Đôi nét về Nam hoa kinh của Trang Tử
Tên tuổi của Trang Tử được gắn liền với Nam hoa kinh. Sử ký của Tư Mã Thiên, chương Trang Tử liệt truyện, cho biết “Trang Tử người xứ Mông, tên là Chu [cũng đọc là Châu]”. Ðịa danh thuộc nước Tống thời Chiến quốc ấy ngày nay ở gần Thương Khâu, tỉnh Hà Nam. Ông sinh khoảng năm 369 và mất năm 286 tr.C.N, cùng thời với Mạnh Tử (k.372-289 tr.C.N), và các triết gia Hi Lạp thời cổ đại như Aristotle (384-322), Zenon thành Citium (k.339-265), và Epicurus (k.341-270).
Trang Tử xuất thân giới quí tộc sa sút, có lúc làm “Tất viên lại”: viên chức coi sóc vườn trồng loại cây làm sơn. Sau đó, ông qui ẩn, không màng tới quan lộc nên túng thiếu suốt đời. Sống nơi xóm nghèo, người ông gầy ốm xác xơ. Ngoài dạy học và trước tác, có lúc ông phải kiếm sống bằng các nghề như đan dép, câu cá, bện dây. Nam hoa kinh ghi lại hình ảnh Trang Tử mặc áo vá, giày cột bằng dây gai… nghèo túng tới độ đi vay lúa còn bị người ta tìm cách khất rày hẹn mai.
Tuy sống nghèo, bản thân Trang Tử thấy mình “Nghèo, chứ không khổ. Kẻ sĩ có đạo đức, không bao giờ khổ. Áo rách, giày hư là nghèo, không phải khổ”. Nghĩ như thế nên lòng ông thanh thản, cao khiết, không chịu để cho cảnh vinh hoa phú quí làm mình lâm luỵ. Ở mục Lão Trang Thân Hàn Liệt truyện trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, có đoạn bàn về nhân cách của ông như sau:
“Uy vương nước Sở nghe nói Trang Châu là người hiền trong thiên hạ, sai sứ đem hậu lễ đón, muốn mời ra làm Tướng [quốc]. Trang Châu cười bảo với sứ giả: ‘Cái lợi của nghìn vàng quả trọng thật, cái địa vị khanh tướng quả cũng quí thật. Nhưng riêng ông chả thấy con bò tế hay sao? Ðược người ta săn sóc, được mặc đồ trang sức văn vẻ để đưa vào Thái miếu. Lúc ấy dù có muốn được làm con lợn côi há còn được nữa hay không? Ông hãy đi đi, chớ có đến làm nhục ta. Thà ta dong chơi ở chốn bùn lầy nhơ bẩn còn thấy sung sướng hơn là để cho kẻ làm chủ một nước kia trói buộc được ta…’” (Nguyễn Duy Cần, Trang Tử - Nam hoa Kinh, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1963, t. 23).
Theo truyền thuyết, Trang Tử giao du thân tình với Huệ Tử (k.370-318 tr.C.N), một khuôn mặt đại biểu cho học phái Danh gia. Huệ Tử học rộng, biện luận giỏi, từng làm Tướng quốc cho Nguỵ Huệ Vương và là người tổ chức thực tế chính sách ngoại giao “Hợp Tung” thời Chiến quốc. Hai người thường tranh luận với nhau về rất nhiều chủ đề triết học. Nam hoa kinh, thiên Thu thuỷ (Nước thu), kể rằng:
“Thầy Trang cùng thầy Huệ chơi ở trên đập hào.
Thầy Trang nói:
‘Kìa đàn cá lượn lờ bơi chởi, đàn cá mới sướng chứ!’
Thầy Huệ hỏi:
‘Bác không phải cá, sao biết cái sướng của cá?’
Thầy Trang đáp:
‘Bác không phải tôi, sao biết tôi không biết cái sướng của cá?’
Thầy Huệ nói:
‘Tôi không phải bác, không biết bác đã đành. Nhưng bác không phải cá, bác hẳn là không biết cái sướng của cá.’
Thầy Trang nói:
‘Xin nói lại từ gốc. Bác hỏi: ‘Bác làm sao biết cái sướng của cá?’ Thế là bác đã biết tôi biết mà hỏi tôi. Tôi thì tôi biết cái đó ở trên hào’.”
(Nhượng Tống dịch, Trang Tử - Nam hoa kinh, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2001, t. 178).
