ĐOẠN TRÍCH "LẼ GHÉT THƯƠNG" CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
Truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là một bài ca đạo đức, một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người chính nghĩa (Phạm Văn Đồng). Đoạn trích Lẽ ghét thương chinh phục người đọc bởi tính nhân đạo, bởi tình cảm yêu ghét phân minh và tấm lòng nhiệt thành với chính nghĩa, là nét đặc trưng tính cách của con người Nam Bộ.
Lẽ ghét thương là lời tâm huyết về nỗi ghét, tình thương của Nguyễn Đình Chiểu.Đoạn trích nằm ở đầu phần hai của tác phẩm. Cùng với Vương Tử Trực lên kinh ứng thí, Lục Vân Tiên gặp Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Họ kết bạn và uống rượu ở quán bên đường, làm thơ đọ tài cao thấp. Trịnh Hâm tỏ ý nghi ngờ tài năng của Vân Tiên, Tử Trực. Ông Quán vỗ tay cuống chiếu cười nhạo kẻ bất tài. Vân Tiên, Tử Trực biết đây là bậc tài danh ẩn náu, ông Quán giãi bày tấm lòng: Vì chưng hay ghét cũng là hay thương; căm phục ông Quán. Mặc dù chỉ là nhân vật phụ, xuất hiện trong ít dòng thơ, nhưng ông Quán là nhân vật sống động, gây ấn tượng. Thực chất ông Quán là người phát ngôn cho tư tưởng, tình cảm của Đồ Chiểu.
Lẽ ghét thương gồm hai sáu câu, trong đó mười câu nói về ghét, mười sáu câu nói về thương.
Căm ghét của cái ghét là lòng thương dân. Mười dòng thơ, từ ghét lặp đi lặp lại tám lần, diễn tả tư tưởng, tình cảm của tác giả: Ghét cái gì? Vì ai mà ghét? Ghét đến độ như thế nào? Để giãi bày nỗi ghét, nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật điệp từ và tăng cấp.
Hai câu đầu:
Quán rằng: Ghét việc tầm phào
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.
Lời lẽ thô mộc, âm hưởng đay nghiến như xiết vào lòng người. Ta tưởng như nhà thơ đã dồn nén, cô đúc vào đây tất cả sức mạnh của tình cảm để bộc lộ sự khinh ghét, căm giận đến tột độ những ngang trái, bất công trong cuộc đời. Thái độ tình cảm đó là thái độ tình cảm của nhân dân, vì thế người dân Việt Nam, đặc biệt người dân Nam Bộ rất yêu thích hai câu thơ này.
Tám câu thơ tiếp theo, hai câu thơ diễn tả cụ thể một nỗi ghét của nhà thơ, một nỗi ghét lại được đặt trên cơ sở một chữ dân. Vì dân mà ghét thương kẻ làm khổ dân, mê dâm như Kiệt, Trụ để dân phải sa hầm sẩy hang; như U, lệ đa đoan khiến dân lầm than muôn phần; như đời Ngũ Bá phân vân làm dân nhọc nhằn, như đời Thúc Quý phân băng (chia rẽ, đổ nát) làm cho lằng nhằng rối dân. Trăm tội đổ lên đầu dân. Cái ghét của ông Quán thực chất là lòng căm thù những con người, sự việc làm tổn hại đến hạnh phúc của nhân dân. Qua mấy câu thơ, dễ dàng cảm nhận được nội dung phê phán của tổ chức. Ghét cũng là thương, bởi có thương dân nên mới biết ghét những kẻ làm hại dân như vậy. Đây chính là tính nhân đạo sâu sắc trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, là chiều sâu tình cảm của Đồ Chiểu.
Ông Quán, trong mười sáu câu thơ tiếp đã tự bạch về tình thương của mình, nó đối lập với nỗi ghét, lòng căm thù.
Ở mười câu thơ trên, nhà thơ để cho ông Quán nói lòng căm thù bọn hại dân, để nói lòng thương dân thì ở mười sáu câu thơ này, nhà thơ lại để cho nhân vật bộc lộ lòng yêu thương trực tiếp với những bậc hiền nhân quân tử đời xưa, những con người tài cao, đức lớn mà không gặp thời, gặp vận, không nên sự nghiệp, không thể giúp ích nhiều cho con người, cho cuộc đời. Mười sáu câu thơ từ thương lặp lại chín lần. Câu thơ đầu đoạn dùng hai chữ thương:
Thương là thương đức thánh nhân.
Thể hiện niềm yêu thương tha thiết của ông Quán với Khổng Tử khi Khổng Tử gặp gian nan, vất vả. Ông Quán thương cả Nhan Tử dở dang - chưa đạt công danh mà chết yểu. Thương cho Gia Cát đã đành phôi pha, tài lành nhưng không xoay chuyển nổi thời vận nhà Hán. Ông Quán còn bộc lộ tình thương đến số phận cay đắng của con người trước quy luật của tạo hoá, xã hội. Đổng Tử chí lớn mà không ngôi; Nguyên Lượng lại lui về cày, Hàn Dũ bị đày đi xa, Liêm, Lạc bị xua đuổi, đó chính là những con người có ít nhiều nét đồng cảnh với Đồ Chiểu, một người từng nuôi chí hành đạo giúp đời:
Chí lăm trả nợ nước non cho rồi.
Nhưng cuộc đời nhà thơ gặp nhiều bất hạnh. Bởi thế, tình thương ở đây chính là niềm cảm thương sâu sắc của Đồ Chiểu. Tình thương và nỗi ghét ở đây không chỉ nhằm vào số phận con người. Đồ Chiểu cũng vì cuộc đời mà tiếc, mà thương cho những tài năng.
Lẽ ghét thương có bố cục chặt chẽ, mạch lạc. Có câu mở đầu nói về ghét, có câu mở đầu nói về thương và kết hai đoạn là ghét và thương:
Xem qua kinh sử mấy lần
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương.
Nửa phần lại ghét, nửa phần lại thương.
Trong mỗi đoạn ghét, thương, nhà thơ còn dùng các điệp từ ghét, thương.
Thơ văn Đồ Chiểu là loại văn chương đạo lí nhưng thấm đẫm màu sắc trữ tình. Nó chinh phục người đọc ở sức mạnh toả ra từ cái tâm trong sáng, cao cả của nhà thơ. Hai trạng thái tình cảm đối nghịch nhưng lại thống nhất trong một con người: thương và ghét, ghét và thương. VÌ thế thương và ghét đan xen, tiếp nối nha trong Lẽ ghét thương, đó chính là một trái tim hoà cùng nhịp đập với cuộc đời với nhân dân. Lẽ ghét thương mang tính triết lí mà cảm xúc, lời lẽ mộc mạc, thô sơ nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc trong lòng người đọc.
Diễn Đàn Kiến Thức- Chế bản từ .100 bài làm văn hay lớp 11.