Đoạn văn
Khái niệm đoạn văn ở trường phổ thông hiện nay được hiểu theo nhiều cách khác nhau:
- Cách hiểu thứ nhất (đoạn ý): Đoạn văn được dùng với ý nghĩa để chỉ sự phân đoạn nội dung, phân đoạn ý của văn bản. Một văn bản bao gồm nhiều đoạn văn: Đoạn mở đầu văn bản, những đoạn khai triển văn bản, đoạn kết thúc văn bản. Mỗi đoạn phải có sự hoàn chỉnh nhất định nào đó về mặt ý, về mặt nội dung. Nhưng thế nào là một nội dung, một ý hoàn chỉnh thì không có tiêu chí để xác định rõ ràng. Một văn bản, tuỳ theo người đọc cảm nhận mà phân chia ra thành các đoạn, sự phân chia có thể không thống nhất giữa những người đọc: có người chia theo ý lớn, có người chia theo ý nhỏ. Ý lớn là đoạn bài có hai hoặc ba ý nhỏ được khai triển từ ý lớn, bao gồm hai hoặc ba đoạn văn ngắn, mỗi đoạn ngắn đó là một ý nhỏ, các đoạn này hợp ý với nhau thành một ý lớn; ý nhỏ là ý được khai triển từ ý lớn, về mặt nội dung chỉ triển khai theo một phương diện, một hướng cụ thể, mỗi ý nhỏ là một đoạn.
=> Cách hiểu này khiến cho cách phân đoạn thiếu tính khách quan. Với cách hiểu này, diện mạo đoạn văn không được xác định ( đoạn văn bắt đầu từ đâu, như thế nào, các câu văn trong đoạn có mối liên kết với nhau như thế nào,…) cho nên việc xây dựng đoạn văn trở nên khó khăn, phức tạp, khó rèn luyện các thao tác để trở thành kĩ năng kĩ xảo.
- Cách hiểu thứ hai (đoạn lời): Đoạn văn được hiểu là sự phân chia văn bản thành những phần nhỏ, hoàn toàn dựa vào dấu hiệu hình thức: một đoạn văn bao gồm những câu văn nằm giữa hai dấu chấm xuống dòng.
=> Cách hiểu này không tính tới tiêu chí nội dung, cơ sở ngữ nghĩa của đoạn văn. Với cách hiểu này, việc rèn luyện xây dựng đoạn văn càng trở nên mơ hồ, khó xác định vì đoạn văn không được xây dựng trên một cơ sở chung nào vì hình thức bao giờ cũng phải đi đôi với nội dung, bao chứa một nội dung nhất định và phù hợp với nội dung mà nó bao chứa.
- Cách hiểu thứ ba (đoạn văn xét thao cả hai tiêu chí về ý và về lời): Đoạn văn vừa là kết quả của sự phân đoạn văn bản về nội dung ( dựa trên cơ sở logic ngữ nghĩa) vừa là kết quả của sự phân đoạn về hình thức ( dựa trên dấu hiệu hình thức thể hiện văn bản).
Về mặt nội dung, đoạn văn là một ý hoàn chỉnh ở một mức độ nhất định nào đó về logic ngữ nghĩa, có thể nắm bắt được một cách tương đối dễ dàng. Mỗi đoạn văn trong văn bản diễn đạt một ý, các ý có mối liên quan chặt chẽ với nhau trên cơ sở chung là chủ đề của văn bản. Mỗi đoạn trong văn bản có một vai trò chức năng riêng và được sắp xếp theo một trật tự nhất định: đoạn mở đầu văn bản, các đoạn thân bài của văn bản ( các đoạn này triển khai chủ đề của văn bản thành các khía cạch khác nhau), đoạn kết thúc văn bản. Mỗi đoạn văn bản khi tách ra vẫn có tính độc lập tương đối của nó: nội dung của đoạn tương đối hoàn chỉnh, hình thức của đoạn có một kết cấu nhất định.
Về mặt hình thức, đoạn văn luôn luôn hoàn chỉnh. Sự hoàn chỉnh đó thể hiện ở những điểm sau: mỗi đoạn văn bao gồm một số câu văn nằm giữa hai dấu chấm xuống dòng, có liên kết với nhau về mặt hình thức, thể hiện bằng các phép liên kết; mỗi đoạn văn khi mở đầu, chữ cái đầu đoạn bao giờ cũng được viết hoa và viết lùi vào so với các dòng chữ khác trong đoạn.
=> Đây là cách hiểu hợp lí, thoả đáng hơn cả giúp người đọc nhận diện đoạn văn trong văn bản một cách nhanh chóng, thuận lợi đồng thời giúp người viết tạo lập văn bản bằng cách xây dựng từng đoạn văn được rõ ràng, rành mạch.
Ví dụ về đoạn văn:
“ Vì ông lão yêu làng tha thiết nên vô cùng căm uất khi nghe tin dân làng theo giặc(1). Hai tình cảm tưởng chừng mâu thuẫn ấy đã dẫn đến một sự xung đột nội tâm dữ dội( 2). Ông Hai dứt khoát lựa chọn theo cách của ông: Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù( 3). Đây là một nét mới trong tình cảm của người nông dân thời kì đánh Pháp(4). Tình cảm yêu nước rộng lớn hơn đã bao trùm lên tình cảm đối với làng quê(5). Dù đã xác định như thế, nhưng ông Hai vẫn không thể dứt bỏ tình yêu đối với quê hương; vì thế mà ông xót xa cay đắng”(6).
Về nội dung:
- Chủ đề của đoạn văn trên là: tâm trạng mâu thuẫn của ông Hai khi nghe tin làng mình theo giặc. Chủ đề này tập trung khái quát ở câu1,2.
- Đoạn văn trên có ba phần:
+ Câu 1,2 là phần mở đoạn. Phần này chứa đựng ý khái quát của cả đoạn văn, gọi là câu chủ đề. Câu chủ đề có thể là một hoặc hai câu văn.
+ Câu 3,4,5 là phần thân đoạn. Phần này triển khai đoạn văn, mỗi câu văn đề cập tới một biểu hiện cụ thể của chủ đề, liên quan tới chủ đề của đoạn văn.
+ Câu 6 là phần kết đoạn. Phần này khắc sâu chủ đề của đoạn văn.
- Đây là đoạn văn có kết cấu đầy đủ cả ba phần: mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Khi viết đoạn văn, không phải bao giờ cũng nhất thiết có đủ ba phần như vậy. Ví dụ: Đoạn quy nạp, câu mở đầu đoạn không chứa đựng ý khái quát mà là câu cuối cùng; đoạn diễn dịch, câu cuối cùng kết thúc đoạn không chưa đựng ý khái quát, chủ đề đã được nêu rõ ở câu mở đoạn.
Về hình thức:
- Đoạn văn trên được tạo thành bằng 6 câu văn được liên kết với nhau bằng các phép liên kết hình thức: phép thế, phép lặp.
Đoạn văn trên được viết giữa hai dấu chấm xuống dòng, chữ cái đầu đoạn được viết lùi vào một chữ và viết hoa.