Nước mắt kẻ trộm - Thư Nguyên Phong

Làng Bình Quý, cái làng nông thôn ấy lại xảy ra chuyện nữa.

Cách độ vài tháng trước, cái sự làm xôn xao dân tình, xôn xao người trên kẻ dưới, là việc nhà nhà bán đất ruộng cho 1 công ty tên gì gì đó. Việc trọng đại, người dân phấn khởi ra mặt; chắc chưa bao giờ, họ kiếm được món lợi lớn đến như vậy, nhờ mảnh đất mà nhà nước giao cho. Rồi sau này, nếu họ không làm ruộng, chính họ cũng chẳng biết là sẽ phải làm gì?
Một thời gian sau, lòng người cũng đã nguôi ngoai, với hai tháng chỉ ăn và chơi, giờ người ta cũng phải lăn lộn kiếm việc để làm cho đỡ buồn chân buồn tay, cho đỡ nhớ thân cây lúa xanh non, mùi bùn đất tanh tanh- 1 thời trót gắn bó như bạn. Người dân quanh quẩn, đi ra đi vào, chuyện trò vu vơ với nhau bằng cái giọng vẫn dân dã lắm, đại ý: “giá như vậy vẫn rẻ quá”...

Mấy ngày này, chẳng biết thông tin ở đâu, có lẽ là trên ủy ban đưa xuống, vì chỉ thấy các ông xã họp hành liên miên. Và rồi, 1 con số được đưa ra, “làng Bình Quý, hiện nay, có trên 45 người...”
Đấy, dân làng lại 1 phen xôn xao, mà xôn xao thực. Ông già, bà cả cũng có thêm chuyện mà nói với nhau trong bữa cơm chiều quạnh quẽ...

Chó lại cắn râm ran lúc nửa đêm, một con, hai con, rồi thành thử, tất cả các con trong làng, đến cả những chú ẳng con cũng phải gào lên... Lúc ấy đã hơn hai giờ đêm, chó đua nhau sủa, người trong chăn cũng không yên lòng mà nhắm lại mắt nữa, rồi họ thao thức đến sáng. Có người cẩn thận, bật ngay dậy, tỉnh như sáo, đi xem lại mọi cánh cửa trong nhà, rồi đồ đạc, khi đã yên tâm, lại vào giường, nằm xuống mà đâu có ngủ được...

***
- Bọn chúng quấy quá.
Ông hàng thịt nhăn nhó nói với sang bà bán rau bên cạnh, vừa nói vừa ngáp, chắc hôm rồi, ông cũng mất ngủ.
- Thì vậy...
Lời qua tiếng lại, bà bán rau thôi không đánh nhịp với cái đầu, cái cơn buồn ngủ, có vẻ đã tỉnh hẳn. Rồi họ nói, họ phàn nàn, làm cho không khí bớt đi vẻ nhàm chán.
Phải đến năm giờ sáng, khi có người qua kẻ lại, chợ quê mới hết đi cái vẻ buồn hiu hắt.
Chợ họp lúc tang tảng sáng, cũng chỉ vài ba người bán vài thứ vặt vãnh mà thành chợ. Mà thế là cũng đã phát triển hơn cách đây vài năm rồi. Xưa, người làng này muốn mua thịt là phải lên tận huyện, cách đây độ 7 cây số.

- Chào ông. Chào bà...
Tân vừa đi thong thả, thỉnh thoảng lại gập đầu khi gặp vài người già trong làng chạy lịch bịch theo hướng ngược lại.
Cái lạnh, cái rét buốt cuối năm, không làm những người chăm thể dục buổi sáng thấy ngại. Đây có lẽ là thói quen của dân làng này, 1 thói quen tốt.
Tân thò tay vào túi quần, móc ra cái điện thoại, chút ánh sáng yếu ớt từ màn hình hắt lại, mới là hơn 5 giờ. Anh lại thong dong tiếp, nhẩn nha trên con đường quen thời thơ ấu, cái lạnh làm thỉnh thoảng anh lẩm bẩm, “sắp đến tết rồi ”.

Tân ăn học trên Hà Nội 5 năm, lần nào về quê, cũng thấy sự thay đổi. Mà lần này, sự thay đổi lớn nhất anh nhận ra, bây giờ anh không phải là thiểu số, “thức khuya dậy sớm, rồi lại ngủ ngày, ít nhất trong cả làng- còn có thêm 45 thằng nữa như anh...”