Những chi tiết về cuộc sống của Trang Tử khá mơ hồ vì phần nhiều là truyền thuyết. Người sống sau ông phải lượm lặt mỗi nơi một ít, hầu hết chỉ mang giá trị tư tưởng chứ không thật sự có giá trị sử liệu. Ngay cả năm sinh năm mất của Trang Tử cũng chỉ là phỏng đoán. Thiên Liệt ngự khấu trong Nam hoa kinh kể rằng:
“Thầy Trang sắp chết. Học trò muốn chôn thầy cho hậu. Thầy nói:
‘Ta lấy Trời, Ðất làm quan quách, mặt trời mặt trăng làm ngọc bích. Các vì sao làm ngọc trai. Muôn vật làm kẻ đưa đám. Ðồ chôn ta há chẳng đủ rồi sao? Còn gì hơn thế nữa?’
Học trò thưa:
‘Chúng con sợ diều, quạ, nó ăn thịt thầy.’
Thầy Trang đáp:
‘Ở trên thì làm món ăn cho diều, quạ. Ở dưới thì làm món ăn cho sâu, kiến. Cướp đàng ấy, cho đàng này, sao mà thiên [lệch] vậy? Ðem bất bình mà bình, thì cái bình ấy vẫn bất bình. Ðem cái không hợp mà hợp, thì cái hợp ấy vẫn không hợp. ‘Minh’ chỉ là cái bị sai khiến. ‘Thần’ mới là hợp’. ‘Minh’ không thắng được ‘Thần’, kể đã lâu rồi. Vậy mà kẻ ngu cậy ở cái vào được với người. Cái công ấy chỉ ở ngoài. Chẳng cũng đáng thương sao?’”
(Nhượng Tống dịch, sách đã dẫn, tt. 329-330).
Nam hoa kinh và Trang Tử
Nam hoa kinh hay Nam hoa chân kinh, tác phẩm kinh điển Ðạo học và là tuyệt phẩm văn chương thời Tiên Tần, cũng thường được chính thức gọi là sách Trang tử.
Theo Hán thư Nghệ văn chí, thoạt đầu sách có 52 thiên. Bản hiện nay đã qua tay san định và chú thích của triết gia và là nhà Trang học Quách Tượng (k. 252-312) đời Tấn, nên có lẽ bị ông đúc kết lại thành 33 thiên. Khác với Ðạo đức kinh như một tập thơ gồm các câu dài ngắn khác nhau, Nam hoa kinh được viết bằng tản văn, phần lớn tác giả dùng ngụ ngôn, chuyện xưa tích cũ, với trí tưởng tượng cực kỳ phong phú và bút pháp biến hoá không thể lường trước. Kim Thánh Thán (1608-1661), nhà phê bình văn học lỗi lạc cuối đời Minh đầu đời Thanh xem sách Trang tử là đệ nhất trong “lục tài tử thư” của văn học Trung Hoa.
Sách được chia ra làm ba phần, có lẽ do các học giả đời sau, chứ không do các tác giả.
Nội thiên, gồm 7 thiên. Căn cứ vào tư tưởng và văn phong, các học giả cho rằng rất có thể chính tay Trang Tử viết phần này, trừ thiên Nhơn gian thế và chương Tử tang hộ trong thiên Ðại tông sư.
Ngoại thiên, gồm 15 thiên. Căn cứ vào khí lực và tư tưởng, có thể do Trang Tử viết một phần. Phần còn lại văn khí trung bình, lời tầm thường, ý trùng lặp, tựa như các bài văn sách do kẻ hậu học viết.
Tạp thiên, gồm 11 thiên. Cũng như phần Ngoại thiên, phần này ý tưởng rời rạc, lặp lai các ý chính ở Nội thiên. Chắc chắn do kẻ hậu học viết.
