• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chia Sẻ Phong trào cách mạng tử sản và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản

Trang Dimple

New member
Xu
38
PHONG TRÀO CÁCH MẠNG TƯ SẢN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN

1. Phong trào cách mạng tư sản

Sau khi cuộc chiến tranh Napôlêông kết thúc, tình hình chính trị nói chung ở châu Âu bước vào thời kỳ phản động. Thế lực phong kiến phục hồi và ra sức củng cố lại địa vị đã phần nào bị lung lay do ảnh hưởng của cách mạng tư sản. Triều đại Buốcbông ở Pháp trở về, âm mưu lập lại chế độ phong kiến quân chủ (Thời kỳ Trung Hưng) nhưng không thể thực hiện được hoàn toàn. Cơ sở kinh tế tư bản chủ nghĩa và chế độ ruộng đất đã ban bố dưới thời Giacôbanh vẫn được duy trì, quyền hành của vua Luy XVIII (tiếp sau là Sáclơ X) bị hạn chế. Ở các nước khác, thế lực phong kiến cũng tìm cách gạt bỏ những cải cách có tính chất tư sản, lập lại chế độ thống trị độc đoán. Tuy nhiên trong đà đi lên của lịch sử, phong trào cách mạng tư sản vẫn liên tiếp diễn ra trong những năm 20, 30 và 40 của thế kỷ XIX ở châu Âu và châu Mỹ la-tinh. Từ đầu thế kỷ XIX, nhân dân Xécbi không ngừng đấu tranh chống ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Kara Joocgia (1752-1817) người đại diện cho giới tư sản buôn bán nông phẩm và có uy tín trong nhân dân, Xécbi trở thành một quốc gia độc lập sau 400 năm chịu ách thống trị của Thổ. Tháng 9-1805, cơ quan chính quyền đầu tiên là Hội đồng chính phủ Xécbi được thành lập. Năm 1813, lợi dụng tình thế khó khăn do cuộc chiến tranh Napôlêông gây nên, Thổ liền trở lại Xécbi. Từ đó, nhân dân Xécbi lại tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và buộc Thổ phải thừa nhận quyền tự trị vào tháng 8-1830. Xécbi trở thành một vương quốc tự trị và phải đến sau cuộc chiến tranh Nga-Thổ 1877-1878 thì nền độc lập của Xécbi mới được công nhận.

Trong số các dân tộc trên bán đảo Ban Căng, Xécbi là dân tộc đầu tiên thoát khỏi xiềng xích của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời gian 1820-1823, cách mạng diễn ra ở Tây Ban Nha, đòi thực hiện hiến pháp 1812 là bản hiến pháp mang tính chất tư sản ra đời trong cuộc cách mạng lần thứ nhất (1808-1814). Tầng lớp tư sản tiến bộ, nông dân và bình dân thành thị là động lực của cuộc cách mạng. Đóng vai trò quan trọng là lực lượng quân đội. Đại tá Saphaen Riêgô là lãnh tụ dũng cảm của phong trào. Trước cao trào cách mạng, vua Phecđinăng VII phải thừa nhận hiến pháp 1812 và do đó một số cải cách tư sản được tiến hành. Nhưng đến tháng 11-1823, quân Pháp theo lệnh của Đồng minh thần thánh tiến vào đàn áp, Riêgô bị xử tử. Lãnh đạo phong trào là những phần tử quý tộc sĩ quan cao cấp, họ không muốn thực sự tiến hành cải cách dân chủ tư sản, không dám đi theo con đường cách mạng, không liên hệ với nhân dân và không có khả năng lãnh đạo quần chúng. Đồng thời thế lực phản động trong nước và sự can thiệp của Pháp đã dập tắt cuộc cách mạng.


