• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Phong trào công nhân và chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ xix - đầu thế kỷ xx

Trang Dimple

New member
Xu
38
PHONG TRÀO CÔNG NHÂN VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRONG THẾ KỶ XIX - ĐẦU THẾ KỶ XX






I/ phong trào công nhân nửa đầu thế kỷ XIX và sự ra đời của CNXH

1. Sự ra đời của giai cấp công nhân và những phong trào đấu tranh đầu tiên

Sự ra đời của giai cấp vô sản là một quá trình lịch sử lâu dài từ vô sản đầu tiên đến vô sản công trường thủ công và vô sản hiện đại (công nhân). Giai cấp vô sản hiện đại ra đời gắn với cách mạng công nghiệp (thế kỷ XVIII - thế kỷ XIX), sự ra đời của nhà máy, công xưởng, trung tâm công nghiệp. Vì vậy giai cấp công nhân ra đời sớm nhất ở nước Anh (thế kỷ XVIII). Giai cấp công nhân được hiểu là giai cấp làm công, ăn lương và bị tư bản bóc lột. Nguồn gốc xuất thân của giai cấp công nhân chủ yếu từ thợ thủ công và nông dân bị bần cùng hoá do sự xâm nhập của phương thức TBCN và tư hữu phát triển của cách mạng công nghiệp.

Đến đầu thế kỷ XIX, số lượng công nhân trong các nhà máy tương đối đông, nhất là ở Anh, mật độ tập trung tương đối cao. Chính sự phát triển về số lượng ở một mức độ nhất định cho phép giai cấp công nhân có thể tổ chức đấu tranh. Bên cạnh đó, do điều kiện sống, làm việc tồi tệ, đồng lương hết sức rẻ mạt. Công nhân phải sống ngay trong phân xưởng, tạm bợ hoặc thuê ở trong các căn nhà ổ chuột, tối tăm, nhếch nhác, chỗ ăn ngủ tồi tàn. Thời gian lao động dài, trung bình 14-16 giờ/ngày, cường độ lao động cao, điều kiện làm việc không an toàn (không có quần áo bảo hộ…), do đó tuổi thọ của công nhân rất thấp (trung bình đạt 40 tuổi). Do bị áp bức, bóc lột đã dẫn đến sự phản kháng và những cuộc đấu tranh đầu tiên của giai cấp công nhân.

Những cuộc đấu tranh đầu tiên của giai cấp công nhân xuất hiện ở 20 năm đầu thế kỷ XIX với hình thức chủ yếu và phổ biến nhất là đập phá máy móc. Do lúc này nhận thức của giai cấp công nhân còn hạn chế, họ cho rằng nỗi khổ của mình là do máy móc gây ra (xuất hiện máy móc, yêu cầu cường độ lao động cao, thao tác phải chính xác hoặc công nhân sẽ bị sa thải, thất nghiệp), đồng thời máy móc cũng là tài sản của nhà tư bản. Phong trào xuất hiện đầu tiên ở Anh, do một công nhân là Luđi (Lude) khởi xướng. Năm 1811 và 1817 ở khu công nghiệp thuộc miền Bắc và miền Trung nước Anh công nhân nổi dậy phản đối máy móc, các dây chuyền sản xuất vì nó biến kỹ thuật thủ công của họ thành vô dụng. Từ nước Anh, phong trào đập phá máy móc đã lan sang các nước khác. Mặc dù tất cả các phong trào này đều bị chính quyền của giai cấp tư sản đàn áp, song nó là cuộc tập dượt đầu tiên của giai cấp công nhân. Quan trọng hơn, trong đấu tranh, ý thức giai cấp và tinh thần đoàn kết của công nhân dần dần được hình thành và phát triển.

Đến thập niên 30, 40 của thế kỷ XIX, bên cạnh phong trào đập phá máy móc, giai cấp công nhân dần giác ngộ và tìm kiếm các phương pháp đấu tranh tích cực hơn đó là khởi nghĩa, bãi công. Hình thức đấu tranh này đòi hỏi công nhân phải đoàn kết và có sự hỗ trợ lẫn nhau và giai cấp công nhân tiến tới thành lập các tổ chức công đoàn. Tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân giai đoạn này là Khởi nghĩa Liông (1831 - 1834), Khởi nghĩa Sơlêdiên (1844) và phong trào Hiến chương ở Anh (1839 - 1848).

Khởi nghĩa Liông là phong trào đấu tranh của công nhân dệt ở Liông (Pháp), bắt đầu từ cuộc bạo động tháng 11/1831 của công nhân dệt tấn công giới chủ và chính quyền Liông đòi tăng lương, giảm giờ làm. Tiếp theo là cuộc khởi nghĩa năm 1834, giai cấp công nhân lập pháo đài, chướng ngại vật chiến đấu với quân đội của Chính phủ trong 4 ngày và bị đàn áp.

Khởi nghĩa Sơlêdiên là phong trào đấu tranh bằng bạo lực của công nhân dệt ở Sơlêdiên (Đức). Công nhân ở đây đã nổi dậy tấn công chủ TB, khi quân đội được đưa đến để đàn áp, họ đã chiến đấu với quân đội và bị đàn áp.

Phong trào Hiến chương diễn ra ở Anh, là phong trào đấu tranh bằng bãi công do Hội Công nhân Luân Đôn (ra đời 1836) tổ chức. Tháng 5 - 1838 Hội tuyên bố Hiến chương 6 điểm, đòi thực hiện bầu cử Quốc hội bằng phổ thông đầu phiếu và bình đẳng, cụ thể đòi: (1) Tuyển cử bình đẳng ở 200 quận; (2) Tuyển cử hàng năm; (3) Tất cả những người 21 tuổi trở lên cư trú 6 tháng đều có quyền bầu cử; (4) Không có tư hữu cũng được tuyển cử; (5) Bỏ phiếu kín; (6) Quốc hội họp đều, đại biểu được cấp kinh phí. Trên cơ sở Hiến chương này đã thu được sự tham gia của đông đảo công nhân và tạo thành phong trào đấu tranh rộng lớn, dưới hình thức mít tinh, thu thập chữ kí, đòi Quốc hội thực hiện Hiến chương. Năm 1839, phong trào đưa ra Kiến nghị thứ nhất, thu thập được 1 triệu chữ kí (đòi phổ thông đầu phiếu). Năm 1842 đưa ra Kiến nghị lần 2, đề cập đến vấn đề sinh hoạt, đòi cải thiện điều kiện kinh tế cơ cực của công nhân và đã thu thập được hơn 3 triệu chữ kí (3.315.000). Kiến nghị này không được chấp thuận, công nhân Anh đã phản đối bằng việc tổ chức các cuộc đình công khắp đất nước. Năm 1848, phong trào đưa ra Kiến nghị lần 3, đòi phổ thông đầu phiếu, thu thập được 5 triệu chữ kí, nhưng bị Quốc hội bác bỏ. Phong trào Hiến chương ở Anh là một phong trào đấu tranh rộng lớn, tuy thất bại, song đã buộc giai cấp tư sản phải nhượng bộ. Năm 1847, Nghị viện Anh thông qua đạo luật ngày làm việc 10 giờ (đối với người lớn) và 5 giờ (đối với trẻ em), qui định chế độ nghỉ ngày chủ nhật (1860). Đây là phong trào mang tính chính trị đầu tiên của công nhân Anh.

