Phân tích tâm trạng của Hàn Mặc Tử qua bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ"

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Đề bài: Phân tích tâm trạng của Hàn Mặc Tử qua bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ"

Bài làm

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân xếp Hàn Mặc Tử vào nhóm thơ "kì dị" cùng với Chế Lan Viên. Đọc thơ Hàn Mặc Tử, nhiều bài quá kì dị. Ông đã tạo ra cho mình "một thế giới nghệ thuật điên loạn, ma quái, xa lạ với đời thực" (Văn học 11, Tập Một, tr.145).

Tuy vậy, bên cạnh những vần thơ điên loạn, thi sĩ đã sáng tác nên những văn thơ mang những hình ảnh tuyệt mĩ và hồn nhiên, trong trẻo lạ thường. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ như thế. Đọc bài thơ, ta thấy được một phương diện rất đẹp của tâm hồn nhà thơ.

Có tài liệu cho rằng bài thơ được gợi hứng từ bức ảnh phong cảnh Huế cùng mấy lời thăm hỏi của Hoàng Cúc, người con gái thôn Vĩ Dạ xứ Huế, cũng là người mà Hàn Mặc Tử đã thầm yêu trộm nhớ ngày xưa. Vì thế bài thơ vừa làm sống dậy những kỷ niệm về Huế mộng và thơ, vừa thể hiện được tâm trạng buồn bã vô vọng, chập chờn, lẵng đãng như sương, như khói:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Câu thơ mở đầu này vừa như một câu hỏi, vừa như một lời mời gọi, trong đó hàm chứa cả sự ngạc nhiên lần niềm nuối tiếc. Cảnh Vĩ Dạ đẹp thế, hấp dẫn là vậy sao anh không về?

Cảnh thiên nhiên tươi đẹp thôn Vĩ Dạ hiện lên qua một vài nét vẽ thoáng nhẹ, nhưng lại đầy ấn tượng. Cái ấn tượng vốn đã ăn sâu trong tâm hồn nhà thơ về xứ Huế. Cảnh vật ở đây dường như được sàng lọc qua tâm trí nhà thơ, chỉ giữ lại những đường nét tiêu biểu nhất. Một buổi sáng ở thôn Vĩ, anh nắng chiếu lấp loáng những hàng cau còn ướt đẫm sương đêm. Hàng cau hiện lên trong một khoảnh khắc đặc biệt, gắn liền với cái ánh nắng mới lên trong trẽo, tinh khôi, cụ thể và gợi cảm.

Tả cảnh vườn cây tươi mát, sum suê, Hàn Mặc Tử chỉ tập trung làm nổi bật cái mướt xanh của lá: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Cảnh vật ấy như sinh động hẳn lên khi thấp thoáng xuất hiện bóng người, một khuôn mặt kín đáo, phúc hậu, dịu dàng:

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Thiên nhiên và con người rất hài hòa, gợi lên cái thần thái, cái hồn của Vĩ Dạ, một Vĩ Dạ vốn thơ mộng, vì có "nàng" ở đó, có những vườn cây mướt lá, nên lại càng thơ mộng hơn đâu hết.

Ở khổ thơ thứ hai, tâm trạng nhà thơ như chuyển sang một gam khác. Nếu như ở khổ thơ đầu, một Vĩ Dạ với cảnh vật tươi sáng trong trẻo lạ thường thì đến khổ thơ này, nỗi buồn đã bao phủ lên tất cả. Sự chuyển biến đột ngột từ vui sang buồn như thế khá phổ biến trong thơ mới và văn chương lãng mạn nói chung:

Gió theo lỗi gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?


Phải chăng Huế ở khổ thơ đầu là Huế trong kí ức đẹp ngày xưa, còn Huế ở khổ thơ thứ hai là Huế trong tâm trạng của nhà thơ khi trở về hiện tại. Thôn Vĩ Dạ hiện lên vẫn thơ mộng với gió, trăng, mây nước, thuyền bến và hoa bắp lay. Nhưng tất cả đều nhuốm một nỗi buồn. Tâm trạng của người buồn nhìn đâu cũng thấy chia lìa và buồn bã:

Gió theo lối gió mây đường mây

Gió mây đã chia lìa đôi ngả, dường như chẳng quan hệ gì; dòng nước vốn chẳng biết vui buồn cũng trở nên buồn thiu. Hình ảnh hoa bắp lay gợi một nỗi buồn hiu hắt. Một nỗi buôn bao phủ từ bầu trời đến mặt đất, từ gió, mây đến dòng nước và hoa bắp bên sông. Đằng sau những cảnh vật ấy là tâm trạng của một con người mang nặng nỗi buồn xa cách, một mối tình vô vọng. Giờ đây tất cả chỉ còn trong cõi mộng cả cảnh vật cũng như tình người. Một không gian tràn ngập ánh trăng, một dòng sông trăng, một bến đò trăng...Cảnh thật thơ mộng nhưng buồn mênh mang:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?


Nhà thơ như không còn sống với cảnh vật bên ngoài nữa, mà chìm đắm trong cõi lòng riêng của mình. Sống với cảnh mộng và với người trong mộng. Hàn Mặc Tử, ở khổ thơ cuối, như đối thoại trong mơ với một đối tượng hư ảo:

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?


Hình ảnh cô gái thôn Vĩ ngày xưa chập chờn trong cõi mộng tạo cho nhà thơ một cảm giác bâng khuâng, ngơ ngẩn. Màu áo trắng của cô gái Huế trắng quá như lẫn vào sương khói. Sương khói của đất trời xứ Huế hay là sương khói của thời gian và không gian cách phủ lên một mối tình cũng thật xa vời.

Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi và kết thúc bằng một lời đáp lại. Nhưng lời đáp cũng là một câu hỏi. Phải ai biết tình ai có đậm đà để có thể trở về thăm thôn Vĩ?

Hàn Mặc Tử đã ra đi nhưng bài thơ thôn Vĩ vẫn còn đó. Bài thơ ấy đã vượt qua lớp sương khói của thời gian để bất tử hóa một mối tình tuyệt vọng nhưng rất đỗi thiết tha, trong sáng.

Theo Ths. Phạm Ngọc Thắm*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top