Những sự kiện Tây Ban Nha đã kích thích phong trào cách mạng ở Ý. Dẫn đầu phong trào là “Hội Cácbônari” - một tổ chức bao gồm tư sản, quý tộc tự do và trí thức tiến bộ có chi nhánh ở hầu khắp nước Ý. Tháng 7 năm 1820, một trung đoàn ở Napôli đứng dậy khởi nghĩa đòi thực hiện hiến pháp tư sản. Cuộc khởi nghĩa lan tràn nhanh chóng và đến tháng 11821 ngọn lửa cách mạng nổ ra ở Piêmông. Nhưng Đồng minh thần thánh đã phái quân Áo sang can thiệp và dập tắt phong trào. Sự thiếu liên hệ với quần chúng, tính chất cô độc hẹp hòi là nguyên nhân chủ quan làm cho cuộc cách mạng yếu ớt, không thể đứng vững được. Năm 1821 một cao trào cách mạng diễn ra ở Hy Lạp nhằm chống ách thống trị hơn 400 năm của Thổ Nhĩ Kỳ và mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Nhân dân Hy Lạp đấu tranh hết sức anh dũng cho nền độc lập của Tổ quốc. Đồng thời lợi dụng mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kĩ với các nước châu Âu, Hy Lạp trở thành một quốc gia độc lập (1830). Năm 1825, bộ phận quý tộc và sĩ quan tiến bộ ở Nga tập hợp trong “Đảng Tháng chạp” tiến hành khởi nghĩa ở Pêtecbua và miền Nam nước Nga nhằm lật đổ chính thể chuyên chế, đòi xóa bỏ chế độ nông nô và thiết lập nền quân chủ lập hiến. Nhưng vì thiếu tổ chức chặt chẽ và thiếu liên hệ với quần chúng, phong trào chỉ thu hẹp trong phạm vi hoạt động bạo lực của một nhóm quân nhân nên bị chính phủ đàn áp ngay. Năm 1830, một cuộc cách mạng tư sản lại bùng nổ ở Pháp nhằm lật đổ nền thống trị của triều đại Buôcbông. Thay thế vào đó là chính quyền quân chủ tháng Bảy do Luy Philip làm vua, đại diện cho lợi ích của bộ phận đại tư sản ngân hàng thuộc dòng quý tộc Ooclêăng. Đó chưa phải là chính phủ chung của giai cấp tư sản mà mới ở trong tay một nhóm nhỏ những nhà quý tộc tài chính. Cho nên mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản nói chung với bộ phận tư sản cầm quyền là điều không thể tránh khỏi và sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng mới. Cuộc cách mạng năm 1830 ở Pháp có tiếng vang lớn ở châu Âu.

Phong trào đấu tranh đòi độc lập và dân chủ bùng lên rất sôi nổi. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa dân tộc ở Ba Lan nhằm chống ách thống trị của nước Nga Sa hoàng được dư luận rộng rãi trên thế giới ủng hộ nhưng cuối cùng cũng bị thất bại. Cùng năm 1830, một cuộc cách mạng tư sản đã diễn ra ở Bỉ. Nền thống trị của Hà Lan đối với Bỉ vừa là ách áp bức dân tộc, vừa là trở lực cho sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở đó. Cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Bỉ liên tiếp giành được thắng lợi, buộc chính phủ Hà Lan phải thừa nhận nền độc lập của Bỉ. Năm sau, các nước lớn ở châu Âu cũng xác nhận quyền độc lập và tuyên bố bảo đảm nền trung lập của Bỉ. Bản hiến pháp năm 1831 thiết lập chế độ quân chủ tư sản gồm hai viện với điều kiện chọn cử tri hết sức khắt khe, gạt ra ngoài đông đảo quần chúng lao động là những người quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng. Cùng trong những năm 10 - 20 đầu thế kỷ XIX, phong trào chiến tranh giành độc lập đã dâng lên ở các nước châu Mỹ la tinh. Nhân dân các dân tộc châu Mỹ la-tinh liên tiếp đấu tranh chống ách thống trị Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh, dẫn đến việc thành lập một số quốc gia độc lập như Achentina, Mêhicô, Braxin, Côlômbia, Chilê. Các nước châu Âu và Đồng minh thần thánh âm mưu can thiệp đàn áp phong trào cách mạng nhưng không thực hiện được. Sau khi được giải phóng, các nước châu Mỹ la-tinh còn duy trì nhiều tàn tích phong kiến lạc hậu làm cho chủ nghĩa tư bản phát triển rất chậm chạp và trở thành miếng mồi ngon cho bọn xâm lược nước ngoài. Tư bản Bắc Mỹ đặc biệt quan tâm đến khu vực này.