Ðể có cái nhìn sơ lược về giá trị nghệ thuật của Nam hoa kinh, phần Nội thiên, chúng tôi trích dẫn ý kiến của Nguyễn Duy Cần trong Trang Tử tinh hoa, Nxb TP Hồ Chí Minh, tt 64-65. Có lẽ ông đã dựa vào một ý tưởng trong Thiên hạ, thiên cuối của Nam hoa kinh và ý kiến của các danh gia thuở xưa như Tư Mã Thiên, Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Tô Ðông Pha, v.v… mà tổng hợp như sau:
“Trang Tử là người biết hàm dưỡng chơn thần rất đầy đủ, cho nên khí phách ngang tàng phóng dật. Văn ông rất hồn nhiên như hơi mây trong núi bay ra, như suối trong đất tuôn ra cuồn cuộn, trong trẻo mà nhẹ nhàng, tự nhiên, không cố cưỡng. Bàn về một lẽ cao siêu tuyệt mù, có thể cảm mà không thể nói ra bằng những lời nói thông thường nhị nguyên, cho nên ông phải dùng đến ‘ngụ ngôn’, rồi mượn ‘trùng ngôn’ mà làm cho sáng tỏ ý thêm. Trong đó sự tích tuy có thật mà câu chuyện giả thác lạ lùng. Ðó là cách dùng cụ thể để mà giải thích trừu tượng. Khi lại dùng đến ‘chi ngôn’, tức là buột miệng nói ra, bất kể là đúng hay không với lịch sử. Cho nên văn chương của ông huyễn tướng như hoa gương, trăng nước: hư mà thực, thực mà hư… như lẽ Ðạo muôn màu. Thật là rất khác xa với văn từ của ‘bách gia chư tử’”.
1. Ðạo và vũ trụ
Tình trạng họp mặt của nhiều tác giả trong Nam hoa kinh không gây trở ngại cho lối tiếp cận tác phẩm Ðạo học ấy, vì nội dung hai phần Ngoại thiên và Tạp thiên hầu hết chỉ lặp lại và quảng diễn những gì được Trang Tử phát biểu trong Nội thiên, và một vài thiên trong Ngoại thiên như Thu thuỷ, Biền mẫu, Khứ cự, v.v… Về mặt tổng quát, toàn bộ Nam hoa kinh vẫn được xem là kinh điển chính thống của Ðạo gia, và tập quán tá danh trong văn học Trung Hoa thường chỉ nhằm mục đích gây sự chú ý của độc giả để gia tăng trọng lượng của một tác giả sinh sau nào đó cùng một mạch tư tưởng với tác giả chính.
Kế thừa tư tưởng của Lão Tử, Trang Chu đi vào chi tiết hơn và phát huy tới cực điểm. Cũng như Lão Tử, ông viết rằng Ðạo là nguồn gốc của thế giới, không chỗ nào không có. Ðạo “vô vi, vô hình” hiện hữu từ lúc có trời đất và tồn tại hằng cửu. Khởi đi từ câu của Lão Tử, “Ðạo pháp tự nhiên: Ðạo bắt chước tự nhiên”, Trang Tử cho rằng Ðạo không có giới hạn, vượt thời gian không gian, và con người không thể cảm biết. Ðạo sinh ra vạn vật, trời đất, đế vương, quỉ thần, v.v... nhưng tự bản chất của Ðạo thì khôn dò.
Quan điểm “Vạn vật nhất thể” của Trang Tử được ông nói rõ trong câu ‘Trời đất cùng ta đồng sinh, vạn vật cùng ta đồng nhất’. Ðối với Trang Tử, Ðạo và Ðức là một. Thuở thái sơ, Ðạo sinh Nhất; vạn vật có cái Một ấy mà có sức sống, tức là Ðức. “Ðiều hoà để ứng với nó tức là Ðức; tự nhiên mà ứng với nó tức là Ðạo”. Nói cách khác, Ðức là Ðạo biểu hiện trong người và vật qua năng khiếu tự nhiên và cố hữu của mỗi sinh linh.
Trong vũ trụ, không có vật nào không có Ðạo. Từ vật cực nhỏ tới vật cực lớn đều có nó, tự sinh, tự hoá ở bên trong. Có thể xem con người với sức tự sinh tự hoá ấy là một tiểu tạo hoá hay một tiểu hoá công. Loài người biến hoá vô cùng, nhưng không có phương hướng nhất định vì tới cực điểm thì phản phục, tới chung cuộc lại trở về nguyên thuỷ, tới lui mãi theo vòng vô tận ấy.
Nguyễn Duy Cần xem thuyết Vạn hoá Thiên quân – xoay vòng tròn theo bánh xe mà lên cao dần – của Trang Tử,
“có thể tượng trưng bằng một cái ‘Vòng ốc’ không thể lẫn lộn với thuyết Luân hồi của Nhà Phật (tiểu thừa). Thuyết Luân hồi của Phật giáo tiểu thừa, tựu trung là một hình thức của thuyết Tiến hoá, cho nên người ta quan trọng về quả vị cao thấp; một ảo vọng của Bản ngã. Vì vậy, đứng về phương diện giải thoát, thì thuyết Luân hồi phải thua xa thuyết Vạn hoá Bình đẳng của Trang Tử”.