2. Sự xuất hiện hệ tư tưởng CNXH

Đầu thế kỷ XIX, cùng với sự phát triển của phương thức sản xuất TBCN, những mặt trái, sự bất công ... của CNTB bắt đầu bộc lộ rõ nét. Những tư tưởng tốt đẹp từng là khẩu hiệu trong các cuộc cách mạng tư sản về tự do, bình đẳng, bác ái chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Thực tế, sự bóc lột giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã tạo nên sự giàu có của giai cấp tư sản và sự khốn cùng của giai cấp công nhân. Trên nền tảng của những bất công của CNTB, nhiều nhà tư tưởng mong ước xây dựng một xã hội tương lai tốt đẹp hơn và hệ tư tưởng CNXH đã ra đời từ CNXH không tưởng đến CNXH khoa học.

a/ CNXH không tưởng: đại diện tiêu biểu là Xanh Ximông, S. Phuriê và R.Ôoen.

Xanh Ximông (1760 - 1825), xuất thân trong một gia đình quí tộc. Tuy nhiên, do quan niệm không nên tin vào công giáo nên bị bắt giam. Ông đã vượt ngục trốn sang Bắc Mĩ, tham gia chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở đây. Khi cách mạng Pháp nổ ra, ông đã có tình cảm với cách mạng, nhưng sự xuất hiện khủng bố trong thời kỳ chuyên chính Giacôbanh đã làm ông thất vọng. Tư tưởng chính của Xanh Ximông là phê phán kịch liệt chế độ TBCN, chỉ ra sự bất công trong xã hội. Đó là giai cấp đông đảo nhất trong xã hội chính là công nhân và nông dân lại nghèo khổ nhất, phải lao động nhiều nhất, còn quí tộc chiếm thiểu số lại rất giàu có, nhưng không phải lao động. Từ đó, ông chủ trương kêu gọi cải tổ xã hội theo CNXH, trong đó các nhà bác học và tư sản công nghiệp giữ vai trò lãnh đạo, thực hiện nguyên tắc tất cả đều phải lao động để đảm bảo cho tất cả mọi giai cấp được thoả mãn về nhu cầu vật chất và văn hoá. Phương pháp ông đưa ra để xây dựng xã hội mới là tuyên truyền tư tưởng này trong giới cầm quyền, đặc biệt là giai cấp tư sản công nghiệp để họ thực hiện theo. Như vậy, trong CNXH tương lai của Xanh Ximông tư hữu và giai cấp bóc lột vẫn được bảo tồn. Phủ nhận vai trò của công nhân và phương pháp đấu tranh bằng bạo lực

Sáclơ Phuriê (1772-1837), xuất thân trong một gia đình thương nhân, từng tham gia kinh doanh, nhưng bị thua lỗ và phá sản nên phải làm thuê cho một hãng buôn khác. Sống trong môi trường này, giúp ông nhận thức rõ ràng và đầy đủ hơn về các mối quan hệ của CNTB. Thông qua các tác phẩm, ông đã vạch trần bộ mặt xấu xa, mâu thuẫn của CNTB ở Pháp: đó là tư tưởng tốt đẹp, lời hứa của các nhà cách mạng Pháp về tự do - bình đẳng - bác ái và công lí với cảnh cùng quẫn về vật chất và tinh thần của xã hội tư bản. Ông khái quát, xã hội tư bản là xã hội bất công, trong đó, sự giàu có, thừa thãi của người này được xây dựng trên sự nghèo khổ, mất mát của người kia: “sự nghèo khổ sinh ra chính từ sự thừa thãi”. Ông lên án những mánh khoé, lừa gạt, cạnh tranh bỉ ổi của CNTB làm què quặt con người, làm thui chột những tình cảm, khát vọng và tư tưởng của con người. Từ đó, cho rằng CNTB cần được thay thế bằng chế độ xã hội tốt đẹp hơn. Đó là xã hội được xây dựng trên cơ sở các công xã (Phalăng). Các Phalăng có nhiều ngành sản xuất, kết hợp giữa công nghiệp và nông nghiệp. Các thành viên trong Phalăng đều lao động, sản xuất theo kế hoạch và thành quả lao động được hưởng theo khả năng. Phương pháp mà Phuriê thực hiện là thuyết phục các nhà tư bản bỏ vốn ra xây dựng các phalăng và họ sẽ được hưởng 4/12 thành quả lao động, còn 3/12 cho những người sáng chế và 5/12 cho người lao động.

Rôbớt Ôoen (1771-1858), xuất thân trong gia đình thợ thủ công, ông có một tuổi thơ cơ cực và vất vả. Nhờ kết hôn với con gái một nhà tư sản công nghiệp (ở Xcốtlen) nên trở thành một chủ xưởng (có 2.000 công nhân). Trải nghiệm thực tế nên ông thấy hết bất công, sự cực khổ của giai cấp công nhân. Ôoen cho rằng, nguồn gốc của sự nghèo khổ là chế độ tư hữu và lao động làm thuê. Từ đó chủ trương xây dựng những công xã, xoá bỏ tư hữu, tài sản là của chung, lao động trở thành nghĩa vụ và hạnh phúc của mọi người. Ông đưa ra phương pháp xây dựng xã hội tương lai là thuyết phục các nhà tư sản xây dựng các công xã. Bản thân ông đã noi gương, thực nghiệm xây dựng các công xã ở Xcốtlen và sau là ở Mĩ, nhưng không thành công.

Nhìn chung, các nhà CNXH không tưởng đều lên án, tố cáo mặt trái của CNTB, chủ trương xây dựng xã hội tương lai tốt đẹp hơn. Xét ở góc độ này, CNXH không tưởng là một trào lưu tư tưởng tiến bộ. Tuy nhiên, phương pháp để xây dựng xã hội tương lai bằng cách tuyên truyền, thuyết phục giai cấp cầm quyền, hoặc noi gương ôn hoà là đều mang tính không tưởng. Nó không phát hiện ra các qui luật phát triển của các chế độ xã hội, không nhận thức được vai trò, sức mạnh, sứ mạng lịch sử của giai cấp công nhân và do đó không thể tìm ra lối thoát để đi đến xã hội tương lai.

b. CNXH khoa học

CNXH khoa học ra đời được đánh dấu bằng việc Mác, Ăngghen công bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ngoài phần mở đầu và kết luận, gồm 4 chương, chứa đựng những tư tưởng chính của Tuyên ngôn. Đó là những nguyên lí của chủ nghĩa duy vật biện chứng được áp dụng triệt để trong lĩnh vực lịch sử, chỉ rõ qui luật chung của sự phát triển xã hội loài người. Tuyên ngôn vạch ra bản chất của CNTB, qui luật vận động riêng của phương thức sản xuất TBCN, vai trò to lớn và tính tất yếu nhất thời về mặt lịch sử của chế độ tư bản. Từ sự phân tích những mâu thuẫn nội tại của CNTB, phân tích lịch sử cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản để tự giải phóng, Tuyên ngôn khẳng định xã hội TBCN nhất định sẽ bị thay thế bằng xã hội cộng sản.