Lũ chó trong làng lại ăng ẳng, lại vẫn hơn hai giờ sáng.

Đầu tiên là tiếng bước chân lạc lõng đêm khuya, rồi tiếng thì thầm to nhỏ của dăm đôi vợ chồng, vài tiếng bước chân của những người cẩn thận, tiếng rục rịch mở rồi lại đóng cửa-của các gia đình gần đường, rồi lại tiếng nheo nhéo của trẻ con khóc, chắc chúng cũng không thể ngủ yên...

Tân buột miệng phát ra tiếng chửi, lại bọn nghiện; anh rời mắt khỏi màn hình vi tính, đứng dậy, cầm ống tuýp sắt to bằng cổ tay dựng góc nhà; anh đã phải chuẩn bị từ mấy ngày nay, từ ngày mà mẹ anh phàn nàn là bị mất đôi gà dành ăn tết. Thực, sự việc đó xảy ra, không khác nào 1 cơn gió độc thổi vào làm anh choáng váng. Cả ngày hôm đó, sự tức trong lòng không sao vơi bớt, miệng anh lẩm bẩm luôn, “mẹ chúng nó chứ. Chuột sa hũ gạo, túng quá làm liều. Ai ngờ nuôi ong tay áo. Ăn trộm đâu không ăn trộm, lại dám trộm cả nhà ông... Quân khốn nạn thật, ngày thường thì chào hỏi nhau như anh em, đêm đến lại trở mặt... Thích ăn chôm chôm, ông thì sẽ cho biết tay”.

Tân mở cánh cửa thông với ban công, anh xỏ vội đôi dép, rón rén bước ra. Ngoài trời, tối đen như mực, vài cơn gió lạc làm anh thỉnh thoảng phải rùng mình, sương sớm có dịp táp thẳng vào mặt, khiến anh thấy lạnh buốt. Tân bật đèn pin, lia đi xung quanh, chẳng phát hiện ra gì cả, bốn phía lại tĩnh mịch như tờ, chó đã thôi cắn, tiếng thầm thì ngớt dần... Yên lành rồi.
Anh đóng cánh cửa, dựng thanh sắt vào 1 góc, ngồi lại bên máy tính, tay anh thoăn thoắt lướt đi trên bàn phím...

Quả thật, bọn này cũng biết điều. Mà không biết điều sao được, anh đã nói thế, thì có mặt nào còn dám ho he.

Chỉ sáng hôm trước, sau cái đêm nhà anh mất đôi gà, anh đi khắp làng, vào nhà từng thằng, gặp thằng nào anh cũng mắng cho té tát... Chúng chỉ dám vâng dạ. Ngoan ngoãn thực. Anh vất lại cho vài trăm, buông những câu luân lý hợp thời, rồi mới ra về, bỏ lại sau lưng 1 lũ khúm núm, cảm ơn rối rít...

Sáng sớm, vừa trông thấy Tân chạy thể dục về, mẹ anh đã nói:
- Từ sau, con đừng phơi quần áo qua đêm, cũng đừng phơi ngoài sân nữa. Mất hết rồi. Chúng nó lấy làm gì không biết? Giá mà bố con ở nhà, chắc chúng nó không dám động đến cái nhà này. Nhà không có đàn ông. Khổ thế đấy...
Toàn thân anh bức bối, ngột ngạt. Khó chịu.
Há chẳng phải anh cũng là 1 thằng đàn ông hay sao? Trong mắt mẹ, anh vẫn chỉ là thằng cu của những năm nhỏ dại hay sao?.
Kiểu này thì không thể chịu thêm được nữa.

Cả ngày hôm đó, anh chẳng thể suy nghĩ được gì, đầu óc quay cuồng, trống rỗng. Anh tức lắm, khó chịu nó làm tắc hết mọi mạch máu trong người.

Đêm, tiếng mèo hoang kêu thê lương, rồi lại tĩnh mịch, cái yên ổn là thật hay chỉ giả tạo trong phút chốc.
Hơn 1 giờ, lại có tiếng bước chân.
Tân bật dậy khỏi ghế, tay phải lăm lăm cây gậy sắt, tay trái đèn pin, anh đẩy mạnh cửa bước ra, lia ánh sáng khắp phía...

Đây không biết là lần thứ bao nhiêu rồi. Có 1 đêm mà đến ngót chục lần đi ra đi vào như thế.

Đêm, cơn mưa phùn lất phất, ảm đạm vô cùng.
Tân cố bình tâm, anh lại gõ nhanh bàn phím...
Được dăm phút, chó lại sủa ran, bởi tiếng xe máy lướt nhanh trong đêm, như chạy trốn, chắc chỉ là những người đi chợ sớm.
Tiếng lợn bị chọc tiết kêu thét inh ỏi vọng về ở nơi nào xa lắm...

Độ ba giờ sáng, khi tất cả còn đang yên giấc, 1 vài người ngủ muộn đã kịp chợp mắt, khi họ vội nghĩ rằng, đêm nay lành quá.
Hóa ra, họ nhầm thật, họ nhầm vì lẽ, mưa làm thằng nghiện khó ngủ hơn, mà chính vào giờ này, chúng nó mới lên cơn.

Nghe tiếng động, Tân nhổm người dậy, nhanh như đã kịp thành thói quen. Phải những người lười, những người ngủ sớm thì không biết, chứ 1 người sống về đêm như Tân thì rành lắm. Đêm khuya, đến tiếng muỗi bay qua bay lại cũng quá rõ mà.

Tân chẳng cần tìm lâu. Đây rồi, thằng Nhiệm, nó đang bám cả cái thân người khẳng khiu, đặc gân xanh gân đỏ lên bức tường nhà anh, trông nó không khác là mấy với con nhái bén bám trên 1 tàu lá chuối. Ánh đèn rọi tới, nó thoáng giật mình, nó nhìn chằm chặp vài giây về phía Tân, rồi cúi gằm mặt. Nó vội tụt cho cái thân xuống. Thì ra, y đã kịp ném về bên kia bức tường vài cái thau, cái chậu nhôm vừa lấy được từ nhà Tân, nhưng chưa kịp trèo qua bên kia, thì bị anh phát hiện.
Mặt Tân đanh lại, giọng gằn hẳn xuống.
- Ở yên đấy.
Anh tắt đèn pin, đi nhanh xuống cầu thang, xuống sân, nơi thằng trộm còn chờ anh ở đấy. Anh biết, nó không dám chạy, anh đã nhìn đích mặt, nó có chạy, mai anh đến tận nhà, thì cũng vẫn vậy cả thôi.

Quả nhiên, nghiện cũng là giống biết nghe lời, khi Tân xuống thì thằng đó vẫn chôn chân ở chỗ cũ. Nó lúc này trông đáng tội thật, run như cầy sấy, chắc vì bị bắt quả tang, hoặc vì cái lạnh thấu xương. Môi bầm tím, mím chặt lại, có vẻ nó cũng đã biết sợ, như 1 đứa trẻ biết lỗi khi đứng trước người lớn.
- Tao tha cho lần này. Lần sau, kiếm ăn ở đâu thì kiếm, mò đến đây thì liệu hồn. Tao báo danh truyền đời cho mày thế đấy.
Thằng Nhiệm tựa con chó con, ngoan ngoãn và dễ bảo. Tân nói đến đâu, nó chỉ khẽ lí nhí, vâng vâng dạ dạ, như bọn con nít ranh vậy.
Nó cũng không dám nhìn Tân, đầu vẫn cúi gằm, 1 chốc mà ngáp tới mấy lần, nhìn nó ngáp, chắc không ai nghĩ là do buồn ngủ. Những điệu bộ, cử chỉ ấy, như lúc này đây, thật có hồn, thần tình thế không biết...
- Mày vào lối nào, bây giờ ra bằng lối ý. Khi ra tới bên kia, vất lại những thứ mày vừa lấy. Nghe không?
Tân nói như ra lệnh, làm nó lại run lên, nó ngáp thêm cái nữa, rồi gãi tai, gãi đầu, gãi như gãi ghẻ. Vò đầu bứt tai 1 lúc lâu, vẫn im ru bà rù.
- Biến.
Nghe xong câu hiệu lệnh ấy, mới thấy nó bắt đầu nhúc nhích. Nó bám hai cánh tay run run vào bức tường cao quá đầu người, nhổm môm, kiễng chân, nhưng có lẽ do trời mưa, tường ẩm ướt, vả nó đang lên cơn thèm, nên trong người nó yếu quá. Bao nhiêu lý do đó- khiến thằng nghiện không sao trèo lên được bức tường cao ngút đầu. Nó rơi đánh phịch xuống. Nó lại kiễng chân, nhổm mông, hai tay bám vào tường... Nhưng lần này, Tân đã vội lên tiếng để ngăn lại, “đợi thằng này trèo qua, chắc sáng bảnh mắt mất”.
- Thôi. Để tao mở cửa, cho mày ra.
Thằng Nhiệm há hốc mồm, nó ngáp ngắn ngáp dài, rồi gãi cái đầu đầy mạng nhện, ẩm mốc, và ướt nhẹp bởi sương đêm...
Cửa vừa mở, nó lững thững đi ra, nó buồn rười rượi trong những cái ngáp đều đặn hơn. Nó uể oải, nó lê đôi dép quền quệt... Nó nhọc lắm rồi.
Tân hai tay cầm mấy cái chậu, cái thau bằng nhôm đứng một chốc- nhìn theo dáng nó cách độ vài bước chân.
Một làn khói đặc như khói thuốc thoát ra theo cái hơi thở dài thườn thượt...
- Này. Cho mày. Hút cho đỡ vật.
Tay nó run run nhặt bao thuốc Tân vừa vất xuống đất, hình như mắt nó rơm rớm nước...

