• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Phân biệt CÁI và CHIẾC

Hide Nguyễn

Du mục số
Từ “cái” và từ “chiếc” là hai từ rất phổ biến trong tiếng Việt với nhiều ý nghĩa và cách sử dụng khác nhau. Khi là loại từ (danh từ chỉ đơn vị tự nhiên), chúng đứng trước một danh từ để biểu đạt đối tượng đó một cách khái quát và không cộc lốc. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp có sự khác biệt khi sử dụng “cái” và “chiếc”. Chúng mình sẽ phân biệt hai từ này qua phạm vi sử dụng và sắc thái của chúng.

Về phạm vi:
- Từ “cái” có thể đứng trước hầu hết các danh từ chỉ người,con vật, sự vật, hiện tượng, khái niệm. Ví dụ như
+ Đứng trước tên nữ giới để gọi người đó một cách gần gũi (khẩu ngữ): cái Thanh, cái Ngân,...
+ Đứng trước danh từ chỉ động vật để nhân cách hóa chúng: cái cò, cái vạc, cái nông,...
+ Đứng trước danh từ chỉ đồ vật: cái bàn, cái ghế, cái nhà, cái xe,...
+ Đứng trước danh từ chỉ hiện tượng: cái nắng gay gắt, cái lạnh thấu xương, cái đói, cái nghèo,...
+ Đứng trước danh từ chỉ khái niệm: cái mục đích, cái ý nghĩa, cái khái niệm,...
Ngoài ra từ “cái” còn có thể đứng trước tính từ để biểu đạt ý một cách mạnh mẽ hơn: rơi xuống nghe một cái đùng, đánh một cái đau điếng,..

- Từ “chiếc” thì chỉ có thể đứng trước danh từ chỉ đồ vật: chiếc bàn, chiếc ghế, chiếc bút, chiếc lược,... Ngoài ra, “chiếc” còn dùng để chỉ từng đơn vị đồ vật vốn đi thành đôi nhưng lại tách lẻ ra: chiếc đũa, chiếc giày, chiếc khuyên tai,..

Về sắc thái:
- Từ “chiếc” mang màu sắc văn chương nhiều hơn “cái”. Trong cách diễn đạt, nếu muốn câu bớt thô kệch, những từ nào có thể đổi “cái” thành “chiếc” được thì người ta sẽ đổi, còn những từ nào không đổi được thì người ta sẽ bỏ “cái” ở đầu. Ví dụ thay vì nói “cái xe này đẹp quá!” thì nói “chiếc xe này đẹp quá!”, hay “cái nhà đó có ba người” thì đổi bằng “nhà đó có ba người”.

- Từ “cái” biểu thị ý nhấn mạnh sắc thái xác định của sự vật mà người nói muốn nêu nổi bật tính chất, tính cách nào đó. Ví dụ như: “cái thằng này chẳng làm được gì ra hồn”, “cái cây bưởi ấy sai quả lắm”. Tuy nhiên, “cái” cũng được sử dụng rất nhiều trong văn chương để diễn đạt một cách gần gũi, dân dã. Ví dụ: “Hồi xưa tôi ở Lào đã thấy cái mưa Lào” (Sông Đà- Nguyễn Tuân).

Tóm lại, từ “cái” được sử dụng rộng rãi hơn từ “chiếc” và tùy vào sắc thái muốn biểu đạt mà ta dùng hai từ này một các phù hợp.

Ngoài ra, nhiều từ điển tiếng Việt cũng xác định “cái” và “chiếc” là mạo từ. Mạo từ được định nghĩa là những từ đứng trước danh từ, nhằm cho biết danh từ ấy đề cập đến một đối tượng xác định hay không xác định. Định nghĩa này rất phù hợp với vai trò của “cái” và “chiếc” trong những trường hợp chúng ta đã phân tích. Nhưng trong chương trình giáo dục môn ngữ văn của Việt Nam không có mạo từ nên hai từ trên được phân vào loại danh từ chỉ đơn vị tự nhiên.

Các bạn nghĩ sao về hai cách phân loại này?

Nguồn: Tiếng Việt giàu đẹp fanpage
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top