Những tục cưới xin độc đáo ở Việt Nam

Bút Nghiên

ButNghien.com
Rước Chúa gái - Phong tục hôn lễ thời Hùng Vương

Trong kho tàng những huyền thoại Việt Nam, câu chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh hay chuyện tình Ngọc Hoa đã trở thành quen thuộc với nhiều người, nhiều thế hệ.

Ở đó chẳng những phần nào thấy được thiên nhiên, buổi hồng hoang trong lịch sử dân tộc với lụt lội, ác thú, núi cao rừng rậm, chiến tranh, giặc dã…và sức mạnh phi thường của nhân dân chinh phục thiên nhiên, chống thiên tai, trị thuỷ bảo vệ mùa màng, cuộc sống; mà ở đó ta còn thấy được cả tục lệ hôn lễ trong thời đại Hùng Vương.

Trải qua bao đời nay, hình ảnh đám cưới của Sơn tinh và Công chúa Ngọc Hoa vẫn còn giữ được trong ký ức của nhân dân. Qua thế hệ này đến thế hệ khác, dưới hình thức hội làng và cúng tế thần linh người ta đã truyền tục và phản ánh hình ảnh của ký ức đó. Trước khi làm lễ cầu hôn, Sơn Tinh và Thuỷ Tinh phải làm lễ ra mắt, rồi trổ hết tài năng của mình cho Vua Hùng với tư cách là cha của Ngọc hoa cùng dân làng xem xét. Sơn Tinh khi thắng cuộc thì được đón Ngọc Hoa về làm vợ, Thuỷ Tinh thua cuộc thì uất hận đến ngàn đời quyết tâm dâng cao nước gây lụt lội, nhưng có tài rồi vẫn chưa đủ mà Sơn Tinh và Thuỷ Tinh còn phải có đủ đồ thách cưới như: “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, 100 bánh chưng, 100 bánh dầy”…”Ai đem đến trước mới được mời vào trao duyên cùng công chúa”, khi được chấp nhận rồi đám cưới mới được tổ chức. Cũng đón dâu và múa hát cùng nhiều trò vui nhộn.

Khảo sát thực tế lễ hội mùa xuân của một số vùng xung quanh Đền Hùng, chúng ta sẽ có dịp được thấy một số diễn xướng dân gian khá sinh động. Đó là lễ hội làng He với trọng tâm là lễ hội rước Chúa Gái. Đó còn là trò diễn bách nghệ khôi hài của dân làng Vi - Trẹo. Chuyện xưa kể rằng hàng năm vào tháng Chạp, các cụ già của 2 làng Vi - Trẹo tụ họp tại đình Cả để bàn việc tổ chớc lễ hội mùa xuân và bàn việc rước Chúa Gái. Chúa Gái được chọn lựa kỹ càng trong đám thanh nữ vừa độ tuổi trăng tròn (15 – 16 tuổi). Đó là một cô gái chưa chồng xinh đẹp, thuỳ mị, nết na, nghĩa là nếu theo quan niệm phong kiến phải có đủ cả công, dung, ngôn, hạnh. Con nhà phong quang không có tang chế, bố là người có chức sắc, dẫu không là quan trong làng thì cũng phải là người sang trong họ. Trước ngày rước một tuần dân làng phải đến trang trí nhà Chúa Gái cho thật đẹp đẽ, sang trọng, chăng đèn, kết hoa trong nhà ngoài sân lộng lẫy. Mọi sinh hoạt của Chúa Gái được khép kín trong phòng. Tất cả các cô gái khác cùng trong độ tuổi phải phục vụ. Ngày rước Chúa Gái cũng chính là ngày lễ hội làng He (làng He ngày xưa gồm 2 thôn Vi - trẹo, 2 thôn này thuộc 2 xã Chu Hoá và Hy Cương và hội làng He chính là hội Đền Hùng ngày nay).

Ngày xưa đã có câu:

“Sơn Tây vui nhất hội chùa Thầy
Vui thì vui thật chẳng tày hội He”

Vì vậy, trong ngày hội rước Chúa Gái, dân làng tổ chức nhiều trò vui như: Săn lơn, chạy địch, chạy Tùng dí và diễn trò bách nghệ khôi hài…

Hội làng He được được tổ chức thành 2 phần riêng biệt, phần lễ và phần hội. Phần lễ được tiến hành trọng thể tại ngôi đình làng. Đó là sự biểu đạt phần đời thường của con dân trước các thiên thần và các nhân thần đã có công dựng nước và bảo vệ xã tắc. Phần hội được tổ chức vui tươi lành mạnh đó là sự biểu đạt nhu cẩu thưởng ngoạn của cuộc đời mỗi con người. Tất cả các trò vui được diễn trong hội làng He chỉ nhằm mục đích sao cho Chúa Gái vui tươi. Vì theo quan niệm của dân làng nếu Chúa Gái vui cười thật nhiều thì năm ấy cả làng sẽ làm ăn thuận lợi hơn.

Theo các cụ già trong làng kể lại thì, thực chất cuộc rước Chúa Gái trong hội làng He được mô phỏng theo tích Tản Viên đón vợ. Vì sau khi Ngọc Hoa đã kết hôn cùng Sơn Tinh, nàng đã trở về với bố đẻ mà không về ở với chồng, nên Sơn Tinh dã phải đem lễ lại mặt đến đón vợ về. Vì thương cha nhớ mẹ nên sắp ra khỏi cổng làng, Công chúa Ngọc Hoa không đi nữa, dân làng phải làm đủ mọi trò vui, trò bách nghệ khôi hài để nàng vui lòng lên kiệu về với chồng bên quê hương Núi Tản – sông Đà (Ba Vì – Hà Tây). Ngày nay, khi tìm hiểu toàn bộ diễn trình của các lễ hội dân gian trong làng xã quanh đất cổ Phong Châu, khảo sát câu chuyện tình sử giữa công chúa Ngọc Hoa và Tản Viên Sơn Thánh, ta sẽ ghi nhận được dung diên phong tục hôn nhân thời cổ đại khi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Đó là tục hôn nhân một vợ một chồng, và việc kén chọn để “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem họ..”, đó cũng là tục thách cưới, tục cưới xin có tổ chức trò vui và tục đón dâu, lại mặt…

Qua tất cả các phong tục hôn nhân thời ấy đã phản ánh rõ nét đời sống, xã hội thời Hùng Vương là một xã hội phát triển khá cao. Chuyện tình công chúa Ngọc Hoa đã phản ánh chế độ hôn nhân trong xã hội có gia đình ở giai đoạn phụ quyền, nghĩa là “Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Sự lựa chọn chàng rể và tục thách cưới dường như là phong túc được bảo lưu ở rất nhiều địa phương thuộc tỉnh Phú Thọ cho đến ngày nay.
-------------------------------------------------​

Tục kéo vợ của người H’Mông

Người Mông có tục kéo con gái về làm vợ. Khi người con trai quen biết một người con gái và muốn cô gái đó làm vợ họ sẽ đi kéo cô gái về nhà. Để kéo được cô gái về nhà, người con trai phải chiêu đãi, mời rượu một số người bạn cùng lứa tuổi để họ đi kéo giúp.

Chàng trai và bạn bè của anh có thể tìm cô gái ở chợ, ở đêm chơi trăng hay lúc đi làm nương. Khi đã kéo được cô gái về nhà, chàng trai lại phải mời rượu bạn để cảm ơn. Chàng trai sẽ phải nhờ chị gái của mình (hoặc em gái) để trông không cho cô gái trốn khỏi nhà mình. Chị gái của chàng trai sẽ có mặt bên cô gái được kéo về suốt cả ba ngày đêm.

Khi đã kéo cô gái về nhà mình được một ngày, bố mẹ chàng trai sẽ nhờ một người đàn ông, gia đình phúc lộc đi làm mối cho con mình “Tua lểnh xa” (người làm mối). Người này còn được coi là bố mới “xí xi xu” của chàng trai nếu như đôi bạn trẻ nên vợ nên chồng. Người mối này sẽ để một lít rượu vào sừng trâu “cu nhùng trâu chớ” đi đến nhà gái với mục đích hỏi xem gia đình bên nhà gái cần những gì cho việc cưới của con. Khi người mối đến nhà không được đi vào gian giữa mà phải vào cửa phụ và ngồi ở bếp lò. Ông mối sẽ mời mọi người uống rượu đã mang sẵn từ nhà đến. Chỉ cần những cử chỉ như vậy là bố mẹ nhà gái biết được họ hỏi lấy con gái mình. Nhà gái đi mời một người đàn ông có phúc phận tốt để thay mặt nhà gái thách cưới cho khách quan. Ông mối này có quyền thách những thứ cần thiết, số lượng phù hợp như những đám cưới khác. Hai ông mối này còn mang tính chất là hai người làm chứng của hai gia đình. Nếu hai đứa ưng thuận lấy nhau thì lễ vật nhà trai đem đến phải đầy đủ như ông mối của nhà gái thách cưới, không được thiếu một thứ gì.

Từ lúc kéo đến lúc cưới trong vòng 3 tháng. Đây là thời gian cần thiết để nhà trai chuẩn bị những thứ cần thiết cho lễ cưới. Nếu sau 3 ngày kể từ ngày kéo cô gái về, cô gái không đồng ý làm vợ chàng trai thì xin phép nhà trai cho hai bát rượu - cô gái sẽ bưng mời chàng trai một bát và uống cạn một bát, cảm ơn chàng trai đã yêu thương đến mình đồng thời cô gái cũng nói lên điều trân trọng của mình với chàng trai đó và xin chỉ làm bạn. Trong trường hợp này, chàng trai sẽ nài nỉ và nói nên tâm tình của mình. Nếu cô gái thay đổi thì họ sẽ lấy nhau. Nếu cô gái không thay đổi thì cả hai bên cùng uống cạn bát rượu và cô gái xin phép ra về.

