Phân tích bài ca dao "Khăn thương nhớ ai..."

cucphuong

New member
Xu
0
PHÂN TÍCH BÀI CA DAO "KHĂN THƯƠNG NHỚ AI..."

CA DAO THAN THÂN, YÊU THƯƠNG TÌNH NGHĨA

Bài 4
Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt trên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề…

Bài ca dao diễn tả nỗi nhớ thương da diết, bồn chồn của một cô gái đang yêu. Trạng thái yêu thương, mong nhớ, giận hờn nhất là trong tình yêu trai gái là những trạng thái tình cảm trừu tượng nhưng con người luôn mong muốn được giãi bày, chia sẻ. Ca dao có rất nhiều cách diễn tả các trạng thái tình cảm phong phú, tinh tế thẳm sâu trong tinh thần con người. Có nỗi nhớ thương được diễn tả trực tiếp: “Tôi thương người ấy nhiều nhiều – Người ấy thương lại bao nhiêu mặc lòng”. Có nỗi nhớ được so sánh trực tiếp bằng sự cụ thể hóa, vật chất hóa các trạng thái tình cảm vốn ở dạng trừu tượng “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi – Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”. Bài ca dao “Khăn thương nhớ ai” này lại có nét riêng, độc đáo trong cách diễn tả. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhận xét: “Tôi cho đây là một trong những bài ca dao hay nhất Việt Nam” (tạp chí Văn nghệ, số 1, 1982).

Nét độc đáo của bài ca dao này là lối biểu đạt vừa giản dị, kín đáo vừa tinh tế, sâu sắc. Nghệ thuật nhân hóa, việc sử dụng điệp từ, điệp ngữ và sự lựa chọn hàng loạt các biểu tượng “khăn, đèn, mắt” đã góp phần diễn tả tâm trạng cô gái đang yêu.
Bài ca dao sử dụng năm lần câu hỏi thì ba lần vang lên điệp khúc hỏi “khăn”, từ “khăn” xuất hiện liên tiếp sáu lần ở vị trí mở đầu dòng thơ. Trong ca dao giao duyên, “khăn” hay được nhắc đến bởi nó là vật thể quen thuộc thường quấn quýt bên người: khi gội đầu, khi chùi nước mắt hoặc là kỉ vật thiêng liêng gợi hình bóng, lưu giữ “hơi hương” của người thương, trai gái trao tặng khăn cho nhau kín đáo gửi gắm lời thề nguyền, ước hẹn:

- Gửi khăn gửi áo gửi lời,
Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa.

- Nhớ khi khăn mở trầu trao,
Miệng thì cười nụ biết bao nhiêu tình.

Ở bài ca dao “Khăn thương nhớ ai”, biện pháp nhân hóa quen thuộc được sử dụng tài tình. Nỗi nhớ thương của nhân vật trữ tình được gửi gắm kín đáo qua các vật thể quen thuộc, gần gũi với cuộc sống con người. Lựa chọn biểu tượng “khăn” để gửi gắm nỗi nhớ đã là sự lựa chọn chính xác, song điều đáng chú ý ở đây là sự biểu hiện trạng thái của cái khăn. Khăn không nằm yên một chỗ mà luôn vận động trong các trạng thái đa chiều, đối lập: rơi xuống, vắt lên, chùi nước mắt,… Trạng thái vận động của khăn biểu trưng cho nỗi nhớ thương bồn chồn, khắc khoải, ngồi đứng không yên của nhân vật trữ tình. Nhiều bài ca dao đã diễn tả sinh động nỗi lòng tương tư, sầu muộn của những kẻ đang yêu: “Nhớ ai nhớ mãi thế này – Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn”, “Đêm nằm lung chẳng dính giường – Mong cho đến sáng, ra đường gặp em”.

Cô gái hỏi “khăn” rồi hỏi “đèn”. “Đèn” là hình ảnh biểu tượng của thời gian về đêm với sự ngóng đợi, đợi chờ. Nếu “khăn rơi xuống, vắt lên, chùi nước mắt” xô lệch trong không gian đa chiều thì “đèn” biểu trưng cho sự chuyển hóa của thời gian. Nỗi nhớ từ ngày chuyển sang đêm thường được biểu trưng bằng hình ảnh ngọn “đèn” trong ca dao:

- Đèn thương nhớ ai mà đèn chẳng tắt,
Ta thương mình nước mắt nhỏ sa.

