Bài làm
Nguyễn Huy Thiệp đã từng nói “Tướng về hưu” không phải là tác phẩm khiến ông ưng ý nhất nhưng lại là tác phẩm khiến ông nổi tiếng nhất. Đây là một trong những truyện ngắn đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Nó đã gây ra tiếng vang lớn , mở ra một thời kì mới cho nền văn học Việt Nam, đoạn tuyệt với quá khứ, viết “…lời ai điếu cho một thời văn nghệ minh họa” (Nguyễn Minh Châu) đưa văn chương về đúng với bản chất của nó. Có nhiều yếu tố để tạo nên tính hấp dẫn, ma lực cho “Tướng về hưu” mà quan trọng nhất ta phải kể đến chính là nghệ thuật trần thuật.
Trần thuật - thế giới miêu tả của thế giới nghệ thuật, đồng thời cũng là biện pháp cơ bản nhất để tạo thành văn bản văn học. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “thành phần của trần thuật không chỉ là lời thuật, chức năng của nó không chỉ là kể chuyện”. Trần thuật cho người đọc biết ai, xuất hiện ở đâu, khi nào, làm việc gì, trong tình huống nào… Về bản chất, trần thuật là hành vi ngôn ngữ nhằm kể, thuật, miêu tả, cung cấp thông tin về sự kiện, nhân vật theo một thứ tự nhất định trong không gian, thời gian và về ý nghĩa.
Trần thuật đòi hỏi phải có người kể, người thổ lộ. Người kể và chuỗi ngôn từ là hai yếu tố quy định trần thuật. Từ người kể chuyện ta có ngôi trần thuật, lời trần thuật, điểm nhìn trần thuật. Từ chuỗi ngôn từ ta có thể kể đén các yếu tố : lược thuật, dựng cảnh, phân tích bình luận, giọng điệu
Như vậy, các yếu tố cơ bản của trần thuật gồm có : người trần thuật, ngôi kể, vai kể; tiêu cự, phối cảnh, điểm nhìn trần thuật; giọng điệu….
Đổi mới nghệ thuật trần thuật từ điểm nhìn đến người kể chuyện được xem là một trong những vấn đề quan trọng của văn xuôi thời kỳ đổi mới. Song song với nó là sự xuất hiện nhiều người kể chuyện. Chúng làm mới hình thức kể, gia tăng tính đa dạng nhiều chiều cho bức tranh hiện thực cuộc sống.
Người kể chuyện trong truyện ngắn “Tướng về hưu” xưng “tôi” là nhân vật trong tác phẩm. Chủ thể được đặt trong các sự kiện bằng tâm thế của người trong cuộc, chứng kiến sự việc xảy ra bằng tất cả các giác quan của mình: “Cha tôi tên là Thuấn”; “ khi lớn lên, tôi chăng biết gì về cha mình cả. Tôi chắc mẹ tôi hiểu về cha tôi cũng ít”, “ tôi đi làm, lấy vợ, sinh con”, “ tôi là con một, tôi đã chịu ơn cha tôi về đủ mọi mặt. Tôi được học hành, được du ngoại. Cả những cơ sở vật chất gia đình cũng do cha tôi lo liệu”, “tôi ba mươi bẩy tuổi, là kỹ sư, làm việc ở Viện Vật lý. Thủy, vợ tôi, là bác sĩ, làm việc ở bệnh viện sản. Chúng tôi có hai con gái, đứa mười bốn, đứa mười hai. Mẹ tôi lẫn lộn, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ”, “Còn tôi, hình như tôi khá cổ hủ, đầy bất trắc và thô vụng”… Tuy là người trong cuộc, tham gia vào các sự kiện, kể lại mọi chuyện theo đúng những gì mắt thấy tai nghe thế nhưng người kể chuyện ở đây chẳng khác nào một người không liên quan đến câu chuyện, kể lại câu chuyện của cha mình, của gia đình mình nhưng giống như đang kể câu chuyện của người khác mà vô tình mình biết rất rõ, ít thấy cảm xúc gì đặc biệt. Những đánh giá về mọi người, mọi việc xung quanh và về chính bản thân nhân vật khách quan như người ngoài nhìn vào. Cách sử dụng ngôi kể như vậy tạo cho người đọc cảm nhận về câu chuyện vừa trung thực, khách quan lại vừa nghi hoặc. Nghi hoặc về mối quan hệ huyết thống gia đình, về các mối quan hệ giữa cha con, vợ chồng, chú cháu, anh em… Anh con trai nghe lời vợ hơn là bố. Những tìm tòi, khám phá về người mà “tôi” gọi là bố giống như tìm hiểu một người xa lạ mới về ở chung.