Trong trường hợp cô gái đồng ý làm vợ thì tâm sự với người chị gái của chàng trai. Sau đó người chị gái sẽ nói với chàng trai và gia đình chuẩn bị những thứ cần thiết cho những việc tiếp theo. (Chị gái của chàng trai ở với cô gái không chỉ để trông nom, giúp đỡ mà còn thuyết phục cô gái đồng ý làm vợ em trai mình.)

Sau 3 ngày, để chuẩn bị đám cưới, nhà trai làm bánh dầy để cho em trai và em gái đưa vợ chưa cưới của chàng trai về nhà mẹ đẻ. Cô gái về nhà để báo với bố mẹ mình là đồng ý làm vợ chàng trai và xin phép bố mẹ để sang bên đó ở. Cô gái đem theo quần áo, đồ thêu của mình sang nhà trai ở - Thời gian ở bên nhà trai trước khi cưới 3 tháng - cô gái đi lại cả hai bên và làm việc thêu thùa chuẩn bị cho ngày cưới. Sau 3 tháng ở nhà trai để làm quen với sinh hoạt nhà chồng và chuẩn bị xong trang phục cưới, nhà trai cũng chuẩn bị xong lễ cưới. Họ đưa cô gái về nhà bố mẹ đẻ và xin phép ngày tổ chức cưới.

Lễ cưới được tổ chức tại nhà gái trong vòng 1 ngày 1 đêm. Trong đám cưới diễn ra các cuộc mời rượu, hát đối đáp giữa các thanh niên nam nữ của hai họ. Trước khi về ở hẳn nhà chồng, cô gái sẽ phải thắp hương cúng tổ tiên, ma nhà, ma cửa, ma cột cái... các ma tốt trong gia đình để bái về việc con gái đi ở với chồng. Khi về nhà chồng, chỉ tổ chức mâm cơm trong nội tộc và cúng tổ tiên gia đình nhà trai là xong lễ cưới. Cô dâu sẽ ở nhà chống chính thức từ đây.

Người Mông quan niệm về hôn nhân không khắt khe như các dân tộc khác. Anh em trong vòng ba đời nội tộc có thể lấy được nhau hoặc con dà, con dì cũng có thể lấy được nhau. Đây là kiểu quan niệm về hôn nhân khép kín từ xa xưa để lại nhằm bảo vệ một cách tuyệt đối về tài sản của họ cho con cháu.
---------------------------------------------------------​

Tục lệ cưới xin của dân tộc La Hủ

Mời bạn lên vùng cao phía Bắc, thăm bà con dân tộc La Hủ thuộc tỉnh Lai Châu. Tục lệ cưới xin ở đây có nét đẹp riêng. Tháng 11, 12 hàng năm - là dịp Tết của người La Hủ - cũng là mùa cưới của các đôi trai gái yêu nhau. Chàng trai tìm hiểu cô gái, đã tới độ "chín muồi", anh có thể tới nhà cô gái ngủ một vài tối. Tục lệ cho phép anh, chị có thể ngủ chung giường.

Lễ na-nhí, tức lễ dạm hỏi như vùng xuôi, thường vào buổi tối. Ông "mối" cùng bố mẹ và anh em nhà trai sang nhà gái để "có lời". Lễ vật là rượu và một thứ "quà quý" của rừng - ("quà quý" này nhất thiết phải có thịt sóc rừng). Qua trò chuyện, nhà gái thấy bằng lòng thì hai bên cùng uống rượu, nhắm thịt sóc.

Sau lễ dạm là lễ hỏi, hai lễ này cách nhau khoảng bảy, tám ngày. Theo tục lệ, lễ hỏi gồm hai chai rượu và số con sóc phải là số chẵn chứ không được số lẻ, chừng 6 đến 8 con. Nhà trai phải "tuân theo" số lượng con sóc của nhà gái: 6 hoặc 8 con, vì theo lệ từ xưa, số sóc không được ít hơn 4 nhưng cũng không được nhiều hơn 8. Người làm mối trong lễ hỏi còn là người "đầu bếp", tự tay làm thịt sóc, trình bày các món ăn này sao cho ngon để mời nhà gái.

Trong khi ăn uống vui vẻ hai bên trao đổi về tiền cưới và thời gian ở rể. Ngày xưa, tiền cưới khá "nặng túi": những 70 đến 80 đồng bạc trắng. Trường hợp nhà rể nghèo, không có bạc trắng, thì anh phải ở lại làm rể ngay tối hôm đó. Thời gian ở rể bây giờ rút xuống còn từ 2 đến 4 năm, thời trước từ 8 đến 12 năm.

Nếu lễ ăn hỏi có số con sóc phải chẵn, thì lễ cưới quy định: đoàn đi đón dâu phải là số lẻ, trong đó có hai ông "mối" và chàng rể. Khi nhà trai đón dâu đi, ông "mối" trao tiền cưới cho nhà gái. Trên đường đi, dù có nhớ bố mẹ, cô dâu cũng không được ngoảnh lại nhìn ngôi nhà cô sinh ra và lớn lên, vì nếu vấp ngã, e sau này vợ chồng có chuyện cãi cọ không hay.

Rước dâu về đến nhà, bà mẹ chồng đã đứng đợi ở cửa. Bà lấy một nắm gạo xoa lên lưng con dâu, ngụ ý "xóa hết cỏ để con dâu không mang cỏ về, trên nương sẽ không có nhiều cỏ mọc". Lại còn tục lệ: bà mẹ chồng trồng hai cây riềng ở hai bên cửa vào nhà, rồi buộc sợi chỉ trắng qua hai cây riềng. Lúc vào nhà, cô dâu đi phía tay trái, chú rể đi phía tay phải, rồi chú rể dùng tay trái, cô dâu dùng tay phải "cắt" đứt sợi chỉ đó, bước vào nhà. Xong thủ tục này hai họ cùng nâng chén chúc những câu tốt lành và ăn uống vui vẻ.

Ði thăm đất nước vào dịp xuân về, các bạn sẽ có được nhiều thú vui, nhiều điều bổ ích.
-----------------------------------------------------​

Nghi thức hôn lễ của người Chăm An Giang

An Giang có 2.110 hộ người Chăm với 13.700 người luôn sống gắn bó, hoà nhập vào cộng đồng các dân tộc anh em và giữ gìn bản sắc văn hoá riêng. Xin giới thiệu với bạn đọc nghi thức hôn lễ cổ truyền của đồng bào Chăm An Giang.

Lễ dứt lời (Pakioh - Po Nuối)

Trước “lễ dứt lời”, bà mai (Maha) sang nhà gái trao đổi trước. Đúng ngày giờ đã định, nhà trai đến nhà gái. Vị Cả Chùa tuyên bố: “Hôm nay là lễ Pakioh - Po Nuối cho hai trẻ, tiền đồng là… tiền chợ là…”. Hai họ dùng tiệc, chi phí bữa tiệc do đôi bên cùng lo. Vài hôm sau, đàng gái mang sang nhà trai 1 mâm bánh trả lễ, đàng trai trao tượng trưng 1 bao thư tiền.

Sau đó cứ đến ngày Ro-Ja, chú rể và bạn bè đến thăm nhà cô dâu vào ban ngày, cô dâu không được ra gặp chú rể nhưng gia đình bố trí cho nhìn lén. Buổi tối, cô dâu cùng bạn gái qua thăm nhà chú rể.

Chú rể cũng được sắp xếp để nhìn lén cô dâu. 3 ngày trước đám cưới, vị Cả Chùa và người nhà trai mang 1 cái giường qua nhà gái. Vị Cả Chùa cầu nguyện, những người cùng đi dọn phòng cưới. Tiếng Chăm gọi việc này là đi Thon - Kghe (đi ráp giường). Cũng ngày này, các phụ nữ bên nhà gái may mùng cho đôi tân hôn.

Đám cưới

Diễn ra trong 3 ngày: ngày nướng bánh (Âm-Ha), ngày nhóm họ (Pa Thưng – Pa Gú), Ngày lễ lên ghế (lần II và III). Nhà trai đưa rể sang nhà gái. Khi chú rể bước xuống cầu thang nhà mình, mọi người hát: “Xin cha mẹ tha thứ, con từ giã cha mẹ”. Khi chú rể bước tới chân cầu thang nhà gái, các bà đàng gái bưng nước rửa chân cho chú rể trong lúc mọi người hát vang bài hát có nội dung hân hoan rửa chân, và trải khăn trắng mời chú rể bước vô nhà.

Tiến hành lễ đính hôn (Ka Pol): Sau khi một người có uy tín đọc xong đoạn kinh Coran, nội dung nhắn nhủ chú rể tôn trọng người bạn đời thì cha cô dâu cầm tay chú rể nói: “Tôi gả đứa con gái tên là…”. Chú rể đáp: “Tôi nhận cưới…”. Khi được đưa vào phòng cô dâu, chú rể sẽ gỡ cây trâm cài trên tóc vợ, rồi cùng ngồi trên giường lắng nghe vị Cả Chùa cầu nguyện.

Bữa cơm của đôi tân hôn: Mâm cơm có 1 dĩa cơm, 1 dĩa thức ăn. 4 phụ nữ có gia đình hạnh phúc nói lời chúc mừng và đôi vợ chồng trẻ sẽ cùng bốc ăn chung.

