Nỗi đau Chí Phèo
Phải nói rằng, Chí Phèo (trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao) là một cột mốc cuối cùng, là tựu trung của tất cả các nỗi đau về số phận người nông dân. Điều đáng nói, kết cục của những nỗi đau này là bi kịch: Con người bị tước đoạt, bị chối bỏ quyền làm người; bị tha hóa, bị xã hội cướp mất cả nhân hình lẫn nhân tính.
Với văn đàn của chủ nghĩa hiện thực phê phán, Nam Cao đến muộn. Trước ông, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng đã xây dựng trên nền chủ nghĩa hiện thực với những bức chân dung người nông dân nghèo khổ, chất phác, bị chà đạp và cũng giàu tinh thần phản kháng như chị Dậu, anh Pha... Nhưng Nam Cao vẫn là nhà văn lớn, nhà văn hiện thực xuất sắc. Bởi vì ông biết khám phá những điều mới mẻ, biết “khơi những nguồn chưa ai khơi” và “sáng tạo những gì chưa có”. Nam Cao hướng ngòi bút sắc sảo của mình vào một hiện tượng biến chất ở con người. Khai thác những nỗi đau của những loại người bị hoàn cảnh o ép đến dị dạng, bị xã hội làm cho biến chất cả nhân hình lẫn nhân tính, quay trở lại phản ứng bằng con đường lưu manh liều lĩnh. Năm Thọ, một tên đầu bò, đầu bướu bị đẩy vào tù. Vượt ngục, xách dao trở về làng “nhờ ông Lí một cái thẻ mang tên một người lương thiện và một trăm đồng bạc để trốn đi”. Năm Thọ đi biệt thì Binh Chức ở đâu lần về. Trước đây, hắn “hiền như cục đất”. Hiền quá hóa ngu, ai cũng ức hiếp: “Hắn làm cật lực mà quanh năm nghèo rớt mồng tơi; chỉ vì một miếng không giữ được mà ăn; đứa nào nó với được nó cũng xoay, mà đứa nào xoay cũng chịu. Sau cùng bực quá, hắn ra đi lính”. Bỏ đi thì mất vợ. Bọn chức sắc trong làng tha hồ “cấu xé”! Lương gởi về “rút lại chỉ cho chị Binh một tháng một lần hưởng những cuộc vui với ông Lý nhà”, Binh Chức trở về làng, trở thành tên giết người, ngang ngược. Năm Thọ bỏ làng ra đi biền biệt, Binh Chức rồi cũng chết. Như Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo cũng bị xã hội đẩy vào con đường lưu manh hóa. Nhưng Chí Phèo đi xa hơn trong nỗi thống khổ bi đát này.
Trước kia Chí cũng là một canh điền lực lưỡng, hiền lành, cũng có những mơ ước bình dị như bao nhiêu con người bình thường khác: “Có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải,chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Hắn cũng biết tự trọng, cái tự trọng của tuổi hai mươi. Bị bà Ba (vợ lẻ của Bá Kiến) “cái con quỷ cái hay bắt hắn bóp chân mà lại bóp lên trên, trên nữa! ... Hắn thấy nhục hơn là thích”. Thế là, tai họa phủ chụp xuống cuộc sống hiền lành của Chí. Ghen bóng, ghen gió Bá kiến đẩy hắn đi tù. Xã hội nhà tù (công cụ của thực dân) – cùng với Bá Kiến (thế lực tàn nhẫn của cường hào ác bá địa phương) đã thẳng tay đẩy cuộc đời Chí xuống vực thẳm, xô Chí qua khỏi ranh giới của xã hội con người lương thiện. Biến Chí thành một con người hoàn toàn khác hẳn, “hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chả ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng đá! Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng, một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết”. Những gì về ngoại hình của anh Chí hiền lành trước đây đã mất. Khắc lên cơ thể hắn là những gì dữ tợn và gớm giếc. Phủ ngoài những thứ ấy là “quần nái đen” và “cái áo tây vàng” như là chứng tích, là nguyên nhân tại sao Chí như vậy! Đã thế, mới về hôm trước, hôm sau đã thấy hắn ngồi uống rượu suốt ngày. Từ đó, hắn chỉ biết say, cơn này tràn qua cơn khác. Chỉ biết cướp của, đánh người, giết người, rạch mặt ăn vạ... Hắn trở thành công cụ của bọn cường hào địa phương độc ác. Hắn trở thành tai họa cho bao nhiêu gia đình lương thiện. Thực sự, hắn đã mất hết tính người. Hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại ! Từ đó, cả ngoại hình lẫn nhân tính của hắn không còn là anh Chí hiền lành như ngày xưa. Tất cả những gì tốt đẹp của Chí đã bị xã hội “tước đoạt”, cả nhân hình lẫn nhân tính! Và cũng từ đó không ai nhận Chí là người. Chí rơi vào bi kịch của con người bị chối bỏ quyền làm người.
