Bài làm
Bài thơ "Con cò" được sáng tác năm 1962, in trong tập thơ "Hoa ngày thường - Chim báo bão"(1967) của Chế Lan Viên. Viết "Con cò" nhà thơ thông qua một cánh cò tượng trưng dập dìu trong lời ru, câu hát thể hiện được tấm lòng yêu thương và những mong ước của người mẹ với đứa con còn bé thơ.
Hình ảnh con cò qua bài thơ mang nhiều ý nghĩa tượng trưng, luôn luôn biến hoá trong tiếng hát về lời ru về con cò, trong cánh cò dập dìu bay lượn. Hình ảnh con cò tượng trưng cho tấm lòng trong trắng, cho những nỗi khổ của ngày qua, cho niềm vui và mơ ước hện nay, cho tình yêu thương rộng lớn của người mẹ, cho cái bé bỏng côi cút của con thơ. Dường như, với tính chất tượng trưng con cò trong trường hợp nào cũng đúng cả, cũng để lại cho người đọc nhiều ấn tượng .
Bài thơ "Con cò" của Chế Lan Viên viết theo thể thơ tự do, các câu thơ dài ngắn không đều. Toàn bài gồm 51 dòng thơ được chia làm 3 đoạn. Có những dòng thơ 2 tiếng, 3 tiếng, 4 tiếng và cũng có dòng thơ 7,8 tiếng. Khổ thơ cũng không nhất định, khổ đầu 20 dòng ; khổ hai 14 dòng và khổ ba 17 dòng. Rõ ràng là tác giả không hạn định số chữ trong câu, cũng không hạn định số câu trong bài. Điều đó chứng tỏ tác giả đã xây dựng bài thơ theo mạch cảm xúc và đã góp phần khá rõ một số nét phong cách của Chế Lan Viên.
Ở bài thơ "Con cò", lượng thơ được tổ chức thích hợp với từng ý thơ, từng đoạn thơ. Nhịp thơ ở bài này chủ yếu là nhịp 2, nó trùng với dòng thơ có hai âm tiết và nó ngắt đôi những dòng thơ 4 âm tiết như ở đoạn thơ cuối và nó thường là nhịp kết thúc ở những dòng thơ có nhiều âm tiết. Do đó, nhìn toàn bài thơ "Con cò", ta thấy lượng thơ luôn luôn không ổn định, nhưng ta vẫn tìm thấy một cái ổn định khác nhất quán suốt cả bài thơ, tạo cho bài thơ một sự thống nhất từ bên trong, đó là nhịp 2, mặc dù nhịp thơ biến đổi và có nhiều câu thơ điệp lại tạo cho nhịp điệu gần với lời hát ru nhưng chủ yếu vẫn là nhịp hai.
Kết hợp với yếu tố nhịp là cách gieo vần khá độc đáo trong bài thơ, những từ cuối nhịp đã tập trung được những nguyên âm mở và đóng xen kẽ nhau, kết hợp rất uyển chuyển với những âm tiết cuối nhịp có phụ âm vang (những âm tiết có phụ âm là : m, n...) và làm thành sự luân phiên các nhịp gần giống như nhịp đưa nôi, đệm cho những lời ru của mẹ... Cho nên, thường có những đoạn thơ bắt đầu bằng những câu thơ mang âm hưởng lời ru có nhịp ngắn, lặp lại về cấu trúc rồi đến những câu thơ dài âm vang mở ra với những liên tưởng xa rộng hoặc suy gẫm tính chất triết lý:
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con.
Câu thơ mang một ý nghĩa đúc kết như một phương châm, một triết lý về các mối quan hệ trong đời một con người, nói lên được cái lớn lao và tình yêu vô tận của lòng mẹ. Về mặt ý nghĩa, hình tượng bao trùm cả bài thơ là hình tượng con cò được khai thác từ trong ca dao truyền thống mang ý nghĩa ẩn dụ.
Ở đọan đầu bài thơ, tác giả có nhắc lại một số câu quen thuộc trong những bài ca dao xưa, nhưng không nhắc lại nguyên vẹn mà chỉ khai thác và xây dựng ý nghĩa biểu tượng của hình tượng con cò ở nội dung biểu trưng cho tấm lòng người mẹ và những lời hát ru.