Lễ động phòng hoa chúc (Sen Thoa): 4 phụ nữ nói trên giăng mùng, trải chiếu, tiến hành lễ “lượm bạc cắc”. Người ta đặt 1 xô nước trong đó có 10 đồng bạc cắc. 2 vợ chồng thò 1 bàn tay vào một lượt để mò bạc cắc. Ai lượm số bạc cắc nhiều hơn thì được có tiếng nói quyết định trong gia đình.

Đám cưới người Chăm An Giang trang trọng, ấm áp, không xa hoa phù phiếm. Ngày nay có một chút thay đổi trong nghi lễ: đám cưới chỉ trong 2 ngày; đưa chú rể sang nhà cô dâu vào buổi sáng thay vì buổi chiều; bỏ lễ “lên ghế lần III”; trang phục cô dâu chú rể được cách tân, vẫn giữ vẻ đẹp cổ truyền nhưng tiện dụng hơn


----------------------------------------------------------​

Nghi thức cưới của người Lô Lô

Cũng giống như các dân tộc khác, với người Lô Lô, việc cưới hỏi là một sự kiện vô cùng trọng đại. Theo tập quán cổ truyền, nhà trai phải nhờ bốn người làm mối gồm hai nam, hai nữ, tốt nhất là được hai cặp vợ chồng song toàn. Chọn được ngày tốt, những người làm mối này mang hai chai rượu và lễ vật đến dạm hỏi.

Nếu nhà gái đồng ý thì làm cỗ và dùng hai chai rượu đó uống rượu và bàn định ngày cưới. Đồ thách cưới bao gồm gạo nếp, gạo tẻ, thịt lợn, rượu… để dùng cho tiệc cưới, ngoài ra còn có váy, áo, vòng tay, vòng cổ cho cô dâu, thậm chí còn thách cả bạc trắng để làm của hồi môn.

Nhà trai sẽ mang lễ vật đến cho ông cậu của cô dâu, người này giao lại lễ vật đó cho chủ nhà. Nhà gái làm cỗ cúng trình tổ tiên và mời bà con họ hàng đến ăn uống vui chung. Cô dâu thường được khách mời mừng khăn, áo, tiền bạc và các đồ dùng khác. Thường thì nhà trai dẫn lễ cưới đến vào ngày lễ hôm trước để ngày hôm sau đón dâu sẽ là ngày chẵn với mong ước đôi trẻ mãi mãi không bị lẻ loi. Lễ dâng cưới diễn ra trong lời ca đón rể đón dâu mừng hai họ hết sức thân mật. Tối hôm đó nhà gái tổ chức hát thâu đêm suốt sáng để phúc chúc cho cô dâu chú rể.

Sáng hôm sau, cơm nước xong, chú rể cùng phù rể vào bái lạy tổ tiên, lễ sống bố mẹ vợ cùng ông cậu và quan khách. Ông cậu sẽ dắt cháu gái từ trong buồng ra trao cho nhà trai. Cả gia đình nhà gái đều khóc thể hiện sự quyết luyến với người con gái đi lấy chồng, cô dâu thì khóc to hơn như lưu luyến không muốn rời xa bố mẹ đẻ của mình. Nhà trai, nhà gái mỗi bên có một phù dâu dắt tay cô dâu đi ra. Dẫn đầu đoàn dâu là bốn người làm mối, đi sau là cô dâu cùng phù dâu và họ hàng nhà trai.

Nghi thức đón dâu ở nhà trai cũng giống như đón rể ở nhà gái. Bốn người làm mối phải uống rượu và hát. Tập quán của người Lô Lô là khi cô dâu bước chân vào nhà, bố mẹ chồng phải tạm lánh mặt đi nơi khác vì sợ gặp mặt thì sẽ át vía con dâu, sau này sẽ không khoẻ mạnh.

Đoàn dẫn dâu về nhà trai được một lúc thì đoàn ông cậu của nhà gái mang của hồi môn sang bao gồm lợn, gà, cái cuốc, cái cháo, con dao, hòm quần áo của cô dâu cùng rượu, thịt, xôi nếp… với những nhà giàu thì có cả một con bò. Nhà trai tổ chức linh đình và hát mừng suốt đêm để chúc cho hạnh phúc của đôi trẻ. Khi tiễn ông cậu về, nhà trai tuỳ số của hồi môn ít hay nhiều của cô dâu mà đưa lại một số tiền gọi là tiền đi đường và làm quà.

Sau ba ngày cưới, cô dâu chú rể trở lại thăm nhà vợ, có thể ở lại nhà gái ít bữa, sau đó sẽ trở về ở hẳn tại nhà trai./.

-----------------------------------------------------------​
 
Lễ cưới của dân tộc M’nông Preh ở Tây Nguyên

Lễ cưới của dân tộc M’nông Preh là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc riêng biệt của người M’nông. Phong tục hôn nhân của người M’nông Preh gồm mấy bước: Lễ ngỏ lời, Lễ dạm hỏi, Lễ cưới.

Khi chàng trai tìm được cô gái vừa ý, chàng tặng cô gái một cái lược, một chuỗi hạt hoặc một vòng đeo tay để làm tin. Sau đó, chàng trai về thông báo với bố mẹ và xin ý kiến. Nếu đồng ý, bố mẹ chàng trai sẽ nhờ ông mối mang lễ vật đến nhà gái. Lễ vật gồm : một con gà, một con dao và ống măng chua. Khi nhà gái bằng lòng, ông mối sẽ thay mặt nhà trai bàn bạc với nhà gái về Lễ dạm hỏi.

Đến ngày đã định, nhà trai cử một người già có uy tín cùng một số trai tráng khỏe mạnh mang lễ vật đến nhà gái. Tùy từng nơi, từng gia đình mà sính lễ khác nhau. Lễ chính gồm : một con trâu hoặc lợn, một gùi măng chua và da trâu mối, một ché rượu cần nhỏ. Nhà gái cử một vị cao tuổi nhận lễ vật rồi bày lên chiếc chiếu hoa ở giữa nhà để cúng Giàng xin làm Lễ dạm hỏi. Xong xuôi hai bên nhà trai, nhà gái mới tiến hành bàn bạc, chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới.

Lễ cưới sẽ được tổ chức ba ngày liền ở nhà gái. Hôn lễ được mở đầu bằng việc nhà gái đem biếu nhà trai mỗi người một bát gạo đầy, tượng trưng ý nguyện cầu mong cuộc sống họ luôn luôn no đủ. Mỗi bát gạo tương đương một ché rượu mà nhà trai tặng nhà gái. Ông mối sẽ đóng luôn vai trò người làm chủ hôn. Ông dẫn đôi uyên ương đến bên cột nhà chính. Hai người làm chứng đại diện cho hai họ cầm chiếc khăn buộc vào cột nhà. Chủ lễ cầm tay đôi vợ chồng trẻ nắm vào chiếc khăn, ý nói tình cảm hai người đã được buộc chặt, luôn gắn bó bên nhau. Sau đó chủ lễ dặn dò chú rễ, cô dâu về đạo vợ chồng và trách nhiệm của mỗi người đối với cha mẹ, gia đình họ hàng.

Tiếp sau đó là người làm chứng, họ xúc cho hai vợ chồng mỗi người ba muỗng cơm và cũng được đôi vợ chồng phúc đáp lại. Sau nghi thức này, ông mối đưa cần rượu để hai vợ chồng trẻ uống đầu tiên mở màn cho lễ uống rượu mừng ngày cưới. Những ché rượu được cột sẵn ở Cột buộc ché rượu theo hàng dọc giữa nhà. Mọi người cùng uống rượu, ca hát, nhảy múa theo nhịp cồng chiêng rộn rã suốt ngày đêm. Những người đến dự đám cưới mang theo rượu, thuốc lá, gạo nếp .. góp vào ngày vui của gia chủ. Lễ cưới còn là dịp để các chàng trai, cô gái tìm hiểu nhau. Sau lễ cưới còn có lễ rước rể vào ngày hôm sau. Cưới xong đôi vợ chồng trẻ phải ở trong nhà bảy ngày, không được ra khỏi nhà tránh gặp mặt người lạ. Hết thời gian kiêng cử, họ trở về nhà trai bảy ngày, sau đó về bên nhà gái ở trọn đời.
-----------------------------------------------------------------​

"Tăng cẩu"- nét đẹp trong văn hoá của người Thái đen

Người Thái có nhiều nhóm: Thái đen, Thái trắng, Man Thanh, Tày Mười, Tày Thanh... với dân số hơn 1 triệu người phân bố ở nhiều vùng đất nhưng nhiều nhất vẫn là ở vùng Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An). Dân tộc Thái có vốn văn học cổ truyền quý báu với kho tàng thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao… có nhiều điệu múa (khắp) độc đáo: xoè Thái, múa sạp. Văn hoá của người Thái rất phong phú thể hiện ở nhiều nghi lễ khác nhau như: cúng trời đất, cúng bản mường, nghi lễ cầu mùa, đám ma được gọi là lễ tiễn người chết về "mường trời", người dân tộc Thái ở nhà sàn, riêng người Thái đen làm nhà có hình mai rùa và được trang trí theo phong tục xưa. Nhưng tục búi tóc (tăng cẩu) lại chỉ phổ biến ở nhóm người Thái đen. Hôn nhân của người Thái đen là hôn nhân theo kiểu phụ hệ, nhưng từ trước tới nay, tập người này vẫn duy trì tục ở rể, gửi rể.