Người kể chỉ có thể kể được những điều họ cảm thấy, nghe thấy, nhìn thấy trong không gian, thời gian, trong trạng thái cảm xúc, trình độ văn hóa, tuổi tác, quan điểm tư tưởng, giá trị . Và trong “tướng về hưu” thật khó để nhân vật tôi thực hiện được chức năng của mình nếu như nhân vật không có một điểm nhìn nhất định,có một vị trí dựa vào để quan sát, cảm nhận, trần thuật, đánh giá các nhân vật và sự kiện. Vì thế, Nguyễn Huy Thiệp đã lựa chọn cho người kể chuyện trong tác phẩm của mình một điểm nhìn hết sức độc đáo, đa dạng, để lại trong lòng độc giả nhiều dấu ấn về cách lấy điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm.
Sự độc đáo trong điểm nhìn trần thuật của “tướng về hưu” trươc hết được tạo nên bởi điểm nhìn bên trong của người kể chuyện – nhân vật tôi ( thuần- con trai tướng thuấn). Cách kể của con người hơi thiếu tự tin, thiếu quyết đoán đó khiến dòng đời với những thác lũ tha hóa và sự trơ khấc của cảm xúc dường như thêm phần bạo liệt. Cảm giác bất lực dâng trào. Người kể như đứng bên ngoài những sóng gió mà kể lại, chỉ kín đáo suy tư..Tác giả lấy điểm nhìn từ nhân vật Thuần cho ta một cái nhìn vừa mới mẻ đồng thời cho ta một cái nhìn bao quát hơn bởi anh vừa là nhân vật trung tâm đồng thời có cái nhìn khá xác đáng về các vấn đề đang diễn ra xung quanh “sự kiện” bố anh-tướng Thuấn về hưu. Đồng thời nó còn là cái nhìn sự đánh giá sắc đáng của chính tác giả về cái xã hội lúc giao thời đầy lố lăng, lúc mà mọi giá trị của đời sống tinh thần không được coi trọng. Còn có điểm nhìn nào hợp lí hơn điểm nhìn từ Thuần? Vừa là người gần gũi với tướng Thuấn để biết những hành động, lời nói của ông trong cuộc sống hàng ngày lại vừa xa lạ vì vốn hai cha con cũng ít gặp nhau. Sự gắn kết giữa 2 cha con chỉ vì huyết thống không hơn. Nhân vật này tham gia vào tất cả các sự kiện, tất cả các mối quan hệ tạo sự xác thực cho thông tin, bao quát câu chuyện hơn.
Nhưng nếu chỉ có vậy chưa đủ để làm nên sức hấp dẫn của “ Tướng về hưu”, bởi tác phẩm không chỉ độc đáo mà còn đa dạng trong điểm nhìn trần thuật. “Thế giới được miêu tả” được hiện lên không chỉ qua điểm nhìn của người kể chuyện mà còn được hiện lên qua điểm nhìn của các nhân vật khác trong tác phẩm : Thủy (vợ Thuần), Thuấn, ông Bổng, cậu khổng,….Điểm nhìn cũng được luôn phiên đổi khi đối thoại giữa các nhân vật, do vậy cái nhìn về các nhân vật được hoàn thiện và khách quan hơn. Đặc biệt, tác phẩm xuất hiện sự đối thoại giữa các điểm nhìn ( hai điểm nhìn trái ngược nhau) đã tạo nên hiện tượng điểm nhìn nhiều chiều, từ đó tạo nên sự đa dạng trong tính cách nhân vật cũng như những quan điểm khác nhau về con người trong xã hội giao thời. Qua điểm nhìn của người kể chuyện cũng như của các nhân vật , tính cách, nhân cách các nhân vật hiện lên rõ ràng: Người cha, ông tướng Thuấn , “lãnh đạo chính thức” gia đình, bản tính nhân từ và độ lượng, nhưng soi kỹ ông chỉ là thứ xếp bù nhìn vô tích sự. Cả đời đi hoang, làm được mỗi việc lớn là chôn ba nghìn người. Đến cái chết của ông cũng lãng xẹt: già rồi mà còn bò ra trận địa, mọi người dở tay đánh nhau, không ai