Qua nội dung chính của Tuyên ngôn cho thấy, Tuyên ngôn là tư tưởng khoa học và nhân văn sâu sắc về sự giải phóng xã hội, giải phóng nhân loại, giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột. Là học thuyết như Lênin đánh giá “bằng hàng ngàn pho sách, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của giai cấp vô sản. Sự kết hợp giữa tính nhân văn sâu sắc, tính cách mạng triệt để với tính khoa học chặt chẽ đã tạo nên sức mạnh to lớn của Tuyên ngôn, với tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân chống áp bức, bóc lột, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

II/ Sự phát triển của phong trào công nhân và CNXH nửa cuối thế kỷ XIX

1. Bối cảnh lịch sử

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, nền kinh tế TBCN phát triển mạnh, giai cấp tư sản có điều kiện nhượng bộ các quyền lợi kinh tế, cải thiện đời sống của giai cấp công nhân, công nhân nhiều nơi dành được quyền làm việc 9 - 10 giờ/ngày. Cùng với sự phát triển về kinh tế, giai cấp tư sản cũng chú trọng củng cố vững chắc nền thống trị của mình bằng cách thực hiện những cải cách dân chủ, nhượng bộ, nới rộng quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp dưới. Đến cuối thế kỷ XIX, hầu hết các nước đều thực hiện chế độ phổ thông đầu phiếu, thậm chí cho phép giai cấp công nhân đưa ứng cử viên tranh cử vào Nghị viện (Anh), một số đạo luật đàn áp phong trào công nhân trước đây bị xoá bỏ (năm 1882, Pháp ra lệnh ân xá đối với các chiến sĩ công xã, năm 1890, Đức thủ tiêu Đạo luật Đặc biệt, Anh cải cách tuyển cử năm 1884, hạ thấp mức thuế cử tri, tạo điều kiện cho đông đảo công nhân tham gia bầu cử. Những thay đổi về tình hình kinh tế, chính trị ở các nước TBCN giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào công nhân, CNXH châu Âu và thế giới.

2. Khái quát phong trào công nhân

Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân nửa cuối thế kỷ XIX phát triển mạnh hơn so với giai đoạn đầu XIX. Nhìn chung, phong trào đập phá máy móc không còn tồn tại nữa, thay vào đó chủ yếu là hình thức bãi công. Qui mô phong trào lớn hơn với các cuộc bãi công qui mô toàn thành phố, toàn quốc do sự xuất hiện của các liên hiệp công đoàn thành phố, toàn quốc. Chẳng hạn, ở Anh, phong trào công đoàn phát triển rất mạnh. 1864, Liên hiệp công đoàn Luân Đôn được thành lập. 1868, giai cấp công nhân Anh tiến hành đại hội công đoàn toàn quốc. Ở Đức, tháng 5/1863, xuất hiện Liên minh công nhân toàn Đức do Latxan lãnh đạo. Ở Pháp, năm 1864, 40 công đoàn tại Pari hợp nhất thành Liên hiệp công đoàn Pari... Qua các cuộc đấu tranh cho thấy, phong trào công nhân giai đoạn này không chỉ nhằm vào mục tiêu kinh tế, mà đã có sự kết hợp hai mục tiêu kinh tế và chính trị. Thậm chí, các phong trào nhằm vào mục tiêu chính trị ngày càng nhiều và rõ ràng hơn đầu thế kỷ XIX. Chẳng hạn, ngày 17/2/1862, công nhân Pari ra Tuyên ngôn 60 người (60 chữ kí), trong đó đòi có đại diện của giai cấp công nhân trong danh sách các ứng cử viên ở các kì bầu cử Quốc hội. Ở thập niên 70, công nhân Pari đòi chính quyền về tay nhân dân là Uỷ ban Vệ quốc quân (Công xã Pari). Ở Đức, Anh, phong trào đòi có đại diện của giai cấp công nhân trong Quốc hội, đòi phổ thông đầu phiếu rất phát triển với ảnh hưởng của chủ nghĩa Latxan và chủ nghĩa công đoàn Anh. Ngoài ra, công nhân hầu khắp các nước châu Âu đều đấu tranh với mục tiêu ủng hộ công nhân Ba Lan trong cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị của Nga hoàng, ủng hộ nhân dân và giai cấp tư sản Mĩ chống chủ nô trong cuộc Nội chiến (1861-1865).

Các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân nửa cuối thế kỷ XIX đã dành được kết quả nhất định.

Thứ nhất, đã buộc chính quyền của giai cấp tư sản phải nhượng bộ và thoả mãn một phần các mục tiêu đấu tranh: ở Anh, giai cấp công nhân được hưởng chế độ ngày làm 10 giờ, một số nhỏ được hưởng chế độ làm việc 9 giờ/ngày, Chính phủ tiến hành cải cách tuyển cử năm 1884, hạ mức thuế của cử tri, làm cho số lượng công nhân có quyền bầu cử tăng lên; Ở Pháp, năm 1864, Chính phủ phải thủ tiêu bộ luật Lơ Sapơliê (ra đời 1791, cấm công nhân bãi công và hội họp); Ở Đức, Chính phủ phải chấp nhận sự tồn tại công khai, hợp pháp của tổ chức Liên minh công nhân toàn Đức (1863), thủ tiêu Đạo luật Đặc biệt (1890).