Khi chàng trai người Thái đen đến tuổi lấy vợ (trước đây là 13-14 tuổi), nay mười tám, đôi mươi sẽ tự đi tìm người con gái mà mình ưng ý hoặc do bố mẹ "nhắm cho". Tiếp đến, nhà trai nhờ một ông Mối (tiếng Thái gọi là Phòlam) đến nhà cô gái để làm mối. Nếu được gia đình cô gái ưng ý, chàng trai sẽ bắt đầu cuộc đời ở rể.

Chọn ngày lành, tháng tốt, nhà trai chuẩn bị cho con trai một số sính lễ để đến ở rể. Lễ vật gồm: một chiếc áo, một con gà mổ sẵn, một gói cơm, một chai rượu và một cái "Tôống bai" là cái đựng vía (khoắn) được làm bằng một sợ dây mây một đầu được cuộn xoắn lại (theo như lời người Thái đen cho biết thì vật này để cho vía chú rể trú ngụ ở đó). Ông Mối sẽ là người trực tiếp đưa chàng trai đến nhà cô gái. Sau khi kiểm xong lễ vật, nhà gái để mọi thứ lên bàn thờ để báo cho tổ tiên biết nhà đã có chàng rể. Trong thời gian ở rể chàng trai được đối xử như một thành viên mới của gia đình.

Nhưng do phải có thời gian thử thách nên anh ta phải chăm chỉ, lao động cật lực, cùng ăn với cả gia đình vợ, chỉ có điều anh ta chưa được ngủ cùng cô gái, mà phải ngủ ở vị trí dành cho khách (người Thái gọi là khơi). Trong ngôi nhà sàn của người Thái, ngoài các buồng thông thường, ở hai phía đầu hồi còn có hai phần được sử dụng với từng mục đích khác nhau, một đầu là khan dùng để làm công việc bếp núc. Đây là phần đầu hồi ở phía sau, để nước và làm bếp, nơi này thường là chỗ sinh hoạt của phụ nữ. Khơi (trong tiếng Thái, khơi là rể, lục khơi là con rể) là phần đầu hồi nhà ở phía trước, phía cầu thang chính lên nhà. Đây là phần dùng để tiếp khách và nếu gia đình nào có chàng rể đang trong giai đoạn thử thách thì sẽ ngủ ở đây...

Sau thời gian ở rể có thể chỉ 3 tháng hoặc kéo dài cho đến khi chàng rể được nhà cô gái chấp nhận. Để đôi uyên ương được ngủ chung với nhau thì hai gia đình phải tiến hành làm lễ "tăng cẩu" (búi tóc), chính thức công nhận họ là vợ chồng. Búi tóc của người phụ nữ Thái đen từ thời điểm này được coi như là một dấu hiệu thông tin cho mọi người biết họ đã có chồng. Để làm lễ này, nhà trai lại phải mang tới nhà gái một số lễ vật. Theo tục lệ, lễ "Tăng cẩu" được thực hiện ở gian gần bếp, người ta chuẩn bị một chậu nước lá thơm. Đại diện phía nhà trai gội đầu, chải tóc và búi tóc cho cô dâu. Tóc được búi lên, cuộn lại bằng một dây xà tích bằng bạc và cài một chiếc trâm bạc giữ cho tóc không bị xổ ra. Trong lúc búi tóc cho cô gái, đại diện hai nhà cùng uống rượu và hát đối đáp "khắp toóc". Nội dung của các bài khắp nói lên hoàn cảnh của mỗi nhà và những lời dặn dò đôi trai gái.

Sau lễ tăng cẩu, chàng trai và cô gái được ngủ chung với nhau, cũng từ đó cô gái phải luôn búi tóc vừa để làm đẹp vừa như là một dấu hiệu thông báo cho các chàng trai khác biết họ đã có chồng. Về nguyên tắc, lễ cưới có thể được tổ chức bất kỳ lúc nào mà hai gia đình muốn, sau lễ "tăng cẩu".
------------------------------------------------------------------​

Cạy cửa ngủ thăm của người Dao Tiền

Trên đất nước Việt Nam của chúng ta có 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán mang những nét độc đáo, đặc sắc rất riêng. Bạn đã từng nghe nói đến lễ bỏ mả (ở Tây Nguyên), Chợ tình (ở Khau Vai - Hà Giang)… Chúng tôi muốn giới thiệu với bạn một phong tục rất đặc trưng của người Dao Tiền ở vùng núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ: tục "cạy cửa ngủ thăm".

Bản Cỏi, thuộc xã Xuân Sơn thuộc huyện vùng cao Thanh Sơn - tỉnh Phú Thọ, nằm tựa lưng vào núi. Một bên giáp huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), phía bên kia giáp với huyện Phù Yên (Sơn La). Bản Cỏi được bao quanh bởi suối và núi non hùng vĩ. Nơi đây tập trung các dân tộc Dao, Mường… sinh sống. Cả bản có 66 hộ dân với 350 nhân khẩu.

Theo sự giải thích của người dân nơi đây, "ngủ thăm" có nghĩa là con trai, con gái đến tuổi trưởng thành đều có thể "cạy cửa ngủ thăm" nhà nhau. Tuy nhiên, theo phong tục và quy định riêng của người Dao và người Mường từ bao đời nay, chỉ có con trai người Mường mới được lấy vợ người Dao, còn con trai người Dao không được lấy gái Mường.

Các cô gái đến tuổi trưởng thành, ban ngày đi làm các công việc đồng áng, tối đến đốt một ngọn đèn, buông màn sớm và nằm trong đó. Các chàng trai có nhu cầu tìm hiểu người con gái mình sẽ lấy làm vợ, có thể tìm đến để ngủ thăm. Nếu đèn trong buồng cô gái còn sáng, nghĩa là chưa có ai đến ngủ thăm, chàng trai phải tự cạy cửa để vào nhà. Chàng trai có thể nằm xuống bên cạnh cô gái, cô gái sẽ tắt hoặc vặn nhỏ ngọn đèn. Hai người chỉ trò chuyện, tâm sự mà không được chạm vào người nhau. Sau một thời gian tìm hiểu, cô gái có quyền quyết định cho chàng trai đó "ngủ thật" hay không. Nhưng trước khi đi đến "ngủ thật", cả hai đều phải thưa với bố mẹ để bố mẹ xem có hợp tuổi không. Nếu hợp tuổi, hai bên gia đình sẽ cho phép đôi bạn trẻ ngủ thật với nhau.

Khi thời gian ngủ thật bắt đầu, cũng là lúc chàng trai phải đến làm công cho gia đình cô gái. Cứ ngày đi làm cùng gia đình, tối về ngủ với cô gái mình có ý định tìm hiểu. Trong thời gian này, chàng trai không được về nhà mình, muốn về phải được gia đình cô gái cho phép. Nếu cô gái không thích chàng trai nữa thì cô gái sẽ gói quần áo cùng với một gói cơm nắm cho vào địu và bảo với chàng trai rằng: "Anh cứ về thôi!", như thế có nghĩa là cô gái đã từ chối. Hoặc cũng có khi cô gái bảo: "Hôm qua, em nằm mơ thấy ác mộng", đó cũng là một cách từ chối…

Nếu bạn là người Kinh, bạn vẫn có thể "ngủ thăm" ở bất kỳ nhà một cô gái nào bạn thích, miễn là cô gái ấy chưa có ai đến ngủ thật; và phải nhớ là bạn không được làm một điều gì "thiếu trong sạch" khi muốn thử cái phong tục diễm tình nguyên sơ rất độc đáo này. Cũng có khi gặp phải trường hợp cô gái để cho hai người con trai đến ngủ thăm nằm ở hai bên mình. Phong tục của họ cho phép như thế! Trong trường hợp này, cả hai chàng trai cùng tâm sự với cô gái, ai nói giỏi hơn thì người đó thắng.

Cho đến thời điểm này, các hãng lữ hàng vẫn chưa có Tour đưa khách đến Bản Cỏi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều du khách tìm đến đây để khám phá thiên nhiên hoang sơ, những phong tục tập quán độc đáo và đặc sắc "có một không hai" này. Để đến được Bản Cỏi, bạn có thể mua vé xe tuyến Hà Nội - Thanh Sơn (Phú Thọ) ở bến xe Kim Mã (giá 25 - 30 ngàn đồng/vé) đến thị trấn huyện Thanh Sơn. Tại chợ thị trấn Thanh Sơn có rất nhiều mặt hàng của đồng bào các dân tộc quanh vùng mang đến bán hoặc trao đổi hàng hoá như thổ cẩm, đồ lưu niệm, hàng tiêu dùng, đặc biệt là các loại thuốc nam… Giá nhà nghỉ ở đây là: 25- 50 ngàn đồng/phòng giường đôi; nhà trọ: 5-10 ngàn đồng/người. Trung tâm thị trấn cũng có nhiều điểm vui chơi với giá cả rất rẻ và người dân ở đây cực kỳ thật thà và mến khách.

Từ thị trấn Thanh Sơn, bạn có thể thuê xe ôm đến Bản Cỏi, khoảng 50- 70 ngàn đồng/xe 2 người (cánh xe ôm ở đây tay lái rất cừ, bạn có thể yên tâm) cho quãng đường đồi núi, gập ghềnh.

Tuy Bản Cỏi chưa có khách sạn và nhà nghỉ nhưng bạn có thể gõ cửa một ngôi nhà bất kỳ, đảm bảo không mất tiền mà bạn còn được chủ nhà coi như thượng khách.

