Đề: Phân tích cái hay, cái đẹp trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm
Bài làm
Từ xa xưa, nhiều nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Du, Đặng Trần Côn đã miêu tả thành công tâm trạng giữa kẻ ở - người đi và nỗi buồn li biệt. Đó là nỗi buồn ẩn chứa những xót xa, những tuyệt vọng đau khổ. Trong bài thơ Tống biệt hành, Thâm Tâm cuãng đã nói tới nỗi buồn li biệt nhưng là nỗi buồn không bi lụy mà hào hùng, có lẽ vì nhà thơ đã xây dựng được hình ảnh người ra đi với một quyết tâm cao và ý chí lớn.
Năm 1941, ở Việt Bắc phong trào Việt Minh đã được phát động sôi nổi, nhiều thanh niên yêu nước đã tìm đường lên chiến khu Việt Bắc để thực hiện lí tưởng cứu nước của mình. Nhà thờ Thâm Tâm đã viết bài thơ này để tiễn một người bạn lên chiến khu. Có lẽ ra đời từ hoàn cảnh này mà nỗi buồn biệt li của nhà thơ đã có điểm khác biệt so với thơ xưa. Như trên đã nói, nỗi buồn li biệt không phải là chủ đề mới mẻ. Trong Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn đã làm người đọc thấm thía với nỗi tuyệt vọng trong những bước chân ngập ngừng của người chinh phụ: Đưa chàng lòng dặc dặc buồn...Nguyễn Du cũng vẽ nên hình ảnh của một cuộc chia tay sầu não: Người lên ngựa kẻ chia bào - Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san (Truyện Kiều). Còn ở bài thơ này, ngay ở những câu thơ đầu, Thâm Tâm đã khẳng định:
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đoạn thơ không có những cảnh tiễn đưa như ở người xưa "Đưa người ta không đưa qua sông", cũng không có những cảnh vật mang tính ước lệ khi chia tay như người xưa thường miêu tả, chỉ có "Bóng chiều không thắm không vàng vọt", nhưng tâm trạng thì chan chứa nỗi buồn li biệt. "Sao có tiếng sóng ở trong lòng?", câu hỏi được đặt ra nhưng chính là sự khẳng định. Tiếng sóng ở trong lòng đó là nỗi xốn xang, là những lưu luyến không rời cứ cồn lên trong lòng kẻ tiễn đưa. Hoàng hôn trong mắt kẻ tiễn đưa và người ra đi cứ tràn đầy. Tình cảm của những chàng trai mắt trong còn rất trẻ này mới thật cảm động và thắm thiết! Cuộc chia li nào cũng ẩn chứa nối buồn. Dù đó là cuộc chia li của người chinh phụ, của nàng Kiều ngày xưa hay của các tràng trai đi kháng chiến thì những nỗi buồn này đều là những tình cảm rất thực của con người. Nếu đặt bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác cụ thể, người ta mới thấy quý tình cảm cao đẹp trong nỗi buồn này: đó là tình đồng chí của những con người ý thức được sự cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.
Người đọc dễ nhận thấy một thủ pháp nghệ thuật độc đáo nổi bật trong bài thơ này, đó là sự đan cài rất tinh tế tâm trạng của người đưa tiễn và hình ảnh của kẻ ra đi. Hình ảnh người ra đi hiện lên khá rõ nét trong suy nghĩ của người đưa tiễn. Hơn nữa, lại không phải diện mạo, dáng hinhfmaf là tâm trạng bên trong, là nỗi buồn, là ý chí...Có lẽ người đưa tiễn có rất hiểu bạn mình, rất thông cảm với bạn mình. Và người ra đi, nếu cảm nhận được một tấm lòng như thế, sẽ thấy ấm lòng biết bao, sẽ vơi đi được phần nào những giằng xé trong tâm tư. Hình ảnh gây ấn tượng mạnh nhất đối với người đọc là hình ảnh một con người ra đi vì chí lớn:
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Câu thơ gợi lên hình ảnh tráng sĩ xưa "nhất khứ bất phục phản", còn ở đây là "chí nhớn chưa về bàn tay không". Cả hai câu thơ tuy cách xa nhau về thời gian, không gian nhưng đều thật khẳng khái, hào hùng. Nhưng chí nhớn mà người thanh niên tình nguyện đem lên chiến khu là giết giặc cứu nước nên không chỉ có mình anh đơn độc như Kinh Kha ngày xưa. Âm hưởng câu thơ mạnh mẹ, dứt khoát làm cho hình ảnh li khách trên con đường nhỏ bỗng trở nên kì vĩ, dũng mãnh và rắn rỏi lạ thường!