Để ngăn cản các nước ở châu Âu đặt chân vào vùng này và giữ độc quyền trong việc xâm lược ở đây, năm 1823, tổng thống Mỹ Mơnrô đưa ra cái gọi là “Học thuyết Mơnrô”. Nội dung chủ yếu được tóm tắt trong khẩu hiệu “châu Mỹ của người châu Mỹ”. Nhưng thực ra, theo đuổi chính sách xâm lược và bành trướng, giai cấp tư sản Mỹ âm mưu biến “châu Mỹ thành của nước Mỹ”. Thực tế hoạt động của đế quốc Mỹ ở khu vực này càng bộc lộ dã tâm đó.

2. Sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa

Trong khi phong trào cách mạng tư sản không ngừng tiếp diễn thì kinh tế tư bản chủ nghĩa đã có những bước tiến quan trọng. Nước Anh vẫn chiếm địa vị hàng đầu trong nền kinh tế thế giới. Từ năm 1830, tốc độ phát triển công nghiệp ngày càng tăng, việc sử dụng máy móc vào sản xuất ngày càng nhiều. Ngành luyện kim và cơ khí phát triển rất nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu trang bị kỹ thuật toàn bộ nền công nghiệp. Đồng thời, đường sắt tăng lên nhanh chóng: năm 1830 đường xe lửa đầu tiên nối liền Mantretxtơ và Livơpun được khánh thành và đến năm 1850, nước Anh đã có tới 10 ngàn km. Điều đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường trong nước và tăng cường mối liên hệ kinh tế giữa các trung tâm công nghiệp. Tuy nhiên, ngay trong thời kỳ phát triển, nền công thương nghiệp nước Anh cũng không tránh khỏi khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng kinh tế lớn đầu tiên nổ ra vào năm 1825 và tiếp đó theo chu kỳ 10 năm, những cuộc khủng hoảng khác đã xảy ra vào năm 1837 và 1847, gây ảnh hưởng tai hại tới tình hình kinh tế chung của các nước châu Âu.

Nước Pháp đứng hàng thứ hai trong nền kinh tế thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp đang trên đà phát triển. Số lượng máy hơi nước được sử dụng tăng lên nhanh chóng: năm 1820 - 65 cái, 1830 - 616 cái, 1848 - 4853 cái. Sản lượng các ngành công nghiệp nặng cũng tiến bộ rõ rệt: than năm 1832 là 225 nghìn tấn, đến 1846 lên 586 nghìn tấn; sắt và thép năm 1832 là 148 nghìn tấn và đến 1846 lên 373 nghìn tấn. Việc xây dựng đường sắt được đẩy mạnh: từ năm 1831-1841 dài 38 - 573 km, đến năm 1845-1847 dài 880 - 1832 km. Những tiến bộ đó làm cho trên toàn lục địa châu Âu, công nghiệp Pháp là nền công nghiệp phát đạt hơn hết. Nhưng tốc độ phát triển còn chậm chạp, quy mô còn nhỏ bé vì sự tồn tại phổ biến của chế độ tiểu nông làm cho thị trường trong nước bị thu hẹp, nguồn công nhân hạn chế, nguyên liệu ít ỏi. Sự thống trị của chính quyền Luy Philip cũng là một trở ngại lớn vì bọn quý tộc tài chính chỉ chăm lo làm giàu bằng con đường biển lận, và cho vay chứ không phải bằng cách phát triển sản xuất. Nước Pháp, theo quy luật của chủ nghĩa tư bản cũng không tránh khỏi nạn khủng hoảng kinh tế và nhất là vụ khủng hoảng năm 1847 đã gây nhiều tác hại nặng nề.