-----------------------------------------------------------​
Tục ''Juê nuê'' trong hôn nhân của người Êđê

1. Juê nuê là một luật tục cổ truyền, tồn tại đã khá lâu và bền vững trong hôn nhân của người Êđê. Nét nổi bật trong quy tắc hôn nhân của đồng bào được quy định cho từng trường hợp với 9 điều luật và được bảo vệ nghiêm ngặt trong hôn nhân truyền thống (từ điều 97 đến điều 103 về luật hôn nhân và gia đình).

Đây là một kiểu tập quán hôn nhân (quy định cho chị em vợ và anh em chồng) có truyền thống từ xa xưa. Luật tục quy định rõ “rầm sàn gẫy thì phải thay, giát sàn nát thì phải thế, chết người này phải nối bằng người khác”. Bởi đồng bào sợ rằng: “gia đình sẽ tan tác ngoài nương rẫy, dòng họ sẽ kiệt quệ, giống nòi sẽ khô kiệt như những dòng suối cạn nước, kẻo tuyệt nòi không còn con cháu nữa”, vì vậy, trong trường hợp chồng chết, người phụ nữ có quyền đòi hỏi nhà chồng phải thế một người em trai chồng để làm chồng mình. Ngược lại, nếu người vợ chết, chồng người phụ nữ ấy có thể lấy em gái vợ (em ruột hoặc em họ của vợ) để nối nòi. Ngoài ra, tục ]uê nuê này còn vượt ra ngoài cả phạm vi kiểu hôn nhân anh em chồng hoặc chị em vợ (người trong dòng họ vợ hoặc chồng để làm nuê).

Với người Êđê, luôn xem gia đình là một “hrú mđao” (tổ ấm), nơi để cho ông bà cha mẹ và con cái cùng chia vui, xẻ buồn. Trong đó bố mẹ là nguồn sống, là hơi ấm, là nơi nương tựa của trẻ. Việc tìm cho những đứa trẻ bất hạnh ấy một người “kế” để thay thế người qua đời nuôi dạy chúng là điều cần thiết. Hơn nữa tục Juê nuê không những tìm mẹ (hoặc cha) làm chỗ dựa tinh thần cho những đứa trẻ bất hạnh, tìm bạn đời cho người còn lại mà người này có nhiệm vụ thay người xấu số chăm sóc con cái, quản lý tài sản, đất đai (nếu có) và duy trì gia đình như nó vốn có. Đồng thời, vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ thân tình, bền vững mà hai gia đình đã tạo dựng từ trước đến nay. Trong thực tế, chúng tôi thấy đa số những người vợ (hoặc chồng) nuê ấy đứng ra thay người đã khuất để đảm nhiệm vai trò nuê này một cách tự nguyện .

Tục ]uê nuê được xem như là một luật tục bình thường, hiển nhiên và được cộng đồng thực hiện một cách tự nguyện như mọi luật tục khác trong hôn nhân truyền thống từ bao đời nay. Trường hợp người nuê chênh lệch quá về tuổi tác thì họ chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa, trường hợp này cũng đã được luật tục điều chỉnh và quy định rõ ràng: “Nếu người goá đã đứng tuổi mà người thay thế còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu làm vợ (chồng), thì người goá phải có trách nhiệm nuôi nấng, dạy bảo nuê như một đứa trẻ bình thường khác” (điều 99, điều 100, điều 101 trong luật tục hôn nhân và gia đình). Luật đã quy định người góa phải “Biết che chở, chờ đợi nuê, đến một lúc nào đó nuê sẽ làm được nhiệm vụ nối tiếp giống nòi”. Như vậy, tùy theo từng trường hợp, mỗi một trường hợp khác nhau luật tục có những quy định khác nhau về việc Juê nuê (trường hợp vợ nuê, chồng nuê quá nhỏ, hoặc người còn lại đã quá già yếu thì phải tìm một người tương xứng với nuê để thay thế mình làm chồng (hoặc vợ) nuê. Nếu ai vi phạm những điều đã quy định trên thì coi như đã vi phạm luật tục).

Việc duy trì và bảo vệ gia đình mẫu hệ không chỉ biểu hiện ở tục Juê nuê mà còn thể hiện trong quan hệ giữa các chị em gái ruột, và con cái của họ nữa. Trong tộc mẹ, những người phụ nữ luôn luôn xem những đứa con của các chị em gái ruột hoặc chị em gái họ như con đẻ. Không những thế họ còn nuôi nấng, yêu thương và chăm sóc nó như chính con đẻ của mình. Những người phụ nữ được sinh ra cùng một mẹ hoặc một bà không chỉ gọi con mình là con (dam: con trai, con gái: anak (hoặc mniê điêt)) mà họ gọi cả những đứa con trai con gái của chị em gái mình cũng là anak (con). Tương tự như vậy, những người đàn ông cũng gọi con trai và con gái của anh em trai mình là anak. Những đứa con của chị em gái không chỉ gọi mẹ mình là amí (mẹ) mà còn gọi chị của mẹ mình là amí próng (mẹ lớn), em gái của mẹ là amí mneh và dì út thường được gọi là amí điêt hoặc amí mda (mẹ nhỏ, mẹ trẻ). Những đứa trẻ cùng bà ngoại (con của các chị em gái cùng một mẹ) đều coi nhau như anh em một mẹ. Như vậy, việc người phụ nữ trong dòng họ của vợ chấp nhận làm vợ nuê không những xuất phát từ tình yêu thương với người góa kia mà còn có trách nhiệm và tình thương đối với những đứa trẻ bất hạnh. Theo đồng bào, làm như vậy không những làm “đẹp lòng” Yang mà còn mang lại hạnh phúc cho những đứa trẻ bất hạnh, cho dòng họ và đây cũng là một trong những quy định để bảo vệ gia đình mẫu hệ.

2. Trong văn học dân gian Êđê, vấn đề Juê nuê được phản ánh khá phong phú. Điều này được nghệ nhân dân gian thể hiện rõ nhất trong khan-sử thi (khan Dam Săn, khan Khinh Jú…), một thể loại văn học có giá trị vô cùng to lớn trong nền văn hóa dân gian Việt Nam.

Trong sử thi khan Dam Săn, anh hùng Dam Săn và H’Jí là đôi vợ chồng nuê. Phần đầu của khan Dam Săn, khi bà H’Bia Klu chết, dòng họ bên H’Jí thay thế bà bằng cháu cho ông Mtao Kla, H’Jí còn nhỏ chưa thực hiện được việc “kế tiếp giống nòi”, ông Mtao Kla đã chăm sóc H"Jí như những đứa cháu khác, khi người “vợ nuê” này của ông Mtao Kla thành thiếu nữ thì cũng là lúc ông “mắt đã mờ tóc bạc, như tàu lá đã héo hon, không mong gì rồi đây ông còn lấy cháu ông được. Khi nương đã cằn, rẫy đã cỗi, khi cây đã đổ, gỗ đã mục, khi ông đã già”[3] và ông không còn có thể làm chồng nàng H’Jí được nữa, nên ông đã chọn Dam Săn thay thế mình làm chồng H’Jí. Việc ông Mtao Kla chăm sóc H’Jí lúc nhỏ tuổi không những là trách nhiệm của một người chồng đối với người vợ nuê nhỏ tuổi như luật tục đã quy định, mà còn thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một người đàn ông với vai trò là ông, là người thân trong gia đình đối với đứa trẻ đang còn dưới tuổi vị thành niên.

Như vậy, tục Juê nuê không những tìm lại sự trọn vẹn của gia đình mẫu hệ, tạo điều kiện cho con trẻ không bị khủng hoảng về tình cảm, tâm lý mà còn bảo vệ của cải vật chất, bảo vệ gia đình mẫu hệ. Theo họ, có như vậy thì gia đình mới không bị “đứt dây”, người còn lại “ không bị lẻ đôi đơn chiếc”. Điều này, nếu xét trên bình diện xã hội học thì luật tục Juê nuê chưa hẳn là một luật tục lạc hậu, ấu trĩ mà nó mang tính nhân văn rất cao trong việc bảo vệ sự bền vững trong hôn nhân, đồng thời bảo vệ quyền lợi bên dòng mẹ, cũng có nghĩa bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ - những người thường phải chịu thiệt thòi nhiều hơn nam giới trong xã hội.

3. Hiện nay trong hôn nhân của người Êđê, tục Juê nuê vẫn còn tồn tại và vẫn được bà con áp dụng ở mức độ đậm nhạt khác nhau. Tuy nhiên, việc chấp nhận làm vợ hoặc chồng nuê đều được thực hiện một cách tự nguyện, không ép buộc. Có thể nói luật hôn nhân - gia đình nói chung và tục ]uê nuê nói riêng gắn với sự bảo vệ và duy trì gia đình mẫu hệ, trong đó cơ chế tâm linh đã chi phối các thành viên trong cộng đồng Êđê gắn bó, ràng buộc với nhau thông qua hôn nhân. Và sự gắn bó này vẫn dựa trên nguyên tắc một vợ một chồng, tôn trọng, dân chủ, tự nguyện, yêu thương và bình đẳng.

