Phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát hay nhất

Bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát là lời tâm sự, băn khoăn của tác giả Cao Bá Quát. Ông là người có tư tưởng, có hoài bão lớn, không cam chịu bó buộc trong những gò bó của chế độ phong kiến bất công. Đồng thời cũng là báo hiệu cho sự thức tỉnh của một con người, một thế hệ. Để tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm, dưới đây là bài phân tích Bài ca ngắn đi trên bãi cát.

171020881392107391_small.jpg

(Nguồn ảnh: Internet)

Dàn ý

1. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Cao Bá Quát
- Bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” là một trong những tác phẩm của ông viết về con đường danh lợi phù phiếm mà ông theo đuổi trong chán ghét.

2. Thân bài
- Bài thơ là chiêm nghiệm của tác giả sau những lần vượt qua những tỉnh miền Trung cát trắng để lên kinh thi Hội.
- Bốn câu đầu: Tiếng khóc nghẹn ngào của một nhà trí thức cho cuộc đời lênh đênh, lận đận.
+ Hình ảnh "bãi cát" trải dài mênh mông, ngút ngàn, trải nghiệm thực của tác giả .
+ "Bãi cát": ẩn dụ cho môi trường xã hội, con đường mưu cầu danh lợi của ông: khó khăn, trắc trở.
=> Hình ảnh bãi cát trải dài như là biểu tượng cho con đường danh lợi ông đang đi.
+ "Đi một … một bước": Đi mà như không đi, giậm chân tại chỗ, không thể di chuyển
=> Con đường danh lợi mà ông đang vượt qua với bao khó khăn, trắc trở → Ẩn dụ cho xã hội nhà Nguyễn bế tắc.
+ "Mặt trời … rơi": Mặt trời khuất bóng vẫn không được nghỉ ngơi => Tâm trạng mệt mỏi cùng cực, không tìm thấy hướng ra trên con đường danh lợi ông buộc phải theo đuổi.
=> Hình ảnh bãi cát dài mênh mông: ẩn dụ cho đường danh lợi mù mịt mà Cao Bá Quát đang phải theo đuổi. Mệt mỏi, bóng tối bao trùm, nhưng vẫn phải tiếp bước.
- Mười câu tiếp: Con đường công danh phù phiếm
+ "Không học… vơi": Sử dụng điển tích "tiên ngủ" Hạ Hầu Ấn => nỗi oán giận của tác giả về con đường công danh không cho phép ông được ngơi nghỉ, vậy mà vẫn chưa đạt tới đích.
+ "Xưa nay … đường đời": "Phường danh lợi": người mưu cầu danh lợi, "tất tả": ngược xuôi, vội vã => Con đường công danh xưa nay vẫn luôn khiến người ta phải bon chen, "tất tả" đạt được mục đích.
+ "Đầu gió … bao người?": "Rượu": ẩn dụ cho danh lợi => Sự cám dỗ mà danh lợi đưa tới khiến bao người "say vô số", không thể chối từ. Câu hỏi "tỉnh bao người?": tự hỏi bản thân, xã hội có ai thoát khỏi vòng danh lợi ấy, bộc lộ sự bất lực.
+ "Bãi cát …đâu ít?": Tiếng thở dài ngao ngán của tác giả trước con đường danh lợi. Câu hỏi "tính sao đây?": tự hỏi bản thân, phân vân trước cuộc đời bế tắc không lối ra, tương lai mờ mịt. Con đường danh lợi khó đi, "đường bằng mờ mịt" - "đường ghê sợ": nhiều.
=> Nhà thơ như đang trách móc, giận dữ chính bản thân khi ông cũng phải lao vào những cám dỗ tầm thường ấy → Nhận ra sự vô nghĩa của khoa thi cử đương thời.
+ "Hãy nghe … cùng": "Khúc đường cùng": con đường cuối cùng của nhà thơ, sự tuyệt vọng, bế tắc của chính tác giả.

- Ba câu cuối: Sự ngột ngạt của xã hội phong kiến và tâm trạng phân vân của nhà thơ
+ "Phía bắc … dào dạt": Nhìn quanh đều là núi cao, biển cả => khó khăn chập chùng.
=> Khung cảnh thiên nhiên đẹp, hùng vĩ nhưng bất trắc, hiểm nguy, không có lối ra.
=> Ẩn dụ cho xã hội đương thời bế tắc, trì trệ, tù túng.
+ "Anh còn đứng …bãi cát?": Tự hỏi bản thân trong sự tuyệt vọng, bi phẫn.
=>Nhà thơ hiểu được con đường công danh, hiểu được sự bế tắc của xã hội, chán ghét muốn rời bỏ mà không được => Tự hỏi bản thân còn chờ đợi điều gì? => Mâu thuẫn nội tâm

- Nghệ thuật:
+ Sử dụng thể thơ cổ, thể hành, phóng khoáng, tự do, hình ảnh mang tính biểu tượng lớn.
+Sử dụng tinh tế các điển tích.
+Nhịp điệu tùy biến, sáng tạo, góp phần diễn tả thành công sự suy tư của nhân vật trữ tình.

3. Kết luận
- Khẳng định lại vấn đề.

Bài văn mẫu

Cao Bá Quát là người học rộng, tài cao, bản lĩnh, ông được người đời mệnh danh là Thánh Quát (Thần Siêu, Thánh Quát). Thơ văn của ông bộc lộ thái độ phê phán mạnh mẽ chế độ phong kiến trì trệ, bảo thủ, và mong muốn đổi mới xã hội. Tác phẩm Bài ca ngắn đi trên bãi cát là một trong những sáng tác thể hiện tâm trạng của ông trước thực trạng xã hội đương thời.

