Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Phân tích vẻ đẹp hào hoa, bi tráng trong bài thơ Tây Tiến
I . ĐẶT VẤN ĐỀ .
Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu của hồn thơ Quang Dũng . Ra đời trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, Tây Tiến là một hồi tưởng rất đẹp, những kỉ niệm đầy sống động về người chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến . Cho nên khác với vẻ đẹp của các bài thơ cùng thời, vẻ đẹp của Tây Tiến là vẻ đẹp hài hòa, hào hoa, bi tráng .
II . GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ .
Bài thơ mở đầu bằng một nỗi nhớ da diết, cháy bỏng bao trùm lên cả không gian và thời gian :
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi !
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Nỗi nhớ đơn vị cũ trào dâng, không kìm nén nổi, nhà thơ đã thốt lên thành tiếng gọi . Hai chữ chơi vơi như vẽ ra trạng thái cụ thể của nỗi nhớ, hình tượng hóa nỗi nhớ, khơi nguồn cho cảnh núi cao, dốc sâu, vực thẳm, rừng dày… liên tiếp xuất hiện ở những câu thơ sau :
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Khổ thơ là một bằng chứng “thi trung hữu họa” . Chỉ bằng bốn câu thơ, Quang Dũng đã vẽ ra một bức tranh hoành tráng diễn tả rất đạt sự hiểm trở và dữ dội, hoang vu và heo hút của núi rừng Tây Bắc, địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến . Những từ ngữ giàu giá trị tạo hình : Khúc khuỷu, thăm thẳm, cồn mây, súng ngửi trời đã diễn tả thật đắc địa sự hiểm trở, trùng điệp và độ cao ngút ngàn của núi đèo Tây Bắc . Hai chữ ngửi trời được dùng rất hồn nhiên và cũng rất táo bạo, có phần ngộ nghĩnh, tinh nghịch của người lính . Núi cao tưởng chừng chạm mây, mây nổi thành cồn heo hút . Người lính bước đi trên đỉnh núi như đang đi trên mây, mũi súng chạm tới đỉnh trời . Câu thơ thứ ba như bẻ đôi, diễn tả đốc núi vút lên , đổ xuống gần như thẳng đứng .Cái nhìn của Quang Dũng đang hướng lên, nhìn xuống theo chiều cao và sâu của dốc đèo , bất ngờ được phóng ngang xa qua một không gian mịt mùng sương núi mưa rừng, thấy thấp thoáng những ngôi nhà như đang bồng bềnh trôi giữa biển khơi .
Cái vẻ hoang dại, dữ dội ẩn chứa nhiều bí ẩn ghê gớm của núi rừng tiếp tục được nhà thơ khai thác . Nó không chỉ được mở ra theo chiều không gian mà còn được khám phá ở cái chiều thời gian , luôn luôn là mối đe dọa khủng khiếp đối với con người :
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Vậy là cảnh núi rừng hiểm trở qua ngòi bút của Quang Dũng hiện lên có đủ cả núi cao, vực sâu, dốc thẳm, mưa rừng, sương núi, thác gầm, cọp dữ …. Những địa danh xa lạ : Mường Lát, Sài Khao, Pha Luông, Mường Hịch, những hình ảnh giầu giá trị tạo hình được hiện lên qua những câu thơ vần trắc gợi sự vất vả nhọc nhằn, được xoa dịu bằng những câu thơ vần bằng ở cuối khổ thơ , làm hiện lên thế giới khác thường vừa đa dạng, vừa độc đáo của núi rừng Tây Bắc .
Và đoạn đầu kết thúc bằng một hình ảnh đột ngột :
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Cảnh tượng thật đầm ấm . Sau bao chặng đường hành quân gian khổ, những người lính được nghỉ ngơi, được quây quần bên những nồi cơm đang bốc khói. Nó xua tan đi những mệt mỏi trên gương mặt những người lính, khiến họ tươi tỉnh hẳn . Hai câu thơ tạo cảm giác êm dịu, ấm áp , chuẩn bị tâm thế cho người đọc bước sang đoạn thơ thứ hai .
Đoạn thơ thứ hai mở ra một thế giới khác của Tây Bắc . Cảnh núi rừng hoang vu hiểm trở dần xa khuất nhường chỗ cho vẻ mĩ lệ, thơ mộng duyên dáng . Những nét vẽ bạo, khỏe, gân guốc ở đoạn đầu được thay thế bằng những đường nớt mềm mại, uyển chuyển, tinh tế .
Hồn thơ lãng mạn của Quang Dũng bị hấp dẫn trước vẻ đẹp mang vẻ bí ẩn của con người và cảng vật nơi xứ lạ . Cảnh ấy, người ấy hiện lên trong một thời gian làm nổi lên rõ nhất sự lung linh, huyền ảo của nó : cảnh một đêm liên hoan văn nghệ giữa lửa đuốc bập bùng và cảnh một cuộc vượt thác .