( Sưu tầm )​
 
Tập tục cưới ở Việt Nam

1/Những tập tục cưới của Việt Nam

Ngày nay, việc cưới và được tổ chức theo hình thức mới, ít coi trọng tục lệ cũ, nhưng những truyền thống đằng sau các bước và nghi thức chính chưa phải đã mất hết. Tuy nhiên, các đám cưới truyền thống xưa cũng khác nhau tùy theo vùng và dân tộc

Ngày nay, khi những người dân thành thị ở Việt Nam làm đám cưới, cả cô dâu và chú rể đều mặc quần áo cưới theo kiểu phương Tây, thay cho những bộ đồ cưới cổ truyền. Nhưng, ngay cả khi họ vẫn mặc bộ đồ cưới cổ truyền thì những bộ đồ cưới này không chỉ là màu trắng như vẫn dùng từ thế hệ này qua thế hệ khác, mà cả những bộ đồ mới nguyên màu hồng và màu đỏ.

Ngày xưa, cha mẹ thường lựa chọn nàng dâu cho con trai mình. Ở vùng cao, nam nữ thanh niên được tự do tìm hiểu, cha mẹ chỉ tham gia khi con cái đã có sự lựa chọn. Đôi khi, trong những gia đình là bạn thân của nhau thì cha mẹ sắp xếp chuyện cưới xin, sắp đặt tương lai cho con cái. Thời Pháp thuộc, việc lựa chọn vị hôn phu theo kiểu Tây phương bắt đầu có ảnh hưởng đến truyền thống hôn nhân của Việt Nam - tương tự như truyền thống của các dân tộc châu Á khác. Mặc dù, nam nữ thanh niên ngày nay có thể tự do hơn trong việc lựa chọn người bạn đời, nhưng sự đồng ý của cha mẹ, đặc biệt trong các gia đình lớn, vẫn là cần thiết.

Trong các dân tộc ít người, việc lựa chọn người bạn đời thường được dành cho từng cá nhân. Ở Tây Nguyên, nam nữ thanh niên có thể hẹn hò, gặp gỡ nhau trong rừng, ở nhà hoặc trong các lễ hội. Một số cha mẹ còn dựng các lều nhỏ cho con gái mình làm nơi hò hẹn. Cô gái sẽ mời người yêu của mình về ở với cô trong lều năm đêm. Nếu chàng trai không đồng ý lấy cô thì phải nộp phạt cho nhà gái một con gà và một ché rượu. Nếu đôi trai gái đồng ý kết hôn, họ sẽ thưa chuyện với cha mẹ. Qua các ông mối, các thiếu nữ Gia Lai và Ê Đê thường ngỏ tình cảm và đưa tặng người yêu chiếc vòng tay. Nếu người bạn trai nhận vòng, tức là họ chấp nhận lời hứa hôn và hôn lễ sẽ được cử hành sau đó.

Đối với người Mông, khi đôi trai gái đồng ý cưới nhau, chàng trai sẽ báo trước cho người yêu biết ngày và nơi mà cô sẽ bị "bắt". Theo tục lệ “bắt vợ” này, người con gái sẽ được đưa về nhà người yêu như một "tù nhân". Sau 3 ngày bị "bắt", nếu cô gái không trốn khỏi nhà có nghĩa là cô gái đã đồng ý cưới chàng trai. Sau đó, cha mẹ chàng trai nhờ ông mối chọn ngày lành tháng tốt cho lễ cưới. Cô gái được trở về nhà để chuẩn bị tư trang và váy áo cho đám cưới.

Đôi khi, thêm một lần thử thách người yêu, cô gái Mông lại yêu cầu người yêu "bắt" cô ngay tại nhà vào giữa đêm - việc này không phải là dễ vì lúc này trong nhà thường có đầy đủ mọi người. Để giúp người yêu, cô gái thường để ngỏ cửa sau. Khi bị "bắt", cô gái có thể sẽ hoảng sợ, kêu thật to, đánh thức cả nhà. Nếu chàng trai kéo được cô thật nhanh ra khỏi nhà thì càng chứng tỏ chàng trai của cô là người dũng cảm và mạnh mẽ.

Nhiều chàng trai Mông muốn mang hạnh phúc bất ngờ cho người yêu. Họ đến "bắt" mà không báo trước, lại còn giả làm người lạ để cô gái không nhận ra ngay từ đầu. Nhưng sau đó, cô gái sẽ vô cùng hạnh phúc khi nhận ra người yêu. Một số cô gái đã biết trước thường tách ra khỏi bạn bè, ở nơi vắng vẻ để bị "bắt" được thuận tiện. Từ bao đời nay, tục lệ "bắt vợ" này vẫn còn tồn tại.
Ở vùng Tây Bắc, khi chàng trai muốn cưới cô gái, anh ta thường rủ bạn bè, mang những chiếc khèn bè, đến diễn tấu dưới cửa sổ nhà sàn các cô gái. Qua thời gian tìm hiểu, chàng trai nào chọn được người yêu rồi sẽ nói với cha mẹ để lo chuyện hôn nhân. Theo tục lệ cũ, người con trai phải đến ở nhà người con gái trong 3 tháng trước khi làm lễ cưới chính thức. Anh ta chỉ được phép ở gian đầu nhà sàn dành cho khách nam giới. Anh ta cũng chỉ được phép mang theo một con dao để làm việc. Sau thời gian “thử thách” 3 tháng, nếu được bố mẹ vợ tương lai ưng ý, chàng trai sẽ trở về nhà để báo cho bố mẹ mình biết. Lần này, anh ta mới được mang tư trang của mình đến và ở đó suốt 3 năm. Lễ thành hôn chính thức chỉ được tiến hành sau 3 năm! Sau 3 năm, nếu đồng ý lấy chàng trai, cô gái sẽ búi tóc bằng trâm cài đầu và cái độn tóc giả do gia đình nhà trai mang đến. Cô gái nào không muốn cưới chàng trai sau 3 năm đó sẽ phản kháng bằng cách cắt trụi tóc mình. Sau lễ cưới, chú rể sẽ tiếp tục ở nhà gái từ một đến mười năm và chỉ được phép đưa vợ về nhà mình sau một nghi lễ đưa dâu long trọng. Lần này, nàng dâu phải chuẩn bị nhiều quà biếu gia đình bên chồng như tấm áo khoác thật đẹp cho mẹ chồng, một bộ quần áo thật đẹp biếu bố chồng và những tấm khăn piêu biếu cô bác bên chồng.

Trong một số trường hợp khi đám cưới do bố mẹ sắp xếp, lễ nạp thái đánh dấu lần đầu tiên hai gia đình gặp nhau. Ở giai đoạn này, chàng trai và cô gái đã được "lựa chọn". Sau đó, gia đình chú rể sẽ hỏi họ tên, ngày sinh tháng đẻ cô dâu tương lai. Song, họ thường nhờ thầy số bấm tuổi từng người, so đôi tuổi xem đôi trai gái có thể sống hòa hợp nhau và bền lâu hay không.

Khi mọi thứ suôn sẻ, gia đình chú rể sẽ thông báo cho gia đình cô dâu biết và trước lễ ăn hỏi, gia đình nhà gái sẽ thách cưới. Lễ vật gồm gạo nếp, gà, thịt heo, trà, trầu cau cho lễ cưới, một số nữ trang và vải vóc cho con gái. Việc đem những lễ vật này đánh dấu bước ăn hỏi giữa hai gia đình.
Trầu cau mang điển tích nhắc nhở lòng thủy chung của đôi trai gái. Gia đình cô dâu sẽ biếu lại nhà trai một phần lễ vật, số còn lại đem chia thành gói nhỏ, biếu họ hàng, bạn hữu để báo tin con mình đã đính hôn.

Từ ngày ăn hỏi đến ngày cưới, có tục sêu Tết. Chàng rể chưa cưới biếu nhà vợ mùa nào thức nấy những thứ đầu mùa như chim ngói, ngỗng, dưa hấu... Thời gian này, nhà gái thường phải tỏ ra không vội vã trong khi chú rể biết rằng anh ta phải cưới vợ càng nhanh càng tốt. Trong dân gian có câu rằng: “Cưới vợ thì cưới liền tay” bởi vì cô gái có thể bỏ đi với người khác nếu phải chờ đợi quá lâu.

Lễ cưới được tổ chức khác nhau tùy theo từng vùng. Ở vùng nông thôn miền bắc có tục chăng dây tơ hồng đám cưới. Một số thanh niên bên nhà gái chăng một sợi chỉ đỏ ngang đường mà cắt đi là điều tối kỵ. Nếu sợi tơ hồng bị đứt, cặp vợ chồng không thể ăn đời ở kiếp với nhau lâu được. Dưới sợi tơ hồng đó đặt một chiếc bàn, có sẵn bút, mực và giấy, trên giấy đã ghi sẵn một vế đối mà chú rể phải viết nốt vế đối còn lại. Thí dụ: nếu một vế của câu đối là: "Đông sàng tự Cổ, Đô Tây tịch." (Cái giường phía Đông từ xưa vẫn trải chiếu phía Tây) thì chú rể đối lại như sau: "Nam nhạn quy Trình, Xá Bắc chân." (Con chim nhạn ở phương Nam bay về - đỗ ở bãi phía Bắc).

Một khi chú rể hoặc một người trong họ nhà trai hoàn thành vế câu đối, chú rể coi như đã “đậu”. Nhà gái cuốn sợi dây tơ hồng lại, nổ pháo tưng bừng, đón mừng chú rể. Gia đình chú rể được mời ăn trầu, uống rượu và ăn cơm chiều. Sau bữa ăn, đại diện nhà gái mặc quần áo đẹp, cùng cô dâu, chú rể trở về nhà chú rể.

