NƯỚC ANH VÀ PHÁP TRONG NHỮNG NĂM 50 - 70 CỦA THẾ KỶ XIX
Vào những năm 50-70, trong khi các nước khác tiếp tục hoàn thành cách mạng tư sản thì Anh và Pháp đã là những nước tư bản phát triển, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã xác lập hoàn toàn, cách mạng công nghiệp hoàn thành đã thúc đẩy nền kinh tế của các nước này phát triển vượt bậc.
I. ANH
Ðến những năm 50- 60, nền công nghiệp Anh đã phát triển tới mức phồn thịnh, đứng đầu thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu và hoàn thành sớm ở Anh làm cho công nghiệp Anh trong thời kỳ này phát triển cực mạnh, đưa Anh lên địa vị bá chủ trong nền kinh tế thế giới.
1. Tình hình kinh tế:
1.1. Công nghiệp:
Giữa thế kỷ XIX, Anh đứng hàng đầu trong số những nước công nghiệp phát triển trên thế giới. Anh là công xưởng của thế giới. Các ngành công nghiệp đều phát triển với một tốc độ cực kỳ nhanh, các ngành công nghiệp dệt, than, sắt phát triển mạnh.
1850, Anh đã sản xuất 1/2 sản lượng gang, hơn 1/2 sản lượng than đá và gần 1/2 sản lượng bông của thế giới. Những trung tâm khai thác than lớn ở Anh là: New Castle, Cadiff, Glasgow.
Ngành dệt phát triển vượt bậc, số suốt sử dụng trong máy dệt gấp 6 lần Pháp, 20 lần Phổ (30 triệu ống suốt). Các trung tâm dệt: Manchester, Liverpool... đã sử dụng 80% sản lượng bông vải của thế giới.
Hệ thống đường sắt cũng phát triển nhanh, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế. Năm1850, Anh có 11.000km đường sắt. Năm1860, Anh có 25.000km đường sắt.
Trên biển, Anh đã sử dụng tàu vỏ sắt chạy bằng hơi nước thay cho tàu buồm vỏ gỗ. Anh còn cung cấp tàu biển cho thế giới.
Sự kiện có ảnh hưởng đối với sự phát triển kinh tế ở Anh là việc phát hiện ra mỏ vàng ở California (1847) và ở Australia (1851). Hầu hết số vàng khai thác được đều rơi vào tay những nhà kinh doanh Anh. Từ 1852-1861, hàng hóa xuất cảng từ Anh sang Australia tăng 60 lần so với 10 năm trước đó.
Yêu cầu phát triển kinh tế thúc đẩy qui mô các xí nghiệp tăng lên. Từ những năm 50, người ta thấy ở Anh đã có các xí nghiệp tập trung hàng ngàn, hàng vạn công nhân. Qui mô của các xí nghiệp ngày càng lớn phản ánh quá trình tập trung tư bản, đưa đến sự thành lập các công ty cổ phần. Trong những năm 60, ở Anh đã xuất hiện từ 3000 đến 4000 công ty cổ phần với số vốn xấp xỉ 600 triệu bảng Anh. Anh là nước đã thành lập các công ty cổ phần đầu tiên trên thế giới.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp tạo điều kiện cho ngoại thương phát triển. Từ 1800-1870, xuất nhập khẩu Anh tăng gấp đôi. Anh chiếm vị trí thứ nhất trong nền thương mại quốc tế. London trở thành trung tâm thương mại lớn nhất thế giới. Khẩu hiệu "Tự do mậu dịch, tự do thông thương" được đề cao hơn bao giờ hết.
1.2. Nông nghiệp:
Cùng với sự lớn mạnh của công nghiệp, nông nghiệp nước Anh cũng không ngừng phát triển. Trong những năm 50-70 của thế kỷ XIX, nông nghiệp Anh bước vào thời kỳ phồn vinh chưa từng thấy. Tư bản đầu tư vào nông nghiệp lên đến 1/3 và có khuynh hướng phát triển ngành chăn nuôi.
2. Chế độ chính trị:
Từ sau cuộc cách mạng 1640, Anh theo chính thể Quân chủ lập hiến. Nữ hoàng Victoria cai trị Anh từ 1837-1901. Quyền hành thực tế nằm trong tay Quốc hội. Trong Quốc hội có hai Ðảng đối lập: Ðảng Tự do (Whigs) lãnh tụ là Palmerston, đại diện cho tư sản công thương. Ðảng Bảo thủ (Tories) lãnh tụ là Disraeli, đại diện cho đại địa chủ, chủ tàu, thương nhân ở các thuộc địa. Tuy có những chính sách khác biệt nhau, nhưng cả hai đảng đều phục vụ cho tầng lớp có của. Sự khác biệt của hai đảng không đáng kể vì trước sự lớn mạnh của phong trào công nhân, hai đảng đều xích lại với nhau để bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản.
Nhìn chung, trên phạm vi châu Âu bấy giờ, Anh là một nhà nước ít tính chất quan liêu, quân sự hơn những nhà nước khác. Ðồng thời Anh còn là nơi mà những quyền tự do dân chủ phát triển rộng rãi nhất: quyền tự do xuất bản, hội họp, mít tinh... Quyền tự do công đoàn và bãi công cũng được thừa nhận. Thực chất của nền tự do ấy là do đường lối chính trị của giai cấp thống trị Anh. Họ biết nhượng bộ và thỏa hiệp khi cần thiết để củng cố quyền thống trị của mình, họ bỏ tiền ra mua chuộc một tầng lớp công nhân quí tộc để ủng hộ chính phủ.
3. Chính sách đối ngoại và xâm lược.
Anh dùng địa vị ưu thế về công nghiệp để chinh phục các nước khác. Do đó, chính sách đối ngoại của Anh cũng là chính sách xâm lược thuộc địa. Người hăng hái thực hiện chính sách xâm lược ở Anh lúc bấy giờ là Palmerston, thuộc Ðảng tự do.
Cho đến giữa thế kỷ XIX, Anh dẫn đầu thế giới về qui mô và tốc độ phát triển thuộc địa. (1870, Anh có số dân thuộc địa là 200 triệu người).
Ấn độ là thuộc địa quan trọng nhất của Anh. Ðây là nơi cung cấp nguyên liệu và là thị trường tiêu thụ hàng hóa của Anh. Thực dân Anh đã thực hiện sự thống trị hà khắc tại Ấn độ, làm cho hàng triệu con người chết đói. Ngoài ra, Anh còn gây chiến tranh thuốc phiện với Trung quốc để nhằm thôn tính thị trường rộng lớn này. Năm1863, tàu Anh bắn phá cảng Kagosima của Nhật để buộc Nhật phải bồi thường chiến phí và mở cửa cho Anh buôn bán. Những năm 30, 60, Anh đã chiếm toàn bộ Miến điện và một số nước Châu Á khác.
Ở Châu Phi, Anh chiếm Ethiopie, gây chiến với những bộ lạc Nam Phi...Ở Châu Mỹ: Anh đàn áp cuộc khởi nghĩa của những người nô lệ chống chủ đồn điền ở Jamaica.
Ngoài ra Anh còn mở rộng sự thống trị của mình đến một số đảo ở Australia.
Trong nước thì Anh đàn áp và thống trị Ireland, xem đây là thuộc địa gần gũi nhất của mình. Sự thống trị tàn nhẫn của Anh làm cho nhân dân Ireland nhiều lần nổi dậy chống đối.
Trong chính sách thuộc địa, Anh cho các thuộc địa da trắng được quyền tự trị rộng rãi còn những thuộc địa theo chế độ phong kiến và có dân da màu thì phải phục tùng chính quyền một cách tuyệt đối. Ðối với những thuộc địa có sẳn dân cư đông đúc như Ấn Ðộ thì Anh biến thành những tỉnh thuộc Anh và bòn rút của cải ở đây, còn những thuộc địa dân cư thưa thớt thì Anh nhanh chóng tiêu diệt thổ dân, những người còn sống sót thì bị dồn vào những vùng thuộc địa và sáp nhập vào đất Anh.
4. Phong trào công nhân.
Trong những năm 50 của thế kỉ XIX, phong trào công đoàn phát triển mạnh ở Anh. Tuy nhiên phong trào công đoàn trong thời kì này còn phân tán, hẹp hòi về mặt tổ chức, mục tiêu thuần túy kinh tế. Các công đoàn từ chỗ là những tổ chức mang tính đấu tranh giai cấp biến thành những hội ái hữu, hội tương tế. Ðiểm nổi bật trong thời kì này là sự xuất hiện tầng lớp " công nhân quí tộc", những công nhân này đã làm hạn chế tinh thần đấu tranh của giai cấp công nhân.
Cũng trong những năm 50-60, một phong trào đòi cải cách tuyển cử nổ ra. Trung tâm của phong trào ở Manchester. Cuộc đấu tranh của công nhân dẫn đến kết quả là chính quyền phải thông qua một đạo luật cải cách tuyển cử năm 1867. Quyền tuyển cử được mở rộng cho một số người tiểu tư sản và một số công nhân lớp trên; phần lớn công nhân và nông dân vẫn không được tham gia bầu cử.
II. PHÁP
Cách mạng 48 thất bại đã đưa nước Pháp sang một thời kỳ mới: Ðế chế thay cho nền cộng hòa tư sản. Triều đình Napoléon III đã thi hành một chính sách chính trị phản dân chủ để phục vụ cho giai cấp tư sản. Thời kỳ tồn tại của Ðế chế thứ hai cũng là thời kỳ mà nền kinh tế Pháp phát triển mạnh. Pháp giữ vị trí thứ hai trong số các nước phát triển trên thế giới.
1. Tình hình kinh tế:
1.1. Công nghiệp.
Mười tám năm tồn tại của Ðế chế cũng là thời kỳ phát triển mạnh của chủ nghĩa tư bản và là thời kỳ hoàn thành cách mạng công nghiệp ở Pháp.
Cách mạng công nghiệp hoàn thành có tác dụng rõ rệt đối với sản xuất. Máy móc được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp.
1850, Pháp có 5.212 máy hơi nước.
1870, Pháp có 27.088 máy hơi nước
Về giao thông vận tải: ngành đường sắt Pháp đã có tiến bộ đáng kể. Năm 1869, Pháp có 16.465 km đường sắt, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt tăng lên 10 lần. Ðường phố cũng được mở rộng để phù hợp với sự phát triển của công nghiệp.
Trong thời gian này, ở Pháp bắt đầu diễn ra quá trình tập trung sản xuất với qui mô lớn. Cuối những năm 60, những xí nghiệp như Le Creusot đã tập trung đến hàng nghìn công nhân. Ngoài ra có những xí nghiệp tập trung hàng vạn công nhân. Số dân ở các thành phố lớn tăng lên một cách đáng kể, đó cũng là một biểu hiện của sự tập trung sản xuất. Tuy nhiên, chiếm địa vị phổ biến trong nền sản xuất ở Pháp bấy giờ vẫn là những cơ sở kinh doanh với qui mô vừa và nhỏ. 60% công nhân làm việc tại những cơ sở này.
Một đặc điểm quan trọng của sản xuất kinh tế tại Pháp lúc bấy giờ là hoạt động mạnh mẽ của ngành tài chính và cho vay lãi. Các công ty tín dụng và những ngân hàng Pháp phát triển không ngừng. Tầng lớp tư bản ngân hàng trở thành tầng lớp có thế lực nhất và là chỗ dựa chủ yếu của Napoléon III.
Sở giao dịch Paris là một trong những trung tâm tài chính mà chính phủ tư sản ở các nước khác đến vay tiền. Từ 1851 đến 1869, hoạt động tín dụng của Pháp tăng lên năm lần. Các cơ sở giao dịch của nó hoạt động rất mạnh. Năm 1851, phát hành 118 loại tín phiếu với giá trị 11 tỷ Francs. Năm 1869, có 307 loại với trị giá 33 tỷ Francs. Số tư bản lớn đó không được sử dụng vào việc phát triển công nghiệp hay nông nghiệp mà chủ yếu được xuất khẩu ra những nước kém phát triển ở Châu Âu và các thuộc địa dưới hình thức cho vay lãi và đầu tư khai thác ở những nước đó. Năm1868, Pháp đã cho chính phủ 14 nước vay một số tiền là 33 tỷ Francs. Nước Pháp dần dần đóng vai trò cho vay nặng lãi trên thị trường thế giới.
1.2. Nông nghiệp:
Bên cạnh sự phát triển của công nghiệp, nông nghiệp cũng có một số biến đổi nhất định. Diện tích chăn nuôi và trồng trọt được mở rộng, năng suất lúa tăng từ 88 triệu ha lên100 triệu ha. Nông nghiệp Pháp vẫn giữ một địa vị quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nét nổi bật trong nông nghiệp ở Pháp là tình trạng sở hữu phân tán và sự tiến bộ chậm chạp của kỹ thuật. Ðiều này ảnh hưởng đến quá trình hiện đại hóa trong nông nghiệp ở Pháp.