***

Vào trong nhà rồi mà Tân vẫn cứ thấy lạnh buốt. Anh cởi vội đôi găng tay bằng len đã ướt nước, vất vội vào máy giặt, nhấn nút để giặt cùng đống quần áo trong đó 1 thể.

***
Trời chửa kịp sáng, đã thấy người ta nhốn nháo cả lên. Tân chỉ chợp mắt có 1 chốc, anh lầm bà lầm bầm, 1 lúc rồi tỉnh hẳn, đẩy cái chăn bông ra khỏi người, anh chạy vội ra ngoài.

Tân từ tốn gập đầu chào đáp lễ với vài người mỉm cười với mình. Một cử chỉ nhã nhặn của người có học.

Cách nhà anh 1 đoạn khá xa, thằng Nhiệm co ro như người phải cảm, toàn thân tím ngắt, có những con ruồi dậy sớm bám quanh vết bọt mép sùi lên của nó, trông thật thảm hại. Bốn phía, người ta vây lấy như chẳng còn lối nào để chen tới. Người ta nhìn, người ta bàn tán, người ta nói ra nói vào...
- Làng này từ nay yên rồi- Một người chặc lưỡi.
- Ối dào, một mình thằng Nhiệm sao vác được chiếc xe ba gác của nhà Lý Trâm- Một người xua tay...
Anh trông cảnh tượng đó mà toàn thân rét run lên; lúc trước do vội ra khỏi nhà, bây giờ anh mới chợt thấy lạnh...

Gần trưa, công an, cảnh sát kéo đến, rồi người làng, người xem bu quanh 1 cái xác. Họ đoán nó chết vì sốc thuốc, nhưng không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ điều đó, hay nó phải cảm?...
Người ta chỉ kịp tìm thấy quanh nó, 1 bao thuốc mới hút vài điếu. Công an, họ nói thằng này bị đầu độc, các điếu thuốc vương vãi đều chứng tỏ điều đó. Và cả ở trong bao, ở đầu mỗi điếu, đầu lọc-đều có bôi rất nhiều thuốc chuột, loại thuốc cực độc. Nhưng rồi, chẳng ai tìm ra bằng chứng cụ thể, những điếu thuốc, vỏ bao đều chỉ có dấu vân tay của nó. Và họ kết luận là nó chết vì phải cảm, nó chết vì sốc thuốc, hay đơn giản hơn: là có kẻ thù.

Mà kẻ thù với thằng nghiện thì biết có bao nhiêu- để hòng tìm ra nổi...

Đấy, vụ việc làm xôn xao trong cái làng yên bình bao năm nay ấy, bây giờ đã kết thúc đâu. Nó cứ dần dần chìm vào quên lãng, như những việc tự xa xửa xa xưa vẫn vậy.

Người ta thiết nghĩ, điều tra cái chết của ai thì được, chứ 1 thằng nghiện, không chết nay thì chết mai, kiếm tìm nguyên nhân nó chết, phỏng có được ích lợi gì...

Thư Nguyên Phong.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top