Về đến nhà chú rể, cô dâu phải bước qua một lò nhỏ than hồng, tục rằng để đốt vía, tránh dư luận gièm pha. Hai người làm lễ tế tơ hồng, khấn Ông Tơ Bà Nguyệt, rồi cùng uống chung chén rượu, cùng ăn chung khẩu trầu. Đến lễ gia tiên, hai người lạy ông bà, cha mẹ.

Nghi lễ cuối cùng chấm dứt khi cô dâu chú rể vào phòng. Một bà cao tuổi, vợ chồng song toàn, con cái đông đủ được mới sắp giường, giải chiếu cho đôi vợ chồng mới. Xong, mọi người rút lui.
Ngày hôm sau hoặc sau 4 ngày, đôi vợ chồng mới về thăm gia đình nhà vợ, thường mang theo mâm lễ, có cả con lợn quay. Nghi lễ này gọi là Lễ nhị hỷ hoặc Lễ tứ hỷ. Nếu rủi thấy tai con lợn đem sang bị xẻo, đó là báo hiệu có chuyện “trục trặc”.

Ở, vùng nông thôn, đôi vợ chồng mới cưới thường phải nộp cheo bằng một số vật liệu như gạch, ngói để tu bổ hoặc xây mới các công trình công cộng của làng xóm bên gái như đình, điếm, đường làng, cổng làng... Việc này chứng tỏ đôi vợ chồng mới là thành viên của làng, của xóm.
Trong các đám cưới ở thành phố hiện nay, các phu cưới được thay bằng các xe xích lô lọng vàng hoặc ô-tô chở lễ vật từ nhà trai sang nhà gái. Đám cưới giảm hầu hết các nghi lễ cổ kính mà thay bằng tiệc tùng náo nhiệt, có ca hát, có nhạc mới, một số nơi có cả khiêu vũ, chụp ảnh, quay phim. Cô dâu, chú rể lên xe hoa về nhà.

Ngày nay, đám cưới đã có những thay đổi lớn, theo thời gian và thời thế. Người phụ nữ không còn quanh quẩn trong nhà nữa, đã ra ngoài xã hội, làm mọi công việc bình đẳng với nam giới, tự quyết định lấy cuộc đời của mình. Tuy nhiên, những nghi lễ cần thiết như cưới, hỏi vẫn phải có vì thanh niên ngày nay vẫn phải xin phép cha mẹ khi cưới xin.

Theo lệ làng, người Việt nam nói chung có “lễ nạp tài” trong ngày cưới, tức là bố mẹ chú rể dẫn lễ xin dâu sang nhà gái. Lễ gồm trầu cau, rượu - chè - thuốc, 1 chiếc nón lá, 1 đến 3 bộ quần áo cô dâu, 1 đôi hoa tai, 1 nhẫn và 1 vòng cổ đều bằng vàng Trước lễ nạp tài là lễ ăn hỏi, trước lễ ăn hỏi là lễ chạm ngõ. Lễ nạp tài: Là ngày nhà trai phải đem sính lễ sang nhà gái. Đồ sính lễ gồm trầu cau, gạo nếp, thịt lợn, quần áo và đồ trang sức cho cô dâu. Ý nghĩa của lễ nạp tài là nhà trai góp với nhà gái chi phí cỗ bàn, cho nhà gái và cô dâu biết đã có sẵn cho cô dâu đầy đủ. Đồ nữ trang cho cô dâu làm vốn sau này, cô có thể yên tâm xây dựng tổ ấm mới, chứ không đến nỗi sẽ gặp cảnh thiếu thốn.

Do không hiểu ý nghĩa này, mà nhiều nơi đã xảy ra nạn thách cưới. Nhà gái đòi điều kiện của cải, bù vào việc nhà mình mất người. Rồi còn xảy ra tệ nạn sau khi cô dâu về, bà mẹ chồng đã thu lại các của cải để bù vào việc đi vay mượn trước đó. Thách cưới đã thành hủ tục, giờ đây đã được bỏ đi.

2/Trình tự tiến hành lễ cưới của người Việt Nam, từ Nam chí Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi – tên gọi có thể khác nhau, nhưng đều thống nhất như sau:
Sự mối manh: Đầu tiên phải có người trung gian, đóng vai trò bắc cầu cho hai bên gia đình… Đó thường là người đứng tuổi, có uy tín, có kinh nghiệm.

Lễ chạm ngõ

Được sự đồng ý của nhà gái, nhà trai đem lễ sang. Đồ lễ bắt buộc phải có là trầu, cau, rượu, chè. Phải có trầu cau mới được, vì câu chuyện trầu cau trong cổ tích Việt Nam là tiêu biểu cho tình nghĩa vợ chồng, họ hàng ruột thịt. Không có trầu là không theo lễ.

Lễ vấn danh (ăn hỏi)

Chữ Hán gọi chữ này là lễ vấn danh (hỏi tên tuổi, so đôi lứa). Gọi như thế thôi chứ người ta đã biết rõ rồi. Cô gái nhà nào đã nhận lễ vấn danh coi như đã có chồng (dù chưa cưới). Cô đã phải biết bổn phận rồi, và những nhà khác cũng phải biết, đừng lai vãng mối lái gì nữa. Nhân dân nói một cách mộc mạc mà rất có ý vị. Đó là ngày bỏ hàng rào. Nghĩa là con gái nhà này đã được gài, được đánh dấu rồi, xin đừng ai hỏi đến nữa. Còn một cái tên nôm na để dịch lễ vấn danh: lễ ăn hỏi.
Sau ngày lễ ăn hỏi, phải có báo hỉ, chia trầu. Nhà gái trích trong lễ vật nhà trai đưa đến một lá trầu, một quả cau, một gói trà (pha đủ một ấm), một cái bánh cốm, hoặc vài hạt mứt. Tất cả gói thành hộp hay phong bao giấy hồng, mang đến cho các gia đình họ hàng, bạn hữu của nhà gái. Nhà trai cũng báo hỉ, nhưng không phải có lễ vật này mà chỉ cần thiếp báo hỉ thôi. Cũng trong lễ ăn hỏi, hai họ định luôn ngày cưới.

Lễ cưới

Lễ nạp tài: Là ngày nhà trai phải đem sính lễ sang nhà gái. Đồ sính lễ gồm trầu cau, gạo nếp, thịt lợn, quần áo và đồ trang sức cho cô dâu. Ý nghĩa của lễ nạp tài là nhà trai góp với nhà gái chi phí cỗ bàn, cho nhà gái và cô dâu biết đã có sẵn cho cô dâu đầy đủ. Đồ nữ trang cho cô dâu làm vốn sau này, cô có thể yên tâm xây dựng tổ ấm mới, chứ không đến nỗi sẽ gặp cảnh thiếu thốn.
Do không hiểu ý nghĩa này, mà nhiều nơi đã xảy ra nạn thách cưới. Nhà gái đòi điều kiện của cải, bù vào việc nhà mình mất người. Rồi còn xảy ra tệ nạn sau khi cô dâu về, bà mẹ chồng đã thu lại các của cải để bù vào việc đi vay mượn trước đó. Thách cưới đã thành hủ tục, giờ đây đã được bỏ đi.
Lễ xin dâu

Trước giờ đón dâu nhà trai cử người đem trầu, rượu đến xin dâu, báo đoàn đón dâu sẽ đến.

Lễ rước dâu

Đoàn rước dâu của nhà trai đi thành từng đoàn, có cụ già cầm hương đi trước, cùng với người mang lễ vật. Nhà gái cho mời cụ già thắp hương vái trước bàn thờ rồi cùng ra đón đoàn nhà trai vào. Cô dâu đứng sẵn để cùng với chú rể lạy trước bàn thờ, trình với tổ tiên. Sau đó hai người cùng bưng trầu ra mời họ hàng. Bố mẹ cô dâu tặng quà cho con gái mình. Có gia đình cũng lúc này bày cỗ bàn cho cả họ nhà gái chung vui. Khách nhà trai cũng được mời vào cỗ. Sau đó là cả đoàn rời nhà gái, để đưa dâu về nhà chồng. Họ nhà gái chọn sẵn người đi theo cô gái, gọi là các cô phù dâu.

Rước râu vào nhà

Đoàn đưa dâu về đến ngõ. Lúc này, bà mẹ chồng cầm bình vôi, tránh mặt đi một lúc, để cô dâu bước vào nhà. Hiện tượng này được giải thích theo nhiều cách. Thường người ta cho rằng việc làm này có ý nghĩa khắc phục những chuyện cay nghiệt giữa mẹ chồng và nàng dâu sau này.

Lễ tơ hồng

Cả hai họ cùng ngồi ăn uống xong, tất cả ra về, trừ người thân tín thì ở lại. Họ chờ cho cô dâu chú rể làm lễ cúng tơ hồng. Người ta cho rằng vợ chồng lấy được nhau, là do ông Tơ bà Nguyệt trên trời xe duyên cho. Cúng tơ hồng là để tạ ơn hai ông bà này. Lễ cúng tơ hồng đơn giản nhưng rất thanh lịch, không có cỗ bàn nhưng có rượu và hoa quả. Có thể cúng trong nhà, mà cũng có thể cúng dưới trời . Ông cụ già cầm hương lúc đón dâu, hoặc ông cụ già cả nhất của họ hàng, chứng kiến buổi lễ. Lạy cụ tơ hồng, rồi hai vợ chồng vái nhau (gọi là phu thê giao bái). Các đám cưới quý tộc thì việc tổ chức có quy cách hơn.