- Đêm khuya thắp chút dầu dư,
Tim lan cháy lụn, sầu tư một mình.

- Đêm qua thắp đọi dầu đầy,
Bấc non chẳng cháy, oan mày dầu ơi.

Và cuối cùng cô gái hỏi “mắt”:

Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.

Nếu những câu hỏi dồn dập trên đây hỏi “khăn”, hỏi “đèn” thể hiện qua biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, thì tâm trạng nhân vật trữ tình đến lúc này được bộc lộ trực tiếp. Dường như cô gái không kìm giữ được tiếng lòng thổn thức của mình nữa mà nỗi nhớ được trào dâng theo sự bộc lộ tự nhiên. Sự lựa chọn hình tượng để biểu đạt tâm trạng thật hợp lí, nhất quán. Từ “khăn” đến “đèn” rồi đến “mắt”. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Tác giả dân gian đã dùng phép hoán dụ, lấy “mắt” để chỉ nhân vật trữ tình. “Đèn” không tắt vì thương nhớ, làm sao mà “mắt” có thể ngủ yên khi “khăn”, “đèn” cũng thao thức, khắc khoải, cũng chính là những hình ảnh biểu đạt cụ thể nhất của tình yêu.

Đại từ phiếm chỉ “ai” được sử dụng trong bài ca này rất phù hợp với lối biểu đạt tâm trạng kín đáo của con người. Thể thơ bốn chữ gọn, chắc chuyển tải những câu hỏi dồn dập. Lối gieo vần thiên về thanh trắc “đất”, “vắt”, “mắt”, “tắt” khá độc đáo đan xen với thanh bằng “ai” tạo nên sự đối xứng nhịp nhàng.

Hai câu cuối nói về nỗi lo âu chính đáng của người con gái trong xã hội cũ:

Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề…

Đến đây ta hiểu vì sao cô gái dằn vặt, nhớ thương, phấp phỏng nhường ấy. Ngoài nỗi nhớ thương, cô còn lo cho tình yêu, cho duyên phận. Một cô gái tinh tế, kín đáo, có tình yêu ngập tràn và sâu sắc thế thì làm sao không lo âu cho duyên phận của mình khi trong xã hội xưa, mỗi lần nghĩ đến thân phận của mình là người phụ nữ lại cất lên tiếng hát than thân ướt đầm nước mắt.
Biện pháp nhân hóa với hệ thống biểu tượng được chọn lọc, cách diễn tả tài tình, giàu sắc thái biểu cảm là những biện pháp nghệ thuật nổi bật của bài ca dao. Thiên nhiên là chất liệu nghệ thuật đắc lực giúp cho sự biểu đạt tình cảm đầy hiệu quả. Năm lần lặp lại năm câu hỏi chỉ thay bằng ba hình tượng khác nhau “khăn”, “đèn”, “mắt” theo sự bộc lộ tình cảm tăng dần. Đại từ phiếm chỉ “ai” quen thuộc giúp cho lối nói ẩn dụ diễn tả được đối tượng cần hướng tới vừa mơ hồ vừa gợi cảm. Chỉ mười dòng thơ, mỗi dòng bốn chữ cùng với cặp lục bát cuối bài, các câu hỏi tu từ dồn dập đã diễn đạt thật tài tình nỗi nhớ thương, bồn chồn, da diết của cô gái.

Trần Nho Thìn - Phân tích tác phẩm Ngữ văn 10*
 
Bài ca dao Khăn thương nhớ ai


Bài ca nằm trong hệ thống ca dao về đề tài thương nhớ, 1 cung bậc trong ca dao tình yêu của người bình dân Việt Nam .

Bài ca diễn tả nỗi nhớ niềm thương của 1 cô gái. Nhớ thương da diết, nhớ đến thao thức, cồn cào gan ruột mà không dễ bộc lộ. Cô phải hỏi khăn, hỏi đèn, hỏi cả mắt mình. Những câu hỏi không có câu trả lời càng nén chặt nỗi thương nhớ, để cuối cùng trào ra trong nỗi lo âu cho hạnh phúc:

Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi ko yên một bề


Mở đầu, chiếc khăn đc hỏi đến đầu tiên và đc hỏi nhiều nhất:

Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt


Chiếc khăn thường là vật trao duyên, vật kỷ niệm gơi nhớ người yêu. Sáu câu thơ được cấu trúc theo lối vắt dòng, láy lại 6 lần từ "khăn" ở vị trí đầu các câu thơ và láy lại 3 lần câu "khăn thương nhớ ai" như 1 điệp khúc bất tận, thể hiện nỗi nhớ triền miên, da diết. Dường như mỗi lần hỏi là nỗi nhớ lại trào dâng thêm. Cái khăn, tự nó không biết " thương nhớ", không biết tự "rơi xuống", "vắt lên", " chùi nước mắt", nhưng những hình ảnh vận động mang cảm xúc người đã hiện lên hình ảnh con người với tâm trạng ngổn ngang niềm thương nhớ cùng nỗi lo âu. Nhớ đến ngơ ngẩn, nỗi nhớ tỏa theo chiều hướng của ko gian (" khăn rơi xuống đất rồi lại " khăn vắt lên vai"), cuối cùng thu lại trong cảnh khóc thầm ("khăn chùi nước mắt").

Nỗi nhớ trong 6 câu lan tỏa vào không gian, đến 4 câu tiếp lại xuyên suốt theo thời gian. Nỗi nhớ ban ngày kéo dài sang cả ban đêm:

Đèn thương nhớ ai
Mà đèn chẳng tắt

Vẫn là điệp khúc "thương nhớ ai", nhưng nỗi nhớ đã chuyển từ " khăn" sang "đèn". Hình ảnh ngọn đèn gợi ra đêm khuya vò võ canh tàn, và cái đốm lửa đang cháy kia phải chăng là hình ảnh của nỗi nhớ cháy rực trong lòng cô gái? Ngọn đèn mãi không chịu tắt, nỗi nhớ cứ da diết khôn nguôi. Cũng như chiếc khăn, ngọn đèn đã giúp cô gái thổ lộ nỗi lòng.

Nhưng dù gợi cảm bao nhiêu, thì chiếc khăn và ngọn đèn cũng chỉ là cách nói gián tiếp theo lối biểu tượng, nhân hoá. Nỗi lòng của cô gái buộc phải bật ra trong cách nói trực tiếp:

Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên


Thuơng nhớ đến ko ngủ đc, cứ trằn trọc thao thức là cách thức biểu lộ quen thuộc trong ca dao:

Đêm nằm lưng chẳng tới giường,
Trông cho mau sáng ra đường gặp anh"


Tuy nhiên, cũng là 1 tâm trạng ấy, nhưng trong bài ca này, hình ảnh đôi mắt có sức gợi cảm sâu xa hơn nhiều. "Mắt ngủ không yên" tạo nên 1 đối xứng rất đẹp với "đèn chẳng tắt" ở trên, gợi lên 1 khung cảnh rất thực: cô gái giữa đêm khuya 1 mình đối diện với ngọn đèn mà nhớ người thương. Vì "mắt ngủ chẳng yên" nên "đèn không tắt". Nói đèn cũng chỉ là nói người mà thôi. Ngọn đèn soi chiếu vào đôi mắt, càng thấy nỗi nhớ thương vời vợi không nguôi.

Mười câu thơ là 5 câu hỏi không có lời đáp. Điệp khúc " thương nhớ ai" trở đi trở lại như xoáy vào 1 nỗi niềm khắc khoải, da diết. Năm lần " thương nhớ" và 5 lần từ " ai" xuất hiện. Bản thân từ "ai" mang ý phiếm chỉ, gợi lên 1 nỗi nhớ thương sâu thẳm mênh mông, không giới hạn. Từ "ai" không xác định cụ thể đối tượng, nhưng người nghe hoàn toàn hiểu được "ai" ấy là ai. Hỏi không có trả lời, nhưng thực câu trả lời đã nằm trong giọng điệu khắc khoải, da diết kia. Không cần nói rõ, nhưng nỗi nhớ người yêu đã được bộc lộ 1 cách kín đáo mà gợi cảm, sâu sắc, mãnh liệt.