Thứ hai, dẫn đến sự ra đời các tổ chức của giai cấp công nhân và phong trào đấu tranh nghị trường. Trong đấu tranh, giai cấp công nhân châu Âu đã trưởng thành và đều tiến tới thành lập chính đảng của mình ở cuối XIX. Đó là sự ra đời của Đảng công nhân xã hội dân chủ Đức (1875), năm 1890 đổi tên thành Đảng xã hội dân chủ Đức trên cơ sở hợp nhất giữa 2 phái Latxan và phái Aidơnác (là phái do Bêben (1840-1913) và Vinhem Lipnếch (1826-1900) lãnh đạo. Ngay trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1890, Đảng xã hội dân chủ Đức đã dành được 35 ghế. Ở Pháp, Đảng Công nhân Pháp ra đời năm 1880 dưới sự lãnh đạo của Ghêđơ và Laphácgơ, ban đầu chịu ảnh hưởng của Mác, nên ngay từ đầu trong cương lĩnh của Đảng đã nhấn mạnh yếu tố xã hội hoá lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, ngay khi mới thành lập đã xuất hiện nhiều phái: mác xít, blăngki, phái “có thể” (chủ trương đưa ra những yêu cầu đấu tranh, mục tiêu có thể đạt được trong hoàn cảnh hiện tại chứ không đề cập tới mục tiêu cao xa). Tư tưởng của phái này phù hợp với CN Pháp, nên có ảnh hưởng lớn trong phong trào công nhân Pháp. Đến 1882, phái “Có thể” tách ra, thành lập tổ chức riêng mang tên Đảng Công nhân xã hội cách mạng theo đường lối cải lương, đã thu hút đông đảo tiểu tư sản tham gia. Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1893, các đảng công nhân đã dành được 49 ghế (Đảng Công nhân Pháp - 12 ghế, Đảng Công nhân xã hội cách mạng - 37 ghế). Ở Anh, Hội Phabiêng, Liên minh Xã hội dân chủ của Haiđơman, Đảng Công nhân độc lập… đã được thành lập ở thập niên 80, 90 của XIX và tham gia đấu tranh nghị trường. Năm 1892 các đảng công nhân dành được 15 ghế. Để dành được thắng lợi lớn hơn trong đấu tranh nghị trường, đòi hỏi giai cấp công nhân Anh phải xây dựng được một tổ chức thống nhất. Vì vậy, tháng 2/1890, hội nghị đặc biệt của các tổ chức công đoàn Anh được triệu tập đi đến quyết định thành lập một chính đảng công nhân độc lập trong các hoạt động của Quốc hội lấy tên là Uỷban đại diện công nhân, đến 1906 đổi tên thành Công đảng, một chính đảng quan trọng trong đời sống chính trị nước Anh thế kỷ XX.

Sự ra đời các tổ chức của giai cấp công nhân vừa là kết quả của phong trào đấu tranh, vừa là bước phát triển về tổ chức của phong trào (cao hơn công đoàn vì có cương lĩnh rõ ràng) và với sự xuất hiện các đảng công nhân đã làm xuất hiện hình thức đấu tranh cao hơn là đấu tranh nghị trường.

3. Quốc tế thứ nhất (1864 - 1876)

a. Sự thành lập

Sự phát triển của phong trào công nhân châu Âu và châu Mĩ, trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XIX dẫn tới sự tiếp xúc lẫn nhau. Đặc biệt, giai cấp công nhân các nước châu Âu thường gặp gỡ nhau trong các cuộc triển lãm công nghiệp quốc tế. Tại cuộc triển lãm công nghiệp quốc tế ở Luân Đôn (1863), công nhân các nước đã mít tinh để phản đối sự đàn áp của Chính phủ Nga hoàng đối với cuộc khởi nghĩa của nhân dân Ba Lan. Trên cơ sở đó, ngày 28/9/1864, tại Luân Đôn, Mác, Ăngghen và nhiều nhà lãnh đạo của giai cấp công nhân đã thành lập Hội Liên hiệp lao động quốc tế gọi tắt là Quốc tế thứ nhất. Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương gồm 32 người có nhiệm vụ soạn thảo Tuyên ngôn, Điều lệ. Mục đích của Quốc tế thứ nhất là “đoàn kết toàn thể giai cấp công nhân có tinh thần chiến đấu ở châu Âu và châu Mĩ thành một đạo quân to lớn duy nhất”.

b. Hoạt động chính

Sau khi ra đời, Quốc tế thứ nhất đã thành lập nhiều chi bộ ở Anh, Pháp, Bỉ, Mĩ ... thu hút đông đảo công nhân tham gia. Hoạt động của Quốc tế thứ nhất chủ yếu xoay quanh cuộc đấu tranh chống các khuynh hướng sai lầm trong phong trào công nhân, được thể hiện chủ yếu qua 5 đại hội, có thể chia làm 2 giai đoạn: 1864 - 1868 và 1868 - 1876.

Giai đoạn 1864 - 1868, hoạt động của Quốc tế thứ nhất với vai trò của Mác, Ăngghen đã nhanh chóng xây dựng được các chi bộ ở nhiều nước và tiến hành đấu tranh không khoan nhượng chống lại các tư tưởng phi macxit như chủ nghĩa Pruđông (Pháp), chủ nghĩa Latxan (Đức), Bacunin (Nga) và chủ nghĩa công đoàn Anh. Giai đoạn này Quốc tế I đã tổ chức được 3 lần đại hội. Đại hội I, được tiến hành từ 3 - 8/9/1866 ở Giơnevơ, đã thông qua nghị quyết đòi thực hiện ngày làm 8 giờ đối với công nhân, đòi phải giáo dục phổ thông và nghề nghiệp cho công nhân, xoá bỏ các thứ thuế gián tiếp.... Những yêu sách này đã bị phái Pruđông phản đối. Đại hội II diễn ra tại Lôdan - Thuỵ Sĩ từ 2 - 8/9/1867, phái Pruđông chiếm đa số. Đến Đại hội III tổ chức ở Brucxen (Bỉ) từ 6 - 13/9/1868, tán thành việc thành lập các công đoàn, đấu tranh bãi công và đòi ngày làm 8 giờ. Phái Pruđông đã bị phê phán và không còn ảnh hưởng lớn đối với Quốc tế I.

Giai đoạn 1868 - 1876, sau khi đánh bại chủ nghĩa Pruđông, trong Quốc tế I đã diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt chống chủ nghĩa Bacunin và chủ nghĩa vô chính phủ đang chi phối phong trào công nhân nhiều nước tư bản chậm phát triển như Italia, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ ... Trong giai đoạn này, Quơc tế I đã tiến hành hai đại hội. Đại hội IV được tổ chức ở Balơ từ 6 - 11/9/1869 đã thông qua nghị quyết kêu gọi công nhân tổ chức các công đoàn, hướng quần chúng vào đấu tranh chống chế độ làm thuê. Bên cạnh đó Đại hội còn diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người mácxít và phái Bacunin về quan điểm chuyển chế độ tư hữu sang sở hữu tập thể. Đến 1870, cuộc chiến tranh Pháp - Phổ bùng nổ, khiến cho đại hội lần thứ 5 không tiến hành được. Với tư cách của Ban chấp hành Trung ương Quốc tế I, Mác đã ra hai bản hiệu triệu chỉ rõ tính chất của cuộc chiến tranh và kêu gọi sự đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân Pháp, Phổ. Khi Công xã Pari nổ ra và thất bại (1871), Mác đã đọc “Lời kêu gọi của Tổng hội Liên hiệp lao động quan trọng về nội chiến ở Pháp năm 1871” trước Ban chấp hành Trung ương Quốc tế I, trong đó đã phân tích hoạt động và nêu rõ ý nghĩa lịch sử của Công xã. Chính vì sự ủng hộ của Quốc thế I đối với Công xã Pari, chính quyền của giai cấp tư sản ở các nước tư bản đã tìm cách khủng bố các phân bộ của Quốc tế I. Vì vậy, Quốc tế I không thể triệu tập đại hội, và chỉ có thể họp hội nghị ở Luân Đôn (17 - 23/9/1871) để thảo luận những vấn đề về hoạt động của Quốc tế I và đề ra những nhiệm vụ trước mắt của phong trào công nhân quốc tế. Hội nghị đã thông qua nghị quyết quan trọng về thành lập chính đảng độc lập của giai cấp vô sản ở các nước. Đại hội V, đại hội cuối cùng của Quốc tế I họp ở La Hay (2/9/1872), đã xác nhận nghị quyết thông qua tại hội nghị Luân Đôn và quyết định dời trụ sở Tổng hội sang Mĩ do sự khủng bố, phá hoại của các thế lực phản động làm cho tổ chức không thể tiếp tục hoạt động ở châu Âu. Ngày 15/7/1876, Quốc tế I đã họp tại Philađenphia, chính thức tuyên bố giải tán tổ chức này.

