• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Những ý kiến trái chiều về cuộc di cư vào Nam 1954.

Trang Dimple

New member
Xu
38
NHỮNG Ý KIẾN TRÁI CHIỀU VỀ CUỘC DI CƯ VÀO NAM NĂM 1945


CUỘC DI CƯ VÀO NAM 1954

Một nhà sử học Trung Quốc đã nói: “Lịch sử trong hiện thực chỉ có một, còn lịch sử bằng chữ viết được viết bằng nhiều quan điểm khác nhau. Vì một nhà sử học đứng ở góc độ này, có thể thấy được một số mặt và bị che khuất ở một số mặt khác....” Quan điểm này rất đúng, lịch sử thế giới nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng hiện nay có rất nhiều những quan điểm không đồng nhất khi cung bàn luận về một vấn đề hay một sự kiện lịch sử. Cuộc di cư vào Nam năm 1954 và nguyên nhân của cuộc di cư này cũng là một vấn đề gây nhiều bàn cãi tranh luận và có những quan điểm không đồng nhất.

1
. Quan điểm của sử chính thống

Trong cuốn sách “ giáo trình lịch sử Việt Nam 1945- 1975” của Trần Bá Đệ một tài liệu đại diện cho sử chính thống của ta đã viết về cuộc di cư vào Nam 1954 như sau:
Tình hình nghiêm trọng hơn là địch cưỡng ép dụ dỗ tín đồ thiên chúa giáo di cư vào nam. Âm mưu này của Mĩ đã có từ trước: “Ngay từ khi vấn đề kết thúc chiến trang ở Việt Nam và Đông Dương còn đang đàm phán, tổng thống Mĩ Aixenhao đã lớn tiếng hô hào: “Nếu hội nghị Giơnevơ đi đến kết thúc, sẽ tổ chức một cuộc di cư có kế hoạch của người Việt Nam từ Bắc vào Nam.”
Để gây hoang mang và thúc ép đồng bào bỏ nhà bỏ cửa, tài sản di cư vào Nam, Mĩ – Pháp cho tay sai tung tin bịa đặt, tuyên truyền rằng. Chính phủ Việt Nam cấm đạo, “Chúa đã vào Nam” là con chiên ngoan đạo thì phải theo Chúa để được yên phần xác lẫn phần hồn, ở với cộng sản sẽ bị mất linh hồn... Chúng còn đe dọa chiến tranh sẽ trở lại, Mĩ sẽ ném bom nguyên tử xuống Hà Nội, Đồng Hới,Vĩnh Linh… Mặt khác Mĩ cung cấp phương tiện chuyên chở: “Mĩ đã đưa một đoàn 19 máy bay và một đoàn 41 tàu thủy để chuyên chở những người bị cưỡng ép di cu này vào Nam”.
Tính đến tháng 7-1955 tổng số người bị địch dụ dỗ, cưỡng bức di cư vào Nam là 887.895 người, trong đó 754.710 người là tín đồ thiên chúa giáo chiếm 85%.
Thực hiện âm mưu này đế quốc Mĩ và tay sai nhằm mục đích:
Thứ nhất, đối với thế giới chúng gây dư luận xấu về chế độ ta ở miền Bắc, hòng ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam xuống vùng Đông Nam Á.
Thứ hai, đối với Việt Nam, chúng hi vọng rút một số lượng trí thức, công nhân kĩ thuật vào Nam nhằm giảm bớt lao động; ở miền Nam chúng tạo chỗ dựa cho chế độ Ngô Đình Diệm, tăng thêm nguồn nhân lực quan trọng, đáng tin cậy để xây dựng ngụy quân, củng cố ngụy quyền, trong đó “Thanh niên công giáo di cư sẽ là một nguồn bổ sung cho đội quân ngụy dự kiến là 10 sư đoàn… Mĩ –Diệm hi vọng rằng một quân đội lớn phần lớn là người công giáo sẽ có một tinh thần chống cộng mạnh mẽ.”
Như vậy, sử sách chính thống của ta đều thống nhất với quan điểm: "Việc người miền Bắc di cư vào Nam do Pháp - Mỹ và những người thân Pháp tuyên truyền và cưỡng bức. Nhất là đối với giáo dân.. Và đây là một âm mưu trong dự tính của chúng nhằm chia rẽ mất đoàn kết dân tộc gây khó khăn cho ta tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước”.