Do sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa, tình trạng bần cùng hóa nhân dân lao động ngày càng tăng lên. Tiền lương thực tế giảm sút vì giá thực phẩm tăng. Ngày làm việc của công nhân kéo dài từ 13 đến 16 giờ / ngày, điều kiện lao động không bảo đảm, bệnh nghề nghiệp tăng lên...
Tóm lại, mặc dù có những thành tựu đáng kể vượt xa các nước Châu Âu khác về kinh tế, nhưng về sản lượng và trình độ công nghiệp, Pháp vẫn kém xa Anh. Tuy đã có hiện tượng tập trung tư bản nhưng nền công nghiệp Pháp vẫn còn là nền công nghiệp với những xí nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên nhân của tình trạng trên là:
- Thành tựu của công nghiệp Pháp chậm hơn Anh.
-Anh có một nguồn dự trữ công nghiệp lớn hơn Pháp.
- Sự phân chia nhỏ ruộng đất gây hạn chế trong việc áp những thành tựu của kỹ thuật mới vào đồng ruộng.
2. Chế độ chính trị.
Một năm sau cuộc chính biến tháng 12-1851, Louis Napoléon Bonaparte xưng đế, hiệu là Napoléon III, thiết lập ở Pháp một triều đại mới mà lịch sử gọi là Ðế chế II (1852-1870). Ðây là một nền Quân chủ tư sản.
Napoléon III xây dựng ở Pháp một vương triều về hình thức tổ chức giống như vương triều phong kiến nhưng dựa trên chế độ tư bản chủ nghĩa nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản. Napoléon III xây dựng một chế độ độc tài như đế chế I. Bên cạnh nhà vua là các cơ quan:
Viện nguyên lão: gồm những người do hoàng đế cử, làm việc suốt đời. Viện nguyên lão có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp nhưng trên thực tế, nó là công cụ để chính quyền sửa đổi Hiến pháp khi cần.
Ðoàn lập pháp: do tuyển cử bầu ra, với những cử tri gồm nam công dân trên 21 tuổi. Ðoàn lập pháp có nhiệm vụ thông qua những đạo luật do các bộ trưởng nhân danh hoàng đế thảo ra.
Hội đồng quốc gia: có nhiệm vụ thảo ra luật nhưng đây không phải là một cơ quan độc lập mà chỉ là một nhóm viên chức do Napoléon cử ra và hoạt động theo ý muốn của ông ta.
Chính sách của Napoléon là tìm cách lợi dụng những mâu thuẫn xã hội đương thời theo hướng có lợi cho mình, khi vuốt ve giai cấp này, khi đàn áp giai cấp nọ...
Chính quyền tìm cách thủ tiêu mọi quyền tự do, dân chủ của người dân. Ngăn cấm các câu lạc bộ hoạt động, hạn chế quyền tự do báo chí, kiểm soát hoạt động của nhà trường và cả nhà hát. Bộ máy quân sự và cảnh sát được tăng cường cả ở trung ương và địa phương để bóp ngẹt những hoạt động chống đối chính quyền. Giáo hội trở thành công cụ đắc lực phục vụ cho giai cấp thống trị.
Chính sách của Napoléon III vốn làm lợi cho giai cấp tư sản tài chính nên chỉ được bọn này ủng hộ còn tư sản công nghiệp thì lao đao phá sản, công nhân bị thất nghiệp nghiêm trọng. Vì thế họ đã chống đối chính quyền, đòi thiết lập một chế độ cộng hòa hoặc một chế độ dân chủ hơn. Phong trào phản đối chính quyền ngày càng phát triển. Trước tình hình đó, Napoléon III thấy cần phải thỏa mãn những nguyện vọng của nhân dân để khỏi bị tấn công. Từ năm 1860-1870, Ðế chế thực hiện những cải cách. Thời kỳ này gọi là Ðế chế tự do: Napoléon III ra những sắc lệnh ân xá, nới rộng quyền tự do báo chí, cho phép tự do hội họp, tìm cách dựa vào công nhân quí tộc để lừa bịp và mua chuộc những người lãnh đạo họ. Thực ra những cải cách này chỉ có tính chất vụn vặt và không làm thỏa mãn yêu cầu của các tầng lớp nhân dân.
3. Chính sách đối ngoại.
Trong bài diễn văn đọc tại Bordeaux trong ngày nhậm chức, Napoléon III tuyên bố: Ðế chế, đó là hòa bình. Nhưng trên thực tế, chính sách ngoại giao của Napoléon III hoàn toàn trái ngược với lời tuyên bố ấy.
