Đọc "hồi kí Nguyễn Hiến Lê"

vanchuong83

New member
Xu
0
ĐỌC "HỒI KÍ NGUYỄN HIẾN LÊ"

Ngay từ thời trung học tôi đã thích đọc sách của Nguyễn Hiến Lê. Những cuốn như “ Tự học để thành công”, “ Sử kí Tư Mã Thiên” , “ Hương sắc trong vườn văn”, “ Gương danh nhân”, “ Luyện lí trí”, “ Tương lai trong tay ta”… khiến tôi thực sự kính trọng ông về tài học. Thế nhưng quả thật là một thiếu sót lớn trong cuộc đời đi học, đi dạy của tôi khi cuốn “ Hồi ký Nguyễn Hiến Lê ” được in và tái bản nhiều lần mà cho đến bây giờ tôi mới được đọc. Đọc xong cuốn sách, tôi lập tức xếp nó vào ngăn tủ dành cho những cuốn sách quý, bởi lẽ “ Hồi ký Nguyễn Hiến Lê” đem lại cho tôi nhiều tri thức mà trước đó tôi chưa hề biết hoặc biết nhưng lại hiểu một cách lầm lẫn.

Quan trọng hơn, cuốn sách này giúp tôi nhìn ra được tầm vóc, sự uyên bác và đặc biệt là tấm lòng của nhà văn, nhà khảo cứu Nguyễn Hiến Lê đối với nền văn hóa, văn chương dân tộc. Ở đây, tôi không có ý nói về kiến thức, điều này dành để khi các bạn đọc sách của ông. Tôi chỉ muốn nói đến cách sống, đến đạo đức trong sáng mà tôi nhìn thấy được ở Nguyễn Hiến Lê qua cuốn hồi kí này.



Nguyễn Hiến Lê xuất thân trong một gia đình Nho học, được cha rồi sau đó là bác ruột dạy chữ Hán và văn Hán. Thời ấy Nho giáo đã thật sự lụi tàn nhường chỗ cho học vấn kiểu Âu Tây. Nhưng như thế không có nghĩa là nó mất đi tất cả vai trò. Trong tâm thức người dân Việt, nó vẫn là một thứ đạo lí cao đẹp có thể tạo nên những con người có bản lĩnh, có nghị lực và khí tiết. Nguyễn Hiến Lê tuy theo học Tây học nhưng lại là một trong những con người tiếp thu được mặt tích cực trong lối giáo dục Nho giáo. Đạo đức nhà Nho dạy cho Nguyễn Hiến Lê thành một nhà văn có tâm hồn thanh khiết, có tinh thần nhân văn, tinh thần dân tộc, dám bảo vệ chính kiến và kiên quyết không làm những việc mà mình không thích. Trên mười lần Nguyễn Hiến Lê từ chối những cái mà ông cho là hư danh như làm giám khảo văn chương, vào hội đồng văn hóa giáo dục…Những năm 60, 70 của thế kỉ trước, Nguyễn Hiến Lê (cùng với Giản Chi) được chính phủ Sài Gòn trao tặng “ Giải thưởng văn chương toàn quốc” và “ Giải tuyên dương sự nghiệp văn hóa, văn học”. Cùng với danh hiệu là giải thưởng tương đương mấy chục lượng vàng, nhưng ông đã công khai từ chối đơn giản vì ông chỉ muốn là một nhà cầm bút đúng nghĩa, không muốn can dự gì vào chính quyền. Ông viết trong hồi ký “ Nếu mỗi người phải đóng một vai trò gì đó trong xã hội thì tôi lựa vai trò của một thư sinh. Sống giữa sách và hoa, được lòng quý mến tin cậy của một số độc giả, tôi cho là sướng hơn một chính khách được hàng vạn người hoan hô… Làm nhà văn thì phải độc lập, không nên nhận một chức tước gì của chính quyền” . Trong cảnh sống xô bồ, lẫn lộn lúc bấy giờ, có được một tấm gương nghiêm mình giữ tiết như ông quả thật là đáng quý.

Nguyễn Hiến Lê có một cách sống mà tôi cho là minh triết. Đó là biết tri túc, biết sống vui trong cảnh thanh đạm. Ông cho rằng “Về vật chất nên sống dưới mực trung, về tinh thần nên sống trên mực trung”. Chính vì thế mà ông không bị cái lợi vật chất cám dỗ. Tuy sống trong cảnh nghèo nhưng không bao giờ ông ham làm giàu. Bỏ qua tất cả mọi cơ hội để trở thành một người quyền quý, Nguyễn Hiến Lê dành thời giờ để viết, để trở thành một trí thức chân chính. Tôi nhìn thấy ở ông phảng phất một nét gì đó trong cách sống an bần lạc đạo của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm thời trước
“ Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

( “Nhàn” - Nguyễn Bỉnh Khiêm)



Điều khiến tôi khâm phục nhất ở Nguyễn Hiến Lê là tinh thần tự học. Ban đầu ông không có ý định trở thành nhà văn, nhà khảo cứu. Năm 1931, ông thi đỗ vào trường công chánh, sau ra trường được bổ làm ở Sở Thủy Lợi miền Tây rồi sống đời công chức ở Sài Gòn. Cái duyên đã đưa ông đến với nghề viết để rồi trở thành một học giả nổi tiếng. Điều đáng nói là vốn kiến thức uyên bác, tầm kiến văn rộng rãi mà ông có được là nhờ tực học, tự nghiên cứu mày mò. Và với tinh thần lao động nghiêm cẩn, Nguyễn Hiến Lê để lại cho đời một di sản đồ sộ: trên 100 cuốn sách ở nhiều thể loại như văn học, triết học, sử học, gương danh nhân, giáo dục, cảo luận, dịch thuật…Ông từng nói “ Bất cứ việc gì ở đời làm hết sức mình đi rồi mặc cho hóa công định đoạt, đừng có tham vọng cướp quyền của hóa công”. Thật là một quan niệm tích cực của một con người dành hết tâm lực của mình cho nền học thuật dân tộc.



Đọc cuốn hời ký, tôi nhìn thấy được rất nhiều điều cao quý từ nhân cách Nguyễn Hiến Lê. Tôi gọi ông là kẻ sĩ thời hiện đại, là một học giả chân chính. Khi mà xã hội ta vẫn còn lắm kẻ cá nhân ích kỉ, chỉ biết bo bo thủ lợi cho riêng mình thì một con người như ông xứng đáng là tấm gương sáng cho giới trí thực hôm nay và mai sau.




Ngu ồn: HTNM - Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top