tiếp; ông lần mò lên chốt một mình. Lóng ngóng, chết uổng. Ông tướng là hình ảnh người cha lý tưởng và không tưởng. Cả đời ông chỉ lo chuyện lớn. Lấy việc bình quân làm lẽ sống. Lấy chiến tranh làm dưỡng khí. Trong hòa bình, ông trở nên “sao mà lạc lõng cô đơn”, không thể hòa nhập được . Ông xây dựng thượng tầng cơ sở trên vinh quang và chiến thắng mà không biết những vinh hạnh ấy dựng trên xác người. Ông không màng đến những chuyện nhỏ như kiếm tiền, kiến trúc xã hội, kiến trúc kinh tế, kiến trúc đời sống trong hạ tầng cơ sở. Ông tưởng ông phụng sự con người, thật ra ông chỉ thạo việc chôn người. Người đọc có thể nhận ra ông “tướng về hưu” là sản phẩm của chiến tranh . Con trai ông làm kỹ sư ở viện vật lý, vô tích sự và vô trách nhiệm hơn ông: Trước tất cả khó khăn vật chất của gia đình, hắn hút Galan, đọc Sputnhich. Người con trai trở nên một thứ trí thức bất lực, ăn bám, hèn và nhục, ký sinh trùng của xã hội. Người chú – ông Bổng, phu xe, vừa quịt nợ, vừa chửi: "Quân trí thức khốn nạn, rẻ dân lao động". Còn Thủy – “lãnh đạo thực thụ” của gia đình , người vợ một mình xoay sở, chạy vạy, nuôi đủ hai con, hai bố mẹ, hai người ở và một chồng. Đối với Thủy: cứu cánh biện minh cho phương tiện. Bác sĩ sản khoa thay vì đỡ đẻ cứu người lại phải nạo thai, hủy trẻ. Những biện pháp bất nhân nho nhỏ này được phát triển, bình thường hóa, cập nhật hóa, dẫn đến những bất nhân linh tinh khác và trở thành một thứ trật tự, ổn định xã hội mới dựa trên các công thức chạy vạy, xoay xở, kiếm tiền và tất cả mọi thủ đoạn, mọi phương tiện đều tốt. Thảm kịch này không phải chỉ xảy ra trong lòng một gia đình, mà là thảm kịch chung của mọi gia đình.
Ngôi kể có một ý nghĩa trong việc tạo thành giọng điệu của văn bản, bởi vì giọng điệu bao giờ cũng là giọng của một ai đó, được thể hiện bằng những phương tiện ngôn từ nhất định. Đọc tác phẩm có lẽ sẽ có nhiều ý kiến cho rằng nhân vật tôi không có cảm xúc, không có thái độ, nhưng phải chăng đó chính là ý đồ của tác giả để tạo nên lối trần thuật dân chủ, ko áp đặt lập trường quan điểm cho người đọc. Quyền phán xét dành cho bạn đọc. Nguyễn Huy Thiệp dùng thứ giọng điệu lạnh tanh, không cảm xúc, không đánh giá, để mặc cho bạn đọc cảm nhận về các nhân vật, đánh giá về họ. Tác giả chỉ có vai trò kể lại, cung cấp chất liệu cho bạn đọc. Người đọc rất dễ dàng tìm thấy những dòng văn “lạnh” như thế này: “Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hàng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn. Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì. Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc. Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc giê: “Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này”. Đàn chó sủa vang. Ông bỏ lên nhà. Vợ tôi di vào nói với ông Cơ: “Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?!’ ông Cơ bảo: “Cháu quên, cháu xin lỗi mợ””;
“Vợ tôi bảo: “Ba mươi hai mâm. Anh phục em tính sát không?” Tôi bảo: “Sát””