Quốc tế I tuy chỉ tồn tại 13 năm, nhưng đã góp phần đấu tranh cho sự xác lập của chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân, chỉ rõ những khuynh hướng tư tưởng thù địch với giai cấp vô sản. Do đó, nó có vai trò to lớn trong việc giáo dục, đoàn kết công nhân, chuẩn bị những cơ sở cho sự thành lập các chính đảng vô sản độc lập ở châu Âu, Bắc Mĩ và góp phần thúc đẩy phong trào công nhân, mà đỉnh cao là Công xã Pari.

4. Công xã Pari

a. Cuộc cách mạng ngày 18 - 3 và sự thành lập Công xã

Thất bại trong cuộc chiến tranh với Phổ, chấp nhận kí Hiệp định đình chiến với những điều kiện nhục nhã, giai cấp tư sản Pháp đã rảnh tay và quay sang tấn công giai cấp công nhân.

Sau đình chiến, Vệ quốc quân trở thành lực lượng vũ trang gần như duy nhất ở Pari (theo Hiệp định đình chiến chỉ còn một sư đoàn chưa bị giải giáp). Trước hành động phản quốc và thái độ thù địch của chính quyền tư sản, họ đã bầu ra cơ quan lãnh đạo là Uỷ ban Trung ương Vệ quốc quân và đã tạo được uy tín lớn trong nhân dân ở Pari. Tháng 3/1871 Quốc hội Pháp hạ lệnh tước vũ khí của quân vệ quốc. Một cuộc chiến đấu có tính chất quyết định giữa Chính phủ tư sản và quần chúng nhân dân Pari bắt đầu và đây là nguyên nhân trực tiếp làm bùng nổ cuộc cách mạng ngày 18/3.

Rạng sáng 18/3/1871, Chính phủ Chie cho quân đánh úp đồi Môngmác ở phía Bắc Pari để chiếm lấy trọng pháo của quân vệ quốc, nhưng đã bị thất bại vì tinh thần cảnh giác của quần chúng Pari đã kịp thời hỗ trợ cho lực lượng Vệ quốc quân ít ỏi đang canh giữ vũ khí. Quân đội Chính phủ đã phải rút lui về Vecxai và quân khởi nghĩa đã chiếm được toàn bộ các cơ quan ở Pari, như Toà thị chính, Bộ Chiến tranh... Đây là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền của giai cấp tư sản bị lật đổ thay vào đó là chính quyền của lực lượng Vệ quốc quân và quần chúng cách mạng.

Trên cơ sở thắng lợi của cuộc cách mạng ngày 18/3, nhân dân Pari tiến hành bầu cử Hội đồng Công xã (23/3). Sau khi kết quả được công bố, ngày 28/3, Hội đồng Công xã tuyên bố thành lập gồm 85 đại biểu, trong đó có 25 đại biểu công nhân, gần 30 đại biểu là hội viên của Quốc tế I và Uỷ ban Trung ương Vệ quốc quân chính thức trao quyền cho Hội đồng Công xã.

b. Công xã Pari - nhà nước kiểu mới

Trước hết, bộ máy nhà nước theo hình thức Nghị viện tư sản được thay bằng Hội đồng Công xã do tuyển cử phổ thông bầu ra. Hội đồng Công xã ban hành luật pháp và thành lập 10 uỷ ban (tương đương với cơ quan hành pháp để thi hành luật pháp. Đó là Uỷ ban Quân sự, An ninh xã hội, Quan hệ đối ngoại, Tư pháp, Tài chính, Công thương nghiệp, Lương thực, Giáo dục, Dịch vụ xã hội, Cứu quốc. Đứng đầu mỗi uỷ ban là uỷ viên Công xã, do tuyển cử bầu ra và có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào khi mất tín nhiệm. Cơ quan tư pháp cũ cũng bị thủ tiêu, thay vào đó là các thẩm phán do tuyển cử bầu và có thể bị bãi miễn. Để bảo vệ chính quyền vô sản mới ra đời, Công xã đã rất chú trọng đến nhiệm vụ vũ trang toàn dân. Vì vậy, sắc lệnh đầu tiên của Công xã là là quyết định thủ tiêu quân đội chính qui, thay thế bằng Vệ quốc quân; giải tán lực lượng cảnh sát cũ và dựa vào nhân dân vũ trang để bảo vệ trật tự an ninh xã hội.

Trong các hoạt động của Công xã đều dựa vào quần chúng, lấy ý kiến từ quần chúng thông qua sinh hoạt của các câu lạc bộ, tổ chức công đoàn, phụ nữ... thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn công nhân Pari. Nhiều uỷ viên Công xã gắn liền với các câu lạc bộ, thường xuyên tham gia các cuộc họp của câu lạc bộ. Và do đó, các câu lạc bộ của quần chúng đã có mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền thông qua những uỷ viên Công xã.

Mặc dù chỉ tồn tại trong 72 ngày, song Công xã đã ban hành và thực hiện một số chính sách kinh tế, xã hội tiến bộ. Về kinh tế, Công xã quyết định giao cho công nhân quản lý tất cả những xí nghiệp và công xưởng mà giới chủ đã bỏ trốn. Uỷ ban Lao động do Hội đồng Công xã thành lập phụ trách việc tổ chức sản xuất và sắp xếp việc làm cho những người thất nghiệp. Công nhân hợp tác với chính quyền xây dựng kế hoạch sản xuất và nội qui trong xưởng. Đối với các xưởng còn chủ thì Công xã quản lý thông qua việc kiểm soát tiền lương, cấm chủ không được dùng hình thức cúp phạt đối với công nhân. Công xã cũng đề ra chế độ ngày làm 8 giờ (nhưng chưa kịp thực hiện). Ngoài ra, Công xã còn ban hành đạo luật qui định giá các mặt hàng nhu yếu phẩm như bánh mì, thịt bò, thịt cừu.

Về văn hoá, giáo dục, Công xã lập hệ thống giáo dục thống nhất, tách giáo dục ra khỏi nhà thờ, lựa chọn giáo viên mới thay thế cho giáo viên cũ (đa số là cha cố), quyết định tăng lương cho giáo viên... Đồng thời ra sắc lệnh giáo dục bắt buộc và miễn phí.