Ngay từ đầu bài thơ, tác giả giới thiệu :
“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời me hát
Có cánh cò đang bay
Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò Cổng phủ
Con cò Đồng Đăng..."
Hình ảnh con cò được gợi ra trực tiếp từ những câu ca dao dùng làm lời hát ru. Ở đây, nhà thơ chỉ dùng lại vài từ trong mỗi câu ca dao xưa vừa gợi lại lời hát ru, vừa gợi lại ít nhiều sự phong phú trong ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò :"Con cò bay lả, bay la - Bay từ Cổng phủ, bay ra cánh đồng" hay "Bay từ Cửa phủ bay về Đồng Đăng" chỉ gợi tả không gian và khung cảnh quen thuộc của cuộc sống đời xưa, từ nông thôn đến phố phường. Hình ảnh con cò gợi lên vẻ nhịp nhàng, thon thả, gợi lên nhịp điệu bình yên cuộc sống của cái thuở thanh bình ngày xưa ấy. Còn hình ảnh con cò trong bài ca dao : "Con cò mà đi ăn đêm... đau lòng cò con" lại có một nội dung và ý nghĩa tư tưởng khá sâu sắc. Con cò ở đây tượng trưng cho những con ngừơi, cụ thể là người mẹ, người phụ nữ nhọc nhằn, vất vả quanh năm : "Con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non" ; "Cái cò đi đón cơn mưa, tối tăm mù mịt ai đưa cò về". Với những lời ru của mẹ, hình ảnh con cò đã đến với tâm hồn tuổi ấu thơ một cách vô thức. Cùng với nhịp điệu cơ bản của bài thơ như đã nói trên, có phải chăng đây chính là sự khởi đầu cho con đường đi vào thế giới tâm hồn con người của những lời ru:
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay...
của ca dao, dân ca và cũng qua đó là cả điệu tâm hồn dân tộc, đất nứơc.ở tuổi ấu thơ, con chưa thể hiểu và cũng chưa cần hiểu nội dung, ý nghĩa của những lời ru mà chỉ cần đón nhận bằng trực giác, bằng vô thức, sự vỗ về, nâng niu trong những âm điệ ngọt ngào, tha thiết, dịu dàng của lời ru thể hiện tình yêu vô bờ bến và sự chở che của người mẹ :
"Ngủ yên ! Ngủ yên ! Con ơi chớ sợ !
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
Con chưa biết con cò, con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân."
Nhịp hai và vần đóng, mở ngân vang xen kẽ nhau trong dòng thơ, kết hợp biện pháp tu từ nhân hoá, và biệân pháp tu từ so sánh đã tạo nên vẻ lạ cho câu thơ và làm cho ý thơ càng thêm sâu kín:
Con chưa biết con cò con vạc.
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,
Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân.
Đoạn thơ khép lại bằng những hình ảnh thanh bình của cuộc sống, bằng những giấc nồng say của trẻ thơ.
Qua kết cấu của bài thơ -Hình ảnh "con cò" từ trong lời ru của đoạn 1 đã đi vào tiềm thức của tuổi thơ ở đoạn 2 - hình ảnh con cò đã trở nên gần gũi thiết thân và sẽ theo cùng con người đến suốt cuộc đời và ở đâu hình ảnh con cò trong ca dao cũng tiếp tục được sự sống của nó trong tâm thức con người. Hình ảnh con cò đã được xây dựng bằng sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú của nhà thơ, con cò được bay ra từ những câu ca dao để sống trong tâm hồn của trẻ thơ qua lời ru của mẹ, lời ru thấm đượm tình cảm thân thương trìu mến, lời ru nặng nghĩa, nặng tình :
Ngủ yên ! Ngủ yên ! Ngủ yên !
Con cò trắng đến làm quen,
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ.
"Cò vào trong tổ" hoà nhập cùng những ước mơ, khát vọng của tuổi thơ, hoà cùng chung những giấc mơ đẹp trong lời ru hiền hoà của mẹ, và rồi hình ảnh con cò qua lời ru đã đi theo cùng và nâng đỡ con người trong mỗi chặng đường, trong suốt cả cuộc đời :
Cái cò ... Sung chát, đào chua...