Trải giường chiếu

Xong lễ tơ hồng, thì cô dâu chú rể cùng mọi người vào phòng cô dâu. Trong lúc này trên chiếc giường cưới đã có sẵn đôi chiếu mới úp vào nhau. Bà mẹ chồng, hoặc một bà cao tuổi khác, đông con nhiều cháu, phúc hậu, hiền từ, sẽ trải đôi chiếu lên giường, trải cho ngay ngắn, xếp gối màn cẩn thận.

Lễ hợp cẩn

Đây là buổi lễ kết thúc đám cưới tại nhà trai. Trước giường có bàn bày trầu rượu và một đĩa bánh. Loại bánh này gọi là bánh phu thê (sau này ta đọc thành bánh xu xê). Ông cụ già đứng lên rót rượu vào chén rồi mời đôi vợ chồng cùng uống, phải cùng cạn chén, cùng ăn hết cái bánh - chỉ co hai vợ chồng, không chia cho ai, không để thừa.

Mọi người ra ngoài, để hai vợ chồng cùng tâm sự. Ở một số nhà khá giả, thiên về hoạt động văn hoá, thì những bạn bè văn chương chữ nghĩa với chàng rể còn mang hoa, thắp đền sáng rực trong phòng hợp cẩn. Họ cũng ca hát, gây tiếng động, hoặc vỗ tay, đập các khúc gỗ vào nhau. Do đó mà sau có chữ động phòng hoa chúc.

Lễ lại mặt

Cũng gọi là ngày nhị hỉ, lễ cưới xong, sáng hôm sau, hai vợ chồng trẻ sẽ trở về nhà gái, mang theo lễ vật để tạ gia tiên. Lễ vật cũng có trầu, xôi, lơn. Bố mẹ vợ làm cơm để mời chàng rể và con gái mình. Ở một số trường hợp nếu xảy ra chuyện gì mà nhà trai không bằng lòng sau đêm hợp cẩn, thì lễ nhị hỉ lại có những chuyện không hay. Nhưng trường hợp này rất hiếm.

Lễ cheo

Lễ cưới Việt Nam còn có một hiện tượng độc đáo, đó là lễ cheo. Lễ cheo có thể tiến hành trước nhiều ngày, hoặc sau lễ cưới một ngày. Lễ cheo là nhà trai phải có lễ vật hoặc kinh phí đem đến cho làng hay cho xóm có con gái đi lấy chồng. Lễ cưới là để họ hàng công nhận, lễ cheo là để xóm làng tiếp thu thêm thành viên mới, tế bào mới của làng. Thật ra đây cũng là thủ tục như bây giờ chúng ta đăng ký ở Uỷ ban. Song người Việt không cho đó chỉ là thủ tục, mà là một lễ nghi hẳn hoi. Người theo chữ nghĩa sách vở thì gọi lễ cheo này là lễ lan nhai (nhiều người đọc ra là lễ lan giai). Lan nhai có nghĩa là tiền nộp cheo cho làng khi nhà trai đến đón dâu ở nhà gái.
Cách thức tổ chức, trình tự tiến hành của một đám cưới Việt Nam ngày xưa là như vậy. Những đám cưới theo kiểu mới hiện nay, theo phong trào, theo quan niệm mới (thật ra thì chưa thành quan điểm), ta cứ làm mà thực ra thì chưa ưng lắm. Gần đây đời sống của ta có tươi hơn, chuyện xã giao, chuyện theo đà cũng rầm rộ hơn, khiến cho nhiều người biết là không ổn mà vẫn cứ phải theo những kiểu cách phô trương (có cả trục lợi).

Nhìn lại các phong tục cổ truyền của đám cưới ngày xưa, phải thành thực nhận rằng nhiều người trong chúng ta chưa thật tiếp cận đúng với tinh thần, ý nghĩa nên chỉ thấy phần thiếu sót: nhiều nghi lễ phiền phức, mang tính phong kiến nặng nề; nhiều hủ tục: chuyện thách cưới, chuyện ở rể, chuyện đăng môn hộ đối… làm giảm đi ý nghĩa của hôn nhân, đám cưới phô trương cỗ bàn, khoe khoang y phục, hát xướng…

Thật ra người dân ta, ngày xưa có ưa gì những đám cưới loè loẹt đâu. Nhưng một mặt khác, lại phải thấy rằng, cách tổ chức ngày xưa quả thực có ý nghĩa sâu sắc và có những nét đẹp. Các đám cưới mới của chúng ta ngày nay, phải xin phép để nói rằng, nhiều trường hợp đã không thể hiện được cái đẹp, cái hay đã có.

Về ý nghĩa sâu sắc, có tính cách triết học, có thiên về tâm linh, người ta hiểu rằng: hôn nhân là việc hệ trọng, là thiêng liêng. Vì thế người ta thấy cần phải theo lễ. Phải gọi là lễ cưới chứ không chỉ là đám cưới suông. Lấy vợ, lấy chồng là một việc thiêng liêng của đời người. Lấy nhau vì tình, nhưng cũng còn vì nghĩa nữa. Nhiều cô cậu ngày nay chỉ biết yêu nhau mà lấy nhau, để thoả mãn sự gắn bó, có lẽ không khẳng định là dài hay ngắn.

Cưới vợ cưới chồng ở Việt Nam la có sự chứng kiến của thần thánh tổ tiên (có tơ hồng). Đó là thần quyền. Rồi phải có làng xóm, pháp luật công nhận (lễ nộp cheo. Đó là pháp quyền. Và trước nhất anh chị phải yêu nhau, phải thấy hợp nhau, hợp tuổi tác. Đó là nhân quyền. Những đám cưới có hai cô cậu biết nhau (mời bạn bè đến ăn) cũng chỉ là quan hệ cá nhân mà thôi. Chỉ biết yêu, chứ không biết đó là thiêng liêng, nên sự ràng buộc chỉ là mức độ.

Đám cưới Việt phải có trầu, cau mới thể hiện được sự ràng buộc của tình nghĩa vợ chồng và linh ứng của thần linh. “Ba đồng một mớ trầu cay – Sao anh không hỏi những ngày còn không…” là ý nghĩa như thế.

Lễ vật đám cưới truyền thống - ở các nhà bình dân – không có mâm cao cỗ đầy, không ai đếm món: mâm này năm trăm, mâm kia sáu trăm, nhà các quan to thì lắm xe đưa đón. Nhưng người dân Việt Nam biết chọn các lễ vật đẹp. Những cốm, hồng, những dây lụa chăng đường, những bài thơ, bài hát. Thật là đẹp đẽ và cảm động. Cái đẹp của lễ cưới Việt Nam là như thế.


3/Xưa gọi là Hôn-Lễ, vì nó có ý nghĩa riêng, vì theo lễ tục xưa người ta làm lễ cưới vào buổi chiều tối. Buổi chiều tối là lúc Dương qua Âm lại, âm dương giao hoán với nhau được thuần, cho nên dùng giờ này để làm Hôn-Lễ, tức là thuận theo lẽ tuần hoàn của trời đất.
Theo xưa thì có 6 lễ, phân ra như sau :

1. Vấn danh ( hay là cầu thân )
2. Sơ vấn ( hay là lễ sỉ lời )
3. Ðại đăng khoa ( lễ đám hỏi )
4. Sỉ lời ( tức là lễ hỏi thăm nhà gái đòi hỏi những lễ vật, tiền nong thế nào )
5. Lễ nạp tài và thăm con dâu Lễ tiểu đăng khoa ( tức là lễ cưới )

1.- Lễ Nạp Thái
Theo tục lệ Trung Hoa thì sau khi nghị hôn rồi, nhà trai mang sang nhà gái một cặp "nhạn". Sở dĩ đem chim nhạn là vì chim nhạn là loài chim rất chung tình, không sánh đôi hai lần. Tương truyền rằng loài chim nhạn rất thảo ăn, khi chúng nó gặp mồi thì kêu nhau ăn chung, vừa lúc đẻ trứng thì khi nở thế nào cũng có một con trống và con mái mà thôi. Khác với các loại chim khác, chim nhạn khi có một con chết thì một con còn lại cũng buồn rầu mà chết theo. Sau này, người Trung Hoa nào còn theo cổ lễ thì chỉ dùng ngỗng thay thế cho chim nhạn. (Loài ngỗng tuy ngông nghênh, nhưng rất chung tình).

2.- Lễ Vấn Danh
Là hỏi tên và họ của cô gái là gì, được bao nhiêu tuổi, đã có hứa hôn với ai chưa.

3.- Lễ Nạp Cát
Là sắm sửa lễ phẩm đem sang nhà gái cầu hôn. Tùy theo nhà giàu thì lễ quí, còn nghèo thì chút đỉnh gọi là.

4.- Lễ Nạp Chưng
Lễ Nạp Chưng hay là Lễ Nạp Tệ ("chưng" nghĩa là chứng, "Tệ" nghĩa là lụa) là lễ đem hàng lụa hay vật phẩm quí giá đến nhà gái làm tang chứng cho sự hứa hôn chắc chắn, rồi chỉ chờ ngày cưới dâu.

5.- Lễ Thỉnh KỳLà Lễ xin định ngày giờ làm Lễ Cưới, nhưng ngày giờ cũng do bên trai định, rồi hỏi lại ý kiến bên gái mà thôi, song thế nào nhà gái cũng tùy ý bên trai.

6.- Lễ Thân Nghinh
Là đã được nhà gái ưng thuận, ngày giờ đã định của bên trai.Bên trai đem lễ vật sang làm lễ rước dâu về.

Bài sưu tầm trên Internet


Thandieu2: Ngoài Hoa ra thực chẳng muốn lấy ai khác!...
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top