Như vậy, cơ cấu bộ máy chính quyền Công xã và các chính sách của nó cho thấy đây là bộ máy nhà nước kiểu mới, bộ máy chính quyền của giai cấp vô sản. Trong đó có sự hợp tác chặt chẽ giữa Hội đồng Công xã với các tổ chức công nhân, tổ chức quần chúng.

c. Nguyên nhân thất bại, ý nghĩa lịch sử

Sau 72 ngày tồn tại, Công xã đã bị quân đội của Chính phủ do Chie đứng đầu đàn áp đẫm máu và thất bại. Sở dĩ Công xã thất bại là do những điều kiện, tiền đề cho một cuộc cách mạng vô sản có thể nổ ra và giành được thắng lợi chưa chín muồi. Trước hết, về khách quan, CNTB nói chung và CNTB Pháp đang trên đà phát triển. Về chủ quan, giai cấp công nhân ở Pháp chưa trưởng thành, chưa được rèn luyện, chuẩn bị và không có chính đảng lãnh đạo. Chính điều này đã dẫn đến những sai lầm, thiếu sót trong việc thực hiện các chính sách của Công xã như không tấn công vào tận sào huyệt của kẻ thù, tạo điều kiện cho kẻ thù khôi phục lực lượng phản công cách mạng. Ngoài ra, trong Công xã còn có sự phân hoá về tư tưởng với sự xuất hiện của hai phái “đa số” và “thiểu số”, cũng như ảnh hưởng của chủ nghĩa Pruđông, chủ nghĩa Blăngki ...

Mặc dù thất bại và vẫn còn những hạn chế, sai lầm, song sự tồn tại của Công xã Pari có vai trò và ý nghĩa lịch sử lớn lao. Đây là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, đã xây dựng được mô hình chính quyền mới của giai cấp công nhân vì lợi ích của đại đa số quần chúng nhân dân vốn bị áp bức, bóc lột, do vậy đã giáng một đòn nặng nề vào CNTB. Đây cũng là cuộc cách mạng đầu tiên mà giai cấp vô sản vừa là động lực chủ yếu, vừa là giai cấp lãnh đạo, lôi cuốn các giai cấp khác theo mình.

5. Quốc tế thứ hai

a. Bối cảnh lịch sử

Trong những thập kỉ 70, 80 của thế kỷ XIX, giai cấp công nhân ở nhiều nước châu Âu còn non yếu về tổ chức. Do vậy, lực lượng của họ bị phân tán và khó có thể tạo nên sức mạnh của các cuộc đấu tranh để đi đến thắng lợi cuối cùng. Vấn đề đặt ra cho phong trào công nhân là tổ chức lực lượng của giai cấp mình trong phạm vi mỗi nước. Bên cạnh đó, do sự phát triển của CNTB từ tự do cạnh tranh sang độc quyền ở cuối thế kỷ XIX với sự xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức độc quyền cùng phương pháp bóc lột tinh vi hơn, tàn nhẫn hơn, làm cho mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp vô sản và tư sản trở nên gay gắt hơn. Chính điều này làm cho ý thức của giai cấp công nhân phát triển nhanh. Biểu hiện cao nhất cho sự trưởng thành của giai cấp công nhân là sự ra đời của các đảng xã hội dân chủ, các tổ chức công đoàn, các tổ chức công nhân XHCN ... Chính sự lớn mạnh của các chính đảng và sự tham gia của nó trong các kì bầu cử, sự phát triển của các tổ chức công đoàn và phong trào bãi công rầm rộ ở nhiều nước đã làm tăng thêm tinh thần đoàn kết của quốc tế giữa giai cấp công nhân các nước. Vì thế ở cuối thế kỷ XIX, yêu cầu thành lập một tổ chức công nhân quốc tế khác thay thế cho Quốc tế I đã đặt ra hết sức bức thiết.

b. Sự thành lập

Ngày 14/7/1889, nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày phá ngục Baxti, mở đầu cho đại cách mạng Pháp (1789 - 1889), phái tả (phái mác xít) trong phong trào công nhân Anh, với vai trò và ảnh hưởng của Ăngghen, đã triệu tập được 393 đại biểu công nhân đến từ 22 nước châu Âu, châu Mĩ tại Pari. Đại hội đã tuyên bố thành lập một tổ chức quốc tế mới của giai cấp công nhân, mà lịch sử gọi là Quốc tế II. Cũng trong ngày này, phái “có thể” trong phong trào công nhân Pháp cũng tổ chức một đại hội để lôi kéo phong trào công nhân quốc tế, tuy có 606 đại biểu, nhưng chủ yếu là người Pháp (524 đại biểu), còn đại biểu của các đảng lớn ở châu Âu hầu như không tham dự. Vì vậy, nó không thể trở thành tổ chức lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế.

Do phái tả chiếm đa số trong Đại hội nên đã soạn thảo nghị quyết để thảo luận và được Đại hội thông qua. Nghị quyết đó đã xác định mục tiêu đấu tranh của giai cấp vô sản là giành chính quyền từ tay giai cấp tư sản bằng đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường. Ngoài ra, giai cấp vô sản cũng đấu tranh nhằm vào các mục tiêu kinh tế (đòi ngày làm 8 giờ, tăng lương ... ) và cuối cùng là hướng tới mục tiêu xây dựng chế độ XHCN và thực hiện công hữu tư liệu sản xuất. Đại hội đã quyết định lấy ngày 1/5 là ngày quốc tế lao động, ngày để biểu dương lực lượng hàng năm của giai cấp vô sản.

c. Hoạt động

Quốc tế II không có cương lĩnh, điều lệ và ban chấp hành, hoạt động chủ yếu của được thể hiện thông qua việc tiến hành các đại hội (2 - 3 năm họp một lần). Đại hội I (1889) là đại hội thành lập. Đại hội II (1891) được tổ chức ở Brucxen (Bỉ) có 380 đại biểu của 14 nước tham gia. Trong Đại hội đã diễn ra cuộc đấu tranh giữa phái tả của Ăngghen với chủ nghĩa vô chính phủ về phương pháp đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt và chiến tranh. Đại hội III (1893) họp ở Duyrích (Thuỵ Sĩ) với sự tham gia của 411 đại biểu đến từ 18 nước. Đại hội là cuộc đấu tranh của phái macxit với phái vô chính phủ về hành động ám sát có được coi là hoạt động chính trị hay không. Đại hội IV (1896), họp ở Luân Đôn (Anh), có 589 đại biểu của 20 nước tham dự. Trong Đại hội này, các đại biểu bắt đầu thảo luận vấn đề thuộc địa. Và phái macxit chiếm số đông đã khai trừ các phần tử vô chính phủ ra khỏi tổ chức. Tuy nhiên, từ Đại hội V (1900) cho đến Đại hội IX (1912) và các Hội nghị Ximmecvan (1915), Kinthan (1916) do Ăngghen qua đời, các lực lượng chống chủ nghĩa Mác có cơ hội tấn các nguyên lí của chủ nghĩa Mác và chi phối Quốc tế II. Trên thực tế là những lãnh tụ phái hữu của Quốc tế II đã dần phản bội quyền lợi của của giai cấp vô sản, ngả về phía giai cấp tư sản và phục vụ cho quyền lợi của nó, như ủng hộ chính phủ tư sản của các tham gia chiến tranh đế quốc.

