Chia Sẻ Đôi bàn tay truyền lửa

Trang Dimple

New member
Xu
38
Bạn không bao giờ biết được niềm hạnh phúc mà một hành động tứ tế đơn giản mang đến sẽ như thế nào đâu.

– Bree Abel

Trong ngày lễ Tạ ơn, một cô giáo dạy lớp một nọ đã bảo những học sinh của mình vẽ một bức tranh về điều gì đó mà các em biết ơn. Cô muốn biết xem những đứa trẻ từ các vùng phụ cận nghèo nàn này thật sự mang ơn ra sao. Tuy nhiên cô nghĩ rằng hầu hết các học sinh của cô sẽ vẽ những bức tranh về gà tây hay những chiếc bàn đầy thức ăn. Nhưng cô đã sửng sốt với bức tranh của bé Douglas, bức tranh một bàn tay được vẽ bằng nét trẻ thơ rất đơn giản.
co-giao.jpg


Nhưng bàn tay đó là của ai? Cả lớp đều bị cuốn hút với hình ảnh trừu tượng đó.

– Em nghĩ đó chắc là bàn tay của Chúa mang thức ăn đến cho chúng ta – Một em nói.

– Của một người nông dân, – một em khác lên tiếng, – bởi vì ông ta nuôi gà tây.

Cuối cùng khi những em khác đang làm bài, cô giáo đến bên bàn Douglas và hỏi cậu bé bàn tay đó là của ai.

– Đó là bàn tay cô, thưa cô. – Em thầm thì.

Cô nhớ lại rằng vào giờ giải lao, cô thường hay dắt tay Douglas, một đứa bé cô độc ít nói. Cô cũng thường làm thế với những bạn khác nhưng với Douglas điều đó có ý nghĩa rất lớn. Có lẽ đây là lễ Tạ ơn dành cho mọi người, không phải cho những vật chất mà chúng ta nhận được, mà là cho những điều, dù rất nhỏ nhoi khi ta trao tặng cho người khác.
maxresdefault.jpg


Tất cả mọi người trên trái đất này đều được sinh ra với một thảm kịch – đó là chúng ta cần phải lớn lên. Rất nhiều người không có dũng khí làm điều đó.


– Helen Hayes
 
Đôi bàn tay mẹ
Trời đã se lạnh, cũng cuối thu rồi còn gì. Tôi lang thang trên con phố quen cố hít hà lấy mùi hương của những bông hoa sữa còn sót lại. Và rồi chợt bắt gặp hình ảnh, một bé con kêu lạnh và bà mẹ trẻ kia đưa tay lên xoa má cậu bé. Cậu bé nhoẻn miệng cười "con hết lạnh rồi mẹ ạ". Hai mẹ con nhìn nhau cười hạnh phúc. Phút giây nhìn thấy khoảnh khắc đẹp của tình mẫu tử ấy làm tôi khẽ mỉm cười, lâu nay ngoài giờ làm là tôi chỉ biết giam mình trong căn phòng nhỏ, cảm thấy cuộc sống có phần vô vị và tẻ nhạt. Chính hình ảnh ấy bỗng chốc làm tôi thấy yêu cuộc sống đến thế. Để rồi khóe mắt nhòe đi, tôi nhớ mẹ tôi quá - nhớ đôi bàn tay của mẹ.

Nhớ ngày nhỏ, có lần mẹ đã đưa tay lên xoa má tôi. Nhưng tôi đã vội đẩy tay mẹ ra và tỏ vẻ bực bội "mẹ ơi, mẹ làm xước mặt con rồi". Lúc đó, mẹ đã rất buồn, tôi thấy đôi mắt mẹ nặng trĩu tâm sự. Tôi cũng cảm thấy có chút bối rối, nhưng lại nghĩ "mình không có lỗi đâu, mình thấy sao thì bảo vậy thôi". Để rồi khi tôi ngày một trưởng thành, va chạm nhiều hơn với cuộc sống thì tôi mới phần nào hiểu được nỗi nhọc nhằn, vất vả của cha mẹ. Và thêm nhớ, thêm yêu đôi bàn tay xù xì, gai góc của mẹ hơn.