Nước Mỹ đã tiến hành xong cuộc chiến tranh giành độc lập từ giữa thế kỷ XVIII nên có những điều kiện thuận lợi cho sự phát, triển kinh tế tư bản. Đặc điểm của Mỹ là có sự khác biệt giữa ba vùng kinh tế. Ở miền Nam, chế độ đồn điền dựa trên sức lao động nô lệ da đen được áp dụng rộng rãi. Ở miền Đông Bắc, chủ nghĩa tư bản hầu như không gặp một trở ngại nào nên phát triển nhanh chóng. Còn ở miền Tây thì kinh tế trại chủ chiếm địa vị chủ yếu. Cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu tiến hành đầu thế kỷ XIX từ ngành dệt rồi lan sang các ngành luyện kim, công nghiệp nặng và đường sắt. Trong khoảng 1830-1837, lượng gang tăng 51%, than tăng 266%. Trong khoảng 1830-1850, chiều dài đường sắt tăng từ 23 dặm đến 9.000 dặm. Tuy nhiên trong những năm 30 - 50 thế kỷ XIX, Mỹ vẫn là một nước nông nghiệp, là thị trường cung cấp nguyên liệu cây công nghiệp cho châu Âu, chủ yếu là cho Anh. Trong một thời gian dài, nền kinh tế Mỹ vẫn đóng vai trò “thuộc địa của châu Âu”.

Nguồn gốc chủ yếu của tình trạng đó là sự tồn tại của chế độ nô lệ trong các đồn điền ở miền Nam. Bọn chủ nô chiếm ưu thế trong chính quyền ít quan tâm đến sự phát triển của chủ nghĩa tư bản mà lại gắn liền việc sản xuất với thị trường nước Anh để bán bông và các nông sản khác. Sau cuộc khủng hoảng chu kỳ đầu tiên 1837-1842, công nghiệp Mỹ mới phát triển mạnh mẽ. Việc phát hiện ra mỏ vàng ở Caliphoócnia càng thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa ở đó. Trong nhiều nước khác ở châu Âu, tuy chưa tiến hành cách mạng tư sản, nhưng nhân tố tư bản chủ nghĩa cũng đã nảy nở trong nền kinh tế mỗi nước. Mặc dầu quan hệ phong kiến còn chiếm địa vị thống trị, nước Đức cũng đã có một số chuyển biến nhất định tuy còn chậm chạp so với các nước trên. Quan hệ tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ nhất ở vùng sông Ranh và Vétxphalen vì ở đó, nhân dân được giải phóng một phần nào khỏi chế độ phong kiến (do ảnh hưởng của cách mạng tư sản Pháp) và có nhiều nguyên liệu hơn cả Beclin, thủ đô của Phổ. Nó trở thành một trung tâm công thương nghiệp của nước Đức, tập trung 1/3 sản xuất cơ khí ,và vải hoa của cả nước. Tuy nhiên, đến cuối những năm 40, hình thức công nghiệp phổ biến vẫn là công trường thủ công, các công xưởng lớn còn hiếm hoi. Sự tiến bộ kỹ thuật thể hiện rõ rệt trong ngành vận tải, tầu thủy chạy bằng hơi nước xuất hiện từ năm 1824 ở sông Ranh và con đường xe lửa đầu tiên được xây dựng năm 1835. Sự tồn tại của chính quyền phong kiến và tình trạng phân cắt đất nước là nguyên nhân chủ yếu cản trở bước tiến của chủ nghĩa tư bản ở Đức. Nước Ý cũng có đặc điểm giống như Đức là chưa tiến hành cách mạng tư sản, quan hệ phong kiến còn chiếm địa vị thống trị, đất nước bị chia cắt. Hơn thế nữa, một bộ phận nước Ý còn bị Áo thống trị. Kinh tế Ý chủ yếu là nông nghiệp. Chỉ có ở miền Bắc, nhất là Lôngbacđia và Piêmông xuất hiện những công xưởng dệt vải. Đến những năm 40, việc sử dụng máy móc mới bắt đầu được tiến hành. Trong đế quốc Áo phong kiến, đa dân tộc, những yếu tố tư bản chủ nghĩa xuất hiện khá sớm nhưng phát triển rất chậm chạp. Chủ nghĩa tư bản không chỉ dừng lại trong công thương nghiệp mà đã bắt đầu xâm nhập vào nông nghiệp. Việc kinh doanh ruộng đất theo lối tư bản chủ nghĩa với kỹ thuật mới được áp dụng trong nhiều nước làm tăng sản lượng và chất lượng nông phẩm.