(Nguyễn Duy Cần, Trang Tử - Nam hoa kinh, t. 66)
Trang Tử là triết gia đầu tiên của Trung Hoa cho rằng trời đất muôn vật do Khí cấu tạo nên: “Suốt thiên hạ là một khí”. Chính cái Khí ấy làm thành muôn vật, kể cả con người và mùa tiết. Trong thiên Bắc trí du (Trí sang bắc) có viết “Cái sống của con người là sự hợp lại của Khí. Hợp lại thì sống, tan ra thì chết”. Thiên Chí lạc (Cực vui) kể:
“Vợ thầy Trang chết, thầy Huệ sang thăm. Thì thầy Trang đang ngồi xổm, vỗ bồn mà hát.
Thầy Huệ hỏi:
‘Bác ở cùng người ta đến lúc mình già, chết không khóc, cũng đủ rồi! Lại gõ bồn mà hát, chẳng cũng quá lắm sao?’
Thầy Trang đáp:
‘Không phải thế! Ấy lúc hắn mới chết, riêng tôi đâu có thể không ngậm ngùi. Nhưng xét ban đầu hắn vốn không có sống… Chẳng những không có sống, mà còn vốn không có hình… Chẳng những không có hình, mà còn vốn không có khí. Lẫn ở giữa khoảng lờ mờ, biến mà có khí. Khí biến mà có hình. Hình biến mà có sống. Nay lại biến mà sang chết. Những cái đó cùng nhau làm Xuân, Thu, Ðông, Hạ, bốn mùa thường đi. Người ta đang nằm khểnh ngủ trong nhà lớn, mà ta lại lu loa theo mà khóc lóc, tôi tự cho thế là chẳng hiểu về mệnh, cho nên thôi.’”
(Nhượng Tống dịch, sách đã dẫn, t. 182).
Quan niệm Khí của Trang Chu có có lẽ ảnh hưởng lên Khí của Mạnh Tử, người sống cùng thời, và đặc biệt Lý và Khí của Tống nho về sau. Kết hợp với quân bình Âm Dương, Khí của Trang Chu đi vào y học, võ thuật, dưỡng sinh, phong thuỷ, v.v…
Vũ trụ quan của Trang Chu có điểm tương đồng với Anaximenes (?–500 tr.CN.). Ông là triết gia Hi Lạp chào đời ở Miletus, và là một trong các nhà tư tưởng vĩ đại thời tiền Socrates. Ông cho rằng nguyên lý đệ nhất và dạng thức căn bản của vật chất là khí. Khí có thể chuyển biến thành các chất căn bản khác qua quá trình cô kết và tan loãng.
Ta cũng có thể thăm dò để đối chiếu quan điểm Vạn vật nhất thể của Trang Tử với thuyết phiếm thần (pantheism). (Xem Ðại cương triết học Tây phương).
2. Nhận thức luận
Quan điểm của Trang Tử về nhận thức của con người có phần gần gũi với chủ nghĩa tương đối (relativism) của triết học Tây phương. Ông cho rằng:
Trời đất và ta cùng sinh, vạn vật và ta cùng một;
Mọi sự đều bằng nhau: ta và vật, trái và phải, thiện và ác, thọ và yểu, mộng và tỉnh, v.v.;
Cuộc sống vốn hữu hạn, tri thức thì vô hạn. Dùng cái hữu hạn để đuổi theo cái vô hạn là cực nguy;
Phải vượt qua cái nhìn thiển cận để có tri thức siêu việt, trong đó hiểu biết không phải là hiểu biết, mà sống với cái Một trong lòng ta;
Như thế, quá trình thấu suốt đi từ “sự có hiểu biết” tới “có sự không hiểu biết”.
