• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Nước Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 tới nay.

Trang Dimple

New member
Xu
38
Nước Mỹ từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 tới nay.


1 Vị trí bá chủ thế giới.

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã dẫn tới những chuyển biến căn bản của tình hình quốc tế. Chiến tranh đã làm thay đổi hoàn toàn so sánh lực lượng trên phạm vi thế giới. Châu Âu, với địa vị trung tâm của thế giới kể từ khi chủ nghĩa tư bản ra đời, bị suy yếu nghiêm trọng. Các nước tư bản đứng đầu châu Âu như Anh, Pháp đều bị chiến tranh tàn phá. Dù là nước thắng trận nhưng Anh, Pháp đều không thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình như thời kì sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, hơn thế nữa, ngay cả sự thống trị đối với những vùng đất thực dân cũ cũng bị đe doạ. Các nước phát xít, kẻ thù chung của nhân loại đã bị tiêu diệt và hoàn toàn kiệt quệ. Châu Âu bị tách thành hai khối Đông và Tây.

Trong lúc đó, nước Mĩ đã vươn lên hết sức nhanh chóng về thế và lực, trở thành một siêu cường khống chế toàn bộ thế giới tư bản chủ nghĩa. Khi chiến tranh kết thúc, nước Mĩ chiếm gần 60% tổng sản lượng công nghiệp, 3/4 trữ lượng vàng của thế giới tư bản và là chủ nợ lớn nhất trên thế giới. Về quân sự, Mĩ đứng đầu thế giới tư bản về lục quân, hải quân, không quân và nắm độc quyền về bom nguyên tử trong thời gian đầu sau chiến tranh. Các nước tư bản châu Âu và Nhật đều phải dựa vào sự giúp đỡ của Mĩ để phục hồi kinh tế. Đây chính là cơ hội có một không hai để Mĩ vươn lên nắm quyền lãnh đạo trong hệ thống tư bản chủ nghĩa và thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới.

Trong bối cảnh đó, Mặt trận đồng minh chống phát xít, hình thành trong chiến tranh, đứng trước nguy cơ tan rã. Những mâu thuẫn trong nội bộ các lực lượng chống phát xít, vốn tạm thời dịu đi trong chiến tranh, nay ngày càng bộc lộ công khai. Ngay trong giai đoạn cuối của chiến tranh, Mĩ đã nhìn nhận Liên Xô như một lực lượng chính, có khả năng cản trở âm mưu bá chủ thế giới của mình. Khi thất bại của phe phát xít chỉ còn là vấn đề thời gian, cũng là lúc Mĩ bắt đầu triển khai chính sách kiềm chế Liên Xô. Quá trình tập hợp lực lượng mới sau chiến tranh dựa trên cơ sở ý thức hệ và lợi ích quốc gia được bắt đầu từ Hội nghị Ianta (2 - 1945), khi chiến tranh còn chưa kết thúc.

2 Giai đoạn từ 1945-1989: chiến tranh lạnh- với vai trò trụ cột của Mĩ


Sau khi chiến tranh kết thúc, những rạn nứt chính trị trong quan hệ Xô - Mĩ ngày càng lớn, đặc biệt là trong vấn đề Đông Âu. Với ảnh hưởng và sự giúp đỡ của Liên Xô, hàng loạt nước Đông Âu đã thực hiện những cải cách tiến bộ và trở thành những nước dân chủ nhân dân. Trong khi đó, Mĩ tìm mọi cách để ngăn cản quá trình cách mạng ở Đông Âu, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội và thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Sau khi Tổng thống Rudơven qua đời (4 - 1945), H. Truman lên làm Tổng thống và bắt đầu thực hiện chính sách cứng rắn với Liên Xô. Tháng 3 - 1947, Truman đọc bài diễn văn trước Quốc hội, thực chất là công bố chính sách đối ngoại mới, được gọi là Học thuyết Truman, nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản. Truman yêu cầu Quốc hội viện trợ khẩn cấp cho Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì để chống lại “sự đe doạ” của Liên Xô, thiết lập sự thống trị của Mĩ ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải, một khu vực có tầm chiến lược quan trọng ngay sát Liên Xô. Với học thuyết Truman, Mĩ công khai từ bỏ hợp tác với Liên Xô trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế như đã từng diễn ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai và bắt đầu cuộc Chiến tranh lạnh chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

Sau khi phát động Chiến tranh lạnh, Mĩ tìm cách lôi kéo các đồng minh vào các liên minh do Mĩ khống chế để tăng cường lực lượng chống Liên Xô và chủ nghĩa xã hội. Ngày 5 - 6 - 1947, ngoại trưởng Mĩ G. Marshall đọc một bài diễn văn tại trường đại học Harvard, công bố “kế hoạch phục hưng châu Âu” bằng viện trợ của Mĩ.

Từ tháng 4 - 1948, kế hoạch Mácsan bắt đầu được thực hiện, Mĩ đã chi khoảng 12,5 tỉ đôla cho kế hoạch này. Nền kinh tế các nước Tây Âu phục hồi và phát triển nhanh chóng, tuy nhiên bị đặt dưới sự khống chế của Mĩ. Đó là cơ sở để Mĩ tiếp tục thao túng Tây Âu về chính trị và quân sự.

Sau khi tuyên bố học thuyết Truman và thực hiện kế hoạch Mácsan, Mĩ xúc tiến âm mưu chia cắt nước Đức, biến Tây Đức thành con đập ngăn làn sóng chủ nghĩa cộng sản tràn vào châu Âu. Vấn đề Đức trở thành tiêu điểm của cuộc đấu tranh giữa hai phe ở châu Âu. Mĩ đề nghị thống nhất khu vực chiếm đóng của ba nước Mĩ, Anh, Pháp ở Tây Đức, thực hiện những cải cách kinh tế, tiền tệ riêng rẽ và bác bỏ những đề nghị của Liên Xô về việc thành lập một chính phủ chung cho toàn nước Đức theo nghị quyết Pốtxđam. Tháng 8 - 1949 ở Tây Đức đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội riêng rẽ và sau đó một tháng, ngày 12 - 9 - 1949 nước Cộng hoà Liên bang Đức tuyên bố thành lập.

Mĩ đóng vai trò trụ cột, đã chi 180 tỉ USD, triển khai lớn hơn 300.000 quân ở Tây Âu. Ngoài mục tiêu chống LX CNCS, Mĩ còn mục tiêu thông qua cái ô an ninh để kiềm chế Tây Âu. Các nước Tây Âu muốn giảm lệ thuộc Mĩ (Pháp). Chứa đựng khác biệt về lợi ích Như vậy, sau khi chiến tranh kết thúc chưa đầy một thập niên, ở châu Âu đã hình thành hai khối quân sự đối đầu nhau. Sau khi thành lập, cả hai khối quân sự đều tiến hành chạy đua vũ trang để tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai cực Xô - Mĩ, sự đối đầu giữa hai khối Đông - Tây ngày càng trở nên gay gắt.

3 Giai đoạn từ 1989-nay.

Năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, trật tự thế giới tồn tại gần nửa thế kỷ đã bị phá vỡ, cục diện thế giới và quan hệ chính trị quốc tế thay đổi về cơ bản, dẫn đến hình thành trật tự thế giới mới và tập hợp lực lượng mới. Trước hết, đó là sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại của các nước lớn nhằm giành vị trí xứng đáng trong quan hệ quốc tế. Tất cả các nước khác cũng đều tìm cách tác động một cách có lợi nhất cho mình vào quá trình thiết lập trật tự thế giới mới. Từ sự đa dạng về lợi ích của các chủ thể quan hệ quốc tế đã hình thành nhiều mối quan hệ song phương và đa phương, làm cho tình hình thế giới càng thêm phức tạp.

- Trong số các cường quốc, thời kỳ này thực lực giữa ba trung tâm của chủ nghĩa tư bản là Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản đã nhích lại gần nhau, không còn quá chênh lệch như trước đây. Mỹ không còn quá mạnh để áp đặt các nước, nhưng vẫn muốn xác lập vai trò lãnh đạo thế giới.

trục đấu tranh chính trong quan hệ giữa các nước lớn đã chuyển từ Mỹ - Liên Xô sang quan hệ Mỹ - Trung.
Trước đây, Mỹ quan hệ với Trung Quốc để ngăn chặn Liên Xô, nay kết cấu chiến lược đó không còn ý nghĩa. Sự lớn mạnh của Trung Quốc lại thách thức dài hạn đối với Mỹ, biến mối quan hệ Mỹ - Trung lên tầm cao mới, thành trục chính và quan trọng nhất. Nếu Mỹ - Trung đối đầu, khả năng phân cực sẽ diễn ra giữa Mỹ - Nhật một bên, Nga - Trung (có thể cả Ấn Độ) một bên. Nếu quan hệ Trung - Mỹ ổn định, sự phân cực giữa các nước lớn sẽ không xảy ra.

Trong lúc các cường quốc đang nổi lên thì Mĩ vẫn là một siêu cường, một cường quốc vượt trội và là cường quốc duy nhất có ảnh hưởng ở cấp độ toàn cầu. Nước Mĩ vừa trải qua một chu kì tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước này (1992 - 2001), với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (từ 3 đến 4%), chỉ số thất nghiệp thấp, mức lạm phát thấp. Với số dân chỉ bằng 4,7% dân số thế giới, nhưng nước Mĩ chiếm trên 30% GDP toàn cầu, với khoảng 10.000 tỉ đôla hàng năm, bằng GDP của tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cộng lại. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, sức mạnh tổng hợp của Mĩ

(gồm 7 lĩnh vực: kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, chính trị, xã hội, ảnh hưởng trên trường quốc tế) lớn hơn hai lần Nhật Bản và hơn bốn lần Trung Quốc(1). Với sự giải thể Liên bang Xô viết, Mĩ không còn đối thủ cạnh tranh và có mưu đồ thiết lập trật tự thế giới một cực. Nhằm đạt được mục tiêu chiến lược ngăn chặn không cho cường quốc nào, dù là đồng minh hay đối thủ vươn lên thách thức vai trò siêu cường của mình, Mĩ thực hiện chính sách đối ngoại đơn phương, chà đạp lên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, coi thường các tổ chức quốc tế, kể cả Liên Hợp Quốc và chỉ lợi dụng các tổ chức này khi cần thiết vì lợi ích của Mĩ. Mĩ cho triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chống tên lửa (NMD), rút ra khỏi hiệp ước ABM, từ chối không phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân… Chiến lược xây dựng một thế giới đơn cực do Mĩ chi phối được bắt đầu ngay sau chiến tranh lạnh và được thể hiện bằng những biện pháp cứng rắn, công khai hơn trong thời kì cầm quyền của Tổng thống Bush (con).

Trong bối cảnh đó, sự kiện nước Mĩ bị tấn công khủng bố ngày 11 - 9 - 2001 là một đòn choáng váng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa âm mưu thiết lập trật tự đơn cực của Mĩ. Sau khi mất ngọn cờ “chống cộng” để tập hợp lực lượng trong chiến tranh lạnh, Mĩ đưa ra chiêu bài thành lập liên minh chống khủng bố quốc tế để tập hợp lực lượng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành một trật tự thế giới mới do Mĩ chi phối. Sự kiện 11 - 9 - 2001 được dùng để biện minh cho quyết định sử dụng lực lượng quân sự phát động cuộc chiến tranh chớp nhoáng ở ápganixtan (10 - 2001) và cuộc chiến tranh Irắc (3 - 2003) của Mĩ, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế. Mĩ đã lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố để tăng cường sức mạnh và thực hiện mục tiêu chiến lược lâu dài bá chủ thế giới của mình. Chủ nghĩa đơn phương, ý đồ thiết lập trật tự thế giới đơn cực của Mĩ đã vấp phải sự chống đối không những của các nước lớn như Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc… mà còn của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Phong trào chống chiến tranh, chống chính sách hiếu chiến của Mĩ ở Irắc lan rộng khắp thế giới. Mâu thuẫn giữa chủ trương xây dựng thế giới đơn cực do Mĩ chi phối với yêu cầu thiết lập một trật tự đa cực của các nước lớn và cộng đồng quốc tế là một trong những mâu thuẫn cơ bản trong quan hệ quốc tế thời kì sau Chiến tranh lạnh.

Tình hình thế giới đang chuyển tiếp sang một trật tự thế giới mới. Thời kỳ quá độ sau chiến tranh lạnh hiện nay được các nhà nghiên cứu gọi là trạng thái “nhất siêu, nhiều cường”. Trong trạng thái này, Mĩ nổi lên là siêu cường mạnh nhất so với các cường quốc khác, với ưu thế vượt trội trên tất cả các lĩnh vực then chốt của sức mạnh. Do tương quan lực lượng giữa các nước lớn hiện nay đang có lợi cho Mĩ, cùng với những thắng lợi quân sự nhanh chóng tại ápganixtan và Irắc, nên Mĩ có chủ trương xây dựng một trật tự thế giới đơn cực do Mĩ chi phối. Tuy nhiên ảnh hưởng của Mĩ bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi sự vươn lên của các cường quốc khác như Nhật Bản, Tây Âu, Nga, Trung Quốc…

Xu thế phát triển của trật tự thế giới trong tương lai là tiến tới một hệ thống đa cực, bởi lẽ nhìn trên bình diện toàn cầu, một quốc gia, dù là siêu cường duy nhất cũng không có khả năng kiểm soát thực tế toàn bộ các lĩnh vực của đời sống quốc tế. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hoá khiến cho Mĩ không thể và không đủ khả năng thiết lập một trật tự đơn cực mà phải dựa vào các cường quốc khác và các tổ chức quốc tế, trong đó quan trọng nhất là Liên Hợp Quốc. Việc tái thiết Irắc sau chiến tranh đã cho thấy thực tế đó. Bên cạnh đó, đặc điểm chủ yếu trong quan hệ giữa các nước trong trạng thái “nhất siêu nhiều cường” hiện nay vẫn tiếp tục là hợp tác, cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau. Quá trình toàn cầu hoá, khu vực hoá và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước đã tạo ra tình thế buộc các nước phải vừa hợp tác, vừa cạnh tranh nhưng tránh đối đầu, xung đột và chiến tranh.

Trong những năm tới, mục tiêu của Mỹ vẫn không thay đổi, là xác lập một trật tự thế giới một cực dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Trong những năm tới, các cặp quan hệ Mỹ - Nhật, Trung - NhậtNga - Nhật có lẽ là những mối quan hệ ít thay đổi nhất. Quan hệ Mỹ - Nhật vẫn là quan hệ đồng minh, liên minh chặt chẽ, nước này luôn coi nước kia là hòn đá tảng trong chiến lược đối ngoại và an ninh của mình, và tính chất này nhìn chung không thay đổi trước những thăng trầm của lịch sử thế giới. Sau sự kiện 11 – 9, Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở một số nước châu Á – Thái Bình Dương, nhưng các căn cứ trên đất Nhật Bản vẫn là những mắt khâu chính yếu và quan trọng nhất để Mỹ triển khai chiến lược an ninh ở khu vực này. Trên thực tế, trong quan hệ song phương và trên trường quốc tế, Mỹ đang lợi dụng Nhật hơn là hợp tác bình đẳng với Nhật. Nhật vẫn bị Mỹ coi là đồng minh đàn em, và không hiếm khi Mỹ qua mặt Nhật trong các vấn đề quốc tế và trong quan hệ với những nước lớn khác.

Như vậy, có nhiều nhân tố chủ quan và khách quan thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các nước lớn những năm đầu thế kỷ XXI, nhưng trong sâu xa quan hệ giữa họ vẫn chứa đầy mâu thuẫn, xung đột. Có thể quy lại ở mâu thuẫn giữa đơn cực và đa cực, giữa Mỹ và các nước lớn khác trong việc vẽ lại bản đồ chính trị - an ninh – kinh tế thế giới. Quan hệ giữa các nước lớn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cục diện quan hệ giữa họ còn tiếp tục thay đổi khó lường. Hơn nữa, trong thời điểm hiện nay, khi tình hình Irắc sau chiến tranh, vấn đề hạt nhân ở Iran và Bắc Triều Tiên, quan hệ Palextin – Ixraen … còn diễn biến phức tạp, lại liên quan trực tiếp đến lợi ích của các nước lớn (nên chắc chắn họ có sự mặc cả với nhau để dàn xếp lợi ích), thì cục diện đó càng khó đoán định. Với cục diện quan hệ giữa các nước lớn như vậy, trật tự thế giới mới khó có thể được xác lập trong tương lai gần.

NGUỒN : DIENDANKIENTHUC.NET*
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top