Đâu đó có lời cô gái nũng nịu với người yêu: "Sương xuống nhiều thế này, rủ em ra phố làm gì, không khéo cảm lạnh, lại còn làm làn da mềm mại của em trở nên khô rát nữa chứ". Tôi giật mình, ồ đã có sương rồi nhỉ, sương giăng đầy trên lá cây, sương làm khung cảnh phía xa trở nên huyền ảo hơn. Nhưng một chút sương sa nơi đô thị phồn hoa này đã là gì so với sương mù ở quê trong mỗi mùa làm sắn. Mùa thu hoạch sắn ở quê tôi thường vào độ cuối tháng mười âm lịch. Khi ấy sương mù phủ kín, đến mức phải lại gần mới nhận ra mặt người. Những lúc ấy vào mỗi buổi sáng khi mà con gà trống chuồng gáy vang là lúc chúng tôi vẫn còn ngái ngủ, cảm giác không muốn ra khỏi chiếc chăn ấm áp. Nằm trong chăn mà vẫn cảm thấy tê buốt chân tay, cảm thấy vị lạnh của hơi sương buốt giá. Nghe thấy tiếng phào phào, ngửi thấy vị giòn tan của rơm cháy. Rồi lại thấy mùi béo béo của mỡ lợn quyện với mùi hành, mẹ sớm nào cũng dậy sớm nấu ăn sáng cho cả nhà. Mẹ nấu những món dân dã, nhưng dường như những thứ ấy đã thấm sâu vào da thịt, vào tâm hồn tôi. Để bây giờ ở một nơi xa, mỗi buổi sáng tỉnh giấc tôi lại tưởng như mình sắp được ăn món bánh sắn có vị bùi bùi, béo ngậy và thơm mùi hành của mẹ. Hay mỗi sáng đông lạnh lẽo mở mắt ra lại thấy nồi khoai lang thơm nức đang bốc khói nghi ngút. Và hình ảnh cả nhà quây quần quanh bếp lửa ngồi ăn rồi kể cho nhau nghe những câu truyện của ngày hôm qua.

Đôi bàn tay mẹ lại nhen nhóm từng nắm rơm để cho ấm nước mau sôi, lấy nước pha ấm trà nóng và pha nước ấm để cha con chúng tôi rửa mặt. Đôi bàn tay mẹ phải làm biết bao công việc, từ việc đồng áng, rồi lại chăm sóc chúng tôi. Thời gian cứ thế trôi đi, chúng tôi cứ vô tư mà lớn lên trong vòng tay chăm sóc của cha mẹ. Ồ, lời nói của cô gái kia làm tôi chợt thấy đôi môi mình cũng đang nứt nẻ, da mặt khô dát và đôi bàn tay đang lạnh cóng. Chỉ một chút khắc nghiệt của thời tiết thôi cũng làm con người ta có sự thay đổi đáng kể, có lẽ thêm một chút gió, một chút sương, nắng nữa thôi cũng đủ để bàn tay của tôi trở nên xù xì hơn tay của mẹ.

Mẹ ơi, giờ này mẹ đang làm gì nhỉ? Tôi mở điện thoại, ấn số máy gọi về cho mẹ, vẫn giọng nói ấm áp và thấm đượm hồn quê "Ừ, bố mẹ vừa đi trở sắn về, giờ bố đang cho lợn ăn, còn mẹ đang nấu cơm, dạo này thời tiết xấu nên sắn chua quá con à. Mà rét rồi, nhớ mặc áo ấm, rồi đếm ngủ nhớ đắp chăn cẩn thận nhé...". Bố mẹ lúc nào cũng vậy chỉ lo chúng tôi đói, rét, lo chúng tôi không bằng bạn bằng bè, quan tâm và yêu thương chúng tôi. Nhưng nhiều khi chúng tôi vô tư đến mức vô tâm chẳng hỏi han xem cha mẹ có khỏe không, hay được nghỉ tới vài ngày mà còn tranh thủ đi chơi, chẳng về quê thăm cha, thăm mẹ.