Cảnh đêm liên hoan văn nghệ có sự góp mặt của những người dân địa phương được miêu tả bằng những chi tiết vừa thực mà cũng rất ảo :
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Cả danh trại bừng sáng, tưng bừng, sôi nổi hẳn lên khi đem văn nghệ bắt đầu . Trong ánh sáng lung linh của lửa đuốc, trong âm thanh réo rắt của tiếng khèn, tiếng sáo, tất cả như ngả nghiêng, bốc men say, ngất ngây rạo rực . Nhân vật trung tâm của đêm hội là những cô gái địa phương vừa tình tứ, vừa e thẹn trong những bộ áo xiêm lộng lẫy đã hút cả hồn vía các chàng trai Tây Tiến .
Nếu cảnh đêm liên hoan đem đến cảm giác tươi vui thì cảnh vượt sông lại gợi lên cảm giác mênh mông , mờ ảo :
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Không gian dòng sông trong một buổi chiều bao phủ một màn sương huyền thoại . Trên dòng sông ấy nổi bật lên dáng hình mềm mại, uyển chuyển của người con gái Thái trên chiếc thuyền độc mộc . Và như hòa hợp với con người , những bông hoa rừng cũng cố làm duyên trên dòng nước lũ .
Trên cái nền hùng vĩ, hiểm trở, dữ dội của núi rừng và duyên dáng, mĩ lệ, thơ mộng đó của Tây Bắc, hình tượng người lính xuất hiện với một vẻ đẹp đầy chất bi tráng :
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Quang Dũng đã chắt lọc những nét tiêu biểu nhất của những người lính Tây Tiến để tạc nên bức tượng đài tập thể . Cái bi và cái hùng là hai chất liệu chủ yếu của bức tượng đài, chúng hòa quyện vào nhau, thâm nhập vào nhau, nâng đỡ nhau tạo nên vẻ đẹp bi tráng .
Hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên với dáng vẻ xanh xao bề ngoài, với đầu không mọc tóc . Đây không phải là cách gây ấn tượng bằng hình ảnh cho người đọc mà phản ánh một thực tế khi người lính đối diện với căn bệnh sốt rét hiểm nghèo Ta bắt gặp trong thơ kháng chiến những hình ảnh quen thuộc đó : “Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi” trong Đồng chí của Chính Hữu hay cái mầu da vàng nghệ trong Cá nước của Tố Hữu : “Giọt giọt mồ hôi rơi, Trên trán anh vàng nghệ” . Quang Dũng cũng từ sự thật đấy nhưng nhà thơ đã nhìn bằng cảm hứng lãng mạn . Hay nói cách khác nhà thơ đã lãng mạn hoá hiện thực. “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”, câu thơ không gợi cảm giác bi luỵ mà hiện lên sau đó là vẻ đẹp dữ dội, lẫm liệt khác thường . Âm hưởng câu thơ gợi lên hoành tráng từ những từ ngữ mang thanh trắc: Tây Tiến, không mọc tóc làm câu thơ như vút lên . Hai chữ “đoàn binh”, một từ Hán Việt rất trang trọng đã góp phần tô đậm cái hùng dũng của binh đoàn Tây Tiến đang tiến về phía trước . Sự thật thiếu ăn và bệnh sốt rét làm người lính xanh xao, nhưng với cái nhìn lãng mạn, màu xanh ấy lại được liên tưởng tới màu xanh của lá rừng đại ngàn . Quân xanh vì đói khát, sốt rét nhưng vẫn toát lên cái oai phong dữ đằn của những con hổ nơi rừng thiêng . Ba chữ “dữ oai hùm” không chỉ đơn thuần là một phép so sánh mà còn thể hiện sự tiếp thu truyền thống thẩm mĩ phương Đông của tác giả . Một quan niệm về vẻ đẹp người anh hùng trên nền của sức mạnh thiên nhiên, của hổ báo : “Râu hùm, hàm én, mày ngài” (Từ Hải – Truyện Kiều) hay “Sĩ tốt kén tay tì hổ, Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh” để nói đến sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn trong Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, hay trong Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão : “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu” . Cho nên ba chữ “dữ oai hùm” có sự chất chứa hội tụ , kết tinh hào khí của người lính Tây Tiến . Cái vẻ oai phong đó còn được thể hiện qua ánh “mắt trừng gửi mộng qua biên giới” . Mắt trừng gợi khát vọng chiến đấu đến lạnh lùng, người lính Tây Tiến mộng chiến đấu, mộng lập công, mộng truy kích giặc qua biên giới Việt Lào . Đó cũng là cái mộng chung của người lính một thời thanh gươm lưng ngựa .