Phần cuối thiên Ðại tông sư của Nội thiên ghi lại câu chuyện của Trang Tử về một cuộc đối thoại giả tưởng giữa Khổng Tử [Trọng Ni] và môn đệ yêu quí của ngài là Nhan Hồi:
“Nhan Hồi nói: Hồi đã tiến. Trọng Ni nói: Thế nghĩa là gì? Trả lời: Hồi quên nhân nghĩa. Nói: Khó đấy! Nhưng còn chưa đủ. Ngày khác lại đến gặp Khổng Tử, thưa: Hồi đã tiến. Nói: Thế nghĩa là gì? Thưa: Hồi quên lễ nhạc. Nói: Khá đấy! Nhưng còn chưa đủ. Ngày khác lại đến gặp, thưa: Hồi đã tiến. Hỏi: Thế nghĩa là gì? Thưa: Hồi ngồi quên. Trọng Ni biến sắc hỏi: Thế nào là ngồi quên? Nhan Hồi thưa: Buông chi thể, cất thông minh, xa hình, bỏ biết, cùng ở đại thông, ấy gọi là ngồi quên. Trọng Ni nói: Cùng thì không muốn, hoá thì không sai, ngươi quả là người hiền chăng? Khâu đây cùng xin theo sau”. (Nguyễn Văn Dương dịch, sách đã dẫn, t. 126).
3. Tuyệt đối vô chính phủ
Lão Tử chủ trương nhà cầm quyền phải bắt chước Ðạo, trở về cái động của Ðạo, không làm gì cả, để cho người dân tự nhiên làm những gì mỗi người có thể làm. Sang tới Trang Tử, ông đẩy mạnh quan điểm ấy tới cực kỳ vô chính phủ. Tưởng quốc của ông cũng nhỏ và ít dân như của Lão Tử, nhưng ở đó người dân sống tuyệt đối theo bản tính tự nhiên của mình “đứng ở trong vũ trụ, ngày đông mặc đồ da, đồ lông; ngày hè mặc đồ sắn đồ vải; mùa xuân cày cấy, hình đủ để làm lụng; mùa thu gặt hái, thân đủ để ăn chơi. Mặt trời mọc thì dậy; mặt trời lặn thì nghỉ. Sống tiêu dao trong khoảng trời đất, mà tâm và ý tự đắc”.
Tánh mỗi người không khác của mỗi vật, có bản chất khác nhau một cách cá biệt, nên kẻ khác không thể cưỡng ép cho mọi người giống nhau. Các chế độ chính trị đừng hoang tưởng mà làm theo lối hữu vi, nghĩa là định ra tiêu chuẩn chung cho toàn xã hội để cưỡng ép mọi người hành động theo khuôn khổ, bởi vì “chân vịt tuy ngắn, nhưng nối thêm thì vịt lo; chân hạc tuy dài, nhưng chặt đi thì hạc buồn. Cho nên tính dài không phải để chặt đi, tính ngắn không phải để nối thêm”.
Quyết liệt phản đối cách “lấy trị mà trị thiên hạ”, Trang Tử chủ trương muốn cho thiên hạ thái bình thịnh trị thì cứ lấy sự không trị mà trị thiên hạ vì trị thiên hạ tức là làm trái luật tự nhiên, lấy người để diệt trời. “Ta nghe nói để yên thiên hạ, không nghe nói trị thiên hạ. Ðể yên thiên hạ tức là sợ làm cho tính của thiên hạ bị hư, đức của thiên hạ bị dời. Nếu thiên hạ không bị hư tính, không bị dời đức thì đâu cần phải trị thiên hạ” (Thiên Tại hựu).
Trang Tử đã xua đuổi sứ giả của Sở Uy vương chịu mệnh đến vời ông ra làm khanh tướng rằng ông thà làm con rùa sống lê đuôi trong bùn còn hơn làm con rùa thần chịu chết để được tôn thờ mấy nghìn năm nơi miếu đường. Ông cũng lên án các sách lược chính trị và xã hội ưa can thiệp là lấy người để diệt trời. Nếu đứng từ khát vọng an bang tế thế của Nho gia – vốn bị Lão Trang vừa chống đối vừa khinh miệt, hoặc quan điểm cứu thế của Do thái - Kitô giáo hay ý hướng dấn thân của trí thức Tây phương thời hiện đại, bạn hẳn cho lập trường của Trang Tử là yếm thế và không tưởng.
