Mười tám tuổi, bạn đứng giữa ngã 3 cuộc đời với đúng nghĩa thực - vào đại học với sự tự tin tuyệt đối vào năng lực học tập hay một ngã rẽ mà mọi người đang xem là “đường nhỏ” là học nghề...
Mười tám tuổi, cái tôi quá lớn, bạn cảm thấy phải làm cái gì đó cho xứng tầm của mình, cho cha mẹ “mở mày mở mặt” với xóm làng, cho bõ công 12 năm phổ thông. Bạn quyết vào đại học bằng mọi giá, dù sớm dù muộn, bao nhiêu năm cũng được, kinh tế hay xã hội không quan trọng, bạn chỉ cần khi mọi người nhắc về bạn với 2 chữ
sinh viên viết tắt - SV.
Mười tám tuổi, bạn tưởng những gì học trên ghế nhà trường đủ để biến giấc mơ về một vị trí công việc với đầy đủ yếu tố kiểu như vừa danh giá, trí thức vừa được lương cao lại nhàn hạ, có cơ hội thăng tiến, môi trường năng động hoặc tương tự.
Bạn phải hiểu, kế hoạch cuộc đời được lập ra cho từng người nhưng rồi không phải ai cũng đủ điều kiện để định hướng giá trị tốt đẹp ấy, có thể vì định hướng sai, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu sàng lọc khắt khe ngay từ “đầu vào”, hoặc phụ thuộc quá lớn ở khả năng kinh tế của gia đình bạn…Có thể thất bại nhưng đừng bao giờ thất vọng vì cánh cửa đại học khép lại trước mắt bạn, đó không phải là con đường độc đạo để bước vào đời.
Hãy làm một phép tính đơn giản, bạn phải mất bao nhiêu chi phí cơ hội vào đại học? Theo thống kê, một gia đình nông dân Việt Nam, thu nhập hàng năm chỉ dựa vào 2 vụ lúa chính với năng suất trên dưới 3 tạ thóc/sào, quy đổi chỉ được 1triệu đồng. Trong khi đó, học phí đại học mỗi tháng từ 1,2-1,8 triệu đồng, chưa kể các chi phí tối thiểu cho sinh hoạt luôn bị dao động vì trượt giá đồng tiền. Bạn luôn tâm niệm đó là đầu tư cho tương lai và vô hình chung chúng ta”ép” cha mẹ cũng gồng mình theo quan điểm đó.
Thực tế, số lượng thanh niên vì bất cứ lý do nào đã chọn con đường học nghề, dù vẫn còn hạn chế (tỷ lệ tăng 10-3 đối với hệ đại học, cao đẳng-công nhân kỹ thuật), nhưng đến thời điểm này chúng ta vẫn phải khách quan mà thừa nhận họ đã ghi được những điểm số rất…ngoạn mục. Nhu cầu xã hội ngày càng cần nhiều người thợ lành nghề, trực tiếp sản xuất, lẽ dĩ nhiên, những người chăm chỉ, có óc sáng tạo, nhiệt huyết với nghề luôn nhận được những gì họ mong đợi: đồng lương tương xứng, đủ trang trải cho cuộc sống và các nhu cầu khác, được đảm bảo bình đẳng về quyền lợi, các chế độ hiện hành như bảo hiểm, điều kiện làm việc, nghỉ ngơi…
Những năm gần đây, công tác dạy nghề cho thanh niên luôn là đề tài nóng, thu hút được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban ngành, đoàn thể, đã dành nhiều cơ hội và tạo điều kiện cho thanh niên hành trang để lập thân, lập nghiệp. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ thân tình:”Hướng tới các trường nghề, trung cấp mà vẫn có chỗ đứng trong xã hội cũng là một mục tiêu quan trọng không kém”.
Qúa trình học nghề của số đông các bạn cho thấy, nếu sau khi tốt nghiệp THPT, bạn theo học hệ công nhân kỹ thuật thì đến năm 20 tuổi bạn đã có trong tay bằng nghề cấp 3. Đối với
học sinh học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS, các bạn sẽ có bằng cấp 3 khi mới 18 tuổi. Với tỷ lệ thời gian thực hành nghề chiếm trên 50% thời lượng học thì khả năng bắt nhịp với công việc nhanh, đồng nghĩa tay nghề các bạn “lên hạng” khi tuổi đời còn rất trẻ. Hơn thế nữa, hầu như tại các trường nghề đều tổ chức các lớp văn hóa hệ bổ túc ban đêm nên điều kiện để các bạn thi tiếp đại học khối K không phải quá khó, sự học vẫn nằm trong tay bạn! Đồng thời phải nhấn mạnh về phương diện kinh tế, học nghề là hệ duy nhất có khả năng hoàn vốn đi học chỉ sau 2 tháng đi làm. Đó không phải con đường ngắn, cơ hội nhiều sao bạn?
Theo dự đoán của thị trường, trong thời gian tới, một số nghề có thể giúp bạn dễ xin việc làm và mức lương tương đối là những nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp chế tạo hóa chất, điện, điện tử, thông tin; những nghề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp; nghề trong lĩnh vực dịch vụ.
Tương lai của bạn do bạn quyết định. Bạn muốn có một tấm bằng tốt nghiệp đại học xem như sự xác nhận của xã hội đối với trình độ học vấn, là chìa khóa và điều kiện cần để tìm một công việc. Điều đó đúng! Nhưng không phải duy nhất đúng cho mọi trường hợp, vì ngoài kia có cả thế giới kiến thức chờ bạn khám phá. Hãy hiểu cái bạn cần, hãy nắm bắt cái bạn có thể vì một lựa chọn phù hợp với thời cuộc chính là chìa khóa của thành công.
(Theo Tạp chí LĐ&XH)