Đọc những hình ảnh “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”, “dữ oai hùm” ta cứ ngỡ những ý chí căm hờn và khát vọng chiến đấu đã tôi luyện trái tim thành sắt đá . Vậy mà đọt ngột hiện ra câu thơ : “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” . Câu thơ miêu tả rất đúng, rất chân thực đời sống của người lính Tây Tiến, vốn xuất thân từ học sinh, sinh viên trí thức . Họ ra đi từ trường xưa phố cũ, nhiều người xuất thân từ thủ đô Hà Nội , cho nên giữa cuộc sống kham khổ thiếu thốn, thậm chí đối diện với cái chết họ vẫn giữ được vẻ hào hoa lãng mạn . Họ mơ về Hà Nội của một thời cắp sách tới trường , mơ về một dáng yêu kiều thướt tha tà áo dài, đôi mắt biếc ... Nếu như chàng trai cày đi vào cuộc chiến đấu nhớ về làng quê yêu dấu, nhớ giếng nước, gốc đa, nhớ gian nhà không mặc kệ gió lung lay, hoặc nhớ về :
“Tiếng mõ đêm trường
Luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya”
(Nhớ – Hồng Nguyên)
thì những người lính Tây Tiến lại thắp sáng tâm hồn mình bằng những giấc mơ, những giấc mơ như những hành trang không thể nào thiếu được trong trái tim của họ, để họ có thể vượt qua mọi thử thách . Ở đây tình yêu lứa đôi đã hoà quện cùng tình yêu quê hương đất nước .
Như vậy người lính trong cảm nhận của Quang Dũng không chỉ có những đường nét khắc họa bên ngoài mà còn có cả thế giới tâm hồn bên trong đầy mộng mơ của họ .
Nếu như đôi cánh của lí tưởng được Quang Dũng sử dụng như những gam mầu cơ bản để dựng lên bức chân dung người lính Tây Tiến bi hùng, thì cũng chính cái nhìn lí tưởng đó kết hợp cùng đôi mắt lãng mạn, tác giả không hề nhấn chìm người đọc vào cái bi thương bi lụy của những mất mát hi sinh . Chính cảm hứng lãng mạn đã nâng cánh cho cho những sáng tạo khi ông nhìn nhận cái bi thương . Cùng với nghệ thuật nói giảm (Áo bào thay chiếu anh về đất), cách dùng từ Hán Việt cổ kính, trang trọng : biên cương, mồ viễn xứ đã biến những nấm mồ của người lính nơi rừng hoang biên giới trở thành hồn nhiên vĩnh hằng , sống mãi cùng thời gian . Đặc biệt cái bi thương vơi hẳn đi ở tư thế ra đi vì vì lí tưởng “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” . Hai chữ chẳng tiếc đặt ở giữa dòng thơ nói lên sự tự nguyện, thanh thản của những người cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh . Hai chữ đời xanh gợi tuổi trẻ với bao ước mơ hi vọng . Đẹp là thế, đáng yêu là thế nhưng họ vẫn tự nguyện hiến dâng cho dáng hình xứ sở bởi có sự hi sinh nào lớn lao và đẹp hơn . Quang Dũng đã lãng mạn hóa sự hi sinh, những người lính mang dáng vẻ những tráng sĩ thuở xưa coi cái chết nhẹ như lông hồng, sống chiến đấu vì lí tưởng . Trước cái chết của người lính Tây Tiến, không một tiếng khóc, không một vòng hoa, dòng “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” như khúc nhạc bi tráng tiễn đưa người lính về nơi an nghỉ cuối cùng , và như thể ru giấc nhủ ngàn thu của họ .
Cái âm hưởng vừa dữ dội, vừa hào hùng của thiên nhiên ấy , cái chết , sự hi sinh của người lính Tây Tiến không bi lụy mà thẫm đẫm tinh thần bi tráng .
Bài thơ khép lại bằng bốn câu thơ , như nói lên bức chân dung tinh thần của người lính Tây Tiến, đó là vẻ đẹp ra đi tìm lí tưởng không hẹn ngày gặp lại (Tây Tiến người đi không hẹn ước) . Đó cũng là dáng dấp của người li khách trong “Tống biệt hành” của Thâm Tâm :
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại .
Đó cũng chính là hình ảnh người ra đi trong Đất nước của Nguyễn Đình Thi :
Người ra di đầu không ngoảnh lại .
tất cả như một lần nữa tô đậm không khí thời Tây Tiến, khẳng định lí tưởng chiến đấu vì độc lập Tổ quốc luôn bừng cháy trong tim người lính .
III . KẾT THÚC VẤN ĐỀ .
Tây Tiến là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà thơ Quang Dũng, nó không chỉ thâu tóm được không khí náo nức ra trận của một thời oanh liệt mà còn thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của những người con ưu tú sẵn sàng xả thân vì lí tưởng . Đó là bức tranh hoành tráng khắc hoạ cái dữ dội , hào hùng nhưng sâu lắng, tang thương mà không hề bi luỵ . Một thành công của văn chương chống Pháp khi xây dựng hình tượng người lính .
(Sưu tầm)
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: