Nước và bảo vệ nguồn nước

liti

New member
Từ vũ trụ, người ta thấy màu xanh lam bao phủ gần hết bề mặt Trái Đất, đó chính là biển. Biển chiếm tới 71% bề mặt Trái Đất với tổng diện tích khoảng 360 triệu kilômét vuông chứa khoảng 170 triệu kilômét khối nước. Trong nước biển chứa một nguồn tài nguyên tiềm tàng. Nếu phân tích toàn bộ nước biển, người ta có thể thu được 5,5 triệu tấn vàng, 400 triệu tấn bạc, 4 tỷ tấn đồng, 13,7 tỷ tấn sắt, 4,1 tỷ tấn thiếc, 2,7 tỷ tấn ba-ri, 7 tỷ tấn kẽm, 13,7 tấn mô-líp-đen và 13,7 tỷ tấn nhôm.

Gần đây người ta đã lấy được ma-nhê, u-ran, i-ốt, brôm ra khỏi nước biển. Ngoài ra, nước biển còn chứa nhiều chất hóa học, trong đó nhiều nhất là muối ăn (NaCl). Theo tính toán, hiện nay mỗi năm toàn thế giới sản xuất được 100 triệu tấn muối ăn, với tốc độ này thì loài người còn đủ muối dùng trong 500 triệu năm nữa. Nước biển còn là nguồn cấp năng lượng khổng lồ không bao giờ cạn; đó là năng lượng khai thác từ thủy triều, sóng và chênh lệch nhiệt độ (giữa mặt thoáng và dưới sâu). Chỉ tính riêng nguồn năng lượng khai thác từ thủy triều, cả thế giới cũng có khoảng 1 tỷ ki-lô-oát.

Nước chứa ở các hồ cũng chiếm tới 17% tổng lượng nước của Trái Đất (trong đó 9% là nước ngọt, 8% là nước mặn). Trong các hồ nước ngọt, có hồ thuộc vùng U-ran của Nga, nước ở đây ngọt như có pha đường nhưng có độ kiềm cao đến mức quần áo giặt không cần xà phòng mà vẫn sạch. Lại có hồ (nằm giữa Palestin và Jordan trên bán đảo Ả-rập) nước rất mặn, mặn đến nỗi người không biết bơi vẫn tự nổi được trên mặt nước, vì thế không có một loài cá hoặc thủy sinh nào sống được nên có tên là Biển Chết.

Nước chứa trong các con sông là nguồn sống của loài người từ xa xưa đến nay và là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá. Nước sông có tác dụng to lớn trong tưới tiêu, vận tải, phát điện, nuôi cá, và cung cấp nước cho thành phố và các vùng dân cư

Nước ở thể rắn (sông băng, núi băng) ước tính cũng có khoảng 29 triệu kilômét khối, chiếm tới 2% tổng lượng nước trên Trái Đất. Nếu như lượng băng này mà tan ra hết thì nước biển sẽ dâng cao thêm 80-90 mét, nó sẽ xóa sổ nhiều vùng rộng lớn của các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam. Điều này cho thấy, nếu để Trái Đất tiếp tục nóng lên thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng!

Nước còn tồn tại trong khí quyển, người ta gọi là nước trời. Nước trời là nước mưa, tuyết rơi và hơi nước trong không khí. Theo tính toán, hằng năm nước biển bốc hơi tới 420.000 kilômét khối, trong đó 2 phần 3 thành nước mưa rơi xuống biển, số còn lại được gió đưa vào đất liền cộng với hơi nước bốc lên từ lá cây, hồ, ao, sông, suối thành nước mưa hoặc tuyết rơi trên mặt đất mỗi năm chừng 100.000 kilômét khối. Lượng nước mưa này được cây cối tạm thời giữ lại rồi ngấm xuống đất trở thành nguồn nước ngầm chủ yếu hoặc chảy vào các con sông rồi trở về biển.

Nước ngầm được chia thành 3 loại:

- Nước bí lớp trên, nước ẩn và nước tự chảy. Nước bí là do tác dụng ngăn nước cục bộ, làm cho nước mưa tích đọng ở lớp nông trong các kẽ nứt nham thạch. Loại nước này không nhiều và thường tích đọng trong mùa mưa còn mùa khô sẽ bốc hơi đi hết.

- Nước ẩn là nước ngầm được giữ trong một tầng ngăn ổn định tiềm ẩn trong vỏ Trái Đất. Đây là nguồn nước ngầm thường được khai thác hiện nay ở Hà Nội, Hải Dương và nhiều tỉnh khác, là nguồn nước quan trọng dùng trong sinh hoạt và sản xuất. Khi loại nước ngầm này chảy tràn trên mặt đất sẽ tạo ra các dòng suối.

- Nước tự chảy là nước chảy ngầm giữa 2 lớp ngăn nước và ở sâu trong lòng đất nên có áp suất lớn, nhất là hai lớp ngăn nước ở trạng thái nghiêng thì áp suất càng lớn. Khi khoan gặp lớp này nước sẽ tự phọt lên rất mạnh và không cần phải bơm mà nước vẫn tự chảy.

Ước tính có tới 150 triệu kilômét khối nước ngầm, chiếm 1 phần 10 lượng nước của Trái Đất.

Nước là nguồn tài nguyên tưởng như vô tận là vậy, nhưng thực ra nước ngọt chỉ chiếm 3% tổng lượng nước trên Trái Đất. Trong phần nước ngọt ít ỏi này lại chỉ có 5 phần nghìn là uống được.

Trong tự nhiên, nước có khả năng tự làm sạch. Nhưng khi các chất có hại vượt quá khả năng tự làm sạch của nước thì nước bị ô nhiễm. Ô nhiễm nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sản xuất và đời sống con người.

Vậy mà, ô nhiễm nước hiện nay lại là hiện tượng phổ biến trên toàn thế giới. Nguồn gây ô nhiễm nước chủ yếu là nước thải, chất thải từ các nhà máy, bệnh viện, trang trại chăn nuôi, ruộng đồng, cơ sở giết mổ gia súc-gia cầm, nhà hàng, gia đình chưa qua xử lý, do vô tình hoặc hữu ý đã xả vào nguồn nước chung. Trong chất thải, nước thải này có nhiều chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích, các kim loại nặng ( chì, thủy ngân, ca-đi-mi, crôm), chất phóng xạ, dầu mỏ, vi sinh vật có hại...

Trên thế giới, nhiều sông, hồ và nước ngầm đã bị ô nhiễm. Tại Trung Quốc, đầu những năm 1980, người ta đã cho tiến hành điều tra các đoạn sông với tổng chiều dài tới 53.000 kilômét. Kết quả cho thấy: Nước không thể tưới tiêu được chiếm tới 23,3%; nước có thể uống được chỉ có 14%. Gần đây do sự cố của một nhà máy hóa chất đã làm cho nước một con sông trong khu vực ảnh hưởng bị ô nhiễm nặng, chính phủ Trung Quốc đã tạm thời cấm sử dụng nước sông ở khu vực này.

Ô nhiễm nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người như thế nào? Theo điều tra của tổ chức y tế thế giới, 70% số người phải uống nước không hợp vệ sinh, dẫn đến một kết cục đau lòng: Hằng năm có 1,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết phần lớn đều liên quan đến nước uống và hằng ngày có khoảng 25.000 người mắc bệnh vì dùng nước ô nhiễm hoặc thiếu nước mà chết.

Ô nhiễm nước làm tổn thất nặng nề cho sản xuất nuôi trồng thủy sản. Nhiều loài thủy sản không thể ăn được vì chúng sống trong môi trường nước bị ô nhiễm. Nước bị ô nhiễm còn làm giảm năng suất ruộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm thu hoạch trên đó. Ô nhiễm nước cũng gây tác hại không nhỏ đến giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, du lịch

Ở Việt Nam, nhiều sông, hồ tiếp giáp với các khu công nghiệp, vùng khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, các làng nghề giết mổ gia súc, chế biến thực phẩm, các thành phố và các khu dân cư có mật độ dân số caođã bị ô nhiễm trầm trọng. Ngay ở Hà Nội, các hồ bị ô nhiễm nặng như: Văn Chương, Thành Công, Giảng Võ, Linh Quang; các sông ô nhiễm nặng như: Sét, Lừ, Kim Ngưu, Tô Lịch. Sự ô nhiễm này thể hiện rất rõ ở màu nước xám xanh, xám đen, mùi hôi tanh, thối rất khó chịu. Tại các hồ, sông nêu trên (theo tài liệu công bố của Viện nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản) người ta thấy các chất lơ lửng, BOD, COD, ôxy hòa tan, PO4, NH4, H2S, phenol, cyanua đều cao hơn gới hạn cho phép từ 1,2 đến 2-3 lần...

