Phân tích đoạn “ Lẽ ghét thương” ( trích Lục Vân Tiên) của Nguyễn Đình Chiểu.
Bài làm 1:
Hai câu mở đầu:
“ Quán rắng: Ghét việc tầm phào,
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.”
Là cách khái quát đến cao độ thái độ tình cảm của ông Quán mà cũng là của quần chúng nhân dân trước những điều xấu xa ở đời “ ghét việc tầm phào”.” Việc tầm phào” là những việc vớ vẩn, bậy bạ, vô nghĩa. Đặc biệt là ông ghét với tinh thần không chút khoan nhượng, ghét tới mực độ mãnh liệt nhất, triệt để nhất “ Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm”. Chỉ trong hai dòng thơ lục bát, từ ghét xuất hiện tới bốn lần. Cùng với cách dùng điệp từ vừa nói, nhà thơ lại dùng lối diễn đạt bồi thấn tăng cấp nhằm thể hiện rõ nét mức độ tột cùng thái độ căm ghét của ông Quán.
Tiếp đó là tám câu thơ triển khai một cách cụ thể ý khái quát đã nêu ở hai câu đầu. Nhà thơi chỉ rõ ông Quán ghét những người nào và vì ai mà ghét những người đó.
Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm,
Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.
Ghét đời U, Lệ đa đoan,
Khiến dân luốn chịu lầm than muôn phần.
Ghét đời Ngũ bá phân vân,
Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn.
Ghét đời thúc quý phân băng,
Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân.
Mỗi cặp lục bát là một trích truyện dẫn từ thời xa xưa, đời nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chân bên Trung Quốc. Phải hiểu dụng ý sâu sắc của nhà thơ khi dùng những điển cố, điển tích ở đây là ý tại ngôn ngoại ( ý ở ngoài lời). Đó là cách nói thông thường của các nhà thơ cổ điển. Phải hiểu là cụ Đồ đang nói chuyện về con người và cuộc đời lúc đó.
Nhà thơ nhắc đi nhắc lại một điệp khúc dân, các tích truyện đều xoay quanh một chữ dân:
…Để dân đến nỗi sa hầm, sẩy hang.
…Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần
… Làm dân nhọc nhằn
…Lằng nhằng rối dân.
Đúng là “ tiêu chuẩn ghét” ở đây đều nhất loạt xuất phát từ quyền lợi của nhân dân. Tất cả đểu vì dân mà ghét, ghét những kẻ làm hại dân, nhũng nhiễu dân. Mượn điển tích xưa, cụ Đồ Chiểu nói chuyện đương thời. Thời Thiệu Trị, Tự Đức ( các vua nhà Nguyễn), trị vì, triều đình chuyên chế tàn bạo, vua chúa ăn chơi xa xỉ, đổ tiền rừng bạc biển vào việc xây dựng lăng tẩm đền đài, quan lại tham nhũng, loạn lạc liên mien, cảnh tượng đúng như bài vè “ Là cái thời Tự Đức” khắc họa “ Trời ảm đạm u sầu. Cảnh hoang tàn đói rét. Dân nghèo cùng kiệt”.
Mười bốn câu thơ tiếp theo nêu rõ những việc, những người mà ông Quán thương:
Thương là thương đức thánh nhân,
Khi nơi Tống, Vệ lúc Trần, lúc Khuông,
Thương thầy Nhan Tử dở dang,
Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh.
Thương ông Gia Cát tài lành,
Gặp cơn Hán mạt đã đành phui pha.
Thương thầy Đồng Tử cao xa,
Chí thời có chí, ngôi mà không ngôi.
Thương người Nguyên Lượng ngùi ngùi,
Lỡ bề giúp nước lại lui về cày.
Thương ông Hàn Dũ chẳng may,
Sớm dâng lời biểu, tối đày đi xa.
Thương thầy Liêm, Lạc đã ra,
Bị lời xua đuổi về nhà giáo dân.
Đây cũng đều là những người xưa, những người có tài năng đức hạnh lớn, dốc long phò vua giúp nước mà không toại chí nguyện vì thời thế không thuận lợi và nhất là vì hiền thần không gặp được minh quân. Mỗi người một cảnh ngộ, nhưng đều là những số phận long đong bất đắc chí ( Khổng Tử thì lận đận, Nhan Uyên chết yểu, Gia Cát không gặp thời. Đổng Trọng Thư bế tắc, Đào Tiềm không chịu được nhục phải từ quan, Hàn Dũ can vua bị tội) Cách lựa chọn chi tiết điển hình, cách diễn đạt biến hóa sinh động của nhà thơ đã gây được ấn tượng đối với người đọc.
Nói Lẽ ghét thương ở đây tuy là nói thương ghét qua sử sách: “ Xem qua kinh xử mấy lần, Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương”, nhưng ngẫm kỹ ra ít nhiều đều phù hợp với hiện thực đất nước và nỗi long của cụ Đồ trước thời thế bấy giờ.
Về mặt nghệ thuật, bao trùm cả đoạn thơ là lối dùng điệp từ: từ ghét, từ thương đều được lặp lại tới tám lần mà không hề gây nhàm chán, trái lại cứ tăng tiến dần theo mỗi câu thơ tưởng như cả tam huyết của tác giả sôi trào nơi đầu ngọn bút. Rõ rang ở đây không phải là chuyện đạo lý, kinh sử khô khan thuần túy. Đoạn thơ thấm đượm sắc thái trữ tình đầy cảm xúc với ngôn ngữ bình dị thông thường, với bút pháp ước lệ nhưng nhờ sự chân thành nên vẫn thật có hồn. Nguồn cảm xúc tràn đầy, sôi nổi trong tâm hồn nhà thơ, đã làm nên giọng thơ, nhịp điệu thơ riêng, dồn dập mãnh liệt một cách tâm huyết chắc nịch, có sức chinh phục lòng người.
Nguồn XBTPHCM.