Cách gieo vần của bài ca cũng rất đặc sắc. Vần chân và vần lưng xen kẽ nhau (ai-ai,mắt-tắt), vần bằng vần trắc luân phiên, tất cả tạo nên 1 âm điệu luyến láy liên hoàn khiến cho nỗi nhớ thương của cô gái vừa nén lại, vừa như kéo dài ra mênh mông vô tận theo cả không gian và thời gian. Tưởng chừng nỗi nhớ ấy sẽ không có kết thúc... Nhưng bài ca phải có điểm dừng. Khi cô giá không hỏi nữa thì niềm thương nhớ trào ra thành nỗi lo phiền :

Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề


Từ nhịp thơ 4 chữ dồn dập, liên tiếp, lời ca chuyển sang nhịp thơ lục bát nhẹ nhàng hơn nhưng cũng xao xuyến hơn, giãi bày niềm lo ây của cô gái trước hạnh phúc lứa đôi. Không phải ngẫu nhiên mà chữ "lo" được nhắc đền 2 lần. Nhớ thương người yêu và lo lắng cho duyên phận của mình "không yên một bề", tâm trạng của cô gái mang ý nghĩa phổ biến cho người phụ nữ trong cuộc đời xưa: yêu tha thiết nhưng luôn lo sợ cho hạnh phúc bấp bênh.

Bài ca khá tiêu biểu cho nghệ thuật ca dao với sự lặp lại trong cách diễn tả tâm trạng, cách dùng những hình ảnh biểu tượng, lối nhân hóa để tăng thêm sức sống cho hình ảnh, cách gieo vần linh họat, cách cấu tạo truyền thống kết hợp những câu thơ bốn chữ với hai câu lục bvát cuối cùng... Qua nỗi thương nhớ và niềm lo âu đc diễn tả trong bài ca, ta nhận ra tiếng hát yêu thương và khao khát yêu thương của ngừơi bình dân xưa.

Một số bài ca dao than thân bắt đầu bằng mô típ " Thân em " :

Thân em như cá trong lờ
Hết phương vùng vẫy biết nhờ nơi đâu

Thân em như cái cọc rào
Một thời anh đổi chớ sao anh phiền.

Thân em như cái quả xoài trên cây
Gió đông, gió tây, gió nam, gió bắc
Nó đánh lúc la lúc lắc trên cành
Một mai vô tình rụng xuống, biết vào tay ai ?

Thân em như cánh buồm trước gió
Nay đây mai đó thiệt khổ làm sao
Biết đâu nhơn nghĩa đặng vào gởi thân

Thân em như hạt mưa sa (2)
Hạt sa xuống biển, hạt sa lên rừng.
Hạt sa gặp gió bay tung
Sa đâu ấm đấy oán cùng trách aị

Thân em như hạt mưa sa (3)
Hạt vào đài các hạt ra ngoài đồng.

Thân em như lá từ bi,
Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương

Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày

Thân em như tấm lụa đào (4)
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Em ngồi cành trúc, em tựa cành mai
Đông đào tây liễu lấy ai bạn cùng

Thân em như thể bèo trôi
Sóng dập gió dồi biết tựa vào đâu

Thân em như thể cánh bèo
Ngược xuôi xuôi ngược theo chiều nước trôị

Thân em như trái bần trôi,
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?

Thân em vất vả trăm bề
Sớm đi ruộng lúa tối về ruộng dâu
Có lược chẳng kịp chải đầu
Có cau chẳng kịp têm trầu mà ăn

Thân em vừa đẹp vừa giòn
Bước chân đi làm mọn, vô cúi ra lòn khổ thay
Thân gái bến nước mười hai
Gặp nơi trong đục may ai nấy nhờ.

 
Nhớ thường là một tình cảm luôn đi đôi, gắn liền với tình yêu. Khi yêu ai chả nhớ thương da diết, bồn chồn khắc khoải đợi chờ.Trong những bài ca dao trữ tình, sự nhớ thương không được thể hiện rõ ràng nhưng người ta rất dễ dàng nhìn thấy qua những hình ảnh, biểu tượng. Đó là một cách diễn tả cụ thể và tinh tế tiêu biểu nhất là trong bài ca dao:

"Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề."

Nhân vật trữ tình hay chính là cô gái đã mượn hình ảnh ẩn dụ để giãi bày nỗi nhớ. Chiếc khăn thường gắn với tình yêu, là kỷ vật của tình yêu. Đó là vật trao duyên, vật gợi nhớ người yêu luôn quấn quýt bên người con gái như cùng chia sẻ niềm thương nỗi nhớ. Vì thế ta thường gặp hình ảnh chiếc khăn các bài thơ tình:


"Gửi khăn gửi áo gửi lời

Gửi đôi chàng mạng cho người ở xa"
hay:" Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay..."