Ô nhiễm nước sinh hoạt, trong đó có kim loại nặng, thuốc trừ sâu và các hóa chất đặc hữu khác là tác nhân chính dẫn đến một số vùng ở nước ta xuất hiện những làng ung thư gây bức xúc trong dư luận. Thời gian gần đây vùng ven biển nước ta còn bị ô nhiễm do tràn dầu; dầu đã tràn lên các bãi biển ở một số tỉnh miền Trung và miền Nam.

Ở tỉnh Hải Dương, tình trạng ô nhiễm nước đã xẩy ra ở nhiều nơi, trong đó đáng quan tâm là: Thành phố Hải Dương, thị trấn Sao Đỏ, Phả Lại (Chí Linh), Nhị Chiểu (Kinh Môn), Sặt (Bình Giang); làng nghề Văn Thai chuyên giết mổ trâu bò, làng nghề Phú Lộc chuyên nấu rượu (Cẩm Giàng). Qua các tài liệu từ các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại khu vực thành phố Hải Dương đã khẳng định nước ngầm ở độ sâu 6 đến 10 mét đã bị ô nhiễm chất hữu cơ và vi sinh khá nặng; nhiều thủy vực đã bị ô nhiễm trầm trọng, trong đó có các hào thành, Hồ Máy Sứ, các hồ nhỏ thuộc nội thành, đoạn sông Bạch Đằng, hồ Bạch Đằng. Các con sông chảy qua thành phố cũng đã và đang bị ô nhiễm, trong đó sông Sặt (đoạn thuộc nội thành) đã bị ô nhiễm hữu cơ nặng (kết quả khảo sát từ năm 2002 mà nồng độ BOD5 đã vượt tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt loại A (TCVN 5942-1995) 6 lần, nồng độ COD còn không đạt loại B) và ô nhiễm do các chất dinh dưỡng (nhất là NH4+) vượt xa tiêu chuẩn nước mặt loại B. Nước sông Thái Bình cũng đã bị ô nhiễm hữu cơ và các chất dinh dưỡng ở mức nhẹ, không đạt tiêu chuẩn nước mặt loại A...

Trong công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Sở Tài nguyên và Môi trường ở các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan giúp Chính phủ và UBND các đia phương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh lĩnh vực này. Tuy vậy, việc quản lý và bảo vệ nguồn nước còn nhiều bất cập, trong đó nước thải sinh hoạt ở tất cả các thành phố trong nước đều không được xử lý tập trung mà xả thẳng vào nguồn nước; việc giám sát chất lượng nước thải tại các cơ sở sản xuất, bệnh viện và việc khai thác nước ngầm rất hạn chế hoặc bỏ ngỏ.

Ở tỉnh Hải Dương, việc quản lý và bảo vệ nguồn nước cũng ở trong tình trạng như vậy. Tuy nhiên, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường trước kia và Sở Tài nguyên và Môi trường hiện nay đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực quản lý bảo vệ môi trường, trong đó có việc quản lý và bảo vệ nguồn nước. Đặc biệt, ngày 26 tháng 2 năm 2007, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh ra chỉ thị số 05/2007/CT-UBND về việc nghiêm cấm xả nước thải không đảm bảo tiêu chuẩn vào môi trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Nước là nguồn tài nguyên quý báu của nhân loại. Nước là nguồn sống. Không có nước thì không có sự sống. Bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của tất cả chúng ta., nước chiếm tỷ lệ khá cao so với khối lượng của cơ thể: 50% đối với nữ, 60% đối với nam và 80% đối với trẻ em. Nước là yếu tố quan trọng bậc nhất cho sự sống và sức khỏe của con người.
Trương Văn Nhi
-----

Xem thêm: TÀI NGUYÊN - MÔI TRƯỜNG
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top