Phẩm chất người lãnh đạo

Xebus2tang

New member
Xu
0
PHẨM CHẤT NGƯỜI LÃNH ĐẠO

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người lãnh đạo phải có đủ 2 thành tố phẩm chất và đạo đức cách mạng. Về phẩm chất, Người nhấn mạnh 4 nội dung Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng.

Nhân: ''Là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không cực khổ, không sợ oai quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải họ đều làm được''.

Chữ Nhân - Nghĩa vốn là nguồn mạch truyền thống cha ông. Cách đây hơn 500 năm Nguyễn Trãi đã nói: ''Phàm mưu việc lớn phải lấy Nhân - Nghĩa làm gốc, nên công to phải lấy Nhân - Nghĩa làm đầu. Di Nhân - Nghĩa có làm đủ thì công việc mới thành công được''.

Ông cha ta đã từng lấy ''Nhân - Nghĩa thắng hung tàn, lấy Trí - Nhân thay cường bạo'' mà chống thắng giặc phương Bắc hàng ngàn năm đô hộ và chiến thắng 2 tên đế quốc tư bản giàu mạnh nhất thế giới đó là Pháp và Mỹ.

Nghĩa: ''Là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình khác cũng luôn luôn đúng đắn''.

Người lãnh đạo làm việc nghĩa không có tà tâm, không bao giờ sợ kẻ địch nào, không sợ kẻ tà gian, nhưng lại sẵn sàng làm người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, sống phải có nghĩa có tình.

Trí: ''Vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng. Biết xem người, biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian''.

Người lãnh đạo phải có đầu óc sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng. Biết công tâm mà xem xét con người để giúp đỡ, biết người xấu không dùng.

Dũng: ''Dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát''. Dũng cũng còn có gan mạnh dạn quyết đoán dám làm dám chịu trách nhiệm trước tổ chức, nhưng không phiêu lưu, chủ quan, liều lĩnh. Người cán bộ không có lòng dũng cảm thì không thể lãnh đạo được. Nói được thì phải làm cho kỳ được, không thể nói một đàng, làm một nẻo. Hồ Chủ tịch nói: ''Lời nói và việc làm của đảng viên rất quan hệ đến sự nghiệp cách mạng, vì nó ảnh hưởng lớn đến quần chúng''... ''đảng viên phạm sai lầm thì sẽ đưa quần chúng đến sai lầm, cho nên có sai lầm thì các đồng chí ấy sẵn sàng và kịp thời sửa chữa, không để nhiều sai lầm nhỏ cộng thành sai lầm to''.

Liêm: ''Là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tân bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có 1 thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người''.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trời có 4 mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, thì con người mà nhất là người cán bộ lãnh đạo có 4 đức: Cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa không thể thành trời, thiếu một phương không thể thành đất, thiếu 1 trong 4 đức trên không thể thành người lãnh đạo.

Cần: ''Tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Nghĩa là cần thì việc gì, dù khó khăn mấy cũng làm được. Chữ Cần chẳng những có nghĩa hẹp như: Tay siêng làm thì hàm siêng nhai. Nó lại có nghĩa rộng là mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần''.

''Người siêng năng thì mau tiến bộ Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no Cả làng siêng năng thì làng phồn vinh Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu''

Kiệm: ''Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần với Kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không Kiệm ''thì làm chừng nào xào chừng ấy''. Ngày xưa Khổng Tử đã nói: ''Người sản xuất nhiều, người tiêu xài ít. Làm ra mau, dùng đi chậm thì của cải luôn luôn đầy đủ''.

''Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có một việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng... Việc đáng tiêu mà không tiêu là bủn xỉn, dại dột, chứ không phải là kiệm''. Người lãnh đạo phải hết sức tiết kiệm. Trong đó có tiết kiệm thời giờ, tiết kiệm là phải kiên quyết chống xa xỉ.

Ngày xưa thời chế độ phong kiến, người làm quan mà không đục khoét của dân thì gọi là ''Liêm''. Còn Hồ Chủ tịch, chữ ''Liêm'' quan niệm là không tham địa vị. Không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham sắc, không tham người tân bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại. Liêm là trong sạch, không tham lam. Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm, cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với Cần. Có Kiệm mới có Liêm được. Vì xa xỉ mà sanh ra tham lam.

Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên thân là ''Bất Liêm''. Như xã hội hiện nay đang xuất hiện không ít người như vậy.

Đối với cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp ''dĩ công vì tư''. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ ''Liêm'' trước để làm kiểu mẫu cho dân.

Chính: ''Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không thẳng thắn, đứng đắn tức là tà''. Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Một người Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải có Chính mới là hoàn toàn.

Siêng năng (Cần), tần tiện (Kiệm), trong sạch (Liêm), Chính là Thiện. Trên quả đất có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: Người Thiện và người Ác. Trong xã hội tuy có trăm công nghìn việc. Song những việc ấy có thể chia làm 2 thứ: Việc Chính và việc Tà. Làm việc Chính là người Thiện Làm việc Tà là người Ác.

Chính cũng có nghĩa là gần với chân lý, là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân, cái gì trái lại là không phải chính, không phải là chân lý. Ra sức để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tức là phục tùng chính nghĩa, là chân lý.

Tóm lại, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì người cán bộ phải có đủ tài, đủ đức. Hội tụ đủ Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính là những phẩm chất đạo đức căn bản nhất phải có. Những phẩm chất, đạo đức đó được nhân dân ta, Đảng ta và Hồ Chủ tịch vun đắp lâu đời. Nó phù hợp với yêu cầu xây dựng con người mới XHCN, nền đạo đức mới của dân tộc trong thời đại hiện nay. Đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, không phải vì danh vọng cá nhân mà toàn tâm toàn ý cho lợi ích của dân tộc và của Đảng, của cả loài người. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa có chọn lọc truyền thống của cha ông ta bằng chính cuộc sống và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Là một biểu tượng cao đẹp của con người trung thành, hiếu nghĩa, một lòng một dạ vì nước vì dân, là bậc đại nhân, đại nghĩa, đại trí, đại dũng và hết sức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Học tập và làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức phẩm chất của nhà cách mạng thiên tài Hồ Chí Minh để xứng đáng là người lãnh đạo và đầy tớ thật trung thành của nhân dân.


 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top