2
. Những quan điểm khác

Hiện nay vấn đề này đang tranh luận với 2 quan điểm trái ngược :

- Quan điểm thứ nhất đồng ý với quan điểm của chính sử cho rằng: việc người miền bắc di cư vào nam là do Pháp - Mĩ và những người thân Mĩ tuyên truyền và cưỡng bức và là âm mưu của chúng.

- Quan điểm thứ hai cho rằng: những sai lầm của cuộc cải cách ruộng đất là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân miền Bắc di cư vào Nam sau hiệp định Giơnevơ 1954.

- Bác bỏ quan điểm thứ hai An Apple of Newton đã đưa ra những ý kiến sau:

+ Cải cách ruộng đất ở VN bắt đầu năm 1953 ở một số vùng thuộc Thái Nguyên và kết thúc năm 1957.

+ Tháng 10 năm 1954, Hà Nội mới được giải phóng. Sau đó là các vùng khác.

+ Cuộc di cư vào nam chỉ diễn ra ngay trong năm 1954, một số người miền Bắc (đặc biệt là giáo dân) theo tàu của quân Pháp vào Nam. Ngược lại, một số người thuộc quân đội cộng sản trong miền Nam lại tập kết ra Bắc.
Như vậy, cuộc Cải cách ruộng đất không thể có ảnh hưởng đến những người di cư vào Nam. Và không thể nói "sai lầm trong cải cách ruộng đất là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân miền Bắc di cư vào miền Nam sau hiệp định Geneve 1954".

- Chống lại quan điểm thứ nhất Mekong Buluesman cho rằng:
Nếu nói người dân miền Bắc di cư vào Nam do Pháp và Mỹ tuyên truyền là không có cơ sở. Người di cư đa số là người Công Giáo. Dựa vào đây ta có thể hiểu đơn giản hơn, người Công Giáo vốn là hữu thần, vốn đã nghe về chế độ Cộng Sản tại Nga, Trung Quốc là vô thần, và Cộng Sản Việt Nam cũng triệt để theo quan điểm vô thần của Nga, Trung Quốc. Thế nên, sự sợ hãi về việc bị bách hại thời nhà Nguyễn lại ùa về, làm cho người Công Giáo "ghê sợ" chế độ Cộng Sản. Việc người Công Giáo di cư vào Nam vì vậy mà trở nên dễ hiểu hơn. Chẳng hiểu được một chế độ vô thần sẽ đối xử với những người theo hữu thần như thế nào, vì thế tương lai xem như khó xác định, nên chạy vào Nam, với gia đình Ngô Đình Diệm là người Công Giáo chẳng phải hay hơn sao?

- Bảo vệ quan điểm thứ nhất Hoàng Tùng, nguyên tổng biên tập báo Nhân Dân, nguyên bí thư TƯ ĐCSVN trong bài viết “Xin Đừng Quên! Nửa Thế Kỷ Trước: Vấy Máu Cải Cách Ruộng Đất”. Trích từ hồi ký “Những Kỷ Niệm về bác Hồ” đã viết:
"Đánh thuế công thương nghiệp, cải tạo tư sản cũng là do Trung Quốc đề ra. Hậu quả là hơn một triệu người di cư vào Nam. Ta đổ tội cho Pháp, Mỹ, điều đó chỉ đúng phần nào, còn là do ta vội, làm ẩu, đánh tràn hết. Không phải địa chủ mà phú nông, thậm chí trung nông cũng đánh. Đảng viên tốt cũng bị đánh. Kết quả của những chính sách, cải cách lúc đó là như thế".

- Đứng trên lập trường khách quan Trong bài viết “ Cuộc di cư 1954” Vũ Quang Ninh viết về nguyên nhân cuộc di cư như sau:

+ Theo Tuần báo Time, những người di cư vào miền Nam, đặc biệt những người Công giáo Việt Nam, cho rằng họ đã bị đàn áp tôn giáo dưới chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều người thật sự ra đi vì lý do kinh tế và chính trị: họ là những người làm việc cho Pháp, hay giới tư sản không có cảm tình với chính phủ Cộng sản. Một số người là nạn nhân của cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam, bị lấy mất tài sản nên phải bỏ ra đi.

+ Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì cho rằng những người Công giáo Việt Nam đã bị chính quyền Pháp, Mỹ và thân Mỹ cưỡng bức hay "dụ dỗ di cư". Khẳng định này không mâu thuẫn với các tài liệu của Mỹ về hoạt động của Edward Lansdale, chuyên gia tình báo Mỹ hoạt động tại miền Bắc Việt Nam trong thời gian này, với nhiệm vụ làm suy yếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng mọi cách có thể. Theo đó, các linh mục miền Bắc giục giã giáo dân vào Nam với lời giảng rằng Đức Mẹ Đồng Trinh đã vào Nam nên họ phải đi theo.

+ Lansdale và nhóm của ông đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền miêu tả rằng các điều kiện sắp tới dưới chính quyền Việt Minh sẽ ác nghiệt hết mức có thể. Trước tiên là chiến dịch tung tin đồn: tung ra câu chuyện một tiểu đoàn Trung hoa tại Bắc Kỳ đã trả thù một làng Việt Nam, phụ nữ bị hãm hiếp... điều đó làm cho người Việt lo sợ về một cuộc chiếm đóng của quân Trung Quốc. Nhóm này còn phân tán các tờ truyền đơn được giả mạo là của chính phủ Việt Minh, tạo các tin đồn về những chính sách khắc nghiệt, thuê các thầy bói tiên đoán về các tai họa sắp tới. Bản tường trình mật của Lansdale về nhiệm vụ của ông đã ghi nhận số người đăng ký di cư vào Nam tăng lên gấp 3 lần sau khi một tờ truyền đơn giả mạo được phát tán Bernard Fall, nhà sử học nhận xét: "Mọi người phải công nhận rằng cuộc di cư hàng loạt như thế chủ yếu là kết quả một cuộc hành quân chiến tranh tâm lý của Mỹ (và của cả quân đội Pháp).

+ Ngược lại, có những cáo buộc rằng những tờ bích chương và tờ bướm do Uỷ hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến in và trao cho hai bên phổ biến cho dân chúng biết về quyền tự do di tản thì không được chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phân phát. Hơn nữa chính Uỷ hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến đã mở cuộc điều tra đơn khiếu nại của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về hành động cưỡng bách di cư. Trong số 25.000 người Uỷ hội tiếp xúc, không có ai nhận là họ bị "cưỡng bách di cư " hay muốn trở về Bắc cả.

+ Ngoài những người di cư vào Nam vì lý do tôn giáo (chiếm 2/3 tổng số), số còn lại là những người thuộc khuynh hướng chính trị chống cộng sản, những người có liên hệ với chính quyền Pháp hay chính phủ quốc gia, thành phần tư sản thành thị và những gia đình nông thôn lo ngại vì chính sách cải cách ruộng đất và đấu tố. Thêm vào đó là những người thuộc dân tộc thiểu số đã từng theo quân đội Pháp chống Việt Minh. Trong đó có khoảng 45.000 người Nùng vùng Móng Cái và 2.000 người Thái và Mèo từ Sơn La và Điện Biên.

3
. Quan điểm của bản thân
Theo tôi cả 2 quan điểm trên đều đúng khi nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng di cư vào Nam 1954. Nhưng việc Pháp – Mĩ dụ dỗ và cưỡng bức là nguyên nhân chủ yếu, cải cách ruộng đất với những sai lầm đáng tiếc cũng là một nhân tố dẫn tới người dân miền Bắc phải bỏ chốn di cư vào Nam. Chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề trên phương diện khách quan từ mọi phía để tránh đánh giá sai vấn đề và sự thật lịch sử không bị bóp méo.
Kết luận
Lịch sử như một dòng chảy vận động không ngừng. Loài người nhận thức lịch sử và cũng ý thức sâu sắc rằng đó là một quá trình. Nhận thức nối tiếp nhận thức nhận thức sau càng đúng đắn hơn, khách quan hơn công bằng hơn, toàn diện hơn. Vì thế khi nhìn nhận một vấn đề lịch sử chúng ta không nên chỉ cứng nhắc theo quan điểm cũ của lịch sử chính thống mà cần phải nhìn nhận ở mọi phương diện góc nhìn theo ý kiến chủ quan cá nhân.

Nguồn diendankienthu.net*



 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top