Mùa này có lẽ tay mẹ lại nứt nẻ và bỏng rát, đôi tay gầy guộc của mẹ có những phết phòng lên, có chỗ nhựa sắn bắt lại sột soạt, có chỗ nứt nẻ những tia máu. Mẹ nói mẹ không đau, mẹ quen rồi. Phải rồi bao nhiêu năm tháng trôi qua, những vết chai sạm, nứt nẻ lại nhiều hơn và mẹ đã quen với điều ấy. Tôi nhớ đôi bàn tay mẹ và giờ tôi đã hiểu tại sao đôi bàn tay mẹ lại trở nên xù xì và gai góc đến thế.

Thỉnh thoảng tôi có giúp mẹ những công việc nhà nông như cắt cỏ, gặt hái, nhổ lạc, nhổ sắn. Những công việc ấy với chỉ một chút sương, một chút gió, một chút nhựa cỏ, một chút bùn cũng đủ để làm cho da trở nên đen nhẻm, khô rát, gai góc và xù xì. Lúc ấy tôi mới hiểu tại sao những người phụ nữ nơi thôn quê làn da sặm sụi, chân tay đen đủi và có những vết nứt nẻ. Tất cả có lẽ do hoàn cảnh và cũng là do sự giản dị vốn có của các mẹ.

Có những người thành thị về quê chơi, các mẹ cố gắng gói gém chút quà quê cho họ. Tôi bắt gặp ánh mắt khó chịu của họ khi nhìn thấy đôi bàn tay gai góc và xù xì của mẹ. Họ có hiểu là mỗi chiếc bánh mẹ gói, mỗi nồi xôi mẹ đồ là thấm đượm bao nhiêu tình cảm của mẹ. Họ chỉ nhìn vào đôi bàn tay không được nhẵn nhụi ấy mà cảm nhận rằng "chắc món đồ không hợp vệ sinh cho lắm", rồi tỏ vẻ ái ngại.

Mẹ tôi hiền hậu và chất phác. Tình cảm mẹ dành cho chúng tôi giản dị mà ấm áp. Chúng tôi yêu mẹ và mẹ cũng yêu chúng tôi nhiều lắm. Mặc dù chưa bao giờ mẹ nói "mẹ yêu con" và chúng tôi cũng vậy chưa bao giờ nói "con yêu mẹ". Nhưng có lẽ mẹ con chúng tôi hiểu và không cần phải nói ra điều ấy.

Ngày 20-10, tôi muốn gọi điện về mà nói rằng "20-10 con chúc mẹ luôn vui vẻ, mạnh khỏe và hạnh phúc" nhưng tôi không thốt nên lời. Bởi có lẽ cả tôi và mẹ đều không quen với những lời chúc đầy lễ nghĩa. Tôi sợ làm mẹ lại ngạc nhiên rồi bảo "Con bé này dạo này lẻo mép quá nhể". Tôi nhớ mẹ đã nói: "Chỉ cần các con sống tốt, sống lương thiện, biết quan tâm tới người khác, ngoan ngoãn, đó là món quà vô giá rồi".

Mẹ à, con nhớ đôi bàn tay xù xì, gai góc của mẹ, mẹ đã vất vả, tần tảo để nuôi nấng chúng con. Giờ đây con hiểu mỗi vết xước, mỗi vết nứt trên tay mẹ đều là minh chứng cho sự hi sinh mà mẹ dành cho chúng con. Con yêu đôi bàn tay mẹ, yêu mỗi vết xước, vết nứt ấy. Con hứa sẽ sống thật tốt. Và khi nghĩ đến chúng con, con hy vọng sẽ thấy ánh mắt mẹ rạng ngời, nụ cười mẹ luôn tươi tắn trên môi. Nếu lúc này con đang ở gần mẹ con sẽ cầm đôi tay mẹ và đặt lên má con mà rằng "Đôi tay mẹ ấm áp hơn bao giờ hết"

Tác giả Tú Trần
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top