IV/ Phong trào công nhân đầu thế kỷ XX

1. Bối cảnh lịch sử

Đến đầu thế kỷ XX, CNTB đang bộc lộ các cuộc khủng hoảng chính trị. Điều này được biểu hiện cụ thể ở việc chính quyền các nước đế quốc đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh, thành lập các liên minh quân sự, chạy đua vũ trang. Trên thế giới đã xuất hiện các cuộc chiến tranh đế quốc đầu tiên đòi phân chia thị trường, như cuộc chiến tranh Mĩ - Tây Ban Nha (1898), chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905), chiến tranh Anh - Bôơ (1899 - 1902). Để ổn định tình hình trong nước, tập trung chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến tranh tranh giành thị trường, giai cấp tư sản ở các nước TBCN tìm cách lôi kéo giai cấp công nhân ủng hộ chính quyền của mình nên đã thực hiện một số chính sách nhượng bộ với giai cấp công nhân, như xoá bỏ đạo luật buộc công nhân phải bồi thường cho giới chủ sau bãi công (ở Anh), trợ cấp cho công nhân già yếu (ở Anh, Pháp), mời nghị sĩ thuộc Đảng xã hội tham gia Chính phủ (ở Pháp). Tất cả những chính sách của chính quyền tư sản tác động lớn đến phong trào công nhân. Một mặt tạo điều kiện cho các đảng xã hội phát triển, mặt khác làm cho phong trào công nhân và CNXH bị phân hoá mạnh mẽ.

2. Phong trào công nhân đầu thế kỷ XX

a. Sự xuất hiện các đảng xã hội:

Đầu XX, các đảng xã hội ra đời ở rất nhiều nước TBCN. Ở Pháp, năm 1905, Đảng Xã hội được thành lập trên cơ sở thống nhất giữa hai phái cánh tả (do Ghêđơ lãnh đạo) và cánh hữu (do Giôdép lãnh đạo), nhằm mục tiêu thực hiện hiệu quả hình thức đấu tranh nghị trường. Ở Anh, năm 1900, các tổ chức công đoàn đã cùng với Hội Phabiêng, Đảng Công nhân độc lập và Liên minh Xã hội dân chủ tiến hành hội nghị để thành lập ra Uỷ ban đại biểu công nhân (có nhiệm vụ đưa ra, giới thiệu các ứng cử viên công nhân và vận động cho họ thắng cử vào Nghị viện). Đến 1906, Uỷ ban đại biểu công nhân đổi tên thành Đảng Lao động (gọi tắt là Công đảng). Trong cuộc bầu cử năm này, Uỷ ban đại biểu công nhân đã dành được 29 ghế trong Nghị viện. Ở Mĩ, năm 1901, Đảng Xã hội Mĩ được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa các nhóm XHCN với Đảng Xã hội dân chủ (ra đời 1897). Đảng Xã hội Mĩ cũng được xây dựng theo kiểu các đảng Xã hội dân chủ châu Âu. Ngay khi mới ra đời đã xuất hiện 2 khuynh hướng trong đảng: cánh tả đấu tranh chống lực lượng cơ hội, bộ máy quan liêu của Liên đoàn Lao động Mĩ (thành lập 1881), ủng hộ phong trào bãi công, thống nhất công nhân da trắng và da đen; Cánh hữu mang tư tưởng của CNXH cải lương, chủ yếu hướng hoạt động của công nhân vào các cuộc tuyển cử (đấu tranh nghị trường). Ở Nhật Bản, năm 1901, Đảng Xã hội dân chủ được thành lập với vai trò của Katayama Sen và Kôtôku. Đảng này chủ trương đấu tranh chính trị hợp pháp với các mục tiêu: xoá bỏ xã hội có giai cấp, quốc hữu hoá ruộng đất và tài sản, chống chiến tranh và xây dựng quân sự. Đẳng Xã hội dân chủ Nhật Bản bị Chính phủ cấm hoạt động nên không tồn tại được. Đến 1906 đảng này được thành lập lạ với tên gọi khác là Đảng Xã hội Nhật Bản. Đến 1907 lại bị giải tán, toà báo bị cấm hoạt động, các đảng viên bị bắt và bị tù đày. Ở Nga, đảng Công nhân Xã hội dân chủ Nga được thành lập năm 1903, gắn với vai trò của Lênin. Đây là đảng duy nhất kiên trì đường lối cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản, còn các đảng khác chủ trương đấu tranh nghị trường.

Sự ra đời của các chính đảng của giai cấp công nhân đầu thế kỷ XX, đánh dấu bước phát triển của phong trào công nhân, phản ánh xu thế phát triển vươn tới tổ chức thống nhất và độc lập của giai cấp công nhân ở các nước TBCN.

b. Sự ra đời của Đảng Công nhân Xã hội dân chủ Nga

Sự ra đời của Đảng Công nhân Xã hội dân chủ Nga gắn liền với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Nga và sự truyền bá chủ nghĩa Mác vào Nga. Ở đầu thế kỷ XX, đời sống của giai cấp công nhân Nga hết sức cực khổ. Họ bị tư sản và phong kiến Nga hoàng bóc lột nặng nề hơn công nhân châu Âu rất nhiều. Nếu công nhân châu Âu dành được chế độ ngày làm 8 - 10 giờ, thì chế độ làm việc của công nhân Nga vẫn là 12 - 14 giờ/ngày. Do bị áp bức, bóc lột nặng nề nên tinh thần cách mạng, phản kháng của giai cấp công nhân Nga càng cao.

Từ thập niên 80 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa Mác đã được truyền bá vào phong trào công nhân Nga với vai trò của Plêkhanốp. Ông thành lập các nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác, dịch Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, các tác phẩm của Mác - Ănghen sang tiếng Nga, viết nhiều tác phẩm phê phán chủ nghĩa Dân tuý. Qua các tác phẩm đó, ông đã chỉ cho giai cấp công nhân thấy được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình. Sang thập niên 90, phong trào công nhân Nga xuất hiện V.Lênin, người nắm bắt rất nhanh chủ nghĩa Mác và tỏ ra là người kế thừa một cách xuất sắc chủ nghĩa Mác. V.Lênin đã viết hàng loạt các tác phẩm để truyền bá chủ nghĩa Mác vào phong trào công nhân như tác phẩm “Thế nào là bạn dân”, “Sự phát triển CNTB ở Nga”… qua đó khẳng định nước Nga đang phát triển theo con đường TBCN và nước Nga đang hình thành những điều kiện cho một cuộc cách mạng vô sản có thể nổ ra. Chính Lênin là người chuẩn bị cho sự ra đời của một tổ chức thống nhất của giai cấp công nhân Nga. Năm 1895, với uy tín của mình, ông đã hợp nhất một số tổ chức công nhân ở Nga, thành lập Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Trên cơ sở tổ chức này, năm 1898, Lênin vận động các tổ chức công nhân, nhóm XHCN thành lập Đảng Công nhân Xã hội dân chủ Nga tại Minxcơ. Nhưng Đảng chưa có cương lĩnh, vừa mới ra đời Ban chấp hành của Đảng đã bị bắt, đưa đi đày, trong đó có Lênin. Sau khi mãn tù, V.Lênin đã bắt tay vào xây dựng chính đảng vô sản đi theo CNXH khoa học. Trước hết, ông sáng lập báo Tia lửa (1900), cơ quan ngôn luận của Đảng. Sau đó, năm 1903, Đảng Công nhân Xã hội dân chủ Nga tiến hành đại hội lần hai ở Luân Đôn, tuyên bố chính thức sự ra đời của Đảng, thông qua cương lĩnh do Lênin soạn thảo.

