• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

"Đời thừa" của Nam Cao – một định nghĩa hoàn hảo về người trí thức giữa cuộc đời!

  • Thread starter Thread starter steppe huynh
  • Ngày gửi Ngày gửi
S

steppe huynh

Guest
"Đời thừa" của Nam Cao – một định nghĩa hoàn hảo về người trí thức giữa cuộc đời!

Đời thừa đến nay lại chịu một số phận như chính tên gọi của nó. Nam Cao viết tác phẩm này từ thời “còn mồ ma đế quốc thực dân”, trong xã hội mà ta thường cứ đơn giản gọi là “bất công vô lý của quái thai thực dân nửa phong kiến”, từ những trải nghiệm của chính ông. Tác phẩm này xuất hiện trong chương trình trung học phổ thông, vào thập kỉ 90 của thế kỉ XX, trong xu thế đổi mới văn học, như một gửi gắm của những người soạn sách giáo khoa và cũng rất nhanh chóng được nhiều giáo viên THPT thời đó tiếp nhận như một sẻ chia xuyên thời đại! Bao phen lời giảng của thầy cô giáo mà khiến học trò rưng rưng vì nhận ra nhân vật bằng xương bằng thịt hiện hữu trên bục giảng!

Bây giờ, tác phẩm này của Nam Cao được đưa vào chương trình nâng cao, cho những học sinh mai này sẽ chọn con đường gắn với ngành xã hội. Còn chương trình Ngữ văn cơ bản không học tác phẩm này. Tác phẩm lay lắt như một thân phận nối tiếp kiếp sống thừa nhưng vẫn giữ niềm tin mãnh liệt một ngày khoa học xã hội sẽ lên ngôi, như một thách thức sự khinh miệt của cả một xã hội với những người trót chọn văn chương làm con đường tiến thân.

Thời nào cũng vậy thôi, bi kịch của người trí thức chân chính cũng giống nhau khi luôn dằn vặt giữa lý tưởng sống và hiện thực còn nhiều bất cập. Thời của Nam Cao, dẫu sao cái tiếng “nhà văn” ít nhiều cũng còn nhận được sự trọng nể, bởi chính sự ngây thơ cao đạo theo đuổi hoài bão của mình. Cái tháp ngà nhân vật Hộ xây dựng cho mình chẳng phải phản ánh tâm tư chung của những trí thức giàu khát vọng đó sao: “Lòng hắn đẹp. hắn ôm ấp một hoài bão lớn (…) Đói rét không có nghĩa lí gì với một gã trẻ tuổi say lí tưởng”. Khởi đầu hành trình của những trí thức chẳng phải đều như thế cả hay sao? Nam Cao đã diễn giải rất hay quá trình “vỡ mộng” của Hộ, khi phải đương đầu với những thử thách của cuộc sống cơm áo gạo tiền và nhất là khi “có cả một gia đình phải chăm lo”. Hỡi ôi, trên đời này, đa số chúng ta ngoài trách nhiệm, thiên chức, nghĩa vụ…với nhân quần thì cũng đều phải làm tròn bổn phận với dòng tộc, lập gia đình sinh con đẻ cái duy trì nòi giống! Mấy ai can đảm làm một cuộc hy sinh vĩ đại cho khoa học, tách biệt khỏi các mối quan hệ đời thường!?

Có thể, đời Hộ sẽ khác đi khi không phải gánh trên vai một gia đình và chật vật xoay tiền để làm đúng vai trò người chồng, người cha. Có lẽ Hộ sẽ bớt khổ tâm hơn khi không mang tư tưởng cầu toàn và trung thành với nguyên tắc sống tình thương của mình. Cứ soi chiếu với hàng loạt người trong xã hội đương đại này thì mới thấy sự lạc lõng của nguyên tắc sống có phần cứng nhắc của Hộ. Bao người cũng mang danh nghệ sĩ, hào hoa lãng tử ở ngoài đường nhưng về nhà thì coi vợ con như rơm như rác, rủa sả cho số phận của chính mình không được tự do đi mây về gió, nhăn mặt cau mày vì phải làm việc nhà và nghiễm nhiên coi việc vợ con phải phụng sự mình là hợp lẽ “chồng chúa vợ tôi”! Cho nên, nỗi khổ tâm của Hộ khi nhìn thấy vợ con mình đói rách tạo mặc cảm hèn kém bản thân đâu phải là sự cả nghĩ của một cá nhân. Đàng sau suy nghĩ ấy vừa có dấu ấn của lối suy nghĩ gia trưởng phong kiến khi nhận trọng trách “trụ cột gia đình” của phần lớn đàn ông trong các quốc gia hằn nếp tư tưởng phong kiến phương Đông ngàn đời; đồng thời vừa có dấu ấn tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây khi Hộ giằng xé giữa chủ thuyết: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ” (Nietzsche) và ý định “hy sinh một vài năm để Từ có một số vốn để làm ăn”. Giữa ý định và thực tế luôn là khoảng cách mà đôi khi muốn đấy mà đành lực bất tòng tâm!

