất tại Việt Nam với 7 tầng, cao đến 14m. Tòa tháp đặc biệt này được xây dựng với nghệ thuật trổ đá dày đặc, công phu với hoa văn và họa tiết điêu khắc phủ kín… theo phong cách văn hóa Lý - Trần.

vinhnghiem-1485482720638.jpg



3. Chùa Xá Lợi

Chùa Xá Lợi nổi tiếng là nơi có tháp chuông cao nhất Việt Nam, tháp chuông có 7 tầng, cao đến 32m. Trên tầng cao nhất của chùa Xá Lợi có treo một đại hồng chuông nặng đến 2 tấn. Tiếng chuông chùa Xá Lợi in dấu ấn trong kí ức của bao thế hệ người Sài Gòn Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đầu tiên của thành phố Sài Gòn được xây dựng theo lối kiến trúc mới, trên là bái đường, ở phía dưới là giảng đường.

xaloi-1485482604573.jpg


4. Chùa Ngọc Hoàng

Chùa Ngọc Hoàng hay còn gọi là Phước Hải là một ngôi chùa lâu đời trên đất Sài Gòn. Với những nét kiến trúc cổ xưa, mái ngói âm dương, ngôi chùa này từng được xếp hạng "Di tích kiến trúc nghệ thuật" cấp quốc gia vào năm 1994. Chùa Ngọc Hoàng rộng khoảng 2.300m2, được thiết kế theo kiến trúc ba gian thờ với khu vực chánh điện thờ Phật, Ngọc Hoàng. Đền thờ Kim Thoa Thánh Mẫu, ông Tơ bà Nguyệt và 12 bà Mụ nằm bên tay trái. Bên trong là điện thờ thần Tài, công danh sự nghiệp.

phuochai-1485482437787.jpg


5. Chùa Vạn Đức

Chùa Vạn Đức cũng là một trong những lựa chọn đi lễ chùa đầu năm. Tòa chánh điện của chùa Vạn Đức cao đến 43,5m - đang là toà chánh điện cao nhất hiện nay. Công trình này mất 2 năm và cần tới hơn 60 thợ xây để thực hiện. Ngoài giá trị về tinh thần, công trình còn là một kiểu mẫu cho nghệ thuật tạo hình trong kiến trúc hiện đại.

vanduc-1485482173258.jpg


6. Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà Thiên Hậu (còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn) là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở TP Hồ Chí Minh. Là ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất tại quận 5, chùa Bà Thiên Hậu hàng ngày vẫn đón tiếp người đến cúng lễ khá đông. Nhất là vào các ngày mùng một và rằm hàng tháng, các ngày lễ Tết trong năm.

chua-1485481932754.jpg



7. Chùa Sùng Đức
Một ngôi chùa cổ khác cũng đông khách thập phương đến viếng đầu xuân là chùa Sùng Đức ở Thủ Đức. Chùa được xây dựng từ năm 1806, trải qua hơn 200 năm, chùa vẫn giữ được phong cách và kiểu dáng của ngôi chùa cổ với kiểu nhà tứ trụ cột gỗ, mái ngói âm dương, được xây theo thế chữ tam như trước kia. Chùa hiện nay còn lưu giữ nhiều cổ vật quý và hiện vật có giá trị nghệ thuật khác được các nghệ nhân điêu khắc, chạm trổ rất công phu.

sungduc-1485483074830.jpg

 
Tuy phong tục tập quán giữa các miền có khác nhau, nhưng lễ chùa đầu xuân đã trở thành thói quen, thành nét văn hóa tâm linh của tất cả người Việt. Tại đây, mọi ranh giới về tuổi tác, địa vị đều bị xóa nhòa, tất cả gặp nhau ở miền tâm thức linh thiêng.
Đúng là vậy. Dù ở miền nào thì không gian Tết đều rất thiêng liêng.
 
phong tục lễ chùa đầu năm rất có ý nghĩa thế nhưng bây giờ nó đã trở thành một "vấn đề" cần được bàn luận kĩ, ai cũng đi lễ chùa cầu tiền tài danh vọng...
 
ý mình là sao cứ phải cầu tiền tài danh vọng làm gì nhiều, ít ai cầu sức khỏe cho bản thân gia đình và bạn bè ấy. Đi lễ hội mới thấy được điều đó.
Ơ mà sao bạn biết người ta cầu cái gì được, Họ cầu bạn biết sao được, bạn có hơi chủ quan khi nói ít ai cầu sức khỏe cho bản thân gia đình và bạn bè không nhỉ?
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top