Bài ca ngắn đi trên bãi cát có thể được hình thành trong những lần Cao Bá Quát đi thi hội, phải đi qua những sa mạc đầy nắng gió, bởi vậy ông đã viết bài thơ này. Mượn hình ảnh những người đi trên bãi cát để hình dung con đường mưu cầu danh lợi đáng ghét mà ông buộc phải theo đuổi. Mở đầu bài thơ là hình ảnh những bãi cát dài nối tiếp nhau:

Bãi cát dài lại bãi cát dài
Đi một bước như lùi một bước

Từ “bãi cát” được lặp lại hai lần, kết hợp với từ “lại” gợi ra trước mắt người đọc không gian hoang vu, tít tắp không có điểm dừng. Không gian ấy rộng lớn, như nuốt chửng người bộ hành cô đơn giữa sa mạc. Bãi cát ấy bị bao quanh bởi “Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp/ Nam sơn chi nam ba vạn cấp” con đường đó bị bao quanh bởi núi muôn trùng, sóng muôn đợt, đó là con đường tù túng, không lối thoát.

Hành trình càng trở nên khó khăn vất vả hơn khi tiến một bước lại như lùi một bước. “Mặt trời đã lặn chưa dừng được” bởi hành trình đó quá xa xôi, quá nhiều thử thách khiến cho người bộ hành không dám dừng chân lấy một phút dù cả khi mặt trời đã xuống núi, muôn loài đã vào trạng thái nghỉ ngơi. Trong hành trình đầy cực khổ, vất vả lại không thể nhìn thấy đích tới, tất yếu tâm trạng của người bộ hành sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi, bải hoải: Lữ khách trên đường nước mắt.

Hình ảnh người lữ khách trên đường tủi cực, chán nản cũng chính là hình ảnh của tác giả và các trí thức đương thời trước thực tại xã hội đầy nhiễu nhương, rối ren lúc bấy giờ. Bởi vậy mà con đường theo đuổi công danh, hoạn lộ cũng gặp nhiều trắc trở, khó khăn hơn. Để từ đó Cao Bá Quát có những nhận thức về việc theo đuổi công danh:

Xưa nay, phường danh lợi
Tất tả trên đường đời.
Đầu quán hơi men thơm quán rượu,
Người say vô số, tỉnh bao người?

Ông đồng nhất công danh với danh lợi, cách đồng nhất như vậy cho thấy thái độ mỉa mai, coi thường theo quan điểm của một nhà nho chân chính. Công danh vốn là cái nợ mà người làm trai phải trả đối với non sông, đất nước: “Đã làm trai ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Nhưng thực trạng xã hội đương thời nhiễu loạn, rối ren thì chí làm trai đó đâu có cơ hội để thực hiện, mộng công danh của những người quân tử bị vùi lấp, phường danh lợi đua chen tất tả, thắng thế. Đây cũng chính là nỗi đau của biết bao thế hệ nho sĩ trong thời buổi đất nước loạn lạc.

Nhưng không ít người bị hơi men công danh làm cho chếnh choáng, không tỉnh táo, không ý thức được những việc mình đang làm. Câu hỏi tu từ “tỉnh bao người” vừa bộc lộ thái độ phê phán, vừa thể hiện sự đau xót của người trí thức chân chính trước thực trạng đau lòng của xã hội đương thời. Qua bốn câu thơ Cao Bá Quát bộc lộ thái độ coi thường vơi những người theo đuổi con đường công danh vô nghĩa và bản thân những kẻ mê muội đang miệt mài ngày đêm đi trên con đường đó.

Trước thực trạng đó, Cao Bá Quát cũng băn khoăn lựa chọn: “Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt/ Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?”. Và để sau đó ông đã đưa ra lựa chọn dứt khoát:

Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,
Phía bắc núi Bắc muôn trùng,
Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.
Anh đứng làm chi lên bãi cát?

Tác giả một lần nữa nhận định về con đường công danh: con đường đó đầy chông gai, nguy hiểm, đường phẳng thì mờ mịt, không thấy lối, chỉ có bước đường ghê sợ chông gai thì nhiều. Đó còn là con đường bế tắc, không hi vọng “núi muôn trùng” “sóng muôn đợt” bủa vây lấy người nho sĩ. Bởi vậy “Anh còn đứng làm chi trên bãi cát” là thái độ dứt khoát của tác giả từ bỏ theo đuổi con đường hoạn lộ công danh vô nghĩa.

Hình ảnh thơ giàu ý nghĩa biểu tượng, bãi cát vừa mang ý nghĩa tả thực vừa biểu tượng cho con đường công danh nhiều gian nan, đua tranh vô nghĩa. Nhịp điệu bài thơ thay đổi linh hoạt diễn tả những trắc trở khi đi trên bãi cát và con đường công danh. Sử dụng nhiều câu hỏi tu từ thể hiện sự thức tỉnh của người trí sĩ khi nhận ra sự vô nghĩa của con đường công danh đương thời.

Bằng hình ảnh bãi cát giàu ý nghĩa biểu trưng, tác phẩm đã khắc họa rõ nét hình ảnh người trí thức đương thời vừa cô độc, nhỏ bé, bi phẫn vừa kiên quyết khi từ bỏ con đường công danh. Từ đó bài thơ phản ánh thực trạng xã hội thối nát, đầy nguy hiểm với người trí thức tài hoa .

Sưu tầm
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top