Gắn liền với hình ảnh "khăn" là một loạt các hành động được liệt kê: "rơi", "vắt", "chùi" đã thể hiện tâm trạng ngẩn ngơ như không làm chủ được hành động của mình của cô gái. Có đứng ngồi không yên tưởng chừng "như đứng đống lửa, như ngồi đống than" thì mới có cái hình ảnh"khăn rơi.." , "khăn vắt.." và sau cái cảnh rơi vắt ngẩn ngơ ấy những giọt nước mắt nhớ thương đã trào ra, cô không thể kìm nén được tình cảm của minh chiếc khăn lại sẻ chia nỗi niềm với cô khi "chùi nước mắt". Hình ảnh "khăn" được lặp đi lặp lại nhiều lần nhấn mạnh nỗi nhớ thương của cô gái, đó là nỗi nhớ có không gian, được đo đếm bằng không gian.


Nỗi nhớ âý còn được gắn liền với chiều thời gian qua hình ảnh "đèn". nỗi nhớ chuyển từ ngày sang đêm :" đèn thương nhớ ai/ mà đèn không tắt". đèn cháy suốt đêm hay chính là cô gái trằn trọc thao thức suốt đêm với nỗi nhớ da diết của mình.đêm dài dằng dặc cùng nỗi nhớ thương đằng đẵng gây cho ta cảm giác thời gian như kéo dài ra vây quanh cô gái, làm dài hơn giây phút thương nhớ của cô. Nếu như chiếc khăn biết dãi bày thì cái đèn biết thổ lộ nhiều điều ẩn sâu trong bài ca dao làm cho người đọc thấy thương cho một ngươi quên cả bản thân mình cho tình yêu.


Dù có sinh động thế nào đi chăng nữa thì "khăn" và "đèn" cũng chỉ là những sự vật vô tri vô giác, cho đến khi cô gái bộc lộ nỗi nhớ thương bằng đôi mắt đẫm lệ của mình thì nỗi nhớ ấy lại càng sâu sắc. Ta tưởng chừng cô gái đang tự hỏi mình:" Mắt thương nhớ ai/ Mắt ngủ không yên". Trong cả giờ phút nghỉ ngơi của cô gái, nỗi nhớ cứ len lỏi làm cho cô thao thức, đôi mắt mất ngủ ấy dường như xoáy vào lòng người đọc nỗi da diết làm chúng ta cũng cảm thấy khắc khoải khôn nguôi.


Đọc bài ca dao người ta có cảm giác cô gái đang hành hạ thể xác mình. Qua con mắt của cô thời gian và không gian dường như vô nghĩa. Cô chỉ cảm thấy một thứ duy nhất đó là nỗi nhớ thương da diết. Điều đó chưa hẳn là đau khổ, cảm nhận về nó thế nào, chỉ có người trong cuộc mới biết.


Những câu hỏi không có câu trả lời liên tiếp cất lên như nén lại niềm thương nhớ trong lòng giờ đây lại trào ra bằng niềm lo âu cho hạnh phúc lứa đôi:


"Đêm qua em những lo phiền

Lo vì một nỗi không yên một bề"

Cô gái lo vì điều gì cho dù cô không nói ra nhưng chắc hẳn ai cũng hiểu. Đó có thể là sự lo lắng không biết người mình yêu có được bình yên không, cũng có thể là sự lo lắng không biết người đó có giữ trọn thuỷ chung với mình hay không? Nhưng lo lắng vì điều gì đi nữa người đọc cũng cảm nhận được niềm thương nỗi nhớ đã chuyển sang sự lo lắng mọt cách thật tự nhiên, hợp lý. Trong bài ca dao sử dụng thành công rất nhiều biện pháp nghệ thuật. Điệp ngữ" thương nhớ ai" được lặp đi lặp lại năm lần như sự tăng cấp của tâm trạng thể hiện cái khắc khoải , da diết không yên. Cùng với đó là những hình ảnh hoán dụ, ẩn dụ đặc sắc diễn tả nỗi nhớ một cách tinh tế và sinh động tạo nên nét trữ tình độc đáo của bài ca dao. Qua đó cho ta thấy tình yêu trong sáng, thuỷ chung cao đẹp hết lòng vì người mình yêu của người phụ nữ xưa. Đó là một thứ tình cảm rất đáng trân trọng.Tuy nhiên, qua nỗi lo lắng của cô gái ta cũng phần nào hiểu thêm: để có được hạnh phúc phải trải qua nhiều khó khăn thử thách.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top