Đã có một thời người ta phê phán và gọi những tình cảm rất thực sự này của con người là mềm yếu, là bi lụy. Nhưng...thơ sẽ không còn là thơ nữa nếu trong thơ không có tâm trạng rất thực của con người. Và người đọc yêu mến Thâm Tâm chính vì những điều giản dị này. Ngay ở những câu đầu, nhà thơ đã cảm nhận rất rõ những bối rối, những giằng xé trong tâm trạng của người ra đi nên mới viết rằng ta chỉ đưa người ấy mà như thấy "Một giã gia đình, một dửng dưng", dửng dưng hay cố ý dửng dưng để có thể ra đi vì chí lớn?
Con người với "chí lớn chưa về bàn tay không" đó chắc chắn có những tâm sự buồn "Ta biết người buồn chiều hôm trước. Ta biết người buồn sáng hôm nay", đang còn bị ám ảnh bởi hình ảnh những người thân trong gia đình khi chia xa: những người chị khóc đến cạn nước mắt, đến héo hon như những bông sen cuối mùa đang gắng khuyên nhủ em lần cuối. Còn em nhỏ thơ ngây thì "gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay"...Cũng nên hiểu đây là cuộc chia li thời chiến, mà đã ra đi thì biết đến bao giờ mới mong gặp gỡ? Cảnh chia li thật cảm động. Tình cảm sâu đậm của người con đã thể hiện rất rõ trong câu thơ có vẻ dửng dưng song bên trong lại rưng rưng nước mắt:
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
Đứa con dù lớn vẫn còn gắn bó với người mẹ thân yêu. Thế mà phải xa mẹ, không phải chỉ ba năm trong câu thơ an ủi mẹ mà có thể không bao giờ còn gặp mẹ. Nhà thơ như muốn tránh không nói đến sự chia tay với người mẹ, sợ làm đau lòng người đi chăng?
Nghĩa tình sâu nặng như vậy nhưng cần phải ra đi thì:
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.
Đừng hấp tấp khi nói rằng người đi tàn nhẫn quá, lạnh lùng quá. Thực ra, đây là sự cứng rắn cần thiết của một con người chí lớn, gạt bỏ tình riêng để ra đi vì đất nước. Do vậy nói là dửng dưng mà tâm trạng thì bời bời thương nhớ, nói mẹ, chị, em vô nghĩa như chiếc lá như hạt bụi, như hơi rượu say...mà như nén đau khổ để dứt áo ra đi. Và mục đích, lí tưởng của anh còn gì là đẹp nếu không phải ra đi cho những người mẹ, người chị, đứa em...cho cả đất nước này được sống một cuộc sống bình yên và không còn phải chia li! Có thể nói bài thơ thực sự gây xúc động đối với người đọc chính ở tình bạn bè thắm thiết, ở nghị lực vững vàng của người ra đi. Sự đan cài tâm trạng được thể hiện rất tài tình.
Người đọc còn say mê với những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ. Ngoài những câu thơ tu từ, nghệ thuật dùng điệp từ, điệp ngữ, âm điệu trầm hùng rất đặc biệt của bài thơ, tác giả còn sử dụng rất tuyệt diệu những vần lưng, vần bằng để diễn tả nỗi buồn thấm thía trong đoạn đầu: "Đưa người ta không đưa qua sông?...Bóng chiều không thắm không vàng vọt. Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?". Những thanh bằng trầm lắng như nỗi lòng của người đưa tiễn, như nỗi buồn mênh mang trong buổi chia li này. Âm điệu chung của sáu câu thơ đầu còn được tạo ra bởi sự kết hợp của hai câu hỏi tu từ diễn tả nội xao xuyến, xúc động của người đi - kẻ ở. Như thế, nhà thơ đã miêu tả trực tiếp và miêu tả rất thành công, rất tinh tế tâm trạng con người mà không cần "mượn cảnh để tả tình" như trong thơ xưa...
Bao nhiêu năm đã trôi qua kể từ ngày tác giả dựng lại hình ảnh một li khách trên con đường nhỏ lên chiến khu, bài thơ vẫn cứ gây xúc động lớn lao trong lòng người đọc. Một chút trầm hùng, bi tráng của hơi thơ, một chút tha thiết chân thành của tình bạn, một chút đau khổ, ngậm ngùi, lưu luyến khi chia li..., chẳng phải là lời nhắc nhở rất nhiều đối với chúng ta ngày nay sao?
Nguyễn Thái Dương
THPT Nguyễn Trái, TP. Hồ Chí Minh*