Nam Cao trong một hoàn cảnh mới và ở một cấp độ mới đã nhận ra một hiện tượng có tính chất phổ biến: Là sự xuất hiện loại người dị dạng, dị hình ở nông thôn: “Cái dị dạng người trong tính cách của Chí Phèo là khám phá của Nam Cao” (Nguyễn Minh Châu), “Chí Phèo không phải là một tính cách đơn độc mà thực sự là kiểu người và nhân vật mang nặng trên vai những vấn đề của xã hội!” (Hà Minh Đức). “Làng Vũ Đại ngày ấy” ngột ngạt quắt queo, khô cạn sức sống, lại thêm bọn cường hào ác bá và các thế lực vô nhân đạo khác thẳng tay chèn ép cuộc sống con người nhỏ bé, tội nghiệp. Sống trong không khí ấy, làm sao con người hoàn thiện bình thường được. Con người vẫn luôn là sản phẩm của xã hội. Những chân dung méo mó, dị dạng: ngang ngạnh như Trạch Văn Đoành (Đôi móng giò); dở hơi và xấu đến “ma chê, quỷ hờn” như Thị Nở; đờ đẫn, lú lẫn đến mất trí như Đức (Nửa đêm); say, cuồng ngạo đến thành quỷ dữ như Chí Phèo... đều do hoàn cảnh tạo nên. Quá trình biến đổi của Chí Phèo cả nhân hình lẫn nhân tính như đã nói trên là một minh chứng.
Trạch Văn Đoành, Thị Nở, Đức... dừng lại, sống mãi trong trạng thái biến hình để nghênh ngang, để dở hơi; để khùng khùng điên là một nỗi đau! Chí Phèo đi xa hơn, quằn quại nhiều hơn trong nỗi đau. Bởi có lúc Chí tỉnh, Chí ý thức được chính mình. Chí ghê rợn khi biết mình đã thành quỷ. Lúc ấy, Chí cảm nhận sâu sắc thân phận bi đát của mình. Trong một cơn say, Chí gặp Thị Nở... chút thương yêu mộc mạc, giản dị của thị Nở khơi dậy ngọn lửa lương thiện còn leo lét nơi đáy lòng Chí. Đánh thức bản chất lương thiện vốn có trong bóng tối dày đặc của cuộc đời Chí. Cái phần người trong Chí hồi sinh. Chí khao khát được “làm hòa với mọi người”, được trở về với mặt bằng của cuộc đời lương thiện. Chí bâng khuâng mơ ước một tương lai, le lói một tia hi vọng. Thị Nở sẽ là cây cầu để Chí bám víu mà trở về với cuộc sống bình thường. Đau đớn thay! Tia hi vọng được trở lại làm người của Chí vừa lóe lên đã vụt tắt. Định kiến xã hội (thông qua bà cô thị Nở) không cho Chí đặt chân lên nhịp cầu hi vọng. Một lần nửa, Chí bị ruồng bỏ. Chí bị rơi vào vực thẳm tuyệt vọng. Chí lại say. Say trong nỗi đau khi tự ý thức được cơ cảnh tuyệt vọng của mình. Chí xách dao đi tìm lương thiện. Lương thiện đâu mà tìm ? Chí đi như quán tính của một người say. Nam Cao không nói gì (!) . Nhưng chúng ta biết nơi cướp mất lương thiên lần đầu trong cuộc đời Chí là đâu và ai đã từng bước đẩy cuộc đời Chí vào con đường vô lương. Nhà Bá Kiến... Tại đây, trong tận cùng của nỗi đau, Chí gào lên thống thiết: “Tao muốn làm người lương thiện ! Ai cho tao lương thiện ... tao không thể là người lương thiện được nữa ! Biết không ? Chỉ còn một cách... biết không ?”. Chí giết Bá Kiến, cái “nọc độc” đang từng ngày, từng giờ hủy hoại lương thiện của bao người ! Rồi Chí tự đâm chết mình, vì tự biết mình là sản phẩm mà cũng là công cụ của cái “nọc độc’’ ấy! Chí chết trong nỗi đau: “giẫy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi. Mắt trợn ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng . Ở cổ hắn thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra”...
Tận cùng của nỗi đau thật là thảm khốc. Lão Hạc cũng chết nhưng dẫu sao, bao nhiêu điều muốn gởi gắm lại với cuộc đời, với con, lão đã trao được hết cho ông giáo. Để ít ra còn một người hiểu lão. Chí Phèo chết đau đớn hơn: “mồm hắn ngáp ngáp muốn nói nhưng không ra tiếng”. Nhưng có ai hiểu và nghe hắn đâu để hắn nói! Bi kịch! Cả đời hắn tự cào cấu, đập, rạch vào chính thân thể mình, gào thét với cuộc đời nhưng vẫn chưa nói hết nỗi đau! Bây giờ hắn chỉ còn cách cuối cùng là thọc sâu lưỡi dao vào chính cổ mình để nỗi đau uất nghẹn trong lòng được chảy ra, “ứ ra” với cuộc đời! Nỗi đau Chí Phèo với khát vọng làm người mà bị khước từ là vậy! Đây cũng là đỉnh điểm, điển hình về nỗi đau người nông dân trong truyện ngắn Nam Cao trước cách mạng tháng Tám năm 1945.