Napoléon tìm cách gây ra những cuộc chiến tranh xâm lược để thỏa mãn yêu cầu của giai cấp tư sản và đồng thời củng cố ngai vàng của ông ta trước sự tấn công của các lực lượng cách mạng và dân chủ trong nước.
Napoléon III đã liên minh với Anh trong việc gây chiến tranh Crimée với Nga. Chiến tranh làm cho Pháp tổn thất nặng nề nhưng lại củng cố ngai vàng của Napoléon III.
Napoléon III liên kết với triều đình Piémont chống Áo, giúp đỡ nhân dân Ý trong cuộc đấu tranh giải phóng phóng dân tộc nhưng sau lại phản bội Ý, liên kết với Áo. Pháp gây chiến tranh với các bang miền nam Đức ngăn cản sự thống nhất Ðức dẫn đến cuộc chiến tranh Pháp-Phổ.
Ngoài những cuộc chiến tranh ở Châu Âu, Napoléon III còn tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa ở các nước Châu Phi, Châu Á nhằm mở rộng hệ thống thuộc địa của Pháp.
Năm 1857, thực dân Pháp chinh phục miền Kalybie, mở rộng thuộc địa Algérie về phía nam, lấn sâu vào lãnh thổ các nước Châu Phi....
Trong những năm 1857,1858,1860, Pháp đã cùng Anh gây chiến tranh xâm lược ở Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia... Pháp đã buộc triều đình những nước này phải ký các hòa ước bất bình đẳng, có lợi cho sự phát triển kinh tế của Pháp.
Từ những năm 60 trở đi, do những tính toán sai lầm, Napoléon III đã đưa Ðế chế đến chỗ thất bại nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của Pháp trên trường ngoại giao.
Năm 1862, Napoléon III gây ra một cuộc phiêu lưu quân sự ở Mexique, nhưng tại đây ông đã gặp sự kháng cự của nhân dân Mexique. Thất bại của Napoléon tại đây đã đẩy Ðế chế đi đến chỗ khủng hoảng. Ðồng thời, sự bội tín của Napoléon III đối với các nước ông đã ký hiệp ước liên minh làm cho quan hệ của Pháp và các cường quốc Châu Âu ngày càng xấu đi. Pháp lâm vào tình trạng bị cô lập về ngoại giao trong những năm cuối của Ðế chế.
4. Sự khủng hoảng và sụp đổ của Ðế chế II.
Cuối những năm 60, những thất bại nghiêm trọng về ngoại giao và những khó khăn chồng chất trong nước đã đẩy chính quyền Bonaparte đến chỗ suy sụp khó bề cứu chữa. Năm 1868, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng khốn khổ. Một phong trào chống chính quyền nổ ra. Trước tình thế đo,ï Napoléon III phải đưa ra hàng loạt cải cách để xoa dịu phong trào đấu tranh của nhân dân nhưng chính những nhượng bộ ấy lại tạo điều kiện để phe đối lập tấn công vào chính quyền mạnh hơn.
Trong cuộc bầu cử vào Quốc hội lập pháp tháng 5.1869, phe cộng hòa tư sản đã thu được những thắng lợi lớn nhờ sự ủng hộ của giai cấp công nhân. Lo ngại trước kết quả cuộc bầu cử và phong trào cách mạng của công nhân, Napoléon III tiếp tục ban hành một số cải cách tự do và đưa Ollivier lên lập một chính phủ tự do, nhưng chính phủ này tỏ ra bất lực trong việc ngăn cản những làn sóng chống đối chính quyền.
Ðể cố níu lấy ngai vàng đã mục nát, Napoléon III tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý (tổ chức vào ngày 5.8.1870) với câu hỏi đặt ra hết sức mập mờ mà nhân dân trả lời thế nào cũng có lợi cho Napoléon III.
Napoléon vừa tiến hành cải cách, vừa đàn áp công nhân, ra lệnh bắt các chiến sĩ của quốc tế I....Thắng lợi của Ðế chế II trong cuộc trưng cầu dân ý chỉ là một thắng lợi có tính chất hình thức. Napoléon muốn ngăn chặn phong trào cách mạng và củng cố ngai vàng bằng cách đưa Pháp vào cuộc chiến tranh với Phổ nhưng thất bại về quân sự đã nhanh chóng đưa Ðế chế đến chỗ sụp đổ.
(Sưu tầm)