Cương lĩnh của Đảng gồm hai phần: Cương lĩnh tối thiểu xác định nhiệm vụ của giai cấp công nhân Nga là làm cách mạng lật đổ chế độ Nga hoàng, thiết lập chính thể cộng hoà, thực hiện các cải cách dân chủ, cải thiện đời sống công nhân, nhân dân lao động; Cương lĩnh tối đa chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng Nga là tiến hành cách mạng XHCN, xoá bỏ CNTB, thực hiện chuyên chính vô sản. Cương lĩnh của Đảng toát lên những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác. Vì vậy, Đảng Công nhân Xã hội dân chủ Nga trở thành đảng cách mạng nhất châu Âu lúc bấy giờ và được gọi là đảng vô sản kiểu mới để phân biệt với các đảng vô sản kiểu cũ đang tồn tại rất phổ biến bấy giờ.

Sự ra đời của Đảng Xã hội dân chủ Nga, đánh dấu cho bước trưởng thành của giai cấp công nhân Nga. Sự ra đời này là tất yếu, là sản phẩm của Xã hội Nga. Đảng ra đời cùng với cương lĩnh tiến bộ đã đáp ứng được yêu cầu của giai cấp công nhân Nga đang rên siết dưới ách thống trị của Nga hoàng và có ảnh hưởng lớn đến phong trào công nhân Nga, phong trào công nhân thế giới, đặc biệt là tác động đến những người cánh tả của phong trào công nhân châu Âu.

c. Cuộc cách mạng 1905 - 1907

Ở đầu thế kỷ XX, mâu thuẫn sâu sắc trong lòng xã hội Nga đã làm xuất hiện hàng loạt các cuộc đấu tranh của nông dân, công nhân, tiểu tư sản. Đặc biệt, sau sự thất bại của Nga hoàng trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905) , bộc lộ những yếu kém về kinh tế, chính trị, quân sự ... đã đẩy nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, làm cho các mâu thuẫn vốn có trong xã hội trở nên hết sức gay gắt, dẫn tới việc bùng nổ cách mạng.

Trong đầu tháng 1/1905, hàng loạt các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các thành phố lớn đã nổ ra: bãi công của công nhân nhà máy Pulitốp ở Pêtécbua, có lúc đã thu hút được 150.000 người tham gia (3-7/1); biểu tình của 14 vạn công nhân Pêtécbua, yêu cầu Nga hoàng cải thiện đời sống đã bị đàn áp đẫm máu và họ đã nổi dậy vũ trang, chuẩn bị khởi nghĩa (9/1)... Nông dân cũng nổi dậy nhiều nơi, đập phá dinh cơ của địa chủ, đốt khế ước, văn tự, lấy của người giàu, chia cho người nghèo. Trong lúc phong trào cách mạng nổ ra, Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga tiến hành Đại hội III ở Luân Đôn (4/1905) và thông qua luận cương cách mạng dân chủ tư sản của Lênin, trong đó xác định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân liên minh với nông dân, thiết lập chính quyền công nông và nhanh chóng chuyển sang làm cách mạng XHCN. Tuy nhiên, phái Mensêvích không tham gia Đại hội, tiến hành họp riêng ở Giơnevơ, chuẩn bị tiến hành cách mạng tư sản do giai cấp tư sản lãnh đạo. Đến mùa hè 1905, phong trào nổ ra không chỉ là các cuộc biểu tình rầm rộ của công nhân thu hút sự tham gia của hàng chục vạn người, phong trào của nông dân và lan sang cả binh lính với cuộc khởi nghĩa của thuỷ binh trên chiến hạm Pôtemkin (6/1905) và nhiều đơn vị hải quân, lục quân khác. Trong cách mạng đã xuất hiện những tổ chức chính trị của quần chúng, đó là các Xô viết đại biểu công nhân để tự quản lý. những tổ chức này được V. Lênin coi là cơ quan lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang, là nền tảng của chính mới. Đến tháng 10/1905, diễn ra cuộc tổng bãi công chính trị có qui mô lớn chưa từng thấy, làm cho các nhà máy, công sở ngừng hoạt động. Trước phong trào đấu tranh của quần chúng, Nga hoàng phải nhượng bộ bằng việc ra bản Tuyên ngôn, ban bố các quyền tự do tư sản về thân thể, tín ngưỡng, ngôn luận, hội họp, nhưng phong trào vẫn tiếp diễn. Tháng 11/1905, V.Lênin về Pêtecbua trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh. Ngày 5/12 Xô viết Matxcơva quyết định tổng bãi công, sau đó chuyển sang khởi nghĩa. Và tổng bãi công đã nổ ra ở Matxcơva (7/12) với sự tham gia của hầu hết công nhân và nhân dân ở đây, sau đó khởi nghĩa lan rộng ra khắp thành phố. Trong suốt 9 ngày, mấy nghìn công nhân vũ trang đã chiến đấu anh dũng với bọn cảnh sát và binh lính Nga hoàng, nhưng đã bị đàn áp dã man và thất bại. Khởi nghĩa từ Matxcơva đã lan ra nhiều thành phố khác, song đều bị đàn áp. Sau cuộc khởi nghĩa ở Matxcơva thất bại, cách mạng bắt đầu thoái trào. Số các cuộc bãi công và lượng người tham gia giảm dần. Những cuộc khởi nghĩa vũ trang của binh lính ở Xrêaboocgơ, Krônxtat (1906) và cuộc chính biến của Xtôlưpin (6/1907) cũng bị dập tắt nhanh chóng, đánh dấu cho sự kết thúc của cách mạng 1905 - 1907.

Cuộc cách mạng Nga 1905 - 1907 mang tính chất của một cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới vì nó làm nhiệm vụ lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế Nga hoàng tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, song không phải do giai cấp tư sản lãnh đạo mà do giai cấp vô sản lãnh đạo.

Cách mạng Nga 1905 - 1907 đã giáng một đòn nặng nề vào chế độ chuyên chế Nga hoàng. Đây là một cuộc tập dượt lớn chuẩn bị cho cách mạng tháng Hai và cách mạng tháng Mười Nga 1917. Đồng thời cuộc cách mạng này cũng có tác động thúc đẩy phong trào cách mạng ở các nước như Đức, Thổ Nhĩ Kì..

NGUỒN SƯU TẦM

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top