Có quả thật như thế không, nếu ta đặt lời ông nói vào thời Xuân thu Chiến quốc với các quốc chủ chỉ biết tranh bá đồ vương, hoặc đặt nó vào lòng con người bình thường mà nói theo Khổng Tử, ai cũng lo trước hết cho thân nhân và bằng hữu của mình. Thêm một bước nữa, nếu ta đối chiếu những lời ấy với “tâm, tài và trí” của đại đa số “chính khách diễn viên” vốn xem việc phục vụ nhân quần xã hội chỉ là khẩu hiệu họ dùng để vận động tham chính, đặc biệt những chính sách chính trị và xã hội “chống lại con người”, những cuộc cách mạng ra đời trên xương máu và hy vọng của nhiều thế hệ người dân, mà rốt cuộc chỉ đem lại khổ sở và bất hạnh cho con người.
Có lẽ, bước biện chứng kế tiếp của một chủ trương cực đoan, dù nhập thế hay xuất thế, sẽ đưa tới con đường ở giữa. Thiên Ứng đế vương kể:
“Dương Tử Cư [Dương Chu] sửng sốt hỏi:
‘Dám hỏi minh vương trị nước như thế nào?’
Lão Ðam trả lời:
‘Phép trị nước của bậc minh vương như thế này: công lao bao trùm thiên hạ mà coi như chẳng phải tự mình làm. Hoá cả muôn vật mà không đợi người dân phải thỉnh cầu nhờ cậy. Làm mà không ai kể được tên, khiến cho mọi vật, vật nào cũng tự vui sướng. Ðứng ở chỗ không lường mà vui chơi nơi miền có mà như không có’”.
4. Chân nhân tiêu dao
Khổng Tử cổ vũ cho mẫu người quân tử, Lão Tử đề cao bậc thánh nhân, còn mẫu người đạt đạo của Trang Tử là chân nhân. Vũ trụ biến hoá vô cùng tận. Vạn vật sinh tử như nhau không khác nhịp tuần hoàn của thiên nhiên nên chúng cũng khác nhau về giá trị phẩm tính và lượng tính. Sự biến hoá và tính tương đối của người và vật khiến Trang Chu ôm lòng hoài nghi cực độ, đi tới tính tuyệt đối trong chủ trương của mình: tuyệt đối tự do bình đẳng, tuyệt đối tôn trọng cá nhân và tuyệt đối vô vi. Trong trạng thái tuyệt đối đó, con người không kỳ vọng, không chờ đợi, vô vi, sống tiêu dao theo tháng ngày tới tận cùng con người thật của mình.
Chân nhân là người:
Sống hư tĩnh, không còn bản ngã, không nghĩ đến công lao, không sợ làm người vô danh;
Sống điềm đạm trước những biến đổi của cuộc đời;
Sống tự nhiên, không cầu danh, không cầu thân, không bè đảng, không mặc cảm, v.v...
Ta đọc thấy trong thiên Ðại Tông sư:
“Thế nào là bậc ‘thật là người’?
Bậc ‘thật là người’ đời xưa không trái số ít, không hùng vì thành, không mưu tính mọi việc. Kẻ như vậy lỗi mà chẳng ăn năn, đáng mà không tự đắc. Kẻ như vậy lên cao không run, vào nước không ướt, vào lửa không nóng. Trí có thể lên tới được đạo là như thế.
Bậc ‘thật là người’ đời xưa, lúc ngủ không mộng; lúc thức không lo; lúc ăn không ngon; lúc thở thẳm sâu… Bậc ‘thật là người’ thở bằng gót chân, còn người thường thì thở bằng cuống họng [và] kẻ [muốn] khuất phục [người khác] thì nói ở trong cổ như oạ [ậm ừ nơi cuống họng]! Kẻ ham muốn sâu thì cơ trời nóng.
Bậc ‘thật là người’ đời xưa, không biết thích sống; không biết ghét chết; lúc ra không hớn hở; lúc vào không đập nập; phất phơ mà đi; phất phơ mà lại, thế mà thôi! Không quên nơi mà mình bắt đầu; không cần nơi mà mình đến rốt; nhận mà mừng nó; quên mà trở lại nó. Thế gọi là không lấy lòng bỏ đạo, không lấy người giúp trời. Thế gọi là ‘thật là người’. Kẻ như vậy, lòng họ quên; mặt họ lặng; trán họ phẳng: mát mẻ như mùa thu, ấm áp như mùa đông; mừng giận thông với bốn mùa, có cách hợp với vật mà không ai biết đến đâu là cùng.”
(Nhượng Tống dịch, sách đã dẫn, tt. 73-74).
Nguồn: Nguyễn Ước, Đạo học đại cương