Đọc bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy, viết một bài văn có tiêu đề : Ánh trăng và bài học sâu sắc.
BÀI LÀM
Trong cuộc sống, giữa bao nhiêu sự cám dỗ, đôi khi vô tình hay cố ý, con người quên đi những gì tốt đẹp mà mình từng gắn bó. Để rồi đến một lúc nào đó chợt nhận ra những giá trị ấy đáng quí vô cùng. Trong bài thơ Ánh trăng, bằng hình tượng “ánh trăng” thấm đượm ý nghĩa nhân văn, nhà thơ Nguyễn Duy đã gióng lên một hồi chuông phản tỉnh ở con người.
“Trăng” từ lâu đã trở thành một đề tài quen thuộc của thơ ca. Nếu như trong thơ từng nói đến một vầng trăng xa xôi : chị Hằng, cung Quế; một vầng trăng phong cảnh, trăng bè bạn hàm chứa bao nhiêu nỗi niềm người thì ở bài thơ này, trăng được nhân hoá thành Người tình nghĩa, chuyên trở dạo lí làm người. Trăng của Nguyễn Duy có gốc từ vầng trăng trong Truyện Kiều mà cụ Nguyễn Du dùng làm chứng nhân cho sự thề nguyền thuỷ chung, bền chặt :
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh đôi mặt một lời song song
Đến với “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, chúng ta được gặp gỡ với một vầng trăng mang vẻ đẹp hoang sơ mà gần gũi. Đó là vầng trăng của miền không gia ruộng đồng rừng bể mang đầy khí vị thanh cao, đẹp đẽ.
Bài thơ mở ra bằng sự hồi tưởng của nhà thơ :
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ.
Tuổi thơ và những năm tháng chiến tranh, tâm hồn của Nguyễn Duy thuộc về đồng, sông, bể, rừng. Người và trăng cứ ôm ấp, thấu hiểu, song hành trong mọi hoàn cảnh. Hai chữ “hồi” ở đầu câu một và câu ba đã đánh dấu hai quãng thời gian quan trọng trong cuộc đời nhà thơ. “Có một thời, từ ấu thơ đến tuổi trưởng thành”, trăng và người đã sống qua những không gian quen thuộc, đó là đồng, sông, bể. Những năm tháng đất nước có chiến tranh, ta là chiến sĩ thuộc về những cánh rừng. Trăng trở thành người bạn chia sẻ ngọt bùi, “Vầng trăng thành tri kỉ”. Trăng đã từng cùng ta tạo nên bức tượng đài tuyệt đẹp nới chiến hào đánh giặc : “ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới - Đầu súng trăng treo”.
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ.
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa.
Ở đây giữa con người với thiên nhiên đã không còn khoảng cách. Tâm hồn thanh khiết của nhà thơ đã hoà đồng với thiên nhiên và thiên nhiên cũng hết sức gần gũi thân tình. Vầng trăng hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ mà hồn nhiên như trẻ thơ, chân thành như bạn hữu. Tình yêu của nhà thơ đối với thiên nhiên cũng nguyên sơ như cây cỏ và sẽ không bao giờ mất đi. Nhà thơ tưởng như không thể nào quên được những năm tháng đời lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước, nhân dân hiền hậu : “Ngỡ không bao giờ quên / Cái vầng trăng tình nghĩa”. Ngay ở hai câu thơ này, nhà thơ đã dự báo trước cho người đọc một sự bất ổn, một sự thay đổi.
Đến khổ thơ thứ ba lời thơ trở về hiện tại :
Từ ngày về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường “.
Chuyển từ không gian đồng, sông, bể, rừng để đến với thành phố phồn hoa, bị hấp dẫn bởi văn minh đô thị, tâm hồn con người đã thay đổi. Chiến tranh đi qua, cuộc sống yên bình trở lại, những gian khổ ác liệt lùi xa nhường chỗ cho những no đủ, hạnh phúc, con người liền đánh mất những kỉ niệm đẹp, trở thành kẻ vô tình :
Vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường.
Nhà thơ đã tự nhận thức được sự thay đổi trong tâm hồn mình, vì vậy, lời thơ trên như một lời thú tội chân thành và dũng cảm.
Tưởng như cuộc sống cứ trôi đi như vậy, con người mãn nguyện với thực tại và sẽ quên đi những kỉ niệm đẹp. Nhưng một biến cố đã xảy ra :
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn - đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Bốn câu thơ với hai từ “thình lình”, “đột ngột” đã làm cho người đọc giật mình. Cái giật mình thảng thốt trước những biến cố không định trước. Hành động “vội bật tung cửa sổ” là một phản xạ bình thường. Nhưng “đột ngột vầng trăng tròn” lại là một biến cố. Chính biến cố này đã cảnh tỉnh tâm hồn nhà thơ. Cuộc gặp gỡ tình cờ, cuộc đối mặt không ngờ với người tri kỉ năm xưa khiến lương tâm con người phải tự sám hối trước vầng trăng thánh thiện kia :
Ngửa mặt lên nhìn trăng có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng.
Nhà thơ đối diện với vầng trăng cũng là đối diện với chính lương tâm mình. Đây là sự đối diện giữa chung thuỷ và bội bạc, giữa lòng vị tha và thói ích kỉ, là sự đối diện giữa quá khứ và hiện tại. Nhưng trên hết sự đối diện bất ngờ nhưng tất yếu này đã trả lại cho tâm hồn nhà thơ những cảm xúc nguyên sơ :
Có cái gì rưng rưng như là đồng là bể
như là sông là rừng.
Quá khứ hiện về, kỉ niệm cũ sống dậy, khiến con người không khỏi xúc động ngậm ngùi. Sự gặp gỡ bất ngờ giữa người và trăng là sự gặp gỡ giữa những người bạn, những tâm hồn tri âm, tri kỉ. Nhà thơ nghẹn ngào, xúc động vì gặp cố nhân, gặp lại một gương mặt thân yêu và cũng là gương mặt của chính tâm hồn mình. Giờ đây tâm hồn nhà thơ như đang được tắm trong những không gian mến yêu xưa. Niềm xúc động nghẹn ngào khiến con người cứ đứng nhìn trăng mà ân hận và thú tội. Nhưng vầng trăng vẫn nhìn cố nhân vô tình kia bằng con mắt trong trẻo :
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
Và sự im lặng làm nên thái độ nghiêm khắc:
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Dường như khổ thơ cuối dồn nén biết bao niềm tâm sự. Ánh trăng vẫn tròn, vẫn khoan dung, độ lượng. Chỉ có lòng người bội bạc, phôi pha và đang ăn năn, sám hối. Trăng không nói nhưng cái im lặng tuyệt đối của trăng đã thức tỉnh con người, để con người tự “giật mình” mà kiểm điểm lương tâm.
Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy với khổ thơ cuối này là một cái kết thúc lửng - khép lại khi con người đang trong trạng thái ăn năn, thú tội.Thế nhưng không vì thế mà trở nên nặng nề, trái lại nhẹ nhàng, thấu tình đạt lí với nhiều dư âm, vang vọng. Giọng khoan thai mà cho ta biết bao điều về tình nghĩa ở cuộc đời. Đọc “Ánh trăng” người đọc như một lần được đối diện với chính lòng mình, nhắc ta hãy biết sống thuỷ chung tình nghĩa.
Sưu tầm