Như vậy, trong nửa đầu thế kỷ XIX, nhất là trong khoảng 1815-1848, cuộc cách mạng công nghiệp tiếp tục phát triển trong các nước lớn, đẩy nền kinh tế lên một mức cao. Ở những nước khác, tuy chưa tiến hành cách mạng tư sản, kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng đã bước đầu giành được những thành tựu đáng kể. Tình hình đó đã tạo nên một nguồn của cải vật chất phong phú và mở ra khả năng sản xuất to lớn. Đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của mâu thuẫn xã hội. Bên cạnh mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản với chế độ phong kiến, đã xuất hiện mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Điều đó tác động quan trọng đến sự diễn biến của phong trào cách mạng trong phững năm giữa thế kỷ XIX.

3. Những học thuyết chính trị kinh tế và triết học cổ điển

Nước Anh là nơi khai sinh của cuộc cách mạng công nghiệp và có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển. Đó cũng là nơi ra đời của nhiều học thuyết kinh tế tư sản.

Trong thế kỷ XVIII, Adam Xmit (1723-1790) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành học thuyết, chính trị kinh tế cổ điển của chủ nghĩa tư bản. Ông là người đầu tiên tuyên bố rằng lao động là nguồn gốc của giá trị, giá trị hàng hóa là do số lượng lao động hao phí để sản xuất ra hàng hóa đó quyết định, tiền lương của công nhân là một phần trong sản phẩm của họ và phần ấy đo giá trị của tư liệu sinh hoạt quyết định; lợi nhuận và địa tô là sự khấu vào sản phẩm do lao động công nhân sáng tạo ra. Nhưng ông lại cho rằng trong điều kiện chủ nghĩa tư bản phát triển thì giá trị hàng hóa là do tiền lương, lợi nhuận và địa tô hợp thành. Như vậy là ông không kể tới giá trị của tư bản bất biến hao phí trong khi sản xuất ra hàng hóa và do đó không thể hiểu được quá trình tái sản xuất. Ông cũng là người đầu tiên nêu lên kết cấu của xã hội tư sản gồm ba giai cấp: công nhân, tư bản và chủ đất mà không thấy được quá trình đấu tranh giai cấp trong xã hội đó.

Đavit Ricacdô (1772-1823) là người tiếp tục phát triển học thuyết chính trị kinh tế học cổ điển hồi đầu thế kỷ XIX. Xuất phát từ quan điểm lao động là nguồn gốc của giá trị, ông vạch ra sự đối lập giữa lợi ích của các giai cấp trong xã hội tư sản nhưng lại coi sự đối lập đó là quy luật tự nhiên trong đời sống. Ông đã trình bày một cách đúng đắn là tiền lương của công nhân càng cao thì lợi nhuận của nhà tư bản càng thấp và ngược lại. Quan điểm kinh tế của Ađam Xmit và Đavit Ricacđô tuy còn bị tính chất giai cấp tư sản hạn chế, nhưng đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển học thuyết chính trị kinh tế. Mác đánh giá các ông là những đại biểu xuất sắc của chính trị kinh tế học cổ điển và coi học thuyết của các ông như một trong những nguồn gốc hình thành chủ nghĩa cộng sản khoa học.