Hộ đau khổ vì khi lao vào làm tiền cũng là lúc xa dần lí tưởng sống cao đẹp của mình. Không biện hộ, không đổ thừa hoàn cảnh, chỉ còn biết tự nguyền rủa mình như một thằng khốn nạn, một kẻ bất lương khi những hành động kiếm tiền bằng khả năng duy nhất là ngòi bút lại làm nên sự tha hóa về nhân cách, sự hủy hoại tài năng, tự đào hố chôn mình của Hộ. Nên Nam Cao diễn tả về Hộ cũng là để nói về trạng thái tâm lí của chính mình: cáu giận rủa sả chính mình, rũ buồn, và tìm quên trong men rượu như một sự trượt dài trên vũng bùn hủy hoại bản thân.

Hộ cũng trải qua những khoảnh khắc nổi loạn, như ngày nay gọi là “stress”, muốn phá tung tất cả, đập vỡ tất cả, kể cả cái tổ ấm anh đã dày công vun đắp. Ít nhiều, những trí thức nhà giáo từng trải qua cảm giác này cũng dễ sunh sướng tìm thấy lí do biện hộ bản thân, khi phát hiện ra điểm tương đồng hoặc khá hơn là nhận ra ý nghĩa cảnh tỉnh của động thái gườm gườm chỉ tay vào mặt vợ con mà dậm dọa: “Ngày mai, chỉ ngày mai thôi là tôi đuổi tất cả ra khỏi nhà…”. Nam Cao gọi đó là khoảnh khắc “vừa đáng sợ vừa buồn cười” vì đó là lúc tự họa chân dung giới trí thức vốn “trói gà không chặt” nhưng lại “sĩ” vì không muốn ai nhận ra cái hèn kém bất lực của mình.

Nam Cao viết về nhân vật Hộ không phải để tìm một sự cảm thông của người đời với giới trí thức, cũng chẳng phải lời bào chữa cho nhân vật theo đuổi con đường văn chương chật vật và lắm bi kịch đón chờ phía trước. Hộ đáng thương và đáng trọng chính vì lòng tự trọng với nghề: “Tôi mê văn quá nên khổ. ấy thế nhưng có ai giàu có bạc vạn đem đổi cái khổ ấy thì vị tất tôi đã đổi”. Đó là niềm hạnh phúc được sáng tạo, để biết dẫu mình sống như một người thừa, kẻ lạc lõng trong đời này thì vẫn còn niềm hạnh phúc sáng tạo làm nên tư thế ngẩng cao đầu giữa cuộc đời.

Viết Đời thừa xoay quanh nhân vật là một điển hình trí thức, Nam Cao còn xây dựng nên một nhân vật Từ như một bệ đỡ, chỗ dựa đích thực cho Hộ. Dù cho người vợ không làm một câu thơ, không thưởng thức nổi một câu văn hay, nhưng luôn bên chồng “với nụ cười hiền dịu trên môi” và làm cái bị chứa những cơn bực dọc, những lúc bốc đồng của ông chồng thì Từ quả thật đã vĩ đại vô cùng trong cái dáng bé nhỏ nhẫn nhục và thái độ trung thành như “con chó với chủ” – hiểu theo nghĩa tích cực nhất là tình yêu và lòng trung thành vô điều kiện. Nam Cao từng ý thức sâu sắc về hai chữ Con Người khi cho rằng chỉ thật sự là người khi không bị sai khiến bởi lòng tự ái vặt và thói ích kỉ để biến thành thứ quái vật. Nên cái gốc trí thức ở Hộ trước hết phải làm một con người tử tế!

Vậy thì trí thức hoàn hảo là gì. Phải chăng là:

- Trước nhất, là con người tử tế, với mình và những người thân yêu.

- Biết ôm ấp, nuôi dưỡng cho hoài bão lí tưởng không lụi tàn.

- Tỉnh táo trước những cám dỗ của dục vọng làm mờ lí trí và đánh mất nhân cách.

- Biết dung hòa những nhu cầu vật chất và tinh thần, không bao giờ thỏa mãn với những gì trước mắt.

Đại khái, sơ bộ hình dung ra là như vậy.

Lại trở về với băn khoăn ban đầu: vì sao đến nay tác phẩm chủ yếu dành cho những em theo khối C và khối D? Phải chăng cũng là một xác định cho ai theo đuổi đam mê, trót dính chữ Văn cũng dự lường những nhục nhã bất công mà người đời dành cho nghiệp mình theo đuổi. Và có bất công với những em theo khối A, B, các ngành khoa học tự nhiên hay không? Liệu những người theo các ngành nghề “hái ra tiền” thì không cần quan tâm đến những bài học về thái độ giữ liêm xỉ trước đồng tiền? Hay sợ rằngĐời thừa nói về thân phận trí thức trước cách mạng nhưng lại làm chạnh lòng những ai trót mang danh trí thức hiện nay? Câu hỏi luẩn quẩn này không dành cho học sinh, mà dường như dành cho những người lớn, có độ trải nghiệm và trưởng thành. Riêng tôi, muốn câu chuyện này phổ biến càng rộng càng tốt, để người đời có dịp suy ngẫm và học được ba chữ biết xấu hổ từ nhiều góc độ.
Nguồn: thầy Trần Hà Nam
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top