Đối thoại dồn dập kết hợp với các câu đơn,gắn tạo nhịp điệu nhanh, gấp giống như cái nhịp sống hiện đại của cái xã hội thời đổi mới này. Rất dễ thấy nhân vật này nói, nhân vật kia bảo, nhưng lại ít thấy dòng suy nghĩ miêu tả nội tâm nào. Chỉ có một lần xuất hiện dòng suy nghĩ của người trần thuật, cũng là anh con trai “ …Bãi tha ma này toàn quân lừa lọc”. Con người lí trí đến vô cảm, không còn cái gọi là “tang gia bối rối”. Trước đám ma của người mẹ, chỉ duy nhất có cô Lài gàn dở là khóc thực sự, là có tình cảm. Các nhân vật khác “Chỉ ăn là trên hết”. Ông Bổng hỏi tôi: “Nhà này ai chủ trì kinh tê?” Tôi bảo: “Vợ cháu”. Ông Bổng bảo: “Đấy là ngày thường. Tao hỏi đám ma này thì ai chủ trì kinh tế”" Tôi bảo: “Vợ cháu”. Ông Bổng bảo: “Không được con ơi, khác máu tanh lòng. Tao bảo bố mày nhé”. Tôi bảo: “Ông dể con”. Ông Bổng bảo: “Đưa tao bốn nghìn, mày định làm bao nhiêu mâm?” Tôi bảo: “Mười mâm”. Ông Bổng bảo: “Không đủ cho đô tùy rửa ruột. Mày bàn với vợ mày đi. Bốn mươi mâm”. Tôi đưa cho ông bốn nghìn rồi vào nhà. Vợ tôi bảo: “Em nghe hết rồi, em tính ba chục mâm, tám trăm đồng một mâm, ba tám hai tư. Hai tư nghìn, phụ phí sáu nghìn. Việc mua bán em lo. Cỗ giao cho cô Lài. Đừng nghe ông Bổng, lão ấy đểu lắm”. Tôi bảo: “ông Bổng cầm bốn nghìn rồi”. Vợ tôi bảo: “Buồn anh lắm”. Tôi bảo: “Anh đòi lại nhé”. Trong đám ma, chủ yếu là đám đánh bạc và đám đô tuỳ. Chỉ có những khuôn mặt vô tâm trước linh cữu người chết: “Đô tuỳ thay nhau đến ba chục người, có nhiều người vợ chồng tôi không biết tên gì. Họ khênh quan tài hồn nhiên như việc bình thường vẫn làm, như khênh cột nhà. Vừa đi vừa nhai trầu, hút thuốc tán chuyện. Khi nghĩ, đứng ngồi ngỗn ngang ngay bên quan tài. Có người nằm lăn ra nói: “Mát thật, không bận thì cứ ngủ ở đây đến tối”. Ông Bổng bảo: “Các bố ơi đi đi về còn nhắm”. Thế là đi”. Thứ giọng điệu khiến cho bất cứ ai đọc cũng phải bức bối, khó chịu.
Viết truyện ngắn bằng tư duy tiểu thuyết Tướng về hưu giống như một tiểu thuyết được nén lại trong 20 trang của truyện ngắn. Ngôn ngữ cô đọng, chọn lọc, không thừa một chữ, chỉ đủ nêu sự kiện. Nhà văn đã cố ý giới hạn ngôn ngữ ở mức độ mô tả sự vật, sự kiện, ở mức ngôn ngữ kĩ thuật đơn thuần, “dùng tiếng nói để bịt miệng con người”. Lối hành văn độc đáo này tạo nên một thế giới ngổn ngang sự vật, sự kiện, một thế giới tan rã thành muôn mảnh, một thế giới chỉ có hiện tại vụn vặt lơ lửng bên nhau. Vì đó là một thế giới mất nhân tính. Tác phẩm đem lại vô vàn cách hiểu, cách cảm nhận khác nhau, bao hàm ý nghĩa nhân sinh vô cùng to lớn mang tầm vóc thời đại.
Viết về Nguyễn Huy Thiệp nói chung và viết về Tướng về hưu nói riêng đã tốn biết bao giấy mực của các nhà phê bình trong và ngoài nước. Có rất nhiều vấn đề cần nói, cần bàn về tác phẩm này kể cả ở nội dung ý nghĩa lẫn nghệ thuật của tác phẩm. Tuy nhiên, trước khi những yếu tố đó được làm sáng tỏ thì nghệ thuật trần thuật mà nhà văn tạo nên tác phẩm cũng đã đủ làm lôi cuốn bao thế hệ bạn đọc. Không dễ để đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp cho dù ngôn từ không đánh đố, không khó hiểu…Song đã đọc thì càng ngày càng bị mê hoặc, bị hấp dẫn theo trang truyện của ông.
Phong Cầm
vnkienthuc.com
vnkienthuc.com