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa - Nguyễn Duy)
Lời mẹ ru :
"Con cò bay lả bay la - Bay từ cổng Phủ bay ra cánh đồng"
"Con cò bay lả bay la - Bay từ cửa Phủ bay về Đồng Đăng"
"Cái cò đi đón cơn mưa - Tối tăm mù mịt ai đưa cò về"
"Cái cò mà đi ăn đêm..., Đừng xáo nước đục đau lòng cò con"
Như thế, hình ảnh con cò đã trở thành biểu tượng về lòng mẹ, về sự dìu dắt, nâng đỡ đầy dịu dàng, thân thương và lo lắng xót xa, suy gẫm về cuộc đời của đưa con thơ một cách bền bỉ của người mẹ thương con :
Trời mưa
Quả dưa vẹo vọ
Con ốc nằm co
Con tôm đánh đáo
Con cò kiếm ăn ...
Và cánh cò cũng đã trở thành bạn đồng hành của con người trên suốt cả đường đời từ tuổi ấu thơ trong nôi :
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ,
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi.
Và đến tuối tới trường :
Mai khôn lớn, con theo cò đi học,
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân.
Và cả đến lúc trưởng thành :
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn.
Đến đoạn 3, nhịp thơ thay đổi như dồn dập hẳn lên, hình ảnh con cò như được nhấn mạnh ở ý nghĩa biểu tượng cho tấm lòng người mẹ, lúc nào cũng ở bên con suốt đời:
Dù ở gần con,
Dù ở xa con,
Lên rừng xuống bể,
Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con.
Không gian nghệ thuật của bài thơ cũng góp phần biểu hiện sự phát triển của tứ thơ, của tình cảm và hành động của nhân vật trữ tình. Từ một không gian có giới hạn ngày càng rộng dần thêm đến một không gian tâm tưởng vừa bao la vừa sâu thẳm như chính lời hát lên từ trái tim người mẹ :
Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.
Từ sự thấu hiểu tấm lòng người mẹ, nhà thơ đã khái quát, đúc kết một quy luật của tình cảm có ý nghĩa như một phương châm, một triết lý bền vững, rộng lớn và vô cùng sâu sắc. Đó cũng chính là một ưu thế của nhà thơ Chế Lan Viên khi viết về một suy tưởng đầy triết lý.
Phần cuối bài thơ trở lại với âm hưởng lời ru và đúc kết ý nghĩa phong phú của hình tượng con cò trong những lời ru ấy :
Một con cò thôi,
Con cò mẹ hát,
Cũng là cuộc đời,
Vỗ cánh qua nôi.
Lời ru ấy được lặp đi, lặp lại qua từng đoạn thơ đã tạo nên một nét nhạc vừa dân gian vừa hiện đại xuyên suốt bài thơ. Vẻ đẹp của hình ảnh con cò - một hình tượng thống nhất tuyệt vời giữa tình cảm, hành động và ước mơ qua lời ru của mẹ ngày càng được khắc thêm đậm nét. Sức biểu hiện của "con cò" cũng thật là phong phú.
Có thể nói "Con cò" là một bài thơ hay. Thông qua cánh cò tượng trưng dập dìu trong lời thơ, câu hát, Chế Lan Viên muốn nói lên tấm lòng yêu thương và những mong ước của người mẹ với đứa con và chắc rằng có em bé nào lớn lên trong lời ru ấy mà không hiền hoà hiếu thảo, không nên người !
Ngày nay, mỗi lần đọc lại bài thơ "Con cò" vẫn gợi lên những rung động và suy nghĩ sâu sắc về công ơn sinh thành của người mẹ. Từ đó mỗi người chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm của mình trước lòng mẹ bao la, dạt dào thân thương và trìu mến, trước cuộc sống hôm nay của đất nước. "Con cò" cùng với những bài thơ khác trong " Hoa ngày thường - Chim báo bão","Ánh sáng phù sa" giúp chúng ta thấm thía hơn những "Trang đời, trang viết nặng nghĩa đời sau" của nhà thơ Chế Lan Viên.
Sưu tầm