Mantuyt (1766-1834) giải thích lý do duy nhất gây nên sự nghèo khó của quần chúng trong chủ nghĩa tư bản là vì số lượng người tăng nhanh hơn số tư liệu sinh hoạt do giới tự nhiên cung cấp. Do đó, sự đói kém, nghèo khổ, bệnh dịch và chiến tranh là những hiện tượng tự nhiên giải quyết nạn “người thừa”. Luận điểm đó che đậy bản chất bóc lột của giai cấp tư sản đối với quần chúng lao động. Về mặt triết học nửa đầu thế kỷ XIX, nước Đức là nơi sản sinh ra những học thuyết cổ điển. Vinhem Phriđrich Hêghen (1770-1831) là một nhà triết học vĩ đại Đức, đứng trên lập trường duy tâm chủ nghĩa. Ông giải thích tồn tại bằng “ý niệm tuyệt đối”, thực chất là khoác cho Thượng đế một cái tên mới. Phần có giá trị trong triết học Hêghen là phương pháp biện chứng, nhận định quá trình phát triển của sự vật bắt nguồn từ cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập và chuyển biến từ những thay đổi về số lượng sang những thay đổi về chất lượng. Nhưng ông nhìn nhận thực tế xã hội bằng con mắt siêu hình. Không thừa nhận sự đấu tranh giữa các mặt đối lập của xã hội, ông chủ trương dung hòa để che đậy mâu thuẫn giai cấp sâu sắc ở nước Đức. Mác và Ăngghen đã dùng quan điểm duy vật chủ nghĩa để phê phán yếu tố duy tâm trong triết học Hêghen và rút ra từ đó lý luận về phép biện chứng là lý luận về phát triển và biến hóa, về chuyển hóa từ sự thay đổi số lượng sang sự thay đổi chất lượng. Trong những năm 30 - 40 thế kỷ XIX, xuất hiện một cánh tả trong trường phái này gọi là phái Hêghen trẻ.

Dựa vào phương pháp biện chứng của Hêghen, họ phê phán toàn bộ những giáo lý của đạo cơ đốc và của tôn giáo nói chung. Họ chuyển từ phê phán tôn giáo sang phê phán chế độ chuyên chế phản động Phổ. Họ rơi vào chủ nghĩa duy tâm chủ quan, thay cái gọi là “ý niệm tuyệt đối” của Hêghen bằng “ý thức về mình” và coi đó là động lực phát triển của lịch sử thể hiện trong nhà nước và giới trí thức. Họ hay dùng lời lẽ cách mạng nhưng chỉ là những lời đe dọa suông, phản ánh tính chất yếu đuối của giai cấp tư sản Đức và sự bất lực của nó trong cuộc đấu tranh chống phong kiến.

Lutvích Phơbách (1804-1872) là một nhà triết học Đức, đứng trên lập trường duy vật. Trong khi phê phán Hêghen và đấu tranh chống giáo hội, ông đã giải thích một cách duy vật vấn đề cơ bản của triết học: công nhận sự tồn tại khách quan của tự nhiên và sự tồn tại độc lập đối với tư tưởng con người. Nhưng chủ nghĩa duy vật Phơbách còn mang tính chất trực quan, siêu hình, không hiểu được phương pháp biện chứng. Về các vấn đề xã hội, Phơbách vẫn không thoát khỏi cách nhìn nhận duy tâm. Ông giải thích mọi hiện tượng bằng con người chung chung mà không thấy mối quan hệ giữa họ trong quan hệ sản xuất là yếu tố quyết định. Ông chủ trương xây dựng xã hội mới bằng sự thương yêu của con người, thực chất là làm dịu bớt đối kháng giai cấp, rời bỏ đấu tranh cách mạng, tuyên truyền cho sự điều hòa giai cấp. Mác và Ăngghen đã rút ra từ đó lý luận về chủ nghĩa duy vật và phát triển lên thành một triết học khoa học.


Mặc dầu còn những điều hạn chế, Hêghen và Phơbách đã đóng một vai trò xuất sắc trong triết học cổ điển Đức. Mác và Ăngghen đã kế thừa một cách có phê phán và sáng tạo nền triết học đó để xây dựng nên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Như vậy, sự ra đời của học thuyết chính trị kinh tế và triết học nói trên gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Các học giả tiến bộ đã cố gắng giải thích những hiện tượng mới trong xã hội, mặc dầu còn nhiều hạn chế, cũng đóng góp một phần quan trọng vào kho tàng tri thức của loài người. Tiếp thu một cách có phê phán, Mác và Ăngghen đã sử dụng sáng tạo những thành tựu đó thành những bộ phận cấu thành chủ nghĩa cộng sản khoa học.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top